CHƯƠNG II: KHỦNG HOẢNG TINH THẦN
1. Những chứng nhân
Đầu thế kỷ 20 Âu Châu tràn ngập một niềm hy vọng đặt vào tương lai. Tuy lúc đó có một số khó khăn thuộc chính trị, kinh tế…
CHƯƠNG II: KHỦNG HOẢNG TINH THẦN
1. Những chứng nhân
Đầu thế kỷ 20 Âu Châu tràn ngập một niềm hy vọng đặt vào tương lai. Tuy lúc đó có một số khó khăn thuộc chính trị, kinh tế…
nhưng ai cũng tin rằng rồi khoa học sẽ lần lượt giải quyết hết và đem đến cho nhân loại một đời sống tự do.
Người đầu năm 1901 thay vì chúc nhau một năm tốt thì họ chúc nhau một thế kỷ tốt. Siegfried khi ghi lại câu đó có nhấn mạnh không phải là câu sáo ngữ mà là niềm hy vọng không gì có thể lay chuyển nổi. Nhưng đối với giới đại trí thức đã có người nhận thấy mầm khủng hoảng như Valéry, Nietzsche, Kierkegaard v.v… Những mầm mống đó được phân tách khá sâu sắc trong quyển Déclin de l’Occident của ông Oswald Spengler. Sách tuy xuất bản sau đại chiến thứ nhất nhưng đã được khởi thảo lâu trước. Ngày nay đọc ông ta khó cảm thấy cái nhìn mới mẻ và sắc bén của tác giả; nhưng khi mới xuất bản, dân Âu Châu còn đang khói ngụt lửa chiến tranh, cũng không mấy ai tin là tác giả nói thật. Có từng trăm bức thư của các nhà thông thái chỉ trích kịch liệt cho là ông bi quan, phê bình khoa học quá khắt khe. Nhiều người cho là ông ngu ngốc vô thần (một lối chụp mũ hồi đó). Nhưng sau đại chiến thứ hai tất cả các điều tác giả tiên đoán đã là những câu cửa miệng và trở thành đề tài cho văn chương: chẳng hạn “thế giới rạn vỡ”, “con người âu lo hoảng hốt” bị đầy đọa. Thế kỷ trước cái gì cũng rõ ràng đơn giản. Ngày nay cái gì cũng rối bòng bong và mịt mù.
Tuy nhiên, đó là nhận thức trong giới tư tưởng, ngoại giả người ta chỉ cảm thấy lờ mờ, không có một sự ý thức tương xứng với hiện tượng. Lý do là tại ít khi người ta chịu lưu tâm đến những lý luận có tính cách lên án mình. Đàng khác nhịp sống chạy mau mỗi người phải lo sống. Vả đời sống không thiếu những cái đáng hứng khởi. Cơ khí không tiếp tục tiến bộ sao? Ông Lippman ghi chú: trong 50 năm mức sống gia tăng bằng muôn thế kỷ từ Adong cho đến Newton. Chính sự thịnh vượng bành trướng mạnh đó che khuất sự thiếu sót về đạo lý. (Crépuscule des démocraties tr.19)
Đời sống mỗi ngày mỗi thêm tiện nghi, các quốc gia mỗi ngày mỗi thêm hùng cường. Việc chi phải lo lắng hão huyền. Đại chúng Âu Mỹ nghĩ như thế và họ có lý khi đứng nguyên ở phạm vi kỹ thuật mà trong thực tế đã mấy ai chịu nhìn xa hơn. Huống chi các dân tộc bị trị nào phải lo tranh thủ lại nền độc lập, nào sau đó phải dồn hết sinh lực vào việc đuổi kịp đà tiến của Tây Phương. Còn đâu thì giờ suy nghĩ đến việc khủng hoảng tinh thần. Đa số thanh niên còn đặt hết hy vọng vào khoa học, cho tới nay còn có người ra báo sách để tuyên dương lòng sùng thượng khoa học. Đang khi bên Tây Phương các chúa trùm của khoa học đã không ngần ngại tuyên bố một mình khoa học không đủ, cần phải có nhân bản mới giải quyết được những vấn đề về vận mạng con người.
