Ai cũng biết, nhà văn ngoài cảm hứng, còn trăm việc thường tình phải lo: trả tiền nhà, mua quần áo, nuôi gia đình, nghỉ ngơi,v.v. Nhưng các nhà xuất bản thì thường miễn cưỡng in loại văn học nghiêm túc, có in số lượng cũng chẳng là bao, nhuận bút trả lại thấp. Chẳng hạn, nếu một cuốn tiểu thuyết in được 10 nghìn bản (thường là không được thế) thì tác giả được nhuận bút gần hai nghìn đô la. Mà một tác giả “mắn” nhất, nếu làm việc nghiêm túc, cũng phải mất một năm mới viết xong được cuốn tiểu thuyết của mình. Trong khi đó giải Buker trị giá 15 nghìn đô. Sự khác biệt giữa tiền nhuận bút nhận của nhà xuất bản và tiền giải thưởng thật là rõ rệt. Vì thế tác giả bị đặt trước sự lựa chọn – đằng nào tốt hơn: kén độc giả và viết các tác phẩm với một tốc độ chậm như rùa hay chỉ cần viết sao cho vừa lòng ban giám khảo giải thưởng là được?
Tất nhiên, đa số các tác giả chọn phương án hai. Nhưng vậy thì làm cách nào cho ban giám khảo thích? Ðôi khi nhà văn có thể chinh phục ban giám khảo bằng những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, thí dụ như “nhà cổ điển sống” của văn học Nga Valentin Rasputin. Ông đã được trao giải Alexander Soljenitsyn. Và đó là sự lựa chọn xứng đáng của ban giám khảo. Tiện nói thêm, phát biểu tại buổi lễ trao giải, Valentin Rasputin đã so sánh văn học chân chính với tảng băng đang tan trong biển cả thói hư tật xấu, đứng trên tảng băng đó là các bậc thầy ngôn từ cuối cùng còn dũng khí và lương tâm. Phải thừa nhận ẩn dụ đó phản ánh khá chính xác tình trạng thực tế của văn học Nga hiện nay. Nhưng than ôi, các ban giám khảo thường lựa chọn người được giải theo những lý do khác, và các giải thường được trao không phải vì các cuốn sách, mà vì những phẩm chất khác – điều này giống như việc cho điểm hạnh kiểm ở trường học. Ban giám khảo không hẳn đánh giá văn học, mà chú trọng vào sự lôi cuốn cá nhân, các mối quan hệ bạn bè và gia đình của người dự giải. Người ta cũng tính đến cả việc người dự giải về sau sẽ có thể làm giám khảo, còn các thành viên ban giám khảo lại là người dự giải. Nhưng được xem xét trước hết là các quan điểm chính trị, về mặt này nhà văn đang muốn nhận được một giải thưởng uy tín và nhiều tiền phải rất thận trọng. Một điều cũng đặc biệt quan trọng là phải biết chọn các cơ quan báo chí để đăng tải bài viết hay phỏng vấn. Một bài phỏng vấn ngẫu nhiên đăng trên một tờ báo hay tạp chí theo xu hướng chính trị – xã hội không thích hợp có thể thành một thảm họa cho người dự giải.
