Những góc nhìn Văn hoá
Lê văn Hy với Hồng Hiên thi tập
Trong số các di văn của gia tộc họ Lê gốc ở Lộc An – An Thủy – Lệ Thủy – Quảng Bình để lại có một tập thơ nhan đề là Hồng Hiên thi tập, trang đầu ghi tên người sao chép: “Tôn Cương phụng sao” (cháu Cương phụng sao chép)[1]. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu về thân thế, tiểu sử tác giả Lê Văn Hy (1797 – 1864) và tác phẩm Hồng Hiên thi tập (HHTT).

1. Thân thế và tiểu sử Lê Văn Hy
Lời bạt sách Gia phả họ Lê (nguyên bản chữ Hán) do cụ Lê Văn Hy viết năm Ất Mão niên hiệu Tự Đức thứ tám 1855 về nguồn gốc tổ tiên mình: “Tổ tiên họ Lê đến từ Nghệ An. Đất nơi ở ngày nay tên là Châu Ô, nguyên trước kia thuộc Chiêm Thành. Khi vua Lê bình định Chiêm Thành xong, liền mở mang đất ấy, đem dân Bắc Kỳ vào, chia ra định cư tại đây. Họ Lê ta cùng với các họ trong làng là họ Phạm, họ Nguyễn, họ Võ, họ Đặng, họ Phan. Tất cả 6 họ vào đây khai khẩn. Đặt tên là xã Lộc An thuộc tổng Mỹ Lộc, huyện Phong Đăng, phủ Quảng Ninh, trấn Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Bình), xứ Thuận Hóa… Nơi đây đất đai màu mỡ phì nhiêu, cỏ cây tươi tốt, lấy núi Đầu Mâu làm núi tổ. Phía sau lại có dòng sông nhỏ đổ ra biển…”. Lại như cụ Hy viết về đạo đức, sự nghiệp của tổ tiên: “Tuy trong họ có người theo nghề nông, người theo Nho học, người theo việc quân, người theo việc công. Công việc có khác nhau nhưng đều theo đức Nghĩa, chưa từng mảy may làm những điều sai lạc thất đức, chưa ai vì đồng tiền mà bỏ đức Nghĩa. Ban đầu họ ta chưa theo nghề văn học. Đến Hy[2] mới dần dần dấy lên, em là Hựu nối tiếp đỗ Tú tài, con là Nguyên kế tục đỗ Cử nhân. Con cháu theo nghiệp sách vở. Từ đó họ Lê ta trở thành vọng tộc thi lễ. Về nghiệp võ thì họ Lê ta cũng là một phái…”[3].
Lê Văn Hy sinh ra và lớn lên vào lúc nhà Tây Sơn mất, nhà Nguyễn lên thay, xã hội Việt Nam có nhiều biến động.
Cha ông, cụ Lê Văn Vào (1760 - 1814) thời nhà Tây Sơn sung quân Dược vũ, sau đổi làm Tri huyện Hải Dương. Lê Văn Hy nhớ về cha: “Lúc nhỏ ông thông minh, cần cù học tập, thông thạo chữ nghĩa. Tranh vẽ của ông rất trang nhã hài hòa… Tính ông ngay thẳng, dũng mãnh, không tránh việc gì”. Mẹ đẻ của Lê Văn Hy là cụ Trần Thị Đào (1778 – 1857), người xã Nhạc Lễ tổng Nghĩa Trai huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh. Lê Văn Hy nhớ về mẹ: “Bà hiền lành, nhân từ, có sắc đẹp … Khi Hy làm quan bà nhiều lần tới nơi Hy làm việc”.
Lê Văn Hy thuở nhỏ thông minh, học giỏi. Như gia phả dòng họ ghi chép về ông: “Tám tuổi làm được những đoạn văn ngắn. Mười ba tuổi tinh thông mọi thể văn”. Cha mất khi còn trẻ tuổi nên hai anh em[4] về sống với ông bà ngoại ở Gia Lâm. Ký ức về tình thương yêu ông ngoại dành cho con cháu chẳng hề phai nhạt: “Ông ngoại thích vì cháu có tài lạ. Những người ngồi nghe không ai là không trầm trồ khen ngợi, thích thú. Nhiều người thương hại, hay hỏi: cha cháu đâu? Ông thường buông sách mà rơi nước mắt đầm đìa!”. Năm 21 tuổi Lê Văn Hy theo anh Lê Văn Chỉ là con mẹ cả về quê dạy học, rồi sau đó ông lại ra đi. Năm Gia Long thứ mười tám 1819 trở về quê dự thi Hương đỗ Tú tài, năm Minh Mệnh thứ hai 1821 dự thi Hương đỗ Hương cống (Cử nhân), năm sau 1822 thi Hội trúng Tam trường khi ông 26 tuổi[5].
