Những góc nhìn Văn hoá

Gs Nguyễn Mạnh Tường - Nhà khoa học thông thái và yêu nước

Bác Nguyễn Mạnh Tường là bạn của bố tôi (GS. Nguyễn Lân) và bố vợ tôi (GS. Nguyễn Văn Huyên). Tôi được gặp bác nhiều lần và được bác dành nhiều thời gian kể cho chúng tôi nghe về tình bạn với bố vợ tôi khi hai người cùng du học tại Pháp, và bác còn kể sự khâm phục của bác đối với Hồ Chủ tịch. Bác nói (có ghi âm):

Ông Vũ Đình Huỳnh có bảo tôi biết là Hồ Chủ tịch muốn gặp riêng. Tôi hỏi ông Huỳnh tôi có thằng bé con nó muốn được gặp Hồ Chủ tịch. Ông Huỳnh bảo: “Được thôi, anh cứ cho cháu đi”.Tôi và cháu Hưng cùng đi đến gặp Hồ Chủ tịch. Cụ Hồ ẵm cháu Hưng, để ngồi trên lòng và cho nó một ngôi sao vàng. Lúc đó cụ gọi tôi bằng “Ngài”. Cụ bảo: “Bây giờ chúng ta phải ký hiệp định, nhờ ngài nghiên cứu hộ lập trường để Chính phủ bênh vực khi đi dự Hội nghị Đà Lạt”. Tôi thưa với Cụ ở trong nước nhiều người có đủ khả năng làm việc này hơn tôi. Không phải vì khiêm tốn nhưng tôi thấy việc đó quá sức mình. Cụ bảo “Không, thưa Ngài, chúng tôi đã thăm dò ý kiến của nhiều anh em. Anh em đều tán thành cái này thì phải nhờ luật sư Nguyễn Mạnh Tường”. Tôi gặp anh Huyên nói chuyện, anh bảo: “Bây giờ thì cố gắng mà làm”. Tôi đình chỉ hết công việc ở Văn phòng luật sư lại trong vòng hai tháng để nghiên cứu Đề án tham dự Hội nghị Đà Lạt. Sau khi xong, lúc trình lên, Cụ Hồ thấy là được. Do đó mới cử tôi vào trong phái đoàn của Chính phủ đi dự Hội nghị. Còn anh Huyên về bộ phận văn hóa thì là cố vấn”.

