Những góc nhìn Văn hoá
“MỜ LỆ SONG NGƯ DẠ CẢM HOÀI” (Kỷ niệm 140 năm ngày mất của Nguyễn Trường Tộ (28-11-1871 – 28-11-2011)
Có lẽ đầu đề bài viết (lấy từ một câu thơ của chính Nguyễn Trường Tộ) khiến cho đôi người ngạc nhiên. Nhưng không, chúng tôi thành thực nghĩ rằng đây mới là câu thơ nói đúng tâm trạng của Nguyễn Trường Tộ sau bao nhiêu nỗ lực bất thành, để soạn sửa từ giã cõi đời với một niềm u uất.

Chúng ta đã nhói về Nguyễn Trường Tộ nhiều, đã có nhiều công phu phát hiện và nghiên cứu về ông. Nhưng thật ra vấn đề vẫn chưa khép lại sau nhiều vấn đề tưởng như đã nhất trí, nay vẫn lộ ra những ý kiến ngược chiều. Có lẽ giờ đây, trong cõi u huyền, Nguyễn Trường Tộ vẫn có nhiều băn khoăn vướng mắc. Lần này, chúng ta có thể đi đến điều nhất trí không.
*
* *
Muốn nói gì thì nói, chúng tôi nghĩ rằng không thể chối cãi được một điều rõ rệt: Nguyễn Trường Tộ là một công dân Việt Nam, có nhiệt tâm về đất nước, có khả năng phục vụ cho đất nước. Mặc dầu ông cũng có những hạn chế, những khó khăn và phải kết thúc cuộc đời mình trong não nùng ưu uất. Nhưng cái tâm cái chí của ông vẫn còn đó. Hình như cả trong lịch sử chính trị, lịch sử văn hóa Việt Nam, chúng ta chưa có dịp minh định vị trí cho ông. Ông là con người thế nào trong lịch sử? Là một giáo dân, một nhà trí thức, một chiến sĩ duy tân, một người thất bại? Không! Tất cả những điều đó đều không phù hợp với ông. Ông có chí, có tài; ông đã sống giữa đời, đã có công xuất xử, nhưng ông đã không thành công. Không thành công, nhưng cái tâm vẫn còn, cái chí vẫn còn. Đúng hơn cả, dù hoàn cảnh khác nhau, cách hoạt động và xuất xử khác nhau, ông vẫn có thể sánh với những chí sĩ xưa nay trong lịch sử. Ông xứng đáng là một nhà chí sĩ.
Là chí sĩ, ông có một chí nguyện rõ ràng. Chí nguyện ấy là để phục vụ cho quốc gia dân tộc. Dù muốn dù không, không ai có thể phủ nhận được điều này, kể cả những người có ác ý hoặc thiếu thiện cảm đối với ông. Tất nhiên ông cũng phải có những sai sót nhất định. Đã có hai khuynh hướng: ca ngợi ông hết lời nhưng cũng tìm ra sự thiếu sót của ông, như là ông không biết dựa vào dân, không thấy nhiệm vụ thôi thúc trước mắt là phải đánh thẳng vào quân xâm lược, v.v…; một khuynh hướng nữa là bài bác ông kịch liệt, tìm cách suy đoán đến mức xem ông hẳn hoi là một tên Việt gian! Có lẽ giọt nước mắt của oonbg làm mờ cả đảo Song Ngư trong niềm ưu uất đã nhỏ ra về sự đánh giá bất công như thế.
Chúng tôi nghĩ rằng Nguyễn Trường Tộ xứng đáng là một nhà chí sĩ khả kính, bởi vì ông đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sáng giá. Trước tiên đó là bài học tuyệt đối trung thành đối với dân tộc. Phải thấy rõ đất nước, thiết tha yêu nước mới có thể nghĩ ra, viết ra được những bản điều trần như thế. Chúng tôi ngạc nhiên những kẻ đánh giá ông là Việt gian. Có tên Việt gian nào mà nghĩ ra được những phương châm kế sách đối phó với kẻ thù, chấn hưng đất nước? Gần như không có một vấn đề gì có lợi cho bước đi của dân tộc mà không được ông vạch ra: trị an, binh bị, canh nông, kỹ nghệ, giáo dục, ngôn ngữ, ngoại giao, v.v…, vấn đề gì cũng được đề cập đến. Những vấn đề ấy cần thiết trước mắt, mà đối với chúng ta ngày nay vẫn còn có giá trị thời sự.
