Cuốn sách Luận bàn minh triết và minh triết Việt của Hoàng Ngọc Hiến, ngoài lời giới thiệu của Nguyễn Khắc Mai, gồm có ba bài tiểu luận của tác giả: 1. Luận bàn về những vấn đề minh triết (Góp phần định nghĩa minh triết); 2. Tìm hiểu minh triết tam giáo trong văn hóa Việt Nam; 3. Sức mạnh văn hóa và sự phát triển của văn minh (Điểm duyệt những nguồn và giá trị của minh triết Việt Nam). Ông Nguyễn Khắc Mai, người viết lời giới thiệu cuốn sách cho biết, những người làm minh triết không phải muốn lập môn phái đua tranh với mọi người mà là xuất phát từ “những câu hỏi lớn chưa có lời đáp của bản thân đất nước ta, dân tộc ta, xã hội ta” trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, dân sự, đạo đức, lối sống mà đi tìm minh triết nhằm tìm cách lí giải thực tại và trả lời những câu hỏi lớn của thời đại. Đó là một động cơ rất đáng để tất cả chúng ta đồng tình. Trong tình hình đất nước đang có nhiều nguy cơ thách thức như hiện nay, mọi tìm tòi đóng góp đều đáng quí, bất luận là mới hay cũ, khoa học hay chưa khoa học. Có bệnh thì vái tứ phương, nhưng tại sao lại tìm đến minh triết? Theo giới thiệu của Hoàng Ngọc Hiến thì thấy ông trực tiếp chịu ảnh hưởng của nhà triết học Pháp F. Jullien (xem sách Minh triết phương Đông và triết học phương Tây, nxb. Đà Nẵng, 2004), đồng thời chịu ảnh hưởng của trường phái nghiên cứu văn hóa của Hoa Kì. Theo ông, nghiên cứu minh triết đang là trào lưu khai sáng mới ở Hoa Kì. Trang web Wisdom Pages có 17 triệu trang, ở đó, nhiều trí thức muốn thay kinh tế tri thức bằng kinh tế minh triết, thay giáo dục tri thức bằng giáo dục minh triết... và hiện nay nhiều người xem minh triết là quan trọng nhất, vì thiếu minh triết sẽ đưa nhân loại đến bờ vực thẳm. Tầm quan trọng của minh triết như thế là rất lớn. Thế nhưng đáng tiếc là hiện nay người ta vẫn chưa có định nghĩa hoàn chỉnh về minh triết, bởi vì không phải mọi thứ trên đời đều định nghĩa được và đi tìm định nghĩa về minh triết có khi là việc làm thiếu minh triết. Trong 17 triệu trang nghiên cứu trên trang web ấy chưa thấy cung cấp một định nghĩa nào thỏa đáng cho vấn đề đang nghiên cứu, và ông cũng chưa giới thiệu một định nghĩa nào của họ. Tuy thế không thể không có định nghĩa minh triết là gì, dù là định nghĩa để làm việc.
“Minh triết” là từ có trong sách cổ Trung Hoa. Theo Từ điển Hán ngữ đại từ điển “minh triết” có hai nghĩa. Một là chỉ sự hiểu biết, thông hiểu sự lí; hai là chỉ người có trí tuệ sáng suốt, thông tuệ. Trung Quốc cổ cũng có từ “minh triết bảo thân”, lúc đầu có nghĩa tốt, chỉ người khôn ngoan, biết tránh xa những việc có nguy hiểm, sau biến thành từ có nghĩa xấu, chỉ loại người hèn nhát, thấy việc nghĩa thì tránh né không dám làm, sợ phiền hà cho bản thân mình. Các từ đó không phải phạm trù tư tưởng triết học gì, càng không phải một bộ môn học thuật. Còn từ Wisdom trong tiếng Anh mà ông Hoàng Ngọc Hiến dịch là minh triết, ở Trung Quốc người ta dịch thành rất nhiều từ khác nhau: trí tuệ, hành vi sáng suốt, phán đoán chính xác, tri thức, học vấn, học thức, tài trí, thông minh, người hiền minh, danh ngôn, câu nói chí lí... chưa thấy ai dịch thành minh triết cả, mặc dù người Trung Quốc có sẵn từ minh triết. Có thể vì họ đã hiểu minh triết thành nghĩa xấu như đã nói trên. Có thể là họ chưa tìm được mối liên hệ giữa chúng với nhau. Xét các từ dùng để dịch chữ Wisdom thì thấy có ba nhóm nghĩa: một là học vấn, tri thức; hai là phẩm chất của sự hành xử thông minh, chính xác trong đời sống; ba là các câu nói chí lí. Đó chưa phải là thuật ngữ khoa học.