Không một phương tiện thông tin đại chúng nào kể hết về tất cả các giải thưởng, do đó độc giả bình thường đôi khi không biết trong văn học giải nào là chính yếu nhất. Hóa ra là không có giải nào chính cả. (Ðây không nói đến các giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học). Vì thế mới có chuyện là mỗi người tùy ý coi giải nào chính cũng được. Một bộ phận xã hội ưa những cái gọi là những giải “thể thao”: giải trao cho một thành tựu cụ thể (thông thường là cho tác phẩm của năm ngoái hay năm nay), giải công bố “long list” (danh sách tất cả các tác phẩm được đề cử), sau đó tuyên bố “short list” (danh sách những tác phẩm vào chung kết), cuối cùng đưa ra người trúng giải. Thuộc về các giải này có: giải Apollon Grigoriev (25000 đô la cho người được giải chính, còn hai giải đồng hạng thì mỗi giải một máy tính xách tay); giải Buker (12000 đô la), giải Antibuker (12000 đô la), giải Buker Nhỏ (4000 bảng Anh). Các nhà phê bình văn học thích viết về những giải này: có tình tiết, có thể đưa ra dự đoán và nêu ý kiến của mình. Một bộ phận xã hội khác lại thích những giải “ngoài danh mục”: đó là những giải do các nhóm uy tín khác nhau trao cho các “tác giả của mình” về sự đóng góp cho văn hóa, về công lao nhiều năm. Thuộc về những giải thưởng này có: giải Alexander Soljenitsyn (25000 đô la), giải Puskin (22000 đô la), giải Pasternak, – giải “Triumph” (50000 đô la). Giải đầu do đại diện của cái gọi là các nhà thổ nhưỡng trao, giải thứ hai – đại diện các trí thức tự do, giải thứ ba – đại diện các nhà tiền phong chủ nghĩa lớp sáu mươi tuổi, giải thứ tư – đại diện các trí thức tự do và các nhà tiền phong tuổi sáu mươi.
Những tên tuổi người được giải đủ thỏa mãn sự chú ý của công chúng: như thường lệ, đó là một tác giả xứng đáng của thời vừa qua hay đã qua lâu. Ông ta từ lâu đã ngừng viết, hay chỉ là viết lại những bản thảo có từ trước của mình. Trong chừng mực nào đấy, điều này đúng cho tất cả những người được giải gần đây: Rasputin (giải Soljenitsyn), Mamleev (giải Puskin), Aigi (giải Pasternak). Tên tuổi những người được giải rất quen thuộc đối với các tổng biên tập báo trung ương, các tổng giám đốc đài truyền hình, các thống đốc ngân hàng và những nhân vật có thế lực khác. Bộ phận dư luận thứ ba thích những giải “hẹp”, mang tính cục bộ: trao cho bản dịch tốt, cho vở kịch hay, v.v. Thông thường đứng “sau lưng” các giải thưởng văn học là những con người hay tổ chức cụ thể: giải “Triumph” và Antibuker – đó là nhà doanh nghiệp Nga nổi tiếng Boris Berezovski, giải Buker cho cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Nga hay nhất – quỹ rượu Nga mang tên Smirnoff, giải Apollon Grigorieva – nhà doanh nghiệp Nga nổi tiếng Vladimir Potanin, giải của tạp chí Ngọn cờ – quỹ Soros và nhiều nhà tài trợ Nga, giải Alexander Soljenitsyn – quỹ xã hội Nga mang tên Alexander Soljenitsyn, giải “Moskva – Penne” – các chính quyền địa phương ở Italia.
Có thể nói rằng, mặc dù các khó khăn trong xã hội Nga hiện thời, ở nước Nga đã hình thành nên một hệ thống giải thưởng văn học. Hệ thống đó tốt hay xấu còn có thể bàn, nhưng nó đã mang lại lợi ích nhất định cho văn học. Trước hết, một số các nhà văn mà phần đông trong đó hiện thuộc diện sống thiếu thốn, đã được sự hỗ trợ về tiền bạc và vật chất dưới hình thức giải thưởng. Nhưng đó chưa phải là điều chủ yếu, tuy là quan trọng. Ðiều chủ yếu là: mọi sự trao giải thưởng văn học đều có tác dụng nâng cao uy tín của văn học lên, thông báo cho người dân Nga biết rằng sáng tác ngôn từ vẫn là một công việc đáng trọng, đáng quý như trước đây. Và thêm một điều này nữa. Hiện nay các giải thưởng văn học đã hoàn toàn trở thành một thiết chế xã hội độc lập và có tác động thực tế đến hoạt động của các nhà xuất bản. Dù cũng cần phải chỉ ra một tình hình nghịch lý sau: theo ý kiến của một số nhà phê bình châm chọc, đặc điểm chính của các sách được trao các giải thưởng văn học (thực tế là của tất cả các giải, không trừ giải nào!) là tính không được đọc của chúng, các sách đó không đến được với đông đảo công chúng. Tình hình quả đúng là vậy.
