Riêng năm học 2010 có 7 vụ học sinh đánh nhau chết người. Đặc biệt, với thời đại công nghệ số, vài năm trở lại đây, có hàng mấy chục clip học sinh nữ đánh nhau, được tung lên mạng, gây bức xúc dư luận. Hiện tượng học sinh đánh nhau, không chỉ ở học sinh THPT, mà cả những học sinh THCS, tuổi đời còn rất nhỏ.
Bất chấp những lời cảnh báo của các cơ quan chức năng, của những người làm công tác giáo dục, nạn BLHĐ vẫn không hề suy giảm; ngược lại, ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ, tần suất và tính nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân vấn nạn? Gia đình, Xã hội hay Nhà trường là nguyên nhân chính? Vàđâu là giải pháp xóa bỏ BLHĐ?
Về Gia đình:
Có ý kiến cho rằng, một nguồn gốc chính, dẫn đến vấn nạn này, là sự thiếu chăm sóc giáo dục con trẻ của gia đình. Ngược lại, cũng có ý kiến nói rằng, trong xã hội hiện đại, việc giáo dục thế hệ trẻ trách nhiệm chính là nhà trường. Theo tôi, quan niệm như thế là không đúng. Dù là xã hội cổ truyền hay xã hội hiện đại, câu thành ngữ dân gian “Con dại cái mang" vẫn nguyên giá trị. Xã hội ta chịu ảnh hưởng các chuẩn mực đạo đức của Nho giáo, với nền văn hiến hàng ngàn năm, ông cha ta đã để lại một di sản văn hóa thấm đẫm nhân văn: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Mặc dầu một số chuẩn mực đạo đức Khổng giáo này đã không còn phù hợp với thời đại ngày nay, nhưng phần lớn vẫn nguyên giá trị. Tiếc rằng, những giá trị đạo đức này, phần nhiều đã bị mai một. Trước đây, trong gia đình, từ gia đình gia giáo, có học, đến gia đình nghèo, việc giáo dục con cái rất được coi trọng. Ông, bà, cha, mẹ dạy dỗ con cháu, làm gương cho con cháu; anh em bảo ban nhau; đứa chị dắt đứa em cùng chơi, cùng học, cùng nhắc nhở khuôn phép, lễ nghĩa cho nhau: Trên kính dưới nhường, đi thưa về bẩm, biết xấu hổ với những hành động mình làm người khác không thích, biết nhận lỗi khi mình làm sai, biết cám ơn khi được người khác giúp đỡ, biết chào đón khách đến thăm nhà; ra đường biết nhường chỗ cho cụ già, em bé, phụ nữ có thai; giúp đỡ người tàn tật; có tấm lòng nhân ái, vị tha, làm việc thiện… Còn bây giờ, còn mấy gia đình còn giữ được nề nếp gia phong đó? Nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn về việc kiếm tiền, chu cấp đầy đủ vật chất cho con, nuông chiều con cái một cách vô lối. Họ ủy thác việc dạy dỗ con cái cho nhà trường: “Trăm sự nhờ Thầy”. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ không là tấm gương sáng cho con cái noi theo, có những hành vi sinh hoạt, ứng xử thiếu văn hóa trước mặt con cái, vợ chồng bạo lực với nhau, bạo lực với con cái. Cộng với ảnh hưởng phim ảnh không lành mạnh, trò chơi game bạo lực, cuộc sống xô bồ của xã hội, con trẻ học theo, làm theo. Ông Trần Huy Tuấn - Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống YMCA, cho biết kết quả khảo sát tại 2 trường THPT ở Tp HCM: 45% học sinh cho rằng BLHĐ là chuyện bình thường, 30% cho là chấp nhận được! Bà Lê Minh Trang (Tuổi trẻ 20/11/2011) khẳng định: “100 gia đình lương thiện tử tế, nhiều khi không chắc có 100 đứa con ra đời nên người tốt. Nhưng cứ gặp 100 em học sinh có vấn đề về nhân cách, về suy nghĩ, về hành vi ứng xử, quậy phá…, quay trở lại với gia đình, thì ta sẽ có đủ 100 gia đình có nội bộ không tốt, hoặc có vấn đề về mặt xã hội”.
Sách vỡ lòng Nho học “Tam Tự Kinh” viết: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Triết gia phương Tây Frank McCourt nói: “Tuổi thơ đâu có tự nhiên bất hạnh. Bất hạnh là do người ta gây ra”. Tuổi trẻ sinh ra, lớn lên trong lòng bố mẹ. Nếu bố mẹ không dạy dỗ con cái chu đáo, không làm gương sáng cho con cái noi theo, khi chúng ra ngoài xã hội, với bao nhiêu cám dỗ, con trẻ rất dễ bị hư hỏng. Không thể vin vào bất cứ lý do nào, để chối bỏ trách nhiệm giáo dục con cái của bố mẹ, của gia đình. Vấn nạn BLHĐ đang lan tỏa hiện nay, bắt nguồn từ sự thiếu giáo dục của gia đình là nguyên nhân chính.