Minh triết trong sách của Hoàng Ngọc Hiến có ý nghĩa như là một thuật ngữ, chỉ lĩnh vực trí tuệ, văn hóa đặc biệt của nhân loại và dân tộc thể hiện ở đạo lí đời thường. Ông nêu định nghĩa: “Minh triết là tính sáng khôn, thiên về diễn ngôn thoáng gọn, chủ yếu được sống và sống ở bình diện đạo lí đời thường, tuy vậy không xa lạ với đạo lí thánh hiền, thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời.” (tr. 18). Không biết quá trình in ấn có làm rơi rụng bớt chữ nghĩa không, chứ như câu trích thì chưa đủ, chưa rõ. “Tính sáng khôn” là một chữ hay, nhưng của ai, ai được sống, có lẽ là phải nói tính sáng khôn của con người trong lối sống, của hành vi con người thì mới rõ nghĩa. “Tính sáng khôn”là một phẩm chất trong lối sống của con người. Hoàng Ngọc Hiến nói thêm: “Minh triết là biết sống khôn ngoan và hẳn hoi". Hình thức biểu đạt của nó là những diễn ngôn thoáng gọn, phạm vi thiên về đạo lí, khuynh hướng xây hơn là chống. Nhưng tại sao chỉ ở bình diện đời thường? Đời sống chính trị, ngoại giao, quân sự, lãnh đạo cũng cần tính sáng khôn chứ, sao lại không? Có vẻ như định nghĩa của Hoàng Ngọc Hiến chưa được hoàn bị. Trong quá trình diễn giải, Hoàng Ngọc Hiến còn cụ thể hoá minh triết hơn định nghĩa của ông, như chỉ ra nó gắn với nghiệm sinh, với nhu cầu cân bằng, hài hoà, thể hiện trong lối sống, minh triết không phải là bẩm sinh, không phải là tri thức... song vẫn còn mông lung. Tôi thấy khái niệm minh triết ở đây thực chất là trí tuệ hay là sự khôn ngoan. Tính sáng khôn chính là tính trí tuệ. Gọi minh triết cho lạ đi một chút nhưng đó là trí tuệ. Chữ trí tuệ trong từ điển Từ Hải giải thích có ba ý: một là năng lực nhận thức, phân biệt, phán đoán chính xác sự vật và phát minh sáng tạo; hai là tài trí, mưu trí; ba là giống như từ bát nhã (prajna) của nhà Phật, tức là khả năng hiểu thấu sự vật như trong thực tế. Tổng hợp cả ba nghĩa ấy thì trí tuệ là sự khôn ngoan nhân tính, phương thức, phương pháp chỉ đạo con người tư duy và hành động thành công trong đời sống, những bài học bất hủ của nhân loại. Trí tuệ, sự khôn ngoan không đồng nhất với tri thức, thể hiện trong tư duy, hành động, giải pháp thực tiễn, phải chăng trí tuệ là nội dung cốt lõi của minh triết? Người Trung Quốc hiểu đó là trí tuệ đời sống (trí tuệ nhân sinh, trí tuệ sống) và họ nghiên cứu trí tuệ sống trong các bộ sách lớn như Luận ngữ, Mạnh Tử, Tôn Tử... Người ta cũng nghiên cứu trí tuệ sống trong các bộ tiểu thuyết lớn như Tam Quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu mộng, Liêu trai chí dị, Tây du kí... Có thể nói văn thơ chứa đựng một khối lượng lớn minh triết nhân sinh, bao gồm bài học làm người, bài học tự tu dưỡng, phương pháp thu phục nhân tâm, trị nước, tề gia, bình thiên hạ, cách tự hiểu mình, hiểu người, chiến lược, nghệ thuật để thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.... Nêu các ví dụ này để mong có người để tâm nghiên cứu minh triết trong văn học Việt Nam.
