Những góc nhìn Văn hoá

D.T. Suzuki - Nhân cách và sự nghiệp

"Ta có thể cảm thấy tự hào khi được sống cùng thời với một ố người nào đó trong thời đại này…"[1] (Albert Camus)

D.T Suzuki

Chúng ta đang sống trong một thời đại rất bất thường.  Cho nên cũng không lạ nếu xuất hiện những con người bất thường. Dù có lẽ không quen thuộc bằng những tên tuổi như Einstein hay Gandhi (đã trở thành biểu tượng của thời đại chúng ta) song Daisetz Suzuki hoàn toàn không kém lỗi lạc hơn bất cứ người nào như vậy.

Và  dù  sự nghiệp của ông có thể không gây tiếng vang và tác động rộng rãi như của họ, ông cũng đã góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng tri thức và tâm linh của thời đại chúng ta. Ảnh hưởng của Thiền vào phương Tây, tác động với sức mạnh sung mãn nhất của nó lúc tàn cuộc thế chiến thứ hai, giữa sự nổi loạn của hiện sinh chủ nghĩa, vào buổi bình minh của kỷ nguyên  hạt nhân và điều khiển học, khi triết học và tôn giáo Tây phương đang khủng hoảng và khi ý thức con người bị đe dọa bởi sự tha hóa sâu sắc nhất, thì sự nghiệp và ảnh hưởng nhân cách của Bác sĩ Suzuki đã chứng tỏ vừa đúng lúc vừa hiệu quả: có lẽ hiệu quả hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Ở đây tôi không nói đến nhiệt tình hời hợt của phương Tây đối với vẻ ngoài và những bọt bèo của  Thiền (mà Suzuki đã có thể tự lượng giá một cách khách quan và độ lượng), mà về hoạt chất men của tuệ giác Thiền ông đã đưa vào tư tưởng Tây phương vốn đang dậy men, qua những tiếp xúc của ông với các giới phân tâm học, triết học, và tư tưởng tôn giáo như trường hợp Paul Tillich.

Rõ ràng Bác sĩ[2]  Suzuki đã đem đến cho thời đại đối thoại này một tặng phẩm tuyệt vời của riêng ông: khả năng thấu hiểu và nắm vững những tiêu điểm minh xác vốn là tiền đề cho sự giao tiếp có thể hy vọng đạt hiệu quả. Ông đã làm được điều này một cách hiệu nghiệm hơn thế rất nhiều vì người ta thấy rõ ông  hoàn toàn thoát khỏi những chi phối của các mô thức tư tưởng bè phái và chủ nghĩa hình thức khoa bảng. Không có gì thúc ép ông tham gia những trò chơi phức tạp phải vận dụng mánh khóe để tạo ưu thế trong giới trí thức. Do đó, hiển nhiên, một cách tự nhiên và không khó khăn, ông đứng vào vị trí kiệt xuất. Ông phát ngôn với đầy đủ thẩm quyền, thẩm quyền của một con  người đơn giản nhưng sáng suốt, hiểu rõ những giới hạn của con người và không có ý cải thiện chúng bằng những cấu trúc giả tạo không có chút ý nghĩa hiện thực. Nói theom một thiền ngữ, ông không cần đặt thêm một cái đầu nữa lên đầu mình. Điều này hiển nhiên là lợi thế trong bất cứ cuộc đối thoại nào, vì khi con người nỗ lực giao tiếp với nhau, tốt hơn họ nên nói bằng tiếng nói đặc thù của riêng mình chứ không phải xóa mờ những cá tính bằng cách cùng một lúc nói qua hàng loạt lớp mặt nạ quy cách.