Con đường làm quan triều Nguyễn của Lê Văn Hy bắt đầu từ đây. Năm 1826 đi chấm thi ở Bắc Thành. Năm 1827 được bổ làm Tri huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An[6], rồi được điều đến Nam Sách Hải Dương[7], năm Minh Mệnh thứ mười 1829 lại điều đến Hương Trà Thừa Thiên[8]. Sau đó xảy ra sự việc ông bị cách chức phải đi hiệu lực ở đạo Cam Lộ tỉnh Quảng Trị: từ năm Minh Mệnh thứ mười ba 1832[9] đến năm Minh Mệnh thứ mười lăm 1834, do làm nhiệm vụ có công trạng được khai phục làm Cửu phẩm thư lại tỉnh Hà Tĩnh[10]. Theo lời dẫn tập thơ Tây chinh nhật ký Lê Văn Hy viết trong thời gian đi Tây chinh đánh dẹp giặc Xiêm năm Minh Mệnh thứ mười bốn 1833, nhiệm vụ của ông đi tòng binh để giúp việc từ chương văn thơ vậy: “Bấy giờ chín châu trộm cướp nổi dậy, trong kinh phái quân ngày 23 tháng Chạp khởi hành. Quan tỉnh Quảng Trị mời tôi đi theo giúp việc từ chương. Tôi xin lưu lại sửa soạn hành trang, đến ngày 26 lên đường”. Theo sách Đại Nam thực lục. Đệ tam kỷ, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn: Tháng 10 năm Thiệu Trị nguyên niên 1841, cho Chủ sự bộ Hộ Lê Văn Hy làm thự Đốc học Gia Định; tháng 7 năm Thiệu Trị thứ tư 1844, cho thự Đốc học tỉnh Gia Định Lê Văn Hy thăng thự Quốc tử giám Tư nghiệp…
Từ những cứ liệu, chúng tôi đưa ra niên biểu Lê Văn Hy như sau:
- Sinh năm Đinh Tỵ 1797[11]. Tuổi nhỏ học hành thông minh, giỏi thơ văn
- Cha mất năm 1814 khi Lê Văn Hy 18 tuổi, hai anh em về sống với ông bà ngoại ở xã Nhạc Lễ, tổng Nghĩa Trai, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội)
- Năm 21 tuổi theo anh con mẹ cả về quê ở Quảng Bình dạy học
- 1819: thi Hương đỗ Tú tài
- 1821: thi Hương đỗ Hương tiến (Cử nhân)
- 1822: thi Hội trúng Tam trường
- 1826: đi chấm thi ở Bắc Thành
- 1827 - 1828: được bổ làm Tri huyện Hưng Nguyên Nghệ An; điều đến Nam Sách Hải Dương
- 1829: điều đến Hương Trà Thừa Thiên. Sau mắc lỗi khi làm nhiệm vụ bị cách chức.
- 1832 - 1834: đi hiệu lực ở Cam Lộ Quảng Trị
- 1834: được khai phục chức Cửu phẩm thư lại tỉnh Hà Tĩnh
- Năm 1841: từ chức Chủ sự bộ Hộ đổi giữ chức thự Đốc học Gia Định
- Năm 1844: thăng đến chức Tư nghiệp Quốc tử giám thời vua Thiệu Trị và Tự Đức.
Về gia đình:
Cụ Hy có hai bà vợ. Vợ cả là cụ Phạm Thị Kiều người xã Nhạc Lễ huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh. Như Lê Văn Hy viết về dòng tộc bà: “Tằng tổ bà là người khoa giáp thuộc nhà vọng tộc, ăn ở phúc hậu, suốt đời chỉ làm điều lành để truyền điều thiện cho con cháu”. Con trai cả của cụ Hy là Lê Văn Nguyên, sau đổi tên là Duyên (1827 – 1890)[12], đỗ Cử nhân Ân khoa Đinh Mùi năm Thiệu Trị thứ bảy 1847, làm quan đến chức Tuần phủ Ninh Bình đời vua Đồng Khánh và Thành Thái.
Vợ thứ của cụ Hy là cụ Nguyễn Thị Khương, là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu Hà Tĩnh. Như Lê Văn Hy viết về dòng tộc bà: “Bà người Hà Tĩnh, là cháu gái cụ Thám hoa Nguyễn Huy công. Nhà bà 11 đời kế nhau thi đỗ. Đất Hoan Châu có họ nào hơn! Bà là cháu gái ông Hữu Tham tri bộ Binh[13] Nguyễn Huy Tự. Ông nội bà sinh được 9 người con trai, cha của bà là con thứ tư… Bà sớm mồ côi nên nương tựa vào bác là Nguyễn Huy Kiều. Nhân thấy bà, ta (Hy) liền đem lòng yêu mến. Vả lại bà là con nhà thế phiệt nên ta liền cưới bà”. Xét theo phả tộc Nguyễn Huy ở Trường Lưu, con trai thứ tư của quan Hữu thị lang bộ Binh, nhà thơ Nguyễn Huy Tự (1743 – 1790) là Nguyễn Huy Tuyên là em của Nguyễn Huy Tượng (1766 - ?), Nguyễn Huy Vinh (1769 – 1818) và Nguyễn Huy Hổ (1783 – 1841): “Nguyễn Huy Tuyên (1787 - ?), Hiển cung đại phu, có con gái là Nguyễn Thị Khương lấy Phó bảng, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Lê Văn Hy”[14].
