Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 20)

Tiết 5: Chính trị “viện sảnh” ra đời. Chính quyền họ Taira.

5.1 Thái thượng hoàng Go-Sanjô thân chính. Chính trị “viện sảnh” mở màn:

Đến đây, thời đại chuyển đổi từ cổ đại bước qua trung đại. Đặc điểm của buổi giao thời này là sự phát triển của chính trị viện sảnh, tức insei (viện chính) cũng như sự tập trung quyền lực trung ương vào tay gia đình họ Taira (còn gọi là Heike).

Như ta biết chính trị của các nhiếp chính và quan bạch (sekkan seiji = nhiếp quan chính trị) đạt đến đỉnh cao quyền lực với Fujiwara no Michinaga, sau đó được nối tiếp bởi  con trai cả của ông là Yorimichi nhưng từ đó về sau, dịp may trở thành ngoại thích của gia đình thiên hoàng không còn nữa.

 Một phần cũng vì giữa con gái Yorimichi (992-1074) và thiên hoàng không có con trai. Một vị thiên hoàng mà mẹ không xuất thân từ gia đình Fujiwara đã lên ngôi. Đó là Thiên hoàng Go-Sanjô (Hậu Tam Điều, trị vì 1068-1072). Ông tìm cách tự mình đứng ra điều khiển chính sự.Và cũng vì thế mà thời đại mới có sự chuyển hướng.

Mẹ Thiên hoàng không sinh ra từ gia đình sekkan. Bà ta là một công chúa tên là Teishi (Trinh tử), con gái Thiên hoàng Sanjo (Tam Điều). Chuyện thiên hoàng trở lại thân chính lúc ấy là lần đầu tiên trong vòng 170 năm, kể từ thời Thiên Hoàng Uda (Vũ Đa, trị vì 887-897). Nói về nhân vật Thiên hoàng Go Sanjô thì người ta biết ông lên ngôi tương đối muộn. Năm 1068, ông đã 34, cái tuổi khá thông hiểu việc đời. Ông lại ấp ủ nhiệt tình đối với việc trị nước và bản thân có cá tính. Ông tự tay tuyển chọn những người có học thức như Ôe no Masafusa (Đại Giang Khuôn Phòng) đãt họ vào chức vụ quan trọng, đứng trước gia đình sekkan thì vẫn không ngần ngại bày tỏ thái độ muốn cải cách quốc chính.

Việc cải cách ưu tiên của ông – như đã có lần đề cập ở phần trên – đó là phát lệnh chỉnh lý trang viên Enkyuu no shôen seirirei vào năm Enkyuu (Diên Cữu nguyên niên, 1069). Thiên hoàng đã nhận thấy các trang viên khi phát triển đã xâm lấn vào lãnh địa công cho nên hạ lệnh thiết lập cơ quan gọi là Kirokusho (Ký lục sở). Việc chỉnh lý các trang viên xưa nay vẫn giao cho các quan kokushi ở địa phương thì nay rút về, đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của hai đại thần có khuynh hướng chống gia đình các sekkan là Minamo to no Tsunenaga (Nguyên, Kinh Trường) và Ôe no Masafusa.Cách thức kiểm soát của hai ông là bắt các trang viên phải trình giấy tờ chứng minh đất cát và so sánh giấy tờ ấy với báo cáo của các quan kokushi xem có trùng hợp hay không. Các ông bất kể chúng là trang viên thuộc gia đình sekkan hay không, hể là trang viên chỉ vừa mới ra đời và thiếu giấy tờ, không đúng qui luật là bắt đình chỉ ngay. Phương pháp ấy đã thu lượm được nhiều thành quả.

Thái độ cứng rắn của thiên hoàng đã làm cho trưởng tộc nhà Fujiwara lúc bấy giờ là Yorimichi và Iwashimizu Hachimanguu, sở hữu chủ một nhóm trang viên quan trọng, phải thất kinh. Sách Gukanshô (Ngu Quản Sao)[1] của tăng Jien (Từ Viên) đã ghi laị rành mạch phản ứng của Yorimichi lúc đó như sau:

“Sau nhiều năm có công phò tá thiên hoàng, các trang chủ người này người nọ ngỏ ý tiến dâng đất đai cho gia đình sekkan chúng thần.Trước hảo ý đó, chúng thần chỉ biết nói “Thế à?” rồi thâu nhận, cho nên làm gì có công văn chứng cứ nó là đất thuộc về mình.Nay nếu thiên hoàng muốn chỉnh lý trang viên thì xin người cứ việc, chẳng cần phải ngần ngại chi cả”

Vì ngài Ujidono (tên hiệu của Yorimichi vì ông có biệt thự ở vùng Uji, ngoại ô Kyôto LND) đáp như thế nên câu trả lời lại làm lệch lạc kế hoạch của Thiên hoàng Go Sanjô. Kết cục nhà vua phải đặc cách cho trang viên của Yorimichi là ngoại lệ, không nhất thiết cần chứng minh bằng cớ”.

Đoạn văn của Jien cho thấy trong cách đối xử, hai bên thiên hoàng lẫn Yorimichi tuy lễ phép với nhau nhưng đều không chịu nhún.

Về phần Iwashimizu Hachimanguu, một đền thần đạo, thì trong số 34 trang viên của họ, chỉ có 21 trang được chính quyền nhìn nhận, chứ 13 trang còn lại đã bị tước quyền sở hữu. Cho nên, sắc lệnh chỉnh lý trang viên, ở một chừng mực nào đó, không phải là không được thực thi.

