Những góc nhìn Văn hoá
Nội các Trần trọng Kim với Trường Thanh Niên Tiền Tuyến Huế 1945
Trong đêm 9 - 3 - 1945, bằng một hành động thống nhất trên toàn Đông Dương, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, độc quyền thống trị Đông Dương. Lực lượng quân sự Pháp hoàn toàn tan rã, bộ máy thống trị của thực dân Pháp đầu hàng, bị cầm tù hoặc cam tâm làm tay sai cho phát xít Nhật. Trên thực tế, toàn bộ Đông Dương đã trở thành thuộc địa của phát xít Nhật.

Đứng về phía lực lượng cách mạng, ngay từ mùa thu năm 1944, trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương, những người cộng sản Việt Nam đã nhận định về sự hòa hoãn tạm thời giữa Nhật và Pháp ở Đông Dương và tiên đoán rằng: "Cả hai đang sửa soạn tiến tới chỗ tao sống mày chết, quyết liệt cùng nhau" (báo Cờ giải phóng, số ra ngày 29 - 9 - 1944).
Cũng đúng vào đêm 9 - 3 - 1945, Ban Thường vụ (mở rộng) của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp khẩn cấp tại Bắc Ninh để nhận định đánh giá tình hình và đề ra kế hoạch hành động kịp thời. Trong lúc hội nghị đang họp thì nhận được tin phát xít Nhật đã nổ súng đảo chính thực dân Pháp ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự kiện này và dự kiến khả năng thắng lợi tạm thời của Nhật, hội nghị đồng thời khẳng định sự kiện Nhật đảo chính Pháp đã đặt Đông Dương vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, tạo những điều kiện làm chín muồi nhanh chóng.
Trong hoàn cảnh đó, bản Chỉ thị lịch sử: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"ra đời (12 - 3 -1945).
Những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tạo ra một phong trào cách mạng mới trong cả nước, làn sóng khởi nghĩa từng phần dâng cao. Thắng lợi của khởi nghĩa từng phần diễn ra trên một khu vực rộng lớn ở các tỉnh Việt Bắc, một bộ phận trung du và đồng bằng miền Bắc và miền Trung đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cả lực lượng chính trị và vũ trang, chuẩn bị tích cực cho những cuộc chiến đấu mới to lớn và quyết định hơn.
Về phía Nhật Bản, chúng cũng nhanh chóng tìm cách nắm chắc bộ máy cầm quyền "bản xứ" do người Pháp lập ra trước đó, và nay đã hoang mang dao động trước vụ Nhật đảo chính Pháp. Chúng bày trò "trao trả độc lập" để làm áp lực buộc vua Bảo Đại ký đạo Dụ số 1 "cải tổ bộ máy triều đình cho phù hợp với tình hình mới". Ngày 19 - 3, viện Cơ mật mới được thành lập trước đó (6-3) do Phạm Quỳnh đứng đầu xin từ chức, Nhật đưa Trần Trọng Kim từ Băng Cốc (Thái Lan) về Sài Gòn, rồi ra Huế gặp Bảo Đại và nhận đứng ra lập nội các mới. Ngày 17 - 4, nội các Trần Trọng Kim ra mắt. Ngày 4 - 5, nội các họp phiên đầu tiên, ngày 8 - 5 bệ kiến Bảo Đại và ra tuyên cáo chính thức.
Nội các Trần Trọng Kim với thành phần là những trí thức có tên tuổi - trong số đó phải kể tới một số nhân vật tiêu biểu của nước ta trước năm 1945, có uy tín đối với nhân dân, như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh,…họ đều là giáo sư, luật gia, nhà báo chưa hề dính líu với bộ máy quan trường, trước đó lại từng có nhiều hoạt động thể hiện có tư tưởng yêu nước, có tinh thần dân tộc nên được nhiều người ngưỡng mộ - cũng đã làm cho một bộ phận nhân dân có phần tin tưởng, đặt hy vọng vào.
