Người xứ Nghệ

Người con núi Hồng sông Lam (Phần 4)

10
Trở về nước, Phan Anh đã không cam chịu hành nghề chỉ để làm giàu mà ông đã công khai bộc lộ quan điểm ái quốc thương nòi, cố gắng làm mọi việc có thể làm được để góp phần vào cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc.

Năm 1940 Phan Anh tham gia văn phòng của luật sư Bùi Tường Chiểu cãi nhiều vụ án chính trị ở tòa thượng thẩm. Luật sư Phan Anh cũng từng tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng, không may bị sa vào tay chính quyền thực dân phong kiến. Tất nhiên, do cơ chế thời thuộc địa nên những nỗ lực và thiện ý của luật sư Phan Anh không thể mang lại kết quả như mong muốn, nhưng ít ra thì ông cũng đã bộc bạch được lòng dũng cảm và trượng nghĩa của mình.
Cuối năm 1940, luật sư Phan Anh đã nhận cãi cho một vụ án chính trị. Thân chủ của ông là học sinh của trường Thăng Long, tên là Trần Ngọc Nghiêm(1) từ dự kiến ban đầu là án tử hình đã được rút xuống còn mười lăm năm khổ sai chung thân.
Làm việc ở Tòa Thượng thẩm Hà Nội, luật sư Phan Anh đã tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ Việt Minh. Ông đã có lần bộc bạch: "Làm thầy cãi mà có lẽ là duy nhất cãi cho nhiều người yêu nước chống Pháp, tôi biết nhiều chuyện về phong trào Việt Minh. Tôi rất khâm phục tinh thần hiên ngang bất khuất trước quân thù của họ, nên đã cố gắng làm nhiều điều bênh vực những con người chân chính đó".
Năm 1941, Phan Anh đã cùng ông Vũ Đình Hoè và ông Vũ Văn Hiền lập ra tạp chí Thanh Nghị, để bày tỏ quan điểm trước vận mệnh đất nước. Thoạt đầu tạp chí Thanh Nghị ra hàng tháng rồi ra hàng tuần, để bộc bạch tâm nguyện kẻ sĩ chân chính của đất Việt:
"Người ấy phải vì lợi ích dân chúng, là người quan sát không thiên vị và phải thường xuyên có liên hệ với nhân dân.
Vì vậy, kẻ sĩ có thể ảnh hưởng đến nhân dân và góp phần làm biến đổi xã hội".
Tạp chí Thanh Nghị tồn tại cho tới năm 1945, tập trung nhiều cây bút trí thức tâm huyết với dân, với nước lừng lẫy một thời.
11
Đêm 25 tháng Giêng năm Ất Dậu (tức ngày 9 - 3 - 1945), tiếng súng nổ vang trời. Tiếng đại bác xen lẫn tiếng đại liên, tiếng tiểu liên kéo dài suốt đêm. Gần sáng, tiếng súng thưa dần. Sáng ra, một khung cảnh mới hoàn toàn khác hẳn, lính Nhật mặt lạnh như tiền với súng gươm sáng quắc đi tuần trên phố, tiếng gươm đập vào gót sắt nghe chan chát. Thì ra đêm qua quân Nhật làm đảo chính, toàn bộ chính quyền Hà Nội cũng như toàn bộ Đông Dương đã thuộc về tay quân đội Nhật Bản. Những tờ bố cáo với các thứ tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Việt được dán khắp nơi với nội dung: Quân đội Thiên hoàng đã đánh đổ Pháp, thiết quân luật để giữ trật tự và giúp Việt Nam lấy lại chủ quyền độc lập, đặng cùng nước Đại Nhật Bản xây dựng khối thịnh vượng chung Đại Đông Á,…