Tôi may mắn được quen biết Bác sĩ Suzuki và có hai lần trò chuyện ngắn với ông. Nghĩ lại, điều này không những đáng giá, tôi còn muốn nói là khó có thể quên được. Với riêng tôi, đó là một sự kiện phi thường bởi lẽ, trong môi trường sống của tôi, không phải luôn luôn gặp  được  tất  cả  những  người  mình  muốn  gặp  trên phương diện nghề nghiệp nếu tôi đang giảng  dạy  tại một trường Đại học. Từ lâu, tôi đã biết đến sự nghiệp của ông, đã trao đổi thư từ với ông, và chúng tôi đã cho ấn hành một tập đối thoại ngắn, trao đổi về ‘Tuệ giác về Tánh không’  một cách tương đối, trong Thiền và trong Các Linh mục sa mạc Ai-cập. (Tuệ giác về Tánh không, đối thoại giữa D. Suzuki và  Thomas Merton, trong New Directions số 17, New york, 1961). Trong chuyến đi Mỹ cuối cùng của ông tôi đã vinh dự được ông tiếp kiến. Ta phải gặp con người này để cảm nhận sâu sắc về ông. Đối với tôi, dường như ông là hiện thân của tất  cả những  phẩm  chất  kỳ cùng  của một ‘con người siêu việt’ trong truyền thống Á Đông cổ đại, Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo. Hay hơn thế, gặp ông người ta có cảm giác gặp ‘vô vị chân nhân’ mà Trang Tử và các Thiền sư đã từng nói. Và dĩ nhiên đây là người mà ta thật sự muốn gặp mặt. Còn ai khác nữa? Trong lúc gặp gỡ Suzuki và uống với ông một chén trà, tôi có cảm tưởng mình đang đối mặt với người đó. Nó giống như cuối cùng người ta đang trở về nhà mình. Một kinh nghiệm tuyệt vời, ít nhất cũng có thể nói vậy. Người ta không  cần  phải nói nhiều, vì nói nhiều thì thường quay sự chú ý vào những tiểu tiết mà cuối cùng thì lạc đề. Khi ta thật sự đứng  trước một con người, muôn trùng tiểu tiết sẽ tự nhiên biến vào trong cái đại đồng được nhận thấy mà không cần diễn đạt. Khi  ta thuật lại điều đó lần nữa, chỉ còn là chi tiết trùng lặp mà thôi. Chân nhân lúc đó đã đi làm công việc của ông ở đâu đó từ lâu rồi.

Nãy giờ tôi phát ngôn chỉ đơn giản như là một con người. Hẳn tôi cũng đã phải phát ngôn với tư cách là một tu sĩ và giáo  sĩ Công giáo, được nuôi lớn trong một  truyền  thống  tôn  giáo  Tây  phương  nhất  định, nhưng với, hy vọng vậy, lòng cầu thị  chính đáng và tinh thần rộng mở trước những truyền thống khác. Một người như vậy chỉ có thể mạo  muội nêu lên những nhận định về Phật giáo một cách đầy thận trọng, bởi y không thể  đoan chắc là mình có  tầm nhìn đáng tin tưởng để nhìn sâu vào những giá trị tinh thần của một truyền thống mình hãy còn xa lạ. Riêng tôi, có thể mạo muội nói, qua Bác sĩ Suzuki, Phật giáo  cuối cùng đã trở thành hoàn toàn dễ hiểu đối với tôi, dù trước đó nó đã từng là mớ hỗn tạp rất bí hiểm và mê hoặc của những  từ ngữ, hình tượng, giáo thuyết, truyền thuyết, nghi lễ, kiến trúc  và nhiều thứ khác. Theo tôi dường như vẻ hoa lệ văn hóa vĩ đại  và gây nhiều ngộ nhận vốn đã từng khoác lên mình những hình thái đa dạng của Phật giáo ở nhiều miền khác nhau của châu Á, là bộ y trang diễm lệ phủ lên một cái gì rất mực đơn giản. Những tôn giáo vĩ đại nhất, thực chất, đều rất đơn giản. Tất cả  chúng đều bảo lưu những dị biệt cốt yếu rất quan trọng, nhưng chắc chắn ở tận cùng tâm khảm, Ky-tôgiáo, Phật giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo đều vô cùng giản dị (dù tôi  vẫn có thể nói về vẻ hoa lệ gây nhiều ngộ nhận) và cuối cùng tất cả đều qui kết về điều đơn giản nhất gây nhiều ngộ nhận nhất:  sự  đối diện trực tiếp với Hữu thể Tuyệt đối, Tình yêu Tuyệt  đối, lòng Từ bi Tuyệt đối, hay Tánh không Tuyệt đối, bằng sự  dấn  thân trực tiếp và hoàn toàn tỉnh thức đi vào cuộc sống thường nhật. Trong Ky-tô giáo sự đối diện đó có tính chất thần học và cảm tính, thông qua ngôn ngữ và tình yêu. Trong Thiền nó có tính siêu hình và trí năng thông qua tuệ giác và tánh không. Tuy thế Ky- tô giáo cũng có truyền thống tư duy khước từ hay tri thức về cái "bất thức" trong khi những lời cuối cùng mà tôi nhớ Bác sĩ Suzuki thường nói (trước những lời từ giã thông lệ): "Điều quan trọng nhất chính là Tình yêu!" Phải nói là với tư cách một người Ky-tô giáo, tôi đã thật  sự  rúng  động.  Thực  ra  Prajña  (Trí tuệ) và Karua (Từ bi), theo nhà Phật, chỉ là một; hay Caritas[3] (tình yêu) quả thực mới là tri thức cao nhất.

