Những góc nhìn Văn hoá

Nghiên cứu về Lý Văn Phức và tác phẩm TÂY HÀNH KIẾN VĂN KỶ LƯỢC

Lý Văn Phức là một tác gia Hán Nôm khá tiêu biểu của văn học Trung đại Việt Nam. Sáng tác của ông trên nhiều lĩnh vực, văn xuôi cũng như văn vần, văn học nghệ thuật cũng như văn học chức năng. Riêng Tây hành kiến văn kỷ lược (THKVKL) là tác phẩm mở đầu viết về các nước Đông Nam Á những năm 30 của thế kỷ XIX. Chính sự xuất hiện của THKVKL đã thúc đẩy sự phát triển của dòng văn học ký Trung đại Việt Nam ở giai đoạn mạt kỳ. Đề tài nhằm nghiên cứu có hệ thống một tác gia văn học Hán thời Nguyễn cũng như giá trị nội dung và nghệ thuật một tác phẩm từ góc nhìn thể ký Trung đại Việt Nam.

1. Đi sâu nghiên cứu về tiểu sử, cuộc đời của một nhân vật cho phép ta nhận thức đầy đủ hơn mối quan hệ giữa con người, thời đại cũng như giữa tác giả và tác phẩm. Mục đích của chúng tôi là nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Lý Văn Phức, góp phần khẳng định vị trí của ông trong văn học Việt Nam thời Trung đại.
1.1. Tiểu sử và cuộc đời Lý Văn Phức
Tiên tổ họ Lý là người Phúc Kiến Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống, đến Lý Văn Phức là đời thứ sáu[1]. Đây là hiện tượng thường diễn ra ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến sau này: Người Trung Quốc sang Việt Nam, sống lâu đời ở Việt Nam và trở thành người Việt Nam, có những đóng góp vào sự nghiệp văn học, văn hóa, quân sự, chính trị, kinh tế… của dân tộc, trong đó có Lý Văn Phức.
Lý Văn Phức sinh 1785, mất 1849. Ông sống trọn vào những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Có thể chia cuộc đời ông thành 4 giai đoạn chính: từ thời thơ ấu đến đỗ thi Hương (1785-1819); mười năm đầu ra làm quan (1820-1829); những chuyến công du hải ngoại Đông Tây (1830-1842) và những năm cuối đời (1843-1849). Nhìn chung về cuộc đời Lý Văn Phức, cũng như nhiều nhà Nho Việt Nam, trải học hành thi cử rồi ra làm quan. Nhưng con đường làm quan triều Nguyễn của Lý Văn Phức có nhiều bước thăng trầm và nhiều chuyến công du nước ngoài. Trong suốt thập niên 30 đến đầu thập niên 40 của thế kỷ XIX, vị quan chức nhà Nho Lý Văn Phức liên tục được cử đi hiệu lực, đi công cán và đi sứ đến các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc. Năm chuyến Lý Văn Phức đến các thành phố và quốc gia Đông Nam Á vào các năm 1830, 1831, 1832, 1834 và 1838/1840 là trấn Tân Gia Ba (Singapore); trấn Ma Lạp Giáp và trấn đảo Tân Lang (hai thành phố Malacca và Penang của Malaysia); trấn Minh Ca (thành phố Calcutta của Ấn Độ) và trấn Lã Tống (đảo Luzon của Philippines) khi ấy đều là thuộc địa của nước Anh Cát Lợi (Anh) và nước Y Pha Nho (Tây Ban Nha). Sáu chuyến ông được cử đến các tỉnh thành Trung Quốc là Phúc Kiến, Quảng Đông và Yên Kinh (Bắc Kinh) vào các năm 1831, 1833, 1834, 1835, 1836 và 1841-1842, trong đó 2 lần đến Áo Môn thuộc tỉnh Quảng Đông khi ấy là đất tô giới của nước Bút Tu Kê (Bồ Đào Nha). Kiến văn về những miền đất lạ được tác giả phản ánh chân thực, sâu sắc qua các tác phẩm viết trong những chuyến đi nước ngoài của ông.
Tìm hiểu về tư tưởng Lý Văn Phức, nhà nghiên cứu Hoa Bằng khẳng định: “Sở học của ông bắt gốc từ Lục kinhTứ thư, tôn Khổng Mạnh và theo Trình Chu”[2]. Phó giáo sư Sử học người Mỹ Liam C.Kelly cho rằng, Di biện (Biện luận về Hoa, Di) của Lý Văn Phức mang quan niệm nhà Nho Việt Nam hay trí thức Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của các vương triều Đại Việt, trong đó bao hàm cách hiểu về hai nhóm người “Hoa” và “Di” vốn mang ý nghĩa văn hóa nhiều hơn là ý nghĩa sắc tộc[3]. Như Lý Văn Phức viết trong Di biện rằng: “Ý nghĩa của chữ Hoa, Di chỉ nên cầu tìm trong văn chương lễ nghĩa vậy”[4]. Đó chính là lý tưởng “Nội thánh ngoại vương” của Nho gia hay góc nhìn tác giả trong các sáng tác “Đông hành”, “Tây hành” của Lý Văn Phức nói chung và tác phẩm THKVKL nói riêng.
1.2. Thời đại tác giả (1785-1849)
Lý Văn Phức sống vào thời kỳ trong nước và quốc tế có nhiều biến động. Chúng tôi tìm hiểu những biến động chính trị, xã hội, kinh tế… ở Việt Nam cũng như của khu vực Đông Nam Á có tác động trực tiếp đến tác gia và tác phẩm Lý Văn Phức.
