Những góc nhìn Văn hoá

Ám ảnh lục bát Đặng Hồng Thiệp

Tôi  bị ám ảnh với bài lục bát này của Đặng Hồng Thiệp :

           Nồng nàn hoa sữa vương vương

           Vầng trăng đắm đuối chùm thương trắng đầu .

Chỉ  hai câu lục bát mà làm nên một bài thơ  với cái tiêu đề Hoa Sữa , súc tích và ám ảnh .

Vâng đúng là hoa sữa rồi , và đằng sau cái hoa sữa ấy tác giả còn muốn gửi gắm điều gì nữa đây ?

Nếu như câu lục chỉ là câu mở lối thì thông điệp của tác giả nằm cả ở câu  câu bát . Vầng trăng đắm đuối , phải chăng chinh cái sự nồng nàn  của hoa sữa đã làm nên cái mênh mông của tâm trạng , rồi cả cái sự vương vương cũng tạo thành mớ bòng bong rối bời . Và đến bốn chữ cuối thì tứ thơ mới vỡ òa ra , chùm thương trắng đầu . Tóc bạc trên đầu , tác giả gọi đó là chùm thương thì tài thật , đặc biệt trong kết cấu bài này nó hòa với màu trắng của hoa sữa mở ý tưởng bài thơ ra một không gian rộng hơn để người đọc tự chiêm nghiệm tự khám phá .

Sinh thời nhà thơ Trịnh Thanh Sơn có đọc cho tôi nghe một bài lục bát dân gian , ông chỉ đọc một lần mà tôi bị ám ảnh mãi .

               Sáng nay bố nó đi cày .

               Có sang một cái ban ngày thì sang .

Lục bát thánh thật , cứ tửng tưng mà nói , kể cả những việc kiêng kị nhất lục bát đã lên tiếng thì chịu rồi , không ai cãi được . Tôi mạn phép bạn đọc để đưa ra một câu lục bát dân giã ngõ hầu làm rõ thêm sự kì diệu của lục bát .

                Em như hòn cứt trôi sông .

                Anh như con chó chạy rông trên bờ .

                     ( có nơi đọc là ngồi trông ) .

Vâng miễn bình phải không thưa các bạn .

Lan man một chút để trở lại bài lục bát của Đặng Hồng Thiệp , hình như ông cũng được lục bát dân gian nâng cánh , từ âm hưởng đến cấu trúc , từ lối nói đến lối dẫn dắt để người đọc không chỉ đọc một lần mà mỗi lần đọc đều tìm được một sự thú vị .

Tôi cho rằng cha ông ta đã tạo nên một thể thơ vừa phổ cập vừa uyên bác , đa tầng về cảm xúc lắng đọng trong thức tỉnh .

Gần đây có một nhóm người lấy ngày 6 tháng 8 âm lịch để coi như là ngày thơ lục bát . Tôi không phản đối ý tưởng này nhưng thiển nghĩ nếu chỉ nói thơ lục bát là thể thơ sáu tám thì quá đúng song vẫn còn thiếu cái gì đó thuộc về chất , ví dụ khi gọi hoa hồng không nhất thiết phải màu hồng mà có thể trắng hoặc vàng . Theo thiển ý của tôi   dĩ nhiên lục bát phải là sáu tám , nhưng để đạt tới cái gọi là lục bát thì chỉ sáu tám không chưa đủ ( vì thế lục bát biến thể vẫn nằm trong cấu trúc lục bát ) . Ví dụ câu lục bát cổ sau đây :

                    Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo .

                     Thất bát sông cũng lội , ngũ lục đèo cũng qua .

Hoặc câu này thì đích thực là của người xứ Nghệ :

                     Nhà anh ở núi Mu Rùa .

                     Cho anh một cái đến mùa anh trả khoai .

Có sáu tám đâu nhưng lục bát đấy chứ

Câu lục có thể hiểu như thế này chăng , lục là sáu , nhưng lục cũng là lục lộ , tức là một câu mở lối , khi tứ thơ đã được khai mở qua câu lục thì kế tiếp câu bát phải đưa người đọc vào mê hồn trận để vỡ òa ra , để giật mình và thích thú , tạm gọi là bát quái . Nói vậy cũng là cách nói khiên cưỡng , song chỉ để chứng minh một điều , lục bát là chất chứ không phải là số .