Tôi đã gặp Bác sĩ Suzuki trong hai lần viếng thăm ngắn ngủi, và không hề cảm thấy mình đã phí thời giờ mưu tìm những  giảng  giải trừu tượng, giáo  điều về truyền thống của ông. Trái  lại tôi đã cảm thấy mình được tiếp chuyện với một người  thuộc  truyền thống hoàn toàn khác với mình, rất chín chắn,  hoàn thiện; một người đã tìm ra con đường của mình. Người  ta khó có thể hiểu Phật giáo nếu không tiếp cận nó bằng phong cách sống thực này, trong một con người mà trong đó  Phật giáo đang thể hiện sinh động. Cho nên chẳng  còn  vấn  đề  hiểu  hay  không  hiểu  những  học thuyết không thể không nói là  ngoại lai đối với một người Tây phương, mà chỉ có vấn đề  nhận  chân một giá trị tự nó đã rõ ràng hiển nhiên. Tôi dám chắc không có một người Tây phương tỉnh thức và thông minh nào lại không cảm thấy như vậy khi gặp Daisetz Suzuki.

Mặt khác, phẩm chất sống thực này còn thể hiện rõ trong khối lượng đồ sộ những tác phẩm đã ấn hành của Bác sĩ Suzuki. Một  người lao động năng nỗ, độc đáo và hiệu quả, được ban cho một đời sống trường thọ và lòng  nhiệt  tình không  mệt  mỏi đối với  chủ  đề  của mình, đã để lại cho chúng ta cả một thư mục  Thiền bằng Anh ngữ. Rất tiếc tôi không được biết các công trình bằng tiếng Nhật của ông hoặc có thể nói nó là bao nhiêu.  Nhưng những gì chúng ta có bằng tiếng Anh chắc chắn là sự trình bày đầy đủ và đáng tin cậy nhất về một truyền thống và kinh nghiệm Á đông chưa từng được giới thiệu bằng thứ ngôn ngữ mà Tây phương có thể lãnh hội. Cái độc đáo của Bác sĩ Suzuki nằm ở sự trực chỉ mà một nhà tư tưởng Á đông dùng để truyền thụ kinh nghiệm của mình về một truyền thống cổ xưa và  sâu thẳm của Đông phương bằng  ngôn ngữ  Tây phương. Điều này hoàn toàn khác với những bản dịch ít nhiều đáng tin cậy về  các kinh điển Đông phương của  các  học  giả  Tây  phương  vốn  không  có  kinh nghiệm về những giá trị tinh thần của  châu Á,  hay ngay cả kinh nghiệm về những truyền thống châu Á đã được Tây phương thâu nhận.

Một lý do vì sao sự truyền bá Thiền qua phương Tây của Bác sĩ Suzuki đặc biệt hiệu quả là vì ông có một khả  năng  khác  thường  để  chuyển  hóa  Thiền  thành những tổng thể xác thực thuộc truyền thống huyền bí Tây phương  vốn  rất  gần  gũi  với  nó.  Tôi không  rõ Suzuki đã có sự hiểu biết sâu sắc thế nào  về các nhà thần bí Tây phương, nhưng chắc chắn ông đã nghiên cứu kỹ về Meister Eckhart[4]  (tôi muốn mở ngoặc ở đây rằng tôi đồng ý với luận điểm cuối cùng của ông về Thiền và  chủ nghĩa thần bí, trong đó ông khẳng định Thiền ‘không phải  là chủ nghĩa thần bí’ nhằm tránh một số ý thức mơ hồ tai hại.  Nhưng vấn đề này cần nhiều nghiên cứu sâu xa hơn).

Mặc dù Bác sĩ Suzuki đã coi ý tưởng Tây phương khá hời hợt vào lúc đó về Eckhart như một hiện tượng độc nhất và hoàn toàn dị hiểu rõ hay đánh giá đúng về  nhân cách vĩ đại này – bởi vì tất cả mọi điều về ông một lần nữa bị mất hút trong ý tưởng đơn nhất về sự giảng thuật Thiền của ông. Thật là bi kịch – bởi vì người này là một nhân vật dị thường  với tất cả mọi phẩm chất của sự vĩ đại và không một khuyết  điểm nào. Với tình bạn thâm giao trong gần 27 năm, người ta thật sự bị chinh phục bởi sự ân cần, từ ái, sự hợp tác, thân hữu, và sự nồng nhiệt trong nhân cách của con người vĩ đại này.