Do đó ý thức khủng hoảng không thành hình bên các nước ngoài Âu Châu. Đôi khi cũng có người nói tới nhưng phần đông không chú ý, phương chi càng không nhận thức được tầm mức nguy kịch. Người đói khổ xem thấy những ai có xe hơi nhà lầu tưởng thế là sung sướng hoàn toàn, không còn khó khăn chi hết, làm gì họ có giờ thư thái để nhìn nhận ra những vấn đề vận mạng. Các nước kém mở mang nay cũng yên trí hễ tiến mạnh được như Âu Tây là hết mọi khó khăn, sự lo lắng quá khẩn thiết về kinh tế che mắt chúng ta không cho thấy những rạn vỡ tinh thần. Do đó việc tân thời hóa xứ sở đã trở nên Âu Châu hóa, nghĩa là nhập cảng hết mọi yếu tố của Tây Phương, kể cả những yếu tố đã gây nên cuộc khủng hoảng. Đứng trên quan điểm triết mà đưa cái nhìn sâu xa bao quát thì sẽ thấy lối đi đó thực ra là giảm tốc lực đà tiến của dân tộc. Nếu tránh được những yếu tố gây khủng hoảng thì bước tiến sẽ mau hơn nhiều. Bởi vậy vấn đề cân được lưu ý. Ở đây chúng ta sẽ học về:
Một số chứng nhân để gây ý thức, rồi II. bắt mạch sự khủng hoảng chung và III riêng trong triết học của Tây, IV triết đông. V sau đó đề nghị một phương thuốc sơ bộ. Và trước hết đây la một số chứng nhân:
Jaspers: nhà triết gia quen thuộc bên Đức trong quyển Sens et l’origine de l’histoire (290) có viết: mỗi thời có một ý thức lịch sử. Thời trước với họ là khám phá địa cầu, ngày nay là ý thức khủng hoảng.
Toynbee: nhà sử gia hữu danh này đặt vấn đề như sau: sự mở mang bờ cõi và kỹ nghệ phát triển cực rộng đã phải là dấu hiệu chứng tỏ văn minh Âu Châu đang độ cường tráng khoẻ mạnh chăng? Và liệu nó có vượt qua được sự thách đố chăng (challenge)? Nếu trước đại chiến thì ông còn phân vân giữa lời đáp có và không. Còn sau đại chiến thì ông không dám nó trắng ra là không. Chỉ ghi nhận một sự trống rỗng tinh thần bên Âu Châu và ông nhắc lại lúc trước cũng vì sự trống rỗng đó mà La Mã đã thắng các dân Cận Đông để rồi bị chinh phục bởi các tôn giáo bên đó. Nay Âu Châu sắp bị như thế chăng? Ông không thưa có, chỉ ghi chú tình trạng rất giống nhau (Le monde et l’Occident tr.184).
Berdiaeff: nhà triết gia có tiếng của Nga nói: “Notre époque c’est l’entrée dans la nuit”, thời đại chúng ta là thời đại bước vào đêm tối (94). Âu Châu đang thối nát, những người ý thức đang lo âu đến mức độ hấp hối “l’Occident est en train de mourrir, les meilleurs hommes éprouvent une angoisse mortelle” (Sens et Histoire p.189).
Max Scheler: cho là thời đại đang đi đến sẽ dã man khốc liệt hơn xưa (180). Một thời đại đau đớn: một sự lo âu sợ hãi có thiệt vì sự nô lệ và thờ ơ mỗi ngày mỗi lớn thêm đang nuốt thế giới văn minh (Homme et son histoire p.88).
Nietzsche là một người cảm thức sâu xa hơn ai hết sự khủng hoảng, cho rằng nhân loại đang rảo bước chạy đến bờ vực thẳm (se hâte vers le précipice) vì mọi giá trị cũ đang sụp đổ. Âu Châu đứng trước một sự trống rỗng (Nihilisme occidental) nghĩa là mọi giá trị cao đều đang sụt giá: không có lời đáp cho những vấn đề như “để làm chi”; “có cùng đích nào chăng?” (V.P. 43). “Trong thâm tâm sẽ không biết ra sao, chỉ còn mở mắt đón nhận những cái vui nho nhỏ thí dụ về tri thức, nghệ thuật vì nghệ thuật” (V.P. 50). Chúng ta sắp mất trọng tâm của mọi hoạt động, không biết bám víu vào đâu. Khắp nơi chỉ là những mầm mống của tan rã (pricipes de désorganisation)…
Paul Scortesco: một thi sĩ người Ý thiên về triết có viết quyển Gog et Magog đã một thời nổi tiếng nói như sau: “lò nướng bánh mì tinh thần thế giới” (nói về Âu Châu và nhất là Pháp) đã nguội rồi chăng? Thế nào mà một xứ truyền bá đạo lại biến ra một xứ sản xuất thuốc độc? Bởi chính nó đã đào luyện ra hay đúng hơn đã làm hư người đời mới” tr.14 (former ou plustôt déformer) ba loại thuốc độc của Âu Châu được truyền bá ra thế giới là: óc kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cộng sản (Racisme, Colonialisme, Communisme…)
2. Bấm mạch chung
“Tôn giáo là nền móng lớn nhất nay bị khủng hoảng đầu tiên. Người ta nhận ra đạo không biến cải được Âu Châu mà trái lại người Âu Châu đã biến cải đạo” (Déclin de l’Occident p.329). Đàng khác họ cho rằng đạo quá thiên về hình thức không đủ thổi lên một luồng sinh khí mãnh liệt, những người trí thức muốn cứu vãn thì lại vướng bước trong suy tư, thành ra họ gọi việc theo đạo là sự trầm mình của lý trí (Camus, Nietzsche etc, Parodi, enquête d’une Philosophie p.26).