Thủ đoạn của bọn cầm quyền Nhật là triệt để lợi dụng bộ máy chính quyền do chúng mới dựng lên để lũng đoạn tình hình có lợi cho chúng, chúng chỉ muốn có một chính phủ bù nhìn hoàn toàn để thi hành mọi ý định của chúng. Mặc dù vậy, nội các Trần Trọng Kim vượt qua bao khó khăn từ nhiều phía, chủ yếu là từ Nhật, với lời hứa hẹn "phấn đấu cho Việt Nam thành một quốc gia độc lập" và với những công tác lớn được đưa vào chương trình hành động như "Giải quyết nạn đói", "Thống nhất chủ quyền lãnh thổ"…là những yêu cầu cấp bách của tình hình lúc đó, cũng đã đáp ứng một phần lòng mong mỏi của quốc gia. Đành rằng trong tình hình chiến tranh, bom đạn lúc bấy giờ, lại phải tiến hành các công việc trên dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền Nhật nên không có điều kiện thu được kết quả như mong muốn, nhưng dù sao thì những chuyến tàu chở gạo Nam Bộ ra Bắc, cũng như những cuộc vận động để Nhật trao trả dần một số quyền trong việc quản lý đất nước, đòi hỏi cho Việt Nam những phần đất mà chế độ thuộc Pháp đã tách khỏi Việt Nam (Đà Nẵng, Hà Nội, Nam Kỳ), cũng phần nào nói lên sự cố gắng và nhiệt tình của các thành viên nội các Trần Trọng Kim. Rõ ràng là các thành viên nội các Trần Trọng Kim - tất nhiên là không phải hoàn toàn như nhau - đều có tinh thần yêu nước và mong muốn làm được một việc gì đó có lợi cho dân cho nước lúc bấy giờ.
Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim lúc đó là Phan Anh cho thấy rõ ý định sâu xa của các thành viên chính phủ Trần Trọng Kim như sau:
"Chúng tôi (chỉ các thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim) tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự". Cũng xin nói thêm rằng ngay đối với Bảo Đại, không phải các thành viên trong chính phủ đều đánh giá thấp ông. Năm 1985, nhân sang Paris công tác tôi thường tới thăm cụ Hoàng Xuân Hãn. Trong một bữa cơm gia đình thân mật, tôi có hỏi cụ Hãn về cuốn Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc của Phạm Khắc Hòe - cụ Hãn và cụ Hòe là hai anh em con cô con cậu - cụ Hãn đã khen cuốn sách, nhưng nhấn mạnh rằng: "Đánh giá Bảo Đại như trong sách là không đúng!". Nguyên văn cụ Hãn nói với tôi, có cả cụ bà ngồi bên cạnh, như sau: "Bảo Đại có thời kỳ cũng muốn làm được một điều gì có ích, nhưng rồi thời cuộc đưa đẩy ông ta đã không thực hiện được ý định của mình". Như vậy rõ ràng là những người tham gia chính phủ Trần Trọng Kim hồi đó dù cho nhận thức về thời cuộc có thể chưa thật giống nhau, nhưng đều là những người có tinh thần yêu nước, muốn tranh thủ một thời cơ mà họ cho là thuận lợi để làm một việc gì có lợi cho đất nước, cho dân tộc.
Cho nên suy nghĩ cho kỹ, xét đoán cho sâu để đánh giá cho đúng, hợp tình, hợp lý, chúng tôi cho rằng chính phủ Trần Trọng Kim lợi dụng thân Nhật là chính xác vì thực tế nó ra đời do bàn tay Nhật tạo dựng theo ý định của Nhật, nhưng bảo rằng nó là bù nhìn e rằng chưa thật sự đúng, vì trong thực tế nó vẫn có những chủ trương và việc làm ngoài ý muốn của Nhật và có lợi cho dân, cho nước. Trong bối cảnh lịch sử phức tạp lúc đó, việc thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến do Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim) thực hiện không tránh khỏi bị nghi ngờ, cho rằng đây là làm theo ý của Nhật, đây là một tổ chức phục vụ cho chính sách