Một phẩm chất nổi trội nơi con người vĩ đại này, cái phẩm chất định hình tính cách của mọi vĩ nhân thật sự, tuy thế, lại thường bị quên lãng. Đó là tính khiêm tốn. Tự cao tự đại và ích kỷ là  những khái niệm xa lạ đối với ông. Tất nhiên ông hẳn phải tự hào về những thành quả của mình; ai cũng vậy. Nhưng tự hào vì kiêu mạn thì hoàn toàn tuyệt tích nơi tính cách con người này. Hiển nhiên Bác sĩ Suzuki nghĩ về đời mình là một cuộc đời làm  việc. Ông là một con người dâng hiến. Ông làm việc miệt mài.  Chỉ có sự an tịnh phi thường của tâm thức mới có thể làm cho con người không biết mệt mỏi này kiên trì rất lâu dài như vậy,  rất  tích cực như vậy và rất hiệu quả như vậy, dưới những căng thẳng rất hao tổn tâm lực đối với bất cứ người cao tuổi nào.

Đó là những tính cách chung, dĩ nhiên, nhưng chúng cho thấy những khía cạnh thú vị về con người vĩ đại đang  được  vinh  danh  trong  tập  san  Người  Phật  tử Đông phương này. Nhưng thêm vài thông tin cá nhân – những tiểu tiết – cũng có thể rất thú vị. Chúng không nhất thiết  vén mở một cái gì có  ý nghĩa về  Bác sĩ Suzuki nhà tư tưởng  đúng  như  mẫu  người  mà  mọi người khắp thế giới biết về ông, nhưng chúng cho thấy, hơn bất  cứ  tính cách chung nào, sự ân cần, tử tế, độ lượng của Suzuki–con người.

Câu chuyện tâm đắc của tôi liên quan đến việc ông tới Honolulu dự Nghị hội Triết gia Đông – Tây lần thứ tư, vào năm 1964. Các quan chức hàng không lúc ấy được lưu lý trước rằng một triết gia Nhật Bản lỗi lạc, đã trên 90 tuổi, sẽ đến trên một chuyến bay. Tưởng là sẽ đón một ông già lụ khụ hẳn không thể tự đi từ máy bay đến chỗ các bạn hữu đang chờ đón, nhân viên hàng không đã cho đặt ngay chân cầu thang máy bay một chiếc xe lăn. Bác sĩ Suzuki là một  ông già, hiển nhiên, nhưng không phải là bất lực. Ông không cần một chiếc xe lăn. Tuy nhiên, nhạy bén trước tình thế ấy và cảm kích sự chu đáo dành cho mình, trong tích tắc ông quyết định chấp nhận sự ưu đãi để ngồi lên xe lăn và được đẩy vào phòng khách của phi trường với tất cả vẻ đường bệ của  một  người  bất  lực.  Những  ai  chứng  kiến  cảnh tượng này đều nhận thấy tinh thần của ông hiển lộ qua hành động đó, việc chấp nhận sự ưu đãi một cách có ý thức của ông dù ông không cần đến, và sự mãn nguyện thấy rõ mà ông đã đem lại cho các tiếp viên khi họ tưởng là đã thực sự giúp đỡ ông. Một tình huống hơi khôi hài, vâng, nhưng cũng đầy cảm động.

Một tình tiết thú vị khác, nghiêm túc hơn, diễn ra trong một hội thảo của Nghị hội Triết gia Đông – Tây lần 3 năm 1959. Một thành viên của hội thảo vốn là người Ki-tô triệt để đã tỏ ra xao động khi Thiền không chịu suy nghĩ một cách nghiêm túc về sự chết và định mệnh của con người, cũng như số phận của nó sau khi chết. Ông ta đã lưu ý Bác sĩ Suzuki rằng chính ông – Suzuki – cũng không thể phân biệt sự khác nhau giữa sống và chết. Bác  sĩ Suzuki đã giản dị đáp: "Ồ, sống và chết, như nhau thôi!" Người chất vấn chưa thỏa mãn, nhưng các thành viên còn lại  đều  cảm nhận sâu sắc và hài lòng – và có lẽ họ còn ngộ ra một điều gì đó. Đây quả là một ví dụ ‘hoa mỹ’ về trí tuệ Thiền và tính trào lộng của Bác sĩ Suzuki.

Một chuyện vui khác, tuy vẫn nghiêm túc, tái diễn đến ba lần trong suốt thời kỳ những cuộc Hội thảo các Triết gia Đông – Tây mà lần nào Bác sĩ Suzuki cũng hứa sẽ trở lại vào lần sau – dù không ai đang hiện diện lúc đó thực sự tin ông có thể trở lại. Với tư cách cá nhân tôi đã thông báo trước thính giả quá đông đảo đang tham dự buổi thuyết trình trước công chúng của ông  năm 1964 rằng ông sẽ trở lại đây năm 1969, dù lúc đó ông đã gần 100 tuổi. Đáp lại là sự hoan nghinh nhiệt liệt dành cho con người can đảm có tinh thần bất khuất này – không cam chịu ngay cả cái kết thúc không tránh khỏi của con người. Bất hạnh thay, ông đã không thể thực hiện ý định đó, nhưng lòng can đảm, cả quyết, và tinh thần lạc quan của người đã nhận thấy những cuộc hội thảo ấy rất có giá trị mà ông cần phải tham dự đã được thính giả hôm đó ghi nhận một cách sâu sắc. Thật xúc động.

