Việt Nam và Nhật Bản là hai đất nước vốn có nhiều nét tương đồng về mặt địa lý cũng như lịch sử văn hóa dân tộc: Cả hai nước đều thuộc châu Á và cùng thuộc vùng nông nghiệp trồng lúa nước; cư dân Việt Nam và Nhật Bản từ lâu đời đã tồn tại nhiều nét “đồng dạng” và “đồng tông” về phong tục, tập quán, tín ngưỡng v.v..
Năm 752, đã từng có một nhà sư Việt Nam đến Nhật Bản để dự lễ khai trương pho tượng Phật Todaiji. Năm761, một người Nhật Bản là Abe no Nakamoro (ABội Trọng Ma Lữ) được triều đình nhà Đường phong chức Tản tán Kỵ thường thị và bổ nhiệm làm Tiết độ sứ An Nam. Hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản cũng đã từng có chung một kẻ thù là giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Cuối thế kỷ XVI, người Nhật Bản đã đến Việt Nam với mục đích thông thương và trong thế kỷ XVII, người Nhật đã mở rộng công việc buôn bán ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài v.v.(1).
Bẵng đi một thời gian dài, kể từ cuối thế kỷ XVII trở đi, chế độ phong kiến Việt Nam đã bắt đầu suy thoái, chiến tranh và nội chiến liên miên, tại Nhật Bản cũng có những sự thay đổi trong chính sách đối ngoại, vì vậy quan hệ giao lưu giữa hai nước bị ngưng trệ trong gần hai thế kỷ.
Đến đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn bắt đầu khôi phục lại quan hệ ngoại giao và thông thương buôn bán với các nước trong khu vực như: Hạ Châu (Singapore), Giang Lưu Ba (Indonexia), Quảng Đông (Trung Quốc), Lữ Tống (Luy xông - Philippin), Băng Cốc…(2).
Cuối thế kỷ XIX, vào khoảng những năm 1880 - 1883, Kinh lược Bắc Kỳ Nguyễn Hữu Độ(3) (1813-1888) thay mặt triều đình nhà Nguyễn tặng cho chính phủ Nhật Bản bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư của nước ta. Sau đó, các học giả Nhật Bản thấy rằng đấy là một bộ Lịch sử An Nam có giá trị nên đã cho khắc in lại tại Nhật Bản. Bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư bản khắc in tại Nhật Bản có thêm hai lời tựa: Lời tựa thứ nhất, Lời tựa thứ hai và Phàm lệ do người Nhật Bản viết.
Trong chuyến đi Nhật Bản vào năm 1906, Cụ Phan Châu Trinh đã đọc được bộ sách này và đã sao chép lại hai Bài tựa và Phàm lệ. Ngoài ra, nhân đọc lại nội dung sách, Cụ cũng đã ghi lại một số “sự kiện lịch sử” và một số “mệnh đề”, một số “câu thơ”… mà Cụ cho là có giá trị trong phần “Tùy bút”. Được sự đồng ý của giáo sư Chương Thâu - người sưu tầm và biên soạn bộ sách PHAN CHÂU TRINH TOÀN TẬP (Nhà xuất bản Đà Nẵng - 2005), chúng tôi xin trích giới thiệu ở đây hai lời tựa: Lời tựa thứ nhất, Lời tựa thứ hai và Phàm lệ của cuốn Đại Việt sử ký toàn thư bản khắc in tại Nhật Bản để cung cấp thêm một tư liệu Hán Nôm về giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản cuối thế kỷ XIX.
Lời tựa thứ nhất
(Đại Việt sử ký toàn thư tự)
Dịch nghĩa:
Nước An Nam với nước Tiêm La (Xiêm) đất đai gần nhau, phong thổ giống nhau, bờ cõi nhân khẩu tương tự; thế mà nước An Nam hèn yếu, bị người Pháp cai trị, mà nước Tiêm La thì sản vật nhiều, chính sách tốt, đang đi đến chỗ giàu có. Người bình luận tìm nguyên cớ không được, liền nói rằng: do nước An Nam dùng chữ Hán, xem khắp thế giới, phàm những nước dùng chữ Hán thì ủy mị, không chấn hưng được. Than ôi ! Quả như lời nói đó, thì nước Ấn Độ đã mất, sao nước Tiêm La lại dùng chữ ấy? Nước La Mã đã mất, Âu Mỹ sao cũng dùng chữ ấy? Trước nay, qua việc khảo cứu thì thấy thế nước chấn hưng hay không chấn hưng là ở chỗ tự cường hay ỷ lại vào người! Biết tự cường thì tích của, luyện quân, mọi việc cốt lấy hiệu quả thiết thực. Ỷ lại vào nước ngoài là chỉ biết dựa vào sức họ…, chăm chăm hư trương thanh thế.