Ông sinh ra vào thời Lê mạt, năm Nhâm Tuất 1802 triều Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn lên. Lý Văn Phức vừa 18 tuổi, những gì ông nhìn thấy lúc này là một triều Nguyễn đang lên với những đổi thay mọi mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, ngoại giao… Đặc biệt là quan hệ Việt Nam với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á cũng như mối quan hệ lân bang Việt Nam Trung Quốc. Có thể thấy rằng, những chuyến viễn dương công du nước ngoài của quan chức triều Nguyễn chính là điều kiện để Việt Nam tiếp xúc với các quốc gia trong khu vực cũng như với các nước phương Tây tư bản. Và thế kỷ XVIII-XIX là thời đại chuyển mình của Đông Nam Á, nhiều nước trở thành thuộc địa của phương Tây tư bản: Quần đảo Indonesia trở thành thuộc địa của Hà Lan; “Vùng định cư eo biển” (Straits Settlements) và miền Bengal trở thành thuộc địa của Anh; Philippines trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha… Đây là hai đặc điểm chính của thời đại tác giả.
1.3. Sự nghiệp sáng tác của Lý Văn Phức 
Lý Văn Phức là người sáng tác trên nhiều lĩnh vực, cả Hán và Nôm, cả sáng tác cá nhân và sáng tác chung. Có thể chia tác phẩm của ông thành 3 loại chính là Thơ văn chữ Hán, Thơ văn chữ Nôm và Các tác phẩm văn hóa, lịch sử khác. Theo chúng tôi thống kê được, không dưới 37 tác phẩm là sáng tác riêng của Lý Văn Phức và 7 tác phẩm là sáng tác chung với những người bạn Việt Nam và Trung Quốc. Trong tổng số 44 tác phẩm có 26 tác phẩm là những sáng tác trong các chuyến đi nước ngoài, chưa kể nhiều sáng tác khác của Lý Văn Phức bao gồm đủ các thể loại, văn học nghệ thuật cũng như văn học chức năng được tập hợp trong các tập công văn của triều đình hay những sưu tập thơ văn của nhiều tác giả.
Nhìn chung, chúng tôi bước đầu đi sâu tìm hiểu về tiểu sử, cuộc đời, thời đại và sự nghiệp sáng tác của Lý Văn Phức. Ông vừa tiêu biểu cho khuynh hướng văn chương Nho giáo, vừa đại diện cho trào lưu và xu thế của văn học Trung đại Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XIX: Duy trì đạo đức xã hội đồng thời quan tâm đến số phận và đời sống hiện thực của con người. Sáng tác của Lý Văn Phức phong phú, đa dạng bao gồm đủ các thể tài như thơ, văn, phú, thán, truyện Nôm, diễn ca Nôm, châm, câu đối, tấu, sớ, biểu, giản văn… và các tác phẩm lịch sử, văn hóa, ghi chép khác. Hơn một bước, Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức là tác phẩm văn học có ý nghĩa mở đường cho thể ký viết về Đông Nam Á, phương Đông và phương Tây.
2. THKVKL là tác phẩm ký độc đáo không chỉ riêng của Lý Văn Phức mà còn độc đáo với loại hình ký Việt Nam thời Trung đại.
2.1. Sự ra đời của tác phẩm THKVKL
Do tình hình quốc tế và trong nước thay đổi, từ thế kỷ XIX, nhà Nguyễn mở rộng quan hệ thông thương với các nước trong khu vực, do đó các phái đoàn Việt Nam cũng thường xuyên đến các nước láng giềng Đông Nam Á. Một trong những chuyến đi đó đã tạo điều kiện cho tác phẩm THKVKL ra đời. Cũng phải nói thêm rằng, từ thế kỷ XVIII trở đi văn học Việt Nam trong đó có ghi chép bằng văn xuôi chữ Hán đạt đến trình độ phát triển mới về chất so với giai đoạn trước. Văn xuôi tự sự trong đó có ký nở rộ và đạt đến độ chín muồi với nhiều loại hình phong phú, đa dạng như tiệp ký, tiệp bút, ký sự, tùng ký, tùy bút, tạp thảo, ngẫu lục… Và con người cá nhân trong văn học Trung đại Việt Nam đến giai đoạn này không chỉ khẳng định “quyền sống cá nhân, quyền hưởng hạnh phúc cá nhân như một quyền tự nhiên”[5] mà còn “ý thức được giá trị của mình, ý thức và chịu trách nhiệm về cái tôi của mình trước cuộc sống”[6]. Đấy là điều kiện khách quan của sự ra đời tác phẩm. Còn điều kiện chủ quan thì, tháng Chạp năm Kỷ Sửu (tức tháng 12 âm lịch năm 1829), Lý Văn Phức được ân chỉ của vua ban cho đi dự cuộc thao diễn thủy quân ở Tiểu Tây Dương mà trước đó vì một rắc rối, ông mắc tội, bị bãi chức và bắt giam. Chuyến đi khởi hành ngày 18 tháng Giêng năm Canh Dần (18.1.1830) từ cửa biển Đà Nẵng (Việt Nam), qua đảo Côn Lôn (Việt Nam), đến trấn Thiên Ca Bô (Singapore); trấn Ma Lặc Ca (Malacca, Malaysia); trấn Phì Năng (Penang, Malaysia), và thuyền quân trú lại ở trấn Mạnh Nha Lạp/Vọng Cát Hà (Calcutta, Ấn Độ), ngày 24 tháng 9 năm ấy thì về đến kinh đô Huế (Việt Nam). Đó là chuyến “xuất dương” rất đặc biệt đối với Lý Văn Phức. Ông được đến tận nơi các xứ sở Đông Nam châu Á, được tận mắt nhìn thấy người dân bản địa Mạnh Nha Lý, Mô Đồ và Xà Bà; lại được gặp gỡ với những người Trung Hoa di cư vốn “cùng chung đạo học, cùng cảnh bút nghiên”; và trên hết được tận mắt chứng kiến một thế giới phương Tây vô cùng mới lạ. Những nơi đã đi qua đều được tác giả quan sát tỷ mỷ, hỏi han tường tận, thu thập lại, rồi phân ra theo từng môn loại để viết nên tác phẩm ký đặc sắc nhan đề là Tây hành kiến văn kỷ lược.
2.2. Bức tranh thế giới qua THKVKL
Từ Tân Gia Ba, qua Ma Lạp Giáp, qua đảo Tân Lang, đến trấn Minh Ca đều là thuộc địa của nước Anh Cát Lợi, tác giả có dịp quan sát, tìm hiểu về thế giới thuộc địa phương Tây những năm 30 của thế kỷ XIX. Hiện thực được phản ánh qua THKVKL là bức tranh về thế giới bên ngoài Việt Nam và Trung Hoa, trong đó có thế giới phương Tây, thế giới bản địa Đông Nam Á và thế giới người Trung Hoa di cư ở Nam dương.
Đó là bức tranh thế giới phương Tây với những điều mới lạ và đảo ngược. Có lẽ THKVKL là văn bản Việt Nam ghi chép khá đầy đủ về người Anh và thuộc địa của họ ở Đông Nam Á. Lý Văn Phức đã quan sát và tìm hiểu một thế giới phương Tây hoàn toàn mới lạ từ tên gọi, hình dạng, tập quán, trang phục, ẩm thực, văn tự, phong tục, lễ nghi đến quan phẩm, binh lương, pháp chế, thuế má, lịch pháp, nhà cửa, xe cộ, tiền tệ, tàu thuyền… Mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như cảnh quan, con người, cuộc sống và khoa học kỹ thuật phương Tây đều được tác giả lần đầu tiên cảm nhận, phát hiện và khám phá.
Khép lại một thế giới phương Tây mới lạ, Lý Văn Phức mở ra trước mắt bạn đọc một quá khứ và cũng là một hiện tại hiện hữu về người dân bản địa các quốc gia Đông Nam Á. Các địa danh như Tân Gia Ba, Ma Lạp Giáp hay đảo Tân Lang chỉ là những điểm tạm dừng chân trong chuyến đi Tiểu Tây Dương của Lý Văn Phức, nhưng những dòng ghi chép của ông để lại cũng góp một phần quý giá cho chúng ta trong việc tìm hiểu về người dân bản địa Xà Bà (Jawa) ở khu vực các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hay Indonesia, Philippines… Điểm đến của chuyến đi là trấn Minh Ca, tác giả có dịp quan sát nhiều hơn về người dân các nước Mạnh Nha Lý và Mô Đồ, phác họa nên một thế giới bản địa vùng lục địa Bengal, trong đó phản ánh nhiều mặt của đời sống con người: từ lịch sử, địa lý đến tôn giáo, tín ngưỡng, tập tục, lễ nghi, trang phục, ẩm thực, kiêng kỵ, tang ma, cưới xin…
Bên cạnh người bản địa Đông Nam Á còn là cộng đồng người Hoa ở vùng biển Nam này. Điều may mắn đối với Lý văn Phức là ông gặp được những người bạn của đất nước Trung Hoa ở nơi dị địa, không chỉ hỏi han để thu lượm được nhiều nhất những điều tai nghe mắt thấy, tác giả còn có dịp làm thơ xướng họa, nói chuyện tâm giao với những người bạn vốn cùng chung một đạo Thánh hiền và “một nhà văn tự” ấy. Chính nhờ họ mà tác giả đến được với thế giới phương Tây và cả thế giới bản địa Đông Nam Á. Với Lý Văn Phức và các nhà Nho thời ấy, người di cư Trung Hoa chiếm một vị trí quan trọng bởi dân số, kinh tế, tổ chức xã hội cũng như sự hòa nhập về văn hóa của họ ở vùng đông nam châu Á này.
Lần đầu tiên bước đến thế giới của người phương Tây, cái mới lạ và mối quan tâm trước nhất của Lý Văn Phức có lẽ là tiếng Tây của người Anh Cát Lợi. Tác giả không chỉ mô tả sự khác biệt của hai hệ thống ngôn ngữ đa âm tiết (tiếng Anh) với đơn âm tiết (tiếng Hoa) cả về chữ viết, âm đọc, trật tự từ hay ý nghĩa từ vựng mà còn đưa vào tác phẩm không ít từ tiếng Anh mới lạ. Có thể phân loại các từ tiếng Anh xuất hiện trong THKVKL như tên các nước phương Tây; tên các địa danh Đông Nam Á và từ vựng tiếng Anh. Hơn nữa, tuy không nhiều như trong Giá Viên biệt lục (1863-1864) của nhóm Phạm Phú Thứ sau này, nhưng trong THKVKL đã xuất hiện những từ mới về khoa học kỹ thuật như “hỏa yên thuyền” (tàu thủy); “thu lôi tiên” (cột thu lôi); “vận thủy cơ” (máy bơm nước)…