Ðể bức tranh được đầy đủ, chúng tôi xin nói thêm về một số giải thưởng khác.
Các giải thưởng hàng năm của tạp chí Văn học nước ngoài được trao nhờ sự hỗ trợ tài chính của Conversbank và “biểu thị mong muốn củng cố các quan hệ văn học của nước Nga với thế giới bên ngoài, phát triển sự đối thoại văn hóa quốc tế, giữ gìn và nhân thêm truyền thống dịch nghệ thuật của Nga và trường phái dịch thuật Nga”. Ðó là các giải thưởng:
- Illuminator - trao cho tác phẩm xuất sắc nhất của năm trước trong lĩnh vực nghiên cứu và dịch văn học nước ngoài,
- Inolit - trao cho bản dịch hay nhất hoặc bài viết hay nhất của năm trước,
- Inolittl – trao cho tác phẩm hình thức nhỏ xuất sắc nhất của năm trước,
- giải mang tên A. Karelski cho công trình xuất sắc về nước Ðức (phối hợp với viện “Xã hội mở”),
- giải mang tên cha Alexander Men cho đóng góp vào sự xích gần tinh thần giữa các dân tộc (các cơ quan đồng trao – Thư viện quốc gia toàn Nga, Viện lịch sử Ðông Âu (Ðại học Tubingen) và Viện giám mục Rottenburg-Stutgart).
Cũng từ năm 1995, tạp chí Văn học nước ngoài và đại sứ quán Pháp ở Nga trao giải cho những dịch giả tiếng Pháp xuất sắc và những nhà nghiên cứu văn hóa và văn học Pháp. Giải này trị giá 15000 fran.
Các tạp chí Thế giới mới, Ngọn cờ, Tháng Mười, v.v. cũng có những giải thưởng của mình. Thường là các giải được trao cho các tác giả cụ thể có tác phẩm đăng trên các tạp chí đó. Trong số các giải mới có thể kể:
- Ðầu tay: khuyến khích các tài năng trẻ dưới 25 tuổi. Tiền thưởng 2000 đô la, nó được trao cho 5 tác giả mới cầm bút trong các thể loại: văn xuôi lớn, văn xuôi nhỏ, thơ lớn, thơ nhỏ, kịch;
- Sách bán chạy toàn quốc: để “giúp đỡ tác giả đạt được thành công trên thị trường”. Giải trị giá 4000 đô la nếu tác phẩm được thưởng đã công bố và 7000 đô la nếu còn ở dạng bản thảo. Ban tổ chức giải có trách nhiệm xuất bản tác phẩm được giải với số lượng không dưới 50 000 bản và tìm mọi cách giúp quảng cáo nó. Giải này chỉ xét các tác phẩm văn xuôi, không chỉ văn xuôi nghệ thuật, mà cả hồi ký, phê bình và các sách nghiên cứu văn hóa;
- giải mang tên Alexander Blok do một sòng bạc tư nhân ở Moskva lập ra. Nó gồm hai giải, một – cho nhà thơ, một – cho nhà phê bình thơ, mỗi giải 5000 đô la. Giải không trao cho tập sách hay tác phẩm riêng lẻ, mà trao cho cả sự nghiệp. Ban giám khảo giải do nhà thơ nổi tiếng Igor Schklyaevski đứng đầu. Những người đầu tiên được giải này là nhà thơ Evgeni Rein và nhà phê bình Sergei Chuprinin.
