Những góc nhìn Văn hoá
Từ góc độ văn học, gợi ý mấy đặc điểm bút pháp, bút lục Phan Thúc Trực (Kỳ 2)
6. Bút pháp của Phan Thúc Trực biểu hiện trong sử của ông là gì? Như đầu đề đã giới thuyết rõ, chúng tôi nghiêng về tìm hiểu bút pháp sử gia họ Phan dưới góc nhìn văn học, còn các vấn đề thuần túy sử học của bộ sách sẽ không đi sâu. GS Trần Kinh Hòa đã đề xuất nhiều kiến giải thiết đáng khi so sánh cuốn sách của Phan Thúc Trực với Đại Nam thực lục mà giới sử hẳn còn phải bàn bạc nhiều. Nhưng Quốc sử di biên lại là một công trình chứa đựng nhiều thể tài không còn khoanh trong phạm vi một bộ sử nên cũng cần được đề cập tương đối cặn kẽ.

6.1. Ta đã biết, kiểu tác gia Phan Thúc Trực là kiểu nhà Nho giữ tròn lý tưởng trung quân; sử bút của ông không bao giờ vượt ra ngoài cái khung đạo lý Nho gia bất di bất dịch. Tuy vậy, con người ông là con người chân chất. Ông trung quân một cách hồn nhiên mà không phải đắn đo trong tư tưởng như một áp lực vô hình đè nặng. Áp dụng lý thuyết biện chứng thì ở ông, trung quân từ cái tất yếu đã trở thành cái tự do, giải tỏa cho ngòi bút viết sử của ông. Nếu đặt bên cạnh Đại Nam thực lục, tư liệu lịch sử do ông cung cấp tất nhiên chẳng thấm vào đâu. Ông chỉ làm cái việc “di biên” - biên chép những gì còn sót lại từ Đại Nam thực lục(14), mà Đại Nam thực lục thì về mặt sử liệu mà nói, đồ sộ đến mức đáng cho ta phải kính nể (xin mở ngoặc, Đại Nam thực lục đã tiếp thu được phương pháp của sử học đời Thanh nên biết coi trọng khảo chứng và trình bày rất hệ thống các nguồn tài liệu). Nhưng các nhà viết sử của Quốc sử quán nhà Nguyễn dưới quyền chỉ huy của một vị Tổng tài lại luôn luôn ý thức về cái “vòng kim cô” của những điều phạm húy; dù không nói ra đó vẫn là điểm nhấn khiến cho trong thao tác, họ bắt buộc phải chọn một hệ quy chiếu lấy đấng quân vương làm trung tâm. Từ điểm quy chiếu nghiêm ngặt này, mọi sự cố xuất hiện từ gần đến xa, trong triều ngoài nội, chỉ còn là những vòng quay nhiều tầng của một chiếc đèn kéo quân hướng tâm không có gì khác, và nhìn vào đấy sẽ thấy đầy ăm ắp cái mà sử gia gọi là “sử sự” đang di động nữa mà thôi. Trong khi đó, sự tự do của ngòi bút viết sử “tay trái” (sử tư nhân) của Phan Thúc Trực lại giúp ông thoát khỏi vòng kìm kẹp một cách vô thức, và trong bộ sử của ông bỗng chốc hiện ra tất cả mọi hoạt động không phải của “sử sự” dàn bày vô cảm mà là hoạt động của những con người. Không những thế, cái thế giới người được họ Phan tái hiện không còn nằm nguyên ở trạng thái tĩnh mà là một thế giới động như nó có. Do có chỗ vẫn theo lối viết biên niên, cũng con người ấy thôi, trên mỗi thời điểm cụ thể, thông báo của Phan vẫn là loại thông báo một chiều đơn giản, nhưng gộp nhiều thời điểm lại, con người được thông báo đã có sự xê dịch: lúc này hiện ra thế này và lúc khác hiện ra thế khác, giúp người đọc nhìn thấy hai, ba bình diện khác hẳn nhau. Một cách không tự giác, ngòi bút chép sử của ông từ đơn thanh chuyển sang đa thanh chính là vì vậy. Xin chỉ dõi theo hai nhân vật: con người Lê Quýnh, bề tôi của Lê Chiêu Thống và con người Phạm Đình Hổ, danh sĩ Thăng Long.
