Văn hoá học đường

Triết lý giáo dục (Kỳ 3)

CHƯƠNG III: TRUYỀN THỐNG

1. Truyền thống và những truyền thống

Trước đà gia tốc tiến bộ của thế giới hiện nay mà đi nói chuyện về truyền thống có tránh khỏi tiếng cổ hủ chăng? Husserl bảo: “La tradition est l’oubli des origines” == truyền thống là quên nguồn gốc.

Nói thế cũng như nói rằng truyền thống là vong bản. Thì ra vong bản lại gây ra do những người chủ trương truyền thống? Truyền thống có phải là nơi ương tính ỷ lại, là chỗ nhìn vũ trụ dưới khía cạnh tĩnh như bọn nho gia tưởng vũ trụ bao giờ cũng có thế: cổ nhân thấy vậy chúng ta cũng phải thấy vậy? Hỏi rằng cơ cấu xã hội tức môi trường sinh hoạt xã hội thời nay có giống cơ cấu xã hội thời thánh hiền không?… Ý thức con người thời nay về nhân vị mình có giống với ý thức con người bộ lạc xưa chăng? Sao không coi thánh hiền cũng là người sống trong không thời gian cũng mang nặng ấn tích của thời đại các ngài, lại mất giờ tưởng nhớ tới thời hoàng kim xưa cũ? Thiếu lý trí suy tư hay sao lại cứ ý lại vào tiền nhân coi các ngài như ý nghĩ, nói thay cho mình?…

Đấy là đại khái những lời tố cáo nhóm Truyền Thống. Nhóm này đã xuất hiện từ mấy chục năm nay ngay bên Âu Châu nó phát nguyên từ tình trạng khủng hoảng tinh thần. Trong những người ưu thời mẫn thế lo tìm thuốc cho con bệnh thì nhóm truyền thống là một. Thật ra đó là vấn đề cố hữu trong nhân loại Đông cũng như Tây. Pháp gia tố cáo Nho gia là cổ hủ cũng như vấn đề cũ mới ở bên trời Âu hồi Phục Hưng.

Theo chỗ chúng tôi nhận xét thì hai bên phải cả và trái cả. Là vì vấn đề khác phức tạp mà rất ít người phanh phui ra manh mối. Do đó cần phải đưa lên bàn mổ xẻ, nhất là về phía triết lý Đông Phương từng bị đả kích là nệ cổ mà chưa có lần nào bày tỏ quan điểm của mình cách hệ thống mạch lạc. Đó là điều chúng tôi khởi công góp phần ở đây. Điều cần nhận xét trước hết là sự sai biệt về nội dung mà người ta thường hiểu về hai chữ Truyền Thống. Thường thì  người ta hiểu Truyền Thống là tập tục, là những cái gì lưu truyền từ đời này qua đời khác. Có thứ truyền thống quân đội, truyền thống gia tộc, truyền thống hương thôn, truyền thống tôn giáo v.v… sự thực ra đó chỉ là những tập tục lưu truyền, những thể chế cũ kỹ, và đó là những bia rất đích đáng cho những lời công kích trưng lại trên kia.

Lại còn có những lối học từ chương nhai lại chữ nghĩa bề bộn kềnh cơi, để cho văn tự cướp mất tinh thần mà cũng gọi là Truyền Thống. Sự thực đó chỉ là truyền chữ, truyền nghĩa, truyền sách, truyền vở chứ đâu có đáng gọi là Truyền Thống. Vì Thống là cái Thống Kỷ, Thống Quan, tức cái nguyên lý thống nhất thâm sâu, nó liên tục và hiện diện cách u linh trong mọi câu nói, bề ngoài coi như rời rạc nhưng thực ra đều nhịp theo một tiết điệu. Chỉ đáng gọi là hiểu được một hiền triết là khi nào đã có thể tham dự vào được cái quá trình sinh động của làn sống tâm linh ngầm chảy đó, nó luôn luôn sống và đủ khả năng để tỏa thêm những tia sáng mới có sức soi rọi và gợi dậy biết bao tiềm lực đang nằm chết giấc trong cái xó tối do chữ nghĩa gây nên, và phát động một lối suy tư mới, cảm nghĩ khác trước cho hợp với những hoàn cảnh mới xuất hiện. Muốn được như thế thì không phải nhai sách vở cũ mà được, chữ nghĩa hay tới đâu cũng là đồ chết và chỉ có người sống mới làm cho chúng sống. Khổng viết: “Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí đã”. Cái đạo mới nghe qua tai ở đầu đường này vội đem ra thuyết với giảng ở đầu kia, chưa kịp suy tư un đúc lại, thì đấy là làm việc của người gánh rông đường (colportage) xê dịch sách vở có chút hồn sống nào đánh rơi đi hết. Như vậy có đạo có đức cũng chẳng bằng không có còn hơn. “Chấp đức bất hoằng, tín đạo bất đốc, yên năng vi hữu yên năng vi vô, chữ hán” (L.N. XIX. 2). Giữ đức mà không hoằng đại ra. Tín đạo mà không đốc thật chân thành, thì dẫu có đọc trơn thập tam kinh đi nữa phải kể là có Truyền Thống hay là không có Truyền Thống?

Vậy thì Truyền Thống chúng ta bàn ở đây là có ý nó đến mối Quán Thông Thiên Địa, nó là linh hồn của cái học Truyền Thống cũng gọi là Nhân Bản Tâm Linh. Bao lâu chưa đặt lạ được nền Nhân Bản và bao lâu chưa khơi được suối mạch tâm linh thì bấy lâu chưa có Truyền Thống, mà chỉ có lưu truyền, truyền tụng chi đó là những cái chỉ cần đọc đi cho biết, chứ không đòi đọc lại, nghĩa là từ những điều tiền nhân truyền lại không chịu tìm hiểu đến chỗ tinh vi để có thể nhập thần, để mà hoằng hóa thích nghi không những cho hợp với thời đại mà còn hướng dẫn đến những chân trời mỗi lúc mỗi mới mẻ mỗi bao la. Đấy mới là Thống. Thống không là ngồi mà ôm mà ủ, nhưng là đi lên mãi trên con đường đạo tiến xoáy ốc vào Vô biên. Như vậy là một con đường đầy hứng khởi.

