Học ngược nghĩa là làm trái với qui trình cần thiết ; học ngọn nghĩa là không biết cái gốc, không đi từ gốc mà chỉ lo hớt đoạn trên. Đại đa số học sinh phổ thông hiện nay, phần lớn sinh viên đại học ngành văn bây giờ - tôi đảm bảo là như vậy -. không chịu đọc tác phẩm hoặc chỉ đọc qua loa mà chủ yếu lo tìm các loại tài liệu phân tích, bình giá để ghi chép, để học thuộc. Năng lực cảm thụ thẩm mĩ kém, thói quen ăn theo nói leo từ đó mà ra. Không tự mình đọc kĩ tác phẩm, không sống cùng nhân vật, rung động với nhà văn thì làm sao rèn luyện năng lực thẩm mĩ, năng lực đánh giá, làm sao biết chắc những bài phân tích, bình phẩm kia nông hay sâu, đủ hay thiếu ở mức nào. Thế mới có những chuyện “thật mà như bịa”. Có năm đề thi tuyển sinh đại học ra câu (5/10 điểm) “Phân tích vẻ đẹp nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)”, một thí sinh say sưa vẽ nên hình tượng này : Anh Huấn Cao dáng người tầm thước, da ngăm ngăm đen, mặt vuông vức chữ điền. Anh mặc bộ quần áo bà ba, đầu đội chiếc mũ tai bèo, vai mang khẩu súng A.K…Anh Huấn Cao luôn nêu cao khí tiết người đảng viên cộng sản…(!). Giá Nguyễn Tuân còn sống chắc cũng cúi đầu bái phục đoạn văn này ! Lại có bài (cũng thi tuyển sinh đại học) miêu tả : Đêm ấy, Mị ( truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài) chạy ra ngoài ngõ để đi chơi xuân, chợt thấy A Phủ bị trói nơi cột, vội trừng mắt kêu lên : sao anh lại bị trói ở đây !
Xuân Diệu từng hóm hỉnh nói : viết phê bình, sáng tác thơ văn ai mà chẳng “ăn cắp”, nhưng “ăn cắp thì phải biết phi tang”. Ta hiểu “phi tang” tức là biến thành cái của mình, diễn đạt bằng cách của mình. Trong làm văn, trong nghiên cứu văn chương, hầu như ai cũng cần học hỏi, thu lượm ở người này người nọ, chỗ ấy chỗ kia dù nhiều dù ít. Tôi không phản đối phải đọc các bài nghiên cứu, phê bình có trước, thậm chí càng đọc được nhiều càng tốt. Tôi cũng không phê phán việc đọc công trình nghiên cứu, bài phê bình trước lúc đọc chính tác phẩm, thậm chí đọc như thế sẽ được định hướng tiếp nhận. Song đọc nhiều thì phải biết tổng hợp, so sánh, biết chọn lọc một cách có chủ kiến. Song dẫu sao cũng phải tự mình đọc kĩ tác phẩm (đối tượng) để, bằng cảm thụ của chính mình, củng cố hay điều chỉnh định hướng ban đầu. Học người khác chứ không phải cậy người khác đọc thay, nghĩ thay rồi mặc nhiên chấp nhận không cần suy xét, lựa chọn. Có không ít em học sinh đọc nhiều đâm ra mù mờ, hoang mang, không biết theo ai, nhớ gì. Đọc tác phẩm, đọc tài liệu cũng là chuyện người học, người nghiên cứu cần phải rèn giũa, cần được hướng dẫn. Trước một tác phẩm, một tài liệu, người đọc ba lần chưa hẳn đã thua người đọc năm lần. Chọn thời gian đọc, không gian đọc, tạo tâm thế tiếp nhận thích ứng, phân bổ sự chú ý…nghĩa là còn nhiều khía cạnh nữa của phương pháp đọc sách chưa kể một yếu tố cực kì quan trọng là năng lực trí tuệ, cảm xúc của cá nhân. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là dù sao cũng phải trực tiếp tiếp xúc với tác phẩm, tự mình thâm nhập vào môi trường thẩm mĩ của tác phẩm, sống trong đó, thì mọi tiếp nhận mới được qua kiểm định, được chọn lọc. Hãy cứ làm như thế rồi qua quá trình học, quá trình đọc, năng lực cảm thụ, phương pháp tư duy dần được nâng cao chứ “trời” có cho cảm xúc, năng khiếu mọi người ngang nhau đâu. Bị hàng tạ sách tham khảo đè lên đầu, hầu hết học sinh, sinh viên học văn cứ nghĩ : vấn đề này, tác phẩm này bị người ta phân tích hết rồi, mình còn chỗ nào mà “thò bút” vào nữa. Chưa hẳn ! Không phải mọi sách tham khảo, giáo trình đều tốt. Hãy tập tư duy phản biện. Cứ chịu khó tìm tòi, suy nghĩ chắc hẳn sẽ thấy vẫn có những chỗ mình cần “động thủ”.