Trong Quốc sử di biên, có một Lê Quýnh cứng cỏi khi đi tiền trạm trong đoàn đưa quan tài Lê Chiêu Thống về nước, không chịu vái lạy Tổng trấn lừng tiếng Nguyễn Văn Thành: “Tôi chưa được vái lạy đức vương thượng tôi nên chẳng dám vái lạy tôn công... Nước mất mà chẳng biết lo giữ nước, tôi là tội nhân của tôn công, nay gặp tôn công mồ hôi ướt đẫm cả áo. Nhưng di hài vua xưa chưa được tấc đất yên táng, xin tôn công giúp cho” (Bản dịch; tr.120). Có một Lê Quýnh đàng hoàng khẳng khái khi gặp lại bạn cũ Đặng Trần Thường nay đã là tướng của Gia Long, công thành danh toại: “Thường gọi Quýnh là Khổng Minh, Quýnh không nhận, lại đổi lại gọi Quýnh là Tử Phòng, Quýnh nói: “Tướng công gặp được vua sáng nên đã thỏa được chí của mình, danh có thể ngang với Tử Phòng, còn Hựu tôi (tức Quýnh) đâu có theo được. Nói rồi Hựu ra về” (Bản dịch; tr.121). Có một Lê Quýnh mách bảo đường đi nước bước cho bà Nguyễn Thị Kim với quan niệm chữ “trung” sắc lạnh: “Tỳ bà hậu (tức Nguyễn Thị Kim) từ chùa Lã vào khóc với Doãn Hựu, hỏi ông nên tính kế thế nào. Doãn Hựu trả lời: “Xuống đất để gặp tiên quân, đó là kế tốt nhất. Trở về chốn lăng tẩm của vua Lê để phụng thờ hương khói, ấy là kế thứ hai”. Bà hậu bèn uống thuốc độc tự tử, thọ 40 tuổi” (Bản dịch; tr.121). Có một Lê Quýnh đinh ninh giữ lòng cô trung với vua cũ nghe ra thật có lý: “Bấy giờ Doãn Hựu 55 tuổi. Ông thường nói với bạn cũ là Nguyễn Huy Phác rằng: “Hựu như cô gái ngồi bên song sách vở, nhưng học hành còn ấu trĩ, đã không có nhan sắc đẹp đẽ lại chẳng tài nghệ gì, được đấng trượng phu không câu nệ lấy làm vợ, ấy là mười phần may mắn. Nay bậc trượng phu mất sớm, Hựu nên ở góa để giữ tròn danh tiết liệt phụ, nếu không sẽ thành loại súc sinh thôi” (Bản dịch; tr. 122-123). Và cũng có một Lê Quýnh được nhìn dưới một lăng kính hoàn toàn khác, rất so đo tính toán khi trở lại cuộc sống gia đình, bụng dạ chật hẹp với người này người kia ở giữa làng quê thôn xóm: “Nhưng Doãn Hựu vốn là người hẹp hòi. Hễ ai có lỗi nhỏ, Hựu thường cố chấp, chỉ trích không tha, cho nên nhiều người không phục. Vả lại Hựu là người hay để tâm tới của cải. Mấy năm trước, Hựu ở bên Tàu, ruộng ao của nhà bị mấy người con trai đem bán, ông nhất định truy hồi bằng được. Ông cũng là người hay đòi nợ, phải trả họa không nhỏ. Vì vậy, Hựu bị người đời oán ghét (người đời rủa Hựu là người “tam tiệt” - cắt làm ba đoạn)” (Bản dịch; tr. 123). Và hậu quả của cái tính vừa thẳng thắn đến cực đoan, khí khái giữ tiết, lại cứng nhắc không thức thời, thêm vào một chút tham lam keo kiệt nữa đã dẫn Lê Quýnh đến một kết thúc chẳng mấy ai ngờ: “Ngày mồng một tháng 9 (năm Ất Sửu 1805), bọn cướp giết Doãn Hựu và con trai ông tên là Tốt. Nguyên bấy giờ ở làng Bình Ngô có tên cướp cừ khôi tên là Bi, tự xưng Bắc soái. Tên cướp này thoắt ẩn thoắt hiện, thình lình vào ra cướp của cải. Gặp lúc tên Bi đi đốt phá đất Ngâm Điền, cướp được rất nhiều của cải và gia súc, Lê Doãn Hựu bèn đốc thúc bọn con trẻ trong nhà ra đón đường cướp lại của cải và súc vật mà tên Bi cướp được. Tên Bi vô cùng căm tức Hựu. Buổi chiều hôm đó, tên Bi đốc suất đồ đảng rất đông vào nhà Hựu đốt phá, đâm Doãn Hựu vài chục nhát. Quan Tri phủ là Nguyễn Đình Đôn nghe tin đến nơi lập án. Sau đó 15 ngày Doãn Hựu từ trần, quan phủ lại đến nơi lập tử án. Con của Doãn Hựu là Doãn Trắc và Doãn Tốt vì cha báo thù nên thường xuyên mang binh khí theo người. Tên Bi lập kế mai phục, đánh Tốt chết ở ngoài đồng” (Bản dịch; tr. 148-149). Bằng lối viết biên niên, Phan Thúc Trực không chủ ý tập trung rọi sáng con người Lê Quýnh trong một lúc mà soi tỏ ông dần dần, cuối cùng đã làm hoàn chỉnh diện mạo góc cạnh sắc nét của vị thần tử nhà Lê từng nổi tiếng vì không chịu dóc tóc theo kiểu Mãn Thanh.
