1. Trong khoảng thời gian từ 1792-1750 tr.CN – nghĩa là cách đây gần 3.800 năm, ở vùng Lưỡng Hà (Iraq), vua Hammourabie đã ban hành Bộ luật nổi tiếng, được khắc trên đá với 282 điều luật. Điều V của luật đó tuyên bố rằng: “Nếu quan tòa, do thiếu công minh hoặc kém khả năng mà xử án sai, thì bị cách chức vĩnh viễn và phạt số tiền gấp 12 lần nguyên án”.
Chuyện nước người cách đây mấy ngàn năm sao khác với nước ta nhiều quá? Những vị quan tòa xử sai nhất thiết phải chịu những hình thức kỷ luật thích đáng và, khi xin lỗi nạn nhân, phải công bố rõ ràng những hình thức xử lý đó, có như thế mới ngăn ngừa được những sai phạm tương tự. Mặt khác, nếu cứ sai cứ sửa bằng cách lấy tiền của Nhà nước (tức tiền thuế của dân) ra đền bù thì sự thiếu trách nhiệm, thiếu công tâm không xảy ra mới là chuyện lạ!
2. Tòa án Nhân dân Quận I đã từng xét xử công dân Trương Thị Kim Hoàn qua hai phiên xử, trong đó có phiên tòa công tố viên đã bực bội bỏ về. Tại sao mâu thuẫn và khiếm khuyết nhiều như thế mà mãi 6 năm sau mới giải quyết được vụ việc? Trách nhiệm của vấn đề giải quyết đơn khiếu nại của công dân cơ quan nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu? Sự quan liêu của các thủ tục rườm rà, tính thiếu trách nhiệm của bổn phận công chức đã tạo nên hệ lụy là trên cả nước trong mấy năm qua có hàng ngàn án oan sai như chính ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã thừa nhận. Tại sao số phận, danh dự của người dân lại không được coi trọng? Làm đường sai thì sửa nhưng đời người bị oan sai thì đau đớn, ê chề lắm. Thiệt hại về tinh thần, tâm lý của đời người là không bao giờ có thể đền bù nổi.
3. Ngồi tù 4 năm được đền bù 143 triệu, bình quân mỗi tháng tù hưởng “lương” 2.979.166 đồng – quả là khoản đền bù rẻ hơn cả bèo(!) Đó là mức lương tối thiểu thấp nhất của một công nhân ở TP HCM. Vậy, nếu thiệt hại, như đã nói ở trên, nhiều và khó tính, khó hình dung như thế, đền bù cách ấy có thỏa đáng hay không? Câu trả lời là không. Cần nhấn mạnh rằng khi phải ngồi tù, công dân Trương Thị Kim Hoàn mới 21 tuổi – tuổi đẹp nhất của một thiếu nữ (theo khoa học là từ 21-25 tuổi). Nói cách khác, chính sự sai lầm và kém cỏi của tòa án đã cướp đi vĩnh viễn tuổi thanh xuân của một cô gái trắng trong. Quãng đời tươi đẹp ấy được “tiền hóa” thành gần 3 triệu một tháng là không thể chấp nhận được!
Đã tìm đến công lý thì đó phải là công lý đích thực. Đã đền bù và xin lỗi thì phải thật sự thỏa đáng với tinh thân trách nhiệm cao. Rất mong các vị quan tòa của ta minh mẫn và nắm luật vững vàng hơn để bớt oan, bớt khổ cho dân(!)