Con trai út của cụ Hy là Lê Văn Diễn (1861 -1924), Tú tài Ấm sinh hạng nhất đỗ đầu thi Hương khoa Đinh Dậu năm Thành Thái thứ chín 1897, thi Hội trúng cách khoa Kỷ Mùi 1919. Ông là em của Lê Văn Nguyên Tuần phủ, em của Lê Văn Thúy Tú tài 6 khoa, và là con rể của đại thần Hoàng Kế Viêm (1820 – 1909). Cháu nội của cụ Hy, con trai của cụ Nguyên là Lê Văn Cương (1860 – 1913) thường gọi là ông Huyện Tú, khi cụ Nguyên làm Tuần phủ Ninh Bình thì ông Cương làm Tri huyện Kim Sơn…
Thông qua sơ đồ phả hệ gia tộc họ Lê từ đời cụ tổ Lê Văn Vào đến hậu duệ đời thứ tư là ông Lê Văn Cương, chúng tôi có thể xác định tác giả của Hồng Hiên thi tập là cụ Lê Văn Hy như sau:
LÊ VĂN VÀO |
LÊ VĂN HY
|
LÊ VĂN HỰU
|
LÊ VĂN NGUYÊN
|
LÊ VĂN THÚY
|
LÊ VĂN DIỄN
|
LÊ THỊ THUẦN
|
LÊ VĂN THIỆN
|
LÊ VĂN CƯƠNG
|
LÊ VĂN TỈNH
|
2. Tác phẩm Hồng Hiên thi tập
Hồng Hiên thi tập鴻軒詩集là sáng tác của Lê Văn Hy (1797 – 1864), do cháu nội Lê Văn Cương (1860 – 1913) sưu tầm, sao chép. Tác phẩm gồm 2 phần:
Phần chính gồm 133 bài thơ.
Phần phụ lục các câu đối.
Riêng phần thơ, chúng tôi dựa theo niên biểu cuộc đời tác giả chia ra theo thời gian sáng tác như sau:
o Thời gian làm quan Tri huyện Hưng Nguyên
o Thời gian điều đến Nam Sách Hải Dương
o Thời gian đi hiệu lực ở Cam Lộ Quảng Trị (Tập thơ Tây chinh nhật ký gồm 21 bài được sáng tác trong thời gian này)
o Thời gian được khai phục làm Cửu phẩm thư lại ở Hà Tĩnh
o Thời gian được thăng làm Chủ sự bộ Hộ, Đốc học Gia Định và Tư nghiệp Quốc tử giám.
Bài〈寄廣平候補蘇字玉鉉〉(Gửi hậu bổ họ Tô, tự Ngọc Huyền ở Quảng Bình) mở đầu tập thơ hiện lên hình ảnh người vợ hiền thương chồng đi làm quan ở nơi xa, tình phu phụ gắn với tình quân thần phụ tử:
君在江南妾江北,橫山雲樹自高低。
轉晴倏已驚梧夢,回首那堪望柳堤。
義胄江頭流水急,廣平關上朔風凄。
勸君去取封侯印,親在堂而妾在閨。
“Chàng ở Giang Nam thiếp Giang Bắc, Cao thấp Đèo Ngang mây nối mây.
Chuyển tạnh bỗng làm kinh mộng thiếp, Quay đầu ngại ngắm liễu buông dây.
Đầu sông Nghĩa Trụ nước tuôn gấp, Trên ải Quảng Bình gió bắc đầy.
Kiếm ấn phong hầu chàng hãy gắng, Cha già phụng dưỡng có em thay”
Bài〈贈汝通判字琪調北寧〉(Tặng Thông phán họ Nhữ, tự Kỳ điều đi Bắc Ninh) lại là lời thơ viết đùa để tặng bạn, vừa lưu luyến nhớ nhung, vừa dí dỏm hài hước, bởi chữ “phó” trong câu kết sẽ được hiểu là “phó cho” hay ngụ tên Thị Phó ? [15]
平唐公子友如雲,迢遞東門出次晨。
恒嶺風煙隨處媚,邯江花柳為誰春。
席陪歌管驚驪唱,庭擁旌旄戀馬塵。
鄭重臨岐無別話,此情分付抱琴人。
“Công tử Bình Đường bạn tựa mây, Cửa đông rời khỏi sớm mai này.
Gió mây Hồng lĩnh nhiều nơi đẹp, Hoa liễu Hàm giang xuân với ai?
Ca quyện sáo đàn vui tiệc ngọc, Cờ tung bụi ngựa luyến đình đài.