Là lớp hậu sinh tôi càng thêm khâm phục bác Tường qua lời của các trí thức cao niên. Cụ Vũ Đình Hòe kể rằng: Ông Nguyễn Mạnh Tường là người trí thức cao cấp, được cấp học bổng của Chính phủ Pháp, học giỏi, đỗ 2 bằng Tiến sĩ Quốc gia nước Pháp về Văn, về Luật. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 và trong kháng chiến tôi có tiếp xúc với ông rồi cũng có gặp nhau ở Mặt trận Tổ quốc. Đi theo kháng chiến cũng rất vất vả và ông Nguyễn Mạnh Tường làm được việc quý hóa đó là luật sư tích cực đi cãi cho người nghèo. Ở Tòa án, các vụ hình sự thường có luật sư giúp đỡ. Cãi trước tòa án quân sự, thứ nhất là những vụ về chính trị, thứ hai là những vụ phá rối là điều bắt buộc. Người Pháp thì vẫn cứ muốn lôi kéo ông Nguyễn Mạnh Tường về thành. Kéo không được thì họ làm trở ngại công việc của ông...
Nhà Cách mạng lão thành Phí Văn Bái - người đã tham gia cách mạng từ năm 1936, đã từng nuôi giấu đồng chí Hoàng Văn Thụ, đã kết nạp Đảng đồng chí Lê Trọng Tấn - khi kể về việc đi vận động bác Tường tham gia kháng chiến đã nhận xét: Luật sư Nguyễn Mạnh Tường hăng hái nhiệt tình tham gia vào kháng chiến. Ông xuống với quần chúng nhân dân. Ông đi khắp miền Bắc miền Trung làm nhiệm vụ bào chữa theo sự phân công của cấp trên, đồng thời còn tham gia giảng dạy ở trường Dự bị Đại học. Ông được cử tham gia các Hội nghị Quốc tế để bảo vệ tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta chống thực dân Pháp, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới trong đó có giới trí thức Pháp nhằm sớm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
GS Trần Văn Giàu và LS Nguyễn Mạnh Tường vốn là đồng nghiệp trong giáo giới cách mạng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước. Cụ thể, vào năm 1952 khi trường Dự bị Đại học được mở tại Liên khu IV, GS Trần Văn Giàu làm Bí thư Đảng ủy nhà trường, phụ trách cơ sở tại huyện Thiệu Hóa – tỉnh Thanh Hóa (GS Đặng Thai Mai làm Giám đốc nhà trường, phụ trách cơ sở tại huyện Thanh Chương – tỉnh Nghệ An), còn GS Nguyễn Mạnh Tường tham gia giảng dạy Văn học phương Tây. Kể về quan hệ với GS.Trần Văn Giàu, bác Tường gái (Tống Lệ Dung) nói: “Nhà tôi với bác Trần Văn Giàu cũng là chỗ quen thân đấy. Hồi dạy Đại học, bác Trần Văn Giàu dạy về Lịch sử, dạy về Triết học. Bác ấy đọc nhiều sách, lại giỏi ăn nói, nói chuyện rất là mạch lạc” Tháng 8 vừa qua GS Trần Văn Giàu đã gặp nhà báo Kiều Mai Sơn và gửi tặng bác Tường gái cuốn sách mới nhất của GS “Vĩ đại một con người”tài liệu phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2008, với những dòng chữ run run mà vẫn còn ấm tình nặng nghĩa: “Thân tặng gia đình Nguyễn Mạnh Tường – Giàu”. Trước khi chia tay GS Giàu dặn dò: “Lúc về Hà Nội nhớ cho tôi thăm gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường”.
GS. Nguyễn Văn Hoàn đã có dịp gặp gỡ với bác Tường và được bác Tường kể lại như sau: “Tôi sinh năm 1909, năm 1927 sang Pháp. Bạn bè khuyên tôi đừng lên Paris, lạnh quá, ở Montpellier, một năm có 300 ngày nắng, hợp với ta hơn. Sau hai năm tôi đỗ Cử nhân Văn khoa, với 4 chứng chỉ: Văn học Pháp, Văn học Hy Lạp, Văn học La Mã, Ngữ Pháp.
