Những góc nhìn Văn hoá

Về câu nói “Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu”

1. Câu nói “Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu” là chỉ việc thành tỉnh Thanh Hóa không có cửa tiền và thành tỉnh Nghệ An không có cửa hậu.

2. Thời gian xuất hiện câu nói trên sớm nhất là vào hai đời vua Gia Long và Minh Mệnh (1802 - 1819). Gia Long cho xây thành Nghệ An và Thanh Hóa đều vào năm 1804. Còn Minh Mệnh (1820 - 1840) cho tu bổ thành Thanh Hóa năm 1829 và tu bổ thành Nghệ An năm 1831.
3. Người ghi câu nói “Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu” đầu tiên có thể là H.Le Brơtông (H.Le Breton). Ông đã ghi câu nói trên vào “An Tĩnh cổ lục” (Le vieux An Tĩnh) xuất bản năm 1936 ở Tập san “Đô Thành hiếu cổ” (Bulletin des Amis du viex Huế, 1936).
4. Sách “Đại Nam nhất thống chí” được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào những năm 70 thế kỷ 19 đời Tự Đức viết thành Thanh Hóa có đủ 4 cửa “Thành tỉnh Thanh Hóa chu vi 360 trượng, cao 1 trượng, mở 4 cửa” (Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb KHXH, 1970, trang 215).
Như vậy là theo các sử gia triều Nguyễn thì không có chuyện “Thanh vô tiền”. Tôi có đưa chuyện này thưa với PGS. Ninh Viết Giao vốn quê gốc ở tỉnh Thanh thì được ông cho biết thành Thanh Hóa vốn có cửa tiền nhưng thường xuyên được đóng lại, chỉ mở cửa khi có vua ra. Sách Địa chí tỉnh Thanh Hóa xuất bản mới đây cũng viết thành Thanh Hóa có 4 cửa. Thực tế câu “Thanh vô tiền” như thế nào xin để các nhà Thanh Hóa học khảo cứu thêm.
5. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì thành tỉnh Nghệ An chỉ có 3 cửa: “Thành tỉnh Nghệ An ở địa phận hai xã Yên Trường và Vĩnh Yên, huyện Chân Lộc. Chu vi 603 trượng, cao 1 trượng, 1 thước, 5 tấc, mở 3 cửa”.
(Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Sđd, trang 129).
6. Trong An Tĩnh cổ lục, H.Le Breton cho rằng thành Nghệ An vẫn có 4 cửa nhưng cổng Bắc được bịt lại, ông viết: “Thành có 4 cửa nhưng cổng Bắc được bịt lại nếu không sẽ có ma do những ác thần quấy nhiễu, cũng giống như cổng phía Nam của Thanh Hóa mà tục ngữ đã có câu: Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu” (Tiền = cổng phía Nam, hậu = cổng phía Bắc)”.
(H.Le Breton, An Tĩnh cổ lục, Nxb Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Đông Tây, 2005, tr.132).
7. Chúng tôi đã xem kỹ các bản vẽ thành Nghệ An và ảnh chụp thành Nghệ An từ máy bay từ trước năm 1945 thì không thấy dấu vết gì của cổng thành phía Bắc (cổng hậu) “bị bịt lại”.
Năm 1974, tôi đang công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An, thời gian đó cơ quan văn phòng ty đóng trụ sở ở ngay trong thành, địa điểm ấy bây giờ là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Khu gia đình cán bộ trong đó có gia đình tôi và gia đình ông Lê Sỹ Toản - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh ở ngay trên nền bờ thành phía Bắc. Chúng tôi còn chứng kiến nhân dân khai phá bờ thành trồng trọt rau màu khắp cả bờ thành phía Bắc mà không một ai nhìn thấy gì về dấu tích một “cổng thành Bắc được bít lại”. Thành Nghệ An chỉ thấy có 3 cửa là cửa Tiền, cửa Tả, cửa Hữu còn để lại di tích mà những ai đi qua cũng thấy rõ. Mới đây, hai cửa Tiền và cửa Tả đã được tôn tạo lại có dáng vẻ gần như xưa.
8. Đại Nam nhất thống chí biên soạn thời Tự Đức còn chép đầy đủ tất cả các tỉnh, thành trong toàn quốc. Theo bộ sách này thì nước ta có đến 11 tỉnh thành chỉ mở có 3 cửa đó là: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Yên, Tuyên Quang, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi, An Giang, Hà Tiên. Đại Nam nhất thống chí ghi rõ 3 tỉnh không có cửa hậu là Nghệ An, An Giang, Hà Tiên còn lại 8 tỉnh thành chỉ có 3 cửa, sách không chép rõ là khuyết cửa nào. Chắc rằng hãy còn có tỉnh thành khuyết cửa hậu nữa.
9. Ngoài số 11 tỉnh thành chỉ mở 3 cửa, số còn lại hầu hết tỉnh thành đủ 4 cửa. Cá biệt có tỉnh Vĩnh Long mở 5 cửa. Riêng thành phố Hà Nội vẫn có 5 cửa. Đặc biệt nhất là kinh đô Huế thì Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành đều mở nhiều cửa.
- Kinh thành có đến 11 cửa: phía trước 4 cửa Thể Nhân, Quảng Đức, Chính Nam và Đông Nam; phía Tả cửa là Chính Đông, Đông Bắc và Trấn Bình; phía Hữu 2 cửa là Chính Tây và Tây Nam; phía sau 2 cửa là Chính Bắc và Tây Bắc.
- Hoàng Thành có 4 cửa: phía trước là Ngọ Môn, phía tả là Hiển Nhân, phía hữu là Chương Đức, phía sau là Hòa Bình.
- Tử Cấm Thành có 7 cửa: phía Nam là cửa Đại Cung; phía Đông là cửa Hưng Khánh, Đông An; phía Tây là cửa Gia Trường và Tây An; phía Bắc là Tường Loan và Tường Lân (Năm Minh Mệnh thứ 2 đổi cửa Tường Lân thành Nghi Phương).
Tóm lại chúng tôi thấy việc Nghệ An chỉ có 3 cửa thành, không có cửa hậu (Nghệ vô hậu) thì đấy không phải là điều hy hữu, là điều “xưa nay hiếm” hoặc là điều đặc biệt, đặc sắc gì cả vì có đến 11 tỉnh chỉ mở 3 cửa thành và nhiều tỉnh thành cũng “vô hậu” như tỉnh Nghệ An. Chắc rằng ngoài yếu tố quân sự còn có yếu tố phong thủy khi xây thành dưới thời Nguyễn nên mới nhiều tỉnh thành không có cửa hậu.
Còn nhân dân xứ Nghệ xưa nay và muôn đời sau vẫn “tình sâu nghĩa nặng” với nhân dân và bè bạn bốn phương đúng như nhà thơ Huy Cận viết:
Tình xứ Nghệ không mau
Nhưng bén rồi sâu lắng
Quen xứ Nghệ quen lâu
Càng tình sâu nghĩa nặng
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570103

Hôm nay

2139

Hôm qua

2367

Tuần này

22486

Tháng này

228627

Tháng qua

129483

Tất cả

114570103