Vậy để cho sự tiến hành được chu đáo, chúng ta sẽ bàn qua về những người đã xướng lên con đường Truyền Thống bên Tây Phương. Sau đó sẽ nói đến đường lối cụ thể hợp cho Đông Phương hơn để đi vào hiện thực. Trước hết là ba người xướng khởi về phía Tây Âu là Nietzsche, Jaspers, Heidegger.

 

2.      Nietzsche: người nhận ra chỗ đứt dây Truyền Thống.

Nietzsche là người đầu tiên đã đề nghị Truyền Thống như phương dược chữa đời, vì ông cho rằng sở dĩ triết học cổ điển thất bại thì truy căn ra, chính là tại những ông tổ triết học đó làm đứt dòng Truyền Thống. Nietzsche tung ra những lời kinh khủng như: “Socrate le premier décadent et Platon est antiantique”. Socrate là người đầu tiên đã sa đọa và Platon là người chống lại người xưa (tức chống Truyền Thống). Phải hiểu được dòng truyền thống triết học cổ điển nơi Socrate là sáng lập, Platon là triết gia ưu tú (philosophie par excellence) mới hiểu được tính chất đảo lộn của câu nói trên. Những ý tưởng đó Nietzsche đã quảng diễn qua các tác phẩm của ông, nhưng nó đã nổ lên như tiếng sét trong cuốn đầu tay nha đề là La Naissance de la tragédie. Ở đây tôi sẽ tóm lược mấy trang chính (từ trang 67-76). Tuy có vẻ mạnh mẽ xúc động nhưng nếu không biết thì khó lòng nắm được then chốt con đường triết học hiện đại.

Nietzsche cho rằng hồn sâu xa của Hy Lạp chịu ảnh hưởng của Đông Phương huyền bì nên cũng có một dòng huyền niệm đi liền với một dòng tư duy sáng sủa. Huyền niệm tượng trưng bằng thần Dionysos quan thầy của sự sinh, sự tử và phục sinh, của sự say mê và tiềm lực. Còn thần Apollon có tên là sáng láng, thần của yến hào quang, của hình thức với những đường cong rõ rệt. Hai thần đó luôn luôn giằng co cấu kết lấy nhau tương tự như kiểu âm dương tương thôi của Kinh Dịch. Sự phối hiệp đó được tượng trưng bằng Bi kịch (tragédie) diễn tả những sức sống vươn lên trên đường chinh phục bất chấp đau khổ. Promethée ăn cắp lửa trời bị trói ngửa trên đỉnh núi Caucase cho kền kền đến moi gan là tiêu biểu Dionysos, một thần bị đau thương bị tùng xẻo, nhưng nhờ có Nhạc cứu thoát và trả lại sự sống cho Promethée. Đó là hồn Truyền Thống của Hy Lạp.

Cái hồn ấy đã bị một tân quỷ tên là Socrate bóp chết bằng tuyên dương lý trí: lấy ý thức sáng sủa minh nhiên mà xua đuổi năng lực ẩn tàng, do đó cũng xua đuổi luôn cả bi kịch tức cả thơ cả nhạc, và toàn bộ nghệ thuật. Thời đó giới trí thức Hy Lạp coi Socrate như một người phản dân tộc, phản Truyền Thống. Ý kiến đó đã kết tinh lại trong vở kịch “Dans les Nuées” của Aristophane. Strepsiade sai con là Phidéppide đến học phương pháp biện luận với Socrate để về cãi kiện cho khỏi trả nợ. Phidéppide đến học với Socrate và đã trở nên biện sĩ tài danh, không những đuổi được chủ nợ, mà tống cổ luôn được cả ông bố ra khỏi nhà nữa. Bấy giờ Strepsiade mới mở mắt ra tìm đến đốt nhà Socrate… Trong vở tuồng đó Aristophane giới thiệu Socrate như một biện sĩ tiên phong, một biện sĩ đầu sỏ bao gồm mọi khuynh hướng nguỵ thuyết về sau, cố ý chống đối Truyền Thống để đi nhận những thần tượng bấp bênh (biểu hiện bằng phù vân nuées) và xúi thanh niên đi vào con đường cá nhân buông thả.

Socrate không viết gì, và ông nói rõ ông không biết gì. Đang khi nơi các người sáng tác khác thì bản năng là một tiềm lực kiến thiết có tính chất tích cực, còn ý thức là một sự phê bình tiêu cực, trái lại nơi Socrate bản năng được trao cho có việc phê phán còn ý thức mới giữ vai trò xây dựng. Có lẽ vì đặt ngược lại như thế nên Socrate chỉ biết phê bình mà không hề kiến thiết và ông thiếu hẳn óc huyền niệm, bởi năng khiếu biện lý đã được vun tưới đến mức phát phì nên ông đã cắt đứt với dòng Truyền Thống. Hình như ông cảm thấy đó là một tội ác nên ông đã đón nhận lấy cái chết mà lẽ ra ông có thể tránh được dễ dàng. Socrate chết đi đã để lại cho thanh niên Hy Lạp một lý tưởng mới mà trước kia chưa hề có. Platon đã hy hiến trọn vẹn thiên tài ông cho lý tưởng mới này. Ông đã đem các tập thơ ông sáng tác đốt đi hết để được trở nên môn đệ Socrate và tài thi sĩ của ông đã bị dồn ép và lẩn vào suy tư để đẩy nó đến những miền xa lạ cho tới lúc đó chưa ai thám hiểm tới. Nietzsche ví các sách đối thoại của Platon như những chiếc thuyền của người di cư từ thế giới cũ đi sang tân đảo, trong đó thi ca bị đắm tàu may mắn đã được vớt lên và cho ngồi cú rũ một góc nhỏ xíu và phải đau đáu phục tùng hoa tiêu Socrate (tức lý trí). Platon đã để lại cho hậu thế một mẫu tuyệt hảo của nghệ thuật mới đó, một thứ tiểu thuyết mà người ta có thể định nghĩa như ngụ ngôn của Esopho được phóng đại. Trong đó thi ca bị chết ngạt, còn lại có tri thức tinh ròng mà Socrate cho đấy mới chính là nhân đức (la vertu est le savoir). Đôi khi âm thần giục ông học nhạc “Socrate! Étudie la musique” nhưng nấn ná chần chờ ông lại cho triết học là cao hơn cả đến độ độc hữu, còn nhạc vẫn bị ông coi là cái gì tầm thường của lê dân. Ông chỉ còn tin có lý trí mà ông cho là được hướng dẫn với nguyên lý căn nguyên (causalité) mà ông nghĩ nó đủ khả năng thấu đến những đợt cuối cùng của Tính Thể (Sein): suy tư không những biết được Tính Thể mà còn sửa chữa lại được những gì lầm đường. Ông đã gán cho tri thức một giá trị tuyệt đối, nên không còn nghĩ tới các tiềm lực khác nhất là “lực hành”. Tri thức đã là nhân đức rồi, hầu như việc làm không còn quan trọng chi nữa.