Năm 1930, tôi đỗ Cử nhân Luật. Sau đó xin thi Thạc sĩ. Đây là một kỳ thi tuyển, nếu đậu sẽ được bổ làm giáo sư trung học, nhưng họ không cho vì tôi không có quốc tịch Pháp. Các giáo sư bảo, vậy thì học lên để thi Tiến sĩ. Thời đó, Tiến sĩ Pháp có hai loại: Tiến sĩ đại học và Tiến sĩ quốc gia. Tiến sĩ Đại học chỉ là một danh nghĩa, chứ chưa đem lại cho mình quyền lợi gì cụ thể. Tiến sĩ quốc gia thì khó lắm, trước hết phải có bằng chuyên sâu cao đẳng, như Phó Tiến sĩ Liên Xô, sau đó phải trình hai luận án, một chính, một phụ, lại phải thi vấn đáp hai ngoại ngữ Anh và Đức. Năm 1932, tôi thi đậu Tiến sĩ Luật, một tháng sau thi đậu Tiến sĩ Văn, đều ở Đại học Montpellier, 22 tuổi rưỡi tôi đậu hai bằng Tiến sĩ là như vậy.Về nước có hai viên mật thám, trong đó có Louis Marty, gặp và gợi ý tôi vào làm việc với Bảo Đại, cấp bậc Thượng thư. Tôi từ chối, sau đó họ gây khó khăn, ở nhà ba tháng, tôi trở lại Pháp. Năm năm trời đi du lịch và nghiên cứu các nước châu Âu: Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập… Trong thời gian này tôi viết bốn cuốn sách bằng tiếng Pháp:1. Nền tảng Pháp; 2. Kinh nghiệm Địa Trung Hải; 3. Kinh nghiệm và nước mắt tuổi trẻ; 4. Du lịch và cảm xúc (Kịch). Dụng ý của tôi là cung cấp cho công trường Việt Nam và châu Á những nguyên vật liệu xây dựng của văn minh châu Âu. Sau 5 năm đi du lịch, năm 1936 tôi về nước được vào dạy ở Trường Bảo Hộ (Trường Bưởi). Nhà ở số 1 Mai Xuân Thưởng, trông ra Hồ Tây, chỉ cách trường 200 mét. Đây là quãng một thời gian hạnh phúc của đời tôi. Đồng nghiệp thì có Hoàng Xuân Hãn dạy Toán, Nguyễn Văn Huyên dạy Sử, Kontum dạy Vật lý. Các học trò xuất sắc, tôi còn nhớ có Lê Kim Chung sau làm ngoại giao, Lê Khắc làm ngoại thương, Nguyễn Sĩ Quốc, Tiến sĩ về Y khoa. Năm 1940, Pháp thua trận, Nhật đưa quân vào Đông Dương, lập ra một Hội đồng, do Phạm Lê Bổng đứng đầu, vận động nông dân bán lúa, gạo cho Nhật. Họ muốn tôi tham gia nhưng tôi từ chối. Họ lại gây khó khăn, tôi nộp đơn xin từ chức, ra mở văn phòng luật sư ở phố Trần Hưng Đạo, đây là nghề tôi đã tập sự bên Pháp. Tháng 9 năm 1945, Cách mạng thành công. Chỉ hơn một tháng sau khi đọc bản tuyên bố thành lập nước Việt Nam độc lập ở quảng trường Ba Đình, cụ Hồ ký sắc lệnh lập thêm Trường Đại học Văn Khoa, bổ sung vào hệ thống trường đã có, do Pháp lập, ông Đặng Thai Mai làm Giám đốc, tôi được cử dạy Khoa Văn chương Tây Phương. Năm sau, cụ Hồ lại mời tôi đến giao cho một nhiệm vụ quan trọng. Người đến mời là Nguyễn Hữu Đang. Tôi biết Đang từ hồi này. Cụ Hồ nói: Ta sẽ ký với Pháp một tạm ước, nhưng lại muốn đạt được cao hơn một tạm ước. Sẽ có hội nghị, lúc đầu ở Việt Nam (Đà Lạt), sau ở Pháp. Nhờ Ngài xây dựng cho lập trường Việt Nam để đi đấu tranh. Tôi từ chối, nói còn có nhiều người giỏi hơn tôi. Cụ Hồ khẩn khoản: Tôi đã hỏi nhiều anh em, họ đều bảo chỉ có Ngài làm được, xin Ngài về suy nghĩ và giúp cho Chính phủ. (Hồi này cụ Hồ cứ gọi tôi là Ngài!). Đi Đà Lạt là Đoàn Liên hiệp các đảng phái. Trưởng đoàn là Nguyễn Tường Tam. Phó là Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh, nhưng khi họp đoàn ở Bắc Bộ phủ thì không thấy hắn đến. Không thuộc đảng phái nào thì có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên và tôi. Lúc tiễn đoàn lên đường, cụ Hồ nói to: Xin chúc anh em đi thành công, đặc biệt tôi có lời khuyên: Nội bộ đoàn kết, phải đấu tranh găng nhưng không được gãy. Hoàng Xuân Hãn có viết hồi ức về Hội nghị nhưng không nhắc lại chi tiết quan trọng này, tôi hỏi thì anh bảo quên! Các thành viên của Đoàn ta đều nói thạo tiếng Pháp nhưng để biểu thị là Đoàn đại biểu của một nước Việt Nam độc lập, ta chỉ phát biểu ý kiến bằng tiếng Việt. Có một phiên dịch, nhưng dịch dở quá, Tây không hiểu được, tôi tự động đứng ra dịch thay. Phía Pháp nghe rất khen