Diễn đàn
Các ý kiến khác nhau liên quan đến di tích "Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng"
(VHNA): Ngày 13/10/2009, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội khoá XII) đã có công văn số 861 VH- GD - TTN gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An về việc thông báo kết quả giám sát khiếu nại tố cáo về di tích lịch sử “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng tại Nghệ An”. Theo đó, sau khi nghiên cứu Báo cáo của Đoàn giám sát và các tài liệu liên quan, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã kiến nghị: 1; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thu hồi bằng xếp hạng di tích “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” cấp ngày 12/2/1999. 2; Trong trường hợp xét thấy khu lăng mộ cổ và Đền Trung tại xã Hưng Lộc, TP Vinh có giá trị lịch sử - văn hoá nhất định, cần được bảo tồn, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ VH, TT & DL tổ chức hội thảo khoa học nhằm xác định đúng giá trị của khu vực này, nếu đủ điều kiện, cho khôi phục lại Đền và xếp hạng di tích phù hợp với giá trị lịch sử - văn hoá của di tích. 3; UBND TP Vinh thu hồi Quyết định số 1097/QĐ - UBND ngày 27/3/2009 về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Nguyễn Thị Minh. 4; Việc tranh chấp đất đai tại nhà thờ họ Trần để dòng tộc họ Trần tự giải quyết với sự giúp đỡ hoà giải của chính quyền sở tại, theo hướng đã nhất trí tại buổi làm việc của Đoàn giám sát; các bên liên quan trong dòng tộc không tiếp tục khiếu kiện, làm phức tạp thêm tình hình.
Sau đó, một số báo chí ở Nghệ An đã có thông tin về vụ việc này. Tạp chí Văn hoá Nghệ An, trong bài viết Báo động từ công việc lập hồ sơ xếp hạng di tích (VHNA, số 161, ngày 25/11/2009) cũng đã có đề cập đến thông tin này. Đại diện họ Trần ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh đã nhiều lần đến toà soạn tạp chí Văn hoá Nghệ An bày tỏ quan điểm không đồng tình với bài báo vì cho rằng mặc dù bàn về hoạt động chuyên môn nhưng ảnh hưởng đến di tích mộ và nhà thờ Trần Quý Khoáng và gửi bài đề nghịđược đăng trên tạp chí Văn hoá Nghệ An. Tôn trọng ý kiến của các vịđại diện họ Trần (Hưng Lộc), để rộng đường dư luận, và để mọi người có một cái nhìn khách quan về các vấn đề mà tạp chí Văn hoá Nghệ An đã đề cập, chúng tôi đăng tải bài viết của tác giả Trần Trung (là người của họ Trần - Hưng Lộc) và các nội dung cơ bản của Báo cáo kết quả giám sát về giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến di tích mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng tại Nghệ An của Đoàn giám sát về giải quyết KNTC liên quan Di tích lịch sử tại Nghệ An (UB VH, GD, TN, TN & NĐ).
Bài viết của ông Trần Trung là quan điểm riêng của tác giả, không phải của Ban Biên tập. Về vấn đề này chúng tôi sẽ dừng ởđây, không thông tin và bình luận thêm.
Cần giải quyết đúng bản chất
việc khiếu kiện liên quan đến di tích Trần Quý Khoáng
Trần Trung
G ần 2 năm nay, ở Nghệ An đã xảy ra một vụ kiện hy hữu về một di tích mang tên “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” đã làm tốn kém không biết bao nhiêu công sức, giấy mực, văn bản và các cuộc họp của các cơ quan công quyền từ TW đến địa phương. Điều đáng nói là, các bên khiếu kiện vừa là nguyên đơn lại vừa là bịđơn. Những người tham gia KNTC không ai khác ngoài một bên là đại diện HĐGT Trần Quý Khoáng (TQK) bao gồm các “đinh” có quyền tham gia bàn và quyết định các vấn đề họ tộc và một bên là các chị em gái, dâu, rể con bà Minh và vợ chồng Hương, Chí - cháu họ Trần ở thành phố HCM. Bên nào cũng nhân danh công lý, lẽ phải để yêu cầu các cơ quan chức năng làm cho ra nhẽ. Nguy hại hơn, một số kẻ tự nhận mình là người có học, triệt để lợi dụng một vài sơ hở của nhà nước trong điều kiện pháp luật chưa hoàn chỉnh (Pháp lệnh bảo vệ di tích năm 1984) để thổi phồng sự việc, vu vạ, đặt điều, thóa mạ cả những việc làm đầy nhân đức của cha ông mình cách đây 50 năm, đòi phán xét lại lịch sử 600 năm và huy động cả những kẻđi kiện thuê cùng vào cuộc để gây sức ép các cơ quan công quyền và dư luận xã hội nhằm thực hiện mục đích tối thượng là chiếm cho được 648m2 đất di tích (trong đó có 500m2 đất nhà thờ họđã được cha ông hiến tặng cách đây 80 năm).