Tiếp theo bài học về quyền lợi, về sự sinh tồn của đất nước ở con người cá nhân Nguyễn Trường Tộ là bài học dấn thân. Mặc dầu bị người ta không hiểu, không dùng, nhưng Nguyễn Trường Tộ không hề chán nản. Không có đất tung hoành, nhưng ông đã không tỏ ra mỏi mệt, luôn luôn tự nguyện dấn thân. Vấn đề ông nêu ra, ông cũng nói hẳn là ông có khả năng làm được và xin nhận việc để làm vì nghĩa nước và vì lẽ tiến hóa của thời đại. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, ông vẫn dấn thân không sợ sự nghi ngờ. Không được ở Nghệ An thì ông vào Đà Nẵng. Ông đi Hương Cảng, về Quảng Châu, đến Paris sang La Mã. Ông tự thân đi tìm gặp những Nguyễn Bá Nghi, Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản… và cả vua Tự Đức. Chân thành và hăng hái, ông buộc họ phải chấp nhận mình, đã không sử dụng ông. Ông xin dùng thuyền máy, mua sách vở, máy móc; xin mở trường học, cho con em đi du học. so với nhiều người, ông ở trong cảnh ngộ éo le hơn, nhưng ông vẫn cứ dấn thân không sợ tị hiềm. Sự dấn thân như vậy quả là chân thành và dũng cảm.
*
* *
Chúng tôi thấy có một số ý kiến gần đây – chủ yếu là của các người ở nhóm Giao Điểm sống ở nước ngoài, có điều kiện khai thác được một số tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp cả trong phạm vi Công giáo và ngoài Công giáo. Những tài liệu ấy có thể có ích cho việc nghiên cứu đánh giá Nguyễn Trường Tộ. Tài liệu tuy phong phú, nhưng hình như cũng có ít nhiều hạn chế trong việc trích dẫn, sử dụng… Thí dụ:
+ Những tài liệu cho thấy có nhiều vị cha cố đúng là “những tên thực dân” thứ thiệt như trường hợp Bá Đa Lộc hay Penlơranh. Nhưng trường hợp Ngô Gia Hậu (Gauthier) thì chưa được cụ thể cho lắm. Đọc kỹ, chúng tôi chỉ mới biết ông này có liên hệ nhiều với quân đội thực dân, đã đi nhiều nơi, ở nhiều nơi để làm việc đạo. Còn có đúng ông ta là một tên gián điệp nguy hiểm không. (Ông Bùi Kha nêu ra sáu tư liệu ở trang 136. Bản in ronéo năm 2011, mà không cụ thể!). Ông Gauthier đã hướng dẫn Nguyễn Trường Tộ công khai hay kín đáo, làm những việc gì có hại cho đất nước, trực tiếp hay gián tiếp, trở thành Việt gian và “tay sai giặc đội lốt thầy tu” như thế nào? Chúng tôi rất chờ đợi những phát hiện đâu đó về những âm mưu thủ đoạn của tên “gián điệp” này mà các vị (ở nước ngoài) có thể công bố được! Thêm vào đó cũng có nhiều tư liệu cho biết là Gauthier cũng có nhiều điểm không tin Nguyễn Trường Tộ, nhất là Nguyễn Trường Tộ thì nói rõ trong báo cáo là việc làm của ông ta, xin đừng cho Gauthier biết. Vậy thì quan hệ giữa Gauthier với Nguyễn Trường Tộ vẫn có chỗ chưa rõ ràng. Còn việc Nguyễn Trường Tộ đi theo Gauthier hàng mấy chục năm với tư cách là người tháp tùng để thực hiện mưu đồ phản quốc thì thực chưa nên kết luận vội.
+ Nhiều tài liệu đã dành quá nhiều trang để cho ta biết rất nhiều về cha cố đấng bề trên không làm việc đạo mà chỉ làm việc đời, tham gia vào nhiều hoạt động của thực dân xâm lược, đàn áp, v.v… Đó cũng là điều liên quan để giúp vào việc tham khảo. Nhưng căn cứ vào đấy mà bảo các giáo sĩ, linh mục phương Tây tha hóa như thế, thì giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ tất cũng như thế thì chỉ là mang máng có tính liên hệ, chứ không dễ dàng chấp nhận được. Án tại hồ sơ. Hồ sơ không có mà chỉ là suy luận, ước đoán để ghép tất cả vào một bị thì làm sao có thể thuyết phục được. Tài liệu của hai bạn Việt kiều (Bùi Kha và Chung Ngọc) chỉ có thể cho chúng tôi biết sơ sơ vậy, chứ không thể dùng để nói chuyện về Nguyễn Trường Tộ được!