Liên quan đến việc chỉnh lý các trang viên, cũng nên nhắc đến văn bản quan trọng có tên Enkyuu no senjimasu tức tuyên cáo (senji) định cách đo lường một thăng (masu) là bao nhiêu ra đời vào năm Enkyuu thứ 4 (1072). Cho đến lúc đó, khi đong thóc, đơn vị masu (thăng) thường được dùng một cách tùy tiện. Như vậy chính phủ đã đặt ra một qui chuẩn (công định thăng) để thống nhất đơn vị đo lường cơ bản trong nông nghiệp.

Di chí của Thiên hoàng Go Sanjô được người kế vị là Thiên hoàng Shirakawa (Bạch Hà, trị vì 1072-1086) cũng gọi là Rokujô (Lục Điều) nối tiếp.Thiên hoàng tiếp tục thân chính, thế nhưng ông là người hay có những hành động ngược đời, kể cả việc nhường ngôi cho một người con mới có 8 tuổi, Thiên hoàng Horikawa (Quật Hà, trị vì 1086-1107) vào năm 1086 (Ôtoku 3).

Ngược đời nhưng không thiếu tính toán. Thiên hoàng Shirakawa dầu nhường ngôi nhưng vẫn nắm trọn quyền hành với một kiểu chính trị gọi là insei (viện chính)[2] mà chỉ khi trở thành jôkô (thượng hoàng) hay in (viện) ông mới thực hành được. Ông lập một triều đình song song với thiên hoàng, lấy tên là in no chô (viện sảnh). Từ vị trí bên ngoài này và cùng với đám đình thần riêng của mình, ông vẫn có thể trông coi thiên hoàng, xa lánh những người ông không muốn gặp và nắm thực quyền chính trị.

Thái thượng hoàng Shirakawa (cũng gọi là Shirakawa-in) kéo về cánh mình những quan  kokushi vốn hoan nghênh việc chỉnh lý đến nơi đến chốn hệ thống trang viên đang nằm trong tay hai lớp đại và tiểu quí tộc. Ông cũng tổ chức và vũ trang một busidan giữ vai trò canh giữ biệt điện của ông. Họ là những Hokumen no bushi (Bắc diện vũ sĩ) nôm na là ngự lâm quân được cắt giữ phía bắc cung điện. Như vậy, trên thực chất, ông đã biết củng cố thế lực của viện sảnh. Sau khi Thiên hoàng Horikawa mất vì bệnh (năm 29 tuổi), ông mới chính thức thi hành chính trị mà mình ấp ủ bấy lâu. Nhân đây cũng nên nhắc qua một Hokumen no bushi rất nổi tiếng dưới thời ông. Người ấy là thi tăng Saigyô (Tây Hành, 1118-1190), nhà văn hoá kiệt xuất của Nhật Bản. Về sau, người lính ngự lâm này không biết vì thất tình hay chán đời, đã xuất gia, sống đời ẩn sĩ rày đây mai đó. Trên bước đường phiêu lãng, ông đã viết tập thơ waka nhan đề Sankashuu (Sơn Gia Tập) [3]

Sau thời Thiên hoàng Shirakawa nắm thực quyền, tổng cộng 43 năm, viện chính lại được tiếp nối với các 2 vị Thái thượng hoàng khác Toba, Go Shirakawa. Tất cả kéo dài hơn 100 năm. Đó là thời kỳ mà các thiên hoàng điều hành chính sự theo ý mình, không dựa vào luật pháp hay tập tục sẳn có.

Sau đây là những nét đặc trưng của văn hóa và xã hội thời viện chính.

Ba thái thượng hoàng Shirakawa, Toba và Go-Shirakawa có một điểm chung: ba ông đều dốc lòng kính Phật.Khi một thiên hoàng nhượng vị, thường được mọi người tôn kính gọi là Dajôtennnô (Thái thượng thiên hoàng). Khi gọi ông là Jôkô (Thượng hoàng) tức là đã xóa đi mất mấy chữ. Khi Thượng hoàng xuất gia, ông được gọi là Hôô (Pháp hoàng). Trường hợp này cũng có sự tỉnh lược trong lối xưng hô, thu gọn từ Dajôhôô (Thái thượng pháp hoàng) vậy. Ba vị thượng hoàng nói đến bên trên đều xuất gia và trở thành pháp hoàng. Khi xưng như thế, ý họ đều muốn trị dân trung thực theo lời giáo huấn của nhà Phật.

                        

Pháp hoàng Go Shirakawa

Thái thượng hoàng Shirakawa đã cho xây Hosshôji (Pháp Thắng Tự) để bày tỏ lòng mộ đạo của mình. Ngoài ra, 6 ngôi chùa được dựng lên trong thời các vị thiên hoàng này, tên đều có chữ “Thắng”, thường được gọi chung là Rokushôji (Lục Thắng Tự). Thiên hoàng Horikawa cho xây Sonshôji (Tôn Thắng Tự), Toba xây Saishôji (Tối Thắng Tự), hoàng hậu của ông, bà Taikenmonin (Đãi Hiền Môn Viện) xây Enshôji (Viên Thắng Tự), Thiên hoàng Sutoku (Sùng Đức) xây Jôshôji (Thành Thắng Tự), Thiên hoàng Konoe (Cận Vệ) xây Enshôji (Diên Thắng Tự). Lại nữa, Thái thượng hoàng Shirakawa nhiều lần đi hành hương trong xứ Kii ở vùng Kumano hay núi Kôyasan, những di tích và thắng cảnh có tính tôn giáo, lại tổ chức những trai đàn, pháp hội (hôe). Trong khi cho xây cất những ly cung biệt điện ở ngoại thành Kyôto, để có tiền chi phí, các Thiên hoàng Shirakawa và Toba đã không ngần ngại bán cả chức tước để có đủ ngân sách. Đến đời Pháp hoàng Go Shirakawa, vị vua tài hoa này đã cho thu thập những bài hát dân gian lưu hành đương thời để làm thành ra tập bài ca (kayô) nhan đề Ryôjin Hishô (Lưong Trần Bí Sao)[4] gồm các thể điệu imayô (kim dạng =ca khúc đời mới) hay saibara (thôi mã nhạc)[5] hát đồng ca với nhiều nhạc khí.   

