Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 21)

Sự thành hình và phát triển của xã hội quân nhân.

Tiết 1: Mạc phủ Kamakura ra đời.

1.1 Loạn năm Jishô, Juei:

Kể từ đây chúng ta sẽ bước vào thời đại Kamakura. Tiết này đề cập tới cuộc tranh phong Genpei (giữa hai nhà Genji và Heike), xem nó đã diễn biến thế nào để đưa đến sự thành hình của Mạc phủ Kamakura.

Chương trước đã nói đến cảnh vinh hoa phú quí và quyền uy cực điểm của dòng họ Taira (Heike). Chúng ta có thể tưởng tượng ra hình ảnh đó khi nghe các nhà sư mù đánh đàn tỳ bà (biwahôshi) hát dạo kể Heike Monogatari (Bình gia vật ngữ, Truyện nhà Heike) qua điệu nhạc gọi là Heikyoku (Bình khúc). Truyện này đã xuất hiện vào khoảng giữa thời Kamakura. Tác giả của nó có thể là một ông cựu quan lại vùng Shinano (Nagano bây giờ) tên là Yukinaga (Shinano no zenji Yukinaga) nhưng về ông ta, không có gì rõ ràng. Tuy nhiên nhờ những người hát rong đó mà đương thời tác phẩm này gần gủi đối với cả người không biết chữ. Để tượng trung cho sự kiêu căng của Heike, chỉ cần nghe câu nói sau đây thốt ra từ miệng một nhân vật trong truyện, cậu em vợ của Kiyomori tên gọi Taira no Tokitada (Bình Thì Trung) mà nhiều người biết :

“Ngoài gia đình Heike thật chẳng có ai đáng mặt làm người...Trong toàn cõi Nhật Bản 66 nước (chigyôkoku, vùng đất phong) thì cánh nhà Heike đã chiếm trên 30 rồi. Như thế thì trên nửa nước là của Heike. Đó là chưa kể trang viên điền sản, con số nhiều đến không biết đâu mà nói”.

Lúc đó, không ai có thể ngờ rằng một thế lực hùng mạnh như vậy có thể tiêu vong cho được!

Sau khi đã bắt buộc được Thái thượng hoàng Go Shirakawa phải rút lui khỏi viện chính, năm 1180 (Jishô 4), Taira no Kiyomori đã thành công trong việc đưa cháu ngoại – con trai giữa Thiên hoàng Takakura và bà Tokushi – lên ngôi. Đó là Thiên hoàng Antoku (An Đức). Điều này đã làm cho các busidan địa phương và giới quí tộc ở kinh đô cũng như tăng lữ các đại tự viện bất mãn và không thể nào tiếp tục làm kẻ bàng quan trước  sự chuyên quyền của tập đoàn Heike nữa.   

Nhìn thấy sự thể như vậy, hoàng tử thứ hai của Pháp hoàng Go Shirakawa là Mochihito-Ô (Dĩ Nhân Vương) cùng với một nhân vật dòng dõi Genji nhưng có cơ sở ở vùng Kinai, Minamoto no Yorimasa (Nguyên Lại Chính) mới dựng cờ chống lại Heike. Mệnh lệnh kêu gọi nổi dậy của hoàng tử (ryôshi = lệnh chỉ) được phát đi đến các busidan địa phương. Hai nhóm nhận lời tham gia. Đó là nhóm của Minamoto no Yoritomo (Nguyên Lại Triều), con trai Yoshitomo, đang đi đày ở Izu và người anh em bà con Minamoto no Yoshinaka (Nguyên Nghĩa Trọng) trong vùng núi non Kisodani (thuộc Shinano). Thêm vào đó, tăng binh các đại tự viện như hai chùa Miidera và Kôfukuji vùng Kinai vốn bất mãn với Heike cũng nổi dậy. Lại có những người muốn hùa theo phong trào với mục đích dành lại những quyền lợi bị Kiyomori tước đoạt. Do đó cuộc nội loạn lan rộng trên toàn quốc và cuộc tranh phong mà hai nhà Heike và Genji là chủ chốt đã kéo dài suốt 5 năm trời. Sử chép là Jishô- Juei no ran vì cuộc nội loạn này đã xảy ra trong niên hiệu Trị Thừa (1177-1181) và Thọ Vĩnh (1182-1184).     

Gia phả dòng họ Genji (Minamoto) (lược đồ 2):

1 Tameyoshi (Vi Nghĩa) à 1 Yoshitomo (Nghĩa Triều), 2 Yoshitaka (Nghĩa Hiền), 3 Tametomo (Vi Triều), 4 Yukiie (Hành Gia).