ngợi. Kết thúc Hội nghị, D’Argenlieu có tổ chức tiệc trà tiễn Đoàn. Một sĩ quan hầu cận Pháp đến nói: Thủy Sư Đô đốc muốn gặp riêng Ngài. Tôi nói: Tôi chưa hân hạnh được quen biết Ngài Thủy Sư Đô đốc. Có anh em nói: Nó mời thì anh cứ đi, tôi đi xuyên qua phòng họp, đông khoảng một trăm người, đến gặp nó, chỉ toàn nói chuyện xã giao vớ vẩn. Thế mà khi về Hà Nội, có dư luận nói: “Tường là tay trong của Pháp, Tường phản quốc”. Hãn tức, đến gặp Võ Nguyên Giáp, dư luận mới được dập tắt. Năm 1946, tôi đang cãi ở Hải Phòng thì tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Tôi phải đi đường Nam Định để về Hà Nội, rồi tản cư đi Hà Nam, ở Ngô Khê. Nó đánh Hà Nam, chạy sang Thái Bình, ở Hưng Nhân. Nó đánh Thái Bình, chạy vào Thanh Hóa. Hồi dạy Dự bị Đại học, tôi ở dốc Đu, Thiệu Hóa, bên cạnh là nhà Hồ Đắc Liên, gần nhà Nguyễn Khánh Đàm, anh ruột nhà văn Nguyễn Tuân. Điện Biên Phủ thắng lợi, được về lại Hà Nội. Tôi vinh dự được tiếp quản trường Đại học Luật và Đại học Sư Phạm. Được cử làm Giám đốc Đại học Luật, Đại học Sư Phạm thì Đặng Thai Mai làm Giám đốc, tôi làm phó, cùng với Trần Văn Giàu. Tôi vui sướng được dạy Văn học Pháp. Năm 1952, tôi được cử đi dự Hội nghị bảo vệ Hòa Bình châu Á - Thái Bình Dương ở Bắc Kinh. Ba tháng sau đi dự Đại hội Hòa Bình Thế giới ở Vienne. Tại Vienne có cuộc gặp riêng giữa hai đoàn Việt – Pháp. Bên ta có nữ Anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên, bên đoàn Pháp có Raymond Dienne. Xuân Thủy bảo tôi: Anh phải nói vài lời, chứ ngồi nhìn nhau thế này à!.
Tôi đứng dậy nói: Trong khi máy bay của quân viễn chinh Pháp quần đảo trên bầu trời đất nước chúng tôi thì đêm xuống học sinh chúng tôi vẫn học tiếng Pháp, thưởng thức văn chương của các văn hào Pháp. Đoàn Pháp rất cảm động, họ yêu cầu tôi viết lại để đăng lên báo Bảo Vệ Hòa Bình.
Sau đó là đến thời Cải cách ruộng đất. Ở Hội nghị của Mặt trận Tổ Quốc, họp ở Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi ông Trường Chinh, thay mặt Đảng Lao động Việt Nam, tự phê bình về các sai lầm đã phạm trong Cải cách ruộng đất, tôi đọc bản tham luận Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo. Từ góc độ một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, tôi nói đến một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự.
Đi Hội nghị về, Nguyễn Hữu Đang đến phỏng vấn, rồi viết bài đăng lên báo Nhân văn. Tôi như thành một người “phạm pháp quả tang”, bị sa thải khỏi Đại học và không được hành nghề Luật sư nữa.
Từ 1957 là thời kỳ đen tối của cuộc đời tôi. Tuy vậy, tôi đã lợi dụng thời gian rảnh rỗi này để viết sách, trong đó có cuốn Lý luận giáo dục châu Âu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, tôi cố ý viết bằng tiếng Việt để lãnh đạo có thể đọc được. Tôi đánh giá rất cao nền Văn học châu Âu, từ Văn học Hy Lạp – La Mã đến Văn học Pháp, từ Montaigne đến Rousseau. Theo tôi, về xây dựng con người ta thiếu cân bằng giữa trí tuệ và tình cảm, về phương pháp tư duy ta nặng về ý chí không tưởng mà nhẹ về duy lý và đầu óc phê phán.