Quả là một thế giới mới lạ của những đan xen văn hóa, văn minh bản địa Đông Nam Á, phương Đông với phương Tây lần đầu tiên xuất hiện trước mắt người đọc qua THKVKL. Xét theo tiến trình của lịch sử văn học Trung đại Việt Nam, nếu như Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1697-?) mở đầu cho trào lưu viết ký ở thế kỷ XVIII-XIX với Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến (1709-1770); Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1724-1791); Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh (1750-1805); Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768-1832); Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (1770-1815); Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng (1797-1864)… thì Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức là tác phẩm mở đầu viết về thế giới bên ngoài Việt Nam và Trung Hoa với Hải trình chí lược của Phan Huy Chú (1782-1840); Dương mộng tập của Hà Tông Quyền (1798-1839); Vọng dương tập của Cao Bá Quát (1808-1854); Tây hành nhật ký, Tây phù nhật ký, Như Tây ký của nhóm các tác giả Phạm Phú Thứ (1820-1880), Phan Thanh Giản (1796-1867), Ngụy Khắc Đản (1817-?)… Và sau đó nữa là các tác gia ký cuối thế kỷ XIX khi đất nước đã mất dần chủ quyền vào tay người Pháp như Đặng Huy Trứ (1825-1894) với Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Tự thuật của Tỉnh Trai, Trong khi ốm được Dã Trì chủ nhân chỉ giáo, làm thơ ghi lại; Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) với những bản điều trần, công việc cần làm gấp, việc gửi học sinh đi học ngoại ngữ; Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) với những kế sách canh tân đất nước…
2.3. Nghệ thuật tác phẩm THKVKL từ góc nhìn thể tài kỷ lược
Kỷ lược là một thể tài văn học vừa mang đặc trưng nghệ thuật của thể loại văn học ký Trung đại là sự kết hợp nội dung tự sự với bộc lộ trực diện cái tôi tác giả[7]; vừa mang đặc trưng của thể tài kỷ lược là tính chân thực của nội dung phản ánh. Để tìm hiểu nghệ thuật của THKVKL, chúng tôi khảo sát ba phương diện: Nhan đề tác phẩm, Cấu trúc thể loại tác phẩm và Phương thức phản ánh hiện thực của tác phẩm.
Trước hết trong nhan đề tác phẩm có 3 khái niệm cần được làm rõ là Tây hành, Kiến vănKỷ lược, xem đó như chìa khóa để giải mã đề tài cũng như nội dung tác phẩm:
- Tây hành: Hành là đi; Tây có hai nghĩa: phía tây[8] và Tây dương. Nghĩa Tây dương có thể hiểu là Tiểu Tây Dương, ngày nay gọi là Ấn Độ Dương và cũng có thể hiểu là trấn Minh Ca thuộc địa của nước Anh Cát Lợi[9]. Ở đây cả hai nghĩa đều đúng: đi về phía tây và đi Tiểu Tây Dương.
- Kiến văn: Dùng để chỉ những kiến thức do mắt nhìn tai nghe “nhĩ văn mục đổ”, nghĩa là sự hiểu biết. Từ thế kỷ XVIII trở đi, trong văn học Việt Nam có xu thế viết về những điều tai nghe mắt thấy, nghĩa là viết về hiện thực. Nhan đề tác phẩm của Lý Văn Phức cũng nằm trong xu hướng chung của thời đại.
- Kỷ lược: Là một thể tài văn học mà tác giả phỏng theo thể lệ viết sách Cương mục. Thực ra Cương mục là cách gọi tắt sách Cương giám thông mục của Chu Hy (1130-1200) thời Tống. Cách viết gồm có Cương- ý lớn, để từ đó triển khai chi tiết cụ thể thành các Mục. Viết Cương mục ngoài việc nêu Cương trước rồi triển khai thành các Mục, người cầm bút không được hư cấu mà phải bám sát hiện thực. Hơn nữa THKVKL được dâng lên nhà vua đọc[10]. Vì thế tính chân thực phải được đặt lên hàng đầu.
Như vậy, trong nhan đề THKVKL, “Tây hành” và “kiến văn” chỉ nội dung tác phẩm, còn “kỷ lược” chỉ thể tài của tác phẩm.
Cấu trúc kiểu Cương mục của THKVKL bao gồm Chính văn 14 mục và Phụ lục 3 mục như sau:
- Mục Danh hiệu (tên gọi) gồm các tiểu mục về tên gọi, niên hiệu nước Anh Cát Lợi; lịch sử, địa lý các trấn Tân Gia Ba, Ma Lạp Giáp, Tân Lang và Minh Ca…
- Mục Nhân vật (con người) gồm các tiểu mục về diện mạo, tên gọi, cách tính tuổi của người Anh Cát Lợi.
- Mục Khí tập (tính khí, tập quán) gồm các tiểu mục về tính cách, thói quen và sự tài trí của người Anh Cát Lợi.