1 Yoshitomo à 1 Yoshihira (Nghĩa Bình), 2 Tomonaga (Triều Trường),  3 Yoritomo (Lại Triều), 4 Noriyori (Phạm Lại), 5 Yoshitsune (Nghĩa Kinh).

2  Yoshitaka à Yoshinaka (Nghĩa Trọng tức Kiso) à Yoshitaka (Nghĩa Cao).

1 Yoritomo à 1 Yoriie (Lại Gia), 2 Sanetomo (Thực Triều), 3 Ôhime (Đại Cơ, nữ) 

1 Yorìe à Ichiban (Nhất Ban), 2 Kugyô (Công Hiểu), 3 Con gái (vợ Yoritsune)

Năm 1180 (Jishô 4) Yoritomo lúc ấy đang bị đày ở vùng Hirugashima (bán đảoIzu), được sự trợ giúp của thổ hào địa phương, đã cử binh. Tương truyền, ông đã gặp từng người một và đã khôn khéo ân cần nhờ vả “Ta chỉ trông cậy vào ngươi thôi” (Nanji dake ga tanomi da!). Giai thoại đó cho ta thấy Yoritomo là một nhân vật có tài bắt mạch và biết cách lôi kéo nhân tâm về với mình.

Diễn biến cuộc tranh phong giữa Heike Và Genji :

  1. Tháng 5/ 1180: Minamoto no Yorimasa cử binh: Yorimasa phụng mệnh Hoàng tử Mochihito cử binh mưu lật đổ Heike nhưng bị thua và chết trong trận giữ cây cầu Uji.
  2. Tháng 8/ 1180: Trận Ishibashiyama: Ra quân lần đầu tiên, Yoritomo đánh bại tướng Heike là Yamaki Kanetaka nhưng trong trận (vùng núi) Ishibashiyama, lại thua Ôba Kagechika.
  3. 10/1180: Trận Fujigawa: Quân Heike do Taira no Koremori đối đầu quân Yoritomo ở (sông) Fujigawa nhưng chưa đánh đã thua.Lý do là quân lính nghe tiếng chim nước hoảng sợ ngỡ là địch.
  4. Tháng 5/1183: Trận Kurikaratôge : Sau khi Yoshinaka phá quân Heike ở ngọn đèo này đã vào được kinh đô. Heike bỏ kinh thành. Đây là trận dùng hỏa công bằng cách cột đuốc vào đuôi bò.
  5. Tháng 1/1184: Yoshinaka bại tử: Yoshitsune đánh tan quân Yoshinaka, người anh em họ và cũng là đồng minh cũ. Yoshinaka chết trong cánh rừng tùng Aritsu ở vùng Ômi.
  6. 2/1184: Trận Ichinotani: Hai tướng Genji là anh em Noriyori và Yoritsune đánh bại quân Heike vừa rút ra khỏi kinh đô. Cuộc tấn công theo đường núi hiểm trở được mệnh danh là cuộc tập kích Hiyodorigoe.
  7. Tháng 2/ 1185: Trận Yashima: Yoshitsune phá quân Heike dang đào vong trên đảo Yashima. Tưóng Genji là Nasu no Yoichi nổi tiếng nhờ tài bắn cung trúng lá quạt trên thuyền Heike ở đây.
  8. Tháng 3/ 1185: Trận quyết chiến ở Dan no Ura: Trận cuối cùng khi Genji truy kích Heike và tiêu diệt họ ở eo biển này. Thiên hoàng Antoku, cháu ngoại họ Heike, mới 8 tuổi, chết theo đồng tộc.

Như đã trình bày, trong trận đầu tiên ở Ishibashiyama, Yoritomo đã bị tướng Heike là Ôba Kagechika đánh cho tan tác. Ông chỉ còn vỏn vẹn 7 người vừa chủ vừa tớ chạy thoát theo đường biển từ mỏm Manazuru về đến vùng Awa (Chiba ngày nay).Thế nhưng từ đó, ông đã chỉnh đốn được hàng ngũ, vào đến Kamakura, mảnh đất của miền Đông vốn có cơ duyên với dòng họ mình. Tại đây, ông tụ họp được đông đảo bushi, giao ước thành lập với họ một quan hệ chủ tớ (shujuu kankei) làm cơ sở bền chặt cho chính quyền non trẻ của mình.