Chia tay trịnh trọng không lời khác, Tình phó kẻ ôm đàn nắn dây”
Bài〈旅邸書懷〉(Viết tả nỗi lòng ở nơi nhà trọ) đặc tả niềm suy tư lạc quan yêu đời của tác giả trên bước đường gian nan, lấy điều ân nghĩa làm thước đo giá trị, lấy luận đề chủ khách làm hệ quy chiếu:
三十年來冠劍身,關山幾度歷風塵。
可堪菽水纏離緒,未準煙霞締夙姻。
綠竹半窗晴雨境,芳塘一酌是非人。
遭逢祗可安吾義,多少前頭逆主賓。
“Ba chục năm nay mũ kiếm thân, Quan sơn mấy độ trải phong trần.
Mặc cho dòng nước sầu ly biệt, Chẳng để yên hà vướng túc nhân.
Trúc biếc nửa song mưa tạnh cảnh, Ao thơm một chén thị phi nhân.
Gặp nhau mong trọn điều ân nghĩa, Chủ khách mai này sẽ rẽ phân”
Ngày Đoan Ngọ nhớ đến bậc trung thần nghĩa sĩ, nhà thơ yêu nước nổi tiếng nước Sở thời Chiến Quốc Khuất Nguyên và cái chết bi ai của ông, cũng là nỗi đau của chính lòng mình:
歲序催人兩鬢班,靜思往事暗留酸。
長沙遷客雖能賦,汨水忠魂不可攀。
蘭佩幾時來入夢,蒲觴無地解追歡。
低徊一酌江天暮,終古沅湘去不還。
“Năm tháng giục người tóc đốm dày, Nghĩ về chuyện cũ luống chua cay.
Trường Sa tuy khách làm nên phú, Mịch Thủy trung hồn với khó thay.
Đeo cỏ lan từng vào giấc mộng, Rượu bồ không chốn để vui say.
Ngồi buồn bên chén trời sông tối, Muôn thuở Nguyên Tương sao về đây ?”
〈端午日有感〉(Cảm nghĩ ngày Đoan ngọ)
Đêm trung ở nơi biên ải nhớ thắng cảnh Hà Nội, một nét thu, một vẻ đẹp xa hoa lộng lẫy nơi cố đô xưa trở về trong ký ức:
徘徊今夜藤山月,彷彿當年珥水燈。
東几筵紅點點,西湖煙景綠層層。
笙歌逸韻仍三竹,裘馬輕豪半五陵。
最是故人千里外,月明樓上要誰登。
“Bồi hồi đêm ngắm nguyệt non Đằng, Mường tượng xưa đèn Nhị thủy dăng.
Đông phố tiệc vui hồng điểm điểm, Tây Hồ cảnh khói biếc tầng tầng.
Sênh ca dật vận lừng Tam Trúc, Cừu nhẹ ngựa hào nửa Ngũ Lăng.
Luống nhớ cố nhân ngàn dặm cách, Ai lên lầu để ngắm vầng trăng ?”
〈中秋憶河內勝賞〉(Trung thu nhớ thắng cảnh Hà Nội)
Như bài thơ anh xướng tôi họa với quan Tri phủ Cam Lộ Phạm Hoàng giáp[16], khí thơ tràn cảm hứng “Lên cao viết phú” của bậc đại phu:
日暮登高塹,千峰列翠微。
霧隨芳草合,鳥背夕陽歸。
客久霜花重,秋深雁信稀。
憑臨誰惜賦,終讓謝玄暉。
“Trời xế lên cao ngắm, Nghìn núi trải xanh ghê.
Mù theo cỏ thơm hợp, Chim cõng bóng chiều về.
Đất khách sương hoa nặng, Thu sầu tin vắng hoe.
Lên cao ai viết phú, Nhường cụ Tạ Huyền kia !”
〈同城范黃甲登甘露城奉續原唱〉
(Quan đồng thành Phạm Hoàng giáp lên thành Cam Lộ, vâng nối theo nguyên vận)
Bài thơ〈過巴欄同州日晴留一宿〉(Qua châu Ba Lan trời tạnh ngủ lại một đêm) là tiếng thét căm thù quân giặc gây bao cảnh đau thương điêu tàn cho nhân dân nơi biên cương của tổ quốc:
邊氓流徒暗心傷,誰料巴州做此場。
禾黍如山噓烈焰,絲麻滿地樸寒霜。
狐悲故穴投荒野,鴉戀殘枝噪夕陽。
幾個哀號君識否?熹微燐火滿迴塘。
“Đau lòng lũ giặc quấy biên cương, Khôn liệu Ba châu gặp thảm thương.
Lúa má như non thiêu lửa dữ, Đậu vừng đầy đất buốt hơi sương.
Cáo buồn hang cũ đồng hoang lủi, Quạ luyến cây tàn réo tịch dương.
