Những góc nhìn Văn hoá

Phù Đổng - Cội nguồn sức mạnh Việt (Kỳ 1)

1. Phù Đổng Thiên vương - Nguồn sức mạnh ngoại tại
Một trong những ghi chép sớm nhất vẫn được liên hệ với sự xuất hiện của đức Phù Đổng Thiên vương là sách Thiền uyển Tập anh, phần Đại sư Khuông Việt (933-1011) có viết: Đại sư người hương Cát Lị, huyện Thường Lạc, họ Ngô tên Chân Lưu, là hậu duệ của Ngô Thuận Đế (Ngô Quyền), đến đời vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Tăng thống.

Năm thứ hai niên hiệu Thái Bình (971), sư được ban hiệu là Khuông Việt đại sư. Đến triều vua Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình sư đều được tham dự. Sư thường đi chơi ở núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ…Ban đêm sư chiêm bao thấy thần nhân mặc áo vàng, tay phải đỡ ngọn bảo tháp, theo sau có hơn chục tên quân hầu dáng mạo hung dữ. Vị thần bảo với sư rằng: “Ta là Tì Sa Môn, quân hầu theo ta đây đều là bọn quỷ Dạ Xoa. Thiên đế có sắc chỉ sai ta đến nước này gìn giữ cương giới để cho Phật pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với ngươi nên đến đây để nhờ cậy”. Sư giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng gào thét thì lấy làm lạ. Khi trời sáng, sư vào núi thấy một cây cổ thụ cao chừng mười trượng, cành lá xum xuê tươi tốt, phía trên có đám mây lành che bóng. Sư nhân đó thuê thợ đốn cây ấy lấy gỗ tạc tượng thần theo đúng như đã thấy trong mộng để thờ phụng. Năm Thiên Phúc thứ nhất (981), quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó vua đã biết chuyện này, bèn sai sư đến đền cầu đảo xin thần phù hộ. Quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây bọn chúng lại thấy sóng gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung trên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy” (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 1990: tr 42-44). 

