Bàn đến văn học hôm nay có vô vàn chuyện để nói, nhưng quanh chủ đề “Văn học với xu thế hội nhập”, tôi xin có mấy ý kiến như sau:
Bàn đến văn học hôm nay có vô vàn chuyện để nói, nhưng quanh chủ đề “Văn học với xu thế hội nhập”, tôi xin có mấy ý kiến như sau:
Trước hết, xin nêu một “phản đề”: Việc gì mà phải bàn đến “xu thế hội nhập”! “Phản đề” không hẳn hoàn toàn vô lý vì ai cũng biết, sáng tác văn học là một lĩnh vực có tính chất riêng tư, thậm chí là thầm kín - tôi viết điều tôi biết, tôi nghĩ, tôi cảm theo cách của tôi - đây không phải là kiểu nói của ông đồ “gàn” mà suy cho cùng, văn chương có như thế mới nên tồn tại vì không bị nhòa lẫn với người khác; vậy thì việc gì mà phải xu thời, chạy theo trào lưu này, thi pháp nọ, thị hiếu kia hay là “văn học mạng” với “blog”... “Kiều” của Nguyễn Du, hay “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng chắc là không vướng bận gì với chuyện “xu thế hội nhập”, nhưng vẫn là giá trị vượt thời gian. Do đó, thiết nghĩ, nếu có người sáng tác không quan tâm gì đến chuyện “xu thế hội nhập”, chúng ta vẫn nên tôn trọng và biết đâu, chính họ - lớp nhà văn thích ở ẩn, không chạy theo bất cứ thứ gì khác, chỉ rút ruột mình ra để viết - lại làm nên những tác phẩm có giá trị. Theo tôi biết, đã và đang có những cây bút như vậy; họ không màng gì danh lợi, kể cả không quan tâm đến việc xin vào Hội Nhà văn!
Tuy nhiên, bàn đến văn học hôm nay thì không chỉ là chuyện của người sáng tác mà còn khâu “tiếp nhận”, người đọc và thị trường - các địa hạt không thể thoát khỏi xu thế hội nhập. Hơn nữa, con người - kể cả người sáng tác thích ở ẩn - sống trong thế giới biến động dữ dội như hôm nay, khi mà “bong bóng” bất động sản tận bên Mỹ bị vỡ tung hay một vài công ty ở Trung Quốc cho melamin vào sữa cũng khiến cả địa cầu náo loạn, dù muốn hay không, vẫn chịu tác động của xu thế toàn cầu hóa. Như vậy, vấn đề đặt ra chủ yếu là: Trước xu thế hội nhập không thể tránh khỏi, nhà văn, Hội nhà văn, các cơ quan quản lý và tiếp nhận văn học cần đứng ở tư thế nào và phải có “đối sách” như thế nào để hoạt động văn học phát triển, không bị lạc lối hoặc bị nhận chìm đi trong vô vàn thứ màu mè, ầm ĩ khá nhiều sức cuốn hút của các loại hình văn hoá, giải trí - kể cả kinh tế hàng hóa nữa, vì hình như không ít người mê mẩn với đồng tiền, với thú mua sắm, đổi “mốt” áo váy, quốc dép, điện thoại di động… như nghiện xì-ke vậy!
Trong một tình thế như vậy, theo tôi, điều quan trọng nhất là phải có bản lĩnh và thức thời. Đây không chỉ là yêu cầu đối với mỗi nhà văn mà của cả các cơ quan quản lý và tiếp nhận văn học (xin tạm “xếp” những người làm công tác xuất bản, phát hành, phê bình văn học trên báo chí và độc giả vào một cụm từ là “tiếp nhận văn học”). Người có bản lĩnh tất nhiên không phải là kẻ “điếc không sợ súng” hay “ếch ngồi đáy giếng”, cũng không phải loại tự cao tự đại, gì cũng “nhất thế giới” mà trước hết là người tự biết mình, biết mặt mạnh, sở trường, sở đoản của mình, để không chạy theo những trào lưu, thủ pháp có thể hấp dẫn, ăn khách nhưng không hợp “tạng” của mình và chưa hẳn đã có giá trị nghệ thuật cao. Từ ngày đất nước mở cửa, chúng ta đã chứng kiến nhiều “đợt sóng” từ nước ngoài tràn vào như “văn học phản tỉnh, sám hối”, “hậu hiện đại”, “sex”, rồi “Freud và thuyết phân tâm”…tạo ra những đổi thay đáng kể trên văn đàn, theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Dễ thấy hơn cả là sáng tác văn, thơ phong phú hơn về nội dung và đa dạng về thủ pháp. Trong khi đề tài chiến tranh vẫn được một số tác giả tiếp tục khai thác - một số tác phẩm đã không