Bao tiếng kêu gào anh có biết ? Lửa ma trơi lóe khắp ao chuôm”
Hồn thơ lại hòa reo với niềm vui chiến thắng quân giặc trong bài 〈再殺退暹寇〉(Lại đánh lui giặc Xiêm):
天威震薄火噓筒,火遍崑崗草樹空。
大隊貔貅增銳氣,小群狼狽失狂風。
帥旄西指雲沉黑,露布東馳日耀紅。
勝仗幾多功績在,此回筆陣付詞鋒。
“Oai trời chấn động lửa phun hồng, Lửa khắp Côn cương cỏ cây không.
Đại đội tì hưu tăng nhuệ khí, Cáo cầy tháo chạy tựa cuồng phong.
Chỉ tây cờ soái mây đen kịt, Lộ bố mặt trời rực phía đông.
Thắng trận biết bao công tích lập, Lần này trận bút vẫy vùng xông”
Không thiếu những bài thơ viết khi viếng thăm nơi cửa Phật hay chốn tiên cảnh, tác giả muốn gửi gắm lòng mình vào cõi thanh hư tịnh độ:
跨鶴僊翁去不還,獨留僊峒倚青山。
雪侵古井香空進,雨拂殘基石自班。
秋草迷離三月峒,晚霞隱約海雲關。
遊人過此停鞭望,身世無窮俯仰間。
“Cưỡi hạc tiên ông không trở lại, Còn lưu tiên động dựa thanh san.
Tuyết xâm giếng cũ hương bay thoảng, Mưa phất nền tàn đá đốm lan.
Cỏ biếc um tùm Tam Nguyệt động, Ráng mây thấp thoáng Hải Vân quan.
Khách du qua đó dừng roi ngóng, Thân thế nổi nênh giữa bạt ngàn”
〈僊子峒〉(Động Người Tiên)[17]
前朝帝后已僊去,此地惟餘一梵宮。
杖錫歸來香閣寂,釵鈿散盡玉廊空。
迷離碧樹迴雙鳳,隱約黃花五龍。
最是遊人無眼況,鯨音半夜故丁東。
“Triều xưa đế hậu đà xa khuất, Còn lại nơi này một Phạn cung.
Thiền trượng đã về gác hương vắng, Vòng hoa tiêu tán thềm ngọc không.
Mê li cây biếc vờn song Phượng, Thấp thoáng hoa vàng rực Ngũ Long.
Du khách bỗng dưng trăm mối cảm, Chày kình lốc cốc gõ đêm trong”
〈僊侶寺〉(Tiên Lữ tự)[18]
Tình cảm yêu quý ngưỡng mộ, tri kỷ đa tình với nhà thơ của dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu Nguyễn Huy Hổ qua bài thơ 〈奉次羅山萊石阮蓮坡原韻〉(Phụng họa theo nguyên vận thơ Nguyễn Liên Pha ở Lai Thạch La Sơn)[19]:
金爐香盡帶殘醺,徹夜談心不倦神。
毛骨可憐林下驥,頂蹄偏愛瑞中麟。
情多見素還知己,眼未逢青肯許人。
一榻琴何日又,羅山山上晚天雲。
“Lò vàng hương hết khói tàn dần, tâm sự suốt đêm chẳng mệt thần.
Cứng cáp xương lông thương ngựa ký, Điềm lành sừng móng mến kỳ lân.
Đa tình nhớ lại hoàn tri kỷ, Chưa gặp mắt xanh hẹn lữa lần.
Chén rượu cung đàn mong có buổi, La Sơn chiều tối áng mây vần”
Bài thơ〈餞府尹阮公字公著回休〉(Tiễn Phủ doãn Nguyễn công, tự Công Trứ về hưu[20]) khắc họa hình tượng lão ông thảnh thơi trở về làng trong ánh hào quang của những khát vọng cuộc sống, của chí lập công danh giúp nước cứu đời, bỏ lại đằng sau mọi vinh hoa phú quý:
擲罷千金始一閒,舒徐杖屨叩門還。
江亭風月秋如洗,潮海波濤夢不關。
萬古慈悲槍劍後,百年榮遂菊松間。
歸來幸記前話,不日僧狂過感山。
“Ném hết nghìn vàng mới rảnh rang, Thảnh thơi gậy dép trở về làng.
Đình sông trăng gió thu quang sạch, Triều biển sóng dồn mộng chẳng lan.
Muôn thuở từ bi thương kiếm gác, Trăm năm toại chí cúc tùng nhàn.
Vị quan Tư nghiệp Quốc tử giám Lê Văn Hy với nhà thơ Hoàng tộc – “Tao đàn nguyên súy” của Tùng Vân thi xã Tùng Thiện vương là bạn đồng thanh khí, tri âm tri kỷ vậy. Vẻ chân thực, khiêm tốn đan xen sự phóng khoáng, hào sảng trong vần thơ xướng của Tùng quốc công[22]:
國子先生舊勝遊,酒酣擲筆傲蒼洲。
長秋淺水孤吟地,斷壑寒山弔古愁。
未見如傷千里別,重來回憶舊年遊。
鄭公雲散君如不,不負青氈對白頭。
“Quốc tử tiên sinh trước thắng du, Rượu say ném bút ngạo thương châu.
