Nhưng với tôi, những điều bộc bạch chân tình tri kỷ của các anh trong BGK hôm nay còn giá trị hơn cả giải Nhất, nó làm tôi ấm lòng, nhìn cuộc đời tươi sáng hơn và thấy tự tin, hào hứng sáng tác hơn.
Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên không hiểu sao Thần thánh và bươm bướm là tiểu thuyết đầu tay của một nhà thơ như tôi lại thể hiện ngay một tư duy tiểu thuyết và một giọng điệu riêng. Thực ra, tôi viết văn xuôi nhiều hơn thơ. Như anh Lê Huy Quang đã kể, năm 1974 cuốn tiểu thuyết đầu tay 500 trang về sinh viên có tên là Chân trời của một người mà tôi đã gửi bản thảo cho NXB Văn học đã không được in vì bị cho là gai góc quá, mặc dù nhà văn Nhật Tuấn được giao biên tập đã có bản giám định với rất nhiều lời khen. Từ ấy đến nay, sau gần 40 năm sáng tác văn xuôi các kiểu, viết hàng ngàn trang ghi chép và kịch bản, nhưng đến nay tôi mới cho ra Thần thánh và bươm bướm vì cứ cầu toàn rụt rè y như khi tỏ tình lần đầu vậy. Và cũng vì bị nhiều công việc khác như điện ảnh cuốn đi. Vì thế, tuy là tiểu thuyết đầu tay về xuất bản, nhưng về sáng tác, nó là cuốn tiểu thuyết thứ hai, và về lịch sử tư duy, nó là những trang văn xuôi thứ bốn năm ngàn gì đó của tôi.
Nhiều người thắc mắc tôi dính líu vào nhiều bộ môn nghệ thuật thế thì phân bổ thời gian ra sao, sáng tác kiểu gì? Thì cũng như ông Vua có nhiều cung tần mỹ nữ, phải nhờ chiếc xe dê phân bổ, nó đưa đến đến với cô nào thì mây mưa với cô ấy thôi! Cảm hứng là chiếc xe dê của tôi, cứ hứng cái gì là tôi sáng tác cái đó. Chiếc xe dê đã đưa tôi đến căn buồng của văn xuôi ở tuổi hai mươi, sau đó nó lần lượt đưa tôi đến căn buồng của Thơ ca, điện ảnh rồi lý luận phê bình và hội họa. Đến bây giờ nó lại kéo tôi vào căn buồng của “bà già” tiểu thuyết mà tôi bỏ bẵng gần 40 năm (cười).
Tôi đồng ý đến 90 phần trăm những ý kiến của các anh các chị hôm nay, chỉ không nhất trí với một vài ý kiến về nhân vật như cho rằng Thao còn lan man rẽ ngang rẽ dọc mà không quyết liệt tập trung đi tới mục tiêu chính; Thao cũng chưa đi đến cùng về tình dục khi có cơ hội làm tình với cô bé Liên, thể hiện sự rụt rè của văn chương Việt; Thao chưa phải là hình tượng nông dân điển hình như Sanxo Pancha; hay các ông bố trong tiểu thuyết của tôi đánh con giống nhau, ném ghế hay dùng đòn gánh. Vì những lẽ sau đây:
1-Thao là nhân vật mang tâm thức nông dân Việt với những đặc điểm: Cảm tính, tùy tiện, ngẫu hứng, trọng tình, hay tự ái vặt, thiếu tinh thần chiến lược thực dụng nhất quán một chiều rất quyết liệt của người phương Tây. Vì thế, sự lang bang dở dang của Thao là biểu hiện của cá tính và thân phận nông dân Việt. Còn về hình tượng thì Thao đã đi đến cùng sự dở dang bối rối của mình trong thời buổi chuyển đổi hệ giá trị. Có thể tập 2 khi Thao đã qua 7 năm tù và sang Mỹ tôi sẽ cho Thao đi đến cùng lúc gặp lại Liên. Đó là sự phát triển hợp lý của tính cách nhân vật qua một quá trình dài va đập.
2- Mặc dù, cũng như Sanxo Panza, Thao là một nhân vật thường xuyên bộc lộ các tâm lý và hành xử nông dân một cách chân thành, tự nhiên và gan ruột. Nhưng Sancho Pancha tính toán cho lợi ích cá nhân, còn Thao tính toán cho cộng đồng. Sancho Pancha không sỹ diện cá nhân lắm, còn Thao thì luôn phản ứng bằng mặc cảm tự tin xen lẫn tự ty và tâm lý coi trọng diện mạo thường trực trong ứng xử. Vì thế, không thể bắt Thao trở thành Sancho Pansa.
3-Các ông bố đều đánh mắng con theo cách phổ biến của người nông dân Việt Nam xưa nay, thể hiện một phương cách bạo lực mang tính bộc phát từ những kích động trong tình huống. Nhưng mỗi người đánh con bằng một nỗi uất hận khác nhau, với mục đích khác nhau. Cũng như trên thế giới có hàng triệu người ăn cơm bằng đũa giống nhau, nhưng văn hóa ẩm thực và văn hóa giao tiếp trong bữa ăn rất khác nhau. Người Việt Nam khi cầm đũa ngồi trước mâm cơm có tâm thế “ăn trông nồi người trông hướng”, rồi thái độ nhường nhịn gắp thức ăn cho nhau mà người cầm đũa các dân tộc khác không có. Vì thế, khi đánh giá một hành vi của nhân vật phải gắn nó với cá tính, văn hóa và văn cảnh. Không thể chỉ nhìn bề ngoài mà bảo các hành động giống nhau là nhân vật giống nhau./.
___
(*)Phát biểu tại Hội thảo về tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” của nhà văn Đỗ Minh Tuấn do Hội Nhà văn VN tổ chức ngày 25-11-2011.