Sau Thiền uyển Tập anh, về sự tích Phù Đổng Thiên vương, sách Việt Điện U Linh có chép: Theo Báo cực truyện, tục truyền vương vốn là thần thổ địa của chùa Kiến Sơ đã giáng sinh. Thuở xưa, Chí Thành, thiền sư ở chùa Kiến Sơ, tại làng Phù Đổng có dựng nhà thờ thổ địa ngay bên hữu chùa để làm nơi thanh tịnh mà tụng niệm. Lâu năm chầy tháng, tiêu tan mất cả sự tích cũ của miếu thờ ấy. Bọn thầy trong giới tăng môn của nhà Phật cũng không biết nhờ đâu để chứng minh cho được, còn dân bản thổ thì lại ưa chuyện ma quỷ nên hay đến đốt hương khấn vái, lạm xưng là Dâm Từ. Kịp khi Đa Bảo thiền sư trùng tu chùa chiền, cho rằng miếu thờ ấy là Dâm Từ, nên muốn phá hủy đi. Nhưng một hôm ở trên cây cổ thụ bên miếu thấy có đề một bài kệ:
 Phật pháp thùy năng hộ?
Uông gia trụ Kỳ Viên.
Nhược phi Ngô chủng tử;
Tảo tùy biệt sử thiên.    
Bất tải Kim cương bộ,                          
Mật tích ná la diên.
Mãn không trần sổ chúng,
Đãi Phật thành oan khiên.
(Phép Phật ai gìn được?
Luống công ở Kỳ Viên!
Nếu không ta gieo giống,
Đã đổi nơi khác liền!
Dấu mật đừng bày biện,
Bộ Kim cương chớ chuyền!
Đầy trời trần ít đứa
Hầu Phật hóa oan khiên!)
                  (Ngọc Hồ - Nhất Tâm, 1992: tr158).
Một ngày khác, tiếp theo bài kệ lại thấy thần ứng cho 8 câu thơ sau:
Phật pháp từ bi đại
Uy quang phúc đại thiên.
Vạn thần câu hướng hóa.
Tam giới tận châu triền.                        
Ngô sư hành hiệu lệnh,                         
Tà quỉ thục cảm tiên?                            
Nguyện thường tùy thụ giới,                 
Trưởng ấu hộ Kỳ Viên.
(Phép Phật từ bi lớn
Uy Quang phủ các miền!
Muôn thần đều cảm hóa,
Ba giới thảy triền miên.
Thầy ta dùng hiệu lệnh,
Tà quỉ đâu dám trên?
Nguyện thường theo thọ giới.
Lớn nhỏ giữ Kỳ Viên).
           (Ngọc Hồ - Nhất Tâm, 1992: tr159). 
Nhà sư lấy làm lạ nên lập đàn chay, khi cúng đều dùng chay lạt cả. Thuở Lý Thái Tổ còn tiềm long cũng biết cao hạnh của sư Đa Bảo, mới cùng nhau gá làm người bố thí. Sau khi đã được ngôi báu, ngài đích thân ngự đến chùa ấy. Nhà sư ra nghênh giá đi ngang bên chùa, cao giọng hỏi rằng: "Phật tử! Các người nên thong dong chúc hạ tân thiên tử chứ"? Liền có tiếng vâng dạ. Lại thấy ở vỏ cây có câu thơ rằng:
Đế đức càn khôn dại,                           
Uy thanh tĩnh bát diên.
U âm mông huệ trạch,
Ưu ốc bái xung thiên.  
(Đế đức bằng trời đất,
Oai thanh bặt tám miền.
Cõi âm nhờ huệ trạch,
Cho thấm cả xung thiên).
                 (Ngọc Hồ - Nhất Tâm, 1992: tr160).
 Thái tổ trông thấy, đọc bài thơ lên mới rõ nghĩa, bèn ban cho thần danh hiệu Xung thiên Thần vương. Rồi bài thơ đó tự nhiên biến mất. Nhà vua lấy làm lạ liền sai thợ tạc tượng thần với một nghi dung nghiêm tuấn trác tuyệt và có cả tám hình nhân đứng hầu. Sau khi sơn thếp xong xuôi, lại thấy dưới cây đại thụ có bốn câu thơ:
Nhất bát công đức thủy,                                   
Tùy duyên hóa thế gian                         
Quang quang trùng chiếu chúc,
Ảnh một nhật đăng san.
(Một bát nước công đức
Tùy duyên độ thế nhân
Chói lòa thêm đuốc sáng
Bóng mất nhật lên non).
          (Ngọc Hồ - Nhất Tâm, 1992: tr160). 