quân sự của quân phiệt Nhật. Trong thực tế thì chính phủ Trần Trọng Kim không có Bộ Quốc phòng, Bộ Quân lực hay Bộ Chiến tranh, riêng điều đó cũng đáng cho chúng ta phải suy nghĩ, mà chính Phan Anh cũng đã nói là "đã phải suy nghĩ nhiều". Trong khi trả lời phỏng vấn của nhà sử học Tonesson người Na Uy, ông đã nói rõ là "chính vì muốn giữ thế trung lập mà chúng tôi (chỉ chính phủ Trần Trọng Kim) đã quyết định không có Bộ Quốc phòng. Người Nhật muốn có Bộ ấy để lôi kéo chúng tôi với họ".
Rõ ràng là chính vì mục đích không muốn để Nhật lợi dụng trong việc đổ máu chết thay cho chúng, mà là đưa thanh niên vào một tổ chức sẽ có lợi cho ta - đó cũng là một cách tương kế tựu kế - mà Bộ Thanh niên chính phủ Trần Trọng Kim đã được thành lập để nắm lấy lực lượng thanh niên. Chính Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh đã khẳng định mục đích là "vận động một phong trào thanh niên rộng lớn nhằm mục đích quốc gia và mục đích xã hội. Phong trào thanh niên của chúng tôi không hề xung đột gì với Việt Minh: cùng theo đuổi một mục đích như nhau mà!". Qua lời khẳng định trên đây của Bộ trưởng Phan Anh có thể thấy rõ ảnh hưởng sâu rộng của phong trào Việt Minh, cũng như vai trò to lớn của lực lượng thanh niên lúc đó. Bộ trưởng Phan Anh đã hoàn toàn đúng khi khẳng định với nhà sử học Na Uy Tonesson rằng "khi chúng tôi lập ra Bộ Thanh niên, chúng tôi đã hiểu được sức mạnh và hoài bão sâu sắc của thanh niên".
Công việc đầu tiên của Bộ Thanh niên về mặt tổ chức là thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến. Nhận xét có thể nêu lên ngay, đó là một ngôi trường hoàn toàn không đặt mục tiêu đào tạo chỉ huy quân sự cho chính phủ Trần Trọng Kim, mà là do một số người quan tâm đến tình hình bấy giờ thấy cần trang bị cho thanh niên một số vấn đề quân sự để ứng phó với thời cuộc. Tạ Quang Bửu đã khẳng định với Nguyễn ThếLâm - học trò cũ của ông mới từ Hà Nội về, ở Hà Nội anh đã tham gia tổ chức "Sinh viên cứu quốc" rằng những học viên lớp quân sự Thanh niên Tiền tuyến "được đảm bảo chọn con đường riêng" (Giải phóng quân Huế 1945 - NXB Lao động, Hà Nội, 1994). "Ngày khai trường, Bộ trưởng Phan Anh nói chuyện với lớp học, cũng không nói học xong ra làm gì, mà chỉ nói chung chung ai về quê nấy" (Hồi kýcủa Thiếu tướng Phan Hàm, cựu học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến ).
Nhìn vào con số 43 học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến, chúng ta thấy họ là những thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều động cơ khác nhau, nhưng đều có chung một bầu nhiệt huyết, trong bối cảnh sôi động của đất nước đều nôn nóng được hành động, được làm một việc gì ích nước lợi dân, tuyệt nhiên không ai có ý nghĩ học trường này để sau này kiếm một chân phục vụ trong chính phủ Trần Trọng Kim, càng không phải để phục vụ cho Nhật. Đã vậy, ngay từ ngày đầu, tổ chức Việt Minh đã được thành lập trong trường, phối hợp với Việt Minh tại Huế cùng hoạt động. Trên cơ sở đó, tổ chức Việt Minh của Trường Thanh niên Tiền tuyến đã thực hiện việc lãnh đạo đối với những học sinh, sinh viên yêu nước tiến bộ đang học tập tại một trường quân sự của chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên. Đồng chí Nguyễn Thế Lâm - sau này