5.2 Cơ sở kinh tế của chế độ “viện sảnh”:

Đến thời kỳ viện sảnh thì cơ sở kinh tế nhà nước dựa trên chế độ gọi là chigyôkoku (tri hành quốc). Chế độ này cho phép viện (từ nay xin hiểu là thái thượng hoàng) thu lợi ích từ những inbunkoku (viện phân quốc). Inbunkoku có nghĩa là những nước (kuni, vùng ở địa phương) mà người cầm đầu (kuni no kami) được viện chỉ định từ hoàng tộc, quí tộc, công khanh hay đại tự xã. Những người này sẽ thay mặt viện để thu huê lợi cho ông. Những kẻ thân cận của viện lúc ấy là gia đình những quan địa phương (zuryô) giàu có, gia đình các hậu phi (kôhi) và các bà nhũ mẫu (meoto). Họ họp lại thành một tập đoàn có tên là in no kinshin hay cận thần của viện, mượn thanh thế của viện để được bổ ra làm quan ở những kokushi (quốc ty) béo bở và bù lại, họ ủng hộ chính quyền viện sảnh.

Chính quyền viện sảnh còn có thêm một cơ sở khác là một số lớn trang viên của họ. Đặc biệt dưới thới Thái thượng hoàng Toba, không những con số các trang viên dâng cúng cho viện (Toba) và nữ viện (tức vợ ông) tăng vọt mà số trang viên dâng cúng cho quí tộc có thế lực và các chùa chiền thần xã lớn cũng vậy. Những trang viên có quyền cấm người ngoài xâm nhập (quyền bất du bất nhập = không được thu thuế và không phụ trách an ninh) nhiều ra và sau đó trở thành một qui tắc phổ biến. Quyền này cường điệu sự độc lập của các trang viên đối với các thế lực bên ngoài, ngay cả lực lượng an ninh cảnh sát.

Các đại tự viện cũng sở hữu nhiều trang viên và đã tổ chức các tăng lữ thuộc cấp thành một lực lượng zôhei (tăng binh) để tranh chấp với các quan kokushi. Họ vác những biểu tượng tôn giáo tượng trưng cho hình ảnh của thần như shinboku (thần mộc, cây thiêng) hay shinyo (mikoshi, thần dư, kiệu thiêng) đi đằng trước mỗi khi kéo nhau đi khiếu kiện trực tiếp, gây áp lực với chính quyền để mong rằng yêu sách của họ được dễ dàng thỏa mãn.

Đương thời, hai chùa nổi tiếng nhất trong những vụ việc như thế này là Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) và Enryakuji (Diên Lịch Tự). Người ta gọi gọn hai chùa ấy là Nanto-Hokurei (Nam đô Bắc lĩnh).Kôfukuji nhiều lần cho vác cây thiêng sakaki của đền Kasuga ở Nara ra đối đầu với triều đình. Đền Kasuga này là đền thần đạo thờ tổ tiên dòng họ Fujiwara, còn Kôfukuji lại là ngôi chùa của dòng họ ấy. Gia đình sekkan Fujiwara trước tình thế đó cũng chưng hửng vì bị bất ngờ, không biết phải đối phó làm sao.

                   

Trang phục của tăng binh

Tăng binh chùa Enryaku lại có hỗn danh là yamahôshi (sơn pháp sư, thầy chùa núi), khi muốn gây áp lực khiếu kiện thì họ thường khiêng theo kiệu thờ của đền thần đạo Hie (Hiyoshi).

5.3 Hai cuộc loạn năm Hôgen và năm Heiji:

Thời xã hội công khanh, Nhật Bản đã bước từ chính trị nhiếp chính quan bạch sang chính trị viện sảnh. Trong khoảng thời gian ấy, không thể nói giữa viện (thái thượng hoàng) và triều đình (thiên hoàng) mọi sự dã xảy ra êm thắm cho được.Ngược lại, cuộc tranh chấp không khoan nhượng giữa hai bên cũng như những cuộc phân tranh nội bộ trong gia đình sekkan Fujiwara là sự đối lập song đôi đã đưa đến cuộc biến loạn xảy ra vào năm Hogen (Bảo Nguyên) nguyên niên (1156) mà sử Nhật gọi là Hogen no ran.

Cuộc biến loạn này là một sự kiện đã sinh ra từ những phức tạp chồng chất từ thời cổ đại cho đến lúc đó. Chẳng những thế, nó còn kéo theo cuộc loạn năm Heiji (Bình Trị) nữa. Vai trò của nó khá quan trong và ta có thể xem đó là một sự kiện chính trị đã đánh dấu sự cáo chung hoàn toàn của nhà nước luật lệnh cổ đại.

Hãy thử mô tả càng gọn càng rõ càng tốt nguyên do, bối cảnh sự bộc phát của hai cuộc loạn này.

