Những góc nhìn Văn hoá

Đỗ Minh Tuấn mở đầu cho phong cách hiện thực kỳ ảo của Việt Nam*

Đỗ Minh Tuấn đã xuất hiện trên văn đàn từ lâu với nhiều tư cách nên tất cả các tư cách đó đã đi vào đóng góp cho văn chương tiểu thuyết, mỗi nghề đóng góp một phương diện. Tả cảnh như họa sỹ, tả đâu ra đấy, rất sinh động.

Nhà thơ giúp  anh viết trữ tình sâu sắc. Đỗ Minh Tuấn không hời hợt đâu, như đoạn tâm tư của sư cô khi thấy anh chàng Quỳ khát khao tình dục tôi thấy rất hay, vì lúc ấy cô nảy sinh lòng từ bi, muốn bố thí cho anh ta chút thú. Nghề đạo diễn cũng giúp Đỗ Minh Tuấn rất nhiều, anh giỏi bịa chuyện lắm, giỏi dựng cảnh. Mình đọc cứ run run không biết tại sao bỗng nhiên lại xuất hiện một lão ăn mày, cứu cô bé tự tử rồi được chịu ơn, rồi  tham dự vào các chuyện của làng một cách tự nhiên, từ chuyện đánh bài đến chuyện cá cược bóng đá…Chuyện nọ sang chuyện kia, bất ngờ, lôi cuốn. Rất nhiều vốn sống nên bịa chuyện gì ra chuyện ấy. Nhưng cũng hơi tham. cần thiết. Như chuyện Thao đang giữ cây bưởi, đi tìm đồng đội để cùng mình giữ đất Đông Phúc thì giữa đường thấy những bức tượng Phật bị kẻ cắp lấy trộm bỏ giữ đường lại sa lầy vào chuyện mang lại tượng về chùa, rồi sau đó đi bốc mộ cùng anh chàng da đen mới quen trong khi giúp nhà chùa để rủ anh ta mang hài cốt mẹ về mai táng ở Đông Phúc, rồi sau đó lại cùng anh này đi đến tìm đồng đội ở một làng đào đồ cổ và bị mất cắp xương, rồi đánh nhau ngộ sát vào tù. Không biết bao nhiêu chuyện. Có khi cái tài ấy dùng quá mức cần thiết. Nhưng tổng kết lại, ấn tượng tổng quan là anh ấy viết tưng tửng mà cứ ra chuyện theo lối dòng “dòng ý thức sự kiện” của M.Prous, nên viết cái gì ra cái đấy ngay, vào cảnh ngay. Điều đó để giải thích vì sao cũng cái chuyện ấy thôi nhưng viết cái gì ra cái ấy, hấp dẫn.

 
Về lý thuyết có thể phải trao đổi xem có chất Market đến đâu trong tiểu thuyết này.Nhưng không thể và không nên cứ có hiện thực huyền ảo là phải quy về Macket. Có thể có chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo của Việt Nam. Vì người Việt Nam có nhiều quan niệm tâm linh. Như sáng nay khi chuẩn bị đi tôi thấy một con chim rất đẹp bay vào bếp. Tôi nghĩ đây là điềm xui: “Chim sa cá lặn”, đáng sợ lắm, thế là tôi vội vàng đuổi con chim đi, mời cô bay đi cho. Vì cách nghĩ của ta nó thế, cứ có cái gì liên tưởng đến tâm linh. Chuyện bóng ma Đạm Tiên, rồi bao nhiêu tích khác ám ảnh trong tâm thức. Nên phải công nhận rằng trong chuyện của Đỗ Minh Tuấn có hiện thực kỳ ảo. Chuyện cây gạo cây bưởi nở hoa bốn mùa, chuyện đàn vịt đỏ, chuyện đứa bé quái thai khóc thét lên khi xung quanh có người nghĩ về chiến tranh, súng ống, chuyện đàn bướm sặc sỡ bay lên khi Quỳ bốc mộ mẹ, chuyện đàn chim ào ào bay theo máy bay khi nhà đầu tư dùng trực thăng chở cây gạo bay đi.v.v. Còn về ý kiến có hay không có cái hậu hiện đại trong tiểu thuyết này cũng không phải là không có cơ sở. Đồng chí Chủ tịch Hội cũng nên biết rằng trên thế giới cũng có người cho rằng G.Market, rồi chủ nghĩa hiện thực XHCN cũng là hậu hiện đại. Mà họ có lý luận của họ chứ không phải nói bừa đâu! Họ căn cứ vào tính chất phì đại, phi hiện thực và phi cá tính, tức là không có chủ thể, của các dòng văn học này để kết luận như vậy. Tóm lại, có thể coi tiểu thuyết của Đỗ Minh Tuấn là một sự mở đầu cho phong cách hiện thực kỳ ảo của Việt Nam./.
__________
(*) Tham luận tại Hội thảo về tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn, Hội nhà văn VN tổ chức ngày 25-11-2011.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570135

Hôm nay

2171

Hôm qua

2367

Tuần này

22518

Tháng này

228659

Tháng qua

129483

Tất cả

114570135