Tất cả những thành tựu trong sự nghiệp chính trị của ông là kết quả của một quá trình học và tự học một cách không mệt mỏi, tự đúc rút những bài học lớn của lịch sử và cả lăn lộn trong thực tế nghiệt ngã của đời sống chính trị cũng như cuộc sống đời thường. Ông luôn chú ý học hỏi, sửa mình, sẵn sàng nhận lời góp ý, phê bình của triều thần. Có lần Tế tửu Quốc tử giám kiêm Văn minh điện Đại học sĩ là Nguyễn Bá Kí dâng sớ can gián về việc vua làm văn không chu ý kinh sử, vua dụ: “Trẫm vừa xem xét hết lá sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh sử, lại chuộng lối học phù hoa vô dụng, chỉ để ý ở ngoài mây khói. Nếu ta thực sự thích văn mà không gốc ở kinh sử thì còn cách nào nữa. Ta tự xét mình, xét đến lời nói và bốn chữ phù hoa vô dụng thực đã là trung lắm rồi”, khi ông này chết, nhà vua khen “khi gần chết trung vẫn chưa thôi”. Nhà vua sẵn sàng nhận lỗi khi mắc lỗi. Có lần khép Ngự sử Trần Xác vào tội du thuyết, sau vua tự nhận mình sai: “Trẫm nói vu cho ngươi là kẻ du thuyết, đó là lỡ lời. Ngươi có mưu mô gì hay, nên cứ vào nói…”(1). Ông là người có văn hóa, có tự trọng, và chính điều đó đã giúp ông trong việc thắp sáng ngọn lửa của lòng tự trọng dân tộc. Có thể thấy mấy nét lớn trong tư tưởng trị nước của nhà vua như sau.
1. Sự trân trọng giá trị con người
Vốn không phải là người kế vị chính thống, lại sống trong một không khí chính trị căng thẳng, nơi xảy ra thường xuyên những vụ chém giết, những cuộc thanh trừng nhằm bảo vệ vương triều và quyền lợi cá nhân xuất phát từ sự nghi kị của nhà vua với các đại thần, giữa các đại thần với nhau, giữa các thế lực bất đồng chính kiến, kèm theo đó là cuộc chiến tranh dành quyền lực ở hậu cung, Lê Hạo (tên thật của Lê Thánh Tông) đã sớm suýt bị nghiền nát bởi bánh xe lịch sử, nếu không nhờ Nguyễn Trãi và một số đại thần khác như Đinh Liệt, Nguyễn Xí… cứu giúp, đã phải trở thành nạn nhân của những cuộc thanh trừng từ thuở còn trong bụng mẹ. Tuy vậy, sự can thiệp của các trọng thần có trách nhiệm này rốt cuộc cũng chỉ cứu ông khỏi chết mà không thể cứu ông thoát khỏi cảnh lưu lạc như một thường dân trong dân gian. Có lẽ chính vì những tháng ngày lưu lạc ấy, mà ông thường nhìn những người thấp cổ bé họng trong xã hội bằng một cái nhìn thương cảm và đầy sẻ chia. Câu chuyện câu đối tặng người bán phân là một ví dụ cho tấm lòng thương dân của nhà vua. Chuyện rằng, một lần nọ, vào thời khắc giao thừa, nhà vua quyết định vi hành để xem xét đời sống của nhân dân qua việc đón tết. Giờ giao thừa sắp điểm, thế mà vẫn có người đang phải tảo tần để nhặt phân bán kiếm sống. Nhà vua cảm thán mà đề tặng câu đối rằng: “”ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự/ Đê tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm”. Câu đối nghĩa đen mô tả hành động của người bán phân: một bộ quần áo ấy mà làm việc khó của thiên hạ (hót phân là việc không phải ai cũng muốn làm); vung ba thước kiếm (có lẽ chỉ cái xẻng), mà thu hết (những thứ trong) bụng người ta. Điều quan trọng là hành động ấy, qua cách nói của nhà vua, đã được mĩ hóa, biểu hiện một tư duy, cách nhìn nhận cao khoáng. Nó, một mặt thể hiện cốt cách, khí phách đế vương, một mặt, thể hiện sự sẻ chia và cái nhìn nghiêm cẩn mà độ lượng của nhà vua đối với giá trị của sự lao động. Nếu không có những tháng ngày lăn lóc trong dân gian cùng mẹ là bà phi bị ruồng bỏ, liệu nhà vua có thể có sự sẻ chia ấy? Có lẽ chính vì nhận ra giá trị của lao động, của những con người nhỏ bé ấy và khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh bằng việc huy động sức nhàn của dân, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội mà nhà vua ban bố những chủ trương sửa đổi luật thuế khóa, khuyến khích mở rộng đồn điền và ban bố luật khuyến nông…