Trong chính trị thì trước hết là vấn đề chính thuyết. Thế kỷ trước ai cũng cho dân chủ là thần dược nay thì trí thức quá rõ bản chất của nó và có rất nhiều loại dân chủ trong đó có những hình thức còn tệ hơn quân chủ… (xem Crépuscule des démocraties de Walter Lippman hoặc le drame de la Démocratie de Suzanne Labin v.v…) Về chính khách lại bày ra cái cảnh đáng nản hơn: số ứng cử thì đông ngập chợ, nhưng người có tư cách thì thật là thiểu não. Đã hết người chí sĩ (homme d’état) mà chỉ còn những hạng chính khách đầu cơ… (Situation Spirituelle K.Jaspers p.127).
Đâu đâu cũng kêu là thiếu thủ lĩnh. Bên Pháp bao lần hội thảo về sự suy sụp của quyền bính vì thiếu người xứng đáng làm thủ lĩnh. Cả một lâu đài mênh mông sụp đổ. Ông Parodi viết “tự lối ba chục năm nay xem ra sự tán loạn tinh thần cũng như trong luân lý lan tràn khắp nơi và đại chiến nếu nó là dịp cho các quốc gia đoàn kết để hoạt động, bao lâu hoạt động còn kéo dài thì sau đó nó để lại một sự lộn xộn trong tư tưởng và trong cảm tình cũng to bằng trong phạm vi sự việc. Ngày nay hơn bao giờ hết bên Âu Châu và khắp trong thế giới người ta có thể lặp lại lời thi sĩ nhưng với một ý thâm thiết và sâu xa hơn biết bao rằng: “Nói gì, nghĩ gì đây? Từ chối, nghi nan hay tin tưởng? Que dit et que penser? Nier, douter ou croire?”
Trong một trật sự do dự lớn lao đến nỗi người ta không thể nhận thức và muốn thoát khỏi cảnh huống. Nhưng trong phạm vi tư tưởng thuần tuý cũng như trong phạm vi chính trị, xã hội càng ngày càng thấy thế? Nó tự cắn nuốt mình như con thú catoblépas (thứ vật đần độn, cắn chân tay nó mà không hay biết).
Ngõ bí trong sự đi tìm văn hóa: đối với hầu hết con nhà trưởng giả họ đi tìm văn hóa không vì trong đó còn có cái chi đáng ao ước, nhưng chỉ vì thế tục lợi lộc bên ngoài do nó đưa lại. Như thế là không sao tránh khỏi việc thay văn hóa bằng kiến thức, bằng những môn chuyên nghiệp. Người trưởng giả chỉ còn là người có kiến thức như dân quen nói một cách vừa kính nể vừa ghen bì vừa chễ giễu. Họa hiếm mới còn một người có văn hóa ăn vào đời sống bản thân, có một lối sống được xếp đặt theo một sự hiểu biết. Ngõ bí trong sự cảm thông của loài người với nhau, mà một nền văn hóa chính thống phải tạo ra, trái lại cái xác văn hóa hiện đại chỉ tổ gây thêm chia rẽ hơn là thống nhất. Người văn hóa bị tách rời khỏi đại chúng bằng một vực thẳm sâu rộng đến nỗi bờ bên này hết hiểu bờ bên kia” (Avènement de Prométhée p.159).
Như thế là bệnh khủng hoảng lan tràn vào khắp mọi ngành: tôn giáo, triết lý, luân lý, chính trị, xã hội, gia đình. Lúc trước người ta còn đặt hy vọng vào khoa học, tưởng khoa học sẽ giải quyết hết cho, nay thì mối hy vọng đó chỉ còn sót lại nơi những khoa học gia hạng nhì trở xuống, chứ vào những tay anh chị đều chân nhận lời của Husserl: các khoa học hiện đại đang trải qua một cơn khủng hoảng đến tận nền móng (les sciences actuelles traversaient une vaste crise de fondements).
Khoa học đã trải qua thời niên thiếu coi trời bằng vung, các chúa trùm khoa học đã chấp nhận giới hạn của nó. Einstein nhấn mạnh sự cần thiết phải có giáo dục và văn hóa (xem Comment je vois le monde). Môn đệ ông là những nhà khoa học trứ danh như: Jeans Eddington, Planck đã đến gõ cửa triết học. Những ông trùm khoa học muốn nhân bản hóa khoa học, khác hẳn với tinh thần Descartes muốn toán lý hóa nhân văn. Thế là bao hy vọng đem khoa học thay chân tôn giáo và triết học trong việc chỉ huy thế giới đều bay hết.
Thật là bây giờ không biết phải chạy đến cửa nào để hỏi đường. Và vì thế số sách báo nói về khủng hoảng có rất nhiều. Ở đây chúng ta bàn qua về triết học.