Thế là cái não tuỷ Dionysos tiêu tan dần, còn lại có cái vỏ đồ sộ Socrate (113). Nói theo tiếng Kinh Dịch cái âm tàng đã mất còn lại có cái biết dương hiển hiện ở ngoài vỏ. Truyền Thống bị gián đoạn từ đấy. Sự gián đoạn này càng ngày càng trở nên sâu xa nhất là từ khi có những người như Descartes, Kant, Hegel đẩy lý trí suy luận đến cùng cực, dốc bầu văn hóa cho hết mọi sinh lực, còn lại có cái vỏ kềnh cơi.

Phân tích như trên là Nietzsche đã đặt ngón tay trên chính căn bệnh của thời đại. Bây giờ chỉ còn việc bốc thuốc và đó sẽ là làm thế nào nối lại được dòng Truyền Thống đã bị cắt đứt trên kia. Đó là một sứ mạng tối quan trọng liên hệ với vận mạng nhân loại mà Nietzsche cầu ước cho nước Đức hiện thực được. Muốn thế cần phải đi sâu vào tinh thần của Hy Lạp cổ đại. Đồng thời phải đả phá dĩ vãng kể từ Socrate đến nay, bởi vì dĩ vãng này đã đi ngược lại với Truyền Thống.

Chủ trương Nietzsche ở đây là cả một chìa khóa giải được mối mâu thuẫn rất lớn người ta thường gặp khi đọc ông. Tại sao có lúc ông đả phá dĩ vãng, có lúc ông lại tuyên dương dĩ vãng? Thì ra dĩ vãng ông tuyên dương đó chính là Truyền Thống tiền Socrate, còn dĩ vãng ông đả phá là dĩ vãng hậu Socrate mà chúng tôi dịch là tập truyền (Ecce. 97). Việc công phá này ông đã khởi đầu với những cái nhìn thật sâu sắc và tế nhị, nó dành cho ông công đầu trong việc nhận thức và tìm lại nguồn Truyền Thống. Nhưng còn việc xây đắp để nối lại Truyền Thống thì ông mới thành công có ít. Bởi vì một mặt sách vở tiên hiền Hy Lạp lưu lại đến đời nay chỉ còn được ít câu tản mát (fragments). Mặt khác vì ông chưa đi sâu đủ vào Hy Lạp cổ truyền mà còn dừng lại nhiều ở đảo Crète, đảo Sparte là những nơi thờ sức mạnh, và là xã hội có bầu khí nặng về giai cấp. Thành ra con người lý tưởng ông đề ra nghiêng về ý chí mù quáng của sức mạnh (volonté de puissance) và những phương pháp có tính cách sinh lý dễ hiểu trật ra bạo lực hơn là tinh thần tâm linh. Vì thế tuy ông giúp chúng ta hiểu rất nhiều về Âu Châu từ Socrate, nhưng còn tìm về nguồn Truyền Thống để bắt con gà triết lý gáy lên một tiếng mới như ông mong ước (d’arracher à la philosophie un nouveau chant du coq) thì chưa hoàn thành. Chuồng gà bị ông lay đã sụp đổ vùi luôn cả ông như đền thần Moloch vùi tướng Samson vậy. Tuy thế công việc của ông sẽ có âm vang rất lớn, gây nên nhiều nhóm “Truyền Thống”. Ở đây chỉ nhắc tới Jaspers và Heidegger.

 

3.      Karl Jaspers người quy định thời kỳ truyền thống

Việc nối lại Truyền Thống được Jaspers nhấn mạnh trong quyển “La foi philosophiques” và nhất là quyển “Le sens et l’Origine de l’histoire”.  Quyển sau này tương đối dễ đọc nhất của tác giả mà cũng là sâu sắc vào bậc nhất của ông. Trong quyển đó phần độc đáo hơn cả là những trang ông bàn về thời Trục (période axiale) tức là quãng từ năm 800 đến 200 năm trước kỷ nguyên, thời mà ông gọi là giai đoạn bẻ gãy gông cùm thần thoại, để đi vào thời lý trí và ý thức; một thời mà K.Jaspers cho rằng có nhiều nét giống với thời đại chúng ta. Chúng ta cũng đang trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần mà căn nguyên gần là do khoa học cơ khí gây nên và hiện thời chúng ta chưa tìm được hướng đi cho đời sống; cũng như quãng 800 đến 200 trước kỷ nguyên lý trí loài người thức tỉnh vì sự đi xa thấy nhiều (có lẽ do sự bắt đầu cưỡi ngựa nên đi xa được). Nhưng lại có một điều khác biệt, ấy là Thời Trục là một thời giàu về tinh thần đến tột bực, còn thời ta “tuy có những phát minh về máy móc lớn hơn những phát minh Thời Trục, nhưng về mặt tinh thần không gì có thể so sánh được với những suy tư của một Khổng, một Lão, một Thích Ca (Sens Histoire, 173). Ông nhấn mạnh đến cái mà Nietzsche gọi là “sự trống rỗng của Âu Châu” “Nihilisme occidental” nghĩa là Âu Châu không còn tin tưởng vào giá trị tinh thần nữa; ông hô hào phải trở lại những giá trị thời Trục (reprendre les valeurs de l’axe, 335 id) là thời đã đặt nổi giá trị Truyền Thống mà ông cho là phương thuốc duy nhất để đoàn tụ nhân loại. “Không ai có thể đặt một nền tảng nào khác với nền tảng đã có từ nguyên sơ” (La foi philosophie 153). Không những không sợ Truyền Thống cản bước tiến, ông còn quả quyết: “lớn lên trong Truyền Thống là một điều kiện cần thiết cho mọi nền tư tưởng được súc tích, miễn sao đừng tán ra những câu nói đại khái trừu tượng dễ hiểu cho lý trí hay khích lệ cho mối tình bâng quơ nhưng không thiết thực vào đời sống”.