Trong khuôn khổ nhỏ hẹp của bài viết, tôi không có tham vọng tranh luận về những viện dẫn và ngụy biện của bà Trần Thị Dần (tức Trần Thị Thu Hương) - nguyên là giáo viên dạy văn ở một trường PTTH tại thành phố HCM và chồng là Nguyễn Thiện Chí - nguyên là giáo viên dạy bộ môn Trung văn ở một trường đại học là những người chưa có điều kiện tiếp xúc thực tế và tiếp cận với các tài liệu lịch sử và gia phả dòng họ liên quan đến nhân vật TQK ở xã Hưng Lộc thì cứ cho là ởđây đang xảy ra một sự vụ tày đình. Cả 2 ông bà Hương - Chí đang lớn tiếng đòi phán xét lại lịch sử 600 năm về TQK và ngộ nhận kiến thức theo kiểu suy đoán của riêng mình. Về tính khách quan và công bằng trong các đơn thư của ông Chí, bà Hương, để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích nguyên văn ý kiến của ông Trần Cảnh Hà, một người họ Trần ở Hà Nội và ý kiến của 17 người là con cháu họ Trần ở các tỉnh phía Nam như sau: “Thỉ tổ của chúng tôi (các cụđã thờ cúng hàng trăm năm nay) bị vợ chồng Hương, Chí dựng lên để làm bia ngắm bắn... và đã có đơn từ... đề nghị hủy bỏ bằng DTLS đã được Bộ VHTT ký quyết định công nhận... nếu chuyện này để cho không những con cháu họ Trần mà dân trăm họ thuộc xã Biện Thịnh, Ngô Trường, Ngô Xá, Chân An cũ (sắc phong số 2) biết được thì họ căm giận đến tột đỉnh vợ chồng Hương, Chí” (Trần Cảnh Hà, 27/4/2009). “Chúng tôi rất bất bình, đau lòng lấy làm tiếc về việc làm hồđồ, nông cạn của bà Hương đã cả gan bóp méo lịch sử, bôi nhọ tổ tiên của mình và đồng tâm bác bỏ nội dung đơn của bà Hương... đó là một hành vi vô đạo đức, quay lưng lại với tổ tiên, và thực tế trong đơn, ngoài chữ ký của bà Hương không còn chữ ký của ai khác... Bà Trần Thị Thu Hương đã phỉ báng tổ tiên dòng tộc, không thừa nhận cội nguồn của bản thân, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết anh em, dòng họ, gây hận thù cá nhân và gia đình, làm mất tình làng nghĩa xóm thì làm sao đủ nhân phẩm và tư cách để nói rằng đại diện cho chúng tôi đòi công lý” (17 con cháu họ Trần ở các tỉnh phía Nam ngày 8/6/2009).
Vềđộng cơ, bản chất khiếu kiện của ông Chí, bà Hương, tôi không bàn luận mà chỉ ghi lại một sốđoạn bút tích của 2 người trong một bức thư thuyết phục ông Trần Quảng Sinh viết dày đặc 8 trang A4 ngày 15/08/2008 rằng: “bây giờ họ Trần có 4 chi, 4 nhà thờ như chú biết..., ta chỉ muốn họ thừa nhận: đây không phải là đền thờ mà là nhà thờ của một chi họ Trần... là nhà thờ ông Vận bỏ tiền ra xây để con cháu có chỗ thờ ông bà” (Nguyễn Thiện Chí)... “bây giờ chú là người duy nhất trong chi ta có thểđứng ra để bảo vệ nhà thờ ông bà tổ tiên” (Trần Thị Thu Hương)... “Họ bảo chỉ cần ông Sinh (tức chú) đứng lên dõng dạc tuyên bố: đây là nhà thờ của cha tôi xây trên mảnh đất ông nội tôi thì thằng nào dám đụng đến” (Nguyễn Thiện Chí). Như vậy cái công lý mà lâu nay ông bà Hương Chí đeo đuổi là quyết tâm, bằng mọi cách biến nhà thờĐại tôn thành nhà thờ tiểu chi của nhánh bà Hương và ông Sinh, như họđã nói trong thư “Tôi và Hương về thăm bà Đệ gần 50 ngày thì toàn bộ thời gian dốc hết vào việc đối phó..., đi khắp chỗ này, chỗ nọ, gặp gỡ tìm hiểu, tìm tư liệu để kịp thời đối phó”.
