Nhìn ra thế giới
Vài nét về giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài
Không phải chỉ đến gần đây các tác phẩm văn chương của Việt Nam mới được giới thiệu, dịch thuật ở ngoài biên giới Việt Nam; tuy vậy cho đến hiện nay, công việc này vẫn khá ít kết quả.
Nếu ở thời trung đại, một số tác phẩm của tác gia Việt Nam (ví dụ An Nam chí lược’, ‘Nam Ông mộng lục’), được in ấn tại Trung Hoa, thì ở thời cận đại, một số tác phẩm như ‘Truyện Kiều’, ‘Lục Vân Tiên’… cũng sớm được dịch, − không chỉ một lần, không chỉ bởi một dịch giả, − và xuất bản ở Pháp.
Trong đời sống văn hóa thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhất là thời kỳ từ 1954 ở miền Bắc, việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu được thực hiện qua con đường chính thức, nhà nước (bộ văn hóa VN) với nhà nước (bộ văn hóa các nước XHCN), hội nhà văn VN với hội nhà văn các nước XHCN, vốn cùng được hưởng chế độ bao cấp tương tự như nhau. Bằng con đường đó, một số tác phẩm của một số nhà văn VN đã được dịch và xuất bản trong khối các nước anh em, − bên cạnh các bậc cổ điển Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là một loạt tên tuổi của văn chương hiện đại: Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan, Nam Cao và Nguyên Hồng, Tô Hoài và Nguyễn Đình Thi, v.v… Tất nhiên cung cách bao cấp luôn luôn đi kèm với những hệ lụy của nó, bởi việc dịch quyển gì, dịch của tác gia nào, − đều phải có sự nhất trí cao từ những người đứng đầu ở cả hai phía. Mấy dịch giả Nga rất thích ‘Truyền kỳ mạn lục’ của thời trung đại và ‘Số đỏ’ của thời hiện đại, nhưng không dám thực hiện việc dịch thuật và xuất bản, chỉ vì không có tín hiệu ưng thuận từ phía ‘chủ nhà’. Giai thoại ‘con tàu thơ Việt gồm 5 toa’ dường như cũng đã nảy sinh cùng với quá trình thương thảo để hình thành một tuyển tập thơ Việt Nam do bộ phận đối ngoại của hội nhà văn Liên Xô chủ trì, dịch ra tiếng Nga thơ của 5 nhà thơ Việt (Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh). Sống trong thời bao cấp, không ít cán bộ đối ngoại của ta thận chí không thể hiểu được vì sao, cùng một bộ ‘Tuyển tập văn học Việt Nam’ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp (Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc thực hiện) mà khi thì bị vứt bỏ lăn lóc tại các sứ quán (người nước chủ nhà không muốn nhận, vì cho là thuộc loại ấn phẩm tuyên truyền), khi thì lại là món quà quý giá (khi được nhà văn, học giả Việt Nam tặng tận tay với vài lời giới thiệu nội dung).
Bước vào thời đổi mới, điều kiện giao tiếp mở rộng; các phương tiện bao cấp đã không còn hiệu năng như cũ; trong khi đó, những xúc tiếp đa dạng không hiếm khi lại mở ra không ít cơ hội. Bạn đọc hẳn chưa quên, hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn Việt Nam chưa lâu thì đã thấy những dịch giả nước ngoài tiếp cận đề nghị dịch in ở nước họ. ‘Nỗi buồn chiến tranh’ của Bảo Ninh cũng vậy; hầu như đúng lúc dư luận chính thống trong nước lên tiếng lo ngại về cái gọi là ảnh hưởng tiêu cực của tác phẩm này thì nó lại được dịch, được tặng thưởng ở nước ngoài; và chính tiếng vang ở ngoài nước rốt cuộc đã khiến nó giành lại được quyền sống giữa công chúng trong nước. Nhiều tác phẩm khác đã cất cánh bay từ Việt Nam theo những cung cách khác nhau, dù bị phản đối hay được cổ vũ từ các giới nghệ sĩ và quản lý trong nước. Rõ ràng là sau khi chúng ta bước qua thời bao cấp, việc đưa tác phẩm văn chương của tác gia Việt Nam vẫn diễn ra, nhưng từ nay là do nỗ lực từ nhiều phía, với nhiều màu sắc, chỉ tiếc rằng nhìn chung vẫn còn là khá lèo tèo, nếu đem so với số lượng vượt trội những tác gia tác phẩm văn chương các nước ngoài được dịch và xuất bản ở nước ta, cũng thời gian ấy. Ở phương diện này cũng như ở nhiều phương diện khác của sự tiêu dùng văn hóa, chúng ta vẫn chưa ra khỏi tình trạng nhập siêu.