là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - một trong những học viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến, trong hồi ký của mình đã viết: "Đây có thể nói là anh em chúng tôi đã "Việt Minh hoá" được Trường Thanh niên Tiền tuyến" Nhờ đó công việc điều hành nhà trường được tiến hành có lợi cho phong trào như giao hẳn những vũ khí đã phân phát cho học viên học tập để sử dụng như những vũ khí chiến đấu tự vệ nếu xảy ra những tình huống bất trắc với quân Nhật và tay sai của chúng; hay đã vận động được Việt binh đoàn bao gồm cả lực lượng vũ trang của chính phủ Trần Trọng Kim và của nhà vua Bảo Đại. Tổ Việt Minh trong trường hoạt động tích cực nên ảnh hưởng nhanh chóng đến toàn trường. Cũng theo Phan Hàm thì từ tháng 7 - 1945 trở đi, có thể xem như toàn trường đã "Việt Minh hóa". Và càng gần đến ngày giành chính quyền, đoàn thể Việt Minh của tỉnh Thừa Thiên - Huế càng tỏ ra tin cậy lực lượng này có thể sẽ là lực lượng vũ trang nòng cốt đầu tiên của Việt Minh Thuận Hóa, bên cạnh lực lượng dân quân, tự vệ đông đảo. Trong những ngày đầu khởi nghĩa, anh em Thanh niên Tiền tuyến được phân công vào những công việc của một đội vũ trang đặc biệt, bên cạnh các lực lượng khác, chịu sự lãnh đạo trực tiếp vừa của Xứ ủy, vừa của Tỉnh ủy. Sau đó, từ lực lượng vũ trang Thanh niên Tiền tuyến sẽ tiến tới tổ chức Giải phóng quân Thuận Hóa, có tới 25 trung đội do 10 anh em Thanh niên Tiền tuyến làm trung đội trưởng và huấn luyện, sau đó tất cả đều được thống nhất vào Uỷ ban quân sự tỉnh.
Nhìn lại chặng đường lịch sử, chúng ta thấy Trường Thanh niên Tiền tuyến đã có một vai trò tích cực trong sự phát triển phong trào cách mạng của Thừa Thiên - Huế trong buổi đầu với tư cách là một lực lượng vũ trang nòng cốt tiên phong ở Huế trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Sau đó, khi phát triển tổ chức thanh niên thành những trung đội quân Giải phóng Thuận Hóa, rồi Nam tiến khi thực dân Pháp trắng trợn quay lại nổ súng hòng tái chiếm nước ta thì các học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến đã trở thành những cán bộ khung xuất sắc trên cương vị chỉ huy. Trong 43 học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến, trong chiến đấu có người đã hy sinh, cũng có nhiều anh em về sau đã trở thành những cán bộ chỉ huy cao cấp trong Quân đội ta. Sự chuyển biến của Trường Thanh niên Tiền tuyến từ một tổ chức của chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên thành một tổ chức cách mạng, hiện tượng độc đáo đó là sản phẩm của lòng yêu nước Việt Nam kết hợp vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong sự chuyển biến tốt đẹp đó, phải kể tới công lao đầu tiên của Phan Anh và Tạ Quang Bửu, những trí thức yêu nước tiến bộ có uy tín lớn đối với tầng lớp thanh niên trí thức đang khát khao được hành động lúc bấy giờ.
tin tức liên quan
Videos
Khai mạc triển lãm “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”
Độc đáo phong tục hát dân ca trong đám cưới của đồng bào Mông ở Nghệ An
Câu đối Phan Bội Châu viết về xứ Nghệ và xứ Nghệ viết câu đối về Phan Bội Châu
Độc đáo, hấp dẫn Lễ hội Đình Bích Thị ở xã Mai Giang
Từ ngoại giao gấu trúc đến ngoại giao chiến binh sói
Thống kê truy cập
114570098

2134

2367

22481

228622

129483

114570098