Cuộc đảo chính của quân đội Nhật Bản đêm mồng 9 - 3 - 1945 có thể ví như tiếng sấm hè đánh thức để trời trút những trận mưa rào. Sau cơn mưa, từng đám mây tinh khôi và bầu trời xanh trong thăm thẳm đang dần lộ ra. Sau cuộc đảo chính của người Nhật, luật sư Phan Anh và hai người bạn trong nhóm Thanh Nghị là giáo sư Hoàng Xuân Hãn và luật sư Vũ Văn Hiền đã nhận được dụ của vua Bảo Đại mời vào Huế để thăm dò ý kiến về thời cuộc. Lúc này tâm tư của ông không khỏi có nhiều nỗi niềm băn khoăn. Đạo dụ số một ngày 17 - 3 - 1945 của vua Bảo Đại do Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe thảo, với bốn điểm chính:
1/ Nhà vua tự cầm lấy quyền bính.
2/ Chế độ chính trị sẽ lấy khẩu hiệu "Dân vi quý" làm gốc.
3/ Nhà vua sẽ chiêu tập những nhân tài xứng đáng để chỉnh đốn lại nền tảng quốc gia.
4/ Những chính sách hợp với nguyện vọng của quốc dân sẽ được ban hành.
Khi thấy thời gian vào triều kiến Bảo Đại còn khoảng một tháng, nên Phan Anh tranh thủ nắm thêm tình hình, trước hết là lực lượng tiến bộ, những phần tử yêu nước mà không tin vào chính sách của người Nhật như bác sĩ Trần Văn Lai, luật sư Trần Văn Chương, bác sĩ Trần Duy Hưng… Tuy vậy, còn một tồn tại mà ông chưa cảm nhận đúng, đó là lực lượng to lớn của nhân dân đương tiến lên dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Ông đã ngỏ lời mời bác sĩ Trần Duy Hưng cùng đi vào Huế với mình. Hai người đồng tình và đã hẹn với nhau: 5 giờ sáng ngày hôm sau, bác sĩ Trần Duy Hưng đến 74 Hàng Bạc để cùng lên đường. Nhưng buổi chiều trước ngày lên đường, Dương Đức Hiền - Tổng bí thư Đảng Dân chủ Việt Nam (thành lập ngày 30 - 6 - 1944), Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đông Dương, lúc ấy cũng đã rút vào bí mật gửi đến Phan Anh một lá thư với lời khuyên: "Anh không nên vào Huế". Sáng hôm sau, bác sĩ Trần Duy Hưng cũng không đến. Nhưng Phan Anh vẫn quyết định "cứ đi".
Chiều ngày 27 - 3, Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn và Vũ Văn Hiền vào đến Huế, ông Phạm Khắc Hoè ra đón và đưa cả ba người vào nghỉ ở khách sạn Morin. Hôm sau, họ được mời vào Đại Nội, đến điện Kiến Trung là nơi ở và làm việc của vua Bảo Đại.
Những người mà vua Bảo Đại muốn tiếp kiến lúc đó có tám người là: bác sĩ Trần Đình Nam (Đà Nẵng), bác sĩ Hồ Tá Khanh (Phan Thiết), kỹ sư cầu cống Lưu Văn Lang (Sài Gòn), nguyên Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, nguyên Tổng đốc Nam Định Trần Văn Thông, giáo sư - thạc sĩ toán học Hoàng Xuân Hãn (Hà Nội), luật sư Phan Anh (Hà Nội) và vì trong những người trẻ từng du học ở Pháp về, Bảo Đại chỉ biết có Hoàng Xuân Hãn nên nhà vua giao cho Hoàng Xuân Hãn lựa chọn một trong hai người nữa là luật sư Vũ Văn Hiền hoặc Trịnh Văn Bính để phụ trách Bộ Tài chính. Vua Bảo Đại tiếp kiến từng người một. Chiều ngày 28 - 3, Phan Anh là người cuối cùng vào tiếp kiến Bảo Đại.
Một viên nhất đẳng thị vệ, khăn đen, áo dài xanh, đeo bài bạc, kính cẩn mời Phan Anh vào gặp Đức vua. Bảo Đại đầu trần, tóc chải mượt, mặc áo dài nhiễu xanh, quần cẩm cuốn trắng, đi giày dừa thêu rồng đang ngồi đợi. Thấy Phan Anh vào, nhà vua đứng lên ra đón vào.
Đợi Phan Anh ngồi ổn định và dùng nước xong, Bảo Đại mở đầu cuộc gặp:
- Trẫm chắc rằng khanh sẽ không phụ lòng trẫm ủy thác và lòng dân kỳ vọng. Vậy nên trẫm muốn khanh cho biết về thanh niên Việt Nam.