Môi trường xã hội
Xã hội VN ta ngày nay, những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp, thuần phong mỹ tục đang bị băng hoại. Ngược lại, xã hội xô bồ, đầy rẫy những tấm gương xấu hiện lên trước mắt trẻ thơ. Xã hội bây giờ, ai là người thắng? Ai là người thiệt thòi? Người sống trung thực, thẳng thắn, trọng chân lý là người thắng hay những kẻ ma lanh, biết luồn cúi, nịnh nọt, gian trá, “con ông cháu cha”… mới là những người thắng? Một xã hội xô bồ như thế, vô hình chung, đang khuyến khích con người theo đuổi, tranh giành quyết liệt những giá trị vật chất tầm thường, thậm chí phản nhân văn. Ở đâu, lĩnh vực nào cũng thấy bạo lực: bạo lực lặng lẽ trong công sở, bạo lực trong kinh doanh… Bạo lực lồ lộ trên sân cỏ, trong gia đình…Trẻ em khó có thể thoát khỏi những ảnh hưởng từ các hành vi bạo lực từ xã hội, từ gia đình, từ mức độ này hay mức độ khác.
Một mảng tối khác, là Game online. 77% Game điện tử phổ biến tại VN có nội dung bạo lực, đồi trụy. Ngay cả trên ti vi truyền hình cũng đầy rẫy những bộ phim có những cảnh không lành mạnh, những cảnh bạo lực khủng khiếp. Thật lạ lùng, các cơ quan có trách nhiệm luôn nói chống văn hóa phẩm không lành mạnh, đồi trụy… nhưng các điểm Internet tốc độ cao, chơi Game điện tử vẫn tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến nông thôn, mà không bị cấm.
Chính những mảng màu tối của cuộc sống xã hội hiện thời đã góp phần quan trọng làm hư hỏng một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay khi mà tuổi thơ non nớt, chưa phân biệt được cái xấu cái tốt, chưa có kỹ năng sống, thích khám phá và hành động theo ý thích của mình, để khẳng định mình. Sự thiếu giáo dục của gia đình và môi trường xã hội không trong sáng là hai nguồn gốc chính gây nên vấn nạn BLHĐ.
Nhà trường
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có vấn nạn BLHĐ là do: Đạo đức thầy giáo ngày nay đã xuống cấp, hình ảnh nhà trường ngày nay đã méo mó!
Có thật đúng thế không?
Dân tộc ta có truyền thống hiếu học “Tôn sư trọng đạo”. Trước đây, dưới chế độ phong kiến, vai trò người Thầy rất được coi trọng: “Quân-Sư-Phụ”. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Giáo dục xưa là giáo dục tinh hoa. Từ việc học tập kiến thức văn hóa, đến việc giáo dục nhân cách con trẻ, tất cả nhờ vào thầy. Để việc giáo dục con trẻ có kết quả tốt, các thầy giáo xưa coi việc “đánh đòn” là một biện pháp hữu hiệu. Đánh đòn để răn đe, bắt buộc học trò phải chăm chỉ, nỗ lực học tập, phải vào khuôn phép… Những học trò bị đánh đòn không ai oán hận thầy. Ngược lại, khi đã học hành thành đạt, ai cũng tri ân thầy.
Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, nền giáo dục ta đã qua mấy lần cải cách, đến nay quan hệ thầy trò không còn như xưa nữa. Từ mối quan hệ một chiều sang tương tác, dân chủ. Người thầy không còn là trung tâm nữa, mà học trò mới là trung tâm. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có hiện tượng BLHĐ là do thầy cô giáo đã không biết đến sự thay đổi đó, đã hành xử không đúng với vị trí ông thầy ngày nay. “Đạo đức thầy giáo ngày nay đã xuống cấp”!
Ý kiến này hoàn toàn không đúng. Hiện tượng thầy giáo làm tiền, dạy thêm, trù dập, thiên vị học sinh, cưỡng bức, mua dâm học sinh; Một số thầy cô giáo không giữ được khoảng cách giữa bục giảng và bàn học trò, ăn mặc, xử sự xuề xòa, ăn nói tục tĩu, mày tao chi tớ với học sinh, quát mắng học sinh kiểu dân chợ búa, làm mất đi tư cách và sự tôn nghiêm của ông thầy… là có thật. Những hiện tượng này là sai, phải lên án, thậm chí phải vào tù. Nhưng, đó chỉ là muôn một trong gần một triệu Thầy Cô giáo cả nước.
