Lý do có được một thời thịnh trị như thế chỉ là vì hai vị vua đó đã rắp tâm tái kiến thể chế luật lệnh trung ương tập quyền. Để làm như vậy, họ đã ra đạo luật Engi no shôen seirirei (Diên Hỷ trang viên chỉnh lý lệnh, 902) bãi bỏ ruộng đất dành cho những giai cấp đưọc ưu đãi mang tên chokushiden (sắc chỉ điền) và shinno shiden (thân vương tứ điền) vốn là sản phẩm của một chế độ bất công. Cũng vào năm 902, thiên hoàng cho áp dụng chế độ handen (ban điền). Thế nhưng tình thực mà nói thì ngay cả thời điểm ấy, thể chế luật lệnh đã không còn giữ được hình dáng ngày xưa và đang trên đường suy vong. Nói cách khác, những qui tắc có tự buổi ban sơ không còn đủ sức để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chánh của nhà nước.
Lấy một ví dụ. Theo hộ tịch lúc ấy của làng Tanokami quận Itano địa phương Awanokuni thì trong 435 người dân thuộc 5 hộ, nam đinh chỉ có 59 người trong khi số phụ nữ là 376. Dĩ nhiên tỷ lệ nam nữ như thế là bất thường. Chúng ta đã được nghe giải thích là sự mất thăng bằng đó đến từ việc khai man (ngụy tịch = giseki) vì các suất đinh muốn tránh đóng tô thuế và làm sưu dịch. Cái mà người ta nhận thấy thực ra chỉ là một góc của băng sơn hay nói nôm na, phần rất nhỏ của sự thực. Ví bằng để chuyện ấy lan rộng, nguồn thu hoạch tài chánh quốc gia sẽ tổn thất trầm trọng, thể chế luật lệnh cũng như quyền uy nhà nước không còn gì. Chứng cứ là cuộc cấp phát đất làm nông năm 902 là cuộc cấp phát xảy ra lần cuối. Từ sau đó không còn thấy đâu ghi chép về handen nữa. Sự hỗn loạn về chính trị thời ấy còn để lại dấu vết trong Iken Fuuji Juunikajô (Mười hai ý kiến về sửa đổi chính trị) do Miyoshi no Kiyoyuki (Tam Thiện Thanh Hành), một chức quan cố vấn cho Thiên hoàng Daigo, soạn ra. Nhân vật này ngày xưa lúc ở địa phương Bichuu vốn làm việc rất có hiệu quả. Chẳng hạn ông ta từng huy động được 2 vạn suất đinh trong vùng vào lính. Thế mà bây giờ ở ngay địa phương đó, làm cách gì cũng không tìm ra lấy một người có thể trả thuế điệu, thuế dung. Do đó Miyoshi đã dâng bản điều trần nói trên, đưa ra đề nghị tiết giảm chi tiêu và cải cách chính trị.
Trước tình trạng đen tối như thế, nhà cầm quyền phải nghĩ đến việc thay đổi sách lược. Chính phủ chấp nhận không còn mỗi lúc mỗi ra chỉ thị cho các quan ở kokushi (quốc ty)[1] ở địa phương mà ủy thác hẳn việc cai trị cho họ, bù lại họ phải nạp một lượng thuế nào đó. Dưới chế độ luật lệnh, cho đến nay, kokushi khi hành sử quyền hành ở địa phương, thu thuế hay thảo văn thư đều phải chịu sự kiểm soát của trung ương.Thế nhưng theo chủ trương mới thì nội dung công việc của các kokushi đã đổi đi nhiều. Có nghĩa là từ nay quyền hành của họ ở địa phương rất rộng rãi.
Nếu nói một cách cụ thể thì sự việc sẽ xảy ra như sau. Dưới chế độ luật lệnh, các thứ thuế tô dung điệu đều được ấn định chặt chẽ. Nay thì khác, nhà nước thu được bao nhiêu thu bấy nhiêu, còn mọi sự tại chỗ, họ phó mặc cho ty kokushi. Trách nhiệm của kokushi với nhà nước chỉ còn là trưng thu làm sao để đủ nộp thuế. Nhằm nâng mức thu nhập, các ty kokushi lại khoán xuống cho những nông dân có thế lực việc canh tác ruộng đất trong một thời hạn nào đó. Thay vì lấy các thứ tô, dung, điệu như cho tới nay thì họ chỉ đòi hỏi những người ấy nộp một món thuế đổ đồng nào đó dưới hai cái tên kanmotsu (tiền nộp cho quan) hay nengu (niên cống) và rinji zôyaku (lâm thời tạp dịch) như kuji (công sự) và buyaku (phu dịch).