Và đây nữa Đặng Hồng Thiệp bằng thơ lục bát đã viết về mưa như thế này :     

         Mưa rơi mặt đất bần thần .

         Nhịp rơi là lạ vương trần nay xưa .

         Như giục giã như nhặt thưa .

         Mấy tầng tâm thế mây mưa hiện về .

         Theo dòng sông suối mải mê .

         Ngời trong hoang lạnh sao khuê nửa vành .

         Mưa rơi òa nụ khát xanh .

         Mang mang trở gió chảy lành sông xuân .

Ở bài này ông đã bứt phá ra hẳn lục bát phổ thông tuy nhiên nhịp điệu vẫn giữ được sự tinh tế của thể loại . Ở mỗi câu bát ông đều đưa ra được những bất ngờ  hay nói cách khác là những chiêm nghiệm mới về mưa . Tất nhiên đó chính là cách nhìn của thi nhân thông qua lối thơ truyền thống . Vâng xin bạn đọc dừng lại ở câu thứ sáu của bài thơ , đó chính là câu bát : Ngời trong hoang lạnh sao khuê nửa vành , một câu thơ không chỉ hay mà còn sắc sảo nữa , không phải ai cũng có cách nhìn như thế này về mưa , và không phải ai cũng nói được như thế này về mưa . Mở rộng  hãy xếp ra tất cả các câu bát của bài thơ chắc sẽ đồng tình với nhận xét của tôi .

Để có một bài lục bát giữ được truyền thống mà mang được phong cách hiện đại , nhà thơ đã đã hoàn thiện cho mình nhiều yếu tố trong đó yếu tố thi nhân không thể thiếu .

Còn ở bài Bến Sông thì lại khác , ông đã mượn bến sông ấy để viết về tình yêu , những chiêm nghiệm và trăn trở . Thử đọc thật kĩ bài này xem nhé :

          Tình yêu lụa thắm cánh diều .

          Lời xô sóng dậy tan chiều bất an .

          Đời vui sông chảy mênh mang .

          Bến sông cùng với ngút ngàn trôi … trôi .

          Tình dâng con nước bồi hồi .

          Phù sa bao hạt đắp bồi tháng năm .

          Sông ơi bến chẳng yên nằm .

          Sông cho bến chảy ngọt đằm bờ xa .

Một lối lục bát thoáng đãng mà không buông thả , biết ơn mà không hàm ơn , không ê  a theo luật bằng trắc , mà niêm luật vẫn nghiêm ngặt , nghe thấy sự động trong tĩnh , xếp ra theo trình tự bằng trắc thì ở bài này nói riêng và lục bát Đặng Hồng Thiệp nói chung có rất nhiều bứt phá , không lệ thuộc lắm vào bằng trắc giáo khoa . Hai câu : Sông ơi ! Bến chẳng yên nằm / Sông cho bến chảy ngọt đằm bờ xa thì quả là lục bát thật rồi .

Đặng Hồng Thiệp có lối nói nghịch trong lục bát nhưng rất thuận , đây là một thế mạnh của thể thơ này được ông khai thác triệt để , điển hình là bài nhen nắng :

            Nở hoa sương sớm giăng đầy .

            Ngỡ ngàng ướt đẫm vào ngày liêu xiêu .

            Đất trời nâng cánh phiêu diêu .

            Nắng bồi hồi nắng một chiều đầy vơi .

            Gặp em ngơ ngẩn hồn tôi .

            Mải mê nhen nắng lứa đôi ngập ngừng .

            Lở bồi con sóng rưng rưng …

Nếu câu lục mở đầu bằng nét phác thảo vào một buổi sáng sớm hoa nở sương giăng đầy , thật đẹp và huyền ảo , thì ở câu bát thứ hai ông  trở về ngay với tâm trạng liêu xiêu , và cứ thế nhịp trầm bổng nhắc lại ở câu thứ ba là câu lục vẫn là câu tả cảnh , đến câu thứ tư câu bát lại trở về với tâm trạng , sự luyến láy này ông duy trì thêm một cặp lục bát nữa , và kết thúc bài thơ bằng câu lục . Trong thể lục bát khi kết bằng câu lục là một sự lựa chọn rất khéo ,nếu không bài thơ sẽ bị hẫng , ở bài này ông đã thành công với cái kết bằng câu lục .