Thiên hoàng Sutoku (Sùng Đức, 1119-1164, tại vị 1123-1141), con trai cả của Thái thượng hoàng Toba (Điểu Vũ) đột nhiên bị cha mình ép phải nhượng vị cho em trai khác mẹ lúc đó mới có 3 tháng tuổi là hoàng tử Narihito (Thể Nhân).Sự cố này cũng là vì trong hoàng gia có một vụ ngoại tình khá ly kỳ cho nên đã phát sinh ra một cách xử lý mà người thường khó lòng hiểu nổi. Số là có thuyết cho rằng Sutoku không phải là con sinh ra giữa Toba và hoàng hậu của ông, bà Taikenmon Shôshi hay Tamako. Người cha thật lại chính là ông cố nội của Sutoku, Thái thượng hoàng Shirakawa, đã thông dâm với chính hoàng hậu của cháu nội mình (Toba).

 

                   

                             Cảnh chiến loạn thời Heiji

Tuy nhiên , đứng trược sự sỉ nhục này, Thiên hoàng Sutoku cũng đành im lặng nhịn chịu. Ông chỉ đặt điều kiện với Toba là phải hứa rằng sau Narihito (tức Thiên hoàng Konoe, Cận Vệ) sẽ đến phiên con ruột của ông là Hoàng tử Shigehito (Trọng Nhân) đưọc kế vị. Thế nhưng khi Thiên hoàng Konoe (1139-1155, tại vị 1141-1155) chết trẻ vì bệnh hoạn thì Toba lại không đưa con ông lên ngôi mà lập một người em trai khác của ông – Hoàng tử Masahito (tức Thiên hoàng Go-Shirakawa, Hậu Bạch Hà, 1127-1192, tại vị thiên hoàng 1155-1158). Sutoku càng ngày càng đâm ra tức tối. Như thế, nguyên do thứ nhất của cuộc loạn năm Hogen nằm trong bối cảnh đối lập giữa viện sảnh và thiên hoàng, kèm thêm niềm uất hận có tính cá nhân đan tréo giữa cha con Toba-Sutoku.

Nguyên do và bối cảnh thứ hai là sự tranh chấp nội bộ trong gia đình Fujiwara. Đó là sự tranh dành chức trưởng tộc (tiếng Nhật gọi là katoku hay gia đốc) giữa Fujiwara no Tadamichi (Đằng Nguyên Trung Thông) và người em trai, Yorinaga (Lại Trường). Ngoài cuộc xào xáo huynh đệ này còn có sự đối lập, tranh quyền giữa hai binh đoàn Taira và Minamoto. Lý do phát xuất từ việc cả viện sảnh lẫn triều đình đều cần lính đánh thuê (yôhei =dung binh) để làm nanh vuốt cho mình và đã lôi cuốn họ vào trong sự đối lập của mình. Nhà Genji (họ Minamoto) thì có Minamoto no Yoshitomo (Nguyên, Nghĩa Triều) theo cánh thiên hoàng (nhưng Yoshitomo cũng đối lập với cha (Tameyoshi, Vi Nghĩa) và em (Tametomo, Vi Triều) bộ hạ của viện sảnh).Còn Heike (họ Taira) thì Tira no Kiyomori (Bình, Thanh Thịnh) theo thiên hoàng trong lúc chú ông, Tadamasa (Trung Chính) lại đứng về phía thái thượng hoàng.

Để hiểu phần nào những tương quan đó, xin tham khảo đồ biểu dưới đây.

Phe phái đối lập trong cuộc loạn năm Hogen:

 

 

Hoàng tộc

Nhiếp Quan

Fujiwara

Họ Minamoto

(Họ Minamoto)

Họ Taira

(Heike)

Kẻ thắng

(cánh Thiên hoàng)

Pháp hoàng Toba (cha), Thiên hoàng Go Shirakawa (em)

Quan bạch Tadamichi (anh)

Yoshitomo (anh)

Kiyomori (cháu)

 

 

Quan bạch Tadasane (bố 2 ông) nhưng ủng hộ con thứ là  Yorinaga

 

Tadamori (bố Kiyomori, anh Tadamasa) đã chết 3 năm trước (1153)

Kẻ bại

(cánh Thượng hoàng)

Thượng hoàng Sutoku (anh)

bị đày đi Sanuki

Tả đại thần Yorinaga (em) bị tử thương

Tameyoshi (cha) bị xử trảm. Tametomo (em) bị đày đi Izu Ôshima

Tadamasa (chú) bị xử trảm.

 

Nếu kể lại những gì đã xảy ra thì ta biết Go-Shirakawa đã tổ chức thành công cuộc tập kích vào ban đêm, đánh bại được phe Sutoku, bắt ông lưu đày ở Sanuki (nay là tỉnh Kagawa trên đảo Shikoku). Nhóm Yorinaga và Tameyoshi bị sát hại. Đó là biến cố năm Hogen nguyên niên (1156).

Thế nhưng về sau cận thần của Thái thượng hoàng Go Shirakawa trong khi thi hành viện chính lại tranh chấp giữa họ với nhau, dẫn đến cuộc biến động năm Heiji nguyên niên (Bình Trị, 1159), Heiji no ran.