Nhà sư đem bài kệ tấu lên, nhưng Thái tổ cũng không hiểu bài kệ nói gì. Về sau triều Lý được 8 đời, lại nhường ngôi về tay nhà Trần. Hóa ra chữ Bát là cái bát với chữ Bát là số 8 đồng âm, bát kia là bát này, chính là một nhà được 8 đời vua vậy. Đến Lý Huệ Tông, tên là Sam, đã ứng vào “Nhật đăng san”. Việc ấy được coi là thần diệu. Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu có sắc phong thần là Dũng Liệt Đại vương. Năm thứ 4 lại gia phong hai chữ Chiêu Ứng. Niên hiệu Hưng Long 21 còn phong thêm hai chữ Uy Tín (Ngọc Hồ - Nhất Tâm, 1992: tr 158-160).
 Về sự tích Sóc Thiên vương, một dị bản Việt điện U linh cũng được coi là của Lý Tế Xuyên thời nhà Trần chép: Không nhớ rõ về đời nào, Thiên vương sinh ở một làng kia, lúc hãy còn phải bế ẵm, trong nước có giặc, vua sai sứ đi các nơi cầu khiến người tài giỏi ra giúp nước. Thiên vương nghe nói vùng dậy hỏi, bà mẹ bảo rõ. Thiên vương liền nói: “Xin mẹ lấy nhiều cơm cho con ăn ngay”, rồi ăn rất khỏe, một chốc hết mấy đấu gạo, chỉ ít lâu thân cao tới hơn mười trượng, ra ứng mộ, đi cùng sứ giả đến kinh đô. Vua rất mừng hỏi muốn xin gì? Thiên vương xin một thanh gươm, một ngựa sắt, rồi lên ngựa thét lớn, xông vào trận, quân giặc thua chạy toán loạn. Khắp các nơi đều yên, Thiên vương liền phóng ngựa đến núi Vệ Linh, lên ngọn cây đa rồi bay lên trời. Nay chỗ Thiên vương bỏ áo vẫn còn, người làng gọi là “cây cởi áo”. Dân chúng lấy làm lạ, lập đền thờ, tế lễ thì dùng bánh trái đồ chay, cầu khẩn mọi việc đều linh ứng (Lý Tế Xuyên, 2001: tr127-129).
Muộn hơn, sách Lĩnh nam Chích quái của Vũ Quỳnh (1453-1516) đã chú trọng đến logic lịch sử trong tích truyện khi viết rằng: Nước ta lúc đó, phía Tây bắc giáp nước Thi La Quỷ (nay thuộc Quý Châu, Trung Quốc); vua nước ấy tên là Hy Bắc Kịch, nhân cơ hội có manh tâm thôn tính các nước chung quanh. Hắn bèn tự xưng là Ân Vương, động binh 30 vạn quân sỹ tiến xuống xâm lăng phương nam. Vua bèn sai sứ giả đi tìm người tài giỏi, đến làng Phù Đổng ở đất Vũ Ninh, có đứa trẻ lên ba, kịp lúc có sứ giả về làng bèn thưa với mẹ mời sứ giả đến. Đứa trẻ nói: Xin phiền sứ giả về tâu với vua đúc cho con ngựa sắt, có đầy đủ ruột gan, cao mười tám thước. Ngoài ra gươm một cây, đầu mũi nhọn, có hình mặt trời mặt trăng, hai bên mép có khắc hình cọp và rồng cuốn mây, roi sắt một cây, dài bảy thước ba phân, đầu tròn, đuôi vuông, tượng trời, tượng đất, nón sắt một cái, rộng một thước năm phân, chóp nhọn, vành rộng, làm tấm chắn, tất cả cho thật chắc, thì có thể chống được giặc. Nhà vua y lời tâu và phong cho em bé lạ kỳ đó là Bắc bình Phá lỗ Tướng quân, Tổng đốc binh mã Đô nguyên súy. Về phía mình, Hùng Vương sai lạc hầu đóng giữ thành Văn Lang, còn Lạc tướng đưa binh đi giúp Đô nguyên súy. Đại binh nhà Hùng khoảng 6 vạn tiến đến Vũ Ninh, còn Ân binh đóng tại Trâu Sơn. Đô nguyên súy từ em bé trở thành vị tướng mình cao hơn hai mươi trượng, phi ngựa xông vào phá giặc, giặc chết la liệt, số còn lại xin hàng và gọi Đô nguyên súy là thần nhà trời. Đô nguyên súy ruổi ngựa đến núi Vệ Linh, cởi áo để lại và bay về trời ngày mồng tám tháng tư. Nhà vua thương tiếc truy tặng tước hiệu Đổng Thiên thần, sai lập đền thờ ở làng cũ. Còn quân Thi La Quỷ không phải nhà Ân thật, mà là giả quân nhà Ân. Thời Lý, Đổng Thiên thần được gia phong là Xung thiên Thần vương, (Vũ Quỳnh, 1993: tr80-88).