Ðể kết luận xin nói vắn tắt về những kết quả của giải Buker, giải thưởng văn học có lẽ là nổi tiếng nhất ở Nga hiện nay. Chúng đã được công bố vào tháng 12/2000. Lọt vào chung khảo có 5 tác giả: Valeri Zolotukha với truyện vừa Người cộng sản cuối cùng, Nikolai Kononov với tiểu thuyết Ðám ma cào cào, Marina Palei với truyện vừa Bữa ăn trưa, Alexei Slapovski với tiểu thuyết Ngày của tiền bạc, Svetlana Schenbrunn với truyện vừa Hồng và cúc, Mikhail Schischkin với tiểu thuyết Ðánh chiếm Izmail. Người được giải Buker 2000 là Mikhail Schischkin. Anh sinh năm 1961, dạy học, hiện sống ở Thụy Sĩ. Anh đã dịch ra tiếng Nga cuốn sách được giới trí thức tôn sùng nhan đề Con hải âu mang tên Jonathan Livingston. Anh đã được giải thưởng của tạp chí Ngọn cờ cho tác phẩm đầu tay xuất sắc năm 1993 (tiểu thuyết Một đêm cho tất cả mọi người). Tiểu thuyết Ðánh chiếm Izmail cũng đăng trên tạp chí Ngọn cờ (các số 10 – 12 năm 1999), nó là văn bản khá phức tạp về mặt văn học. Giới phê bình có ý kiến khác nhau về tác phẩm này và về quyết định của ban giám khảo (nhà phê bình Andrei Nemzev, nữ nhà văn Galina Zcherbakova, đạo diễn điện ảnh Valeri Todorovski và nhà thơ Oleg Chukhontsev – chủ tịch). Chẳng hạn, nhà bình luận văn học Vadim Rudnev của báo Doanh nhân cho rằng cuốn tiểu thuyết của Schischkin là “sự kết hợp của những câu nhạt nhẽo, rời rạc do một người không có chút năng khiếu văn học nào viết ra. Người đó là Mikhail Schischkin” (Doanh nhân, 7/12/2000). Nếu thử gom lại ấn tượng về cuốn tiểu thuyết này thì sẽ thấy nó viết về tất cả mà chẳng hề viết về gì cả. Người nói lên lên rõ rệt nhất ý kiến của mình về tác phẩm này là nhà phê bình nổi tiếng ở Moskva Andrei Nemzev, ông là người duy nhất trong tất cả các thành viên ban giám khảo đã bỏ phiếu chống lại việc trao giải nhất cho cuốn tiểu thuyết của Schischkin. Trong quá trình thảo luận những người dự giải Buker, tháng 10/2000, ông viết như sau: “Cuốn Ðánh chiếm Izmail là một tập hợp của những chủ đề “loạn xạ”. Ðó là lối tự sự-suy ngẫm đa chiều, gần với kiểu huyễn hoặc, về số phận nước Nga, khi thì ở thế kỷ XX, khi thì nói chung. Ðọc đến cuối sách anh mới hiểu ra rằng đây là “cuốn tiểu thuyết về những cuốn tiểu thuyết” và về số phận tác giả của chúng, người biến các sự kiện đời mình thành những văn bản hô ứng và tương phản nhau. Ðộ kết dính cốt truyện bị vượt qua bởi sự tinh tế đỏm dáng của âm tiết, còn những bí mật không được khám phá của các nhân vật bị lụi đi dưới ánh sáng sự tự thú của tác giả” (Tin tức thời sự, 4/10/2000). Khi kết quả giải thưởng được công bố, Andrei Nemzev tuyên bố: “Bằng việc trao giải cho Ðánh chiếm Izmail, các thành viên ban giám khảo đã ủng hộ quan niệm của tác giả… Thừa nhận tài năng độc đáo của Mikhail Schischkin và hiểu rằng cuốn Ðánh chiếm Izmail chứa đựng nhiều nỗi đau sống động, nhưng tôi vẫn sợ là việc trao giải thưởng cho cuốn tiểu thuyết của anh sẽ làm cho xu hướng đầu hàng tinh thần vốn đã mạnh càng mạnh hơn”. Còn nhà văn Nga nổi tiếng và là hiệu trường trường viết văn Sergei Esin thì tổng kết: “Schischkin có một thứ văn thiên tài, nhưng nó có một khuyết điểm: hoàn toàn thiếu chất adrenalin, tức là chất làm nên nhịp đập của trái tim”.
Mà trong văn học chân chính thì trái tim cần phải đập.
Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga
Nguồn: lyluanvanhoc.com