Đã mười năm nay, nhà phân tâm học này ghi lại những gì người dân New York nói về buổi sáng trong xanh đáng nguyền rủa ấy, cái mười một tháng chín mà ở đâu trên thế giới người ta đều phát âm một mạch mà không cần phải nói cụ thể năm nào. Ngày 11 tháng 9, gần thế, xa thế. “Tôi đã bắt đầu tiếp bệnh nhân vào thứ ba tiếp theo, đúng một tuần sau vụ tấn công đó, Strozier kể lại. Và từ đó đến nay, tôi luôn hỏi các nhân chứng để tìm hiểu xem họ đã sống bị kịch này như thế nào. Tôi nhận ra rằng sự mềm yếu tâm lý của họ phụ thuộc vào khoảng cách giữa họ và tòa tháp đôi ngày hôm đó. Tôi đã thấy hiện lên bốn "vùng buồn" trong tâm trạng của thành phố ngày hôm nay. Vùng buồn thứ nhất là vùng buồn của những người sống sót : Họ đã suýt chết, trong gang tấc đã thoát khỏi các tòa tháp đang sập xuống. Đó cũng là vùng buồn của các gia đình nạn nhân...” “Vùng buồn” thứ hai tập hợp tất cả những ai ở phía dưới quận Manhattan vào thời điểm bị khủng bố, vùng thứ ba, đó là những người dân ở cách xa sự kiện này nhưng đã chịu đựng các dư chấn của nó, những lần báo động có bom, những đợt sơ tán khỏi các tòa nhà, nỗi sợ hãi. Còn lại khán giả xem ti vi, những người bị chấn động qua màn ảnh nhỏ : “Ngày 11 tháng chín là thảm họa kinh hoàng nhất được truyền hình trực tiếp, Strozier nhấn mạnh. Và cảm giác gần gũi này đã tạo ra nhiều sự hiểu nhầm giữa người dân Mỹ và người dân New York : Đơn giản là họ đã không sống qua cùng một sự kiện.”
Buồn ơi chào mi...
Hello nỗi buồn: Đối với Anthoula và Alissa, đối với Francoise và đối với Carol, đối với Ken cũng như đối với hàng chục nghìn người dân New York, ngày 11 tháng chín là một biến thể của màu đen, từ màu than tang tóc đến màu “light” rầu rĩ. Một kỷ niệm bị giằng xé giữa trải nghiệm cá nhân và chấn động toàn cầu, giữa một ngày chiến tranh đích thực và những hình ảnh, một kịch bản diễn ra như một ảo giác. Ngày 11 tháng 9 ư ? Đối với người New York, đó vẫn luôn là hình ảnh hai chiếc máy bay dân dụng lao vào các tòa nhà chọc trời, hàng trăm cơ thể lao vào khoảng không và các tòa tháp cao 400 mét đổ sụp xuống. Trước mắt họ. Và rồi : hàng nghìn thông báo tìm kiếm người thân được dán lên cây cối và mùi hăng hắc của sắt cháy bốc lên trong mấy tuần liền. Và cuối cùng: hai cuộc chiến tranh được phát động (chưa kể cuộc chiến được mạo xưng là cuộc “chiến tranh văn minh”), sự khoan dung và sự lạc quan huyền thoại của một dân tộc bị tổn thương. Giữa tất cả các chiều kích đó có một khoảng cách rất lớn. Sự giằng xé.
Vài tuần nữa, lễ tưởng niệm tại Ground Zero sẽ cố gắng thiết lập lại mối liên hệ giữa các trải nghiệm cá nhân và Lịch sử. Như tất cả các gia đình nạn nhân, Alissa đã được mời tham dự buổi khánh thành đài tưởng niệm bên cạnh Barack Obama. Năm nào cũng thế, chị sẽ rời New York để đi càng xa càng tốt, “bất cứ nơi đâu, bên dòng sông, bãi biển. Tôi thích sự lẫn lộn mà sự chênh lệch múi giờ tạo ra trong tôi, người phụ nữ trẻ giải thích trong nhà hàng Áp-ga-ni-xtan nơi mà chị đồng ý tiếp chuyện chúng tôi. Tôi cần ngày đó. Ngày 11 tháng chín là một ngày kỷ niệm cần thiết cho tất cả những ai muốn suy ngẫm những gì đã xảy ra. Nhưng tôi, ngày nào tôi cũng nghĩ tới ngày đó, bằng cách này hay cách khác.” Ngày nào Alissa Torres cũng nhớ đến buổi sáng điên rồ mà Eduardo đã chết. Eduardo, chồng chị, tình yêu của chị, hiện thân của một american story (một câu chuyện Mỹ) đặc trưng đến mức người ta cứ ngỡ là được một nhà kịch bản viết lên : là người gốc Colombia, anh bạn trẻ này đã nhập cư trái phép vào lãnh thổ nước Mỹ. Những việc vặt theo dây chuyền, những buổi học ban đêm, bằng cấp – đó là sự thăng tiến xã hội made in America, bằng nghị lực, cho đến khi kiếm được việc làm đó tại Cantor Fitzgerald, một công ty môi giới khá nổi ở Wall Street. Eduardo Torres nhận việc vào ngày 10 tháng 9 năm 2001. Alissa đang mang thai 7 tháng rưỡi. “Tất cả người Mỹ, và có thể là cả thế giới, đã thay đổi qua bi kịch này, chị xác nhận, giọng nói rất đỗi nhẹ nhàng. Đơn giản là vì... nó tác động đến tôi hơn các bi kịch khác. Những cuộc tấn công đó điên rồ đến mức sự kiện này đã trở nên trừu tượng đối với nhiều người - Với tôi, nó không bao giờ trừu tượng cả. Ở New York, cuộc sống thậm chí đã trở lại bình thường, nhưng có “bình thường” được chăng, khi phải chịu cảnh mất chồng?”