Hai tháng sau (10/1180), ông đã thắng lợi trong trận Fujigawa. Lúc đó, quân Heike chính ra đang có nhiệm vụ truy kích các bushi trong quân đoàn miền Đông của ông nhưng vì tâm lý hoảng loạn, khiếp sợ trước viễn ảnh phải đối địch với một quân lực Genji hùng hậu nên chỉ nghe tiếng lao xao của đàn chim nước bay lên từ mặt đầm - ngỡ là địch đã đến bên mình – nên đổ xô nhau tẩu thoát.

         

Shôgun Minamoto no Yoritomo, người mở đầu Mạc phủ Kamakura

Từ đó, tuy vẫn cho quân tiếp tục thảo phạt Heike nhưng đồng thời ở Kamakura, Yoritomo đã biết đặt nên nền móng chính trị cho chế độ mạc phủ của ông.Chỉ một tháng sau chiến thắng Fujigawa, ông đã đặt ra một cơ quan lãnh đạo cấp trung ương mang tên Samuraidokoro (Thị sở). Đây là cơ cấu hành chính đầu tiên mà Mạc phủ Kamakura lập nên. Yoritomo bổ nhiệm Wada Yoshimori (Hòa Điền Nghĩa Thịnh) vào chức trưởng quan, củng cố cơ sở chính quyền quân nhân do ông chủ trì.Nhân vật Wada này xuất thân hào tộc sở tại vùng bán đảo Miura phía nam Kamakura, thuộc một trong ba họ Miura ở đấy. Ông đã đi theo Yoritomo tự buổi đầu và được biết như là một go-kenin (ngự gia nhân) có nghĩa là cận thần được trọng dụng và đáng tin cậy như người nhà. Ngoài ra, năm 1184 (Genryaku nguyên niên), Yoritomo cho lập thêm Kumonjo (Công văn sở), đến năm 1191 (Kenkyuu 2) đổi tên nó thành Mandokoro (Chính sở). Người bettô (biệt đương =trưởng quan) đầu tiên được bổ nhiệm ở đó là Ôe no Hiromoto (Đại Giang Quảng Nguyên). Đây là công sở vừa trông coi về hành chính lẫn tài chính. Cùng năm đó, ông lại lập Monchuujô (Vấn chú sở) phụ trách tố tụng. Chức trưởng quan ở đây có danh hiệu là shitsuji (chấp sự). Yoritomo ủy thác nó cho Miyoshi no Yasunobu (Tam Thiện Khang Tín).

Cơ cấu hành chính của Mạc phủ Kamakura:       |

                                                     

 

 

Shôgun (Tướng Quân)

    |

 

Samuraidokoro ( võ sĩ gia thần)

     |      

Monchuujo(tố tụng)

    |

 

 

Mandokoro (hành chánh)

    |

 

 

Kyôto shugo (Kyôto)

        

 

 

Shugo (các vùng khác)

    |

 

 

 

Jitô (Shôen, Kôryô) địa phương

 

 

Tháng 5 năm 1183 (Juei 3), Minamoto no Yoshinaka ở Kisodani vốn nổi dậy sau Yoritomo đã phá tan quân Heike bằng hỏa công “buộc đuốc vào đuôi bò” trong trận tập kích ở ngọn đèo Kurikara làm cho cả nhà Heike phải tháo chạy khỏi kinh thành.

Riêng về Yoritomo, sau khi dã xây dựng xong mạng lưới chi phối cả địa bàn miền Đông (Tôgoku) thì chuyên tâm củng cố căn cứ Kamakura. Hai người em trai là Noriyori và Yoshitsune thay mặt ông tiếp tục đưa quân tiến đánh Heike. Tháng 2 năm 1184 (Juei 3), quân Genji đi theo hẻm núi Hiyodorigoe (gần núi Rokkôzan tỉnh Kobe bây giờ) xuống tập kích quân Heike, đánh bại họ trong trận Ichinotani. Tháng 2 năm sau,Genji lại thắng trận Yashima, nơi mà tướng của họ là Nasu no Yoichi đã trổ tài thần tiễn (sự tích bắt trúng đích lá quạt = Ôgi no mato). Kết cuộc là vào tháng 3 năm ấy, sau trận hải chiến quyết định ở cửa biển Dan no ura (gần Shimonoseki bây giờ, giáp ranh Kyuushuu), thì tập đoàn Heike hầu như bị tiêu diệt.