Mặc dù định nghĩa chưa hoàn thiện sáng rõ như thế, song tác giả Hoàng Ngọc Hiến vẫn nêu được những bình diện mới của văn hóa mà lâu nay, do chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa tri thức và nhiều lí do khác mà người ta chưa chú trọng đến nó. Điều quan trọng là đứng ở góc nhìn minh triết Hoàng Ngọc Hiến chỉ ra nhiều cách hiểu, việc làm thiếu minh triết trong đời sống, văn hóa. Ông đã phân tích rất hay câu nói của Marx: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người”, theo ông sự phát triển tự do đó là phát triển tự do các năng lực nhân tính của con người, và sự phát triển này thể hiện sự tôn trọng cá nhân, song tự nó cũng phải liên đới một cách tất yếu với tự do của mọi người. Ông cũng cho rằng, chỉ chủ trương công hữu, mà không coi trọng tư hữu cũng là thiếu minh triết, bởi chỉ khi con người có tư hữu thì nó mới phát triển năng lực nhân tính một cách hẳn hoi, bởi nếu thiếu tư hữu, con người khó mà phát triển tự do được. Minh triết đã cung cấp cho tác giả một tiêu chí để đánh giá lại những suy nghĩ việc làm, một chỗ đứng để phê phán, một căn cứ để hiểu sâu sắc nhiều giá trị cuộc sống. Ví dụ Hoàng Ngọc Hiến đã khẳng định “Không thể quên minh triết Hồ Chí Minh đương biểu hiện ngời sáng ở ngàn vạn tấm gương sáng và người tốt việc tốt đương xuất hiện khắp nơi trên đất nước, không kể trước đây họ từng ở phía nào của chiến tuyến. (tr. 54). Hoàng Ngọc Hiến đóng góp một suy nghĩ rất sâu sắc trong phong trào học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, bởi vấn đề cụ thể đặt ra là học gì ở Người? Ông trả lời cần học minh triết, trí tuệ của Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức và trí tuệ không đồng nhất với nhau. Người ta có thể quy tư tưởng Hồ Chí Minh vào chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, nhưng trí tuệ Hồ Chí Minh thì chỉ có thể quy vào minh triết. Chủ nghĩa có thể lỗi thời nhưng minh triết thì không.
Đứng ở không gian minh triết Hoàng Ngọc Hiến trình bày những điểm rất thú vị về minh triết của tam giáo qua một số trường hợp cụ thể. Trước hết ông bàn về minh triết của Khổng Tử và Mạnh Tử, mà không phải nguyên lí của Khổng giáo nói chung. Ông bàn về tư tưởng “phản thân” hay có thể gọi là “phản thân luận”, tức là ý thức về trách nhiệm của cá nhân, sự tu dưỡng cá nhân thể hiện trong một loạt từ có kết hợp với chữ “tự” như tự trọng, tự tôn, tự ái, một phương diện mà Hồ Chí Minh rất coi trọng và đề xướng, nhà thơ Tản Đà cũng rất coi trọng. Hồ Chí Minh nói: “Không làm điều gì có hại cho danh dự mình, thế là chân chính và tự ái, mà ai cũng phải tự ái”. Hồ Chí Minh coi đó là phẩm chất quan trọng nhất của con người: “Ai cũng có lòng tự trọng tự tin, không có lòng tự trọng tự tin là người vô dụng". Tản Đà giải thích về tự ái như sau: “chút lòng tự yêu mình, tự tiếc mình - giữ cái tài ấy, cái đức ấy,... làm nên công đức ấy, sự nghiệp ấy.” Từ không gian minh triết ấy Hoàng Ngọc Hiến chỉ ra vấn đề hiện nay “chúng ta coi nhẹ loại quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức của cá nhân đối với bản thân mình".
Hoàng Ngọc Hiến diễn giải nội dung của “tứ vô” của Khổng Tử, ông không theo các nhà nho ta, mà theo F. Jullien. Tôi không biết ông triết Tây dựa vào đâu, nhưng dựa vào các bản dịch Luận ngữ mà tôi biết thì thấy ông bàn xa quá. Ở Luận ngữ chương 9 mục 4, nguyên văn viết: “Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”. Tôi có nhiều bản dịch ra bạch thoại. Người ta dịch về ý cơ bản giống nhau(1). Đó là: “Không Tử tuyệt đối không phạm bốn lỗi: đoán mò (ý); khẳng định tuyệt đối, ý nói không biết biến thông (tất); cố chấp (khư khư giữ) ý kiến của mình (cố); tự cho mình là đúng (ngã). Trong sách Hoàng Ngọc Hiến viết là “Tử tứ tuyệt” là đã sai. Về “vô ngã” (tự cho mình là đúng), Hoàng Ngọc Hiến hiểu “ngã” đây là “cái tôi đặc biệt. Khổng Tử không phủ nhận cái tôi, nhưng phủ nhận cái tôi đặc biệt.” (tr. 65) Nhưng “cái tôi đặc biệt” là gì, thì không giải thích. Cái đặc biệt của nó là luôn tự cho mình đúng, chỉ mình là đúng, còn thiên hạ đều ngu dốt, sai. Đúng là Khổng Tử không phủ nhận cái tôi. Điều này chúng tôi đã có dịp bàn đến trong công trình Về con người cá nhân trong văn học cổ (1997, 1998, 2010). Về “vô ý” Hoàng Ngọc Hiến giải thích: “Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến mà có nghĩa là: không có ý kiến nào được dành đặc quyền, được tuyệt đối hoá khiến cho ta không nhìn thấy những điều hợp lí.” “Không tuyệt đối hoá một tư tưởng nào, quan tâm đúng mức mọi tư tưởng.” Rõ ràng, các ý diễn giải này chẳng liên quan gì đến ý trong câu của Khổng Tử. Người ta đã triết học hóa, phức tạp hóa những điều hết sức giản dị, thông thường, không phải là phạm trù triết học. Nhưng nguyên văn “vô ý” thì chỉ có nghĩa là không đoán mò, không phán đoán, suy đoán một cách chủ quan, tùy tiện, vô bằng cứ. Điều này cho thấy chỉ theo triết Tây để tìm hiểu minh triết phương Đông nhiều khi cũng là không được minh triết cho lắm. Vẫn biết suy luận như triết Tây có khả năng đẩy vấn đề lên mức phổ quát, dễ liên hệ với các vấn đề bức xúc hiện nay. Phải chăng vì vậy mà tác giả chọn Jullien? Tuy nhiên dù thế nào thì cũng phải ăn nhập với văn bản chứ.