Từ sự việc trên đây, với tư cách là một công dân được chứng kiến cuộc làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội tại Nghệ An ngày 16/09/2009 do ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ - Trưởng đoàn giám sát, đặc biệt là sau khi đọc kĩ văn bản số 861/VH-GD-TTN ngày 13 tháng 10 năm 2009 do ông Đào Trọng Thi ký kèm theo Báo cáo kết quả giám sát giải quyết KNTC liên quan đến di tích mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng tại Nghệ An của ông Nguyễn Minh Thuyết, đề ngày 08/10/2009, tôi thấy cần phải thẳng thắn trao đổi lại một số vấn đề sau đây:
1. Cần có một thái độ khách quan, công bằng tôn trọng những sự thật lịch sử. Sự thật đó là: TQK là lãnh tụ có vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống Minh (1409 - 1414). Nghệ An là cứđịa quan trọng của TQK. 3 sắc phong của hai đời vua: Lê Cảnh Hưng (1783) và TựĐức (1857-1880) đều ghi danh công đức “hộ dân phụ chính, diệu vũ hách danh, mưu du cái thế, minh nghĩa chính trung” của ông và chuẩn cho 3 xã: Ngô Trường, Ngô Xá, Chân An huyện Chân Lộc (tức huyện Nghi Lộc) thờ phụng. Hai bản gia phả gốc bằng chữ Hán của Trì Uy Quận công Trần Thống (thế hệ thứ 10) và bản phụng sao gia phả của cụ Trần Thiện Thuật (cố Tổng Phương) thế hệ thứ 16, viết năm 1937 - Đinh Sửu và các hiện vật như: Kiệu, giá ngai, mũ thần, kiếm thần, hương án, lư hương, cờ hiệu... các văn bản ghi bút tích của 8 cụ cao niên ở làng Đức Thịnh ngày 1/5/1998 và gần đây là các tư liệu mới được phát hiện tại chùa Ân, xã Nghi Đức, thành phố Vinh cho thấy: Từ xa xưa đã có mộ TQK và đền Trung thờ ngài là Thành hoàng làng. Đối với muôn dân, trăm họ, ông là Thần tổ,đối với dòng họ Trần, ông là Thủy tổ và cho đến nay đã có 21 thế hệ. Từ khi ngài được tôn lên làm minh chủ (1409) đến nay vừa tròn 600 năm. Trong khoảng thời gian từ 1959 - 1962 đền Trung bị phá hủy, các cụ cao niên trong làng và họ Trần đã thống nhất rước TQK về thờ với tư cách là Thủy tổ của dòng họ, từđó đến nay đã gần 50 năm và được bài trí tôn nghiêm vào gian giữa của nhà thờ họ Trần ở xóm Đức Thịnh. Điều đó đã được phản ánh đầy đủ trong báo cáo số 35/BC-TTr ngày 22/07/2009 dài 16 trang do Đoàn thanh tra cung cấp, đã được ghi tóm lược tại văn bản số 1776/SVH TTDL-TTr ngày 30/7/2009 của GĐ Sở VH, TT&DL Nghệ An cũng như ý kiến thống nhất kiến nghị của PCT UBND tỉnh Nghệ An tại công văn số 5328/UBND.VX ngày 19/8/2009 kính gửi Bộ VH,TT&DL. Có điều, các tài liệu lịch sử quốc gia và địa phương được lưu giữ tại Nghệ An, đặc biệt là 3 sắc phong và 2 bản gia phả gốc của dòng họ Trần ởĐức Thịnh (xã Hưng Lộc, TP Vinh) gần như không được đoàn giám sát quan tâm đến và không cử các chuyên gia phối hợp làm việc cụ thể với Sở VH, TT& DL Nghệ An cũng như dòng họđể xem xét thấu đáo từng nội dung khiếu kiện liên quan đến khoa học và lịch sử về TQK để có kết luận chính xác, tôn trọng sự thật. Không nên chỉ căn cứ vào một số sai sót trong việc lập hồ sơ xếp hạng (mà Sở VH, TT&DL đã thừa nhận) đểđánh giá sự việc, dẫn đến chôn vùi một nhân vật lịch sử thật sự có công lao.
2. Cần giải quyết đúng bản chất việc khiếu kiện, không né tránh, đùn đẩy
Nhà thờ họ Trần ởĐức Thịnh được làm lần đầu tiên vào thời nhà Mạc do ông Trần Minh (thế hệ thứ 6) xây dựng, đến đời thứ 12, ông Trần Trạch - tộc trưởng “không có con trai, uống rượu say đốt nhà, làm cháy cả nhà thờ và bỏ về Nam Định”. Mãi đến năm 1929 (Bảo Đại Kỷ Tỵ niên), nhà thờ họ Trần được con cháu (đời thứ 16) góp công sức, tiền của xây dựng lại trên mảnh đất một sào Trung bộ (500m2) của cụ Trần Thiện Thuật (ông nội ông Trần Quảng Sinh), đến nay vừa tròn 80 năm. Trong hồ sơ di tích, từ bản khảo tả, các bản vẽ, đạc họa kiến trúc, tập ảnh khảo tả là mộ và nhà thờ họ Trần (không hề có bóng dáng ngôi đền Trung). Tờ trình dòng họ gửi lên các cấp và trong các đợt kiểm kê di tích của tỉnh Nghệ An từ năm 1962 đến nay không có danh mục đền Trung mà chỉ có di tích nhà thờ họ Trần ở làng Đức Thịnh, nhưng trong tờ trình của UBND tỉnh (do Sở VHTT trước đây tham mưu) gửi lên Bộ VHTT đề nghị xếp hạng di tích ghi là mộ và đền thờ TQK. Từ khi có quyết định công nhận di tích (năm 1999) đến nay dòng họ cũng như nhân dân và chính quyền địa phương không hề có ý kiến đề xuất, phản đối hay khiếu kiện về tên gọi. Chỉ từ sau khi phát giác việc bà Minh lợi dụng tình anh em, man khai hồ sơđểđược cấp GCNQSD đất cấp ngày 24/2/2004, có diện tích 2481,2m2 chồng lên diện tích 648 m2 đất di tích nhà thờ họ Trần thì mới xảy ra việc kiện tranh chấp đất đai. Những thiếu sót của Sở VHTT trước đây trong việc lập hồ sơ và việc cấp bìa đất sai cho bà Minh là thuộc về nhà nước. Còn dòng họ Trần ởĐức Thịnh vừa có công lao to lớn trong việc bảo vệ di tích, vừa có Thỉ tổ TQK được ghi vào sử sách thì dù gọi là đền thờ hay nhà thờ, nơi này vẫn xứng đáng được công nhận là DTLS Quốc gia. Sai thì sửa, sai đến đâu sửa đến đấy. Nhưng không nên sửa sai theo kiểu “quýt làm cam chịu”, biến dòng họ Trần từ chỗ có công lao bảo vệ một di tích đã bị phế tích cách đây 50 năm thành nạn nhân của vụ khiếu kiện, còn những kẻ nhẫn tâm thì được che chở.