Chính là hai đảng Taira và Minamoto sau khi thắng lợi trong cuộc loạn Hogen đã đối đấu với nhau.Cận thần của viện là Fujiwara no Michinori (Đằng Nguyên Thông Hiến) pháp danh Shinzei (Tín Tây) - người câu kết với Taira Kiyomori -lại làm mất lòng một cận thần khác cùng họ Fujiwara là Nobuyori (Tín Lại). Ông Fujiwara thứ hai này kết đảng với Minamoto no Yoshitomo. Trước tiên Nobuyori và Yoshitomo dấy binh, giết được Shinzei nhưng họ lại thua kém Kiyomori về lực lượng quân sự nên bè đảng bị Kiyomori tiêu diệt. Con trai của Yoshitomo là Yoritomo (Lại Triều) được Kiyomori tha chết nhưng bị đày về vùng Izu. Đó là những dữ kiện chính của cuộc loạn năm Heiji.

Phe phái đối lập trong cuộc loạn năm Heiji:

 

 

Cận thần viện sảnh

Họ Minamoto

Họ Taira

Kẻ thắng

Fujiwara no Michinori (Shinzei) bị xử trảm

 

Cha con Kiyomori và Shigemori

Kẻ bại

Fujiwara no Noriyori bị xử trảm

Yoshitomo bị bộ hạ sát hại, con là Yoshihira bị chém đầu, con khác Yoritomo bị đày về Izu

 

 

Tuy hai cuộc loạn này không động viên một quân số đông đảo từ giới bushi nhưng đã cho thấy có sự can thiệp của bushi vào những cuộc tranh chấp giữa quí tộc và, với thực lực quân sự, họ đã có thể giải quyết các xung đột. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng.Nó giúp cho giới bushi có một bàn đạp để bước vào chính trường. Cụ thể là sự đăng quang của chính quyền vũ gia nhà Taira khởi đầu bằng sự thăng tiến của Kiyomori.

Người samurai đứng trước cái chết

Để giải thích sự dũng cảm của các samurai, người ta thường dẫn ra ảnh hưởng tôn giáo như Thiền tông. Điều này đúng nhưng chỉ một phần. Bởi vì các nền văn minh khác như Trung Quốc, Hy Lạp... từ khi chưa hay không hề biết Thiền tông đều để lại hình ảnh những dũng sĩ can trường, xem cái “chết nhẹ tựa lông hồng” hay coi “chết chẳng khác đi về nhà” như cách nói của Tư Mã Thiên trong Sử ký. Do đó, ba lý do khác có thể giúp ta để giải thích tại sao họ có thái độ cực đoan như vậy. Đó là là nền giáo dục quân nhân hà khắc, cuộc tranh đấu sống còn nghiệt ngã và thực tế khủng khiếp của chiến trường. 

Độc giả có thể bị cú sốc nếu biết được những gì đã xảy ra cho danh tướng Minamoto no Yoshitomo (Nguyên, Nghĩa Triều, 1123-1160) trong cuộc loạn năm Hogen (1156) vừa trình bày bên trên. Ông đã đứng về phe chiến thắng của Thiên hoàng Go Shirakawa khi đồng minh với Taira no Kiyomori. Trong lúc đó cha ông, Tameyoshi (Vi Nghĩa, 1096-1156) lại đứng về phe Thiên hoàng Sutoku và thua trận. Tameyoshi về qui hàng con nhưng Yoshitomo đã ứa nước mắt khi nhận được mệnh lệnh vô cùng tàn khốc từ chủ mình là Go Shirakawa là phải hành quyết cha, các em trai và cả các cháu hãy còn thơ ấu. Một người em dâu đã tự sát theo cả nhà sau đó. Đó là chuyện đã ghi lại trong Hôgen Monogatari[6]. Tuy chỉ là một cuốn dã sử nhưng nó rất gần với thực tế lịch sử. Ba năm sau (1159), ông bất hòa với Kiyomori và đứng về phía chiến bại trong cuộc biến loạn năm Heiji, bị một bộ hạ cũ ám sát trên đường bôn đào.

Cảnh xé lòng của Yoshitomo là một bi kịch còn lớn hơn bi kịch Corneille bên trời Tây nhiều. Không giết cha, em và cháu thì bản thân và cả dòng họ sẽ bị tru diệt. Con trai ông là Yoritomo về sau sáng nghiệp 150 năm Mạc phủ Kamakura (1183-1333) nhưng chính ông này cũng tru diệt hai em trai khác là Noriyori và Yoshitsune, hai người đã có đại công xây dựng cơ nghiệp cho mình.

Có lẽ người samurai coi trọng sự trường tồn của dòng họ (uji) hơn thân mình (jibun) và gia tộc (ke). Viên dũng tướng có tính truyền thuyết thời chiến quốc là Sanada Yukimura (Chân Điền Hạnh Thôn, 1576-1615) và anh ông ta đã đứng ở hai chiến tuyến đối đầu. Giống như một canh bạc, họ muốn giữ cho dòng họ Sanada được toàn vẹn trong một thời chiến loạn cho dù kẻ thắng là ai. Người anh, Nobuyuki, trong đạo quân miền Đông của Tokugawa Ieyasu, nhờ chiến công đã bảo đảm cho Yukimura (quân miền Tây) và cha cuả hai người khỏi chết cho dù sau đó, Yukimura vẫn tiếp tục kháng chiến và tử trận trong chiến dịch mùa Đông ở thành Ôsaka (1615).