Hoàng Ngọc Hiến đã diễn giải minh triết trong “vô vi” của nhà sư Pháp Thuận theo tinh thần đạo học, diễn giải 14 điều Phật dạy. Mỗi diễn giải là một dịp nhìn lại đối chiếu với tình trạng văn hóa hiện thời đặng rút ra bài học. Mọi ý kiến bàn bạc của Hoàng Ngọc Hiến đều có cái đích hướng đến nhằm bồi bổ cho văn hóa hiện tại.
Từ không gian minh triết rộng thoáng Hoàng Ngọc Hiến điểm duyệt những nguồn và giá trị của minh triết Việt Nam. Ông bắt đầu bằng sự phân biệt văn minh với văn hóa, một sự phân biệt theo tôi rất quan trọng. Theo ông, văn minh là những thiết chế và cơ chế kinh tế, pháp lí, xã hội, được đặt ra để bảo đảm trật tự và ổn định của đời sống xã hội. Văn hóa là tổng thể những tư tưởng triết học, đạo đức học, tôn giáo, mĩ học... được siêu thăng từ đời sống tinh thần của xã hội. Văn hóa phong phú và bền vững hơn nhưng thiết chế của văn minh nhất thời cai quản xã hội. Văn minh xã hội chủ nghĩa đã đổ vỡ từng mảng lớn, có mảng sụp đổ hoàn toàn. Văn minh phương Tây cũng đang khủng hoảng. Chúng ta đang ở trong sự khủng hoảng văn minh toàn cầu. Nếu biết trở về nguồn minh triết với tinh thần đổi mới từ những giá trị minh triết bền vững, đề ra được những tư tưởng căn cốt thì văn hóa Việt Nam có thể trụ lại được trong cuộc khủng hoảng này. Đó là lập luận để tác giả thẩm duyệt các nguồn và giá trị minh triết Việt. Nguồn thứ nhất là minh triết Việt. Từ Tam giáo đồng nguyên tác giả nêu ra tư tưởng khoan hòa, bao dung như là bản chất của văn hóa. Văn hóa càng phát triển thì càng khoan hòa, ngay trong sự phân tuyến, vì nó lấy lợi ích tối cao của sự phát triển dân tộc và tiến bộ xã hội làm mục đích. Thiếu khoan hòa thì làm sao thực hiện được mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng văn minh? (tr. 92). Thứ hai là nguồn phương Tây. Ngay trong thời Pháp thuộc trước đây sự cộng sinh văn hóa Việt với văn hóa phương Tây đã làm tiền đề cho văn hóa phát triển. Thời đại hội nhập tạo khả năng cộng sinh văn hóa toàn cầu cho văn hoá Việt Nam phát triển. Gốc của văn hóa là nhân bản. Muốn cho văn hóa dân tộc phát triển thì trước hết phải làm cho dân thoát khỏi cuộc vật lộn và bươn chải vì cơm áo, vì cuộc vật lộn đó khiến con người mất cơ hội phát triển. Ở đây ông phân tích rất hay câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do". Sự phát triển nhân cách của con người liên quan đến chế độ sở hữu của nó, sự an sinh, nối tiếp bền vững của gia đình, dân tộc. Tất cả đều là gốc nhân bản. Hiện đại hoá không xa rời bản sắc dân tộc, học phương Tây nhưng hòa nhi bất đồng, không sao chép. Minh triết Phật giáo đề cao tiềm năng giác ngộ của mỗi người, đề cao hoài nghi để khẳng định quyền uy của trực cảm bản thân cá nhân. Đó là tinh thần phá chấp, không “chấp” bất kì cái gì có trước, của người khác, của ngoại vật. Mặc dù có bản sắc riêng, nhưng các nước phương Đông đã phát triển, các con rồng châu Á, trên thực tế là tiếp thu ngoài khoa học và công nghệ tiên tiến, chế độ tư hữu và quyền tư nhân, những thể chế dân chủ, nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường... thì mới hiện đại hóa