Việc khiếu kiện tập trung chủ yếu ở 5 chị em gái, dâu, rể, cháu họ Trần. Bản chất của việc khiếu kiện ởđây thực chất là “tạo duyên cớ dọn đường cho chúng đi đến mục đích đen tối cuối cùng là chiếm cho được toàn bộ thửa đất rộng 2482,1 m2 của ông Trần Quảng Sinh, trong đó có đất khoanh vùng bảo vệ di tích ở làng Đức Thịnh” (văn bản họ Trần ngày 7/6/2009). “Năm 2004, vì UBND TP. Vinh không tham khảo ý kiến của Sở VHTT (nay là sở VH,TT&DL) nên đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Minh chồng lên diện tích đất di tích là 648m2. Sau khi được cấp đất, gia đình bà Lý (con dâu bà Minh) xây dựng nhà trên phần đất được cấp GCNQSD đất cũng là đất nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Từđó xuất phát từ lợi ích cá nhân của các con bà Minh và 11 chi phái họ Trần bắt đầu nảy sinh tranh chấp” (Công văn số 963/DSVH-DT ngày 10/11/2008 của Cục DSVH gửi ông Nguyễn Minh Thuyết - đại biểu QH). Tại dòng 5, trang 7 trong Báo cáo của ông Nguyễn Minh Thuyết ngày 08/10/2009 cũng nói rõ: “Nguyên nhân khiếu kiện thực chất là: Một bên muốn giữ khuôn viên nhà thờ họ... Còn một bên... muốn bảo vệ quyền sử dụng mảnh đất 2482 m2 trong đó có khuôn viên nhà thờ họ Trần”, nhưng trong Công văn số 861/VH-GD-TTN ngày 13/10/2009 tại điểm 4 lại ghi: “Việc tranh chấp đất đai nhà thờ họ Trần để dòng họ tự giải quyết với sự giúp đỡ hòa giải của chính quyền sở tại”. Rõ ràng là, đoàn giám sát của Quốc hội đã nhìn đúng bản chất sự việc, nhưng khi giải quyết thì né tránh, đùn đẩy cho địa phương (trong khi chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hòa giải nhưng không thành). Và như vậy nội dung giám sát việc giải quyết KNTC liên quan đến đất đai theo QĐ số 824/QĐ/VH-GD TTN là không hoàn thành.
3. Báo cáo ngày 8/10/2009 của ông Nguyễn Minh Thuyết đã đi ngược lại ý kiến kết luận của chính ông ta, gây hậu quả xấu trong dư luận. Xin nêu một số việc:
a) Tại cuộc họp của UBND tỉnh Nghệ An chiều 16/9/2009 có đầy đủ các thành phần và quan chức theo thông báo của đoàn giám sát và theo yêu cầu của trưởng đoàn. Các ý kiến phát biểu của ông Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục DSVH, ông Vũ Xuân Thành - Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL, ông Cao Đăng Vĩnh - GĐ Sở VH,TT&DL, văn bản số 5328/UBND.VX của Phó chủ tịch UBND tỉnh ngày 19/8/2009, văn bản số 1776/VHTTDL/T-Tr ngày 30/7/2009, báo cáo số 35/BC-TTr ngày 22/7/2009 của đoàn thanh tra và nhiều ý kiến khác trong cuộc họp cũng như các văn bản trước đó của các cơ quan chức năng chưa được đoàn giám sát nghiên cứu kỹ và xem xét một cách nghiêm túc vì đây là ý kiến của các nhà chuyên môn nhưng không được tôn trọng. Tất cả các ý kiến đều nói: Di tích này cần phải được bảo vệ, đề nghị không thu hồi bằng di tích. Đa số ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên gọi di tích. Ông Nguyễn Minh Thuyết đã kết luận 1 số nội dung, trong đó nhấn mạnh: “Cấp bìa đỏ cho bà Minh là thành phố Vinh đã làm sai, cần phải dừng lại. Cần giữ lại bằng di tích vì rút rồi xin lại rất khó khăn”. Nhưng trong báo cáo của ông Nguyễn Minh Thuyết ngày 8/10/2009 lại đề nghị “Bộ VH,TT&DL thu hồi bằng xếp hạng di tích Mộ và Đền thờ TQK cấp ngày 12/2/1999”. Điều này làm cho những người dự họp hôm đó mất hẳn niềm tin vào tính công minh và khách quan của đoàn giám sát.
b) Việc cấp bìa đất cho gia đình bà Minh tại thửa đất số 149, tờ bản đồ số 108 ngày 24/02/2004 là vi phạm Luật DSVH, trái với Luật đất đai hiện hành. UBND TP. Vinh đã ký quyết định số 1097/QĐ-UBND ngày 27/03/2009 “Hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mã số Y281.183 cấp ngày 24/02/2004 cho bà Minh” là đúng pháp luật, nay ông Nguyễn Minh Thuyết lại chỉđạo làm sai (không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
c) Việc tôn vinh những người có công với dân với nước của dòng họ Trần là một việc làm tâm linh, tự nguyện, hợp đạo lý, có ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, làm đúng chủ trương của Đảng và nhà nước, nhưng báo cáo của ông Nguyễn Minh Thuyết và thông báo kết quả giám sát số 861/VH-GD-TTN ngày 13/10/2009 đã đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân và dòng họ, làm sai lệch các nội dung kết luận của chính bản thân ông Thuyết tại cuộc họp chiều 16/9/2009, tạo nên sự bất bình trong họ tộc, làm cho nội bộ họ Trần tiếp tục bị chia rẽ, hiềm khích, mất niềm tin. Hậu quả là một số thanh thiếu niên và con cháu khi ra đường đã cãi cọ, gây gỗ dẫn đến đánh nhau vì danh dự bị tổn thương [...] Báo chí TW và địa phương đã có những bài viết trái ngược nhau, khiến cho dư luận rất phân tâm.
