Theo quy chế sinh hoạt CLB của tỉnh, thời gian sinh hoạt của CLB là mỗi quý 1 lần. Tuy nhiên, do tham gia nhiều hoạt động nên CLB dân ca phường Vinh Tân trung bình mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Do địa bàn thành phố dễ tập hợp và tính chất công việc của các thành viên nên chủ yếu CLB sinh hoạt vào ban đêm, địa điểm tại nhà văn hóa phường. Nội dung sinh hoạt bao gồm phổ biến, luyện tập các làn điệu dân ca, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, trao đổi về các nội dung liên quan đến sinh hoạt CLB. Kinh phí hoạt động thường xuyên do các thành viên tự nguyện đóng góp và được sự hỗ trợ, tài trợ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trong một số hội diễn, giao lưu. Niềm đam mê văn nghệ, đam mê dân ca là chất keo gắn kết các thành viên với nhau, giúp họ vượt qua những khó khăn, trở ngại của đời thường. Có những thành viên như chị Hường, anh Lương làm nghề buôn bán, 1 giờ sáng đã phải dậy đi làm nhưng vẫn tham gia sinh hoạt CLB không sót đêm nào. Chị Trọng, chị Trinh, chị Mai, chị Lan, anh Chương… phải dậy rất sớm để bán hàng suốt cả ngày, nhưng ban đêm vẫn đi theo tiếng gọi từ lời ca tiếng hát của CLB nên quên hết mệt nhọc. Có người như chị Chắc đau răng chưa khỏi nhưng cũng quyết không bỏ sinh hoạt.
Người có công nhen nhóm và duy trì nên sức sống của CLB là chị Hoàng Thị Cẩm Vân. Chị là người đứng ra tập hợp các thành viên CLB, tổ chức sinh hoạt, luyện tập, viết lời cho các tiết mục dân ca, rồi phải lo cả chuyện tiền nong cho CLB hoạt động. Khi chưa huy động được tiền, chị Vân không ngần ngại bỏ tiền túi để cho CLB hoạt động, đến nay CLB vẫn còn “nợ” tiền của chị. Mặc dù được gia đình động viên, ủng hộ việc tham gia CLB nhưng có đợt đi tập nhiều quá, chị đành phải nói dối là đi chữa bệnh cho bà con (chị công tác quân y, về hưu nhưng vẫn chữa bệnh giúp bà con). Chị Vân cho biết ngoài niềm đam mê, các thành viên CLB phải được sự ủng hộ của gia đình, chồng con vì tham gia CLB vất vả, mất thời gian.
Mới thành lập được 2 tháng, CLB dân ca phường Vinh Tân tham dự Liên hoan CLB dân ca xứ Nghệ lần thứ nhất (9/2011) và đã giành được giải Ba toàn tỉnh. Thành tích vượt quá mong đợi này là nguồn động viên các thành viên tích cực sinh hoạt, luyện tập. CLB dân ca phường còn biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ vào các ngày lễ, các hoạt động của các tổ chức đoàn thể, tham gia giao lưu văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc được đông đảo nhân dân đánh giá cao.
Về nội dung luyện tập, biểu diễn, chị Vân cho biết chủ yếu là các làn điệu dân ca cải biên, các tiết mục văn nghệ để tham gia các cuộc thi, hội diễn. Còn các làn điệu gốc được tiếp thu qua tài liệu, băng đĩa do Trung tâm VHTT TP cung cấp, CLB không tiến hành sưu tầm được các làn điệu dân ca cổ. Các thành viên CLB đều không am hiểu về các làn điệu dân ca cổ, vì vậy, không thể hát đúng các làn điệu gốc như các nghệ nhân dân gian. Trong quá trình sinh hoạt, luyện tập, biểu diễn đều thể hiện theo lối cách điệu, sân khấu hóa. Khi tham gia các buổi giao lưu, hội diễn, CLB phải thuê mượn nhạc công, trang phục và có trường hợp nhờ người viết lời, viết kịch bản khá tốn kém. Có đợt tiền thuê nhạc công, thuê trang phục cũng đã xấp xỉ vài triệu đồng, chưa kể kinh phí nước nôi.
Về việc truyền dạy, phổ biến các làn điệu dân ca, chị Vân cho biết là rất khó thực hiện. Ngay cả các thành viên trong CLB cũng chưa truyền dạy được các làn điệu dân ca cho con cái trong nhà do điều kiện con em bận rộn học hành, công tác và đặc biệt là do thị hiếu âm nhạc của giới trẻ hướng về âm nhạc hiện đại, các ngôi sao, “thần tượng” ca nhạc đương đại. Đây là một vấn đề nan giải mà nếu không có giải pháp hữu hiệu thì sẽ làm mai một di sản dân ca xứ Nghệ. Theo chị Vân, cần tổ chức nhiều CLB dân ca ở các phường xã, khối phố, thôn xóm để tạo nên một phong trào rộng rãi, thu hút nhiều thành viên tham gia, tránh tình trạng co cụm, mai một các CLB.
Mô hình CLB với việc bảo tồn di sản dân ca xứ Nghệ ở đô thị
Mô hình CLB được xem như một môi trường, cơ sở để duy trì di sản dân ca xứ Nghệ. Theo số liệu của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, toàn tỉnh có 52 CLB dân ca, với khoảng 2.000 thành viên, trong đó có hơn 10 CLB vùng đô thị (thị trấn, thị xã, thành phố). CLB là một khái niệm xuất phát từ tiếng Anh, Pháp (Club), chỉ tổ chức được lập ra cho nhiều người tham gia sinh hoạt văn hóa, giải trí trong những lĩnh vực nhất định. Mô hình này không giống với tổ chức phường trong môi trường diễn xướng của dân ca truyền thống. Do đặc thù của đô thị, việc sưu tầm các làn điệu dân ca cổ không tiến hành được, việc luyện tập theo đúng các làn điệu gốc cũng rất khó khăn và việc truyền dạy, phổ biến dân ca một cách rộng rãi cũng không thu được kết quả. Và cũng như những CLB khác, hoạt động của các CLB dân ca vùng đô thị không dựa trên/gắn kết với môi trường diễn xướng dân gian. Do đó, trong quá trình hoạt động, CLB đã gần như trở thành một đội văn nghệ của phường xã, tính chất sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa ngày càng rõ nét. Để chuẩn bị cho việc tham gia Liên hoan Dân ca ví giặm 2012, chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp đã phải đứng ra lo kinh phí, tổ chức biên soạn chương trình, tập luyện cho các CLB. Vì vậy, các tiết mục tham dự Liên hoan không còn là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của CLB, nên không phản ánh đúng hiện trạng của di sản dân ca xứ Nghệ tại địa phương.
Việc thành lập, duy trì hoạt động các CLB dân ca như hiện nay là một cố gắng lớn của chính quyền các cấp và các thành viên CLB. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ hiện gặp rất nhiều khó khăn mà mô hình CLB hiện nay không thể đảm đương. Vì vậy, thiết nghĩ cần có những hướng đi, giải pháp mới.