3. Chẩn mạch triết lý.
Ở các phạm vi khác còn có thể nghi ngờ đó chỉ là chứng sốt rét vỡ da của nhân loại, nhưng về triết học thì hình như đây là chứng bệnh kinh niên, người ta đồng thanh trách triết học là một cái học bàn giấy, một thứ triết lý hàn lâm, không có lấy được một cái nhìn lên thời cuộc, lên đời sống, lẩn lút trước cuộc đời thực tại, khiến cho thường nhân khi hoạt động việc đời gặp ngã bí, muốn ghé hỏi triết học thì thấy toàn nói những truyện đâu đâu.
Nói theo Nietzsche triết học là một xâu những hệ thống bị bác bỏ, mà cái xa xỉ phẩm đó không giúp ích gì cho ai cả. Nó chỉ là những thứ tinh tế trường ốc (subtilités d’école). Ra khỏi trường là không còn biết múa máy ra sao nữa (Gusdorf, Méta p.20). Điều đó dễ hiểu khi ta liếc nhìn nội dung của triết học.
a) Luận lý cổ điển Nietzsche phê cho là một danh lý ngu nhất và kỳ cục (une des logiques la plus bête et singulière. Volonté de Puissance II, 206)
b) Tâm lý đã đốc ra một thứ sinh lý chồng chất bao la sự kiện mảnh vụn, chỉ là những đống sự kiện thường nghiệm. Spengler nói: “tất cả các tâm lý đều dựa trên một sự tin có một linh hồn. Linh hồn là như cái cục gì mà cơ cấu nó khoa học lý trí có thể đo lường phân tách mổ xẻ. Vì thế tâm lý là một khoa học để biết con người, một sự thực nghiệm đời sống; nó đã trở thành một khoa học và trong triết học nó là bộ môn vô bổ nhất, rỗng tuếch nhất và là món chuyên môn độc quyền của những nhà thông thái nửa vời cũng như của những kẻ thích xây hệ thống son đẹt: chú ý, liên tưởng, thâu nhận, trí nhớ, cảm giác… tất cả những cái đó là một chuỗi các thứ bộ phận chết. Người ta muốn đến đó tìm sự sống thì gặp ngay những đồ trang trí bằng ý niệm” (Déclin 285). Đây chỉ là sự nhận xét ở đầu thế kỷ. Tới nay đã thêm được một số đóng góp quan trọng: những nhận xét tế nhị ở một số ngành, một số thực hiện như trắc nghiệm hay tâm lý trẻ con, phân tâm… Tuy nhiên đó hoàn toàn thuộc chuyên môn, thường nghiệm, còn đại cuộc vẫn thiếu cái quán thông với toàn thể, thiếu cái siêu hình của nó. Điều đó ở đợt văn nghệ không quan trọng lắm nhưng trong phạm vi triết lý thì tức là thiếu xương sống thiếu cái cùng lý, nên chưa có nhất quán, chưa đáng gọi là triết lý.
c) Đạo đức đốc ra một thứ lịch sử về trăm ngàn triết thuyết. Riêng một nước Hy Lạp có tới 288 thứ luân lý. Cho nên khoa đạo đức trở thành lịch sử các ý kiến, không có một chủ lực, thiếu nhất quán. Vấn đề then chốt là tiêu chuẩn chưa được giải quyết xong. Vì thế thiếu hẳn năng lực bồi dưỡng lý tưởng đi lên tinh thần.
d) Siêu hình là nền móng lại càng lúng túng nữa. Nói đến đối tượng cũng chưa đồng ý: triết cổ điển lấy sự hữu thể chung của vạn vật làm đối tượng. Nhưng cứu xét thấu đáo thấy không đem lại ơn ích nào quan hệ đến đời sống nên sang thời mới Descartes, Kant đã chôn đi. Tưởng yên ắng, ai dè mấy triết học gia đàn em một Lavelle, một Sartre lại moi móc lên, lấy cớ là siêu hình đang phục hưng. Nhưng sự hữu có phải là siêu hình chăng? Phần lớn triết gia ngày nay thưa không. Xem hai quyển Traité de la métaphysique của hai giáo sư danh tiếng nhất bên Pháp hiện nay đủ rõ. J.Wahl thì phi bác hết các ý niệm của siêu hình cũ tự bản thể trở đi v.v… Gusdorf còn đi xa hơn nữa, trong Traité ông không nói tới Ontologie (tuy ông còn dùng danh từ để chỉ con người, Thiên Chúa, linh hồn).
Vì thế từ Descartes không có “siêu hình”, Kant đã đưa vấn đề tri thức thay thế vào, mục đích là để phê phán chính giá trị của tri thức, tuy công lao của nó đáng kể ở chỗ cho ta thấy biên giới của lý trí, nhưng phần xây đắp không đạt đích, nó chỉ đẩy óc phê bình đến mức độ cùng tột mà không đưa lại điều mong muốn là siêu hình đích thực.