Phải nhận rằng, nhu cầu tìm biết đất nước, lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam đang có xu hướng tăng lên từ phía người nước ngoài; riêng về văn học, những người đang học tập nghiên cứu để trở thành chuyên gia về Việt Nam có xu hướng đọc trực tiếp từ đầu nguồn sách tiếng Việt; đây là loại đối tượng hẹp, số lượng không nhiều. Đối với số đông hơn, phương thức thích hợp vẫn là tổ chức dịch thuật và xuất bản sang các ngôn ngữ khác. Chúng ta đã có một số nhà xuất bản làm sách ngoại văn. Ở các nước cũng có những nhà xuất bản quan tâm đến việc dịch và in sách văn học Việt Nam. Đây vẫn là hai loại đầu mối chính của việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Về những nỗ lực trong nước, sự tài trợ về kinh phí của nhà nước vẫn là cần thiết và quan trọng, nhưng không nên xem đây là nguồn duy nhất. Từ nguồn này và các nguồn ‘xã hội hóa’ khác, hội nhà văn nên tổ chức một quỹ dịch thuật văn học và đặt ra một giải thưởng dịch văn học Việt Nam ra các ngôn ngữ bên ngoài. Quỹ dịch thuật có thể chủ động ‘đặt hàng’ những dịch giả nhất định về những tác phẩm nhất định, lấy bản dịch đó để tổ chức in và phát hành. Giải thưởng dịch thuật văn học Việt Nam có thể xét trao theo một số loại định kỳ (hằng năm, sau 3-5 năm, v.v…), một số thể thức giải thưởng (cho dịch phẩm hay, cho dịch phẩm được in số lượng lớn, cho một đời dịch và gắn bó với việc quảng bá văn chương Việt Nam, v.v…).
Đối với những nỗ lực đã và đang có từ bên ngoài, phía Việt Nam nên tăng cường những liên hệ và thông tin hỗ trợ, để các dự án dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam do các tổ chức biên dịch hoặc xuất bản ở nước ngoài tiến hành được thuận lợi hơn. Chúng ta hiểu, các nhà xuất bản nước ngoài làm việc với thị trường sách của họ, với những tính toán cụ thể về khả năng lỗ lãi trên cơ sở sức tiêu thụ của mỗi sản phẩm, chứ không chỉ là ‘nhiệt tình’ hay ‘sở thích’ đơn thuần. Song sự hợp tác từ phía nền văn học được dịch bao giờ cũng là một sự hỗ trợ cần thiết. Công việc quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài đang cần thêm nhiều sáng kiến mới.
Đặt trong bối cảnh có giao lưu, trao đổi với bên ngoài, thiết nghĩ các hoạt động văn học trong nước cũng cần được nâng lên về chất lượng. Chẳng hạn, cần làm gia tăng uy tín cho các giải thưởng văn học trong nước bằng cách đề ra những yêu cầu và đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sao cho những tác phẩm được vinh danh, nếu được chọn để dịch thuật ra bên ngoài, sẽ bộc lộ được cái giá trị như đã được các ban chấm giải trong nước xác nhận.
Quá trình quảng bá văn chương Việt Nam ra nước ngoài cũng là quá trình tự nâng mình lên của người viết văn ở Việt Nam. Đương nhiên không thể có bất đồng lớn giữa các dân tộc về các chuẩn giá trị, kể cả giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Nếu người đọc đồng bào với bạn yêu mến tác phẩm của bạn, chắc hẳn bạn có khả năng giành được sự yêu mến của bạn đọc nước ngoài. Tuy vậy, bên cạnh tầm nhìn của giới công chúng làng xã thân quen, người viết văn ở Việt Nam cũng nên đặt sáng tác của mình trong tầm nhìn của công chúng các dân tộc khác, của công chúng toàn nhân loại. Đây cũng là một thách thức mới cho ngòi bút.
Gia nhập cộng đồng văn học thế giới muộn mằn hơn hẳn nhiều nền văn học dân tộc khác, lại cũng tương đối ít thuận lợi (ví dụ về ngôn ngữ văn tự) để đi vào cộng đồng ấy, văn học Việt Nam còn rất nhiều gian nan phía trước trên con đường hội nhập. Tín hiệu rõ nhất hiện tại mới chỉ là tín hiệu của chính ý thức chúng ta, nhất là sự chuyển biến ở ý thức chính thống, về sự tất yếu phải gia nhập cộng đồng văn chương thế giới, tương tự như chúng ta đang nỗ lực gia nhập cộng đồng kinh tế thế giới.
Không thể khăng khăng giữ riêng một số giá trị, dọn cỗ riêng, biệt lập với bàn tiệc văn chương nhân loại; ngược lại, phải đem thực đơn văn chương in dấu những tâm hồn tinh tế và bàn tay tài hoa Việt Nam đến cống hiến cho những khẩu vị ngày càng đa dạng và tinh tế của các dân tộc khác, của cả nhân loại.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Hình như kiến gió cũng có linh hồn
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511023
Hôm nay
222
Hôm qua
2359
Tuần này
21397
Tháng này
217896
Tháng qua
121356
Tất cả
114511023