Về Phạm Đình Hổ, Quốc sử di biên còn có ngòi bút đậm màu hài hước chua chát hơn. Mới đầu, Phạm Đình Hổ xuất hiện trong tư cách một văn sĩ Bắc Hà có tiếng tăm được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành chiều chuộng cho ở luôn trong phủ đệ của mình cùng nhiều văn nhân khác (Bản dịch; tr.96). Rồi chẳng hiểu vì cớ gì Phạm bỗng trở thành đối tượng “tế sống” của một bài văn tế do đám học trò tinh quái viết dán lên trước cửa trường thi Thăng Long năm 1819 (Bản dịch; tr.227). Hẳn đây là một lời cảnh báo khéo của sĩ phu Bắc Hà mà ông không thấy hết thâm ý nên đã bỏ qua. Năm 1821, Phan Thúc Trực chép Phạm Đình Hổ cùng ông nghè Phạm Quý Thích được Minh Mạng triệu đến bái yết(15). Phạm Quý Thích nhất quyết không nhận mọi quan tước được phong còn Phạm Đình Hổ thì sau đấy nhận lời vào Phú Xuân giữ chức Thự Tế tửu (cũng như quyền Hiệu trưởng) Trường Quốc Tử Giám. Rồi bẵng đi mấy năm, ta lại thấy chép việc Phạm Đình Hổ xin từ chức Thự Tế tửu vì một lý do cũng khá lạ: “Phạm Hổ là người ngay thẳng, giáo pháp rất nghiêm. Các sĩ nhân đã từng theo học thầy khác ông không cho vào học. Lúc đó có công tử đang theo học ở Quốc Tử Giám vào lớp, ông rút guốc ra ném. Công tử vặn rằng: “Lấy roi đánh là hình phạt trong dạy học, sao ông lại ném guốc vào tôi?”, nói rồi lấy guốc ném lại, lại còn nói thêm: “Không đỗ đại khoa thì không đủ làm khuôn mẫu cho người đâu!”. Phạm Hổ thẹn quá, dâng biểu xin về Bắc thành dưỡng bệnh, vua ban cho 100 quan tiền” (Bản dịch; tr. 317-318). Chàng công tử ranh mãnh đã đánh trúng yếu huyệt của Phạm Đình Hổ bởi ông thi ba khoa đều chỉ đỗ Tú tài. Hóa ra danh sĩ họ Phạm đã ảo tưởng rằng cứ có học vấn uyên bác đến vua Minh Mạng cũng vì nể thì có thể cư xử thế nào cũng được, kể cả thiếu kiềm chế đối với loại “con cháu các cụ” đầy hãnh tiến và kiêu ngạo. Đúng là bé cái nhầm! Nhưng chưa hết. Hai năm sau, đến năm Kỷ Sửu (1829), Phan Thúc Trực lại chép Phạm Đình Hổ tiếp tục được triệu vào Kinh giữ chức Tế tửu thực thụ Trường Quốc Tử Giám: “Trước đó, năm Đinh Hợi, Hổ xin về Bắc thành dưỡng bệnh. Nhà vua trọng con người Hổ nên để trống vị trí đó đợi ông trở lại. Đến năm này, vua mệnh cho quyền Tri phủ Diễm cùng thầy thuốc đến thăm bệnh, chẩn trị (cho Hổ), thấy bệnh tình ông đã thuyên giảm, vua lại xuống chiếu triệu vào. Hổ từ chối, lấy cớ là chưa thấu suốt sách thánh hiền, chưa thỏa lòng mong mỏi của sĩ phu từ sông Gianh trở ra Bắc. Nhưng vua không đồng ý. Ông đành lại phải vào kinh” (Bản dịch; tr.337). Nhà chép sử không dừng ở đó mà còn hé lộ một chuyện khúc mắc phía sau, dường như có ẩn cả nụ cười tủm tỉm của mình: “Khi Hổ ở Bắc thành, gặp lúc có kỳ thi Hương, con ông làm văn hộ người khác, bị Giáo thụ Hoài Đức đánh roi, Hổ giận mà nói rằng: “Ta hận không được làm đại quan, nhưng như đám Giáo thụ này thì môn đồ ta rất nhiều” (Bản dịch; tr. 337). Rõ ra giọng một người cao ngạo về chữ nghĩa mà kỳ thực là rất mặc cảm về thân phận vốn chỉ có hư danh chứ không chút thực quyền. Vẫn chưa hết. Phan Thúc Trực còn đưa thêm một chi tiết làm nổi cái tính cáu bẳn mất chừng mực của Phạm Đình Hổ: “Lại có viên cẩm y (người có nhiệm vụ chữa bệnh cho Hổ theo lệnh nhà vua) đợi xin tiền, Hổ không cho. Cẩm y đi ra nói xẵng. Hổ đuổi theo đánh ông ta chảy máu. Cẩm y ngã xuống, ông lập tức mang nồi đồng ra treo vào cổ áo và vu cho cẩm y ăn trộm giữa ban ngày. Sự việc được báo lên Hình tào Nghi. Nghi mệnh cho quyền Tri phủ Diễm đến tra hỏi. Diễm đến xử, chỉ trích (Hổ) tội khi quân và nói: “Hoàng thượng nhiều lần xuống chiếu triệu khanh vào kinh, khanh từ chối lấy cớ là dưỡng bệnh. Đương trong lúc dưỡng bệnh mà có thể đánh ngã người khỏe mạnh, thế thì ai khỏe đây?” Hổ tức giận đập đầu vào bàn. Diễm cười mà nói: “Dù cho khanh cởi khăn rồi đập vỡ đầu cũng không thể vu cho ta tội bức tử khanh đâu. Huống hồ đầu vẫn còn quấn khăn, đập vào bàn thì có gì phương hại?” Nói xong lập tức bắt trói viên cẩm y cùng chứng cứ, lập án trạng rồi bảo với Hổ rằng: “Khanh có quan phẩm, lại được Hoàng thượng trọng dụng, Hình tào ở Bắc thành không dám xét xử, xin đợi sách tấu vào kinh”. Hổ sợ, cố xin giảng hòa nên mới được miễn” (Bản dịch; tr.338). Qua những dòng ghi chép nhẩn nha lần theo ngày tháng của sử gia họ Phan, người đọc ngày càng tiếp cận với một Phạm Đình Hổ có tính nết đa đoan, bộc trực đấy mà nóng nảy thiếu bình tĩnh cũng ngay đấy, khác với một Phạm Đình Hổ kiến thức uyên thâm, khả năng cường ký hơn người và luôn giữ vững Nho phong qua các sách Vũ Trung tùy bút hay Tang thương ngẫu lục.
6.2. Phải thừa nhận, trong Quốc sử di biên, còn vô số những gương mặt nhiều sắc diện với vô số câu chuyện ngang trái như đã dẫn. Có lẽ đấy mới là lý do chính yếu làm cho GS Trần Kinh Hòa khi đặt Quốc sử di biên vào hàng những cuốn sử tư nhân sáng giá, phải hạ bút viết những lời trân trọng: “Thiết tưởng không có cuốn sách nào hơn được”(16). Và ngay các nhà sử học Nhật Bản ở Sở Nghiên cứu Tân Á Trường đại học Khánh Ứng như “các ông Triệu-hiệu-tuyên, Lưu-gia-câu, Bản-thôn Tông-cát và Đoàn Khoách (Việt Nam) đều công nhận quyển Quốc sử di biên đã chiếm một địa vị trọng yếu nhất trong các quyển sách sử ký dưới triều nhà Nguyễn”(17). Với bản tính một nhà nho kín đáo, Phan Thúc Trực ít khi đem chủ quan can thiệp lộ liễu vào câu chuyện mình ghi chép - ông không hề định kiến đối với đối tượng của ngòi bút mình. Nhưng chính cách viết sử không đem ý muốn cá nhân mài nhẵn các góc cạnh gồ ghề của đối tượng, biến chúng thành những sự kiện vô hồn, lại còn đẩy xa đối tượng ra một cự ly nhất định để chúng tự lộ diện cho người đọc tự do nhìn ngắm, đã có tác dụng khơi dậy cá tính nhân vật rõ nét hơn, tạo nên lực hút đặc biệt của ngòi bút ông. Có thể nói không ngoa khả năng cá tính hóa là bí quyết thành công hàng đầu của sử bút họ Phan. Viết về một viên Cố đạo phương Tây bị bắt vào tháng 5 năm Mậu Tuất (1838), Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, chép là viên Cố đạo bị bắt ở Quảng Bình, nói rõ thêm tên ông ta là Bố-di-du-mô-linh, và kết thúc ngay bằng việc xử tử hình ông; thì Phan Thúc Trực chép việc bắt bớ xảy ra ởBắc Ninh dưới quyền Bố chánh sứ Nguyễn Đăng Giai, cũng bỏ qua tên viên Cố đạo. Nhưng điều khác nhau quan trọng là ông không nói đến kết cục bi đát của viên Cố đạo kia, ngòi bút của ông cũng chẳng có ý gì chê bai, đả kích ông ta cả. Từng lời tưng tửng của ông còn vẽ ra gương mặt rất thật với nét cười cởi mở vui tính của ông Cha cố: “Ông Cha cố này mặt vuông, mũi to, râu ria tua tủa, tóc tai rậm rạp, nói cười vui vẻ, ứng đáp linh hoạt, rất có thần sắc, còn nói: “Đạo này chính là đạo trị loạn” (Bản dịch; tr.441). Viết về một người con của đại thần Nguyễn Đăng Giai từ chân Tú tài đặc cách Cống sinh được bổ Tri phủ Khoái châu kiêm quyền nhiếp Tri huyện Thanh Trì, ông lưu ý cái thói quen phong lưu, đắm đuối nữ sắc của viên quan trẻ: “Lấy người con gái ở Gia Định làm thiếp, sinh được một con gái. Mỗi khi đi làm ở huyện ông đều sai người thiếp đứng chực ở cửa, rồi nắm tay, sờ nắn ngực, sau đó mới xuất hành. Thường nói: “Đời người có ba vạn sáu nghìn ngày, riêng ta có thêm ba vạn sáu nghìn đêm nữa” (Bản dịch; tr.278).