Phan Anh trả lời cho nhà vua biết:
- Thưa bệ hạ, phong trào sinh viên là sôi nổi, đó là hoạt động của những thành phần yêu nước. Nguyện vọng của sinh viên và thanh niên nói chung là chống sự quay trở lại của thực dân Pháp.
Đi vào phân tích tình hình xã hội nước ta, Bảo Đại tỏ vẻ lo lắng:
- Quốc dân đã phải chịu nhiều hi sinh, trẫm muốn thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á, vì cuộc thịnh vượng chung của Đại Đông Á có thành thì sự độc lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoáng qua!
Phan Anh đã lưu ý Bảo Đại tới những người thuộc phe thân Nhật:
- Bệ hạ, Chính phủ chủ yếu là phải nhằm chính sách chống lại những kẻ cơ hội thân Nhật. Vì trong nước họ có thể gieo nhiều tai họa cho đồng bào, gây nên cảnh "nồi da nấu thịt". Và trên trường quốc tế, họ có thể câu kết với Nhật, đưa nước nhà đi đến chỗ phiêu lưu. Đặc biệt phải tránh mưu đồ của người Nhật Bản dùng thanh niên Việt Nam chống lại quân Đồng minh…
Phan Anh cũng lưu ý Bảo Đại tới những người có quan điểm như nhóm Thanh Nghị, họ đi theo đường lối chống Pháp, giữ thái độ trung lập với Nhật để giữ thế giao hảo với Đồng minh.
- Gần một tháng sau ngày đảo chính, ở Hà Nội, tình hình Nhật càng bị sa lầy và họ phải giữ công chức Pháp ở lại các công sở để có con bài khi cần thì sẽ đem ra mặc cả. Anh em trong nhóm Thanh Nghị chúng tôi đã xác định đường lối phải gấp rút lập Chính phủ của người Việt Nam để đuổi người Pháp ra khỏi các công sở, thay bằng người Việt Nam. Và, Chính phủ cần giữ thái độ trung lập giữa Nhật và Đồng minh để đón thời cơ khi Đồng minh thắng trận.
- Trẫm tán thành chủ trương này của khanh. Trẫm nhận thấy, điều cần nhất là phải gây sự đồng tâm hợp lực trong toàn thể quốc dân, phải đoàn kết chặt chẽ mọi giai tầng xã hội, và luôn giữ một mối liên hệ mật thiết giữa Chính phủ và nhân dân - Bảo Đại hỏi thêm - Theo khanh, trẫm nên xử trí như thế nào?
Phan Anh trả lời:
- Vấn đề chủ yếu là giữ được thế trung lập, đặc biệt là không chống những người thuộc lực lượng "cánh tả" như Việt Minh.
Sau khi tiếp xong Phan Anh là người cuối cùng, vua Bảo Đại nói với ông Ngự tiền Văn phòng Đổng lí Phạm Khắc Hòe:
- Hai ông quan già Hoàng Trọng Phu và Trần Văn Thông chẳng có ý kiến gì hay ho. Còn ba anh trẻ, từng học ở Pháp - Bảo Đại khẽ nhấn giọng - Phan Anh là người thông minh hơn cả bọn!(1)
Sau khi trao đổi ý kiến về việc chọn người cầm đầu Chính phủ là ông Trần Trọng Kim (lúc đó chưa có mặt ở Huế) thì ba anh em trong nhóm Thanh Nghị lại trở ra Hà Nội để theo dõi tình hình biến chuyển.
*