Nước An Nam xưa gọi là Giao Chỉ, dựng nước đã lâu, mà qua hai triều Hán đều phải triều cống, chịu nhận sách phong, đã thành lệ sẵn. Thời đại gần đây, người Pháp thông thương đòi làm ăn ở Hải Phòng, rồi đến một hôm gây hấn, kêu gọi chiến binh, đánh một trận chiếm Đông Kinh (Hà Nội), đánh trận nữa chiếm Lạng Sơn, ngôi vua truất phế, quyền nắm trong tay! Ngoại viện không thể cậy nhờ được như thế…
Ngày xưa, người Mạc Phủ ta (tức là người Nhật dưới thời Mạc Phủ) cùng với người An Nam, Tiêm La thư từ qua lại, dân buôn dời sang ở Tiêm La, dần dần nơi ở đông đúc, gọi là phố Nhật Bản (Nhật Bản nhai). Có ông Sơn Điền Trường Chính tài trí mưu lược hơn người. Đến khi nước Tiêm La bị giặc cướp, xin cứu viện, ông đốc suất mọi người dốc sức tiến đánh, lập được công trạng, bèn chiếm cứ luôn đất đai. Đương lúc đó, nước ấy không dùng chữ Hán mà lại hèn yếu hơn nước An Nam là tại sao ? Cũng là do trông cậy vào sự giúp đỡ bên ngoài mà không biết tự cường vậy! Đức Kim thượng mở cuộc trung hưng, sửa sang ngoại giao, chỉnh đốn võ bị, càng lưu ý đến nguyên do trị loạn, hưng phế của các nước châu Á. Năm vừa qua, sai quan tứ đẳng ở bộ Công là Đại Điểu Khuê Giới đến nước Tiêm La. Khuê Giới viết hai cuốn Kỷ hành (Ghi chép trên đường đi) ghi chép đầy đủ về chính sách cai trị, quá trình phát triển và biến đổi đất nước; còn đối với nước An Nam thì chưa làm được.
Gần đây, vị trợ giáo Trường Đại học Lục quân là ngài Dẫn Điền Lợi Chương khắc in bộ Đại Việt sử ký hai mươi bốn quyển. Đại Việt tức là nước An Nam. Sách này do sử quan nước An Nam là nhóm các ông Ngô Sĩ Liên biên soạn, bắt đầu từ thời thái cổ, dừng bút ở thời vua Gia Tôn đời thứ hai mươi triều Lê. Vua Lê Gia Tôn đồng thời với vua Khang Hy nhà Thanh, tương đương khoảng những năm Diên Bảo, Thiên Hòa thuộc Linh Nguyên Thiên hoàng.
Từ đó về sau, thời vận biến thiên, dẫu không thể lấy xưa chọn cái nay, nhưng việc nhờ dựa vào sức nước lớn, không biết tự cường đã cho thấy cái triệu chứng suy thoái. Đối với vài trăm năm trước đây, tham khảo sách Tiêm La kỷ hành thì việc đó đây, được mất không phải là khó phân biệt. Người bình luận không nên kết tội cho chữ Hán là phải.
Niên hiệu Minh Trị, trung tuần tháng Chạp, mùa đông năm Giáp Thân.
Quan Giáo thụ tòng ngũ vị Cung trung văn học kiêm Đông Kinh Đại học Nhật Bản. Xuyên Điền Cương soạn.
Bài tựa thứ hai
Dịch nghĩa:
Trong khoảng trời đất, đại dương bao quanh, vạn quốc rải rác khắp nơi con người chim thú khác biệt, chủng loại thật không có hạn. Châu Diễn bảo rằng, ngoài chín châu ra còn có chín châu nữa, thời trước cho là lời nói bừa, ngay nay thì tàu xe thông suốt, sách báo lan truyền, về nhân tình, phong tục, thế đại, quá trình phát triển và biến đổi có thể thấy được. Các học giả đều có thể làm nên sự nghiệp, từ chế độ, văn vật, điển lễ, võ bị, cho đến đất nước với cây cối gì, loài vật quý hiếm nào đều có thể khảo sát lựa chọn, bởi vì sự học vấn sâu rộng chưa từng bao giờ được như ngày nay.
Nước Nhật Bản ta cùng với các nước đồng văn là Chi Na, là Triều Tiên, là An Nam. Chi Na với Triều Tiên đối với nước ta có sự giao hiếu từ trước. Còn nước An Nam xưa, có đôi khi tàu thuyền nước ta đến nước đó vì buôn bán với phía tây để trao đổi hàng hóa qua lại mà thôi. Chưa từng nghe nói có vị trí thức nào đến nước đó nhằm khảo sát phong thổ của vùng ấy. Chỉ có một chuyện A Bội Trọng Ma Lã bị bão trôi dạt vào đó mà thôi. Sau việc ấy bặt tăm không nghe có chuyện gì. Bởi thế, học giả nước ta cũng chẳng ai thông hiểu về sử của họ.
