Peter von Matt (sinh năm 1937), nguyên giáo sư ngành văn học Đức tại Đại học Zürich (Thuỵ Sỹ), là một trong những nhà nghiên cứu và phê bình văn học hàng đầu trong khu vực các nước nói tiếng Đức. Bài phỏng vấn ngắn sau đây nằm trong khuôn khổ một chuyên đề của tạp chí SPIEGEL về hiện tượng phim nhiều tập của Hollywood nhân sự ra mắt của các tác phẩm như Spider-Man 3, Pirates of the Caribbean 3 và Shrek 3 trong năm 2007. Qua đây bạn đọc có thể có những hình dung bước đầu về cách kiến giải của tác giả về vai trò của cái Mới trong nghệ thuật và trong thế giới khoa học – kỹ thuật, về quan hệ giữa văn hoá bác học và văn hoá đại chúng, và cả về sự khác nhau giữa những gì mà một Shakespeare hay Dostoyevsky có thể mang đến – như ông nói – “so với toàn bộ các blogger ở trên mạng cộng lại.”
SPIEGEL: Odysseus chiến đấu từ hàng ngàn năm nay để chinh phục thành Trojan, Người Nhện không ngừng nghỉ truy nã tội phạm trên đường phố Manhattan. Tại sao chúng ta lại không cảm thấy nhàm chán trước những câu chuyện lặp đi lặp lại như vậy?
Matt: Cái hoàn toàn mới chẳng có gì hấp dẫn.
SPIEGEL: Thật vậy sao, thưa ông?
Matt: Chỉ sự biến đổi một cái đã quen thuộc mới thú vị và trò chơi với ý nghĩa cập nhật mới khả dĩ tạo nên được sức lôi cuốn của cái đã quen thuộc trong cái mới. Bản thân chúng ta mỗi ngày cũng khác đi một tí, chúng ta già thêm, khôn ngoan hơn, thất vọng hơn, từng trải hơn v.v…
SPIEGEL: Sở dĩ cái cũ có khả năng giải trí là bởi vì góc nhìn của chúng ta luôn luôn thay đổi?
Matt: Hoàn toàn chính xác.
SPIEGEL: Liệu điều này từ xưa nay vẫn vậy?
Matt: Ngay cả Don Quijote cũng đã có những phần tiếp nối, trước khi chính tác giả Cervantes viết nên tác phẩm của mình. Từ thời cổ đại bên cạnh Ilias đã tồn tại những tác phẩm sử thi khác về việc đánh chiếm thành Trojan. Vergil thuổng rất nhiều thứ từ Homer, còn Dante thì lại thuổng của Vergil. Và Joyce thì rốt cuộc đã để cho toàn bộ Odyssee diễn ra trong các tửu quán ở Dublin. Tất cả đều là những trường hợp rắc rối về bản quyền. Và toàn bộ các vở kịch lớn của Shakespeare cũng đều có nguyên mẫu trong văn chương.
SPIEGEL: Nếu quả thực vậy thì có bao nhiêu câu chuyện tất cả?
Matt: Chỉ có một số lượng hạn chế thôi. Chuyện tình yêu với dị bản buồn hay hạnh phúc; chuyện âm mưu, trong đó có kẻ bị tước đoạt quyền lực và của cải bằng mưu mẹo; chuyện phiêu lưu, trong đó có người anh hùng đi ra thế giới để giết rồng, cứu công chúa và một ngày nào đó sẽ trở về trong vinh quang. Ở thời đại tư sản còn có thêm câu chuyện tự-trở-thành-mình nữa, nhưng câu chuyện này lại gắn bó mật thiết với khuôn mẫu phiêu lưu. Chỉ vậy thôi. Từ bốn khuôn mẫu này người ta có thể tạo sinh ra cả một nền văn học.
SPIEGEL: Chỉ có bốn mẫu hành động thôi ư? Tại sao không có ai phát minh thêm những hình mẫu mới?
Matt: Đây là những câu chuyện gốc ràng buộc với đời sống sinh học của chúng ta và những xung đột không thể né tránh của nó: sự êm đềm của thời thơ ấu, hành trạng chia lìa và phản kháng, tụ bạ với người đồng niên, tìm bạn tình và sinh sản, tranh đấu giành quyền lực xã hội, già lão và chết. Ai cũng phải đi qua những cửa ải này. Và những hạt nhân xung đột bất biến này cháy sáng đằng sau mỗi một cuốn sách, vở kịch hay bộ phim thành công. Chúng can dự một cách một mất một còn vào số phận của tất cả chúng ta.
SPIEGEL: Có nghĩa là con người đã không trở nên phức hợp hơn qua thời gian?
Matt: Môi trường kỹ thuật trở nên phức hợp hơn, chứ không phải là đời sống tâm hồn của con người. Ngược lại mới đúng: Ngày nay phần lớn các nhà hát chỉ còn có thể trình diễn các vở kịch của Shakespeare bằng cách cắt giảm tính phức hợp của chúng. Sở dĩ một bộ phim Hollywood tuân thủ theo các chuẩn mực của nghệ thuật kịch Hy Lạp là bởi vì nền sâu khấu này đã phát triển và chỉ ra những quy tắc tác động hiệu quả nhất: màn giáo đầu (Exposition) – biến cố (Peripetie) và sự nhận biết (Anagnorisis) – thảm hoạ. Người ta có thể cải biến chúng, nhưng không thể nào làm được tốt hơn. Người ta cũng chẳng thể làm cho một Rembrandt trở nên hoàn hảo hơn.
SPIEGEL: Trong thời gian cuối có ý tưởng nào đối với ông là thực sự mới?
Matt: Cái hoàn toàn mới chỉ có trên lĩnh vực tiến bộ khoa học – kỹ thuật: phương pháp cấy tim, bom nguyên tử, Internet… Tuy nhiên qua đó kinh nghiệm của chúng ta về sự tồn tại của bản thân, về những đỉnh cao cũng như về những sự vô vọng của nó, chẳng có gì thay đổi. Mà về những điều này tôi lại biết được ở Sophocles, Shakespeare hay Dostoyevsky nhiều hơn so với ở toàn bộ các blogger trên mạng cộng lại.
SPIEGEL: Liệu trong thời đại thông tin có thể dễ tạo ra các huyền thoại hơn hay không?
Matt: Không ai làm ra được các huyền thoại, chúng bỗng nhiên hiện diện: các câu chuyện và hình ảnh đọng lại trong tâm trí mà ta không thể biết được vì sao. Chúng tự chứng minh sự tồn tại của mình.
Trương Hồng Quang dịch