Ông Durant có lý mà cho vấn đề tri thức là tai hại nhất cho triết học, làm lụn bại triết lý mới. Lẽ ra phải đem vấn đề tri thức đặt vào khoa tâm lý thì hơn (Vie et doctrine des philosophes ở đầu). Spengler cho rằng nếu những người hoc triết không cảm thấy đủ năng khiếu thì thà quay ra làm trồng tỉa, hay kỹ sư hoặc học cái gì thiết thực thay vì nhai lại những luận đề cũ rích lấy cớ triết học mới hồi phục. Thà đi xây một cái cầu, chế ra một động cơ, một máy bay còn hơn là xếp đặt lại một lần nữa hơi khác đi ít chút với trăm lần trước, những ý niệm về ý chí hay về sự đối đáp (paaléllisme) trong tâm lý… Công việc đó chỉ có thể làm hứng khởi những người hạng ba nó không hợp thị hiếu của thời đại nữa p.55-56 Déclin de l’Occident.
Đấy là khoa nền móng, cho tới nay chưa biết đối tượng là gì, nên số kiếp triết học toàn bộ cũng thế, các triết học gia chưa thỏa thuận đặt đối tượng xong! Nội dung của triết học nhà trường đại để như thế. Nietzsche cho rằng “nó là một hệ thống đồ sộ, có đủ mọi dáng dấp của minh triết, trừ lương tri”, vì thế nó không có chủ lực, thiếu hồn sống, và càng ngày càng đốc ra lịch sử những ý kiến, và phương pháp luận. Kết quả là chính những người tin vào triết cũng không còn tin tưởng vào triết nữa. Ngay đến việc truyền bá ra qua cổng nhà trường còn chưa làm xong, thì mong gì chỉ huy đời sống. Thành thử bị uy tín mênh mông của khoa học cơ khí lấn át và đồng thời che đậy được sự thất bại nặng nề đó. Thế là chính triết học gia không còn tin tưởng vào triết học nên buông xuôi cái sứ mệnh cao quý nhất, cần thiết nhất cho nhân loại tức là hướng dẫn đời sống vận mạng con người. Nhân đấy xảy ra chuyện bi hài kịch, mà báo Eùtudes có nhắc đến như sau: “các nhà thông thái, nhất là trong khoa vi thể khi đi tới cùng cực, đã nhìn nhận ra giới hạn của bộ môn họ, họ cần phải có cái gì bên ngoài trách nhiệm của họ. Các nhà lãnh trách nhiệm lớn trong kinh tế trong chính trị cũng thế, họ đến gõ cửa triết gia, vì họ đụng chạm tới thực tế, họ bắt đầu coi là quan trọng sự đóng góp của triệt học. Nhưng khi tới triết học họ chỉ gặp nơi đây những sử gia có tài dẫn họ đi viếng những cái lạ trong tư tưởng nhân loại, như những con bướm phơi khô được lồng kính, là những người tài phanh phui những thiên kiến trưởng giả, có tài dạy cách đặt lại vấn đề mà cuối cùng chỉ còn để lại những trò chơi khéo về biện chứng pháp của họ… nghĩa là triết học gia hết tin vào triết nữa. Toàn dân cử họ ra lãnh trách nhiệm cao quý là đại diện cho chân lý, cho những giá trị hằng cửu. Dân bắt đầu cho đó là thiên sứ lớn lao thì chính các đại diện lại tỏ ra lơ mơ hờ hững.” Tác giả nhận xét thêm “thế là lúc này có sự ly dị một bên là trào lưu phục hưng của sự khát mong tìm chân lý nơi những người không phải là nhà trí thức, hay ít ra không phải là những nhà triết học, và bên kia là sự khủng hoảng kinh niên của những nhà trí thức và cách riêng của các nhà triết học. Sự ly dị này là một việc quan trọng, vì nếu không tìm thấy chân lý nơi những người có sứ mệnh phải đem lại cho họ, thì họ sẽ đến gõ cửa những thuyết độc đoán, đôi khi có tính cách khái lược và thường thường lẫn ý hệ với chân lý”.
“On trouve chez eux des historiens habiles à faire visister de musée des curiosités de la pensée humaine comme des papillons morts sous leurs verres. On en trouve qui sont habiles à déniaiser, disent-ils, les préjugés des jeunes bourgeois, à apprendre à tout remettre en question et finalement à ne laisser subsister que les jeux brillants de leur dialectique”… “Il y a donc en ce moment un divorce entre le renouveau du sens de la vérité chez les hommes qui ne sont pas des intellectuels ou tout au moins qui ne sont pas philosophes et une crise permanente du sens de la vérité chez nombre d’intellectuels et en particulier des philosophes. Or ce divorce est une chose grave. Car s’ils ne trouvent pas cette vérité qu’ils cherchent chez ceux qui ont mission de la leur donner, les hommes la demanderont à des dogmatismes parfois sommaires et qui confondent souvent vérité et idéologie” Études Janvier 1960, p.14-16.