Một điển hình về lòng tốt của ông được thể hiện trong thời gian Nghị hội Triết gia Đông – Tây lần thứ nhất, vào năm 1939. Ông đã nhận lời tham dự của Viện Đại học Hawaii – và hiển nhiên sự tham dự của ông có ý nghĩa đặc biệt đối với Hội thảo. Tuy nhiên lúc đó vợ ông lâm trọng bịnh và lẽ đương nhiên mọi kế  hoạch của ông buộc phải hủy bỏ. Vậy mà, ý thức rằng cuộc hội thảo cần đến sự đóng góp của mình, ông vẫn ‘hiện diện’ bất  chấp  những khó khăn và trở ngại đang có. Ông đã viết bản tham luận và gởi đến hội nghị – một cử chỉ hợp tác đầy lịch thiệp và rất điển hình. Nó được coi là một trong những tiểu luận về Thiền đặc sắc nhất của ông. (Hồ sơ lưu của Hội thảo năm đó: Triết học – Đông và Tây).

Có nhiều chuyện kể về tính cách thâm trầm sâu sắc của con người vĩ đại này, người không bao giờ đắm chìm trong triết lý cũng như lĩnh vực hàn lâm đến mức đánh mất phong cách cá nhân của mình. Một câu chuyện về lòng nhiệt tình liên quan  đến  ‘hiệp ước’ mà Bác sĩ Gregg M. Sinclair, Viện trưởng Danh dự Viện Đại học Hawaii, và Bác sĩ Suzuki đã ký kết trong Hội thảo các Triết gia Đông-Tây 1964, cả hai hứa sẽ gặp lại nhau ở Kamakura  (Liêm Thương)  để  mừng  sinh  nhật  bách niên của Bác sĩ Suzuki. Tình thân nồng nhiệt hữu giữa hai con người  xuất  chúng này – hai nhà hoạt động trường kỳ cho sự thông hiểu Đông Tây – hẳn sẽ tuyệt vời biết bao trong một dịp gặp gỡ như vậy, nhưng tiếc thay, điều đó không bao giờ xảy ra.

Cũng có thể kể lại một chi tiết hơi cá nhân. Năm 1963, với tư  cách Chủ tịch của Nghị hội, tôi có dịp viếng thăm Nhật Bản, Trung Quốc, và Ấn Độ, để thảo luận trước với các thành viên của Nghị hội Triết gia Đông- Tây sắp tới vào năm 1964 về lĩnh  vực riêng của từng người trong chương trình nghị sự, và bản tham luận mà mỗi người sẽ trình bày trước hội nghị. Tôi thật hân hạnh  được  dự  cái  mà  tôi  tạm  gọi  là  ‘buổi  tiệc tempura’.[5]  Đồ ăn và thức uống đều tuyệt hảo, nhưng còn tuyệt hơn là sự hiện diện của một vĩ nhân mà tôi có vinh dự gọi là bạn  thân. Ông đã ‘cầm cự’ với tất cả chúng tôi trong nhiều ‘phương diện’ khác nhau, khiến cho mọi người hiện diện đều rất thích thú. Không ai ngờ đó là một ông già 90 tuổi. Ông vẫn còn trẻ – đầy năng  lực  và  nhiệt  tình –  ung  dung  thoải mái trong nhóm bạn hữu và các học giả thân quen – bất chấp tuổi tác!

Ta hãy điểm qua khía cạnh học thuật và hàn lâm của Bác sĩ Suzuki, không phải trong ý nghĩa chuyên môn, mà là một cố gắng ghi nhận những hoàn cảnh in bóng con người đằng sau sự nghiệp của ông.

Rất thường khi tất cả phản ứng trước những tác phẩm của Bác sĩ Suzuki là tâm trạng hoang mang, không lĩnh hội được. Và cũng thường khi sự không hiểu này dẫn đến những bình phẩm rằng sách ông viết tối nghĩa, và nói theo ngôn ngữ của những nhà tư tưởng vốn không thể hay sẽ không bao giờ hiểu, nó gợi lên những bình phẩm bôi bác chẳng hạn như, nói theo lời một triết gia Tây phương  nổi tiếng: ‘Vô  nghĩa!’ Một trường  hợp như  vậy không phản ánh con người Suzuki mà phản ánh, nơi những  người không lãnh hội được, sự thiếu tâm hồn cởi mở và có lẽ  thiếu cả chiều sâu để thông hiểu bất cứ điều gì nếu đó không  là  những ý tưởng quen thuộc của họ.

Ngược lại, cho phép tôi trích dẫn nhận xét của nhà Hán học lỗi lạc E. R. Hughes, người đã đọc tham luận tại Nghị hội Triết gia Đông-Tây năm 1949, tiếp theo buổi hội thảo mà Bác sĩ Suzuki đã trình bày bản tham luận có nhan đề "Lý tính và Trực giác trong Phật giáo" của ông. Bác sĩ Huges nói: "Không ai đã nghe  tham luận của Bác sĩ Suzuki mà không có ấn tượng rằng ông đã trình bày quan điểm của mình một cách trọn vẹn và chính xác  đến tỉ mỉ. Từ nhãn quan của người ngoài cuộc, dòng tư tưởng của ngài Suzuki có thể so sánh với sự điêu luyện của việc đi trên  dây… Riêng tôi, ngài Suzuki bằng sức mạnh mới đã giúp tôi hiểu điều mà đối với tôi là một sự kiện hiển nhiên của lịch sử, theo đó con người không thể miễn trừ triết lý, và quan tâm hàng đầu của triết lý là chủ nghĩa phê bình, phê bình ngoại diện, phê bình tư tưởng, phê bình ngôn ngữ; và, do vậy, một triết gia từ đầu tới cuối phải ứng xử với những nghịch lý mà một số có thể là bất  khả lý giải một cách rất con người". Bất cứ ai đã đọc sách của Suzuki với sự hiểu biết sâu sắc và với ý hướng chân thành đều có ấn tượng về "tính hoàn thiện và chính xác nghiêm cách" mà ông luôn tự thể hiện – với cả sự chân tình của con người.

Sự chân tình này cũng từng được minh họa trong kỳ Hội nghị  các Triết gia Đông-Tây năm 1964. Lúc ấy Bác sĩ Suzuki đọc bài tham luận uyên bác trước công chúng – một lần nữa lại tràn ngập thính giả – về địa vị của nhân cách cá biệt trong Thiền. Vì bài diễn văn của ông, cũng như các bài khác trong loạt  đề tài,  được truyền hình và do đó cần phải giới hạn trong độ dài chính xác một giờ, Bác sĩ Suzuki thật ra không có đủ thời gian để  trình bày chủ đề này một cách trọn vẹn. Một học giả thiếu cần mẫn sẽ để mặc không bận tâm – miễn ông làm xong nhiệm vụ. Nhưng Bác sĩ Suzuki thì không. Ông đã tự nguyện đề nghị trình bày thêm trong ‘giờ uống cà phê’ đặc biệt dành cho các thành viên của Hội nghị (không trước công chúng), như vậy mới đầy đủ và ông có thể  thuyết minh thêm về các khía cạnh chuyên sâu của đề tài. Thật là một cử chỉ rộng lượng. Mà cũng là một kinh nghiệm đáng ghi nhận cho tất cả những ai có liên quan. Bác sĩ Suzuki bàn sâu vào các lĩnh vực chuyên môn của Thiền với sự trong sáng rõ ràng đáng ngạc nhiên và tận tâm đến mức người hoài nghi nhất  trong cử tọa cũng bị cuốn hút vào đỉnh cao thưởng ngoạn triết lý hiếm thấy nơi tác giả này. Đó là một thắng lợi về nhân cách lẫn triết học của con người đã dùng hết cách – dù có thể kiệt quệ – để mang đến cho các nhà nghiên cứu trong hội nghị trọn vẹn lợi ích của những tác dụng tinh thần của triết  học vốn có ý nghĩa vô cùng đối với ông và, với tấm lòng tận tụy của ông, cũng có ý nghĩa như thế với các học giả khác.

Mọi vĩ nhân, dù ở trong hay ngoài lĩnh vực học thuật, đều là đối tượng của phê bình. Có những người vạch lá tìm sâu trong việc  trình bày Thiền của Bác sĩ Suzuki với lập  luận rằng cách ông  chú trọng  một vài khía cạnh, nhất là những khuynh hướng phản lý của nó, mà xem nhẹ một số những thực hành liên hệ, nhất là tọa Thiền (zazen). Hiển nhiên cũng có những sự phê bình thiển  cận, đòi hỏi học giả nào cũng phải quán thông mọi khía cạnh của mỗi đề tài mà ông quan tâm. Thay vì  vậy,  Suzuki chắc  chắn cảm thấy rằng  khía  cạnh Thiền mà ông đang giới thiệu là cốt lõi của đề tài và có ý nghĩa nhất, đặc biệt đối với những  người phương Tây. Với họ, ông cố gắng giải thích cái ông nghĩ là nền tảng của tâm thức Đông phương xét trên tổng thể – tương phản với tâm thức Tây phương xét trên tổng thể. Ông đã hoàn thành công việc này một cách xuất sắc và toàn vẹn.