Khác với một số triều đại khác, dưới thời Lê Thánh Tông, giá trị con người rất được đề cao, chẳng vậy mà ngay cả số phận người phụ nữ cũng được nhà vua quan tâm hết mực. Nhà vua tôn trọng, thậm chí ngay cả kẻ thù của chính mình. Một lần đi chinh phạt nước Chiêm, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, khi thấy quân lính giải đi vội vã, vua nhắc nhở: “Đưa đi thong thả thôi, họ là vua một nước, không nên bách thế” (2)
Một số nội dung cơ bản của bộ luật Hồng Đức là bảo vệ quyền sở hữu tài sản của muôn dân, chống tham nhũng triệt để, chống sự lạm quyền và ức hiếp dân chúng, bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ… Đây có thể là điểm vượt trội, thậm chí là đi trước thời đại của một người phương Đông ở thế kỉ XV. Và ở góc độ này, nhà vua thậm chí còn là một nhà tư tưởng, nhà cải cách.
2. Trân trọng, tin tưởng lực lượng trí thức, điều hành quản lí đất nước bằng trí tuệ, văn hóa
Vũ Quỳnh nhận xét: “Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay mà cái học của thánh hiền lại đặc biệt siêng năng, tay không lúc nào rời cuốn sách. Các tập kinh sử, lịch toán, những việc thánh thần không có gì là không bao quát tinh thông, văn thơ thì vượt trên cả văn mẫu của các văn thần” (3). Sự học của nhà vua không chỉ giúp ông trở thành một nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà văn hóa, mà điều quan trọng là, từ tầm vóc văn hóa ấy, ông đã sửa mình để xây dựng đất nước. Lê Thánh Tông là người trị nước, trước hết bằng vốn văn hóa của mình, bằng văn hóa.
Lê Thánh Tông rất giỏi công việc nội trị. Điều này thể hiện rất rõ ở những cải cách từ khi lên nắm quyền. Trong đó, đặc biệt là việc chú ý phát triển sự nghiệp giáo dục, mà thực chất là sự tôn trọng và khát vọng khai thác nguồn lực trí tuệ của nhân dân. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan trọng yếu của học sự phong kiến, ông còn cho xây dựng kho bí thư chứa sách. Điều này có lẽ bởi ông đã rút ra được những bài học lớn từ lịch sử xa và quá khứ gần. Có thể ông nghiệm ra rằng, bất cứ chế độ nào, nếu không trị nước bằng đạo, bằng trí tuệ, coi thường, phớt lờ tiếng nói của trí thức, chỉ biết đàn áp, bưng bít, bắt bớ, chém giết, triều đại ấy tất không tránh khỏi thảm họa diệt vong. Đấy là bài học từ việc phần thư mai nho của Tần Thủy Hoàng, và gần nhất, ngay cả với vị vua sáng nghiệp nhà hậu Lê là Thái Tổ Lê Lợi. Dưới thời ông vua này trị vì, dường như phần lớn các đại thần được trọng dụng đều là kẻ võ biền hiếu sát, còn các trí thức, nhất là kẻ sĩ Bắc Hà như Nguyễn Trãi, Trịnh Khả, Lưu Nhân Chú, Trần Nguyên Hãn… rốt cuộc đều, hoặc bị thất sủng, bị bắt bớ, giam cầm, thậm chí bị giết một cách oan uổng. Khắc phục tình trạng đó, Lê Thánh Tông ra sức tìm, sử dụng người tài và đặc biệt tôn trọng trí thức, có ý thức gìn giữ, phát triển tri thức. Ngoài việc lập thêm kho bí thư, nhà vua còn thành lập Hội Tao đàn Nhị thập bát tú để quy tụ hiền tài. Coi trọng sự học, chủ trương sử dụng hiền tài với tư cách là nguyên khí quốc gia, dưới thời Lê Thánh Tông, việc học tập, thi cử được tổ chức thường xuyên hơn, có nhiều Tiến sĩ, Trạng nguyên đỗ đạt, thành danh. Nhà vua cũng hết sức coi trọng thực học và chống gian lận trong thi cử. Ông, thậm chí nhiều lần tự mình làm chủ khảo chấm lại những bài thi mà bản thân ông cho là gian lận. Lập bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc tử giám cũng là ông, và chủ trương “hiền tài là nguyên khí quốc gia” cũng xuất phát từ triều đại ông trị vì.