Như vậy thay cho tô dung điệu, người ta đã tạo ra một phạm trù thuế mới. Còn như về điền địa - đối tượng của thuế khóa – thì từ đó về sau, nó sẽ đi đôi với tên tuổi (myô = danh) của người có nghĩa vụ phụ đảm thuế. Miếng đất đó được gọi là myô (danh) hay myôden (danh điền). Người phụ đảm thuế thì được gọi là tato (điền đổ) [2], một thứ địa chủ. Trong số những anh tato này lại có kẻ biết câu kết với các quan kokushi để mở mang địa phận, lần lượt khai khẩn những vùng đất hoang hay đất tiếp giáp với nông trại của mình. Khi địa phận đã đủ rộng để canh tác đại qui mô thì họ không còn là một tato tầm thường nữa mà được gọi là daimyô tato (đại danh điền đổ). Xin lưu ý danh từ daimyô này.
Kết quả là chế độ hộ tịch ghi số các suất đinh để ấn định việc thu thuế thân (nhân đầu thuế) - tượng trưng cho nhà nước luật lệnh - đã hoàn toàn sụp đổ. Một qui chế đánh thuế mới dựa trên cơ sở các myô được thành lập tiếp đó.Myôden thành ra trung tâm tài nguyên của thể chế cho nên cũng có thể nói thể chế myôden trở thành thể chế quốc gia của thời kỳ này. Vì nhà nước bây giờ không còn là nhà nước của chế độ luật lệnh (ritsuryô kokka) nữa, khi nhắc đến nó phải dùng cái tên mới là “nhà nước vương triều” (ôchô kokka).
Về phần các quan trong kokushi, họ đã rời ra khỏi guồng máy nhà nước cấp trung ương, ở một chừng mực nào đó đã có quyền tự do đánh thuế dân chúng theo ý mình. Chúng ta có thể tưởng tượng dễ dàng điều này sẽ đưa đến hậu quả ra sao.Dĩ nhiên là sẽ nẩy sinh ra những bạo chúa nho nhỏ, không biết gì hơn là thoả mãn tư lợi tư dục.
Thí dụ điển hình hơn cả là sự kiện văn bản mang tên Owari no kunigunji hyakuseira no ge (gọi gọn là Owari koku gebumi) viết năm 988 (Eien 2). Gemon hay gebumi (giải trạng, giải văn) là lời báo cáo của quan cấp dưới lên trung ương. Qua văn bản đó, người ta thấy quan ở kokushi vùng Owari là Fujiwara no Motonaga (Đằng Nguyên Nguyên Mệnh) đã thi hành chính sách hà khắc đối với dân chúng để vét cho đầy túi tham như thế nào.Thời đó, trong tầng lớp các kokushi, những kẻ đứng lợi dụng chức vụ, giữ lập trường đặt ưu tiên cho tư lợi không phải là ít.
Lúc đầu, các quan kokushi chỉ là những chức quan địa phương. Quí tộc ở trung ương vốn chẳng cảm thấy thú vị tí nào khi được bổ nhiệm làm chức đó vì phải ra đi đến ở nơi heo hút, không có gì vui. Do đó, dù được lệnh bổ nhiệm làm ở kokushi, có rất nhiều quan kokushi không chịu bước ra khỏi kinh đô. Đi xa gọi là yônin (dao nhiệm) quá phiền hà, nha sở chỉ có những người gọi là mokudai (mục đại) thay họ làm việc tại chỗ. Vùng nào mà nha sở không có các chức quan kokushi cai trị trực tiếp thì đặt ra surudokoro (lưu thủ sở), công việc hành chánh của sở ấy sẽ do các viên chức địa phương tuyển từ đám con nhà hào tộc sở tại đảm đương.Những người này có tên là zaichô (tại sảnh) hay zaichô kanjin (tại sảnh quan nhân). Địa vị của họ truyền theo lối thế tập.
Mặt khác, những quan kokushi thực sự chịu đi phó nhậm được gọi là zuryou (thụ lĩnh) vì họ đến lãnh chức vụ thực sự. Fujiwara no Mononaga vừa được nhắc đến cũng thuộc hàng quan lại này. Tập truyện Konjaku Monogatari (Kim tích vật ngữ) kể chuyện xưa nay có thấy chép về quan trấn thủ xứ Shinanolà Fujiwara no Nobutada (Đằng Nguyên Trần Trung). Theo đó, trên đường đáo nhiệm, Nobutada tình cờ bị té ngựa rơi xuống vực sâu mà chỉ lo gom nhặt nấm hiratake như huê lợi tịch thu từ mảnh đất nơi mình rơi xuống. Câu chuyện nhằm châm biếm sự tham lam của các zuryô.