ngại viết về những mất mát, hy sinh, những “mặt trái của chiếc huân chương” và chân dung của đối phương, nhờ đó chiến tranh và con người trong chiến tranh được thể hiện trong tác phẩm đa chiều và chân thực hơn - thì nhiều cây bút hướng đến những vấn đề đạo đức, sự băng hoại của xã hội trên nhiều phương diện, chú ý đến những góc khuất của cuộc đời, những mặt sâu kín của con người (trong đó có “sex” và tâm linh); một số nhà văn (thường là lớp cao tuổi) lại quan tâm đến đề tài có tính chất ôm trùm nhiều mặt của cuộc sống trong một thời đoạn lịch sử mấy chục năm của đất nước. Chúng ta đều biết, trong văn chương, đề tài không làm nên giá trị, và không ít lý luận gia cho rằng “vấn đề là anh viết như thế nào chứ không phải anh về về cái gì”, nhưng rõ ràng, nhờ không khí cởi mở của thời kỳ “hội nhập”, sự phong phú về đề tài đã tạo nên diện mạo mới cho văn học. Tuy vậy, như chúng ta vẫn thường nghe, văn học chưa có tác phẩm lớn và còn ít tác phẩm hay. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, ngoài lý do không phải bàn cãi và bất khả kháng là nhà văn còn ít người tài, thì một lẽ cũng dễ nhận thấy là do người cầm bút chưa “tiêu hóa” được những thứ “nhập ngoại” - nói cách khác, là chưa chuyển hóa những kinh nghiệm hay, những thủ pháp nghệ thuật mới của thiên hạ thành của mình, nên không ít tác phẩm lộ rõ là nhà văn cố gắng “chứng tỏ” mình cũng “hiện đại” mới mẻ như thế giới, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu bức thiết của nội dung hay từ cảm hứng nghệ thuật của chính mình - nói một cách đơn giản là tác phẩm còn sống sượng.
Có tình trạng này, vì bản lĩnh (trong đó có trình độ, kiến thức) của nhà văn còn non - thiết nghĩ cần phải nói thẳng như thế. Tôi thuộc loại không sành về lý luận, nên để dẫn chứng, xin nêu một hiện trạng dễ thấy: đó là xu thế thích thể hiện “sex” do “hội nhập” với những loại như Vệ Tuệ…mà phát triển. Cũng cần nói cho sòng phẳng là do quan niệm ấu trĩ một thời, nên trong văn chương nghệ thuật mấy chục năm trước thời “Đổi Mới” hầu như kiêng kị nói đến “sex”, vốn là một mặt quan trọng của cuộc sống muôn loài; từ đó, nhân vật trong tác phẩm dễ bị khô cứng, phiến diện . Nhưng xin được nói ngay rằng, viết về “sex” đâu phải là chuyện mới mẻ, đâu chỉ Trung Quốc mới có “Kim Bình Mai”. Năm 1999, tôi được giáo sư Phan Văn Các, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm tặng cuốn “Hoa viên kỳ ngộ” (NXB Văn học, 1998), tác giả “khuyết danh” và tác phẩm ra đời khoảng cuối triều Lê, nghĩa là cách đây đã mấy trăm năm! Để khỏi dài dòng và cũng để bài viết đỡ “khô khan”, xin các bạn cùng nghe vài dòng trong “Lời giới thiệu”:
“…Hai chị em Lan Huệ đều say đắm công tử họ Triệu… thậm chí nhường nhau trong buổi giao hoan cùng chàng rồi cuối cùng “tận hưởng cuộc hoan lạc trong cõi nhân gian, không còn biết Sinh là Sinh, Lan Huệ là Lan Huệ nữa.”…Tác giả còn để cho Triệu công tử đề nghị hai tiểu thư Lan Huệ kéo cả hai thị nữ Xuân Hoa, Thu Nguyệt vào cuộc… thế là một chàng công tử lần lượt giao hoan với hai cô tiểu thư, cô em trước, cô chị sau, rồi sau đó đến lượt thị nữ chị và thị nữ em…”
Lại thử xem người xưa đã dám miêu tả như thế nào:
“…Hai nàng nhường nhau hồi lâu, Sinh cũng không thể tự chủ được nữa bèn một tay kéo lấy vai Lan, tay kia mân mê vú Huệ, mặc sức đùa cợt trong chăn phỉ thúy, tận hưởng cuộc hoan lạc…Nửa đêm, Sinh nói: “Đây quả thật là cuộc kỳ ngộ, chúng ta nên có thơ ghi lại…”
Các “cụ” ngày xưa cũng ghê thật, hình như bây giờ chưa có nhà văn nào “chứng tỏ” sự “mới mẻ” của mình bằng cách viết “sex” đến mức vừa “chơi” vừa làm thơ như thế!