Vậy phải dùng lịch sử mà tránh mối nguy cơ đó bằng cách khởi sự từ một dòng Truyền Thống rất gần như gia tộc, rồi đến dân tộc, đâm rễ vào quá khứ bản thân… ngoài ra phải mở rộng nhãn giới để tới đến toàn thể nhân loại, để tìm ra trong thời kỳ từ năm 800 đến 200 trước kỷ nguyên một sự nhận thức quyết liệt của loài người, một sự thức tỉnh quy định cho mọi triển diễn xuyên qua các thời đại về sau. Được như thế Truyền Thống sẽ không còn là một hệ thống của ý tưởng băng giá, nhưng sẽ mặc tính chất cơ thể có miên tục, có những đỉnh cao chót vót, có những vĩ nhân, những bầu khí, những sách kinh điển và bao ngành nhỏ tỏa ra trong sự diễn tiến của lịch sử (Foi Philosophique p.156).

Chính vì muốn cho Truyền Thống trở nên nguồn sống quan thiết tới đời sống tư, nên ông có dự những phiên hội “bảo vệ Âu Châu” (défense de l’Occident” do Henri Massis tổ chức) nhưng đồng thời ông ý thức rõ rệt cần phải ngược dòng thời gian lên tới thời tiền Socrate, lên đến thời Trục mới tìm ra dòng Truyền Thống chính tông, nhờ đó mà cái nhìn của ông trở thành bao la rộng rãi, hơn hẳn những triết lý về lịch sử viết trước ông, vì tất cả vẫn còn đóng khung trong quan điểm cũ lấy Âu Châu làm trung tâm duy nhất. Đồng thời triết lý của ông là một bằng chứng cụ thể của sự trở lại Truyền Thống đã không ngăn trở mà còn giúp cho ông có những tư tưởng sâu sắc lai láng.

 

4.      Heidegger người vắt danh từ cho vọt ra tinh tuý Truyền Thống

Ông là người thứ ba tiếp tục đường Truyền Thống bằng một phương pháp đặc thù, đó là một thứ ngôn ngữ học do ông sáng chế lấy để tìm cho ra nghĩa uyên nguyên khi vừa mới xuất từ miệng các nhà Hiền triết Hy Lạp. Beaufret gọi triết lý của ông là triết học gia phả (philosophie généalogique) nghĩa là tìm theo ngọn về ngành qua cành xuống gốc, đến cội rồi căn để. Từ những câu những chữ bị hiểu trệch nghĩa đã từ hơn hai ngàn năm, Heidegger cố lần cho ra ý nghĩa uyên nguyên.

Và đây là then chốt triết lý của ông. Ông cho rằng nền móng siêu hình cổ điển đã sai lạc vì hiểu chữ Tính Thể thấp hẳn xuống một độ tức là độ hiện tượng của sự vật thường nghiệm. Do đó thay vì Être (Sein) hiểu là Tính Thể u linh, thì triết học cổ điển làm đốc ra nghĩa Hữu Thể một thứ vật thể. Être đốc ra étantité hay là ensemble des étants. Tính Thể trong cõi siêu hình đốc ra hữu thể trong cõi hiện thể hữu hình hay ít ra hữu giác: từ Thái Nhất đốc ra Đa tạp và khốn khổ hơn hết là tôn một Đa tạp nào đó lên làm Thái Nhất. Nói theo sách Luận Ngữ tôn “tiểu tri” lên làm “đại thụ” thì chỉ có được một thứ đại thụ huyền hoặc, thiếu chất bao dung của Thái Nhất và tất nhiên đâm ra độc hữu (exclusif) nhỏ nhen. Triết học cổ điển hỏng từ trong cơ cấu là tại đó và Heidegger quen gọi là triết học thiếu căn cơ, thiếu Grund (tiếng Đức là nền tảng) cho nên nghĩa vụ của triết gia hiện đại là phải phá huỷ toàn bộ triết học cổ điển (destruction complète) là phải nắm lấy tay triết học lôi cổ ra khỏi cái siêu hình sặc mùi vật thể đó. Thành ra quyển “đưa vào siêu hình” của ông lại trở thành “đưa ra khỏi siêu hình” như J.Wahl nhận xét rất đúng: introduction à la métaphysique trở thành extra-duction de la métaphysique. Vì nếu không làm được như thế thì mọi ý niệm đều hỏng từ nền. Con người thí dụ lẽ ra phải Tại thể (Dasein) phải là mục đồng coi giữ Tính Thể hay nói theo Đông Phương lẽ ra phải là “Con trời” hay là “Thiên dân” thì chỉ còn là dân mất thiên, chỉ là con nhưng không phải là của trời mà là thứ con lạc loài, không nơi cư trú, lang thang không chốn không nhà, không Tính thể chỉ có “da” hiện tượng mà không có “Sein” siêu linh thuộc Tính Thể. Người đốc ra một giống ngợm, đi cà nhắc từ trong căn cơ!