Trước tình hình ấy, con cháu họ Trần trong cả nước đã có nhiều phản ứng, hối thúc HĐGT khẩn thiết đề nghị Quốc hội, Bộ VH,TT&DL xem xét lại sự việc một cách công bằng khách quan, tôn trọng sự thật, quyết không để cho một số người lợi dụng một vài sơ hở của các cơ quan nhà nước thực hiện mưu đồ chiếm đoạt đất di tích, phá hoại DSVH và phỉ báng tổ tiên dòng họ.
Báo cáo kết quả giám sát về giải quyết khiếu nại tố cáo
liên quan đến di tích “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” tại Nghệ An
(Trích)
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Khiếu nại, tố cáo, ngày 3/9/2009, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa,Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHDGTNTN&NĐ) của Quốc hội đã ký Quyết định thành lập Đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đơn thư của công dân gửi Quốc hội liên quan đến di tích lịch sử Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng tại xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Đoàn giám sát đã về làm việc tại tỉnh Nghệ An vào ngày 16/9/2009.
Thành phần Đoàn gồm có ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm ủy ban VHGDTNTN & NĐ làm trưởng đoàn và các ông Lê Như Tiến, ủy viên thường trực ủy ban; Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, ủy viên ủy ban. Tham gia làm việc với Đoàn còn có các ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL); Phạm Văn Hà, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.
Chương trình làm việc của Đoàn gồm 2 buổi:
- Buổi sáng, Đoàn đến khu vực có khiếu kiện là Đền Trung và nhà thờ họ Trần xóm Đức Thịnh; làm việc tại UBND xã Hưng Lộc với sự có mặt của đại diện xóm Đức Thịnh, lãnh đạo xã Hưng Lộc, lãnh đạo TP. Vinh, đại diện Sở VHTT&DL Nghệ An và các bên khiếu kiện. Tại buổi làm việc này, Đoàn đã đối thoại trực tiếp với các bên liên quan, sau đó có cuộc làm việc riêng với lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, Đoàn còn lấy ý kiến một số người dân trong xóm Đức Thịnh về vụ việc này.
- Buổi chiều, Đoàn làm việc tại UBND tỉnh Nghệ An với sự có mặt của các ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Cao Đăng Vĩnh, Giám đốc Sở VHTT&DL Nghệ An cùng đại diện các ban, ngành liên quan và toàn bộ thành phần làm việc của buổi sáng. Tại cuộc làm việc này, trưởng đoàn mời lãnh đạo tỉnh, đại diện Sở VHTT&DL, đại diện Bộ VHTT&DL báo cáo về quá trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong vụ việc này; đề nghị các thành viên trong Đoàn chất vấn, mời các bên đứng đơn tiếp tục phát biểu ý kiến. Cuối cùng, Trưởng đoàn giám sát tổng kết những vấn đề đã được các bên nhất trí trong hai buổi làm việc.
Toàn bộ các buổi làm việc của Đoàn và nội dung trao đổi với một số người dân xóm Đức Thịnh đều được ghi âm đầy đủ.
Sau đây là kết quả giám sát của Đoàn về vụ việc trên:
1. Tóm tắt nội dung vụ việc
Tại xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An có ngôi Đền Trung và một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ được xây bằng xi măng, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 600m2 có tường bao, đắp chữ “Trùng Quang đế” và câu đối. Sát khuôn viên mộ là Đền Trung, tọa lạc trên một mảnh đất rộng chừng 1000m2. Năm 1962, ngôi đền bị phá dỡ, chuyển dịch về phía sau, cách nền cũ khoảng 70m để làm kho của hợp tác xã. Đồ thờ của đền được gửi vào nhà thờ họ Trần cùng xóm (cách đền và mộ khoảng 500m). Về sau, nhà kho bị cháy, nay chỉ còn tường, mái, xà, cột, trong đó có một số xà được chạm khắc, sơn son thếp vàng.
Khoảng cuối những năm 1990, một số người dòng tộc họ Trần trong xóm cho rằng Đền Trung thờ vua Trần Quý Khoáng và ngôi mộ gần Đền Trung là mộ vị vua này. Đồng thời, họ khẳng định vua Trần Quý Khoáng chính là ông tổ của dòng họ Trần ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP. Vinh. Do vậy, các vị trong họ đã lập hồ sơ đề nghị ngành văn hóa công nhận nhà thờ họ Trần là di tích lịch sử. Sở VHTT Nghệ An nhất trí đề nghị Bộ VHTT cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho “Nhà thờ họ Trần và mộ Trần Quý Khoáng”, nhưng lại đổi tên là “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng”. Ngày 12/2/1999, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) đã cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cho di tích này với tên gọi như Sở VHTT tỉnh đề nghị.