Lễ tưởng niệm sẽ diễn ra dưới chân Tháp Tự do (Freedom Tower). Tòa nhà đang xây này to lớn kỳ lạ, ồn ào và khói bay mù mịt trong mắt hàng chục người hiếu kỳ tập trung sau các hàng rào. Bất chấp tầm vóc của nó, bất chấp sự nhộn nhịp của hàng trăm công nhân đang cật lực trên công trình, tòa tháp thủy tinh mới không thể khỏa lấp sự vắng bóng của các bà chị cả của nó Những “Twin” (tháp đôi) mà ở New York không ai ưa nhưng cuối cùng cũng đã trở thành biểu tượng đích thực của thành phố. Dưới chân tháp mới xây, hai cái hố hình chữ nhật được đào sâu : tái tạo “di tích” thu nhỏ của tòa tháp đôi quá cố, trên bờ có khắc tên của tất cả những người đã chết trong cuộc khủng bố này: hành khách máy bay, nhân viên của World Trade Center, lính cứu hỏa và cảnh sát. Những cái tên này khiến cho mỗi người hồi nhớ những kỷ niệm đã qua, khiến cho các du khách trở về với những chất vấn của riêng mình và khiến cho Anthoula Katsimatides trở về với nỗi buồn vô hạn. Anh trai của chị cũng làm việc cho Fitzgerald (658 nhân viên của công ti này thiệt mạng ngày hôm đó). Trên tầng 104. “Sau khi máy bay nổ tung, chúng tôi không thể kết nối với John trong phòng làm việc của anh ấy, người phụ nữ trẻ kể lại trong một quán cà phê ở Astroria, một khu phố của người Hy Lạp tại Queens. Chúng tôi tin chắc là anh ấy sẽ thoát. John là một Macgyver. Anh ấy có năng khiếu thoát khỏi những tình huống khó khăn ! Tôi chỉ hy vọng là anh ấy thiếp đi vì khói...".
Chỗ dành cho đắng cay
Ngày nay, New York không sống trong đớn đau, và trong sợ hãi lại càng không. Charles Strozier chắc như đinh đóng cột : “Cố gắng đánh giá tác động của vụ khủng bố bằng các tiêu chí "khoa học" như PTSD (rối loạn căng thẳng hậu chấn thương) sẽ là một sai lầm lớn. Những triệu chứng đó quả là rất cao trong thời gian sáu tháng tiếp theo vụ tấn công, nhưng ngay từ tháng mười hai, các triệu chứng đó đã giảm thiểu một nửa, và sáu tháng sau giảm xuống một nửa nữa. Thực tế cho thấy các nhân chứng còn bị chấn thương vào cuối năm 2011 có thể vẫn còn như vậy ngày hôm nay. Phần lớn trong họ là những nhân viên làm việc tại Tòa tháp đôi tìm thấy thi thể của những người nhảy xuống.” New York moves on (New York vẫn tiến lên): các cuộc tấn công đã làm con thú bị thương nhưng không thể quật ngã nó.
Trên thực tế, khi nói chuyện với người New York về “vùng buồn” thứ hai hay thứ ba, người ta nhận thấy sự lo sợ liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố thì ít, nhưng nỗi buồn khi gợi lại những gì đã xảy ra tiếp theo thì nhiều: các cuộc chiến tranh mà Georges Bush đã nhân danh họ phát động và sự xâm phạm quyền tự do cá nhân mà chính quyền kích động. Sự khoa trương hiếu chiến, đạo luật yêu nước (Patriot Act), trại Guantánamo, những bức ảnh gớm ghiếc chụp tại nhà tù Abu Ghraùb rốt cuộc đã làm suy sụp tinh thần người dân New York nay đã hoàn toàn khác biệt với phần còn lại của đất nước. Ken Burns, tác giả của những bộ phim tài liệu xuất sắc về Lịch sử nước Mỹ tóm tắt cảm giác này như sau : “Ngày 11 tháng 9 năm 2001, tôi đã tham dự vào các sự kiện đó trên truyền hình, trong ngôi nhà nằm ở New Hampshire, người thực hiện bộ phim The War kể lại. Tôi đã khóc khi được nghe có thể có hàng chục nghìn nạn nhân. Mười năm sau, nỗi buồn của tôi đã trở nên cay đắng. Bởi vì chúng tôi đã bỏ qua một cơ hội, ngày hôm đó: Trong vòng một tháng, cái gì đó mang tính toàn cầu đã kết hợp chúng tôi lại. Và rồi ý chí trả thù đã vượt lên tất cả. Tôi cũng đã linh cảm như vậy khi chủ nghĩa apartheid (phân biệt chủng tộc) bị bãi bỏ ở Nam Phi. Và rồi chính sách vị đảng phái, bản năng thống trị, ý chí trả thù đã vượt lên tất cả : chúng tôi đã dồn vây kẻ thù, chúng tôi đã biến kẻ thù thành biểu tượng của cái ác, và chúng tôi đã thay đổi điều tệ hại nhất mà chính trị và tôn giáo có thể tạo nên trên đất nước của chúng tôi".