- Mục Y phục (trang phục) gồm các tiểu mục về kiểu dáng, màu sắc của y phục nam nữ; phân biệt thường phục, lễ phục, tang phục, binh phục; y phục nơi công sở của quan văn, quan võ; kiểu dáng màu sắc mũ nón đội đầu của phụ nữ, quan trưởng, binh lính…
- Mục Ẩm thực gồm các tiểu mục về đồ ăn thức uống, cách dùng thìa dĩa, tiếp đãi quý khách, yến tiệc, thuốc hút…
- Mục Văn tự gồm các tiểu mục về thể chữ, cách viết chữ, bút giấy mực viết, thư tịch sách vở…
- Mục Lễ tục (lễ nghi, phong tục) gồm các tiểu mục về Thiên Chúa giáo, lễ chế, tang ma, hôn giá…
- Mục Quan sự (việc quan) bao gồm nhiều vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa... các thành phố thuộc địa phương Tây như quan phẩm, binh lương, xử kiện, cơ quan thuế vụ, công ty Hàng hải, công ty mua bán, quyền thừa kế gia sản, thời gian công sở, ngày lễ...
- Mục Thời hậu (thời tiết, khí hậu) gồm các tiểu mục về lịch pháp, khí hậu, nhật thực, nguyệt thực, dự báo thời tiết, thước đo, cân nặng, dụng cụ quan sát, dụng cụ báo giờ…
- Mục Ốc vũ (nhà cửa) gồm các tiểu mục về nhà lầu nơi thành thị, biệt thự của quan trấn mục, nhà ở và công sở xứ nóng…
- Mục Xa thừa (xe cộ) gồm các tiểu mục về các phương tiện đi lại thông dụng ở phố trấn Minh Ca như xe ngựa kéo hay kiệu người khiêng…
- Mục Hóa tệ (tiền tệ) gồm các tiểu mục về các loại tiền tệ, tỷ giá hối đoái, lệ đổi tiền, ngân phiếu…
- Mục Châu thuyền (tàu thuyền) gồm các tiểu mục về kỹ thuật tàu thuyền của người Anh Cát Lợi như thuyền máy hơi nước; âu thuyền và máy bơm nước; sở trường đi biển và phép thi lấy thuyền trưởng, hoa tiêu; chiến thuyền sử dụng khi có việc chinh phạt…
- Mục Địa sản (sản vật địa phương) gồm các tiểu mục về đồ ăn, đồ mặc, châu ngọc đá quý, hoa quả, gia súc, vật nuôi…
- Phần Phụ lục về phong tục của người dân bản địa Mạnh Nha Lạp, Mô ĐồXà Bà gồm các tiểu mục về địa lý, lịch sử, con người, tôn giáo, lễ hội, tập tục, y phục, ẩm thực, kiêng kỵ, cưới xin, tang ma…
Nhìn chung, kết cấu thể tài kỷ lược của tác phẩm phỏng theo thể lệ viết sách Cương mục nêu mục lớn trước rồi triển khai thành các mục nhỏ đã mang đến cho tác phẩm những giá trị nội dung vừa hiện thực phong phú, vừa chính yếu mới mẻ.
Phương thức phản ánh hiện thực của THKVKL theo đặc trưng nghệ thuật của thể tài kỷ lược là sự bộc lộ trực diện cái tôi tác giả và tính chân thực của nội dung tự sự. Thông qua khảo sát các động từ biểu thị yếu tố cá nhân tác giả trực tiếp phản ánh hiện thực để tìm hiểu về nội dung “kiến văn”- những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi Tiểu Tây Dương. Con số thống kê cho thấy tác giả không chỉ đến tận nơi, tai nghe mắt thấy… mà còn quan sát tỷ mỷ, tìm hiểu tường tận, đặc biệt trước kỹ thuật mới và những gì khác với Trung Hoa, khác với Việt Nam để có thể ghi chép lại một cách đầy dủ và chân xác nhất. Đồng thời thông qua khảo sát sự kết hợp giữa nội dung tự sự với lời bình tác giả để tìm hiểu nội dung “Tây hành”, tác giả với tư cách là chủ thể phản ánh hiện thực phương Tây mới lạ. Đó vừa là góc nhìn của đạo lý Nho gia, vừa là cái nhìn hiện thực của tác giả về con người, cuộc sống và khoa học kỹ thuật phương Tây hiện đại.
Tóm lại: Lý Văn Phức là một trong số những người Việt Nam đầu tiên đi đến những miền xa xôi nhất của Đông Nam Á. Điều đặc biệt hơn, ông đã phát hiện và khám phá ra những thế giới mới lạ bên ngoài Việt Nam và Trung Hoa, viết nên tác phẩm đặc sắc Tây hành kiến văn kỷ lược. Hiện thực được phản ánh qua THKVKL là từ góc nhìn và bằng cảm quan của tác giả, nó chân thực, sâu sắc, sinh động, hấp dẫn lôi cuốn người đọc. Có một câu hỏi đặt ra: Lý Văn Phức là một tác giả nhà Nho hay một nhà văn hiện thực? Câu trả lời phải chăng là: Lý Văn Phức là một tác giả nhà Nho, cũng đồng thời là một nhà văn coi trọng hiện thực, bởi hiện thực được phản ánh qua THKVKL không chỉ là tiếng nói nhân đạo của lý tưởng Nho gia mà trên hết là cảm quan của một ngòi bút hiện thực viết về thế giới. Chính đó đã tạo nên cho THKVKL những giá trị hiện thực và nhân đạo – Cái nhìn hiện thực về thế giới mới lạ tràn đầy sức sống, cũng là bức thông điệp của đạo lý Nho gia mà tác giả Lý Văn Phức muốn gửi lại cho hậu thế.
3. Kết luận