Khi đã thành công trong việc thu hoạch của cải nơi phó nhậm, các kokushi mới đem một số tài vật riêng tây tiến cúng vào việc xây cất chùa chiền hoặc dâng cho triều đình tổ chức lễ lạc hội hè. Họ sẽ được đền bù bởi nhà nước bằng chức tước cao hơn hay được bổ nhiệm lâu dài tại một vùng béo bở, ân huệ gọi là chônin (trùng nhiệm).
4.2 Tổ chức của các trang viên “ký tiến”:
Shôen (trang viên) – nói cách khác là ruộng đất tư hữu - theo thông lệ được phân ra làm 2 loại. Loại thứ nhất gọi là “trang viên thời kỳ đầu” (shoki shôen = sơ kỳ trang viên) đã có lần được nhắc đến, loại thứ hai là loại “trang viên dâng cúng” (nguyên văn kishinchikei shôen = trang viên xây dựng trên đất ký tiến).
Khoảng thế kỷ thứ 8 đến thứ 9, dưới chế độ luật lệnh, khi thấy công điền công thổ không có đủ để phân phát thành ruộng khẩu phần cho dân cày, nhà nước nghĩ ra cách khuyến khích bằng cách cho lập những trang viên (trang viên thời kỳ đầu) từ đất đai mà người dân đã khẩn hoang được. Những nông dân đủ tài lực đã đáp lại lời kêu gọi của nhà nước, tự mình ra tay khai khẩn mà thành của mình nên những cơ sở đó mới mang tên “sơ kỳ trang viên” (shoki shôen hay jikonchikei shôen, có nghĩa là trang viên xây dựng trên đất hoang tự khai khẩn). Duy có điều là khi nhà nước luật lệnh suy vong thì chế độ này cũng suy tàn theo.
Từ thế kỷ thứ 10 trở đi, tình hình đã đổi khác. Hình thái mới của trang viên là “trang viên ký tiến”. Chúng ta sẽ xem loại trang viên này thành hình như thế nào?
Trang viên sơ kỳ trước đây vì bối cảnh ra đời của nó là đối tượng thuế khoá. Đất ruộng của nó là loại yusoden (du tô điền), chữ dùng để phân biệt với loại ruộng fuyuso (bất du tô) không bị thuế. Ruộng đất của trang viên sơ kỳ bị đánh thuế là để tăng mức thu nhập tài chính cho quốc gia, hoàn toàn phù hợp với chính sách của nhà nước luật lệnh.
Ngược lại, đến khi giới quí tộc và các chùa chiền thần xã lớn ngày càng lấn lướt và quyền lực nhà nước luật lệnh của thiên hoàng chỉ còn là cái bung xung cho các quan sesshô kanpaku thì sự thể đã đổi hướng. Quý tộc và đại tự xã dần dần mạnh ra, gây được áp lực đủ để cho chính quyền trung ương miễn thuế cho họ. Cụ thể mà nói, thời ấy, chính quyền trung ương là ai? Chẳng qua là nhóm đại quí tộc chung quanh tập đoàn Fujiwara vốn là những kẻ chiếm lĩnh ruộng tư hữu (trang viên) nhiều nhất.Mục đích của những người này không phải là sự duy trì chế độ công điền công lãnh để chia cho dân. Họ chỉ muốn đặt ưu tiên số một cho việc bảo vệ lợi ích của cá nhân và tập đoàn.
Kết quả là các chức Daijôkan (Thái chính quan, như Thủ tướng) và Minbushô (Dân bộ tỉnh hay Bộ Nội Vụ) có đặc quyền nhìn nhận chủ trang viên nào là người có quyền khỏi đóng thuế (gọi là fuyu no ken = bất du quyền). Từ đó nẩy ra một hình thức trang viên mới .
Daijôkan và Minbushô có quyền ban phát các chứng minh thư (gọi là fu = phù) cho nên những trang viên miễn thuế mới có tên kanshôfushô (quan tỉnh phù trang). Thế rồi, tại các địa phương, quyền miễn thuế lọt vào tay các kokushi. Trang viên được lệnh kokushi cho miễn thuế gọi là kokumen no shô (quốc miễn trang).
Xin biết là từ hậu bán thế kỷ thứ 10 về sau, những daimyô tato tức địa chủ đã tích cực sử dụng tá điền địa phương (sakunin = tác nhân, genin =hạ nhân) khai thác đất đai. Đến thế kỷ thứ 11 thì những ông chủ này được gọi là kaihatsu ryôshu (khai phát lãnh chủ), nhiều người đã có khả năng chi phối cả một diện tích rộng lớn như đại địa chủ. Trong số đại địa chủ ấy, nhiều người lại tùng sự ở các nha sở trong vùng (kokuga = quốc nha) dây dưa vào cả công việc hành chính.