Khi tôi công bố bài viết về thơ tứ tuyệt của ông , có bạn đọc phản bác

Lục bát không phải thơ tứ tuyệt . tôi cho rằng bạn đọc đó đã nhầm . tứ có nghĩa là bốn , còn có tuyệt không lại là chuyện khác   , phải chăng bạn đã nhầm với thể thất ngôn tứ tuyệt .

Tôi không dám tranh luận với bạn đọc mà nhân việc này để nói đến bài Đèo Ngang của Đặng Hồng Thiệp , một bài lục bát hay , nhưng chưa đạt đến sự  tứ tuyệt

             Dấu chân xưa dấu chân nay .

             Ta tìm em gặp bước ngày xưa xa .

              Bước tinh mơ bước xế tà .

              Đèo Ngang lộng gió bóng ngà ngọc ai .

Cái chưa đạt đến sự tứ tuyệt chính là câu thứ tư , câu bát , hay nhưng không gây sự bất ngờ , hay trong sự bảng lảng của tâm hồn thi si . Nếu chọn lục bát ở tứ thơ này thì khó có thể làm nên tứ tuyệt . Vả lại khi làm thơ là cốt ở cái hay chứ chẳng phụ thuộc nó là gì .

Lục bát còn có một lối nói quá , nhưng không phải lộng ngôn , nói quá , nói ỡm ờ , nói xa xa một tý cốt là  dẫn đến một cái thực hiển nhiên , thủ pháp này được Đặng Hồng Thiệp thành thạo trong bài Mắt Em :

             Mắt em là suối nước trong .

             Chảy vào phảng phất tiếng đồng ngẩn ngơ .

            Nụ cười buộc cả tinh mơ .

            Quẩn quanh sợi chỉ xe tơ dặm tình .

Tán em như thế này thì dù tóc trên đầu thi nhân trắng xóa em vẫn ngả nghiêng khó có cơ hội chống đỡ được .

Đặng Hồng Thiệp có khá nhiều thơ lục bát , mà ở mỗi bài đều có sự thành công riêng .

Tôi muốn nói tới một bài lục bát mà theo tôi ông phải công phu lắm , không những về câu chữ , về hình ảnh mà còn cả về tri thức mới làm nên bài thơ ấy ( bài Mẫu Long ) :

              Mẹ rồng mây núi đi đâu .

              Vũ Giang vẫn chảy sông sâu xanh đời .

               Lối đền đất đỏ si tươi .

               Bạch Y công chúa ngói rơi lại lành .

               Đình xưa hết nỗi tam bành .

               Hương reo gió mới tặng danh tên làng .

               Tần ngần ký ức đa mang .

               Nghe thầm đất gọi bước ngang mấy chiều .

               Mây bay ba ngã mỹ miều .

               Đáy sông đá nổi phiêu diêu nắng vàng .

Tôi chỉ mạo muội đưa ra một số bài kiếm cớ trình bày thiển ý của mình về lục bát thông qua những vần thơ của ông .

Nhà thơ Quang Huy trong lần tham gia ban chung khảo cuộc thi thơ lục bát của tuần báo Văn Nghệ đã có câu bên lề cuộc thi như sau : “Cả nước biết làm lục bát cũng như cả nước biết luộc rau muống . Nhưng để luộc rau muống ngon cũng như lục bát hay thì chỉ đếm đốt tay trên bàn tay “. Phải chăng Đặng Hồng Thiệp chính là một trong nhị thập bát tú của bầu trời lục bát xứ ta .

                                                            Vĩnh Phúc dịp 30-4-2012

                                                                             T.V.T

    

                                                                                     

 

           

    

 

       

   

        

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569356

Hôm nay

2140

Hôm qua

2432

Tuần này

21739

Tháng này

227880

Tháng qua

129483

Tất cả

114569356