Như một tác gia tiêu biểu của văn học Trung đại Việt Nam, Lý Văn Phức đã để lại một di sản những tác phẩm trong kho tàng văn học Hán Nôm. Ba mươi năm hải hoạn phù trầm trong đó có không dưới 11 chuyến công du nước ngoài của Lý Văn Phức cũng gắn liền với sự nghiệp sáng tác của ông. Chuyến hải ngoại đầu tiên là chuyến dương trình hiệu lực năm Canh Dần 1830 đến Tiểu Tây Dương, tác giả được tận mắt chứng kiến một thế giới thuộc địa phương Tây vô cùng mới lạ, viết nên một tác phẩm ký độc đáo: Tây hành kiến văn kỷ lược. THKVKL thuộc thể loại văn học ký Trung đại Việt Nam. Đặc trưng nghệ thuật của thể tài tác phẩm vừa ở cấu trúc thể tài kỷ lược gồm các “cương” và các “mục”, từ ý lớn triển khai các chi tiết luôn bám sát hiện thực; vừa ở bút pháp tự sự của nó: tác giả trực tiếp phản ánh hiện thực và sự kết hợp giữa nội dung tự sự với lời bình của tác giả. Chính nhờ sức mạnh của thể loại mà nội dung phản ánh qua THKVKL chân thực, sâu sắc, sinh động, đa diện nhiều tầng bậc và hấp dẫn lôi cuốn người đọc. Lý Văn Phức không chỉ đến tận nơi, ông còn quan sát, tìm hiểu, hỏi han tỷ mỷ tường tận để có thể ghi chép lại chân xác nhất, đầy đủ nhất những gì tai nghe mắt thấy. Hiện thực được phản ánh qua THKVKL là trực diện từ góc nhìn, bằng chính cảm quan của tác giả. Bởi vậy, tập bút ký THKVKL của Lý Văn Phức là bức tranh hiện thực và là tư liệu quý giá về Đông Nam Á hồi đầu thế kỷ XIX. Nội dung nổi bật của THKVKL là thế giới phương Tây vô cùng mới lạ. Mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như cảnh quan, con người phương Tây được tác giả lần đầu tiên phát hiện, cảm nhận và khám phá. Điểm giao cắt trong cái nhìn của tác giả hay là cảm quan Đông – Tây chính ở đây: có cái tương đồng, có cái xung đột; ở phương diện những giá trị văn hóa truyền thống, nhân cách con người hay những thước đo về tiến bộ xã hội, nhưng trên hết là một thế giới phương Tây mới lạ và tràn đầy sức sống. THKVKL còn là hiện thực về Đông Nam Á trở thành thuộc địa dưới sự chi phối của thế giới phương Tây tư bản; là bức tranh về bản địa Đông Nam Á; và hơn nữa là bức tranh toàn cảnh Đông Nam Á hồi đầu thế kỷ XIX, trong đó có thế giới người phương Tây, thế giới người bản địa và thế giới người Trung Hoa di cư: Sự giao lưu của văn hóa Đông Tây trước ngưỡng cửa thời đại mới.
Lý Văn Phức là một vị quan chức nhà Nho Việt Nam thời Nguyễn lần đầu tiên bước ra thế giới bên ngoài, thế giới Đông Nam Á chịu ảnh hưởng văn minh – văn hóa phương Tây. Hiện thực phản ánh qua THKVKL được ghi nhận bằng cảm quan nhà Nho và cảm quan của một nhà văn Việt Nam hồi đầu thế kỷ XIX. Đó không chỉ là tiếng nói nhân đạo của lý tưởng Nho gia mà trên hết của một nhà văn viết về hiện thực và thế giới, phác thảo một bức tranh văn hóa Đông Nam Á những năm 30 của thế kỷ XIX chân thực, sống động. Chính đó đã tạo nên cho THKVKL những giá trị hiện thực và nhân đạo, những giá trị mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế có ý nghĩa mở đường cho xu thế giao lưu và hội nhập Việt Nam với châu Á, phương Đông với phương Tây trong suốt thế kỷ XIX-XX. Bằng hệ quy chiếu từ góc nhìn Nho giáo và một cảm quan hiện thực cuộc sống, THKVKL của Lý Văn Phức là sự phản ánh chân thực và sâu sắc về thế giới, trong đó có sự giao thoa của những biểu tượng truyền thống với những ấn tượng mới mẻ; những cái mã văn hóa phương Đông, phương Tây hay bản địa cùng sự giao lưu, đan xen giữa chúng đều được bộc lộ vừa chân thực sâu sắc, vừa truyền thống và hiện đại. Hơn một bước, THKVKL của Lý Văn Phức mang đậm cảm quan hiện thực và khám phá những vấn đề thực tại của phương Đông, phương Tây và bản địa Đông Nam Á. Tác phẩm đã mở đường cho thể ký viết về thế giới bên ngoài Việt Nam và Trung Hoa. Con người cùng sự nghiệp sáng tác của Lý Văn Phức đã làm nên một phần giá trị trong kho tàng văn học và văn hóa dân tộc. Nghiên cứu toàn diện về Lý Văn Phức và sự nghiệp sáng tác của ông trong đó có THKVKL sẽ mở ra những hướng mới trong nghiên cứu văn học Trung đại Việt Nam về loại hình tác giả, loại hình tác phẩm, chủ đề văn học, thể loại văn học nói chung và thể tài kỷ lược nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
 