Có lẽ ở đây, về phần liên quan đến Công giáo, chỉ có thể nhận định một điều: Lý thuyết của Công giáo là con người chỉ biết đến Chúa, chỉ có nước Chúa, chứ không có Tổ quốc. Nguyễn Trường Tộ là một người Công giáo đạo gốc, lại có học hành, tất phải chịu ảnh hưởng ấy. Do đó mà khi bàn rộng ra những chuyện về loài người chịu ơn Chúa, vâng lời Chúa, v.v…, Nguyễn Trường Tộ không nói khác được. Nhưng nói theo lý thuyết mà làm hay nghĩ khác với lý thuyết vẫn là một thực tế trong đời đấy thôi! So sánh những việc làm, những ý đồ của Nguyễn Trường Tộ, chúng tôi lại thấy ở đâu đó, Nguyễn Trường Tộ đã lộ ra những điều khang khác. Điều này sẽ xin phát biểu thêm ở phần sau đây.
+ Đọc các văn phẩm (điều trần), nghe các chuyện giao thiệp của Nguyễn Trường Tộ, chúng tôi nhận ra một điều khá rõ rệt là: Con người học thức như vậy, có tấm lòng thiết tha với nước nhà như vậy, tại sao không thấy ông liên hệ gì đến lịch sử nước nhà? Không hề thấy ông nói gì đến Đức tổ Hùng Vương, đến Bà Trưng, Bà Triệu, đến Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v… Rõ ràng ông có thiết tha với nước nhà, nhưng ông không nói gì (hay là vì phải theo ý thức của người theo đạo?) không nhắc lại lịch sử của cha ông. Ông cũng không có một liên hệ gì đến cảnh vật của non sông đất nước, di tích thắng cảnh, v.v… Cũng có đấy. Có hai lần ông nhắc đến đảo Song Ngư (quê hương ông) và nhắc đến việc Đào Duy Từ xây Lũy Thầy (nơi ông thường qua lại). Có thể cũng do sự giáo dục (và bắt buộc) của Công giáo chăng?
Điều rõ ràng mà ta thấy ở Nguyễn Trường Tộ là quả thực ông có quan tâm đến đất nước, nhưng chủ yếu là quan tâm đến tình hình trước mắt, đến cái kém cỏi của nước mình không theo được sự tiến bộ của phương Tây. Đây mới là điều ông suy tư, ông mơ ước và muốn bắt tay vào, muốn được thực sự lao mình vào thực tế để cải thiện thực tế. Ông không nói ra được như cách nói của chúng ta. Nhưng vấn đề duy tân ở nơi ông thì rõ rệt.
+ Cũng về vấn đề duy tân, chúng tôi muốn xin lưu ý một điều: Hình như lâu nay ít người để ý. Một số bạn Việt kiều tìm cách tỉa tót xem bài Thiên hạ phân hợp đại thế luận xem có những kẽ hở, những thiếu sót gì. Chúng tôi cho rằng vấn đề nên lưu ý là ở chỗ khác. Hình như đây là lần đầu tiên mới có người ở Việt Nam nói về một điều mới trong cách nhận định về văn hóa. Cả nước ta lâu nay chỉ biết đến văn hóa Đông phương mà cũng chỉ Đông phương trong hai chiều Trung Quốc và Việt Nam. Mãi sang đầu thế kỷ XX mới có Phan Bội Châu tiếp cận với văn hóa khu vực. Cụ Phan đã biết đến Nhật Bản, Triều Tiên… và đã đề ra việc thành lập phương châm hội “Đông Á đồng minh” và đề ra phương châm “Liên Á sô ngôn”. Bà con Công giáo tiếp cận được cái mới ở phương Tây nhưng không nhìn được theo lăng kính chính trị và văn hóa, mà lại bị bó buộc bởi phép tắc của Nhà thờ. Chỉ có Nguyễn Trường Tộ với bài này nói đến đại thể luận, như vậy là tiếp cận với văn hóa thế giới. Văn hóa dân tộc là từ xưa, văn hóa khu vực chỉ mang máng thời Lê Quý Đôn, sau mới có Phan Bội Châu tiếp nối. Nhắc đến thiên hạ lần này với cái đại thế phân hợp rõ ràng là cái mới của Nguyễn Trường Tộ đưa đến cho nước nhà. Loay hoay trong vòng trói buộc của luật lệ Công giáo mà có thấy được ánh sáng mới, ánh sáng thực thì phải công nhận là người có con mắt nhìn thấu suốt. Không nhìn nhận phần ấy mà chỉ bắt bẻ theo lối chữ nghĩa thì sao mà thỏa đáng được. Và cho đến giờ đây ta đang phải tiếp cận với thiên hạ đại thế trong hoàn cảnh thiên niên kỷ mới này.