được. Sự giao lưu văn hóa Đông Tây vấp phải “độ chênh” văn hóa của phương Tây và phương Đông, theo ý kiến của F. Jullien bao gồm nhiều điểm khá thú vị theo trật tự sau: quan niệm chân lí và thông lí; sự quan tâm hiệu quả và hiệu năng; tư duy bố cục và tư duy tương liên; cấu trúc giải phẫu người và cấu trúc năng lượng và nhiều điểm nữa. Mặc dù có độ chênh, nhưng sự tiếp nhận không đoạn tuyệt với kinh nghiệm, vẫn có khả năng bổ sung lẫn nhau, và tạo ra khả năng cùng nghĩ như nhau. Tôi thấy cách lập luận như thế là có triển vọng. Từ lâu Marx đã nhận định, cùng với sự phát triển của thị trường, sự hạn chế dân tộc bị giảm bớt và sẽ hình thành một nền văn học thế giới. Câu nói đó không chỉ đúng với văn học. Toàn cầu hoá kinh tế, toàn cầu hóa tri thức sẽ tạo ra khuynh hướng suy nghĩ không chỉ những vấn đề toàn cầu, mà còn hình thành những cách nghĩ chung về đời sống và phát triển. Tác giả không tán thành cách hiểu giản đơn siêu hình về đối lập Đông Tây về văn hóa. Tác giả cho rằng quan niệm bảo vệ bản sắc giản đơn không tích cực bằng cách phát huy và làm giàu văn hoá dân tộc, khiến cho nó đa dạng.
Nói đến sự làm giàu văn hóa thì không thể bỏ qua vai trò sáng tạo của các cá nhân, tác giả đặc biệt quan tâm vấn đề thăng trầm của cá nhân luận văn hóa trong quá trình hiện đại hóa văn hóa Việt Nam. Thời trước 1945 chủ nghĩa cá nhân được giới thiệu theo nghĩa chính diện, sau những năm 50 lại được hiểu theo nghĩa xấu với khẩu hiệu “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đối lập cá nhân với tập thể. Cho đến bây giờ vị thế của cá nhân vẫn chưa được khôi phục đầy đủ. Tác giả thừa nhận có quá trình tích lũy những yếu tố cá nhân hóa qua các thời trung đại, cận đại, thể hiện ở sáng tác của các nhà văn hoá lỗi lạc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Tú Xương, Tản Đà... và được phát triển với một thế hệ nghệ sĩ trước năm 1945 (tr. 126 - 127). Tôi vui mừng nhận thấy đó cũng chính là quan niệm của chúng tôi trình bày trong công trình của tôi và nhiều tác giả công bố đã nêu trên. Chúng tôi xin lưu ý rằng quan niệm cho rằng các dân tộc châu Á thời trung đại không có cái tôi cá nhân là quan niệm của các nhà nghiên cứu văn hóa phương Tây, họ coi đó là sự khác biệt căn bản của phương Đông và phương Tây, được nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu văn học ta tiếp nhận. Chúng tôi coi đó là một dấu vết của “phương Đông học” phương Tây, dấu vết của diễn ngôn thuộc địa mà ngày nay chúng ta cần làm sáng tỏ lại.
Tóm lại cuốn Luận bàn minh triết và minh triết Việt của Hoàng Ngọc Hiến là một công trình nghiên cứu văn hóa công phu, mới mẻ và có nhiều ý kiến đóng góp quý báu cho những ai quan tâm đến sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Là nhà nghiên cứu minh triết ý kiến của tác giả rất khoan hòa, thiên về xây hơn là chê bôi, quở mắng, thái độ nghiêm túc, thận trọng nhưng rõ ràng, dứt khoát, chỉ một lòng mong muốn cho văn hóa Việt Nam phát triển, tiến bộ.
------------------
(*) Đọc Luận bàn minh triết và minh triết Việt của Hoàng Ngọc Hiến, nxb Tri thức, H., 2011, 149 trang.