Ngày 17 - 4 - 1945, một tháng sau cuộc đảo chính Nhật, Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập gồm 10 bộ với thành phần là trí thức yêu nước từ Bắc đến Nam: Trần Đình Nam - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Văn Chương - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trịnh Đình Thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vũ Văn Hiền - Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Tá Khanh - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Hoàng Xuân Hãn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật, Vũ Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Y tế và Cứu tế, Lưu Văn Lang - Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính, Nguyễn Hữu Thi - Bộ trưởng Bộ Tiếp tế và Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Thanh niên là một Bộ rất mới, mà nhiệm vụ chủ yếu là huy động thanh niên đấu tranh cho độc lập. Trong số 10 Bộ trên thì đã có 9 Bộ từng được thực dân Pháp xây dựng thành lập các tổ chức cơ sở có hệ thống đào tạo và quản lí từ Bắc vào Nam. Riêng Bộ Thanh niên hầu như không có hệ thống tổ chức cơ sở nào cả. Đây là cái khó khăn ban đầu của ông Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh hồi bấy giờ.
Nhận lãnh đạo Bộ Thanh niên, Phan Anh phải tìm người cộng sự. Hồi đó, ông ít quen biết giới trí thức ở kinh đô, mà chỉ biết ông Lê Huy Vân là bạn học cũ thời trường Bưởi làm công chức ở Huế và hai ông Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh là người cùng ông thành lập Hội Tân Việt Nam để ủng hộ phong trào Độc lập. Phan Anh đã mời kĩ sư nông nghiệp Lê Duy Thước làm Chánh Văn phòng Bộ Thanh niên, mời ông Tạ Quang Bửu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn thanh niên kiêm nhiệm Hội đồng Cải cách giáo dục - Đặc ủy viên Bộ Thanh niên.
Việc Phan Anh mời được Tạ Quang Bửu ra cùng cộng tác đã khiến những trí thức lớn từ Bắc vào Nam biết tin đều hết sức ngạc nhiên và sửng sốt. Ai cũng biết Tạ Quang Bửu là người có khí chất "đồ Nghệ", ngang tàng và không màng danh vọng. Trong một lần đến thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh gặp Tạ Quang Bửu lần đầu tiên tại nhà cụ Huỳnh. Rồi qua những cuộc tiếp xúc sau đó, ông đã nhận thấy Tạ Quang Bửu là một trí thức trẻ "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" có thể cộng sự với mình. Tuy mới biết nhau, nhưng Phan Anh và Tạ Quang Bửu đã ý hợp tâm đầu trên đường lối chống Pháp trở lại và trung lập giữa Nhật và Đồng minh. Đây là lần đầu tiên Tạ Quang Bửu đảm nhận một vị trí công tác trong chính quyền. Điều tưởng như trái ngược này có lẽ được lí giải bởi cả hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu cùng chung một tấm lòng yêu nước nồng nàn, cùng chung một chí hướng hoạt động cho độc lập dân tộc và cùng chung một nhận thức về vai trò của thanh niên trí thức Việt Nam. Thêm nữa, có thể Tạ Quang Bửu nhận thấy đây là công tác thanh niên, một hoạt động mà ông theo đuổi từ những năm du học trở về nước cho đến thời điểm đó.
Từ sáng kiến của Tạ Quang Bửu, với tầm nhìn vượt thời gian về thời thế, ông Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh đã cho thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến ở Huế, do Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng. 63 năm sau (2008), các nhà khoa học lịch sử gọi Trường Thanh niên Tiền tuyến (Huế) là "một hiện tượng lịch sử".