Năm 1989, tôi sang Pháp và lưu lại Pháp 4 tháng. Phóng viên Le Monde đến phỏng vấn. Họ muốn tôi lợi dụng cơ hội này để trả thù. Tôi lấy ý “cú đá của con lừa” trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine để trả lời, tôi nói: Chỉ có con lừa mới đá con sư tử già, người tri thức đâu phải là con lừa! Họ lại hỏi: Ở Roumanie, Ceausescu đã sụp đổ, Việt Nam thì sao?Tôi trả lời: Roumanie là Roumanie, Việt Nam là Việt Nam. Ceausescu thì so sánh thế nào được với Hồ Chí Minh. Trên đất nước Việt Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam là mạnh nhất. Không thể lật đổ Đảng Cộng Sản Việt Nam nhưng nó phải được tổ chức lại, phải sa thải bọn tham ô. Phải lập lại truyền thống Diên Hồng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Họ lại hỏi: Thế theo ông, bao giờ thì có cách mạng dân chủ ở Việt Nam? Tôi đọc câu thơ của Paul Valéry:
Patience, patience, Patience dans l’azur! Chaque atome de silence. Est la chance d’un fruit mur! (Kiên nhẫn, hãy kiên nhẫn, Kiên nhẫn trong trong xanh! Mỗi sát-na yên tịnh Cơ may một quả lành!-Bác sĩ Trần Ngọc Ninh dịch).
Ông Phạm Bình, Đại sứ ta ở Pháp hồi đó mời tôi đến thăm Sứ quán, tôi vừa vào, ông ôm hôn nồng nhiệt. Các vị lãnh đạo ở Hà Nội cũng hài lòng”.
Có thể coi đây là trích ngang ngắn gọn, thành thực và khá đầy đủ về bản thân mình của bác Tường.
 Tôi tò mò tìm kiếm để đọc lại nguyên văn bài phát biểu Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo của bác Tường tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và thực sự kinh ngạc về những ý kiến của Bác. Thật là những ý kiến chính xác với tinh thần xây dựng và yêu nước, cho đến nay vẫn còn có đầy đủ giá trị hiện thực. Tiếc rằng khi đó chúng ta chưa có thói quen nghe các ý kiến phản biện của các nhà trí thức.
Chẳng hạn, bác Tường đã nói: Tôi phấn khởi được nghe bản phê bình của Đảng Lao Động do ông Trường Chinh đọc trước Hội nghị. Nhưng tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một phần bị giảm đi, vì tôi nhớ lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải Cách Ruộng Đất... Quả thực như ông Trường Chinh đã tuyên bố, uy tín của Chính phủ, của Đảng bị tổn thiệt rất nhiều. Thế tại sao đồng bào chúng ta lại khổ cực? Phải chăng vì cán bộ của chúng ta non, hẹp hòi, chưa thấm nhuần lý luận cách mạng, không tôn trọng giá trị của con người, các nhu cầu và đòi hỏi chính đáng của nó? Phải chăng vì ta đang mắc trầm trọng bệnh ấu trĩ của cách mạng? Các điều đó là có, ta không hề chối và ta cũng không thể chối cãi được. Nhưng nhận định như vậy vẫn còn hời hợt. Ta phải đi sâu hơn nữa. Khi trong Cải Cách Ruộng Đất của ta, ta thấy bao nhiêu người bị tù tội, bị giết oan, trong đó bao nhiêu người dân ưu tú đã từng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng, khi hiện thời ở nông thôn vẫn có người bị đánh đập, ngược đãi, khi ta không xây dựng được đoàn kết giữa các đồng bào, thì ta phải nhận định rằng các sai lầm ta đã mắc trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất này chỉ là những biểu hiệu cực độ của các sai lầm ta đã phạm, và các sai lầm ấy nêu lên, như tôi trình bày trên đây, một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề lãnh đạo... ông Trường Chinh đã nhận thấy là ở chỗ: ta quên hẳn ta hiện thời nắm chính quyền và chính quyền ấy, nếu ta biết sử dụng nó, khai thác nó một cách sáng suốt, nhất định ta vẫn thành công nhưng ta tránh được bao tai họa làm ta đau khổ hiện thời. Con đường ông Trường Chinh đã đi để tiến tới kết luận ấy là con đường chính trị. Các anh em tôi là những nhà luật học, chỉ là nhà chuyên môn và lý luận trên cơ sở chuyên môn thôi, đã trông thấy kết luận ấy ngay từ khi chính sách phát động và Cải Cách được đề ra. Tại sao? Vì giải pháp chính quyền cụ thể là giải pháp pháp lý, đảm bảo thắng lợi hoàn toàn của cách mạng nếu ta biết mang nó ra phục vụ chính trị và cách mạng.