Lại nữa, các đại địa chủ khẩn hoang (kaihatsu ryôshu) khi bị áp lực đánh thuế của kokushi địa phương phải tìm cách bảo vệ ruộng đất mình khai thác được nên mới tìm cách nương tựa vào giới quí tộc trung ương hay các đại tự xã (gọi chung là kenmon seika = quyền môn thế gia, hay cửa quyền) bằng cách trên danh nghĩa dâng cúng (kishin = ký tiến) cho họ. Từ đó, chủ nhân các lãnh địa mới mượn hơi hùm cửa quyền để thoát ra khỏi áp lực và sự kềm kẹp của bọn kokushi.
Cách đối phó của giới đại địa chủ phải nói là rất khôn khéo. Quý tộc và tăng lữ đại tự viện chấp nhận đất tiến cúng của các đại địa chủ được gọi là ryôke (lãnh gia). Ryôge dùng quyền uy của mình để bảo vệ đất cát cho đại địa chủ và để đánh đổi lại, nhận từ đại địa chủ một phần thu nhập từ hoa màu.
Khi mà đất đai tiến cúng có đối tượng là đại quý tộc hay hoàng tộc vốn nhiều thế lực thì các ông “chủ đất mới” mang tên là honke (bản gia) chứ không phải đơn thuần là ryôke (lãnh gia) nữa. Giữa hai giới này hãy còn có một quan hệ đổi chác (give and take), tất cả đưa đến một hiện tượng lạ lùng là một cuộc đất có khi có rất nhiều ông chủ nằm trùng lên nhau. Nhân đây phải nói rằng trong trường hợp như vậy, người chủ có thực quyền được gọi bằng cái tên là honjo (bản sở).
Đương thời, quyền lợi nói trên được mệnh danh là shiki (chức), vì thế đặc quyền của ryôke và honke mới có tên là ryôkeshiki (lãnh gia chức) và honkeshiki (bản gia chức). Còn bọn đại địa chủ trên thực tế khai thác tại chỗ những lãnh địa đó và thay mặt người chủ đất bậc cao kia (ryôke, honke) để quản lý trực tiếp đất đai có danh xưng là geshi (hạ ty) hay shôkan (trang quan) và hưởng phần quyền lợi gọi là geshishiki (hạ ty chức).
Như thế, ta đã thấy loại trang viên ký tiến thành hình bằng cách nào. Đến giữa thế kỷ thứ 11 thì hình thức trang viên kiểu này đã lan ra khá rộng. Đất đai trong nước dần dần thoát ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước.Chế độ đất đai thời luật lệnh đã chịu một sự thay đổi lớn.
Cùng với sự phát triển bên trong nội bộ các trang viên, phạm vi thoát thuế (bất du điền) càng ngày càng rộng và sự xung đột giữa giới chủ đất và các kokushi với thời gian trở nên nghiêm trọng.Giới lãnh chúa trang viên lợi dụng chức quyền ngăn cấm cả bộ hạ của kokushi là những kendenshi (kiểm điền sứ, một thứ thanh tra) đến xem xét vì cảm thấy sự hiện diện của chức thanh tra này rầy rà mắt họ. Họ có cả một đặc quyền gọi là fu.nyuu no tokken (bất nhập đặc quyền). Không đóng thuế, lại cấm được cả người khác vào kiểm tra, với cái đà như thế, cuối cùng nhà nước không còn có thể can thiệp vào việc làm của trang viên nữa. Thể chế bấy giờ có thể gọi là thể chế lãnh chúa thực sự vì cả đất đai và dân cư đều bị một lãnh chúa tư nhân cai quản.
Trực diện với tình thế mới, các kokushi cũng muốn nhúng tay chỉnh lý các trang viên cho nên sự đối lập giữa họ và các lãnh chủ (chúa) trang viên trở nên sâu sắc.Thế nhưng ngược lại, có một số kokushi khi sắp mãn nhiệm kỳ cũng dùng quyền cấp giấy phép mở rộng trang viên để đổi lấy một số quyền lợi.
Như thế, kể từ thế kỷ thứ 10 trở đi, trang viên do giới quí tộc và các đại tự viện nắm lấy càng ngày càng tăng diện tích nhưng cũng không nên quên rằng, ở mỗi vùng (kuni), ngoài các trang viên , vẫn còn có công điền công thổ mang tên kôryô (công lãnh) hay kokugaryô (quốc nha lãnh) đặt dưới sự giám sát của các quan kokushi.