Đó là đại để triết học của Heidegger, nó khá gần với Đông Phương mà ông năng tỏ lòng hâm mộ, và năng nhắc rằng cần phải trở lại với Hy Lạp cổ xưa để sửa soạn cho một cuộc đối thoại trong tương lai với Đông Phương (có lần ông nói với Á Châu, có lần nói xác định hơn với Viễn Đông). Essai et conférence. Những người hâm mộ ông như Beaufret thì hỏi chúng ta sẽ nhờ được chi bởi cuộc đối thoại đó; nhưng những tay cự phách cỡ Heidegger không dám coi thường. Có điều cần nói ra ở đây là với tôi thì Heidegger đáng ghét nhất trong ba người. Đọc Nietzsche tôi nghe tâm hồn phừng phừng sôi nổi, đọc Jaspers như đứng trên đồi sứ mệnh để đặt những cái nhìn cai quát trên rừng nhân sự, đến khi đọc Heidegger tôi có cảm tưởng như đi vào bụi gai, chui rúc trong những hang hốc âm u. Riêng tôi giận tác giả ở hai điểm. Điểm nhất là cái lối tán tự của ông thật oái ăm khúc khỉu, nó càng hóc búa hơn nữa khi đi qua những ý niệm khúc mắc kênh kiệu, cho nên có lẽ không tác giả nào khó đọc hơn ông. Đừng nói những người đọc lối tài tử, ngay đến những dân chuyên môn, có bằng sắc kề kề mà nhiều người đọc vẫn không thủng. Đấy là điều tiêu biểu cho tính chất “trưởng giả” cao độ nhất, nên với tôi là đáng ghét nhất.

Đọc những triết gia có chất nhân sinh sống động ta thấy toàn lời nói giản dị thông thường. Có những người viết như nói chuyện kiểu Montaigne. Huống chi những bậc hướng dẫn nhân loại không hề lấy lời hại ý, nhưng luôn luôn qua sự “dị giản nhi đắc thiên lý” dễ dàng giản dị mà được thiên lý, mà sáng nóng tuôn trào: người nghe hay đọc khỏi vấp phải những lời kênh kiệu khúc mắc. Schopenhauer nói “la naiveté est la sublime simplicité qui est un trait essentiel du vrai génie”. Cái nét đơn sơ có lúc như ngây thơ, kỳ thực là siêu tuyệt. Đó mới là nét đặc trưng của thiên tài.

Điểm thứ hai là đối với những thần tượng cổ điển như Platon, Aristote, Kant… Nếu triết học cổ điển thiếu nền tảng thì tại họ chứ còn tại ai? Cả một lưu truyền hơn hai chục thế kỷ đều giải nghĩa một lối, Nietzsche với cặp mắt cú vọ cũng không hiểu khác và thẳng thắn hạ bệ một lượt. Vậy là dứt khoát. Đàng này Heidegger có vẻ ngập ngừng khi bước chân ra, cực trăm ngàn nỗi xoa ba bảy lần sau khi đã thụi vào lưng thần tượng những cú nên thân. Khiến cho người đọc hoang mang trước những mâu thuẫn đó, và cứ sự nó đã làm nảy ra khá nhiều cuộc tranh luận sôi nổi kể cả bên ta. Tuy vậy “mâu thuẫn” loại này chúng ta có thể nhắm mắt cho ông vì ít ra “phép xã giao” bắt phải như thế. Cũng như điểm trên tuy làm cho chúng ta bực dọc, nhưng đối với cơ cấu não trạng của người Âu có thể gây nhiều thế giá. Và vì thế tôi nói ghét mà không nói bỏ, bực mà không bội. Vì ông cũng giúp cho mình một lối xem đời kiểu kỳ lạ, nên tôi vẫn dành cho ông một ghế danh dự trong nhóm Truyền Thống.

 

5.      Truyền Thống bên Đông Phương

Và bây giờ chúng ta trở về với dòng Truyền Thống bên Đông Phương. Nơi đây chúng ta sẽ gặp những khó khăn khác hẳn chứ không phải do sự thiếu sách vở. Ngược lại là khác. Giáo sư Glasenapp đã tính ra bộ Tam tạng của Tiểu Thặng có đến 27 triệu chữ (quyển Bible của Kitô giáo 3 triệu chữ), Đại Thặng trong bản in bên Nhật 1927 có tới 40 triệu chữ làm thành 55 quyển lớn. Mật Tông bên Tây Tạng có tới 50 ngàn quyển và ông thêm “véritable océan inmensurable” Mystère Bouddhiques p.52. Ấy là chưa nói tới Ấn giáo, Lão giáo, Nho giáo. Tất cả làm nên cái rừng già mà nhiều học giả gọi là “Đông Phương sâu thẳm huyền bí” chứa chấp biết bao danh hoa dị thảo. Nhưng chính sự phong phú đó rất dễ làm lạc lõng các nhà nghiên cứu và hầu hết bị cái nạn để cây che mất rừng, để cái dị biệt tiểu tiết che mất chính sự.

Riêng về Nho giáo có một điều cần ghi chú tức thời ở đây, là Truyền Thống không nằm tản mát đó đây thiếu liên hệ, nhưng được kết vào thành một cơ cấu uyển chuyển được biểu lộ không những bằng lời nói (từ) nhưng bằng cả tượng, số, chế nữa (xem giải rộng ở quyển Chữ Thời). Do đấy một chân lý muốn được kể là của Truyền Thống phải đủ khả năng trải qua bốn chặng thử thách đó mà không sứt mẻ mới được công nhận. Như thế có thể nói nó còn minh xác gấp bốn lần hơn triết học cổ điển và bởi vậy rất khó mà cưỡng bức bắt bản văn phải nói theo ý mình, để gán cho người xưa những tư tưởng riêng tư rồi tuyên bố là Truyền Thống như nhiều người e ngại. Sau này độc giả sẽ nhận ra cơ cấu đó khi đọc quyển Chữ Thời. Tuy nhiên cơ cấu đó rất linh hoạt và ẩn sâu nên dễ khuất mắt. Nhưng chịu tìm tòi thì sẽ lần ra manh mối. Như thế nỗi khó khăn của chúng ta không ở chỗ thiếu sách vở lưu truyền hay ở chỗ giải nghĩa tán tự. Nếu có chẳng qua là đối với chúng ta không đủ trang bị để đọc mà thôi.

Tuy nhiên, điều đó không chước chuẩn chúng ta phải suy tư sáng tạo. Vì đấy mới chính là điều kiện tiên quyết của dòng Truyền Thống chính tông. Phải tổ thuật Nghiêu Thuấn chứ không được lặp lại y nguyên. Phải từ lời nói người xưa đã hiểu một cách trung thực, nói lên được những điều ẩn tàng bên trong, phát kiến ra những khả năng giàu chất sáng tạo, thế mới là tổ thuật, thế mới là Truyền Thống.