A. Tài liệu tiếng Việt
1. Hoa Bằng, Lý Văn Phức (1785-1849), Thăng Long, 1953.
2. Nguyễn Đổng Chi, Lý Văn Phức- Ngòi bút đấu tranh ngoại giao xuất sắc đời Nguyễn trong Ngô gia văn phái, …, Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn và trích dẫn, Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
3. Phan Huy Chú, Hải trình chí lược, Phan Huy Lê,… dịch và giới thiệu, Cahier d’Archipel 25, 1994.
4. Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Việt Nam, T.I, Lý Văn Phức (1785-1849), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1971.
5. Dương Quảng Hàm, Lý Văn Phức- Tiểu sử, văn chương, Nam Sơn xuất bản.
6. Liam C.Kelley, Nho giáo ở Việt Nam: Bài tiểu luận về tình trạng hiện thời của ngành này, Vy Huyền – Hoài Phi dịch, www.talawas.org
7. Jeon Hye Kyung, Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc – Trung Quốc – Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội 2004.
8. Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại, T.II, , Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2001.
9. GS. Trần Nghĩa – Prof. François Gros đồng chủ biên, Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, T.I, T.II, T.III, Nxb. Khoa học Xã hội Hà Nội, 1993.
10. Trần Nghĩa chủ biên, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, T.II, Nxb. Thế giới, Hà Nội 1997.
11. Lương Ninh chủ biên, Lịch sử Đông Nam Á, NXB. Giáo dục, Hà Nội 2005.
12. Lý Văn Phức, Ngọc Kiều Lê tân truyện, Trần Văn Giáp phiên âm, khảo dị và chú thích ; ..., Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1976.
13. Lý Văn Phức, Truyện Tây sương, Vũ Kỳ Sâm phiên âm ; Nxb. Văn hóa, Viện Văn học, Hà Nội 1969.
14. Lý Văn Phức, Nhị độ mai, Lê Trí Viễn – Hoàng Ngọc Phách khảo luận, hiệu đính và chú thích, Nxb. Văn học, Hà Nội 1972.
15. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Q.II-V, Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2004.
16. Phạm Thiều – Đào Phương Bình chủ biên, Thơ đi sứ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993.
17. Thư viện Viện Văn học, Lý Văn Phức thi văn, Kí hiệu DH. 16-30.
18. Đặng Hữu Toàn, Các nền văn hóa thế giới, T.I. Phương Đông, T.II. Phương Tây, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội 2005.
B. Tài liệu Hán Nôm.
1. 李文馥,《西行見聞紀略》,HV.505, TV. Viện Sử học VN.
2. 李文馥,《西行詩紀》,A.2550, TV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN.
3. 李文馥,《閩行詩話集》,VHv.2258, TV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN.
4. 李文馥,《粵行吟草》,VHv.184, TV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN.
5. 李文馥《粵行續吟草》A.1674, TV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN.
6. 李文馥《三之粵雜草》VHv.2246, TV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN.
7. 李文馥《鏡海續吟》A.303, TV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN.
8. 李文馥《周原雜詠草》VHv.110, TV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN.
9. 李文馥《李氏家譜》A.1057, TV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN.
10. 李文馥《本國史記略編》A.1369, TV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN.
11.陳益源阮氏銀,〈周遊列國的越南名儒李文馥及其華夷之辨〉,Confucian thoughts in Vietnam: Studies from an Interdisciplinary Perspective, The Institute of Han-Nom Studies (Vietnam) – The Harvard Yenching Institute (The USA), Hanoi November, 2007.
12.阮氏銀陳益源,〈擦身而過越南李文馥與台灣蔡廷蘭的詩緣交錯〉, International Conference on Classical Chinese Poetry under Different Skies: Development in Taiwan & Dialogue with East Asia, Taiwan November, 2008.
 