Nói vậy để thấy chẳng nên xem viết về “sex” là mới và hiện đại để rồi cố “chứng tỏ” mình cũng hiện đại chẳng kém gì Vệ Tuệ bằng cách hễ trang viết có cảnh trai gái gặp nhau là ngay sau đó kéo nhau “lên giường” bất chấp hoàn cảnh, tính cách nhân vật và chuyện “lên giường” có giúp cho tác phẩm thêm hay, thêm giá trị hay không. Một nhà văn bản lĩnh và thức thời không nên để bị lôi kéo vào kiểu “thời thượng” mà dễ dãi như thế, dù với “chiêu thức” đó, sách có thể dễ bán hơn.
Nếu tôi không nhầm thì việc áp dụng một số trào lưu, thi pháp từng phổ biến ở các nước phương Tây cũng có tình trạng sống sượng và dễ dãi như thế, khiến cho tác phẩm “có vẻ” mới lạ, nhưng không có sức sống lâu bền.
Một điều cũng đáng suy nghĩ là chính một số cây bút từng sống lâu năm ở phương Tây, hàng ngày “hít thở” bầu không khí văn học với đủ trào lưu, khuynh hướng này nọ, và bản thân họ đã lựa chọn (hay chấp nhận) cách sống “mở” với thế giới bên ngoài ngay từ lúc ra đi, nhưng tác phẩm của họ không hề “chứng tỏ” mình là tân tiến hay cực đoan đến mức trình diễn những kiểu sắp đặt câu chữ không mấy người hiểu, mà vẫn có giọng điệu mới mẻ, được bạn đọc trong nước đánh giá cao. Tiêu biểu trong số lớp người đó là Đoàn Minh Phượng với tiểu thuyết “Và khi tro bụi” đoạt giải thưởng văn xuôi duy nhất năm 2007 của Hội nhà văn Việt Nam và gần đây là MC. Ammond Nguyen Thi Tu (Nguyễn Thị Tư) với một loạt truyện đăng trên báo “Văn nghệ” và “Tạp chí Nhà văn”. Một cây bút trong lớp đó hiện sống ở Đức (xin miễn nêu tên) đã viết thư cho tôi, tâm sự: “…Phong cách viết kiểu cũ, kể lể dài dòng, thích giãi bày tâm sự hay triết lý vụn vặt mà họ cho đó mới là văn chương cao cấp, thật lòng tôi thấy ngán quá. Xin giã biệt họ. Cùng lúc, tôi cũng không thích kiểu viết mới của một số nhà văn mới cố tình làm dáng, cầu kỳ, lập dị, văn tục, kể chuyện “sex” đầy trong truyện, như muốn tạo cho mình cái style “không giống ai” - tôi cũng tránh luôn điều này. Tôi nghĩ mình cứ viết dung dị từ những suy tư, cảm xúc trong mình, làm sao bạn đọc hiểu và không chán khi đọc truyện mình…”
Các vấn đề nêu trên đặt ra với nhà văn và cả những người “tiếp nhận văn học”. Trong xu thế hội nhập, để văn học phát triển lành mạnh, những người làm công tác xuất bản, giới thiệu sách… cũng cần phải có bản lĩnh, có con mắt tinh tường để không nhập về những “của lạ”, không “lăng-xê” chúng khi chưa nắm chắc chúng thực sự có giá trị nhân văn và là tinh hoa của văn học nước ngoài. Ở các cửa hàng sách Việt Nam hiện nay, nhiều bạn đọc đã phải kêu lên là cả rừng sách không biết lựa chọn thế nào; rừng sách mênh mông của thế giới còn khó lựa chọn hơn nữa. Dù vậy, vấn đề vẫn phải đặt ra với những người “tiếp nhận văn học”, để họ không ngừng nâng cao bản lĩnh và phải thức thời để không rước về cho đồng bào mình những thứ sách “hạng 2”, “hạng 3”, tránh được một sự lãng phí không nhỏ về tiền của, thời gian cho hàng triệu người, nhất là lúc kinh tế còn khó khăn và thời gian dành cho việc đọc sách ngày càng thu hẹp…
Một khía cạnh quan trọng cần phải quan tâm trong xu thế hội nhập là phải tạo được môi trường văn hoá dân chủ thật sự. Từ Hội nghị Diên Hồng đời Trần đến hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp Đổi Mới vừa qua đã chứng tỏ DÂN CHỦ đã làm nên sức mạnh Việt Nam. Trong văn học nghệ thuật, dân chủ (đi liền với nó là tự do) là điều kiện sống còn vì nó đảm bảo cho việc giải phóng tư tưởng, tôn trọng mọi sáng tạo của cá nhân. Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xay dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” cũng ghi rõ quan điểm chỉ đạo là: “Văn học nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ…”