Một buổi chiều chủ nhật, gần sát với ngày 23 - 5 âm lịch, tại sân vận động Olympic Huế, ông Lê Duy Thước thông qua các tráng sinh đoàn Hướng đạo và các thầy giáo: Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Hữu Ngọc, Hoài Thanh, Nguyễn Lân, Lê Xuân Phương, Cao Xuân Huy, Cao Văn Khánh, Đào Đăng Vỹ... huy động học sinh trung học các trường Thiên Hựu (Providence), Thuận Hóa, Phú Xuân, Việt Anh, Pellerin, Hồ Đắc Hàm, Khải Định, Hồng Đức… tập trung nhau đến để chào mừng kết quả của "Đại hội thủ lĩnh thanh niên Phan Anh" nhằm thống nhất mục đích, khơi dậy lòng yêu nước trong thanh niên chờ thời cơ giành độc lập cho Tổ quốc và nghe "thủ lĩnh" Phan Anh diễn thuyết.
"Cụ Thượng" Bộ Thanh niên Phan Anh, lên đăng đàn diễn thuyết. Giọng Hà Nội, vừa ấm, vừa vang, lời lẽ khúc chiết, rõ ràng và rất hùng hồn, Phan Anh cất cao giọng:
- Trên có trời, dưới có đất, giữa có chư vị thần linh, chúng ta hứa không để kinh đô Huế thất thủ lần thứ hai! Xin thề!…
Những tiếng đáp lại vang dội: Xin thề! Và trong tâm tư của những người con xứ Huế ngày ấy, ngày 23 - 5 âm lịch hàng năm, đồng bào xứ Huế có tục cúng các cô hồn chết trong ngày thất thủ kinh đô năm Ất Dậu (1885) đã đến gần.
12
Chiều 30 Tết Đinh Hợi (21 - 1 - 1947), Hội đồng Chính phủ họp tại phủ Quốc Oai - Hà Đông. Trời mưa rét, đường lầy, trơn nhẫy như mỡ. Các thành viên Hội đồng Chính phủ, Trưởng ban, Phó ban Thường vụ Quốc hội lặn lội đến đều đã vào phòng họp.
Cuộc họp tất niên, Hồ Chủ tịch chúc tết Hội đồng Chính phủ và Ủy ban Thường trực Quốc hội. Cụ Bùi Bằng Đoàn thay mặt Chính phủ và Quốc hội chúc tết Hồ Chủ tịch.
Đây là cái tết kháng chiến đầu tiên, không pháo, không bánh chưng, không rượu, không giò nhưng có hoa đào. Cuộc họp trong vòng hai tiếng, Bác Hồ chủ trì bàn mấy vấn đề cấp bách, tiến hành khẩn trương, không có nghỉ tết. Họp xong ai nấy về ngay với công việc của mình.
Hồ Chủ tịch lên xe, cái xe ọc ạch đến Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam ém trong chùa Trầm, Người đọc thơ xuân chúc đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Cụ Bùi Bằng Đoàn và Bộ trưởng Phan Anh cùng về một xe ôtô. Giữa đường xe bị nổ lốp. Trong lúc đợi sửa xe, Bộ trưởng Phan Anh đọc cho cụ Bùi nghe đôi câu đối hứng thú về cái tết kháng chiến đầu tiên vừa ngẫm nghĩ xong:
"Súng đạn thay pháo, địa đồ thay tranh, bộ đội tức gia đình, Tết chiến sĩ giương cao nêu độc lập.
Nguy hiểm là thầy, gian lao là bạn, Bắc Nam chung Tổ quốc, tuổi thanh xuân thắt chặt mối đồng tâm."
Cụ Bùi xúc động đến lặng người. Lát sau cụ Bùi chậm rãi từng tiếng trầm trầm:
- Câu đối này bình phẩm là thừa, tôi già rồi vẫn quyết tâm đi kháng chiến với anh em dưới cờ đại nghĩa Cụ Hồ. Vậy ông cân nhắc xem có nên thay "tuổi thanh xuân" bằng "tuổi trẻ già".
Bộ trưởng Phan Anh tương đắc ngay và đọc lại cả vế đối: "Nguy hiểm là thầy, gian lao là bạn, Bắc Nam chung Tổ quốc, tuổi trẻ già thắt chặt mối đồng tâm"(1).
Lúc chữa xong xe, mặt trời lên khá cao. Cụ Bùi và Bộ trưởng Phan Anh phải lưu lại giữa đường đợi chiều tối mới đi được. Cụ Bùi bùi ngùi tâm sự đôi điều với ông Bộ trưởng trẻ tuổi:
- Nếu như thầy ta còn, chắc người cũng vui vẻ tham gia công cuộc kiến thiết quốc gia. Khi phải "thiên đô", thầy hẳn cùng tôi và ông theo Chính phủ "lên ngàn". Hẳn ông không biết chuyện thầy đã từng là thầy dạy của tôi.
*
Khi cụ Bùi Bằng Đoàn là Thượng thư Bộ Hình, nhất phẩm triều đình, cụ vẫn rất mặn mà với người thầy cũ, có dịp là mời thầy Phan Điện vào để thầy trò gặp gỡ. Mỗi lần thầy Điện vào, cụ Bùi đều cho xe riêng ra đón thầy từ ga, chứ không để thầy đi xe ngoài. Nhưng khi nào cụ cũng tự gọi xe tay cho mình mà vào, rồi bảo:
- Xe nhà quan bẩn, tau không ngồi.
Tới cổng xuống xe, cụ cắp dép vào nách, đi chân không tung tăng trên nền đất mà cụ cho là sạch, bắt đầu tới thềm nhà mới bỏ dép xuống xỏ chân vào.
Cụ Bùi chắp tay cúi đầu chào thầy ngạc nhiên nói:
- Thưa thầy, ngoài sân bẩn sao thầy không đi dép?
Cụ Phan hỏi lại rất hóm:
- Thế mi tưởng nhà quan sạch đấy à?
Những ngày cụ Phan ở lại Huế, hầu hết thời giờ dùng vào việc đàm đạo, bàn bạc việc dân, việc nước, khi ấy hai người không phân biệt tuổi tác, thầy trò, địa vị xã hội. Cụ Bùi chăm chú lĩnh hội những kiến giải sâu sắc của người thầy mà lúc này là người bạn tri kỉ vong niên. Và cụ Phan cũng như quên hẳn cách nghe, cách nghĩ, cách nói châm biếm, mỉa mai, sâu cay như cái vốn của một thầy đồ nổi tiếng hay chữ. Những buổi chuyện trò ý hợp tâm đầu ấy để lại cho mọi người xung quanh hình ảnh một cụ Phan khác. Thế mới biết cụ Phan quý yêu, tôn trọng người học trò cũ, người học trò thành đạt đến chừng nào!
Rồi ra, khi trở lại với sinh hoạt cụ Phan lại hóm hỉnh, lại trái khoáy, lại răn dạy. Có thầy vào ở cùng, cụ Bùi dành những đồ dùng cá nhân tốt nhất để thầy sử dụng. Mỗi đêm đều có chậu, có bô, ống nhổ mà người hầu đã rửa tráng sạch sẽ. Trong số các đồ vật ấy, cái chậu rửa mặt bằng đồng, được gìn giữ cẩn thận nhất, lúc nào cũng sáng bóng. Một đêm, không biết cụ Phan bực gì, nghĩ gì. Sáng ra người hầu vào thấy cái chậu thau lại đựng đầy nước tiểu. Bẩm với cụ, cụ Phan bảo: Mi tưởng cái chậu ấy đáng để rửa mặt à? Nghe người nhà kể lại, cụ Bùi lặng lẽ suy nghĩ rồi nói một mình:
- Chịu thầy, lúc nào thầy cũng sâu sắc như vậy.
*
Thiếu tướng - Giáo sư Bùi Phan Kỳ sau này nhớ lại:
"Suốt đời làm quan, cụ Bùi nổi tiếng liêm khiết, thương dân, sống giản dị, đạm bạc. Những phẩm chất ấy hun đúc từ nhiều nguồn và chắc hẳn trong đó có tấm gương từ cuộc đời người thầy (tức ông đồ Phan Điện - TG), có tác động của những lời khuyên bảo khi chân thành sâu sắc, khi chát chúa, khó nghe… mà suy cho cùng thì vẫn đúng, chẳng có gì thừa".

Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

 


(1) Tức Hoàng Minh Chính (1920 - 2008), nguyên Tổng thư kí Đảng Dân chủ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Triết học Mác - Lênin.
(1) Phạm Khắc Hòe (Hồi ký): Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, NXB Thuận Hóa, Huế, 1987, tr. 27.
(1) Sơn Tùng: Cầu hiền, báo Tiền phong, 2006.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512455

Hôm nay

2392

Hôm qua

2389

Tuần này

2392

Tháng này

219328

Tháng qua

121356

Tất cả

114512455