Đó quả là một tình trạng bạc nhược phân hóa xuất hiện dưới những hình thức văn chương sao chép và bác học để thu quén về từng đống những ý niệm tản mát mà không có đủ can đảm để yêu thích một triết học nào cách sốt sắng. “Une littérature d’épigones et d’érudition qui amasse en foule les notions disparates sans avoir le courage d’une préférence active” (Nietzsche, Andler, t.III, p.222). Điều đó chứng tỏ triết học đã sa đọa quá lắm, “là một triết học suy nhược khi không hướng dẫn và đôn đốc cho đời sống “une philosophie est vraie ou fausse suivant qu’elle est exaltation du progrès ou de la décadence de la vie” (Nietzsche, Durant 458). Trạng huống đó các nhà triết học có nhận thức được chăng? Hay chỉ có những nhà tư tưởng lớn? Kể ra thì có lắm và sự nhận thức ngày càng lan rộng, cứ xem các cuộc hội nghị về triết thì đủ biết. Thường hội nào cũng dành ra một quyển sách cho vấn đề khủng hoảng thuộc môn mình, như hội nghị quốc tế họp ở Bỉ năm 1953, đã dành quyển đầu cho vấn đề. Hội nghị thứ 16 bên Ý 1955 dành tất cả cho vấn đề khủng hoảng siêu hình.
Xem thế đủ biết rất nhiều người đã nhận thức, và cũng đã làm hết sức để thoát khỏi trạng huống bi đát. Nhưng tình trạng triết cổ điển gặp hai nỗi khó khăn này: một là sự ngự trị của triết học duy niệm đã quá lâu đời, nên nó đã trở thành một cái mà giáo sư Gusdorf gọi là “Lễ nghi trung cổ” phải theo, đi trật ra thì bị truất chức nghiệp (traité de métap, p.21) cho nên dẫu biết nhiều khi “triết học chỉ là một cái trò chơi của lý trí đặt bên ngoài cuộc sống cụ thể”, mà vẫn bó buộc phải theo. Những người dám ra khỏi khuôn khổ, lăn vào đời sống như một Kierkegaard hay Nietzsche, Schopenhauer thường bị nghi ngờ. Tình trạng ngày nay rất lạ đời, một triết gia muốn làm ích cho đời thì cần phải khước từ triết học chính thức, càng thoát ly nhiều càng có thể trở nên ơn ích hơn, vì sự thoát ly đòi phải ý thức được thực tế.
Nhưng thoát được là chuyện khó. Trên kia tôi nhắc đến “lễ phép trung cổ” nhưng tại sao lại cần giữ như thế và đây là lẽ chính: chỉ vì chưa tìm ra được lối thoát, chưa ai đề ra một nền triết như mọi người đang khát mong trông chờ một triết lý không những có suy tư mà còn cảm nghĩ và sống được.
Bởi không tìm ra lối thoát, không kiến tạo nổi một nền triết lý đủ uy tín khả dĩ thay được cho các hệ thống trước, nên “lễ nhạc trung cổ” trở nên cần, và như vậy tất nhiên dẫn đến chỗ triết học thành triết sử, nghĩa là không có môn luyện triết lý, mà chỉ dạy cho biết ý kiến các triết học gia (information et pas de formation hl.doxographie cinématographique như lời Heidegger).
Đó là trạng huống của triết học hiện đang được dạy trong các trường Âu Mỹ và cùng với chương trình giáo dục của họ đang tràn sang các lục địa, và chiếm một địa vị lớn nhỏ tuỳ xứ đó đã là thuộc địa lâu mau. Và nhân đó cuộc khủng hoảng tinh thần ở Âu Châu lan tỏa trên khắp hoàn cầu. Tuy nhiên các cựu thuộc địa chưa ý thức nổi, vì khủng hoảng xảy ra ở đợt thượng tầng triết lý; mà các nơi đó trèo ngay đợt trung tầng khoa học, chính trị văn nghệ đã xong đâu mà cảm thấy được khủng hoảng đợt trên. Vì thế mầm mống khủng hoảng cứ được gieo rắc một cách sốt sắng và trịnh trọng.
Lúc trước nhờ có tôn giáo lãnh đạo tinh thần, không mấy ai cảm thấy khiếm khuyết đó, nhưng từ ngày tôn giáo bị ruồng bỏ thì xã hoọ«I mất kim chỉ nam, các thất bại triết học mới xuất hiện chán chường.