Mảnh đất nơi có nhà thờ họ Trần là đất thừa tự của ông Trần Quảng Sinh với diện tích 2.482m2. Nhà thờ họ do bố ông Sinh là cụ Trần Quảng Vần cùng một số anh em dòng tộc họ Trần xây dựng từ năm 1930. Năm 1991, do công tác và sinh sống ở TP Vinh, ông Sinh đã giao lại cho vợ chồng chú ruột là ông Trần Quảng Tuận và bà Nguyễn Thị Minh đến ở và trông coi nhà thờ. Gia đình ông Tuận, bà Minh đã sinh sống ổn định từ đó đến nay. Năm 2004, UBND thành phố Vinh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y281183 cho bà Minh, vợ ông Tuận (ông Tuận đã mất trước đó). Theo gia đình bà Minh thì ông Sinh đã bán đất cho bà và đã nhận số tiền 1.200.000đ. Tuy nhiên, ông Sinh nói chỉ nhờ trông giúp đất và nhà thờ họ, khi bà Minh làm sổ đỏ ông không được biết. Còn về số tiền, ông khẳng định chỉ cầm 200.000đ vào năm 1991 như là tiền quà cáp, chứ không phải tiền bán đất.
Sự việc trở nên phức tạp khi gia đình con trai bà Minh (là Trần Quảng Phước và vợ là Lê Thị Lý) xây nhà trong khu đất và bị quy kết là lấn chiếm đất của di tích. Ngày 27/3/2009, UBND Tp Vinh ra quyết định số 1097/QĐ-UBND thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Minh với lý do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp chồng lấn lên phần diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích. Các con bà Minh đã làm đơn gửi các cấp chính quyền từ tháng 2/2008 cho đến nay khiếu nại với lý do đất gia đình đã ở từ năm 1991 trước khi có Bằng xếp hạng di tích năm 1999 và nhà thờ họ Trần trên mảnh đất đó không phải là Đền thờ Trần Quý Khoáng như Bằng xếp hạng di tích đã ghi.
Phía tộc họ Trần mà Chủ tịch Hội đồng gia tộc là ông Trần Trung Khiêm cũng gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền khẳng định Trần Quý Khoáng chính là ông tổ tộc họ Trần ở Đức Thịnh và nhà thờ họ Trần này chứ không phải Đền Trung được xếp hạng di tích lịch sử vì theo ông, bài vị, long ngai ở đền Trung đã hợp tự về đây từ năm 1962. Ông cũng đề nghị Bộ VHTT & DL đổi tên Bằng xếp hạng di tích là “Mộ và nhà thờ Trần Quý Khoáng” chứ không phải “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng”.
Tuy nhiên, ngày 11/7/2008, các ông Trần Trung Khiêm (chủ tịch Hội đồng gia tộc), Trần Duy Toàn (trưởng tộc) đã ký vào một bản cam kết với các con bà Minh là Bằng xếp hạng di tích lịch sử cũng như đồ thờ tại Đền Trung chỉ gửi tạm tại nhà thờ họ Trần và hứa khi nào Đền Trung được xây dựng lại sẽ rước bằng và đồ thờ trả lại Đền Trung và đã tự tay ghi vào bản cam kết như sau: “Ngài Trần Quý Khoáng có đền thờ tại Đền Trung. 1962 đền Trung thờ ngài bị phá dỡ, buộc con cháu đời thứ 17 phải rước giá, ngai, kiệu, hương án vào thờ ở nhà thờ họ Trần trên mảnh vườn của bà Minh”.
Trong buổi họp tại trụ sở UBND xã Hưng Lộc, một thành viên trong Đoàn giám sát đã công bố nội dung cam kết nói trên. Ông Khiêm và Toàn sau khi nghe đọc bản cam kết đã xác nhận chữ ký của mình trong văn bản đó. Sự việc được thể hiện rõ trong băng ghi âm các buổi làm việc của Đoàn. Tuy nhiên, sau khi Đoàn giám sát trở về, lãnh đạo ủy ban VHGDTNTN&NĐ lại nhận được đơn của các ông Trần Trung Khiêm, Trần Duy Toàn, Trần Quảng Sinh và Trần Đình Diệm một mặt khẳng định không được Đoàn giám sát cho biết nội dung bản cam kết ấy viết gì, mặt khác đề nghị hủy bỏ nội dung bản cam kết với lý do ông Khiêm và ông Toàn đã ký trong lúc uống bia say.
2. Quá trình giải quyết đơn thư của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời gian qua, Thường trực ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội liên tục nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của các con bà Minh và dòng tộc họ Trần về di tích lịch sử Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng với những quan điểm trái ngược nhau.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Thường trực ủy ban đã chuyển các đơn khiếu nại, tố cáo trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong quá trình nhận đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân (47 đơn) và phiếu chuyển đơn từ Thường trực ủy ban VHGDTNTN&NĐ, Sở VHTT&DL tỉnh Nghệ An, UBND TP. Vinh, UBND tỉnh Nghệ An, Bộ VHTT&DL đã cử nhiều đoàn thanh tra đến làm việc với các ban ngành của địa phương để tìm hiểu tình hình và trực tiếp nghe các đối tượng gửi đơn khiếu nại, tố cáo trình bày, tìm phương án phù hợp giải quyết vụ việc; địa phương cũng đã có nhiều cuộc hoà giải với các bên khiếu kiện. Từ 4/8/2008 đến 19/8/2009, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 25 văn bản để xử lý vụ việc này với quan điểm của các bên như sau:
Quan điểm của UBND xã Hưng Lộc: Khôi phục Đền Trung làm nơi thờ phụng Trần Quý Khoáng cho xứng tầm di tích lịch sử. Đây cũng là quan điểm của UBND TP. Vinh và của đại diện Ban công tác Mặt trận xóm Đức Thịnh.