Khi thế lực của hào tộc và các địa chủ tự khai khẩn lan xa như vậy, các kokushi (quốc ty) mới tổ chức lại các đơn vị hành chính trong vùng mình cai quản (kuni =quốc) thành
những gun (quận), gô (hương = làng) và ho (bảo = xóm). Họ bổ nhiệm các gunji (quận ty), gôshi (hương ty) và hoshi (bảo ty) phụ trách thu thuế cho mình. Cùng lúc, trong các kokuga (quốc nha) kokushi cũng đặt ra cơ cấu hành chính như tadokoro (điền sở = sở điền địa), saisho (thuế sở = sở thuế) và trên thực tế, gửi người dại diện của mình tức các mokudai (mục đại = người tai mắt) ra đó chỉ đạo việc làm của các viên quan ấy.
Như thế, các gunji, gôshi, hoshi và các quan chức trong nha sở (gọi là zaichô kannin = tại sảnh quan nhân) cùng nhau quản lý các khu vực công điền công thổ (gọi là công lãnh = kôryô). Nhân vì có tình trạng “trang viên ký tiến” xảy ra cho nên hệ thống khu phân hành chính thời ấy đã biến thành hình thức hỗn hợp. Thứ tự koku (quốc), gun (quận), ri (go = lý hay hương) từ trên xuống dưới vào thời luật lệnh trước đây đã biến thành koku (quốc), shô (trang), gun (quận), gô (hương). Như vậy trang viên (đơn vị hành chính tư) được đặt ngang hàng với gun, gô (đơn vị hành chính công) trong thể chế mới.
Trong các shôen và kôryô dã thành hình, đất canh tác phần lớn đều là myôden (danh điền) tức đất có tên chủ và được chia cho những tato (điền đổ) nghĩa là nông dân có thế lực (hakushô = bách tính). Từ danh nghĩa một người được chia myôden, họ mang tên là myôshu (danh chủ) và hưởng nhiều quyền lợi.
Các myôshu đem một phần myôden chia cho những nông dân lệ thuộc mình, tức là các genin (hạ nhân, shojuu =sở tùng, tay chân) và các nông dân nhỏ khác gọi là sakunin (tác nhân) để họ canh tác cho mình. Myôshu (Danh chủ tức điền chủ) phải cung cấp nengu (niên cống), kuji (công sự) và buyaku (phu dịch) cho ryôshu (lãnh chủ, chúa), đóng vai trò chủ yếu trong đám nông dân.
Chính vì có chính sách điền địa đặt trang viên ngang hàng với công lãnh như thế mà chế độ nông nghiệp thời ấy có tên là shôenkôryôsei (trang viên công lãnh chế). Nó đã được duy trì mãi về sau.
Tuy hệ thống có phức tạp nhưng xin chú ý đến tính cách nhị trùng của nó :
-
Công và tư, công lãnh và trang viên tồn tại song hành.
-
Danh nghĩa và thực tế, kẻ có quyền sở hữu và người thực sự khai thác.
-
Tầng lớp hưởng thụ và tầng lớp lao động.
Cuộc sống vật chất của người thời luật lệnh
Về cái ăn, dĩ nhiên có sự cách xa giữa bữa cơm trong cung và nơi nhà người dân thường nhưng nói chung, người Nhật thời đó ăn uống rất đạm bạc. Sau đây là các chức vụ lo về cơm nước trong Kunaishô (Cung nội tỉnh):
-Daizenshiki (Đại thiện chức) lo về cơm nước, làm ra tương dầu bánh trái.
-Kusuri no tsukasa (Điển dược liêu) lo trồng cây thuốc và các loại sữa, chất béo.
-Misa no tsukusa (Tạo tửu ty) lo việc cất các loại rượu.
-Mohitori no tsukasa (Chủ thủy ty) lo nước và trữ nước đá.
Cho dù là yến tiệc cũng chỉ có cơm trắng, canh, các thức thịt, cá, rau củ muối, các loại bánh làm bằng đậu và bánh lúa mạch đem nướng lên.
Người bình dân không đụng được tới cơm trắng mà phải ăn gạo lức, kê, uống rượu đục và nước chắt từ bã rượu. Nhà tu không ăn thịt nhưng được uống sữa. Thiên hoàng Shômu, một ông vua sùng đạo Phật, cấm các loại thịt như bò, ngựa, chó, khỉ, gà. Do đó người ta thấy người Nhật không có thói quen thịt trừ người bình dân vốn không có lòng tin tôn giáo cho lắm, thế nhưng họ lại không có đủ phương tiện.
Về cái mặc, vào thời Nara chẳng hạn, thì có lễ phục để dự lễ, triều phục khi đi làm của quí tộc và quan lại, thường phục của dân chúng và tăng phục của các nhà tu hành.Lễ phục long trọng nhất, lụng thụng, có mão, hốt, đai, đao, hài, màu sắc phải theo đúng chức phận. Thường phục của dân chúng giản dị bằng vải gai, vải bố và cũng gọn gàng hơn. Các tăng lữ mặc áo cà sa rộng tay theo kiểu Bắc Ngụy.