Mới đây, Bộ GD&ĐT lại phát động thêm cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện”. Do việc phổ biến, học tập ý nghĩa, mục đích, nội dung cuộc vận động không chu đáo, đã làm cho học sinh, phụ huynh hiểu thiên lệch về hai chữ “Thân thiện”, dẫn đến tình trạng dân chủ quá trớn, học trò ngang nhiên coi thường thầy cô giáo, vô lễ, ngỗ ngược, lười học, vi phạm kỷ cương nề nếp, nói năng cư xử thiếu văn hóa, đánh nhau giữa học trò với học trò, học trò đánh thầy… gây nên nạn BLHĐ. Là một thầy giáo đã hơn 50 năm đứng trên bục giảng, trước đây, tôi chưa bao giờ thấy hiện tượng thầy giáo sợ học trò. Còn bây giờ phê phán học trò thì sợ vi phạm điều cấm “Nói không với vi phạm nhân cách học sinh”. Cho điểm kém thì sợ học sinh phản ảnh với phụ huynh và hiệu trưởng thầy dạy kém. Đuổi học sinh thì sợ vướng vào tỷ lệ khống chế lưu ban, ảnh hưởng đến thành tích tiên tiến, chuẩn này chuẩn nọ của trường. Thậm chí, thầy cô còn bị quay phim tung lên mạng. Điều đáng tiếc là, khi ở một nơi xa xôi nào đó trên đất nước, có hành vi BLHĐ giữa thầy và học trò, các phương tiện truyền thông đại chúng lại đưa tin dồn dập, vô tình đã là hình thức cổ xúy tiếp tay cho lớp trẻ, để BLHĐ lan tỏa rộng hơn, làm hoen ố hình ảnh vốn dĩ đẹp đẽ của thầy giáo, nhà trường.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến BLHĐ, một phần là do lâu nay nhà trường, thầy giáo, quá nặng về dạy chữ, mà ít chú trọng đến dạy đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh”. Ý kiến này có phần đúng. Nhưng trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ GD&ĐT. Cấu tạo chương trình của Bộ đã không dành thời gian thích đáng cho các môn học dạy đức dục cho học sinh. Chương trình giảng dạy kiến thức văn hóa cho học sinh hết sức nặng nề. Thầy giáo phải thực hiện đầy đủ những gì đã quy định, trong phân phối chương trình của Bộ. Đó là pháp lệnh. Không thực hiện đầy đủ chương trình, thầy giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, thầy giáo lấy đâu ra thời gian, để giáo dục nhân cách cho học sinh, tạo ra được những con người phát triển toàn diện về Đức, Trí… cho xã hội.
Đạo đức Nhà giáo, tinh thần trách nhiệm, lo lắng cho học sinh của người thầy giáo không những vẫn trong sáng như xưa, mà còn nặng nề hơn. Ngày nay, ai đã từng là giáo viên, đã từng làm Giáo viên Chủ nhiệm, thì thấy rõ điều này. Thầy giáo bây giờ không chỉ lo giảng dạy chuyên môn cho tốt, mà còn phải lo lắng giải quyết việc học sinh trốn học không phép, bỏ nhà đi bụi, ăn cắp vặt, tụ tập băng nhóm đánh nhau, tệ nạn quay cóp… và hàng trăm hiện tượng xấu khác xẩy ra hàng ngày trong học sinh, trong trường, ngoài trường, mà việc nào cũng đến tay giáo viên Chủ nhiệm.
Qua những phân tích trên đây, tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ dạy chữ, dạy người, đặt lên vai người thầy giáo, nhà trường hết sức nặng nề, thậm chí khó có thể hoàn thành. Không thể quy nguyên nhân chính gây ra vấn nạn BLHĐ cho nhà trường được. Đừng đổ hết trách nhiệm lên phía nhà trường. Đừng để hình ảnh nhà trường méo mó.
Giải pháp xóa bỏ BLHĐ
Giáo dục thế hệ trẻ thành người công dân tốt cho xã hội là kết quả tổng hòa của ba môi trường: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Chỉ khi ba môi trường này, cùng với giới truyền thông đại chúng, liên kết với nhau thành một thể thống nhất, đề ra được những biện pháp thích hợp, cùng quyết tâm thực hiện, thì mới đạt kết quả. Với góc nhìn và kinh nghiệm của một Nhà giáo, tôi nghĩ, có ba biện pháp sau đây, nếu thực hiện được, thì sẽ hạn chế đến mức tối đa nạn BLHĐ:
Quan hệ với ngành Văn hóa, nghiêm cấm triệt để trò chơi Game điện tử.
Ngành Giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền hạn của người thầy, trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh. Người thầy và nhà trường phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe học sinh.
Lâu nay, trong khi đi tìm nguyên nhân dẫn đến BLHĐ, tất cả các cuộc mổ xẻ, đều đổ trách nhiệm lên phía Nhà trường,Gia đình và Xã hội, mà quên mất đối tượng cần giáo dục, là những học sinh gây nên bạo lực. Cần khẳng định rõ ràng: Những học sinh gây nên bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Ngoài hình thức giáo dục đến nơi đến chốn, phải xem BLHĐ là phạm pháp, Nhà nước cần có những chế tài để xử lýnhững học sinh gây nên bạo lực... Tùy theo mức độ nghiêm trọng, những em 18 tuổi trở lên, phải đưa ra tòa án. Những em ở tuổi vị thành niên, chưa thể bắt ra tòa, thì pháp luật cũng cần có hình thức như: giam giữ có thời hạn để giáo dục, hay phạt cải tạo lao động công ích.