6.3. Bởi vậy, đối với người nghiên cứu văn học, Quốc sử di biên không phải chỉ là một tác phẩm sử học mà còn là một tác phẩm văn học có giá trị. Phan Thúc Trực đã khắc tạc lên vô số chân dung sinh sắc góp phần bắc một nhịp cầu để người đọc lùi trở về nửa đầu thế kỷ XIX, tìm đến một bức tranh thực sống, ở đấy có không ít những khuôn mặt năng động hiện diện trước mắt mình. Người đọc bắt gặp một Lê Văn Duyệt oai phong nghiêng trời, có tấm lòng bao dung kẻ dưới, bao dung đến cả loài động vật hoang dã như hổ báo, hễ bắt được con hổ nào ông cũng không giết mà cho đeo vào cổ một chiếc lục lạc nhỏ rồi thả lại vào rừng, hổ sẽ trở nên hiền lành. Người đọc cũng bắt gặp một Nguyễn Công Trứ tài hoa, lãng tử, giỏi cả văn lẫn võ, thích gái đẹp, mê trò hát xướng, cũng hết sức mưu lược và quyết đoán; biết dùng đào hát tụ tập đàn ca trên một vùng đầm hồ vốn là tử địa để dụ Phan Bá Vành vào tròng; hoặc dám đốt ngôi đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Kiến An quê ông để dập tắt mầm phản loạn của người cháu ông là Hài mượn danh lời sấm Trạng Trình toan làm phản, nhưng rồi sau đó lại tìm đúng di tích gốc của Tuyết Giang Phu tử cho trùng tu đẹp hơn. Người đọc còn bắt gặp một Lê Quý Kiệt kiến thức sâu rộng, tiếp nối được trí tuệ của bố là Lê Quý Đôn, được Minh Mệnh rất yêu vì, nhưng lại không hợp ý đám quan lại triều đình đương thời nên được thăng đến Tham tri rồi vẫn phải cáo hưu. Người đọc thích thú khi biết chuyện một Lý Văn Phức dẫn đầu đoàn sứ bộ Việt Nam sang Yên Kinh báo tang Minh Mạng, vào công quán thấy người Thanh viết bốn chữ “Việt di hội quán” (Hội quán của người Việt man di) trên vách, Phức nổi giận, lên tiếng chê trách đám quan tiếp sứ “giọng nói và sắc mặt đều rất nghiêm nghị” và không chịu vào ở trong sứ quán, đến khi bọn họ phải cho người xóa chữ “di” đi ông mới chịu vào. Liền đó ông viết ngay bài Biện di luận, đề cao lịch sử lâu dài và phong tục đặc thù của Việt Nam “khiến người Thanh phải thẹn mà xin lỗi” (Bản địch; tr.506)(18). Người đọc cũng không thể quên một Phạm Quý Thích nhất mực giữ chí ở ẩn, bị triệu vào kinh không chịu đi, cho lấy xe kết lụa để đón, ông đi đến Thanh Hóa rồi lại cương quyết quay trở về. Người đọc càng ghi nhớ về một Hà Tông Quyền, tuy làm đến chức quan đầu triều, quyền thế không ai bằng, và cũng đã rất khôn ngoan khi biết tránh né khéo léo câu hỏi của Minh Mạng thăm dò việc nên để cho ai nối ngôi, vậy mà vẫn không tránh được ngón đòn thù tàn độc của người con út vua Gia Long vốn đang ngấp nghé cái ngai vàng, nghe ông trả lời không đoái gì đến y, y liền hẹn ông đến nhà phục cho uống rượu say rồi đánh chết vứt xác xuống sông...