Cái khó của chúng ta nằm ở chỗ đọc đi như một triết gia chứ không ở chỗ đọc lại như một học giả, điểm này thì dễ vì sách vở chúng ta không bị thất lạc quá nhiều như đối với Văn hóa cổ Hy Lạp.

Tuy nhiên, không phải là chúng ta không có khó khăn trong việc gây lại Truyền Thống. Khó khăn lớn nhất nằm trong chỗ mất tin tưởng vào những giá trị của Truyền Thống. Vì từ lúc khoa học thực nghiệm tiến mạnh thì mọi giá trị Truyền Thống bị coi rẻ. Trào lưu đó phát xuất trước hết từ Âu Châu rồi lan tỏa ra các xứ thuộc địa. Tuy nay có khuynh hướng đi ngược lại nhưng nói chung ra, khuynh hướng này vẫn còn mới lạ nên ở những nước vừa thoát vòng nô lệ như nước ta, thì văn hóa vẫn còn bị nhiều ấn tích của thời lệ thuộc chính trị. Nên lúc đó nói đến Truyền Thống thì lại không đưa vào đó một tâm não thanh thản để tìm hiểu, mà luôn canh cánh bên lòng một mớ giá trị của Tây Phương với những phạm trù cá biệt của họ, là những cái dễ che khuất mắt không thấy được Truyền Thống chân thực. Thành ra bất cứ nói về cái chi chi, về biện chứng Kinh Dịch chẳng hạn, cũng phải cố gắng xem có hợp với của Hegel mới dám chắc bụng; về danh lý có hợp với Descartes, về biến dịch có hợp với Bergson mới dam cho là thật. Có ngờ đâu rằng nếu những thứ đó có giá trị chân thực thì theo tuột họ cho khoẻ, cần chi phải bận tâm tìm lại Truyền Thống cho thêm mệt. Vì thế khi tìm lại nguồn Truyền Thống phải cố gắng đem vào một tấm lòng thanh vắng không cần để ý đến Đông Tây, Nam Bắc chi cả, chỉ cốt làm sao nghe được cái Thiên lý từ tâm hồn của mình mà thôi… Nếu có cần một hai nguyên lý của người xưa để lại thì cũng phải xét trên tỷ xích nhân loại, như chúng ta sẽ bàn ở dưới về nội dung Truyền Thống.

Ở đây tưởng cần nhấn mạnh rằng Truyền Thống không phải là chuyện sĩ diện chi cả, không phải là chuyện khoe mẽ, nếu các ông có Descartes, Hegel, Bergson thì chúng tôi cũng có Khổng, có Mạnh, có Kinh Dịch kém chi. Hoàn toàn không phải như thế, nhưng là chuyện quan thiết đến vận mệnh của toàn thể nhân loại.

 

6.      Truyền Thống với sự tồn vong của nhân loại

Dòng Truyền Thống tâm linh là một điều thiết yếu cho sự tồn vong của nhân loại chứ không phải chuyện có thể coi thường.

Bao nhiêu luồng tư tưởng đã làm ơn ích cho đời là nhờ tiếp thông với nguồn suối đó. Ơn ích nhiều ít tuỳ mức độ tiếp thông nhiều ít. Càng nhiều càng ơn ích nhiều, càng ít ơn ích càng kém đi. Tôi không nói là mất hẳn, vì Truyền Thống không thể tiêu diệt, nếu không được vun tưới công khai nó cũng ngấm ngầm tác động qua lương tri và thói tục, qua tôn giáo… Những cái học bật rễ hẳn với Truyền Thống, tuy có làm rùm beng chứ không thể xây đắp cái gì bền bỉ, mặc dù thiện chí sáng tạo có thừa chẳng qua cũng đổi thay được ít nhiều ở danh từ, ở đợt văn nghệ là đợt thuộc dạng thức cần phải đổi mới luôn. Tuy thế hễ “rễ không sâu thì lá không xanh” bất kỳ ở đâu đều theo luật đó. Hãy lấy thí dụ triết lý mà nói thì kể từ thời Trục về sau chưa thấy có cái gì mới mẻ trái với Truyền Thống lại có thể gây nên một luồng gió mới thổi sức sống cho đa số của một nhóm người. Trái lại như Nietzsche nói “tất cả những tay đổi mới cự phách đều bệnh hoạn và loạn thần kinh không trừ một đứa nào”. “Les grands novateurs sont tous sans exception malidifs et épileptiques” (V.P.345). Khổng Tử viết: Tư nhi bất học tắc đãi, chữ hán. Suy tư mà không học với Truyền Thống cũng gọi là cái học thánh hiền thì là nguy cơ. Chúng ta không nên tin vào những bản tuyên ngôn long trọng với một thiện chí tinh dòng. Thiện chí tuy là điều kiện cần nhưng chưa đủ, chưa phải là bảo đảm sẽ đưa lại hạnh phúc, nên thiện chí mới là một phần, còn ba phần nữa là giải pháp và tư tưởng dẫn đạo với đường lối áp dụng. Cần phải xem những cái đó có hợp với yếu tố tâm linh hay chăng, mới là Truyền Thống.

Karl Marx cũng mang nặng một tình thương bao la với đám thợ thuyền Âu Châu thế kỷ 19 mà thánh Gandhi cho là chưa đâu loài người sống khốn khổ bằng. Ông muốn đưa lại cho họ giải phóng. Lòng thiện chí đó không ai chối cãi được, nhưng thuyết của ông vì chứa chất giết người, nên đã gây nhiều trại tập trung hơn hết các thuyết khác, ấy cũng vì thiếu chất tâm linh. Cho nên xem lịch sử nhân loại hơn hai ngàn năm nay chúng ta thấy loài người chưa thể lìa xa những giá trị Truyền Thống. Giáo sư Merleau Ponty viết một câu rất chí lý: “nhất là chúng ta không được bật rễ vì nếu phạm lỗi đó thì sự trống rỗng sẽ lôi cổ chúng ta trở lại sự thật chính tông bằng một tác động đau đớn”. Mais surtout nous ne devons pas nous déraciner, si nous commettons cette faute, c’est le nihilisme qui nous ramènera par une opération douloureuse à là vérité authentique” (Les Philosophes célèbres).