Ta muốn gì? Tìm kẻ thù của nông dân, của cách mạng để tiêu diệt nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa, nhìn xa, ta cũng không quên rằng công lý của cách mạng, muốn bảo toàn được uy tín và thắng lợi của cách mạng, phải biết đánh đúng địch. Khi đưa ra khẩu hiệu “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch” thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là đằng khác nữa. Muốn chứng minh điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết quả sai lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản lại cách mạng thì là gì?
Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: “Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan”. Thế ta có lo ngại rằng 10 địch sót không? Không, vì ta nắm chính quyền, vì cách mạng ta đã thành công. Như vậy kẻ thù của cách mạng chẳng sớm thì chậm, nhất định hoặc cải thiện, giác ngộ, hoặc lọt vào lưới của ta. Khẩu hiệu này lợi ở chỗ: không một người oan nào bị kết án. Do đó, không có các kết quả cực kỳ tai hại diễn ra hiện thời.
Làm thế nào thực hiện được khẩu hiệu ấy? Kinh nghiệm pháp lý của hàng nghìn năm lịch sử thế giới cho ta biết rằng ta có phương pháp để tìm đúng địch mà đánh, không đánh tràn lan, không đánh người vô tội. Tôi xin phép nhắc tóm tắt sau đây các nguyên tắc căn bản mà pháp lý nêu lên để đạt mục đích ấy.
Một nguyên tắc đầu tiên là không hình phạt các tội đã phạm quá lâu rồi mà bây giờ mới khám phá ra. Tại sao? Vì rằng vấn đề bằng chứng khó giải quyết được. Tang vật đã mất, nhân chứng có người đã từ trần, có người không nhớ rõ các sự việc họ đã mục kích. Hơn nữa, sở dĩ hình luật phạt các tội, là vì các tội ấy đã xâm phạm vào trật tự xã hội: tác hại cho nạn nhân và gây tác dụng xấu trong quần chúng. Nhưng khi tội đã phạm quá lâu, trật tự xã hội hết bị xâm phạm rồi, nạn nhân không còn đau khổ, tác dụng xấu của tội cũng hết, thời gian đã hàn gắn các vết thương. Bây giờ lại vạch chuyện cũ thì không những khó thu thập được bằng chứng kết tội mà lại gây một sự náo động trong xã hội không cần thiết. Chính xã hội thấy “quên” lợi hơn là “nhớ”.
Một nguyên tắc thứ hai là trách nhiệm của phạm nhân thì chỉ một mình phạm nhân phải chịu, không có trách nhiệm chung của vợ con, của gia đình. Nêu trách nhiệm trước hình luật của các người “có quan hệ” với phạm nhân không những là bất công mà lại còn gây các sự rung động vô ích trong xã hội. Hơn 400 năm nay không một nước Tây phương nào làm việc đó nữa. Trách nhiệm trước hình luật chỉ là một trách nhiệm cá nhân mà thôi. Không những thế, về phương diện nhân đạo, thì các phạm nhân quá già được miễn nghị, miễn tố và các vị thành niên được chiếu cố.
Môt nguyên tắc thứ ba là muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng. Phải có nhân chứng là những kẻ đã mục kích sự phạm pháp và cung khai một cách cụ thể, rõ ràng, chắc chắn. Một nhân chứng thôi chưa đủ, ít ra cũng phải có hai nhân chứng cung khai phù hợp với nhau mới được coi là đáng kể. Cung khai của các nhân chứng phải ăn khớp với nhau và trong quá trình phạm pháp các tang vật thu được phải có tác dụng hợp lý, sát hợp với kết quả do cuộc điều tra mang lại.