6.4. Về phương diện tư liệu học, Quốc sử di biên cũng là cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu quý. Những thơ văn mà Phan Thúc Trực ghi chép được, rải rác từ đầu đến cuối sách và gắn với từng nhận vật lịch sử, không thể nói là ít giá trị đối với người sưu tầm văn học. Đáng kể hơn, sách còn giải tỏa cho người viết văn học sử nhiều nghi vấn lâu nay chưa có xác tín rõ ràng. Chẳng hạn, nói đến Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều, trước đến giờ, người nào cũng chỉ căn cứ vào Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, mà Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập thì đến tận năm 1889 mới thật sự hoàn thành, được triều đình lúc bấy giờ dâng lên vua Thành Thái “ngự lãm” để duyệt in. Giờ đây đã có thêm một chỗ dựa mới là Quốc sử di biên - chép việc đó vào năm 1816, khi Nguyễn Du được Gia Long thăng chức Thị lang. Chỗ lợi hại là Quốc sử di biên có mặt sớm hơn Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập đến 40 năm, lại có chép thêm cả chuyện đề từ Truyện Kiều của Phạm Quý Thích, vì vậy điều họ Phan ghi được chắc chắn là một chứng cớ khả tín. Trước đến giờ ta cũng chỉ biết về Hồ Xuân Hương qua giai thoại và thơ văn truyền tụng, gần đây có cuốn Lưu hương ký thì lại là bản sao vào năm 1959 mà bản gốc chưa biết ở đâu. Nay Phan Thúc Trực chép rõ Hồ Xuân Hương là người giỏi thơ Nôm, làm vợ thiếp của viên Tham hiệp trấn Yên Quảng, “vốn giỏi văn chương và chính sự nên được người đời gọi là tài nữ”, lại được “Tham hiệp cho tham dự vào việc chính sự” nên bị viên Án thủ (chịu trách nhiệm về an ninh) tên là Dung rất ghét, nhân Tham hiệp đòi hối lộ mấy đám đất vỡ hoang bị dân kiện, Dung tố cáo lên vua Gia Long nên ông ta bị khép tội giam trong ngục tối suốt một năm rồi bị tử hình vào năm Kỷ Mão (1819) (Bản dịch; tr. 225-226). Phải chăng họ Phan mới là người đầu tiên chính thức trước bạ Hồ Xuân Hương vào thư tịch nước nhà? Nhờ vào tư liệu này, học giả Hoàng Xuân Hãn đã truy tìm sâu hơn và tìm ra 6 bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương vịnh cảnh Hạ Long trong cuốn Đại Nam dư địa chí ước biên trong thư khố Paris(19). Đâu đã hết. Về Vũ Trinh, tác giả Lan Trì kiến văn lục, trước đến giờ ta cũng chỉ biết đại khái ông là người của triều đại Lê được Gia Long ưu ái lục dụng rồi vì liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Thành mà bị đi đày, đến khi được thả, trở lại quê nhà mấy hôm thì mất. Nhưng Phan Thúc Trực đã bổ sung cho ta một số tài liệu chi tiết hơn nhiều về ông. Thì ra Vũ Trinh bị đày vào Hội An, song cũng chỉ là giam lỏng, ở đấy ông được tự do dạy học, học trò nhiều người đỗ đạt, rồi lấy thêm một bà vợ, có thêm một con trai. Đến khi được ân xá thì môn sinh của ông vì mến chuộng tài năng nên cùng nhau dâng tấu xin cho ông ở lại, lại lập đền thờ sống ông. Mãi đến năm Đinh Hợi (1827), chắc vì thấy mình đã quá già, ông mới xin được trở về quê, về đến nơi ít lâu thì mất (Bản dịch; tr. 214). Trường hợp tác giả Quan Âm Thị Kính cũng là một đóng góp vô cùng thú vị. Từ trước cuốn truyện lục bát này vẫn được xem là một tác phẩm khuyết danh. Mãi vài thập niên gần đây, Hoa Bằng mới cho biết thêm một tên gọi khác là Quan Âm tân truyện, và xác định tác giả là Nguyễn Cấp, nhà văn Việt Nam sống vào nửa đầu thế kỷ XIX, người Hà Nội, đỗ Giải nguyên năm Quý Dậu (1812) và làm đến Tri phủ Thiên Trường. Nhưng rồi vì một việc lôi thôi trong kiện tụng có dính líu đến vợ ông, ông bị bắt giam, phải trốn tránh nhiều nơi, sau tìm cách ẩn náu tại Lạng Giang, cắt tóc đi tu và sáng tác nên Quan Âm Thị Kính. Tuy nhiên, theo gia đình Thiều Chửu là người có chú giải Quan Âm Thị Kính thì trong gia phả họ Đỗ ở Bắc Ninh lại ghi Quan Âm Thị Kính là sáng tác của Đỗ Trọng Dư, đậu Hương cống năm 1819, cuộc đời cũng gặp hai chuyện oan khuất phải mượn văn chương để thổ lộ nỗi lòng. Cả hai giả thuyết cùng bắt nguồn từ những cơ sở có vẻ đều hợp lý, nên không biết bên nào chính xác hơn. Phải đến khi đọc vào Quốc sử di biên mọi phân vân nghi ngờ mới sáng tỏ. Quốc sử di biên chép: “Tri phủ Thiên Trường là Nguyễn Cấp có tội, bỏ quan chạy trốn. Dân Giao Thủy có việc tranh trụng, vợ Cấp ngấm ngầm nhận hối lộ của bên bị kiện, đầu độc giết bên nguyên đơn. Sự việc bị phát giác. Cấp bị tội thắt cổ chết. Cấp không nhận chiếu chỉ mà bỏ trốn, bị dân phu bắt được, giam ở Bắc thành. Người cháu từ kinh đô (Huế) đến, nói dối là được ân xá, giết trâu, mua rượu khao quan coi ngục. Quan coi ngục bị say túy lúy, chểnh mảng việc coi giữ, đến đêm khuya Cấp bẻ khóa lại bỏ trốn, đãi ngục lại 2 hốt bạc. Về sau, Cấp dùng một trăm lạng bạc để tự chuộc thân trốn sang nhà Thanh. Người Thanh đưa trả về, lại trốn thoát, đến ẩn ở nhà Khám Lượng, Lạng Giang rồi tự xuống tóc làm sư. Sau được quan Tham tán (Nguyễn Công) Trứ giúp đỡ, giấu mình ở chốn rừng suối, cùng kết mối thiện giao với Đỗ Trọng Dư ở Đại Mão, làm cuốn Quan Âm tân truyện để tỏ bày sự trạng. Sau vì việc làm bài luận về việc xuống tóc khiến cho Dư gặp phải phiền toái. Cấp còn trước thuật Tam tự kinh quốc âm ca truyền lại cho bọn lý trưởng. Không lâu sau ông mất, con cháu bị cấm không được đi thi” (Bản dịch; tr.335). Như vậy, Quan Âm Thị Kính hay Quan Âm tân truyện phải coi là cộng đồng sáng tạo của cả Nguyễn Cấp lẫn Đỗ Trọng Dư, gạt hẳn về người nào cũng đều không phải lẽ (20).