Vậy là từ Thiền Uyển Tập anh đến Lĩnh Nam Chích Quái, có thể thấy rất rõ quá trình xây dựng nhân vật Phù Đổng Thiên vương là một quá trình nội tại hóa sức mạnh của đức Phù Đổng. Với Thiền uyển Tập anh thì ngài vốn là Tỳ Sa Môn, có nguồn gốc Ấn Độ giáo là Kuvera            , đã khổ tu cả ngàn năm nên được Brahma ban cho bất tử để trông coi kho tàng của trần thế. Khi du nhập vào Mật tông Tây Tạng, Kuvera trở thành Vaisravana           , Tỳ Sa Môn, mà Phật giáo Trung Quốc gọi là               , Đa Văn Thiên vương, giữ gìn Đạo tràng, Thường nghe Phật thuyết pháp nên hiểu thấu chúng sinh, và là       Hộ thế của nhà Phật. Vị thần này giữ gìn phương bắc của châu               Diêm Phù Đề, tầng thứ tư núi Tu Di, thống lĩnh hai chúng thần Dạ Xoa, La Sát và thủ hộ cả hai châu kia. Hình tượng thường thấy là Thần vương, tay trái nâng bảo tháp, tay phải cầm gậy báu, chân đạp hai quỷ, là thần trừng ác, khuyến thiện, nên còn được coi là một vị phúc thần. Ngài được người Ấn Độ và người Tây Tạng coi là vị thần Chiến thắng. Ở Trung Quốc, tại chùa Giáo vương Hộ quốc đời nhà Đường ngài được đặt làm thần canh giữ kinh thành, dưới dạng tượng thần đội mũ nhiều góc, mặc áo giáp bền chắc. Thời Đường Huyền Tông rất phổ biến tín ngưỡng này, đặc biệt là ở vùng động Đôn Hoàng (Tống cao tăng truyện, Quyển 1). Theo
Kim cương đính du già hộ ma nghi quỹ thì       chủng tử của             , Đa Văn Thiên vương là    (vai),                tam muội da hình - hình tướng khí tượng của ngài chính là cây gậy báu. Trong Mật giáo, chủng tử là chữ Phạn biểu thị Phật, Bồ Tát và chư tôn nói chân ngôn, là chữ để các hành giả chân ngôn quán chiếu khi tu phép quán Tự luân, trong phép này chủng tử có nghĩa là từ một chữ có thể sinh ra nhiều chữ, và nhiều chữ lại có thể thu về một chữ (Đại nhật Kinh sớ, Quyển 1, 6, 10, 14). Tại nước ta từ thế kỷ 10 – 12 Mật tông rất thịnh hành cho nên việc các nhà Đinh, Tiền Lê, Lý sử dụng Phật giáo làm hệ tư tưởng và Mật tông làm công cụ ý thức hệ xây dựng nhà nước là điều dễ hiểu. Vì vậy nếu có một tuyến phát triển từ Kuvera - Vaisravana - Tỳ Sa Môn - Đa Văn Thiên vương để trở thành Phù Đổng Thiên vương với chiếc gậy báu dù bằng sắt hay bằng tre đằng ngà trong thời kỳ này như Thiền Uyển Tập anh ghi nhận thì cũng là điều có thể.
II. Phù Đổng - Nguồn sức mạnh nội tại
Đến đời nhà Trần, Thiền tông ngày càng phát triển và thay thế dần cho Mật tông thì oai vũ, khí tượng và đặc biệt là sức mạnh của đức Phù Đổng không thể được duy trì theo cung cách của thời Mật tông còn thịnh dưới các triều Đinh, Tiền Lê, và đầu Lý nữa. Vì vậy các cha đẻ của hệ tư tưởng Trần cần phải tìm cách lý giải sức mạnh của đức Phù Đổng từ một cội nguồn mới mẻ và bền vững hơn. Đặc biệt trong cơn binh lửa chống quân Nguyên Mông nhà Trần đã ý thức rất rõ vai trò của những người dân bình thường. Điều đó thể hiện rất rõ trong đoạn sử ghi về lời căn dặn của Trần Hưng Đạo khi Trần Anh Tông đến phủ đệ Vạn Kiếp thăm bệnh ông và hỏi: “Nếu có điều chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?” Ông tâu: “Đời Đinh Lê dùng được người tài giỏi, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống…Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt...Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy” (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, 1985: tr76-77). Bản thân đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng rất gần gũi với dân: “Vua đi chơi, gặp gia đồng các nhà Vương hầu, tất gọi tên đến hỏi: “Chủ mày ở đâu”, vẫn răn bảo các vệ sĩ không được quát mắng những người ấy, vì khi có hoạn nạn xưa, chỉ có lũ chúng ở lại, vua cảm công lao, đã hộ tụng, mà cho ân huệ đó” (Ngô Thời Sỹ, 1960: tr212). Chính vì vậy, Sử thần khâm phục mà bàn rằng: “Khi nước rút thì bến bờ mới hiện ra, gặp vận cùng thì lòng tiết nghĩa mới rõ rệt; khi vô sự và khi lâm nạn, hoàn cảnh khác mà lòng người thường thay đổi…Hai lần đánh lui quân Nguyên, trèo non lội biển, gối giáo nằm sương, thật là công lao to lớn của chư thần, yêu người mà yêu lây cả chim quạ đậu nóc nhà, quen mặt nhớ tên, gặp ở đường cũng ân cần thăm hỏi, có tình chủ bộc thân yêu nhau. Vua Nhân Tôn như thế thật là khoan hậu”. (Ngô Thời Sỹ, 1960: tr212).
Đặc biệt đến thời Hậu Lê, trải qua cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược với linh hồn của cuộc khởi nghĩa là Nguyễn Trãi thì nguồn sức mạnh của dân ngay từ đầu đã được xác định là nhân tố đầu tiên và cũng là nhân tố cuối cùng của chiến thắng: Dân như nước, chở thuyền là dân và lật thuyền cũng là dân. Điều đó thể hiện rất rõ qua tư tưởng chiến lược “công tâm” trong Bình Ngô sách mà Nguyễn Trãi đã dâng Lê Lợi, và được đúc kết thành phương châm hành động trong Bình Ngô Đại Cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” “Rút cục, lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo”. (Nguyễn Trãi, 1976: tr77, 79). Chính vì ra đời trong bối cảnh mà vai trò của người dân ngày càng được thừa nhận là có tính quyết định đường hướng phát triển của lịch sử, nên sách Lĩnh nam Chích quái đã lần tìm ngọn nguồn sức mạnh của Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên vương một cách rõ ràng hơn về phương diện tích truyện, sâu hơn vào cội rễ nhân dân, và xa hơn về quá khứ, cho đến tận thời Hùng Vương thứ sáu.
Nhưng tại sao Phù Đổng lại là của đứa trẻ ba tuổi? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời nếu người đi tìm câu trả lời không vượt khỏi khung khái niệm sinh học thông thường của đời người. Nếu bằng lối tiếp cận biểu tượng thì chúng ta có thể thấy sự cường phát của đứa trẻ là một loại sức mạnh tiềm sinh của hạt mầm, hoặc nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì đó là sức mạnh của một chủng tử. Đối với nhà Phật, một chủng tử cũng giống như các loại mễ cốc từ hạt giống sinh ra, tất cả các hiện tượng vật chất hay còn gọi là sắc pháp và tinh thần, hoặc tâm pháp cũng đều có hạt nhân sản sinh, và đó chính là chủng tử. Hạt giống của các loại mễ cốc gọi là ngoại chủng, hạt giống ngoài; đối lại với hạt giống ngoài, Duy thức tông kết hợp chủng tử vào A lại da thức (