Quan điểm của UBND tỉnh Nghệ An: Vẫn Giữ bằng công nhận di tích nhưng đổi tên, từ “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” thành “mộ Trần Quý Khoáng và Nhà thờ họ Trần” vì trong quá trình lập hồ sơ, Sở VHTT&DL tỉnh Nghệ An đã có một số sai sót.
Quan điểm của Bộ VHTT&DL: Khẳng định di tích này cần được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tuy nhiên đề nghị UBND tỉnh cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích, tách ra khỏi phần đất của gia đình bà Minh và về lâu dài cần nghiên cứu để có lộ trình khôi phục lại Đền thờ Trần Quý Khoáng (đền Trung) để có khu tưởng niệm khang trang tương xứng với công trạng của nhân vật lịch sử này.
3. Quan điểm của Đoàn giám sát
Qua nghiên cứu đơn thư khiếu nại, tố cáo, hồ sơ di tích, các văn bản của cơ quan chức năng và trực tiếp đối thoại với các bên liên quan, Đoàn giám sát nhận định như sau:
1. Trần Quý Khoáng là nhân vật lịch sử, có công trong kháng chiến chống quân Minh (năm 1409- 1414) đã được sử sách ghi nhận.
Theo chính sử, Nghệ An là một trong những vùng mà vua Trần Quý Khoáng từng hoạt động. Năm 1414, ông bị giặc Minh bắt, đưa về Trung Quốc. Để giữ khí tiết, trên đường đi, ông đã nhảy xuống biển tự vẫn. Còn theo hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử do Sở VHTT Nghệ An lập thì sau khi nhảy xuống biển tự vẫn, Trần Quý Khoáng được nhân dân vớt xác, chôn và lập đền thờ tại làng Biện Thịnh (nay là Đức Thịnh), xã Hưng Lộc, TP Vinh. Nhưng truyền thuyết này chưa có căn cứ và sử liệu chứng minh; đồng thời cũng mới chỉ được ngành văn hóa địa phương và một số vị trong tộc họ Trần nêu lên vào cuối những năm 1990. Khi trao đổi với cán bộ trong đoàn giám sát, một số vị cao tuổi ở xóm Đức Thịnh, trong đó có cả người tộc họ Trần, chỉ biết ngôi mộ và đền thờ một vị quan to, không phải vua Trần Quý Khoáng.
Bộ VHTT căn cứ vào đề nghị của địa phương và công văn xác nhận của Viện sử học để xếp hạng di tích nhưng tại công văn số 60/VSH-LSĐP ngày 12/5/2009 trả lời Văn phòng luật sư Hồng Lam (Nghệ An), PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học, cho biết nội dung xác nhận trước đây của Viện về việc này là dựa trên báo cáo của địa phương.
2. Hồ sơ di tích do Sở VHTT tỉnh Nghệ An lập có những sai phạm nghiêm trọng. Trước hết, người lập hồ sơ đã chú ý biến nhà thờ của một dòng tộc thành đền thờ nhân vật lịch sử Trần Quý Khoáng.
Với chủ đích này, mục “Cơ sở pháp lý” của hồ sơ di tích (trang 20) viết: “đền thờ và Lăng mộ Trần Quý Khoáng được khởi dựng từ cuối thời Trần, được hoàn thiện vào thời Lê và Nguyễn [...] năm 1964 - 1973 và 1994 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê của Bảo tàng Nghệ An”.
Trên thực tế, Đền Trung - nơi được cho là thờ Trần Quý Khoáng - đã bị phá dỡ từ năm 1962, còn nhà thờ họ Trần được xây dựng năm Canh Ngọ 1930 chứ không phải là từ thời Trần hay thời Lê như hồ sơ đã ghi.
Toàn bộ nội dung khảo tả di tích lấy căn cứ và địa điểm là nhà thờ họ Trần, nhưng được chủ định khảo tả theo hướng đền thờ. Do vậy, có rất nhiều mâu thuẫn và sai lệch so với thực tế. Ví dụ: tại Mục VIII - “Trạng thái bảo quản” (trang 18) có ghi: “Đền được xây dựng quy mô gồm ba tòa: Hạ, Trung, Điện với đầy đủ các đồ tế khí cho tương xứng với công lao của một bậc đế vương”. Trên thực tế, đó chỉ là một ngôi nhà gạch ba gian, diện tích 32m2, kiến trúc không có gì đặc biệt. Phần C - “Bài trí nội thất” (trang 10) mô tả: “Gian giữa là gian thờ chính thờ Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng... Gian bên phải thờ Phú Giá Trì Uy Quận công Trần Thống (Quan Văn)... Gian bên trái thờ Tân An Bá Trần Sung (quan Võ)...”, không thấy đề cập đến việc phối thờ ông bà, tổ tiên, như đã trình bày trong đơn của các vị đại diện tộc họ Trần.
