Đó là điểm các môn văn, toán chỉ được tính hệ số 1 như tất cả các môn học khác (trước đây hệ số 2); các môn thể dục, mỹ thuật, âm nhạc đánh giá bằng 2 mức “đạt yêu cầu” và “chưa đạt yêu cầu” (trước đây cho điểm hoặc xếp thành 5 loại Tốt - Khá - Trung bình - Yếu - Kém). Điều đáng lưu ý là quy định bắt buộc kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm và nhận xét kết quả học tập đối với môn GDCD. Bên cạnh việc đánh giá bằng cho điểm thông qua các bài kiểm tra như từ trước đến nay vẫn làm, giáo viên còn phải đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh theo nội dung chương trình giáo dục bộ môn. Giáo viên môn GDCD có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá, ghi trong học bạ và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm sau mỗi học kỳ tham khảo khi xếp loại hạnh kiểm.
Đánh giá về quy định mới này, nhiều giáo viên môn GDCD tỏ ra băn khoăn. Cô Võ Thị Hương, trường THPT Quỳ Hợp II thẳng thắn: “Đây là một quy định làm giáo viên môn GDCD vất vả mà hiệu quả thì mơ hồ. Bởi vì mỗi giáo viên GDCD phải dạy nhiều lớp, rất nhiều học sinh, trước đây chỉ chấm điểm thôi cũng đã mệt rồi, nay phải theo dõi từng em, rồi ghi nhận xét đánh giá vào học bạ quả là không thể kham nổi”. Thầy Tôn Huy Song, trường THPT Thanh Chương III cho biết: “Thời gian giáo viên môn GDCD tiếp xúc với học sinh rất ít, chỉ 1 tiết/tuần, ngoài ra hầu như không có hoạt động gì để nắm bắt được diễn biến trong nhận thức, hành vi đạo đức, lối sống của từng em. Chỉ việc nhớ hết tên học sinh đối với giáo viên cũng đã khó, vậy làm sao đánh giá được?”. Theo quy định của Bộ GD – ĐT, giáo viên GDCD phải theo dõi, đánh giá về đạo đức, lối sống của học sinh nhưng lại không quy định cơ chế, thời gian… cụ thể. Với thời khóa biểu dày đặc, nhiều giáo viên GDCD lại còn làm công tác chủ nhiệm và các công việc khác, không biết lấy đâu thời gian và công sức để “theo dõi” hàng trăm, hàng ngàn học sinh. Chỉ riêng việc ghi nội dung đánh giá từng em vào học bạ và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp để đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh sau mỗi học kỳ cũng đã mất rất nhiều công sức. Vậy là công việc thì tăng lên rất nhiều, nhưng không có chế độ đãi ngộ gì thêm, như vậy là rất không công bằng so với các giáo viên môn khác. Việc này tất yếu sẽ dẫn đến hệ quả là giáo viên làm đối phó, chiếu lệ, nội dung đánh giá cũng sẽ hết sức sơ sài, công thức, chỉ còn rút gọn lại một vài chữ/em như “tốt”, “khá”, “cần cố gắng thêm”…
Mặt khác, sổ học bạ hiện nay chưa có chỗ để giáo viên môn GDCD ghi nhận xét, đánh giá. Muốn thực hiện nội dung này sẽ phải thay lại mẫu học bạ khác, mẫu cũ đã in không dùng được phải vứt đi rất lãng phí. Vai trò của phần nhận xét, đánh giá này đối với sự xếp loại hạnh kiểm của học sinh ra sao cũng chưa được làm rõ. Sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên môn GDCD trong việc đánh giá hạnh kiểm học sinh như thế nào cũng không được Bộ GD-ĐT hướng dẫn mà để các trường, các giáo viên tự mày mò.
Chúng tôi cho rằng Bộ GD – ĐT đã nhìn nhận chưa đúng về vai trò, tác dụng của môn GDCD đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong điều kiện hiện nay, môn học này cũng chỉ là một môn học lý thuyết thuần túy, phương pháp dạy học hầu hết đơn giản chỉ là thầy đọc - trò chép hoặc thầy giảng - trò ghi nên tác động đối với sự thay đổi về hành vi đạo đức, ứng xử của học sinh rất hạn chế. Chương trình môn học bên cạnh các bài có nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh còn có những nội dung kiến thức về triết học, pháp luật, tâm lý… Mặt khác, việc giáo dục đạo đức cho học sinh phải được nhìn nhận một cách toàn diện, với sự phối hợp của nhiều lực lượng, phương pháp giáo dục. Không chỉ môn GDCD mới có nhiệm vụ giáo dục đạo đức, mà tất cả các môn học, các thầy cô giáo đều có trách nhiệm thực hiện điều này. Hiện nay ngành giáo dục đang thực hiện cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức và tự học” cho học sinh noi theo. Trong nhà trường, học sinh hoàn thiện nhân cách thông qua các hoạt động học tập, lao động và hoạt động tập thể chứ không phải là các bài giảng lí thuyết. Ngoài ra, và có thể nói là quan trọng hơn, khi học sinh là thành viên của gia đình và xã hội, và chịu tác động thường xuyên, mạnh mẽ của các môi trường đạo đức này. Do đó, việc trút gánh nặng giáo dục đạo đức học sinh lên vai giáo viên môn GDCD là không công bằng và không có tác dụng. Lâu nay, việc đánh giá hạnh kiểm học sinh được giao cho giáo viên chủ nhiệm là hợp lý, bởi giáo viên chủ nhiệm ngoài giờ lên lớp còn tham gia sinh hoạt lớp, sinh hoạt 15 phút đầu buổi, lao động và nhiều hoạt động tập thể khác. Qua những hoạt động đó, giáo viên mới có điều kiện hiểu về hoàn cảnh và nắm bắt được diễn biến trong hành vi, ứng xử của từng em. Một số trường cuối học kỳ đã tổ chức họp bình xét hạnh kiểm học sinh từng lớp có sự tham gia của tất cả các giáo viên bộ môn. Một số nơi lại tổ chức cho học sinh xếp hạnh kiểm từng tuần, từng tháng và công bố công khai, chuyển từ hình thức đánh giá sang tự đánh giá. Đây là những cách làm đúng và lâu nay không ai có ý kiến gì. Thế nhưng không hiểu sao bỗng nhiên Bộ GD - ĐT lại quy định cách làm mới, thiếu khoa học, nặng hình thức làm khổ giáo viên?