4. Đi tìm thuốc cứu
Làm thế nào bây giờ? Trả lại cho tôn giáo quyền chỉ huy xưa? Nhưng vấn đề rất tế nhị vì nay thế giới đã mở rộng, có tới hơn mười tôn giáo lớn khác nhau, cho nên một là nếu lòng tin càng đủ mạnh thì sự chia rẽ càng căng thẳng, còn nếu lòng tin nguội rồi thì mệnh lệnh tôn giáo sẽ vô hiệu trước sự lãnh đạm của đại chúng. Vì thế các nhà tư tưởng chỉ còn có một đường là phải tìm ngay trong triết học. Nhưng triết học cổ điển trước đã đặt bên ngoài đời sống, nên nay phải làm lại tự nền móng, đó là những việc đang phôi thai với những người như Schopenhauer, Nietzsche, Jaspers, Heidegger. Triết lý Đông Phương liệu có thể giúp vào việc giải quyết đó như một số triết gia mong đợi chăng? (Schopenhauer, Jaspers, W.Durant, Heidegger, Aldous, Huxley). Đặt vấn đề như thế thật ra chưa được ổn, là vì triết lý nếu đã chu toàn nổi được sứ mệnh thì nó không còn quê hương, không thể nói là Đông, Tây, Nam, Bắc nữa và nó chỉ còn là triết lý suông, một triết lý vĩnh viễn của con người muôn thưở. Tuy nhiên câu nói có một phần sự thật ở chỗ triết lý đã có lúc chu toàn sứ mệnh của mình bên Đông Phương, nơi quê hương của “tam giáo đồng nguyên”. Vậy hỏi ngày nay nó có còn chu toàn được sứ mệnh đó để giúp cho triết lý vĩnh viễn lấy lại uy tín nữa chăng?
Tôi thiết nghĩ triết lý mới sẽ không còn là Đông hay Tây mà là tổng hợp với tính chất liên lục địa, ứng hợp tỉ xích của thời đại phi hành không gian. Vì thế việc của triết gia Đông Phương là phải tạo dựng sự hiện diện của triết Đông trong việc đóng góp này. Điều đó chúng ta nên lưu tâm từ nay.
Ở đây chúng tôi chỉ muốn ghi chú một điểm: triết Đông hiện cũng bị khủng hoảng như triết Tây, và cũng đang đi tìm một hình thức mới, và hầu hết các triết lý bên Đông Phương đang lưu ý nhiều đến triết học Tây Phương, rồi một là cóp nhặt theo phạm trù triết Tây hay là trở về chú sớ kinh điển hay là làm sử văn học rồi gọi đại là triết học. Vì thế không nhận ra một sự khác biệt nền tảng như sau đó là sự khủng hoảng của triết Đông có tính cách ngoại khởi và thuộc tâm lý chứ không có tính cách nội khởi và siêu hình như triết Tây. Triết Tây đã được các triết học gia phân tích rành mạch có phương pháp, rồi họ thấy nó không làm tròn sứ mệnh và thấy không thể hy vọng gì nơi phương pháp cũ nữa; trái lại còn đi hại là khác nên những người thức giả mới buộc lòng phải thải bỏ như một cái gì đã lỗi thời và đặt ra một triết lý mới, triết lý của Hiện sinh của Hiện thể. Triết cổ điển có còn được giữ lại chẳng qua là trong phạm vi lịch sử hàn lâm, thế thôi. Còn bên triết Đông cơn khủng hoảng xuất phát từ sự thất trận của các nước Viễn Đông rồi tiếp đến sự sụp đổ của thể chế và khung cảnh cũ, nhân đó thanh niên đâm ra hoảng hốt mất tự tin, từ bỏ hết tất cả di sản tinh thần mà triết lý là phần quan trọng nhất; họ không còn đủ bình tĩnh để phân biệt văn hóa, tinh thần với văn minh cơ khí và những biến thể nhất thời.
Nói khác, khủng hoảng của triết Đông phát xuất do vận số hơn là do bản chất như trong triết Tây. Triết Tây khủng hoảng từ trong bản chất, còn triết Đông khủng hoảng theo nhịp độ dự trù: một lên một xuống, chứ không vì thiếu đạo lý (crise rythmique et non de l’absence).
5. Phương thuốc cấp thời
Thiết nghĩ nên khởi ngay từ chỗ phải khởi đầu: xem những nơi nào bị khủng hoảng hơn để tránh đi hay ít lai vãng tới. Hiện nay ta đang vướng mắc quá nhiều với văn hóa Pháp, cả trong chương trình giáo dục cũng như trong địa hạt văn nghệ. Đó là chuyện thường tình sau 80 năm người Pháp cai trị ở đây. Huống hồ văn hóa Pháp có nhiều cái hay cái đẹp và đã một thời đứng vào hàng đầu văn hóa Âu Châu, cũng như hiện nay vẫn còn giữ được nhiều yếu tố đáng học.
Nhưng ta có nên khuôn mình mãi trong văn hóa Pháp chăng? Và văn hóa Pháp ngày nay có còn là văn hóa Pháp thế kỷ 17 nữa chăng? Nietzsche cũng đã nặng lòng yêu văn hóa Pháp của thế kỷ 17, của một La Rochefoucauld, một Voltaire, một Montaigne, một Fontenelle, còn hiện nay ông nói nước Pháp đã trở nên trường huấn luyện và là nơi trưng bày thường trực các thứ bùa ngải của hoài nghi thuyết” La France est devenus aujourd’hui l’école et l’exposition permanente de tous les sortilèges du scepticisme. Vol. Puissance t.II p.61, “mà hồ nghi tức là hậu quả của sa đọa” id. 33.