4.3 Phản loạn ở các địa phương. Hai họ Taira và Minamoto lộ diện:
Thế kỷ thứ 10 đánh dấu sự suy tàn của nhà nước luật lệnh đưa đến sự biến chất của chính trị đia phương. Cùng với sự lớn mạnh của các tay hào tộc và nông dân có thế lực, để củng cố và phát triển thế lực của mình, việc vũ trang giáo mác cung tiển, việc sử dụng ngựa chiến là điều không tránh khỏi. Họ đã trở thành những chiến sĩ, có cái tên là bushi (vũ sĩ, võ sĩ). Xã hội càng hỗn loạn, vai trò can thiệp của bushi càng rõ rệt.
Dân binh theo các bushi được gọi là tsuwamono (binh). người trong cùng một gia đình thì gọi là ie no ko (gia tử), kéo theo bầu bạn bè lũ họp thành rôtô (lang đảng) hay rôjuu (lang tùng). Họ tụ họp thành đoàn, tranh đoạt và đánh lẫn nhau, có khi chống đối lại quyền lực nhà nước mà điển hình là các quan kokushi. Lần hồi nhóm bushi liên kết chung quanh các hào tộc địa phương. Đặc biệt ở vùng biên cảnh, các tay đại hào tộc sở tại có truyền thống lâu đời đã bắt tay với con cháu những kokushi đã mãn nhiệm kỳ mà chưa muốn rời nhiệm sở, tạo thành những tập đoàn qui mô lớn. Đó là các bushidan (vũ sĩ đoàn, võ sĩ đoàn) vậy.
Vùng Kantô tức khoảng từ Hakone trở về Đông, nơi sinh sản ngựa hay, những bushidan nổi tiếng đã thành hình. Dòng họ Kanmu Taira (Hoàn Vũ Bình, vì là họ Taira và xưng là hậu duệ của Thiên hoàng Kanmu) sinh ra được viên tướng dõng mãnh Taira no Masakado (Bình, Tướng Môn, ? - 940). Masakado lấy Sashima thuộc Shimôsa no kuni (phiá bắc tỉnh Chiba bây giờ) làm căn cứ, năm 935 (Jôhei 5) để tập họp thế lực, nhiều lần đã gây chiến giữa họ hàng, giết cả chú mình là Kunika.

Taira no Masakado, viên mãnh tướng,
từng mưu hùng cứ một phương
Sau đó Masakado vì chống lại kokushi đã kết hợp với các tay hào tộc cùng nhau nổi loạn. Năm 939 ( Tengyô 2), quân Masakado tấn công và hạ được các vùng lân cận như Hitachi, Shimotsuke, Kôzuke, chinh phục hết phân nửa Kantô, tự xưng là hoàng đế mới (Shinnô = Tân hoàng). Dĩ nhiên danh hiệu ấy dùng để chứng minh thế lực đối kháng với thiên hoàng và chủ trương bá quyền ở vùng Kantô nhưng chỉ qua năm sau, Masakado bất ngờ bị hai tướng Taira no Sadamori (Bình, Trinh Thịnh) và Fujihara no Hidesato (Đằng Nguyên, Tú Hương) tấn công, thua chết. Sử chép là Taira no Masakado no ran tức Loạn Taira no Masakado, sau trở thành đề tài cho tác phẩm văn chương chiến ký gọi là Shômonki (Tướng Môn Ký, 940 về sau). Sách chỉ có một quyển, viết bằng chữ Hán nhưng nặng hơi văn Nhật, hình như do một tăng lữ soạn.
Lúc ấy, ở miền tây cũng xảy ra một biến cố tương tự. Fujiwara no Sumitomo (Đằng Nguyên Thuần Hữu), một cựu kokushi vùng Iyo, đã dẫn hải tặc khuấy phá một vùng biển nội địa Seto, lại từng công hãm hai phủ Iyo (Ehime) và Dazai (Kyuushuu), làm cho triều đình kinh hoàng. Để dẹp loạn, triều đình phái con cháu họ Seiwa Genji (vì tên là Minamoto và là con cháu Thiên Hoàng Seiwa) là Minamoto no Tsunemoto (Nguyên, Kinh Cơ) và tướng Ono no Yoshifuru (Tiểu Dã, Hiếu Cổ) trấn áp. Hai cuộc loạn này gọi là Shôhei-Tengyô no ran (Loạn năm Shôhei Tengyô, Thừa Bình-Thiên Khánh). Cần chú ý đến tên tuổi hai tướng nhà Taira và Minamoto xuất hiện lần đầu ở đây. Sau này hai dòng họ võ biền đó sẽ đóng vai trò lịch sử trong những chương kế tiếp.