Lối học ngược, học ngọn làm cùn mòn năng lực thẩm mĩ cá nhân, và nguy hại hơn, góp phần tạo nên thói quen, tạo thành tính cách. Nghĩ và làm theo cái đầu, ngôn ngữ của người khác, tỏ ra mình “rộng rãi kiến văn”, “hiện đại”, đang theo sát thiên hạ…là những thói tật xấu trái với yêu cầu đào tạo con người có năng lực tư duy độc lập, hành động chủ động trong thời đại hiện nay. Rất nhiều luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ngành khoa học xã hội, ngành lí luận dạy học bây giờ là kết quả của sự thu nhặt, lắp ghép, của sự xào nấu lại chỗ này chỗ kia vào hệ thống chương mục của mình, thỉnh thoảng phân tích cụ thể thêm một chút. Trong khoảng trên bảy mươi, trên một trăm hoặc ngót hai trăm thư mục tham khảo mà họ trương lên ấy, liệu đã thực đọc được một nửa không ? Những luận văn, luận án kiểu ấy phỏng có ích gì cho thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy ? Phong trào nghiên cứu khoa học cứ tăng trưởng đều đều, luận văn, luận án cứ được sản xuất ào ạt, nhưng rồi có dùng được không, ai dùng ? Nhân đây, cũng xin đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho bỏ (hoặc thay thế sao đó) câu bắt buộc ghi ở ngay trang đầu cuốn luận án : Tôi xin cam đoan rằng đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Những số liệu, kết quả trong luận án là trung thực và chưa được công bố ở một công trình nào khác. Một yêu cầu hình thức đúng là hình thức ! Chắc rằng nhiều tác giả luận án cũng cảm thấy xấu hổ mà đành ghi thế cho phải phép. Vậy là trước khi được phép bước vào làng nghiên cứu khoa học, người ta đã phải, đã được nói dối. Điều này làm mất đi cái văn hóa xấu hổ đang ngày một hiếm hoi, khuyến khích người ta làm dối giữa cái xã hội đang tràn lan chuyện nói dối, làm dối ở hầu khắp mọi lĩnh vực.
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin vô cùng hiện đại, hiệu ứng xã hội có sức lan tỏa nhanh chóng. Trong hoàn cảnh này, bản lĩnh cá nhân dễ bị vây bọc, đe dọa, con người phải nỗ lực bắt nhịp đời sống để khỏi tụt hậu. Bởi thế, tình trạng ăn theo nói leo cũng diễn ra một cách phổ biến, thường xuyên trong học văn, đọc văn (tôi dùng chữ này bao gồm cả hoạt động phê bình, nghiên cứu ). Nhà văn này “táo bạo đổi mới”, tác phẩm này đang được tung hô, thế thì mình cũng phải bàn góp, phải tán thưởng để chứng tỏ mình tiên tiến mặc dù chưa hẳn đã đọc một cách nên hồn. Ca sĩ này đang được thổi lên “sao”, bài hát kia đang “hot” thì mình cũng phải vỗ tay tán thưởng để chứng tỏ thẩm mĩ “hợp thời”. Chưa chi đã “bốc”, đã tán dương. Một chút sơ sẩy đã “hạ”, đã bới móc. Sự thực này diễn ra thật rõ trong âm nhạc, trong bóng đá mà báo chí, truyền thông góp một “vai trò quan trọng”. Hiệu ứng xã hội kiểu ấy tạo nên tình trạng yêu tập thể, ghét hội đồng, tạo nên thói a dua khi có ý thức, khi thật hồn nhiên. Tất nhiên, hiệu ứng xã hội có mặt tích cực, tính cần thiết của nó nếu được “phát lệnh” đúng, tổ chức đúng. Ở đây, xin không bàn về phương diện ấy.
Để từ bỏ tình trạng học ngược, học ngọn trong dạy học văn, trong đọc văn cần sự nỗ lực đồng bộ của mọi thành viên trong quá trình giáo dục, trước tiên là ý thức của người học. Cùng với đó là chuyện phương pháp kiểm tra, đánh giá bởi trong xã hội ta thi cử thế nào thì học thế đó để thích ứng. Qua bài viết, tôi chỉ muốn chia sẻ rằng đây chuyện diễn ra ở mọi cấp của giáo dục, đào tạo và diễn ra không chỉ trong phạm vi của lĩnh vực này. Vấn đề là thói quen lâu ngày sẽ làm nên tính cách. Hiểu sự “nguy hiểm” của tình trạng như thế thì nên cùng nhau kịp thời chạy chữa.