Cũng có người nói đến ‘Thiền của Suzuki’, ngụ ý loại Thiền mà ông mô tả không phải là Thiền chính thống mà chỉ là sự diễn giải cá nhân của Suzuki và do đó còn khiếm khuyết nhiều. Họ đã  phớt lờ khối lượng đồ sộ các tác phẩm căn bản của Thiền Trung Hoa (Ch’an) và Thiền Nhật Bản (Zen) chứa đựng đầy sự kiện, văn bản, và tư liệu trình, đặc biệt là bộ ba quyển Thiền luận (Essays) của ông. Gọi đó là ‘Thiền của Suzuki’ rõ ràng là phi lý.

Tuy nhiên, còn có một cách khác để xem xét hiện trạng này, nhất  là với những tác phẩm sau này của Suzuki. Chúng bộc lộ hai sự  kiện căn bản và rất giá trị. Thứ nhất, Suzuki có tinh thần phóng khoáng đủ để không bị khống chế bởi sự định hình từ chương, chuẩn mực theo công thức của Thiền, mà đủ để đối mặt với sự nghiên cứu và giải thích Thiền với tính sáng tạo của một học giả chân chính. Thứ hai là vấn đề quan trọng hơn – ít được chú  ý  –  là Suzuki trong  những  năm cuối đời không chỉ là một phái  viên của Thiền, không chỉ là diễn giải viên, mà là một cộng sự  quan trọng cho sự phát triển Thiền và làm cho nó phong phú. Suzuki chắc chắn đã đưa vào Thiền vài kiến giải nào đó của riêng ông. Ông đưa thêm vào những khái niệm xem ra không tương hợp với những tác phẩm ban đầu và với cái có thể được coi là Thiền nguyên thủy – dù đó là Thiền gì! Đó không phải là  học vấn cạn cợt. Thay vì vậy, nên xem xét nó trong ánh sáng  của toàn bộ truyền thống triết học Đông phương, nơi mà, qua  bao thế hệ, các triết gia nối tiếp nhau đã đưa những tư tưởng độc đáo và sáng tạo của họ vào quan điểm truyền thống, đóng góp cho sự phong phú của nó, ý nghĩa uyên bác của nó, và sự phát  triển chính thống vượt khỏi tầm diễn đạt thuần túy truyền  thống. Về cuối đời, Suzuki đã viết nhiều về cái được gọi là  ‘Thiền của Suzuki’ mà một độc giả có đầu óc từ chương  không  muốn thấy cho lắm,  nhưng  điều  đó  chỉ phát  huy  những  tiềm  năng phong phú hơn của Thiền và, nói theo kiểu  triết lý, điều này cũng tốt thôi. Một con người vĩ đại, một học giả  lớn, không chỉ đơn thuần lặp lại quá khứ; họ phát triển và làm phong phú quá khứ bằng những kiến giải mới của thiên tài của họ.

Cũng có người không ngớt nhắc nhở chúng ta rằng Suzuki không phải là một Thiền sư, làm như điều này sẽ tự nhiên giảm đi sự tinh thuần trong sự nghiệp của ông. Việc làm này, giỏi lắm, cũng chỉ là sự phê bình vặt vãnh mà ta nên bỏ qua. Những người biết rõ thực tế chắc chắn sẽ phớt lờ nó. Suzuki đã thành tựu giác ngộ, ông đã kinh nghiệm satori, là một sự kiện lịch sử rõ ràng. Người ta nói, cho tới những ngày cuối đời, ông vẫn hành lễ tại ngôi chùa nơi mà sự chứng đắc vĩ đại này đã xảy ra.  Nhưng, còn hơn thế, Suzuki chưa bao giờ tuyên bố ông là một Thiền sư. Ông tự nhận mình là một nhà nghiên cứu Thiền – và chắc chắn ông là nhà nghiên cứu xuất  sắc. Một học giả đã  dành trọn đời mình để nghiên cứu một triết lý hay một nhân  sinh quan có thể phát ngôn với thẩm quyền xem ra như ngụ ý khoác lấy một loại thẩm quyền có thể ông không có. Suzuki là  một người có thẩm quyền về Thiền. Có lẽ ông là người có kiến thức sâu sắc uyên thâm nhất trong suốt  lịch  sử  Thiền tông.  Nhưng Suzuki còn  là  một người  khiêm  tốn.  Ông  không  bao  giờ  khoa  đại  về mình; là một học viên và một học giả, và  chắc chắn ông là thế ấy, vượt ngoài mọi thành tựu của bất cứ ai trong lĩnh vực này. (Thử nghĩ xem Thiền có ý nghĩa gì đối với thế giới – Đông và Tây – nếu không có công trình và thành quả to lớn của Suzuki.)