Hai cuộc khởi loạn đã xảy ra đồng thời như vậy đã cho ta nhìn thấy được điều gì?
Thực ra người được triều đình cử đi dẹp cả hai cuộc nổi dậy này đều là chức Chinh di đại tướng quân Fujiwara no Tadafumi (Đằng Nguyên Trung Văn) thế nhưng khi quân ông vừa chưa đến nơi thì các nhóm bushi sở tại đã dẹp loạn hộ xong rồi. Ý nghĩa lịch sử của hai cái loạn đời Shôhei Tengyô này là nó phơi bày sự yếu kém của thế lực triều đình trong việc chỉ đạo hành chánh và quân sự ở địa phương. Cùng một lúc chứng tỏ giới bushi sở tại đã có thực lực đáng kể.
Có lẽ vì hiểu ra được sức mạnh đáng kể của giới bushi mà đến lượt triều đình và quí tộc trung ương thi nhau tìm cách đưa họ vào làm người giúp việc, hầu cận (thị = samurai) mình. Ví dụ nhóm võ sĩ gọi là Takiguchi no bushi (Takiguchi là tên một khu vực trong cung) được mướn để bảo vệ cung cấm, gia đình quí tộc cũng như tuần tra trong thành phố. Họ cũng được lãnh nhiệm vụ lùng bắt, áp giải trộm cướp và giữ trị an như trường hợp các chức suibushi (truy bổ sứ) và ôryuushi (áp lĩnh sứ)
Cứ như thế cho đến thế kỷ thứ 11, khi mà các lãnh địa tư của những địa chủ khai thác đã mở rộng và có nhu cầu được bảo vệ thì các bushidan ở địa phương cũng được phát triển theo, khi thì họ phục vụ giới quí tộc sở tại, khi thì phục vụ nhóm quan lại đang điều hành các công lãnh. Đến lượt những nhân vật địa phương có liên hệ huyết thống với giới quí tộc trung ương cũng tổ chức những bushidan với qui mô lớn hơn và đứng ra giữ vai trò tôryô (thủ lãnh, nhưng chữ Hán viết là đống lương trong cái nghĩa rường cột) và dần dần tạo nên những thế lực đáng kể.
Lược đồ nguồn gốc họ Minamoto (lược đồ số 1):
Thiên hoàng Seiwa (Thanh Hòa) à Hoàng thân Sadasumi (Trinh Thuần) àMinamoto no Tsunemoto (Hoàng tử Tsunemoto) àMitsunaka (Mãn Trọng) à 1 Yorimitsu (Lại Quang), 2 Yorinobu (Lại Tín).
2 Yorinobu àYorioshi (Lại Nghĩa) à1 Yoshiie (Nghĩa Gia), 2 Yoshimitsu (Nghĩa Quang).
1 Yoshiie à 1 Yoshichika (Nghĩa Thân), 2 Yoshikuni (Nghĩa Quốc)
1 Yoshichika àTameyoshi (Vi Nghĩa).
2 Yoshikuni à 1 Yoshishige (Nghĩa Trọng, tổ họ Nitta tức Tân Điền), 2 Yoshiyasu (Nghĩa Khang, tổ họ Ashikaga tức Túc Lợi).
Cần chú ý đến họ Ashikaga, sau này sẽ đánh bại chính thân tộc mình là họ Nitta và sáng nghiệp Mạc Phủ Muromachi)
Dòng họ Minamoto con cháu Thiên hoàng Seiwa trú ngụ xứ Settsu được gọi là Seiwa Genji (Gen còn đọc là Minamoto). Tổ của họ là Minamoto no Mitsunaka. Hai con của ông này, Yorimitsu và Yorinobu tiếp cận với gia đình các sekkan, được sự bảo hộ của họ để trở thành thủ lĩnh (tôryô = đống lương) thanh thế lừng lẫy.Năm 1028 (Chôgen 1) Yorinobu thành công trong việc dẹp loạn Taira no Tadatsune (Bình, Trung Thường) ở vùng Kazusa (trung bộ Chiba), đã tạo cơ hội cho họ Minamoto lập được căn cứ địa miền Đông.
Ở vùng Tôhoku (Đông Bắc) lúc ấy, hào tộc địa phương là họ Abe (An Bồi) trở nên hùng mạnh. Để đối phó, Minamoto no Yoriyoshi (Nguyên Lại Nghĩa) – con trai Yorinobu (Lại Tín) được triều đình cử ra làm chức trấn thủ vùng Mutsu hay Michinoku (Lục Áo, tức năm địa phương ở bắc Tôhoku). Yoriyoshi cùng Yoshiie[3], con mình, dẫn quân bản bộ là các võ sĩ miền Đông (Tôgoku, chung quanh Tôkyô bây giờ) lên đánh dẹp. Với sự tiếp sức của một hào tộc khác vùng Dewa (Xuất Vũ) gần đó là họ Kiyohara (Thanh Nguyên), ông đã diệt được cánh nhà Abe. Sử chép cuộc chinh phạt dó là Zen kunen no eki ( Chiến dịch chín năm đầu, thực ra kéo dài 12 năm: 1051-1062), nó là nguồn cảm hứng cho bộ tiểu thuyết chiến tranh (gunki monogatari) nhan đề Mutsuwaki (Lục Áo Thoại Ký, 1062, Truyện xứ Mutsu)[4].