Một nguyên tắc thứ tư là thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị tố nhân. Bị tố nhân có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình, và khi thiếu điều kiện nhờ luật sư, khi nào là một trọng tội, Toà phải cử luật sư bào chữa không, cho bị can. Trong tất cả, giai đoạn điều tra ở trình độ công an thẩm vấn trong phòng dự thẩm, buộc tội trước toà, quyền lợi của công tố viện ngang với quyền lợi bị can, nghĩa là nếu công tố viện đưa hết lý lẽ để buộc tội, bị can đưa hết lý lẽ để minh oan. Cuộc đấu lý diễn ra trong tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử giữa công tố viện và luật sư. Các vị thẩm phán ngồi xét xử phải là vô tư, đứng giữa để theo dõi cuộc đấu lý diễn ra dưới mắt mình. Như thế mới nhận định đúng và xử công minh. Toà án xét xử không chịu lệnh của ai trong khi xét xử, chỉ biết xét xử theo lương tâm của mình và căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ, sau khi nghe hai tiếng chuông buộc tội và gỡ tội. Người thẩm phán phải được đủ đảm bảo để làm nhiệm vụ của mình mà không sợ ai khiển trách hay gây khó khăn cho mình được. Khi điều tra thẩm vấn, tuyệt đối cấm không được dùng phương pháp tra khảo, đánh đập, hành hạ bị can, mớm cung cho bị can, dọa nạt hay dụ dỗ hắn. Khi nào có điều nghi ngờ thì bị can được miễn nghị. Nếu bị kết án thì còn quyền chống án lên toà trên. Nếu bị kết án tử hình thì lại còn quyền xin ân giảm trước vị Chủ tịch Chính phủ. Con người của bị can, trong tất cả quá trình truy tố và xét xử phải được tôn trọng triệt để, khi bị can ra trước toà thì không được xiềng xích họ và không lúc nào được dùng nhục hình đối xử với họ.
Theo một nguyên tắc căn bản, không phải vì một người tác hại cho một người khác mà người ấy phải chịu trách nhiệm trước hình luật. Tác hại cho ai thì chỉ nêu trách nhiệm về phương diện dân sự, nghĩa là bồi thường thôi - của người đã tác hại. Muốn truy tố người ấy để thi hành hình luật đối với hắn thì phải chứng minh rằng hắn phạm một tội, nghĩa là phạm vào một điều khoản nào qui định trong hình luật, và hình luật không bao giờ có tác dụng đối với quá khứ cả: nếu hành động của một người diễn ra trong thời kỳ mà hình luật chưa quan niệm là một tội thì người ấy không thể mang ra truy tố được. Không những bị can phải phạm một tội đã qui định rồi trong pháp luật, mà ta lại còn phải xét xem rằng lúc phạm tội ấy bị can có ý thức, có ý chí phạm pháp hay không, hay là vô tình mà phạm pháp. Sự đối xử trong hai trường hợp ấy khác nhau.
Lúc tôi nhắc lại các nguyên tắc này thì có vị cho rằng như thế là phiền phức, phức tạp. Dĩ nhiên rồi, nhưng tất cả vấn đề là: ta có muốn giết người vô tội không? Nếu không thì không thể nào làm khác được. Hơn nữa, muốn nhận định vấn đề cho đúng, ta không nên đứng vào vị trí một người hiện thời không dây dưa với pháp luật, một người ở một cương vị chính quyền. Ta phải đứng vào cương vị của bị tố nhân; lúc ấy vấn đề rất sáng tỏ, không những ta đòi thi hành các nguyên tắc pháp luật, ta còn cố gắng tìm hiểu thêm các nguyên tắc mới để đảm bảo người oan khỏi bị chết....”
Tại sao bây giờ các khiếu kiện vẫn còn rất nhiều và không ít khiếu kiện kéo rất dài mà chưa được xử lý thích đáng. Tôi cho rằng vì chúng ta không quan tâm đến những nguyên tắc pháp lý mà bác Tường đã nêu lên tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ ngày 30-10-1956.
Tôi càng thấy thấm thía lời căn dặn của Bác Hồ: “So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết...Ta cần hợp tác với người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ...Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, 1995, T.5, tr. 238).
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512512

Hôm nay

249

Hôm qua

2400

Tuần này

2449

Tháng này

219385

Tháng qua

121356

Tất cả

114512512