Kinh nghiệm lịch sử cổ kim đó giúp ta hiểu tại sao các bậc tiên hiền như “vạn thế sư biểu” hay là “đại bổn sự Phật” đáng được tiền nhân ta tặng cho những danh hiệu ấy là bởi vì các ngài đã trung thành với Truyền Thống. Khổng Tử với câu “tín nhi hiếu cổ, thuật nhi bất tác”. Lão với câu “chấp cổ chi đạo dĩ ngự kim chi hữu == cầm giữ đạo xưa để thống trị những cái hiện hữu ngày nay. Còn Phật Tổ cũng có tên là Như Lai: Tathagata. Ông Humphreys chú thích chữ đó do Tatha-agata: “đến như thế”, hay là Tatha- gata: “đi như thế”, nghĩa là một vị đã đến và đã đi khỏi như các Phất thủa trước, tức là cùng dạy một chân lý, một con đường để tới đích (AB Manual p.179). Học giả Coomaraswami chú thích: “giới răn thứ mười của Phật dạy lánh các sự tin rối như tin rằng Phật Tổ đã dạy một đạo lý mới” (Hindouisme et Boudhisme p.132). Platon: “những người xưa trổi vượt hơn ta, đời sống các ngài gần Chúa hơn, các ngài đã lưu truyền lại chân lý cho ta như một mặc khải (Philèbe 16). Xem như thế chúng ta có thể rút ra nguyên tắc sau đây: Truyền Thống là một kho tàng chứa đựng những chân lý thiết yếu cho sự sống còn và sự tiến triển của con người. Lìa xa nó con người thoái hóa và bị khủng hoảng; móc nối lại được với nó là đi vào đường dẫn đến nguồn sinh lực, dẫn tới suối tinh thần. Sứ mạng người trí thức ở mỗi thời đại là phải đem một trí tuệ thông minh vào sự học hỏi Truyền Thống để từ đó triển khai ra những khả năng phong phú và được thích nghi với thời đại của mình. Muốn hiện thực điều đó trước tiên chúng ta cần tìm hiểu nội dung khái quát của Truyền Thống.

 

7.      Nội dung Truyền Thống

Để quy định phần nào nội dung Truyền Thống chúng ta sẽ đưa ra hai tác giả theo chiều hướng từ xa đi vào gần.

Trước hết là Toynbee đại diện cho cái nhìn bao trùm 27 nền văn minh mà loài người đã biết được trong đó có 5 còn tồn tại. Tất cả mọi tìm tòi nghiên cứu của ông kết tinh trong quyển “An Historian’s approache to Religion”. Ở trang 263, Toynbee có tóm những điều chung cho các tôn giáo trên hoàn cầu vào ba điểm của Truyền Thống như sau:

a)        Mọi tôn giáo đều nhận có một thực thể huyền bí cao hơn thế giới của các giác quan ta.

b)        Thực thể đó siêu vượt con người hiện tại, và người ta cần phải cảm thông với.

c)         Con người chỉ làm được chuyện đó khi trút bỏ được khuynh hướng tự nhiên cho mình là trung tâm (self-centreness native).

Người thứ hai là Aldous Huxley. Cái nhìn của ông có tính cách đúc kết hơn xét cả về không gian cũng như thời gian. Ông chú ý đến Đông Phương hơn. Do đó cái nhìn trở nên xác thiết hơn đối với chúng ta. Ông đưa ra 4 điểm sau để làm nền móng cho triết lý Truyền Thống.

a)        Thế giới hiện tượng của vật chất và ý thức cá nhân (tức là thế giới của sự vật, của loài người và cả thần tiên) là sự xuất lộ của một Bản Thể thần linh. Chính nhờ Thần linh đó mà muôn vật được hiện hữu thực sự, ngoại giả không vật nào có thể có sự hữu được.

b)        Con người không những có khả năng hiểu biết về Bản Thể thần linh đó bằng suy luận mà còn thể nghiệm được sự hiện hữu của Bản Thể ấy bằng trực giác, là lối biết cao hơn lối biết bằng suy luận. Vì cách biết trực nghiệm này thống nhất năng tri với sở tri thành một (sujet objet coincident).

c)         Con người có một bản chất hai chiều: một chiều là cái tiểu ngã hiện tượng, chiều kia là đại ngã bất biến nó là con người nội tại, tâm linh, là tia sáng thần linh trong tâm hồn. Nếu muốn, người ta có thể đồng hóa với tâm linh vì như vậy là đồng hóa với bản thể thần linh cùng một thể tính với tâm linh (chí thành như thần).

d)        Đời sống con người trên mặt đất này chỉ có một mục đích, một cứu cánh tức là sự huyền đồng với đại ngã bất biến và như vậy là sửa soạn đi tới cái biết kết hợp với bản thể thần linh (B. Gita de Prabhavananda tựa, trang 7). Ông A. Huxley cũng còn là tác giả quyển La Philosophie éternelle rất có giá trị mà tôi coi là một bản tóm tắt cách thông minh tinh thần Truyền Thống (édition Plon 1952).

 

8.      Tổ thuật Nghiêu Thuấn

Sau khi đã biết nội dung Truyền Thống với những nét cốt yếu là nhân bản và tâm linh thì chúng ta đã có được một tiêu chuẩn để tìm về nguồn. Trong việc trở lại này ta có thể nhận những hướng đạo viên khác nhau. Riêng ở Viễn Đông ta có Khổng, Lão, Thích. Ở đây xin chú ý đến Khổng, cũng là một người đã đi tìm Truyền Thống và đã để lại lối đi bằng câu Tổ thuật Nghiêu Thuấn.