*
*1 *
Có một điều thoáng thấy băn khoăn, là xem những điều bàn bạc về Nguyễn Trường Tộ lâu nay, hình như ta không chú ý lắm về tâm sự của ông. Tâm sự ấy thường được gửi gắm vào những sáng tác những câu thơ (tuy Nguyễn Trường Tộ không thật tỏ ra gắn bó với thơ ca). Hầu như những vần thơ ngắn ngủi, bất chợt ấy mới thực sự cho ta thấy phần sâu kín trong tâm hồn của Nguyễn Trường Tộ. Bằng thơ ca, ông muốn nói rõ là tâm hồn, chí nguyện của mình vẫn hướng về đất nước. Chúng tôi không tin là một tên “Việt gian” lại có thể ngẫm nghĩ rằng:
“Hồi chiếu dẫu không nương ánh sáng,
Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ”.
(Nhật ngự tuy vô hồi chiếu xứ,
Quỳ tâm nhưng hữu hướng dương thầm).
Hoặc như những câu thơ ông viết cho Phan Thanh Giản:
“Ngụy Tào sống gửi - Từ nguyên Trực,
Tần Lã không chờ - Lỗ Trọng Liên”.
(Ký thân Tào thị Từ Nguyên Trực,
Bất đế Doanh Tần Lỗ Trọng Liên)[1].
Cái ý rõ ràng như thế đã tỏ ra một quyết tâm sắt đá. Tại sao ta lại có thể suy diễn khác đi một tuyên ngôn trung thực này? Có lẽ thực ra, ông chỉ có lỗi là người Công giáo nên bị nghi ngờ, bị thành kiến. Cho nên, theo chúng tôi nên suy nghĩ về tâm lý, về tư tưởng của người Công giáo này. Nhiều bài viết gần đây đều nhắc đến những linh mục, những giáo sĩ, v.v… có nhị tâm, với dụng ý là có thể xem Nguyễn Trường Tộ cũng có thể không khác họ. Chúng tôi lại thấy có cái gì hơi khang khác. Đành rằng ông theo đạo, phục vụ họ đạo và có ảnh hưởng vì Chúa sinh ra loài người, chứ ta không thấy giáo sĩ này gắn bó nhiều với các Đức cha, các Tông đồ. Trong các bài điều trần duy tân của ông chỉ có bài nói đến Tôn giáo là có những đề nghị thiết thực, cụ thể. Ở các bài khác, ý của Chúa, ý của các Thánh tông đồ hình như rất hạn chế. Không thấy ông viện dẫn câu nói của một vị Thánh, một Đức Giáo hoàng nào, mà lời giảng của Chúa cũng ít khi được viện dẫn. Nguyễn Trường Tộ có tâm sự và tâm sự ấy ông luôn luôn giữ cho non nước, cho mây gió mà thôi. Ở chốn xa xăm như khi ở Hương Cảng, tâm sự của ông là sự bồi hồi, là thấy thân mình như đám mây trôi (bồi hồi như tai bích vân trung). Rồi về đến quê nhà, thì lại thấy mắt nhòa ngấn lệ. Sao ta lại coi nhẹ được sự chí tình này mà đưa thêm những suy luận áp đặt và những chứng dẫn ngoại vi ở đâu đâu?!
[1]. Đời Tam Quốc (Trung Quốc), Từ Nguyên Trực tức Từ Thứ theo Lưu Bị, bị Tào Tháo bắt mất mẹ, ông phải về theo họ Tào để cứu mẹ, nhưng ông thề suốt đời nhất định không bày mưu cho họ Tào.
Đời Chiến Quốc, Lỗ Trọng Liên cho Tần là nước mọi rợ, không chịu tôn Tần Thủy Hoàng làm Hoàng đế. Ông nói thà nhảy xuống biển Đông mà chết chứ không chịu làm dân của nhà Tần.
tin tức liên quan
Videos
Thành phố Vinh: Đa dạng các hoạt động văn hóa, du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114558963

2281

2280

2281

226506

122920

114558963