5.4 Chính quyền họ Taira thành hình:

Giữa hai dòng họ Taira (Heike) và Minamoto (Genji) là một cuộc tranh hùng không khoan nhượng suốt giai đoạn cuối đời Heian.Hai bên đều nhờ có thế lực quân sự nên được chính quyền viện sảnh trọng dụng. Họ cũng phụng sự cả triều đình. Thế nhưng,sau hai cuộc loạn Hogen (niên hiệu Bảo Nguyên) và Heiji (niên hiệu Bình Trị), dòng họ Minamoto là kẻ chiến bại nên suy vong. Cuộc loạn Heiji vừa chấm dứt chưa đầy 10 năm thì Taira no Kiyomori (Bình Thanh Thịnh) đã thăng tiến vượt bực, lên đến chức Daijôdaijin (Thái chính đại thần) đứng đầu trăm quan.

Nhân vì Kiyomori lập phủ đệ ở vùng Rokuhara (Lục Ba La) trong thành phố Kyôto cho nên chính quyền họ Taira còn gọi là chính quyền Rokuhara. Không những mỗi cá nhân Kiyomori thăng tiến mà cả dòng họ ông, vốn có những kẻ có thực lực, ví dụ con trai ông là Shigemori (Trọng Thịnh). Họ nắm trọn những chức vụ quan trọng và quyền bính trong giai đoạn ấy .

Gia phả nhà Taira:

Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ) à Hoàng tử Kazurahara (Cát Nguyên) à bỏ một đời àThân vương Katamochi (Cao Vọng) --> 1 Kunika (Quốc Hương) 2 Yoshimasa (Lương Tướng), 3 không rõ. Kunika sinh ra Sadamori (Trinh Thịnh) còn Yoshimasa sinh Masakado (Tướng Môn), người thứ ba không rõ tên  sinh Tadatsune (Trung Thường).

Sadamori sinh hai con (không rõ tên), người con thứ nhất sinh ra Koretoki (Duy Thì) tổ họ Hôjô (Bắc Điều). Người thứ hai truyền đến đời thứ tư thì có Masamori (Trinh Thịnh).

Masamori à Tadamori (Trung Thịnh) à 1 Kiyomori (Thanh Thịnh), 2 Tsunemori (Kinh Thịnh), 3 Norimori (Giáo Thịnh), 4 Yorimori (Lại Thịnh), 5 Tadanori (Trung Độ).

1 Kiyomori à 1 Shigemori (Trọng Thịnh), 2 Munemori (Tông Thịnh), 3 Tomomori (Tri Thịnh), 4 Shigehira (Trọng Hành), 5 Tokushi (Đức Tử, hoàng hậu Thiên Hoàng Takakura và mẹ Thiên hoàng Antoku).

  1. Tsunemori à 1 Atsumori (Đôn Thịnh)
  1. Shigemori à 1Koremori (Duy Thịnh).

Như thế, Kiyomori đã có công xây dựng cả một tập đơàn Taira đầy quyền lực như trên. Họ khác với nhà Minamoto ra sao. Đó là điều chúng ta sẽ đề cập đến trong phần sau.

Dòng họ Taira sở dĩ phất lên được là vì tổ phụ Kiyomori là Masamori (Chính Thịnh) đã giúp triều đình đánh dẹp Minamoto no Yoshichika (Nguyên Nghĩa Thân), dòng dõi danh tướng Minamoto no Yoshiie, nổi loạn ở Izumo. Trước kia tuy là con cháu nhà thiên hoàng nhưng họ đã sa sút, tầm thường. Sau đó, muốn lập công danh, họ trở thành cận thần của Viện nhờ biết mua lòng bằng cách dâng cúng đất đai lãnh địa cho Thái thượng hoàng Shirakawa.

Đến đời Kiyomori, ông thành công trong việc qui tụ các bushidan địa phương dưới trướng mình. Ông nắm các nhóm bushi từ vùng Kinai (quanh kinh đô), biển nội địa Nhật Bản (Seto naikai) cho đến đảo Kyuushuu nghĩa là trọn miền Tây. Họ trở thành kenin (gia nhân) tức thuộc hạ của ông, giữa hai bên có một quan hệ chủ tớ. Sự kiện này có ý nghĩa chính trị rất lớn.

Mặt khác, Kiyomori lợi dụng vai trò cận thần của Viện mà gả được con gái là Tokuko (Đức tử) tức bà Kenreimon.in (Kiến Lễ Môn Viện)[7] cho Thiên hoàng Takakura (Cao Thương) làm chính cung. Thời đó, con gái nhập cung thì gọi là koshii (liễn nhập) tức là lên kiệu hoa.

Nhân đó, Tokushi (Tokuko) sinh hạ hoàng nam được phong ngay hoàng thái tử (sau này sẽ là Thiên Hoàng Antoku). Antoku (An Đức, trị vì 1180-1185) tức vị năm 1178 (Jishô 2). Kiyomori nghiễm nhiên trở thành ông ngoại của tân vương. Từ đó ngoại thích Taira thành lập được cơ sở vững vàng cho dòng họ. Sách lược nhờ đàn bà để trở thành ngoại thích của hoàng tộc đã có từ xưa. Đó là trường hợp của gia đình sekkan Fujiwara.

Song song với tổ chức quân sự, họ Taira tạo lập cho mình một cơ sở kinh tế. Trong thời toàn thịnh, họ đã sở hữu trên 500 trang viên và phân nửa số chigyôkoku (tri hành quốc, nước được viện phong cho) trên toàn cõi Nhật Bản. Như thế, giữa chính quyền họ Taira và chính quuyền sekkan họ Fujiwara lại có thêm một điểm tương đồng thứ hai.