Thu dài nước cạn nơi ngâm vắng, Khe đứt núi hàn viếng cổ sầu.
Chưa gặp mà thương nghìn dặm biệt, Trùng lai nhớ lại cuộc chơi xưa.
Trịnh công mây tản nếu bác chẳng, Không phụ chiên xanh đối bạch đầu”
Bài thơ họa của Lê Văn Hy cũng dào dạt mối tình thơ phong lưu lãng tử của những người bạn cùng chung đạo học:
風雅壇中第一流,彩帆晴日過芳洲。
吟還秋水千峰曉,彈罷高山萬壑愁。
樂處曲墳鳴古道,忘形村塢壯英遊。
憐才錯及非才者,春節佳章在上頭。
“Phong nhã trong đàn đệ nhất lưu, Dong buồm ngày tạnh đến phương châu.
Ngâm xong nước biếc ngàn non rạng, Đàn rứt non cao vạn vực sầu.
Vui đọc sách xưa làm sáng đạo, Quên hình thôn ổ thỏa ngao du.
Lân tài thương kẻ không tài nhé, Xuân tiết thơ hay đã đứng đầu”
……
Kết luận
Lê Văn Hy (1797 – 1864). Tổ tiên ông gốc người Nghệ An. Khi vua Lê Thánh Tông bình định Chiêm Thành và mở mang đất nước về phía Nam thì họ Lê vào định cư tại Quảng Bình. Họ Lê lúc đầu chưa theo nghề văn, đến cụ Hy mới dấy lên. Cha con, anh em cùng đỗ đạt.
Cuộc đời Lê Văn Hy trải học hành thi cử và ra làm quan, trên hết ở ông tình yêu người yêu đời, với “Chí lập công danh”, “Niềm trung tín vượt qua sóng gió” và “An bần lạc đạo”. Con người và thơ văn Lê Văn Hy mang tư tưởng của đạo lý Nho gia, triết lý nhân sinh của nhà Phật hay đạo của bậc tiên nhân, vẫn đậm đà hương vị của cuộc sống đời thường. Thơ ông tuy không chau chuốt bóng bẩy nhưng đã một thời được các vương tôn danh sĩ yêu thích, phải chăng bởi sự chân thực giản dị và giàu chất lãng mạn trữ tình. Sách Đại Nam nhất thống chí, mục Nhân vật chí viết về ông: “Lê Văn Hy, người huyện Phong Đăng, năm Minh Mạng thứ hai thi Hương đỗ Hương cống. Năm Minh Mệnh thứ ba thi Hội đỗ tam trường, làm quan đến Tư nghiệp Quốc tử giám, người phóng đạt nổi tiếng hay thơ, không chịu bó buộc. Sau về hưu tại quê nhà thọ 68 tuổi”.
Trên đây chúng tôi bước đầu giới thiệu về Lê Văn Hy với Hồng Hiên thi tập, góp thêm một tư liệu quý về tác gia, tác phẩm Hán Nôm Việt Nam thế kỷ XIX.
Tài liệu tham khảo
Hồng Hiên thi tập, Nhà thơ Hoài Anh dịch và chú giải, Đại tá Lê Bá Ước tổ chức dịch thuật, biên tập, in ấn.
Đại Nam nhất thống chí, Q5. Nhân vật chí, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Viện Sử học xuất bản, Nxb. Thuận Hóa, 1992.
Quốc triều Hương khoa lục, Cao Xuân Dục biên soạn, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1993.
Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919), Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993.
Thơ văn họ Lê Văn, Lê Văn Khuyên sưu tầm, biên soạn, Ty Văn hóa Quảng Bình xuất bản, 1997.
Nguyễn Huy Hổ với Mai đình mộng ký, Lại Văn Hùng phiên âm, dịch chú, giới thiệu, Nxb. Hội nhà văn, 1997.
Gia phả họ Lê, Lê Văn Khuyên sưu tầm và ghi chép, 2001.
Đại Nam thực lục. Chính biên, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Nxb. Giáo dục Hà Nội, 2004.
Từ điển văn học Việt Nam. Từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Lại Nguyên Ân biên soạn với sự cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, In lần thứ năm, 2005.
Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam, Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, biên dịch và chú thích, Tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo dục, 2008.
[1] Tập thơ do Đại tá Lê Bá Ước nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác Anh hùng thời đánh Mỹ, Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 sưu tầm và biên soạn, nhà thơ Hoài Anh dịch và chú giải (có kèm nguyên bản chụp chữ Hán). Nhân đây chúng tôi xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc.
[2] Chữ Hy viết nhỏ bên hàng.
[3] Theo Gia phả họ Lê do ông Lê Văn Khuyên nguyên là Phó ty Văn hóa Quảng Bình sưu tầm, biên soạn, dịch chú, năm 2001.