Tinh thần nhân văn, dân chủ” là giá trị có tính toàn cầu nên muốn hội nhập, chúng ta phải phấn đấu để thực hiện cho được. Ngay từ khi lập quốc năm 1945, sau tên nước Việt Nam, định tính và cũng là mục tiêu đầu tiên được nói đến là “Dân chủ” (Việt Nam dân chủ cộng hòa) , cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm đây là vấn đề cốt lõi, quan trọng bậc nhất để làm cho dân giàu nước mạnh. Một điều tất yếu và cũng giản dị những không dễ thực hiện vì còn tùy thuộc trình độ dân trí, tình thế chính trị trong và ngoài nước v…v…; nghĩa là đòi hỏi một quá trình. Tuy vậy, không thể vin vào những điều đó để duy trì những biện pháp phi dân chủ đã lỗi thời, nhất là khi đất nước đã Đổi Mới hơn ba chục năm. Xin dẫn một ví dụ gần nhất: Trên trang Web của Hội Nhà văn Việt Nam vừa đăng bài “Chỉ còn biết kêu Trời” của nhà văn Dương Hướng, tác giả cuốn tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” (NXB Hội Nhà văn 2007), trong đó có nêu một số việc đại ý như sau: trong khi sách in lậu bán ngoài vỉa hè thì người làm sách xin tái bản, NXB bảo lúc này chưa được; rồi Hội Quảng Ninh dự định tổ chức Hội thảo, thì chính Chủ tịch Hội Nhà văn bảo dừng lại…! Xin không bàn đến chuyện hay-dở của cuốn sách, nhưng trong thời đại thông tin hiện nay, kiểu cách cấm đoán bằng “lệnh miệng” và không công khai như thế không còn tác dụng và thậm chí có hại vì chỉ trong chớp mắt cả thế giới đã biết chuyện và sự cấm đoán đối với ngay cả một tác phẩm đã được xuất bản chỉ làm cho thế giới nhìn Việt Nam là một đất nước còn mất tự do. Nghị quyết 23 của Bộ chính trị đã dẫn, có đoạn viết: “…khắc phục những hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, cũng như xu hướng thả nổi, không phê phán những tác giả, tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị tốt đẹp của dân tộc và cách mạng…” Cách cấm đoán nêu trên, theo tôi là trái với Nghị quyết Đảng cả về hai chiều: Đã mất dân chủ, can thiệp thô bạo vào một hoạt động bình thường của văn học và nếu tác phẩm đó là xấu thì sao lại không hội thảo, công khai phê phán tranh luận trên báo cho mọi người biết, nhất là những người đã lỡ mua phải cuốn sách “độc hại” này có thuốc giải độc? Sự việc càng buồn cười hơn khi chính trên tờ “Văn nghệ quân đội” - một “Tạp chí” hẳn là rất có “lập trường” đã đăng bài khen cuốn tiểu thuyết này!
Như thế có thể thấy vấn đề chẳng đến mức nghiêm trọng, nên nếu cho tái bản sách và tổ chức hội thảo thì chắc chắn không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia mà ngựơc lại, chỉ làm cho Việt Nam có thêm uy tín trên trường quốc tế vì đã thật sự tôn trọng tự do dân chủ, con người được quyền bày tỏ chính kiến khác nhau, tức là tạo điều kiện cho văn học có thế mạnh trong khi hội nhập vì chúng ta đã tôn trọng “luật chơi” đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Cần phải công bằng mà nói, những năm qua, quá trình dân chủ hóa đã có nhiều bước tiến. Có thể dẫn ra các việc cụ thể, nhưng quan trọng nhất là ngay trong đường lối cũng đã có những thay đổi đáng kể. Ví như trong các nghị quyết Đảng gần đây đã không nhắc lại nguyên tắc có tính khuôn phép đầy uy quyền một thời gian dài là “văn nghệ phục vụ chính trị”, có nghĩa là vị trí, chức năng của văn nghệ đã được nhìn nhận khác trước. Nhưng đó chỉ mới là trên ngôn từ của Nghị quyết, chứ thực tế thì khuôn phép cũ vẫn chưa có sự thay đổi nhiều, nhất là khi người ta muốn chứng tỏ “lập trường”.
Tình hình vừa nêu đưa đến một hệ quả là: Muốn những điều tốt đẹp trong đường lối, Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy hoạt động văn học, động viên người cầm bút có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng, nâng cao tư thế của văn học Việt Nam trong khi hội nhập thì các cơ quan quản lý văn học phải là những con người có bản lĩnh và thức thời. Những con người như thế sẽ không bị cái cũ trì kéo, nắm bắt kịp thời xu thế thời đại và nhu cầu chân chính của nhà văn, tôn trọng và lắng nghe những ý kiến khác mình và dám chịu trách nhiệm khi ủng hộ nhưng khuynh hướng mới, cho dù nó chưa được số đông chấp nhận./.
2100
2359
21475
217974
121356
114511101