Những góc nhìn Văn hoá

Chuyện đúng sai của tục ngữ

AI cũng biết, mục đích sáng tác tục ngữ của dân gian là truyền bá kinh nghiệm. Vậy thì những kinh nghiệm được tục ngữ đúc kết là đúng hay sai?

Theo chúng tôi, gia tài tục ngữ của ta có những câu nội dung đúng hoàn toàn. Ví dụ:

Cây có cội, nước có nguồn.
Chim có tổ, người có tông.
Sông có khúc, người có lúc.
Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.
Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn.
Vợ chồng khi nồng khi nhạt.
Con người có cha có mẹ, không ai ở lỗ nẻ mà lên.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
Rắn già rắn lột, người già người tuột vào săng.
Nước có khi trong khi đục, người có kẻ tục kẻ thanh.
Bộ phận lớn còn lại là những câu không đúng hoàn toàn. Ví dụ:
Cha nào con ấy.
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Trai Đông Thái, gái Yên Hồ.
Những người ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cướp gái buôn chồng người.
Nồi đồng dễ nấu, chồng xấu dễ sai.
Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.
Lợn nhà, gà chợ.
Mít chặt cành, chanh đốn rễ.
Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn.
Những điều mà loại tục ngữ này khái quát nói chung là đúng, phần nhiều là đúng chứ không phải đúng toàn bộ. Ngay cả những câu mà ngày nay người ta đã chỉ ra được cơ sở khoa học của chúng như “Én bay thấp mưa ngập bờ ao, én bay cao mưa rào lại tạnh”, hay “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên” thì trong thực tế vẫn có trường hợp sai.
Ngày 27 tháng 10 năm 2003, trong chương trình Chiếc nón kỳ diệu được phát sóng trên VTV3 của Truyền hình Việt Nam, Long Vũ - người dẫn chương trình đưa ra câu đố về một thành ngữ có 23 chữ cái, nội dung nói về tình trạng mùa màng năng suất kém. Người tham gia chương trình có tên là Thu đã đoán đúng câu này. Đó là câu:
       Lúa trỗ lập hạ, buồn bã cả thôn.
Đáng tiếc, đây không phải là thành ngữ mà là tục ngữ (Ở chương trình này, hiện tượng nhầm lẫn thành ngữ với tục ngữ không phải là hiếm hoi). Điểm đặc biệt của tục ngữ này là vế đầu (lúa trỗ lập hạ) được hiểu theo nghĩa đen, còn vế sau (buồn bã cả thôn) lại được hiểu theo nghĩa bóng. Nội dung của nó truyền bá một kinh nghiệm mà trải qua ngàn đời cày sâu cuốc bẫm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời người dân khu Bốn đã khái quát được: Lúa trỗ vào dịp lập hạ trở đi thì năng suất kém.
Vì sao lúa trỗ vào thời gian đó lại năng suất kém? Các nhà khoa học đã giải thích được nguyên nhân của hiện tượng này như sau:
Lập hạ (sang hè) là tên gọi của một trong hai mươi bốn ngày tiết trong năm theo lịch cổ truyền Trung Quốc, ứng với một trong ba ngày 5,6 hoặc 7 tháng 5 dương lịch. Nhiệt độ tối đa cho cây lúa đâm bông trỗ hạt là 39OC, trong khi đó thời gian lập hạ ở khu Bốn nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 41 - 42OC, ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Cơ sở khoa học trên làm cho độ tin cậy của tục ngữ đang xét cao hơn. Tuy vậy, đối với những năm nhuận hai tháng giêng, hai tháng hai, hai tháng ba lại sai, vì ngày lập hạ ở đây nhiệt độ thường chỉ trên dưới 300C và lúa vẫn có thể đạt năng suất cao.
Ngoài ra, ta có thể chứng minh hiện tượng chỉ đúng một phần (phần còn lại sai) của những câu tương tự như trên bằng cách chỉ ra những cặp tục ngữ mâu thuẫn nhau đang song hành trong thực tế. Chẳng hạn, cùng nhận xét về đức tính thật thà, có Thật thà là cha quỷ quái (Thật thà là hơn, đề cao đức tính thật thà) và Thật thà là cha dại (Thật thà là thiệt, là dại); cùng nói về vai trò của hoàn cảnh trong việc quy định tính cách con người, có Gần mực thì đen, gần đèn thì sángGần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Với dân gian thì không phải lời nói nào cũng không để lại dấu vết (đối lập với chữ viết có để lại dấu vết), vì ngoài đời, bên cạnh những lời nói như gió thoảng qua còn có những lời nói đã trở thành bia miệng. Đó là lý do để hai tục ngữ trái ngược nhau sau đây cùng tồn tại:
       Lời nói gió bay.
Và: Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Trong thực tế có những lời nói (những lời nói tốt lành, những lời nói đầy thiện ý, thiện chí) làm cho cả một số phận thăng hoa nhưng cũng có những lời nói (những lời nói hiểm độc) làm cho tan cửa nát nhà, tiêu tan cả sự nghiệp. Những tục ngữ sau đã phản ánh mâu thuẫn (mâu thuẫn giữa tác dụng và hậu quả của lời nói) này:
        Lời nói gói bạc.
        Lời nói gói vàng.
Và:   Lời nói đọi máu.
Tục ngữ ta có những câu mới đọc qua đã biết sai (sai một phần) nhưng trong giao tiếp, ứng xử thường ngày của nhân dân, chúng lại là câu nói cửa miệng. Ví dụ:
       Ở hiền gặp lành.
       Không thầy đố mày làm nên.
Trên đời này không phải ai ở hiền cũng gặp lành mà có quá nhiều trường hợp ngược lại. Nhiều người hiền như bụt, tốt như tiên nhưng lại chịu cảnh bất hạnh, rủi ro, trong khi đó lắm kẻ khẩu phật tâm xà, độc ác, quỷ quyệt thì đời lại xuôi chèo mát mái. Tương tự, trên đời này không phải đối với bất cứ ai, thầy cũng là điều kiện cần để thành đạt mà có không ít trường hợp sự thành đạt đó là do họ tự học đời, học người, tự đào tạo, tự thân vận động mà có. Vì lẽ ấy, thông điệp mà những tục ngữ này muốn gửi đến người tiếp nhận không phải cái đúng về nội dung mà là cái hay của một lời khuyên. Câu thứ nhất khuyên ta hãy ở hiền, sống tốt với người khác, và khi làm được điều đó thì nghiễm nhiên ta đã có được một điều lành. Câu thứ hai dạy ta rằng trong việc học, vai trò của người thầy rất quan trọng, do đó, phải biết tôn sư trọng đạo.
Tiếp xúc với tục ngữ không phải lúc nào cũng băn khoăn nhiều về chuyện đúng sai, vì có khi sai về nội dung nhưng đúng về dụng ý của người sáng tác. Cái đúng của hai câu tục ngữ trên là cái đúng của dụng ý hướng thiện, chỉnh tâm, cái đúng của đạo lý người Việt.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114565782

Hôm nay

2145

Hôm qua

2330

Tuần này

2475

Tháng này

224306

Tháng qua

129483

Tất cả

114565782