[4] Em trai của cụ Hy là Lê Văn Hựu đỗ Tú tài năm Minh Mệnh thứ hai 1821, được bổ làm Huấn đạo Hưng Nguyên.
[5] Theo sách Quốc triều Hương khoa lục của tác giả Cao Xuân Dục (1842 – 1923), Lê Văn Hy người xã Lộc An huyện Phong Lộc đỗ thi Hương Ân khoa năm Tân Tỵ Minh Mạng thứ hai 1821 tại trường Trực Lệ, làm quan tới chức Tư nghiệp. Sách Đại Nam nhất thống chí, mục Nhân vật chí và gia phả dòng họ đều ghi, Lê Văn Hy thi Hội trúng Tam trường năm Minh Mệnh thứ ba 1822, làm quan đến Tư nghiệp Quốc tử giám.
[6] Lời dẫn bài thơ Ký Quảng Bình hậu bổ Tô, tự Ngọc Huyền) (Gửi hậu bổ Quảng Bình họ Tô, tự Ngọc Huyền) trong HHTT viết: “Huynh người Hoa Cầu Bắc Ninh, khoa Ất Dậu (1825) phái đến tỉnh này chờ bổ nhiệm. Tôi bấy giờ làm Tri huyện Hưng Nguyên”.
[7] Lời dẫn bài thơ Tặng Nhữ Thông phán (tự Kỳ) điều Bắc Ninh (Tặng Thông phán họ Nhữ, tự Kỳ điều đi Bắc Ninh) trong HHTT viết: “Huynh người Bình Giang, Đường An, dòng dõi Nhữ tướng công. Ban đầu bổ Thông phán Hải Dương. Khi tôi đến Nam Sách cùng ông kết bạn”.
[8] Lời dẫn bài thơ Ký Vũ khố Tư vụ Vũ, tự Thế Lộc (Gửi Vũ khố Tư vụ họ Vũ, tự Thế Lộc) trong HHTT viết: “Huynh người Quảng Nam, do có văn học được bổ chức dạy học. Năm Minh Mệnh thứ mười 1829 thăng Huyện thừa Hương Trà, cùng tôi tựu chức…”.
[9] Cũng theo lời dẫn bài thơ Ký Vũ khố Tư vụ Vũ, tự Thế Lộc (Gửi Vũ khố Tư vụ họ Vũ, tự Thế Lộc) viết: “Huynh…cùng tôi tựu chức. Nhân xảy ra chuyện đều bị cách chức đi hiệu lực. Năm thứ mười ba (1832) huynh được phục chức này, lúc đó tôi bắt đầu đến Cam Lộ”.
[10] Lời chú bài Đăng Hoành Sơn hữu cảm (Cảm xúc khi leo lên Đèo Ngang) trong HHTT viết: “Năm Minh Mệnh thứ mười bốn (1833) tôi ở Cam Lộ hiệu lực, năm thứ mười lăm (1834) từ chín châu làm nhiệm vụ có công trạng được phục chức Cửu phẩm thư lại”. Tác giả Emmannuel Poisson trong sách Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam (1820 – 1918) có đề cập đến việc quan chức triều Nguyễn mắc lỗi trong khi thực thi nhiệm vụ bị cách chức phải đi hiệu lực, được vận hành từ năm 1802 đến 1884.
[11] Câu mở đầu bài thơ Hạ Thừa Thiên Phủ doãn Trịnh ngọc đài thọ (Mừng thọ Phủ doãn Thừa Thiên họ Trịnh) trong HHTT viết: “Đồng du quan kiếm cộng Đinh niên” (Cùng tuổi Đinh mũ gươm cùng trải)
[12] Theo gia phả họ Lê do cụ Hy viết, “Năm Đinh Hợi (1827) sinh được 1 trai đặt tên là Nguyên, sau cải tên là Lê Văn Duyên theo đề xuất của Tự Đức vốn là bạn học cùng lớp. Vì vậy trong sách sử thời Nguyễn đều ghi tên Duyên”.
[13] Chức Hữu thị lang thời Lê là phó chức của Thượng thư, thời Nguyễn đặt chức Tả Hữu tham tri đứng dưới Thượng thư.
[14] Xin xem Nguyễn Huy Hổ với Mai đình mộng ký, Lại Văn Hùng phiên âm, dịch chú, giới thiệu, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội 1997.