[1] Theo sách Lý thị gia phả của Lý Văn Phức viết năm Tân Tỵ 1821, tiên tổ họ Lý nguyên quán làng Tây Hương, huyện Long Khê, phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc. Họ Lý là bậc khai quốc công thần, danh gia vọng tộc nhà Minh. Khi nhà Thanh vào chiếm Trung Nguyên, ba anh em Lý Khắc Liêm, Lý Ngã Bích và Lý Khắc Quý không chịu thần phục nhà Thanh, bèn cùng nhau theo đường biển sang Việt Nam, ngụ cư ở phường Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long - nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. (Lý thị gia phả, văn bản chép tay hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.1057)
[2] Hoa Bằng, Lý Văn phức (1785-1849), Thăng Long, 1953, tr. 29.
[3] Liam C.Kelley, Nho giáo ở Việt Nam: Bài tiểu luận về tình trạng hiện thời của ngành này, Vy Huyền-Hoài Phi dịch, www.talawas.org
[4] Lý Văn Phức, Mân hành thi thoại tập. Di biện. (Văn bản chép tay hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv.2258, tờ 18b)
 
[5] Nguyễn Hữu Sơn,…, Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nxb. Giáo dục Hà Nội, 1997, tr.194.
[6] Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại, TII, , Nxb. Giáo dục Hà Nội, 2001, tr.76.
[7] Tác giả Nguyễn Đăng Na trong công trình nghiên cứu về thể loại văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại xác định rằng, đặc trưng nghệ thuật của thể loại ký không chỉ ở “phương thức tự sự” mà còn ở cách bộc lộ cái tôi cá nhân tác giả với tư cách là chủ thể sáng tạo nghệ thuật”. Ở đây có một sự tương đồng với công trình khoa học nghiên cứu về tiểu thuyết truyền kỳ Đông Á của tác giả người Hàn Quốc Jeon Hye Kyung: coi yếu tố cá nhân tác giả là tiêu chí để phân biệt tiểu thuyết truyền kỳ với tác phẩm văn học cổ. Nhưng nếu như yếu tố cá nhân tác giả ở thể loại ký bộc lộ một cách trực diện, thì ở thể loại tiểu thuyết, nó ngụ vào cốt truyện truyền kỳ. Xin xem thêm Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại, TII, , Sđd; và Jeon Hye Kyung, Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc-Trung Quốc-Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội 2004.
[8] Nghĩa phía tây là ngược với phía đông của Việt Nam, như lời tựa sách Đông hành thi thảo của Lý Văn Phức viết: “Lã Tống quốc tại ngã quốc chi đông, thuyền lộ thủ Mão châm tiến phát, cố viết Đông hành vân” (Nước Lã Tống ở về phía đông nước ta, đường thuyền nhằm hướng kim chính Mão tiến phát nên gọi là Đông hành vậy). (Đông hành thi thuyết thảo chép trong Chu Nguyên tạp vịnh thảo, văn bản chép tay hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.304)
[9] Như lời tựa sách Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức viết: “Canh Dần xuân phụng phái sử Phấn Bằng, Định Dương nhị đại thuyền tiền vãng Tiểu Tây Dương chi Anh Cát Lợi quốc Minh Ca trấn dương phận thao diễn thủy quân” (Mùa xuân năm Canh Dần vâng mệnh phái hai chiếc thuyền Phấn Bằng và Định Dương đến dương phận trấn Minh Ca nước Anh Cát Lợi ở Tiểu Tây Dương để thao diễn thủy quân). (Tây hành kiến văn kỷ lược, văn bản chép tay hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Sử học, kí hiệu HV.505)
[10] Theo nguyên chú bài thơ Đắc chỉ do Phú Yên đăng lục trình trong tập Tây hành thi kỷ của Lý Văn Phức thì trong chuyến đi Tiểu Tây Dương năm 1830 ông viết được 5 tập thơ văn, trong đó 2 tập Kiến văn lục (tức Tây hành kiến văn kỷ lược) và Nhật trình ký có tấu tiến trình lên nhà vua khi tàu về đến Phú Yên ngày 12 tháng 9. (Tây hành thi kỷ, văn bản chép tay hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.2550)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569195

Hôm nay

2411

Hôm qua

2405

Tuần này

21578

Tháng này

227719

Tháng qua

129483

Tất cả

114569195