Nhiều tư liệu do Quốc sử di biên đưa ra cố nhiên còn cần được thẩm định, như việc ông ghi Ngọc Hân Công chúa mất năm 1804 tại làng Phù Ninh, quê mẹ của bà, rồi việc tháng Tư năm Quý Mão (1843) Chánh tổng làng Phù Ninh tên là Phụng kiện cáo với dân, lại dựa uy thế của dòng họ Ngọc Hân để tranh lợi với dân, bị tố giác nên mộ Ngọc Hân bị quật lên ném xuống sông. Việc quật mộ Ngọc Hân ném xuống sông là điều có thật, được Đại Nam thực lực chính biên, Đệ tam kỷ xác nhận, còn việc Ngọc Hân mất năm 1804 thì không xác đáng vì trong Dụ Am văn tập hiện còn 5 bài văn Nôm tế Ngọc Hân vào mùa đông năm Kỷ Mùi (1799) do Phan Huy Ích viết, thay lời vua Cảnh Thịnh (Kỷ vị đông nghĩ ngự điện Vũ hoàng hậu tang quốc âm văn), thay lời bà mẹ đẻ ra Công chúa là Nguyễn Thị Huyền ở làng Phù Ninh (Phù Ninh Từ cung điện văn), thay lời các Công chúa con vua Quang Trung (Công chúa chư nha điện văn), thay lời họ hàng vua Lê (Cựu Hoàng tôn điện văn), và thay lời họ ngoại ở Phù Ninh (Phù Ninh ngoại tộc điện văn), chứng tỏ bà đã mất trước đấy 5 năm. Khớp các tài liệu khác nhau lại ta có thể phỏng đoán, năm 1804 bà Nguyễn Thị Huyền đã cho bốc mộ Ngọc Hân cùng mộ hai con của Công chúa (bị Gia Long giết hại năm 1802) ở Phú Xuân về táng tại Phù Ninh mà Phan Thúc Trực do tra cứu không kỹ nên đã nhầm(21). Đúng sai về chi tiết trong một cuốn sử do một cá nhân biên soạn phải xác minh cho cặn kẽ là chuyện bình thường. Dầu sao, Quốc sử di biên vẫn là một nguồn sử liệu vô giá giúp xóa đi được không ít dấu hỏi một thời tưởng là vấn nạn của lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX.
* * *
Tóm lại, với tư cách nhà thơ, nhà sưu tầm cũng như nhà viết sử, Phan Thúc Trực có một bút lực dồi dào và một bút pháp thống nhất. Ông không dẫn đạo người khác như một nhà tư tưởng mà chỉ làm một người tích góp tư liệu, một người kể chuyện và một người bạn tâm tình. Nhưng những câu chuyện mà ông ghi chép rất chân thực vẫn còn sống tươi rói đến ngày nay. Và những vần thơ nhẹ nhàng thủ thỉ của ông vẫn thấp thoáng hiện lên mộtcái tôi làm vương vấn chúng ta, bộc bạch với chúng ta tấm lòng đôn hậu của ông. Các mô típ ước lệ trong thơ ông thấm sâu tình cảm của nhà thơ đã nhạt hẳn tính ước lệ, biến thành những chi tiết sống thực. Bởi thế, về một mặt nào đó, cùng với các tác gia khác thời kỳ này, Phan Thúc Trực đã góp phần đưa văn học nửa đầu thế kỷ XIX chuyển dần từ màu sắc Trung đại sang màu sắc Cận đại (22).