Cho phép tôi đề cập thêm lần nữa một kinh nghiệm có phần cá  biệt. Đó là niềm hãnh diện tôi từng trải qua, cùng với mọi  người  ở viện Đại học Hawaii, từ Viện trưởng cho tới các sinh viên, khi Bác sĩ Suzuki, cùng

với Bác sĩ S. Radhakrishnan và Bác sĩ Hồ Thích, được chính thức trao Học vị Danh dự trong một buổi lễ trang trọng bất thường nhất  trong kỳ Hội nghị các triết gia Đông-Tây năm 1959. Đây là những bộ óc xuất sắc vĩ đại nhất của ba truyền thống lớn ở châu  Á. Một kinh nghiệm đầy gợi hứng cho mọi người. Niềm hãnh diện mà chúng tôi, những người ở viện Đại học Hawaii dự phần vào việc tôn vinh Suzuki, đã cảm nhận, càng gia tăng bội phần bởi sự kiện – oái oăm thay – rằng Đại học Hawaïi (theo tôi biết) là viện Đại học Tây phương duy nhất tôn vinh con người vĩ đại này, học giả vĩ đại, và là nhà biện hộ tối cao cho giao ngộ Đông-Tây, trong hình thức duy nhất mà các viện Đại học có thể tôn vinh những người có thành tích to lớn như vậy – tấm bằng Học vị Danh dự. Chúng tôi ở viện Đại học Hawaïi cảm thấy chính mình được tôn vinh khi tôn vinh ông.

Để kết  luận,  tôi  muốn  thêm  một  lời  về  Suzuki  và Hawaïi. Có rất nhiều nhân vật vĩ đại – các chính khách, các ông trùm công nghiệp, các nhà lãnh đạo tôn giáo – đã đến Hawaïi và nhận được nơi đây lòng hiếu khách nổi tiếng của nó. Lòng hiếu khách chân thành và luôn tràn đầy. Nhưng chưa có vị khách nào của Hawaïi đi vào lòng Hawaïi sâu đậm như Suzuki. Ông đã viếng thăm Hawaïi nhiều lần. Ông luôn dành thời gian và tài năng của mình cho nó một cách hào phóng. Và người dân Hawaïi – các học giả ở Hội nghị, hàng ngàn công chúng chờ nghe diễn văn của ông,  những người tìm thấy nơi ông lời khuyên hay sự giúp đỡ, các sinh viên, các hội đồng khoa, và hàng trăm Phật tử – tất cả đều tôn sùng ông. Tôn trọng, ngưỡng mộ, ngay cả sùng kính cũng chưa đủ. Tất cả chúng tôi đều yêu quý con người này –  và  chúng  tôi nghĩ ông  cũng  yêu  thích chúng tôi, và điều đó càng tăng thêm ý nghĩa cho sự mất mát lớn lao vì sự ra đi của ông.q

 

C.A.M.


[1] Nguyên văn Pháp: ‘On peut se sentir fier d’être contemporain d’un certain nombre d’hommes de ce temps…’.

[2] Nguyên Anh: Dr. (viết tắt từ Doctor, tiếng Pháp Docteur), Bác sĩ, danh xưng và học vị dành cho người có kiến thức quảng bác về một lĩnh vực chuyên môn, như Doctor of Science/ Philosophy/ Letters/ Medical...: Bác sĩ Khoa học/ Triết học/ Văn chương/ Y khoa...; không giới hạn trong nghĩa ‘Bác sĩ’ là bác sĩ y khoa như ta quen gọi. – ND.

[3] Caritas, tiếng La-tinh, cùng dạng với từ Sanskrit, Carita: hành. – ND.

[4] Johann Eckhart (khoảng 1260), triết gia thần bí Đức, thuộc dòng tu Đa Minh (Dominic). Thần học của ông có xu hướng phiếm thần nên bị Tòa Thánh cấm. – ND.

[5] Tempura (thiên phu la), món ăn dân tộc của người Nhật gồm có tôm, cá và rau cải tẩm bột có trứng rồi chiên. – ND.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569264

Hôm nay

248

Hôm qua

2432

Tuần này

21647

Tháng này

227788

Tháng qua

129483

Tất cả

114569264