Triết gia Mỹ Whitehead trong bài diễn văn quan trọng đọc tại Đại học Harward đã hô hào sinh viên muốn cho nước tiến bộ phải biết phân tích nguyên lý trường tồn ra khỏi những yếu tố lỗi thời để canh tân đời sống. Ông nói: mọi nơi bên Âu Châu đều đang có cuộc trùng tu vì người ta cảm thấy một cái gì đã tận cùng rồi, trừ có nước Pháp. Nơi đây tương đối chưa có sự cảm thấy và vẫn còn tái bản những lề lối xưa của Richelieu, Turgot, mãi từ đời cách mạng, từ đời tiểu công nghệ. The comparative absence of any feeling of the end of ways of precedures explains a certain inability to penetrate instinctively into the spings of action of her neighbouring nations. For the rest of Europe, something has come to an end while France is prepared to resume pratice of traditions derived from Richelieu, from Turgot, from the French Revolution, and the above and from her incomparable craftsmen. (Science and Philosophy tr.160). Vấn đề đặt ra cho Harward ngày nay là do sự phải chấm dứt một thời đại văn hóa Âu Châu. The problem before Harwaed is set by the termination of an epoch in European culture. For three centuries European learning has employed itself in a limited definited task. Id.p.225. Thiết tưởng lời ấy cũng phải trở nên vấn đề tối khẩn cấp cho nền giáo dục và văn hóa nước nhà.
Thời đại này không còn là thời đại duy Âu Châu được nữa. Cho nên giả sử có khiêng được Sorbonne cả chương trình lẫn giáo sư sang Sài Gòn cũng chỉ thêm được một đống kiến thức vất ngổn ngang ra đó mà sinh viên ta vẫn ngơ ngác thiếu hướng đi, thiếu ý thức, thiếu hồn sống như thường. Vì giả thiết là họ có hướng sống đi nữa điều đó không chước chuẩn chúng ta phải tự suy tư tìm kiếm. Thành công có thể mượn ở ngoại bang được, chứ thành nhân phải trông cậy trước nhất vào mình. (1)
(1) Bài này viết vào năm 1960 nên nay có ít điểm đã vượt qua thí dụ dự tính mời thêm giáo sư triết Tây. Tuy nhiên tưởng cũng nên để y nguyên hầu ghi lại một tâm trạng lạ lùng của thời mới thoát vòng nô lệ, để cho con cháu sau này có thể đo lường phần nào những khó khăn trên đường tranh thủ độc lập văn hóa. Trong bài nói “rút bớt văn hóa Pháp” thì không có ý chủ trương tẩy chay hay đoạn tuyệt mà chỉ có ý nhấn mạnh tính cách liên châu (intercontinental) của giai đoạn mới mà thôi.
Xưa nay chưa thấy ai cho được người khác cái mình không có. Nếu nước Pháp cũng như cả Tây Âu có một nền đạo sống làm người thì trong 80 năm họ đã đủ thì giờ ban cho ta rồi, họ quá đủ quảng đại để cho ta vì nếu họ truyền lại được một đạo sống, có lẽ họ còn ở lại được với ta, uy tín văn minh của họ được dân ta kính phục, đem vào làm “mười điều tâm niệm” rồi kia mà. Giáo sư Duffil đại học Sài Gòn viết “cái lầm nền tảng trong công cuộc thuộc địa, và là cái làm cho hai nước Pháp Anh khi đi khỏi thuộc địa không để lại được gì, đó là sự vắng mặt của một đạo lý.”
“Việc cuốn gói ra đi của người thực dân gây ra do một cơn khủng hoảng sâu xa ngấm ngầm trong xã hội, nó xuất hiện như một sự tống ra ngoài một vật xa lạ không tiêu đi được” La fondamentale erreur de cette colonisation et qui fait que l’Angleterre et la France ne laissent presque rien à leur départ c’est l’absence de doctrine… Le départ du colonisateur vient d’une crise profonde latente dans la sociéte, c’est le rejet d’un corps étranger non digérable… (Vitalité actuelle des religions non chrétiennes. Cerf 1957 p.191-192).
Chúng ta nên rút bớt ảnh hưởng Pháp lại, vì về đàng triết học quá duy trí ít đưa đến thực hiện; còn về mặt luân thường thì quá cá nhân, phóng túng, dật lạc. Cả hai điểm đều không có lợi cho nước nhà đang sửa soạn vào giai đoạn kiến thiết. Cần một triết lý thiết thực, yêu đời dấn thân thực sự vào đời sống với đầy hứng khởi. Và một thứ văn chương hăng say hùng tráng.
Hãy cố đón nhận nhiều hơn do những nền văn hóa có tính cách lạc quan, nhân sinh, vươn tới và tràn sức sống. Đây mới là phương dược sơ bộ. Phương dược căn cơ sẽ được trình bày trong bài Truyền Thống.
2190
2336
21279
223020
122920
114555477