Lê Thánh Tông coi trọng trí thức, coi trọng người hiền. Nhà vua rất chú ý đến phẩm hạnh của con người nói chung, nhất là đối với người có học. Người tài được ông tuyển chọn không chỉ có tài, mà quan trọng phải là người đạo hạnh. Công việc lựa chọn này được thực hiện một cách nghiêm túc ngay từ khâu đầu tiên, nó được đặt ra ngay từ khi định lệ thi hương. Sử chép, tháng 4 Nhâm ngọ (1462) định lệ thi hương, vua có chỉ: “Cho quan bản quán và xã trưởng xã mình làm giấy bảo kết rằng người ấy là thực có đức hạnh thì mới cho vào sổ đi thi. Người nào vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa… thì dù có học vấn, có giỏi văn bài cũng không cho vào thi”(4). Giao cho các quan lựa chọn, tiến cử người hiền, nhưng nhà vua luôn tự mình kiểm tra lại và cũng rất nghiêm khắc với những kẻ tiến cử nhầm người. Không chỉ thế mà ông còn rất quan tâm đến thái độ của các quan với người hiền. Về việc này, có lần ông ban dụ trách Nguyễn Xí là kẻ “trộm ngôi”: “Các ngươi vốn là quan võ làm trấn phủ, nghĩa chữ “trấn phủ” người quan võ có biết được không? Như Tang Văn Trọng còn bị Khổng Tử chê là trộm ngôi, huống chi là ngươi, bịt đường của kẻ hiền tài, khơi nguồn cho kẻ cầu may”(6) (Khổng Tử: Tăng Văn Trọng chẳng phải là kẻ trộm ngôi ư? Biết Liễu hạ Huệ là người hiền mà không cho làm quan cùng mình-luận ngữ, thiên Vệ Linh Công); năm Kỉ sửu, 14 tháng 7, vua lại dụ trách thượng thư lại bộ Nguyễn Như Đổ: “Ngươi hai ba lần xin cho quản lĩnh Lê Bốc làm Tổng tri, nhưng Bốc có bệnh trúng phong, yếu mệt không làm nổi việc, ngươi thực là kẻ gian lại” (7). Lê Thánh Tông đặc biệt ghét những kẻ xu nịnh, trí trá. Năm Tân tị, 1461, tháng 10, ngày 21 ông có sắc dụ trách Lê Lăng: “ngoài mặt thì kiêu căng mà trong lòng thì xu nịnh, vì thế nên người nào mình không bằng lòng thì đẩy người ta xuống dưới suối, người nào chiều ý mình thì để lên đầu gối, mọi người không ưa chẳng là vì thế ư?”(8); nhà vua thường nói với triều thần: “Ta và các ngươi thề cùng trời đất dùng người quân tử loại bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, đừng có lãng quên” (9).
Chính với tư duy ấy, hành động ấy, một điểm rất nổi bật thời Lê Thánh Tông là triều đình quy tụ được nhiều kẻ sĩ, trí thức có tài năng, có phẩm hạnh mà không ít trong số họ để lại tên tuổi lẫy lừng Ngô Sĩ Liên, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh, Phạm Hổ… Đấy là chưa kể đến hơn hai chục ngôi sao trong Hội tao đàn nhị thập bát tú.