Chú thích:
(14) Chính do hai chữ “di biên” trong nhan đề bộ sách - ghi chép những gì còn sót lại: phải có cái gì làm chuẩn thì mới xác định cái sót lại là cái gì chứ - đồng thời khảo sát vào nội dung bộ sách với ba phần dầy dặn và hết sức dồi dào tư liệu và gần như toàn là tài liệu quý chưa công bố, chúng tôi có phần không tán đồng ý kiến của GS Trần Kinh Hòa cho rằng cuốn sử của Phan Thúc Trực được viết trong hai năm 1851-1852 là thời gian ông được phái ra Bắc sưu tầm sách vở. Căn cứ vào ngày tháng đề sau các bài thơ làm trên các chặng hành trình, thử nghĩ, tháng Mười 1851 ông mới lên đường, đi hết Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Yên Quảng, trèo lên cả đỉnh Yên Tử, rồi khoảng cuối năm 1852 ông mất ở Thanh Hóa, trong thời gian ấy lịch làm việc của ông chật kín và làm những việc trèo núi ghi chép văn chương là việc cực kỳ vất vả, ông còn lấy thì giờ đâu để biên soạn một bộ sử đồ sộ như Quốc sử di biên? Đó là chưa nói về tài liệu chủ yếu đưa vào trong bộ sử thì những nơi ông đi qua nào có ai cung cấp được choông, trừ một ít những thơ văn ông đã đưa vào các mục tham bổ nhưng cũng rất ít ỏi. Theo chúng tôi, ông chỉ có thể biên soạn Quốc sử di biên ngay từ khi còn làm ở Nội các và Viện Tập hiền là nơi có điều kiện tiếp cận tài liệu chính gốc của triều đình. Cái tên “di biên” chắc phải ra đời khi bộ Đại Nam thực lục nhận được sắc chỉ cho phép ấn hành, và vì “di biên” chỉ chép ba phần thuộc ba triều đại: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, nên đối chiếu với việc ấn hành Đại Nam thực lục, sắc chỉ ban hành cụ thể cần nói đến ở đây ít nhất cũng thuộc về phần Chính biên, Kỷ thứ nhất, vào đầu năm 1848. Vậy Quốc sử di biên chính thức được tác giả xây dựng thành kết cấu như hiện tại và cố định tên sáchcũng là vào năm 1848.
(15) Đây hẳn là cuộc bái yết tại Thăng Long nhân Minh Mạng ra Bắc làm lễ cầu phong của nhà Thanh mà Phạm Đình Hổ đã ghi lại trong hồi ký của mình. Xem “Bài ký về cuộc diện đối ở hành tại” trong Phạm Đình Hổ - Tuyển tập thơ văn, Trần Kim Anh dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998. Qua bài hồi ký rất chi tiết và sinh động này ta có thể rõ hơn về bệnh tình của Phạm Đình Hổ cũng như thái độ nể trọng đặc biệt của vua Minh Mạng đối với ông.
(16), (17) Trần Kinh Hòa. “Quốc sử di biên đích biên giả dữ nội dung” 國史遺編 旳 編者 與內容, Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch. In đầu bản dịch Quốc sử di biên của cùng dịch giả, Sđd; tr.30 và 46.
(18) Theo GS Trần Kinh Hòa thì Đại Nam thực lục chính biên, Đệ tam kỷ cũng cùng thời điểm, chỉ chép: “Có phái đoàn sứ thần phụng mệnh nhà vua đi sang triều đình nhà Thanh báo cáo ai tín, cùng với danh sách những phẩm vật (được vua Thanh) “thưởng tứ” mà thôi”. Xem thế đủ biết ở tư cách một phát ngôn chính thống, các triều đại Việt Nam đều né tránh làm phật ý Trung Hoa.
(19) Hoàng Xuân Hãn, Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long, Tập san Khoa học Xã hội, Paris, số 10-11 tháng 12-1984.
(20) Xin xem mục “Quan Âm tân truyện” trong Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004; tr.1471-1473.
(21) Xem Nguyễn Cẩm Thúy - Nguyễn Phạm Hùng, Văn thơ Nôm thời Tây Sơn. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997. Tên chữ Hán của 5 bài văn tế trên như sau: 1. 己未冬疑御奠武皇后喪國音文; 2. 扶寧慈宮奠文 ; 3. 公 諸衙奠文 ; 4. 舊皇宗奠文 ; 5. 扶寧外族奠文
(22) Chúng tôi nói màu sắc Cận đại chứ không nói giai đoạn Cận đại. Giai đoạn Cận đại theo chúng tôi phải bắt đầu từ 1900, nhưng màu sắc Cận đại thì có sớm hơn, nhất là trong văn học quốc ngữ Nam Bộ.
tin tức liên quan
Videos
Lung linh Chương trình nghệ thuật và trình diễn Áo dài Sen
Thư viện Nghệ An: Nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh
Phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số
Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài[1]
Tự học - Hành trình dệt nên những ước mơ của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An
Thống kê truy cập
114561417

2179

2351

2530

228960

122920

114561417