Để phù hợp với truyền thuyết xóm Đức Thịnh thờ Trần Quý Khoáng, tên vị thành hoàng trong bản dịch các sắc phong tại lý lịch di tích được gọi là “Trần thượng tướng quân”, không phải “Trần triệu thượng tướng quân” như ghi trong bài vị Ngài hiện đặt tại nhà thờ họ Trần.
Mặt khác, qua đối chiếu lý lích di tích do Sở VHTT&DL Nghệ An và Cục Di sản văn hóa cung cấp, Đoàn giám sát nhận thấy hai bản lý lịch này, tuy là hai bản được nhân ra từ cùng một hồ sơ do Sở VHTT tỉnh Nghệ An lập tháng 1/1999, nhưng có một số chi tiết quan trọng không khớp nhau về nội dung. Cụ thể là tại trang 20, lý lịch di tích của Sở ghi: “Đền thờ và lăng mộ Trần Quý Khoáng được khởi dựng từ cuối thời Trần, được hoàn thiện vào thời Lê và Nguyễn”. Trong khi đó, lý lịch di tích lưu tại Cục Di sản văn hóa đã xóa bớt một số từ bằng bút phủ, còn lại như sau: “Đền thờ và Lăng mộ Trần Quý Khoáng được khởi dựng từ thời Lê”. Một số chi tiết mô tả kích thước trong 2 lý lịch di tích cũng khác nhau. Tại trang 10, lý lịch di tích của Sở VHTT&DL Nghệ An ghi chiều cao 8 cột chính của di tích là 3,68m, nhưng trong lý lịch di tích lưu tại Cục Di sản Văn hóa, chiều cao cột lại được sửa thành 5,9m. Tại trang 18, lý lịch di tích của Sở VHTT&DL ghi: Sau khi chết, vua Trần Quý Khoáng được nhân dân lập đền thờ “gọi là đền Bồ, còn gọi là đền Thượng, con cháu thường gọi là nhà thờ họ Trần” trong khi lý lịch di tích lưu tại Cục Di sản Văn hóa sửa lại là: “nhân dân địa phương, con cháu thường gọi là đền thờ vua Trần”.
Như vậy là, Bộ VHTT đã xếp hạng di tích quốc gia cho một nhà thờ họ mới xây từ năm 1930, từ quy mô đến kiến trúc đều không tương xứng với công trạng của một nhân vật lịch sử như vua Trần Quý Khoáng theo một hồ sơ sai lệch nghiêm trọng.
3. Mặc dù chưa có chứng cứ rõ ràng về việc vua Trần Quý Khoáng được chôn cất tại xóm Đức Thịnh và hồ sơ di tích có nhiều sai phạm nhưng từ khi đền thờ và mộ Trần Quý Khoáng (trên thực tế là nhà thờ họ Trần) được xếp hạng di tích lịch sử (tháng 2/1999) đến trước khi gia đình con trai bà Nguyễn Thị Minh xây nhà (2008), không có ai trong tộc họ hoặc xóm làng khiếu nại về việc xếp hạng di tích hoặc phản bác về việc ngôi mộ cổ ở xóm Đức Thịnh là mộ vua Trần Quý Khoáng và Đền Trung là nơi thờ Ngài, Trần Quý Khoáng là thủy tổ của tộc họ Trần ở xóm Đức Thịnh và được thờ tại nhà thờ họ Trần. Nguyên nhân khiếu kiện thực chất là: một bên - phía tộc họ Trần - muốn giữ khuôn viên nhà thờ họ không bị che khuất, có lối vào riêng; còn một bên - phía các con bà Minh - muốn bảo vệ quyền sử dụng mảnh đất 2.482m2, trong đó có khuôn viên nhà thờ họ Trần. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát tại trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, hai bên đã đạt được sự nhất trí về việc gia đình các con bà Minh dành riêng khuôn viên cho nhà thờ họ.
Từ nhận định trên, Đoàn giám sát kiến nghị:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thu hồi Bằng xếp hạng di tích “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” cấp ngày 12/2/1999.
2. Trong trường hợp xét thấy khu lăng mộ cổ và Đền Trung tại xã Hưng Lộc, TP Vinh có giá trị lịch sử - văn hóa nhất định, cần được bảo tồn, ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học nhằm xác định đúng giá trị của khu vực này, nếu đủ điều kiện, cho khôi phục lại Đền và xếp hạng di tích phù hợp với giá trị lịch sử - văn hóa của di tích.
3. Ủy ban nhân dân TP Vinh thu hồi Quyết định số 1097/QĐ-UBND ngày 27/3/2009 về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Nguyễn Thị Minh.
4. Việc tranh chấp đất đai tại nhà thờ họ Trần để dòng tộc họ Trần tự giải quyết với sự giúp đỡ hoà giải của chính quyền sở tại, theo hướng đã nhất trí tại buổi làm việc của Đoàn giám sát, các bên liên quan trong tộc họ không tiếp tục khiếu kiện, làm phức tạp thêm tình hình.
Trên đây là kết quả giám sát của Đoàn. Trân trọng báo cáo Thường trực ủy ban xem xét, cho ý kiến và thông báo kết quả giám sát cho Bộ VHTT&DL và ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An để giải quyết dứt điểm vụ việc.
TM. Đoàn giám sát
Trưởng đoàn
Nguyễn Minh Thuyết
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511086
Hôm nay
285
Hôm qua
2359
Tuần này
21460
Tháng này
217959
Tháng qua
121356
Tất cả
114511086