Âlayavijủâna, Tàng thức) để gọi là nội chủng hay hạt giống bên trong. Hạt giống bên trong biểu hiện công năng sinh quả để kết thành các hiện tượng hiện tiền. Cũng như hạt giống của thực vật có đủ khả năng sản sinh hiện tượng. Trong A lại da thức, chủng tử là nhân, là tác dụng, còn A lại da là quả, là hữu thể (Giải thâm mật kinh, Quyển 2; Thành duy thức luận thuật ký, Quyển 7). Như vậy về phương diện Phật học, người ta hoàn toàn có thể lý giải được một chủng tử là một đứa trẻ lên ba có thể biến thành một Thần vương khi gặp nhân duyên - có nghĩa là khi hội đủ các điều kiện cần thiết. Nhưng đối với luân lý thông thường thì chủng tử thuyết trong trường hợp đứa trẻ lớn bật dậy, trở nên phi thường thật khó quan niệm; vì vậy tiềm thế của Thánh Gióng cần được, và hoàn toàn có thể được liên hệ với kinh nghiệm thực của người bình dân bằng việc quan sát hạt mầm ủ trong đất, sau ba tháng mùa đông lạnh lẽo, khi gặp tiết xuân, nó sẽ nhanh chóng phát triển thành mầm, thành cây, rồi đơm hoa, kết trái. Theo nghĩa đó đức Phù Đổng chính là thành quả của hiện tượng tiềm sinh của hạt mầm đứa trẻ không nói, không cười trước khi gặp nhân duyên sứ giả của nhà vua kịp đến tìm người cự địch. Và ẩn sau triết lý quá trình đó thì hội Gióng có vẻ là một hội mùa.
Về phương diện trên, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã có một phát hiện quan trọng. Đối với ông, hội Gióng thực sự là lễ hội phồn thực, một hội mùa: “Hội đền Sóc, đó là hội Xuân, một loại hình hội mùa Việt Nam. Triết lý hội Xuân căn bản là triết lý phồn thực: Sự gặp gỡ, giao duyên, giao phối gái trai. Ở hội đền Sóc Sơn có lưu hành rộng rãi một hiện vật mang tính biểu tượng mà dân gian vùng đó gọi là cái Hoa tre hay “chân giò” heo và được giải thích một cách hữu thức muộn màng là chiếc roi ngựa của Thánh Gióng... Thật ra, dưới mắt nhìn của một nhà dân tộc học, như khi nhìn chiếc đũa bông cắm trên bát cơm đặt trên quan tài cúng người chết, giáo sư Từ Chi và chúng tôi phát hiện thấy ngay rằng đó là biểu tượng của dương vật cũng như chiếc Nõ trong cặp đôi nõ nường trong hội Xuân Dị Nậu (Vĩnh Phú) và nhiều nơi khác… Hội Gióng tháng Tư mồng Chín lịch trăng là hội kết thúc các hội Xuân, mùa nông nhàn, để bước vào mùa làm ruộng, vụ mùa tháng tư, là đầu mùa mưa Việt Nam, đầu mùa làm ăn ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ ngày xưa… Tiến hành hội Gióng là tuân theo một nghi lễ nông nghiệp… Đó là tín ngưỡng cầu mưa. Ở Lào là nghi thức té nước, ở hội Gióng là nghi thức múc nước và rước nước về đền tế Thần, ngày mồng Tám... Tết Mưa Dông tháng Tư mở đầu vụ mùa và Tết Cơm Mới tháng mười kết thúc vụ mùa là hai nghi lễ nông nghiệp vào loại cổ nhất của cư dân Việt cổ trồng lúa nước… Và hội Gióng, từ một tín ngưỡng về lễ nghi nông nghiệp cổ truyền cầu mưa, thờ thần mặt trời, với thời gian lịch sử đắp đổi, đã trở thành một tín ngưỡng thờ anh hùng chống giặc và một nghi lễ diễn xướng anh hùng ca. Giờ đây người anh hùng văn hóa-thần thoại đã chìm trong vô thức mà người anh hùng chống giặc luôn hiển hiện trong hữu thức. Giờ đây, nghi lễ nông nghiệp đã chìm trong vô thức mà lễ diễn xướng anh hùng ca dân gian thì luôn luôn là phần hữu thức của hội Gióng” (Trần Quốc Vượng, 1987).
                          (Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569198

Hôm nay

2414

Hôm qua

2405

Tuần này

21581

Tháng này

227722

Tháng qua

129483

Tất cả

114569198