Thắng lợi cho những kẻ khủng bố, sự kinh hoàng cho người dân New York, ngày 11 tháng 9 đã đánh dấu thời gian đầu của sự trấn áp kinh sợ: cái gì đó thối nát đã bắt đầu nhen nhóm ở vương quốc Hoa Kỳ. Ở New York, người dân vẫn còn ngao ngán. “Tại Florida, người ta phản đối vì báo chí tính các nạn nhân của các vụ đánh bom của Mỹ tại Afghanistan, Alissa nhớ lại. Tôi ghê sợ quá: ở đây từ người lau kính đến viên chức, như chồng tôi, tất cả các nạn nhân - tất cả - đã được liệt vào danh sách những người tử nạn trong tờ New York Times thế mà chúng ta lại tước đi phẩm giá của những nạn nhân dân thường của những cuộc đánh bom của chúng ta ở đó?” Thành thử, khi Barack Obama thông báo rằng Oussama Ben Laden đã chết, ngày 2 tháng 5, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự kiện 11 tháng 9 đã không xuống Ground Zero để ăn mừng. Francoise Mouly, giám đốc nghệ thuật của tạp chí The New Yorker và là công dân thành phố New York từ ba mươi năm nay đã có mặt tại đó. “Con gái tôi bảo tôi đến đó vì nó không đến được, chị kể lại cho chúng tôi trong phòng làm việc của mình tại Times Square. Ngày 11 tháng 9 năm 2001, nó còn học ở một ngôi trường nằm dưới chân tháp đôi, và mười năm sau, cái chết của Ben Laden là một sự kiện trọng đại. Nhưng đối với tôi, tôi thấy thật là lạ khi bọn trẻ ăn mừng và uống bia - phần lớn bọn chúng không biết bi kịch này là gì đối với những người đã kinh qua... Và rồi, xa hơn tí nữa, tôi đã nhận ra một số người lặng lẽ, nến cầm tay, và tôi đã đến với họ. Cảm giác như đối với họ, ngày 11 tháng 9 có một chiều kích cá nhân. Và rằng “ngày kỷ niệm” đúng là đã xảy ra tối hôm đó".
Đài tưởng niệm và những sự chia rẽ
Ngày 11 tháng 9 tới, khắp nơi trên thế giới, mỗi người sẽ nhớ lại mình đang ở đâu khi tin xấu ập đến, mình đã thấy những hình ảnh phi thực đầu tiên trên màn ảnh nhỏ khi nào. Ở New York, người dân sẽ nghỉ ngơi, cho dù thành phố không và chưa bao giờ là một thành phố tưởng niệm. Cho dù những vấn đề tài chính đã nhanh chóng trở thành chủ đề chính trong cuộc nói chuyện của họ về công cuộc tái thiết. Khiếm nhã ư? Điều này tùy thuộc vào đối tượng người nghe. “Sự thống nhất thấy được xung quanh đài tưởng niệm chỉ là bề mặt, Carol, người đã làm việc trong thời gian dài cho Ban đô thị bang New York, khẳng định. Thành phố và Nhà nước không ưa gì nhau. Các nhà bất động sản, các công ti bảo hiểm, các văn phòng kiến trúc sư đã chọn Ground Zero, và thậm chí các gia đình nạn nhân rốt cuộc đã làm cho mọi người khó chịu vì những yêu sách của họ. Bây giờ, khi đã có đài tưởng niệm, cả nước Mỹ sẽ đến khóc thương trước khi về đi mua sắm. Chúng tôi đã nhường Times Square và Soho cho các du khách: Về phần tôi, tôi đã từ chối Ground Zero".
Ngày 11, Anthoula và nhiều thành viên gia đình nạn nhân khác sẽ cùng Barack Obama khánh thành đài tưởng niệm. “Khi anh trai tôi chết, chị kể, anh không để lại gì nữa. Để tang khi không có mồ mả đã khó, nhưng không có không gian mặc niệm ngay chính nơi mà anh ấy mất và nghĩ rằng, sắp tới đây, người ta sẽ tiếp tục làm việc ở nơi này như chưa hề có chuyện gì xảy ra là một điều không thể chấp nhận nổi. Đài tưởng niệm này là cần thiết, và viện bảo tàng sẽ mở cửa ở phía dưới cũng rất cần thiết: nếu không thì ngoài tôi ra, ai sẽ nhớ đến John?”
Télérama số 3214
NGUYỄN DUY BÌNH
(dịch)