3. Tôn trọng pháp luật, giữ nghiêm phép nước, tự mình làm gương
Quý kẻ sĩ, sử dụng triệt để người hiền tài, nhưng Lê Thánh Tông cũng hết sức nghiêm túc trong việc đánh giá sử dụng, những người này. Cho dù là có công lớn, mang những trọng trách của triều đình, nhưng nếu phạm lỗi, nhà vua không ngần ngại trách phạt. Lịch sử phong kiến phương đông và Việt Nam chứng minh rằng, một số quan lại, tướng lĩnh có công lao, nhất là công lao sáng nghiệp, khai quốc dễ tỏ ra kiêu ngạo, càn rỡ, coi thường kỉ cương phép nước, và thậm chí trở thành kẻ phản nghịch. Ngay triều Thái Tổ, Thái Tông đều xuất hiện các trường hợp như Lê Ngân, Lê Sát, Lê Vấn, thậm chí cả bọn hoạn quan Lương Đăng… mặc lòng những ông vua này đều là những người rắn mặt, đặc biệt Lê Lợi, ở một góc nhìn nào đó, có thể coi là người hiếu sát. Hiện tượng này hầu như không thấy nói đến dưới vương triều Lê Thánh Tông, có lẽ chính bởi một mặt, là sự cảm hóa của nhà vua đến tất cả, một mặt là cái nhìn, cách hành xử nghiêm khắc mà độ lượng của ông. Đến cả Nguyễn Xí, một đại thần huân cựu, không chỉ có công dẹp loạn Nghi Dân, đưa Thánh Tông lên ngôi báu, mà còn là khai quốc công thần trải bốn triều vua từ Lê Lợi, và con là Đô đốc Nguyễn Sư Hồi nếu phạm sai lầm cũng bị trách phạt nghiêm khắc. Ngô Sĩ Liên là một văn thần, một học giả, nhà viết sử lỗi lạc, kể là người có công lớn thời Lê Thánh Tông, nhưng khi mắc lỗi, vua vẫn trách móc rất thẳng thắn: “Ta mới coi chính sự, sửa mới đức tính, ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang của Trung Quốc thời xưa, thế là ngươi theo đường chết, mang lòng không vua (vô quân-NV)”(10). Nghiêm khắc, nhà vua cũng là người luôn lấy pháp luật làm chuẩn mực hành xử, trị quốc, vua thường nói với triều thần“pháp luật là phép tắc chung của nhà nước, ta và các ngươi đều phải tuân theo”.(11)
4. Kiên quyết chống tham nhũng, hành vi nhận hối lộ
Thời Lê Thánh Tông cũng là thời kì quốc gia Đại Việt cơ bản rất ổn định về nội trị. Có được điều này do nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là đội ngũ quan lại khá liêm chính. Lê Thánh Tông cực kì ghét những tiêu cực như tham nhũng, hối lộ. Vậy nên, mặc dù cả nhà hậu Lê, và bản thân ông, chịu ơn Nguyễn Xí rất sâu, nhưng khi Xí và con là Nguyễn Sư Hồi phạm tội này, ông đã không ngần ngại phê phán và thu lại của đã nhận. Năm Nhâm ngọ (1462), tháng 12, vua sắc dụ Đô đốc Nguyễn Sư Hồi: “Dương Quốc Minh bảo là Ngô Tây lấy 30 lạng bạc giao cho Nguyễn Hồ đến đút lót cho bọn ngươi, ngươi sai vợ lẽ của ngươi nhận tiền; và khi trước nó đút lót cho cha ngươi là Xí 50 lạng bạc, nay chuyển sang đút lót ngươi, cộng là 80 lạng, hiện còn ở nhà ngươi, ngươi lại không biết ư? Nay đặc sai Tư lễ giám Nguyễn Áng đem sắc chỉ đến bảo ngươi và đòi 80 lạng bạc đút lót ấy đem về. Ngươi có lỗi không lấy việc đổi lỗi làm ngại thì sau tất không có tai vạ” (12). Việc chạy án, chạy tội cũng bị cấm triệt để: Năm Quý mùi (1463), có việc Trần Phong xin cho một người phạm pháp lấy tiền chuộc tội, nhà vua nói với các quan: “Xem như Trần Phong xin cho Lê Bô phạm tham tang phải tội kềnh (thích chữ vào mặt-NV) được chuộc tội, thế là người giàu nhiều của thì được khỏi tội, người nghèo không có tiền thì phải chịu tội…” (13)
5. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ngoại giao mềm mỏng nhưng kiên quyết trên nguyên tắc tự trọng dân tộc
Các triều đại phong kiến Việt Nam, cả chính quyền và nhân dân đều rất có ý thức về chủ quyền quốc gia, dân tộc, và lòng tự trọng dân tộc càng ngày càng trở thành một nội dung cơ bản đảm bảo cho sự tồn tại của đất nước về cả lãnh thổ và văn hóa. Lịch sử chứng minh rằng việc biến nước ta thành quận huyện là tham vọng thường trực trong ý đồ bành trướng của chính quyền phương Bắc, nhưng trong quá khứ, ý đồ ấy vẫn chỉ là giấc mơ hão ngàn năm. Tuy không sợ, và luôn thắng Trung Quốc trong các cuộc đối đầu, song, các triều đại nước ta, vốn là chính quyền của một đất nước yêu chuộng hòa bình và giàu lòng nhân ái, vẫn luôn tìm cách ngoại giao khéo léo để tránh cảnh núi xương sông máu cho hai dân tộc. Giữ lập trường ấy, Lê Thánh Tông một mặt vẫn nộp cống theo lệ cũ, nhằm xoa dịu tính hung hãn và lòng hiếu sát của họ, tránh càng xa càng tốt nguy cơ chiến tranh. Nhưng khéo léo, mềm mỏng mà không nhu nhược, yêu hòa bình mà không qụy lụy làm tôi tớ cho người, trên thực chất Lê Thánh Tông vẫn vững tin vào bản thân mình và sức mạnh dân tộc, không những không sợ Trung Quốc, mà thậm chí, Trung Quốc có lúc còn phải kiêng dè Đại Việt. Câu chuyện tranh chấp biên giới hồi ấy diễn ra là khá thường xuyên, nhưng quân dân Đại Việt thời Lê Thánh Tông không bao giờ để mất một tấc đất, một tấc biển. Khi cần thiết, nhà vua sẵn sàng đối đầu để giữ yên bời cõi. Năm 1448, nghe tin nhà minh xâm phạm biên giới, vua sai Lê Thiệt, Đào Công Soạn đón đánh, rốt cuộc nhà minh không dám tới, năm 1467, hai lần đánh lui quân minh xâm lược ở biên giới do Sầm Tổ Đức chỉ huy, tháng chạp 1473 bắt giữ Quang Ngọc Tô Bí, Tô Trân, Đằng Tiêm và đồng bọn sang đổi hàng, làm ăn gây rối, giải về Bắc Kinh. Trong chuyến áp giải này, nhà vua cho 600 phu đi trước, binh lính đi sau náo động cả Vân Nam, Vân Nam mấy lần cáo cấp, nhà Minh mấy lần cho sứ khuyến dụ, “lời lẽ êm dịu” nhưng nhà vua vẫn “ngang ngạnh không sợ”.(14). Năm 1479, sai quân đuổi giặc cướp đánh lấn sang tận huyện Mông Tự Vân Nam, lâu sau mới rút về. Năm 1480, đánh Lão Qua nhưng cũng khiến nhà Minh lo sợ(15). Thỉnh thoảng có những thổ dân sang quẫy nhiễu, nhà vua lập tức cho quan quân lên dẹp yên và cho sứ sang Trung Quốc để phân giải mọi sự cho minh bạch… Ông thường chỉ dụ cho các quan viên coi giữ biên giới “Ai ở cõi biên giới thì phải giữ ải quan cẩn thận, không được thông đồng với người nước ngoài”.(16); Quý tỵ (1773) dụ bảo bọn Thái bảo Kiến dương bá Lê Cảnh Huy: “Một thước núi một tấc sông của ta cũng không nên vứt bỏ, ngươi nên cố cãi, chớ cho họ lấn dần, nếu họ không nghe còn có thể cho quan sang sứ bắc triều bày tỏ phải trái. Nếu ngươi dám lấy một tấc núi một tấc sông của vua Lê Thái Tổ mà đút mồi cho giặc thì phải chịu tội tru di” (17). Nhà sử học Trần Trọng Kim nhận định: Nhà vua có lòng vì nước như thế, nên nhà Minh dẫu có muốn nhòm ngó cũng chẳng dám làm gì. Vả lại quân Đại Việt bấy giờ đi đánh Lào, Chiêm nên thanh thế bao nhiêu, nhà Minh cũng phải lấy lễ nghĩa mà đãi Đại Việt, quan hệ hai nước vẫn giữ được hòa bình”(18).