Truyền thuyết nói rằng: bà Hoa Lư đạp phải lốt chân người to lớn ở Lôi Trạch mà đẻ ra Phục Hy là người đã được khải thị cho Hà Đồ, nên cũng là “tác giả” Kinh Dịch truyền lại cho Thần Nông và Thần Nông truyền lại cho con cháu trong đó có Nghiêu Thuấn. Ông Nghiêu được đời sau xưng tụng là Thánh nhân và trở thành một vòng trong chuỗi Truyền Thống với câu nói bất hủ khi truyền ngôi cho ông Thuấn rằng:

“Tư, nhĩ Thuấn: Thiên chi lịch số tại nhĩ cung.

Doãn chấp kỳ trung.

Tứ hải khốn cùng

Thiên lộc vĩnh chung

Thuấn diệc dĩ mệnh Vũ. (L.N. XX. 1)

Chữ hán

Trong Đại Vũ Mô kinh thư 16 có lời sau:

Này Thuấn cái số của trời ở ngay tại lòng ngươi. Muốn đạt là người phải chân thành nắm vững cái nội ngã của ngươi thì sẽ đạt. Nếu không mà để cho dân chúng cơ khổ thì cái lộc Trời sẽ dứt. Về sau ông Thuấn cũng dùng những lời đó mà truyền lại cho vua Đại Vũ nhà Hạ mà ta có thể gọi là phương pháp để đạt Thiên chi lịch số như sau:

Nhơn tâm duy nguy,

Đạo tâm duy vi

Duy tinh duy nhất

Chữ hán

Doãn chấp quyết trung. Nhơn tâm có thể nguy, vì Đại tâm rất tế vi. Vậy chỉ có cách là giữ tâm hồn được tinh ròng chuyên nhất vững nắm cái nội ngã tâm linh của mình.

Thêm vào hai câu trên là chương “Hồng phạm” mà căn bản là Ngũ Hoàng cực trong Kinh thư nó là cái khung, hay là cơ cấu cho tất cả nền triết lý Việt Nho nên đã được quảng diễn ra trong quyển Chữ Thời. Trở lên là ba bản văn có thể coi như hàm chứa đại cương tất cả nội dung Truyền Thống Nho giáo, đã được Khổng Tử duy trì và truyền về sau. Nay chúng ta muốn nắm được then chốt thì việc đầu tiên là dẫm vào lốt chân người to lớn, tức là đặt đúng được đạo vào căn cơ của ông Bàn Cổ (xem Nhân Bản), tức vào quỹ đạo của nền Nhân bản tâm linh có thể mới hiểu được Đạo Nghiêu Thuấn tức là Tâm Đạo siêu linh.

Nếu không “tiễn tích” đạp vào vết chân người to lớn thì chỉ tới mức Thiện nhơn (l’honêtre homme) mà Khổng cho là “bất tiễn tích, diệc bất nhập ư thất, chữ hán” (L.N. XI. 19), tức là chưa theo được lốt chân người to lớn tâm linh, nên cũng không “nhập ư thất” tức là đạt “nhân tính”. Lúc đó có học cũng là chạy quanh ngoài cửa với sân. Chưa theo đúng được Tâm Đạo, nên không vào được trong nhà Thái Thất.

Lão giáo chủ trương “vô triệt tích” tức là xóa bỏ “vết chân”. Nho giáo cũng có một bậc “triệt tích” nhưng dành cho bậc Thánh nhân và thần nhân. Nhưng trước khi làm thánh nhân phải làm kẻ sĩ, rồi quân tử, mới có đà đi lên thánh nhân. Trước khi triệt tích thì phải tiễn tích, để rồi mới có tích để mà triệt.

Do đó mà Nho giáo đã tìm lên được đến gốc nguồn “Tổ thuật” và ngày nay được kiện chứng bằng vị trí sao trăng (theo luật précession des équinoxes như sẽ bàn trong cảo luận Chữ Thời) một trật cũng đi vào nội tâm khám phá vũ trụ tâm linh. Thành ra một đạo lý có Thống kỷ trong ngoài cùng với những nguyên lý thật quân bình như tam tài, nhất thể, chí trung hòa, nhất âm nhất dương v.v… như sẽ được quảng diễn trong các cảo luận về sau.

Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra “tiễn tích” hoặc nói kiểu huyền thoại “đạp lên lốt chân người to lớn” không có nghĩa chi khác hơn là đi đúng chiều “tiềm thức cộng thông nguyên thuỷ” (inconscient collectif primordial) mà khoa tâm lý các miền sâu đang tưng bừng khám phá ra, nó chính là kho báu những linh tượng của nhân loại được chôn giấu thật sâu bên cạnh suối thiêng gọi là Cam Tuyền. Như vậy Truyền Thống cũng chính là con đường khám phá mạch Cam Tuyền cho nên huấn điều căn cơ của Truyền Thống là bảo mình phải tự kiên trung với Nội Ngã của mình. Tinh hoa của Truyền Thống có thế thôi. Và đó là điểm cần được duy trì. Các bậc hiền triết đại thánh vẫn chủ trương có bấy nhiêu. Và chúng ta vui mừng ghi nhận từ ít lâu nay đã có những triết gia nhận thức lại được chân lý trên. Những người lo âu về tình trạng vong thân của con người, cũng chính là những người làm việc để trùng tu Truyền Thống mặc dù dưới danh từ khác.

Vậy thì ta có thể kết luận những triết gia tên tuổi nhất lại chủ trương Truyền Thống. Nietzsche có công đầu tìm ra chỗ đứt quãng Truyền Thống và ông tri hô như hỏa diệm sơn tung toé. Jaspers đưa vào triết lý những cái nhìn trên thời cuộc bao gồm sử vận của nhân loại rất giá trị. Heidegger rủ rỉ tán chữ nghĩa đem ra những tư tưởng sâu sắc. Còn nhiều nhóm khác không thể kể ra đây.

Nhận xét cuối cùng có tính cách rất hứng khởi và đầy thú vị: Truyền Thống chính là con đường có bảo đảm nhất để khỏi nói là duy nhất trong việc cập nhật hóa môn triết lý trung thực và mọi nền tư duy muốn có chất nuôi dưỡng tinh thần.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445330

Hôm nay

267

Hôm qua

2296

Tuần này

2939

Tháng này

211589

Tháng qua

120141

Tất cả

114445330