[15] Nhữ Bá Sĩ (1788 – 1857) tự Nguyên Lập, hiệu Đạm Trai. Tổ tiên họ Nhữ vốn người làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sau dời vào làng Cát, xã Cát Xuyên, tổng Chương Sơn (nay là huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Đậu Hương tiến (cử nhân) năm Minh Mệnh thứ hai 1821, được bổ Tri huyện, thăng Hình bộ viên ngoại lang, bị cách chức, phải đi hiệu lực sang Quảng Đông. Sau lại được bổ Huấn Đạo, thăng Đốc học Thanh Hóa… Lời dẫn bài thơ của Lê Văn Hy viết: “Huynh người Bình Giang, Đường An, dòng dõi Nhữ tướng công. Ban đầu bổ Thông phán Hải Dương. Khi tôi đến Nam Sách cùng ông kết bạn. Ông thích rượu, khi vui chơi có ca kỹ Thị Phó, huynh rất yêu thích. Đến khi được điều về Bắc Ninh, bày tiệc mời khách, tôi dự tiệc, vừa dịp Thị Phó ôm đàn mà hát. Nhân viết đùa cũng để tặng biệt”
[16] Phạm Sĩ Ái (1806) tự Đôn Nhân, hiệu Nghĩa Khê, người xã Trung Lập tổng Trương Xá huyện Đường Hào phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi Hội năm Nhâm Thìn niên hiệu Minh Mệnh thứ mười ba 1832. Ông giữ các chức quan như Hàn lâm viện Biên tu, Tri phủ Cam Lộ, Viên ngoại lang bộ Lại, Án sát Hà Tĩnh, Thị lang bộ Binh; được cử làm Chủ khảo trường thi Gia Định… Lời dẫn bài thơ Sơ kiến Phạm Thái thú, thứ Lê Ngôn Dung nguyên vận (Lần đầu gặp Phạm Thái thú, họa nguyên vận thơ Lê Ngôn Dung) của Lê Văn Hy viết: “Ông người Trung Lập Đường Hào, năm Minh Mệnh thứ mười ba (1832) thi Đình đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, đến trấn thủ Cam Lộ. Tôi bấy giờ hiệu lực tại phủ, ông gặp đem lòng yêu, cho nên một thời gian có nhiều lần xướng họa với nhau”.
[17] Lời dẫn bài thơ Tiên tử động (Động người tiên)trong HHTT viết: “Động ở địa giới huyện Minh Linh, tục truyền có người tiên ở đó, đến nay bàn cờ đá, giếng đá vẫn còn”.
[18] Chùa Tiên Lữ thuộc xóm Tiên lữ xã Đức Lập huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Chùa do công chúa Trang Từ là con của vua Lê Thái Tổ với Hoàng hậu Trịnh Thục xây dựng vào khoảng thời gian 1428 – 1433. Chùa là nơi thờ Phật tổ Như Lai, Quan Âm Bồ Tát và cũng là nơi thờ hai mẹ con Hoàng hậu Bạch Ngọc (Trần Thị Ngọc Hào) và Trịnh Thục (Trần Thị Ngọc Hiền); “song Phượng” là hai cung Phượng hoàng do vua Lê Lợi sai lập cho hai mẹ con bà ở; đền Ngũ Long trên đồi Phúc Sơn là nơi an táng Hoàng hậu Trịnh Thục và công chúa Trang Từ.
[19] Nguyễn Huy Hổ (1783 – 1841) tự Cách Như hiệu Liên Pha, người làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của danh sĩ Nguyễn Huy Tự và bà Nguyễn Thị Đài là con gái của Tham tụng Nguyễn Khản, gọi danh sĩ Nguyễn Du bằng chú. Vợ Nguyễn Huy Hổ là cháu gái vua Lê Hiển Tông. Và vợ thứ của tác giả bài thơ Phụng họa này là cụ Nguyễn Thị Khương, gọi nhà thơ Nguyễn Huy Hổ bằng bác như chúng tôi đã trình bày ở trên.
[20] Nguyễn Công Trứ (1778 – 1859) người làng Uy Viễn huyện Nghi Xuân. Đậu Hương tiến (Cử nhân) năm Gia Long thứ mười tám 1819. Làm quan tới chức Tổng đốc Hải Yên, bị giáng, được phục chức Phủ doãn Thừa Thiên rồi hưu trí năm 1848 khi ông 70, thọ 82 tuổi.
[21] Chùa Cảm Sơn trên núi Cảm Sơn thuộc phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh. Chùa do Hoan quận công thời Lê chủ trì xây dựng. Đến thời Tự Đức, Phủ doãn Thừa Thiên là Nguyễn Công Trứ về hưu đã cho tiến hành trùng tu.
[22] Tùng Thiện vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819 – 1870) là con trai thứ 10 của vua Minh Mệnh. Năm 1839, ông được phong Tùng quốc công; năm 1854 được gia phong Tùng Thiện công; năm 1878 được vua Tự Đức gia tặng Tùng Thiện quận vương; năm 1919 được vua Bảo Đại truy phong là Tùng Thiện vương.
tin tức liên quan
Videos
Thử định vị Tự lực văn đoàn
Hội thảo khoa học: “Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước”
Hãy đọc lời ai điếu cho khoa học minh họa
Nhật bản và cải cách Minh trị (1866) trong nhận thức của nguyễn Trường Tộ
“Tết trồng cây” nét đẹp văn hóa mới ở Thanh Chương
Thống kê truy cập
114569195

2411

2405

21578

227719

129483

114569195