Mặc dù có lệ xưng thần và quan hệ tốt đẹp với nhà Minh, nhưng Lê Thánh Tông, dường như nắm được tâm lí, tư tưởng của họ, nên không hề bị ảo tưởng về mối quan hệ hòa bình hữu nghị mà họ vẫn rêu rao, thể hiện bằng cách cho sứ thần qua lại thăm viếng. Không chỉ đề phòng mặt bắc, vua luôn luôn phòng ngừa, cảnh giác trước sự xuất hiện của bất cứ người Trung Quốc nào. Nhà vua từng cho bắt giam vĩnh viễn (không trả về nước) bọn người nước Minh là Lí Mậu Thực 19 người có với thuyền chở 205 hộc gạo đến chỗ Bố chính ti Quảng Đông, bị dạt vào lãnh hải nước ta, với lập luận: “Mới rồi trẫm bảo giam giữ người chở lương của nước Minh, là vì hoặc giả họ làm ra kế ấy để đánh lừa ta, ta muốn ngăn mưu kế của họ” (19); sau đó lại bắt người Trung Quốc ở thuyền buôn Tô Môn Đáp Lạt áp trả về nước (20); Năm Nhâm ngọ, tháng 2, ngày 11 nhân có sứ thần nhà Minh chỉ huy cho các quan văn võ biết: “Các nhà quân dân ở các huyện thuộc phủ lộ Trung đô, nhà nào có nô tì người Ngô (Trung Quốc) thì không được cho ra ngoài mà thông đồng với sứ nước Minh” (21). Năm Nhâm Thìn (1742), sắc dụ bọn Thái bảo Kiến dương bá Lê Cảnh Huy: “Nhận được tờ tâu của trấn Yên Bang nói là người Minh sai quân đi lối Quảng Tây để hội khám sao mà nhiều thế. Ngươi phải hỏa tốc sai người đi thăm dò sự tình, nếu thấy sự thể hơi khác thì lập tức làm tờ thư cho các xứ họp quân để phòng giữ” (22).
Không phải vô cớ mà các nhà sư học ngày nay đều thống nhất đánh giá Lê Thánh Tông là bậc minh quân lỗi lạc nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam. Sự lỗi lạc ấy thể hiện ở những thành tựu của nhà vua trong công cuộc đưa đất nước đến hùng cường. Có nhiều cách để giải thích nguyên nhân của những thành công ấy, nhưng theo chúng tôi, nó có được xuất phát từ mấy nguyên nhân cơ bản sau (về phía nhà vua): hơn ai hết, nhà vua thấu hiểu, chia sẻ được nỗi thống khổ của nhân dân, không vì ngôi vị hoàng đế mà coi thường dân đen con đỏ; coi trọng, biết lắng nghe tiếng nói của trí thức, sử dụng hiền tài, trị nước trên tư tưởng cơ bản là văn hóa, nhân văn; nhìn thấy và tích cực chống tham nhũng, tệ nạn quan trường (trong lịch sử, thế nước suy yếu thường co nguyên nhân quan trọng là tham nhũng, những tệ nạn chính trường); bản thân nhà vua luôn biết sửa mình theo cách của một người có tự trọng cao, và luôn luôn có lòng tự trọng dân tộc, luôn khẳng định với ngoại bang rằng, dân tộc Việt là một dân tộc tự trọng.
Chú thích
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13). Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, các trang: 268, 328, 251, 252, 311, 348, 256, 252, 264, 257.
(14), (15). Viện sử học, Lịch sử Việt Nam, tập 3, các trang: 289,291.
(16), (17). Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, trang 344.
(18). Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, trang 102.
(19), (20), (21), (22). Đại Việt sử kí toàn thư, các trang: 278, 285, 249, 342.