Ta được bộ Đại Việt sử ký toàn thư, đọc thấy từ họ Hồng Bàng bắt đầu dựng nước, trải qua Triệu Đà, nhân loạn thời Tần có được đất Lĩnh Nam (Lĩnh Biểu), trước sau trên bốn ngàn năm. Trong thời gian đó, về trị loạn, hưng phế, chính sự, nhân vật… hết thảy không có vấn đề nào không ghi chép đầy đủ. Nhờ thế mới bắt đầu biết nước An Nam có lịch sử trọn vẹn (toàn sử). Thời nay, các học giả đều chăm lo cấp thiết mở rộng hiểu biết, ai mà không trân trọng bộ sách này. Huống chi gần đây nước Pháp (Phật Lan Tây) thường giao thiệp về việc nước An Nam. Kết cục đã cùng với Chi Na gây hấn dụng binh liên tục mà không giải quyết được. Đối với bộ sách này, tôi trộm có lòng cảm khái, liền sai in theo lối sắp chữ (hoạt loát) để phân phát cho đồng chí.
Tháng mười, mùa đông, năm thứ mười bảy, niên hiệu Minh Trị, Liễu Âm Dẫn Điền Lợi Chương ghi ở Điền Sơn thảo đường.
Bình Nguyên A Bộ Quang Trung chép lại.
Phàm lệ
(Về việc khắc in bộ Đại Việt sử ký toàn thư)
Dịch nghĩa:
Sử của nước An Nam không có bộ nào đầy đủ hơn bộ sách này, cho nên mới có tên là Toàn thư. Tháng bảy năm ngoái, Tướng hiệu tham mưu bản bộ phụng mệnh đến nước An Nam, được ngài Hà Nội phủ sự Nguyễn Hữu Độ tặng cho bộ sách này. Ông Tiều (có lẽ là tên của vị Tướng hiệu ?) về trình bày với tôi, cho nên có việc khắc in này.
Nguyên bản bộ sách mất và lẫn lộn khá nhiều, chỗ nào không thể khảo đính được, đều thay bằng dấu (ô vuông).
Kỷ nguyên Lê Thái Tổ do sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn và Đại học sĩ Phạm Công Trứ tục biên tiếp vào Bản Kỷ toàn thư. Về sau, nhóm các ông Lê Hy lại tiến hành biên soạn tiếp, đưa vào Thực lục ngày nay theo bản của nhóm ông Lê.
Bản kỷ thực lục từ Kỷ Lê Thái Tông về sau bị mất, nhóm các ông Phạm Công Trứ thu thập các sử tản mạn trước đây làm thành Toàn thư.
Tháng mười, mùa đông, năm thứ mười bảy, niên hiệu Minh Trị.
Dẫn Điền Lợi Chương ghi.
Dòng dưới cùng là bút tích của Phan Châu Trinh:
Trên đây sao lục những Bài tựa và Phàm lệ người Nhật Bản khắc in bộ Đại Việt sử ký toàn thư nước Đại Việt ta.
Như vậy là, thông qua nghiên cứu các di cảo Hán Nôm của tác gia Phan Châu Trinh, chúng ta lại có thêm được những tư liệu quý giá về bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư của cha ông ta cùng với sự đánh giá cao của các học giả Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đối với bộ sách. Ngoài ra, đây cũng là một tư liệu giúp ích cho các nhà nghiên cứu trong việc nghiên cứu lịch sử quan hệ văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Chú thích:
(1) Theo Chương Thâu: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời kỳ lịch sử cổ trung đại, 25 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (1973-1998), Nxb. KHXH, H. 1999.
(2) Theo Trương Hữu Quýnh (chủ biên): Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1. Nxb. Giáo dục, 1998.
(3) Nguyễn Hữu Độ (1813-1888): đại thần, sử gia đời Đồng Khánh. Tự Hi Bùi, hiệu Tống Khê, dòng dõi nhà thơ Nguyễn Trãi. Quê ở Nguyệt Viên, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Đỗ Cử nhân năm 1837, đỗ Tiến sĩ năm 1838. Là người có học thức uyên bác, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các đời vua Đồng Khánh, Thành Thái. Năm 1880-1883, giữ chức Kinh lược Bắc Kỳ (theo Nguyễn Q Thắng: Từ điển tác gia văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa, 1999)./.
Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.253-259)