Sau đó, dòng họ Kiyohara, tập đoàn quan trọng của một vùng Mutsu-Dewa rộng lớn thấy có dấu hiệu rạn nứt nội bộ. Lúc đó Yoshiie thay cha làm chức trấn thủ xứ Mutsu. Ông đã giúp một người con cháu họ Fujiwara (nhưng mẹ tái hôn với họ Kiyohara) là Fujiwara (Kiyohara) no Kiyohira ( Thanh Hành) bình định được nội loạn. Sử chép đây là Go sanen no eki ( Chiến dịch ba năm sau, 1083-1085).
Qua hai chiến dịch đó, dòng họ Minamoto đã thắt chặt được mối quan hệ chủ tớ với bushidan vùng Kantô (Quan Đông)[5] và xác định được vị trí người thống lĩnh (tôryô = đống lương) của mình. Kết quả là kể cả những kẻ trong nhóm bushidan miền Đông cũng tiến dâng đất cho Yoshiie, nhân vật thực lực hơn cả, để mong được ông này che chở. Thấy thế triều đình vội vã tìm đủ cách nghiêm cấm.
Sau khi Yoshiie (1039-1106) không còn ở Ôu (Áo Vũ, gồm Mutsu lẫn Dewa) nữa thì Fujiwara no Kiyohira dần dần nới rộng ảnh hưởng.Trải qua 3 đời Kiyohira (1056-1128), Motohira (Cơ Hành, không rõ năm sinh năm mất), Hidehira (Tú Hành, ? – 1187), dòng họ Fujiwara đất Ôu (Ôu Fujiwara shi) rất phồn vinh. Trong 100 năm liên tiếp, ở căn cứ địa Hiraizumu (Bình Tuyền), họ chứa chất đầy vàng bạc, người ngựa, trở nên giàu có, du nhập văn hóa hoa mỹ của Kyôto. Họ thành lập hệ thống mậu dịch với các địa phương miền bắc và tạo cho mình một văn hóa đặc biệt, như thể “triều đình riêng một góc trời”. Ngôi điện thờ Chuusonji Konjikidô (Trung Tôn Tự Kim Sắc Đường) thếp toàn vàng ở Hiraizumi và Shiramizu Amidadô (Bạch Thủy A Di Đà Đường) ở Mutsu cùng với Fukiji Ôdô (Phú Quý Tự Đại Đường) ở Bungo (Phong Hậu) đảo Kyuushuu là những kiến trúc A Di Đà Đường do các tay hào tộc địa phương xây dựng có trình độ mỹ thuật Phật giáo tông Tịnh Độ cao.
Tóm lại, trên đây chúng ta đã điển qua những nét đặc trưng của chế độ trang viên và giai cấp vũ sĩ tân hưng cũng như liên hệ giữa chúng với nhau.
[1] Kokushi (quốc ty) có 4 loại quan tòng sự: thủ (kami), giới (suke), duyện (jô) và sakan (mục). Kami là chức đứng đầu, còn các quan khác phụ tá cho ông.Dưới họ lại có sử sinh (shijô) giống như thong phán. Trụ sở của kokushi gọi là kokuga (quốc nha), đất đặt kokuga gọi là quốc phủ (kokufu).
[2] Trong tiếng Hán, đổ có nghĩa là vách ngăn, tường chắn cho nên điền đổ có thể hiểu như một khu vực ruộng đất được khoanh vùng..
[3] Minamoto Yoshiie, 1039-1106, võ tướng xuất sắc và thi nhân waka tài hoa. Nổi tiếng nhờ hai chiến dịch miền Đông Bắc và tạo được cơ sở cho tập đoàn võ sĩ Minamoto ở vùng Quan Đông.
[4] Tác phẩm tiên khu của thể loại tiểu thuyết chiến tranh, không rõ tác giả.Viết bằng Hán văn theo thể cách điệu tức nặng về khuôn sáo.
[5] Xưa có nghĩa là 9 châu từ đèo Hakone trở về phía đông, nay chỉ sáu tỉnh gồm Tôkyô và vùng phụ cận) để phân biệt với Kansai (Quan Tây) tức vùng Kyôto-Ôsaka.