Việc họ Taira xây dựng thế lực từ việc tổ chức các bushidan theo mối quan hệ chủ tớ rất quan trọng. Nó đánh dấu thời kỳ quá độ từ cổ đại qua trung đại. Họ Taira đã mô phỏng chính quyền sekkan về cách thức chiếm đoạt quyền hành lẫn việc xây dựng địa bàn kinh tế, cả hai cách đều mang tính cách xử sự của quí tộc. Tính cách quí tộc ấy còn thể hiện qua đền thần đạo họ đã cho xây cất trên đảo Itsukushima[8] ở vùng Aki (nay thuộc Hiroshima) dành cho gia đình và để cầu an ninh trên đường biển. Nơi họ thờ phụng nay đã được thừa nhận như di sản văn hóa thế giới.Cách đây mấy năm, bão tố và triều cường đã tàn phá nhiều nhưng nơi đây vẫn còn bảo tồn được bộ kinh văn Heike nôkyô (Bình gia nạp kinh) do họ tiến cúng, một di sản văn hóa hoa lệ khác thể hiện được tính quí tộc của họ.

                       

Taira no Kiyomori (tranh thời Nam Bắc Triều)

Kể từ đời Tadamori –cha của Kiyomori - về đối ngoại, họ Taira đã đẩy mạnh mậu dịch Nhật Tống. Từ hậu bán thế 11 trở đi, giao dịch giữa Nhật Bản và Tống, Cao Ly (Kôrai) đã mạnh mẽ rồi. Bước qua thế kỷ 12, Tống triều bị áp lực quân sự của nhà Kim (tộc Nữ Chân ở phương bắc) phải chạy xuống phía Nam. Do đó thương nhân Nam Tống mới tìm cách thông thương với Nhật Bản.

Nhằm đáp ứng đòi hỏi đó, Kiyomori mới xây một bến đỗ cho tàu thuyền mang tên Ôwada no tomari (Đại Luân Điền bạc) ở Settsu (nay là thành phố Kobe), lại tìm cách bảo vệ an ninh trên biển nội địa Seto giúp thương nhân Tống có thể di chuyển vào tận vùng Kinai chung quanh kinh đô, làm cho việc trao đổi hàng hóa được dễ dàng.  

Ta thấy những việc làm của Kiyomori đối với nước ngoài thật khác hẳn với những gì xảy ra trước đó. Thuyền Tống đã đem đến bao nhiêu tài vật quí báu, tiền nhà Tống và sách vở.Cùng với sự phát triển kinh tế là sự phát triển văn hóa.Lợi nhuận thu được từ mậu dịch lại được dùng vào việc xây dựng cơ sở kinh tế cho nhà Taira.

          

Itsukushima, thần xã của dòng họ Taira nhìn ra biển Hiroshima (di sản văn hóa thế giới)              

Tuy nhiên họ Taira vì muốn nắm lấy toàn bộ guồng máy hành chánh quốc gia, độc chiếm chức tước để mặc tình thao túng nên đã làm cho những gia đình dòng dõi (cựu gia) bị loại ra bên lề bất mãn đến cùng cực. Đặc biệt, giữa nhà Taira và Pháp hoàng Go Shirakawa cùng đám cận thần viện sảnh của ông đã có sự rạn nứt sâu sắc.

Năm 1177 (Jishô 1), nhóm cận thần bênh cạnh Go Shirakawa như Fujiwara no Narichika (Đằng Nguyên Thành Thân), tăng Shunkan (Tuấn Khoan) đã họp nhau ở  Shishigatani (Sư tử cốc) vùng ngoại ô Kyôto mưu toan đánh đổ họ Taira. Sử chép đó là Shishitani no inbô (Âm mưu ở Shishinotani). Chuyện bại lộ, năm 1179, Kiyomori bèn thẳng tay đàn áp. Ông giam lỏng Pháp hoàng và xử phạt tạt cả các quan lại đã nhúng vào việc đó, cả các quí tộc từ chức kanpaku trở xuống.

Sau vụ đó ông được (hay tự) luận công và có lúc đã nắm hết gần phân nửa đất đai toàn quốc. Chế độ độc tài nhà Taira như thế đã hoàn thành. Thế nhưng sự độc chiếm ấy lại là cái cớ để các lực lượng đối lập đoàn kết lại và kết quả là tập đoàn Taira đã tiêu vong. 

Việc đánh giá lại nhân vật Taira no Kiyomori[9]

Nhiều công trình nghiên cứu gần đây đã soi sáng thêm về con người của Taira no Kiyomori (1118-1181) và đánh giá lại giá trị lịch sử của ông.

Cho đến nay Kiyomori được biết như là một người hùng thời trung cổ, một quân nhân đã quật ngã được tầng lớp quí tộc để giành lấy quyền bính và là chính trị gia độc tài thao túng triều đình Heian với một chế độ gia đình trị (đảng Heike).

Thế nhưng ngày nay khi người ta xét lại điều đó đã cho rằng ông còn là người viễn kiến, biết đi trước thời cuộc. Giáo sư Motoki Yasuo của Đại học Kyôto phát biểu: “ Nhà Heike đã có thể tổ chức được một chính quyền mạc phủ hùng mạnh như dưới thời Shôgun Ashikaga Yoshimitsu”( người đã nắm chính quyền 26 năm từ 1368-94, đã xây Kinkakuji và mở rộng mậu dịch với nhà Minh). Ông cho rằng nếu Kiyomori  sống thêm ít lâu nữa thì sẽ thực hiện được chế độ kôbu gattai (công vũ hợp thể), nền móng của các mạc phủ sau này bởi vì ông đã chấm dứt được chế độ insei (viện chính), một nước với hai triều đình và đã có ý hay dời đô từ Kyôto về Fukuhara (cảng gần Kobe băy giờ) để khuyến khích mậu dịch Nhật Tống. Takahashi Masaaki, giáo sư danh dự của Đại học Kobe cho biết Kiyomori đã biết vận dụng các bushi địa phương để bảo vệ kinh đô và tổ chức họ thành một quân đội. Minamoto no Yoritomo, Shôgun đầu tiên của Mạc phủ Kamakura, chỉ mô phỏng ông mà thôi. Giáo sư Takahashi chủ trương rằng nếu chính quyền Heike còn thì Nhật Bản sẽ mở cửa ra thế giới với các cảng Hakata ở Kyuushuu và Owada no Tomari ở vùng Fukuhara. Kiyomori đã sửa soạn cả trục giao thông trên biển nội địa cho phép tàu lớn vào đến vùng kinh đô. Lưu huỳnh, vàng, bạc, gỗ, kiếm Nhật, đồ sơn của Nhật sẽ được xuất khẩu qua Tống và đồ gốm, kinh sách, tiền đồng sẽ được nhập từ Tống vào. Kojima Tsuyoshi, giáo sư Đại học Tôkyô xem cuộc tranh hùng giữa Genji và Heike như một cuộc tranh chấp giữa xã hội nông nghiệp bảo thủ và xã hội thương nghiệp tiến bộ. Sự thất bại của Heike có lẽ vì không giải quyết được nạn đói ở miền Đông, đạt được địa vị quá dễ dàng nên trở nên ngạo mạn, xa rời quần chúng, thêm vào đó, sự quí tộc hóa đã làm khả năng chiến đấu của họ suy giảm trước sự vũ dũng của các chiến sĩ miền Đông vốn không có gì để mất.

Người ta còn đặt lại câu hỏi xem Kiyomori có phải là con người bất nhân như vẫn được đánh giá. Giáo sư Uesugi của Đại học Meiji thấy nơi ông tình yêu gia đình, sự quan tâm và hào hiệp đối với bộ hạ và có khi khoan thứ trước kẻ thù. Giáo sư Takahashi cho biết ông có kiến thức rộng về Trung Quốc và không loại ra khả năng ông có thể nói được tiếng nước này.



[1] Tập sử luận 7 quyển với một sử quan đặc biệt (chủ trương hoàng gia và vũ gia phải hợp tác thay vì muốn độc chiếm quyền lực), viết về lịch sử Nhật Bản từ đời Jinmu Tennô đến đời Juntoku Tennô (trị vì 1210-1221). Tác phẩm của tăng Jien (Từ Viên, 1155-1225), một quí tộc thuộc gia đình Fujiwara. Xin đừng lầm với Gukanki (Ngu Quản Ký), nhật ký có tính cách công vụ còn giữ được 47 quyển của đại thần Konoe Michitsugu (1332-1387).

[2] Thực ra viện chính chỉ là một danh hiệu mới. Cách đứng đằng sau lưng một tân quân để cai trị thực sự có từ đời nữ Thái thượng thiên hoàng Jitô (thế kỷ thứ 7, thời Nara), lúc đứt đoạn, lúc tiếp nối cho đến tận đời thượng hoàng Kôkaku (thế kỷ 19, Edo hậu kỳ).

[3] Tập thơ cá nhân (gia tập) còn nghĩa là nhà trong núi (am), gồm 3 tập với 1600 bài, nhuốm màu sắc Phật giáo, lời lẽ bình dị, vịnh thiên nhiên và có tính thuật hoài.

[4] Lương trần có nghĩa là “bụi đóng trên kèo nhà”. Có chữ “động lương trần” (làm tung bụi trên kèo nhà” ý nói tiếng nhạc lời ca hay làm rúng động không gian. Bí sao là sao chép lại những gì quí hiếm.

[5] Saibara (Thôi mã nhạc) nguồn gốc bất minh nhưng là những điệu hát dân gian trong yến tiệc, dựa trên làn điệu gốc Nhật pha trộn với nhạc ngoại quốc (như gagaku, nhã nhạc).Thịnh hành thời Heian, đến thế kỷ 13 thì suy thoái và đến đời Muromachi thì không còn nghe nói có ai hát nữa tuy vẫn còn có nơi tàng trữ nhạc phổ. Về nguyên nghĩa có nhiều thuyết ( khúc hát của người giữ ngựa (mã tử ca) hoặc người dẹp đường (sakibari) khi các quí nhân xuất hành) nhưng tựu trung không lấy gì làm chắc.

[6] Sieffert, René, 2007, Le dit de Hogen et le dit de Heiji (Truyện loạn thời Hogen và loạn thời Heiji), Verdier Poche, Pháp (dịch sang Pháp văn Hogen Monogatari và Heiji Monogatari)..

[7] Tokuko là tên hồi con gái của bà. Kenreimon là tên lúc bà lên làm hoàng hậu vì Kenreimon là tên một khu vực trong hoàng cung. Danh xưng Viện (In) có ý nói chồng bà (Takakura) sau trở thành Thái thượng hoàng.

[8] Đền Itsukushima (Hiroshima) cùng với Matsushima (Sendai) và Amanohashidate (Miyazu)  là Nhật Bản tam cảnh (ba phong cảnh đẹp nhất Nhật Bản).

[9] The Nikkei Weekly, Feb, 6, 2012, p.29, Was Kiyomori villain, or humanist? (Matsumoto, Haruto, staff writer).

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569983

Hôm nay

219

Hôm qua

2367

Tuần này

22366

Tháng này

228507

Tháng qua

129483

Tất cả

114569983