Nhân đây cũng phải nhắc là địa bàn miền Tây (Saikoku, từ vùng Kyôto-Ôsaka trở về tây) mà Heike đã xây đắp như cứ điểm của mình, đã phải chịu cảnh đói kém ngặt nghèo từ năm 1181 (Yôwa nguyên niên) suốt hai năm liên tiếp. Đó là “Trận đói năm Yôwa” (Yôwa no daikikin) mà sử sách còn ghi lại, nguyên nhân phân định thắng bại giữa hai nhà Heike và Genji. Ẩn sĩ Hamo no Chômei (Áp, Trường Minh) đã dựa trên triết lý vô thường viết nên tập tùy bút Hôjôki (Phương trượng ký), trong đó, ông nhắc đến tai ách này:

Hình như hồi năm Yôwa thì phải, chuyện xưa rồi nên không nhớ rõ. Suốt hai năm liền, không lương ăn, bao nhiêu cảnh bi thảm. Xuân, hạ thì hạn hán, thu, bão tố lũ lụt, tiếp nối toàn là tai ách, làm cho ngũ cốc hầu như không ra hạt....Vì thế, nông dân khắp châu huyện rời bỏ nhà cửa ruộng vườn lại đằng sau, chạy qua xứ khác hay vào trong núi ở. Triều đình cho lập đàn cầu đảo, làm bùa làm phép mà hoàn toàn chẳng có kết quả.....Ngoài đường đầy ăn xin, tiếng kêu khóc than thở không đâu là không nghe....

Bên những bức tường và hàng dậu ở vệ đường, đầy xác người chết đói. Vì không có cách nào đem vứt đi nên mùi xú uế xông lên khắp thành. Những thây ma lần hồi thối rữa ra, hình dung vóc dáng biến dạng quá đỗi, đến nổi không ai nhẫn tâm nhìn.

Cảnh tượng như thế còn thấy ngay giữa phố thì còn nói gì ngoài bãi sông Kamo, ngoài đó hài cốt bỏ bê chồng chất không còn chỗ cho ngựa hay xe bò di chuyển....Cha mẹ đều chịu chết đói trước con. Lại có đứa trẻ sơ sinh, không hiểu rằng mẹ mình đã nằm chết kề bên, cứ tiếp tục ngậm chặt bầu vú mẹ để bú.

(Trích Hôjôki của Kamo no Chômei)

Ngược hẳn với cảnh tượng thê thảm ở miền Tây mà Kamo no Chômei đã miêu tả, miền Đông của họ Genji lại được mùa. Lợi thế kinh tế đó cũng là một yếu tố quyết định cho sự chiến thắng của họ.

1. Mạc phủ Kamakura thành hình

Cố đô Kamakura, nơi mạc phủ mang tên nó ra đời ngày nay vẫn còn để lại những di tích lịch sử như đền thần đạo Tsurugaoka Hachimanguu, Kenchôji (Kiến Trường Tự) nơi thiền sư Rankei Dôryuu (Lan Khê Đạo Long) được mời từ nhà Tống sang tu, cũng như Engakuji (Viên Giác Tự) của thiền sư Mugaku Sogen (Vô Học Tổ Nguyên). Đặc biệt Shariden (Xá lợi điện) của chùa Engaku là một công trình mỹ thuật với những đường nét tinh vi và hài hòa của mái điện tiêu biểu cho kiến trúc Thiền tông.

Trước kia, hồi trận giặc 9 năm, khi dòng họ Genji đặt được bàn đạp ở miền Đông, viễn tổ của họ là Minamoto no no Yoriyoshi (Nguyên Lại Nghĩa, 988-1075) đã rước được thần phật từ đền Iwashimizu Hachimanguu về và cho xây trên đất Kamakura đền Yuiwakamiya. Từ đó mảnh đất thành ra này có nhân duyên sâu xa với họ Genji. Sở dĩ họ Genji đón thần Hachiman từ Iwashimizu về vì thần ấy là tổ thần của họ Seiwa Genji (Genji con cháu Thiên hoàng Seiwa[1]). Nguyên lai đền Hachiman thờ Thiên hoàng Ôjin (Ứng Thần, một vị thiên hoàng trong thần thoại) như một vị thần cung tiễn, tượng trưng cho con nhà võ.

Sở dĩ Yoritomo đã chọn Kamakura làm bản doanh cho chính quyền vũ gia của ông vì đất ấy có địa thế rất tốt. Bãi Yuigahama ở phía nam Kamakura giáp mặt với biển còn ba phía kia đều được núi non làm thành lũy che chở. Ngoại trừ bảy con đường độc đạo được khai thông nhưng ép sát theo các hẻm núi gọi là kiridôshi (đường cắt ngang), Kamakura hầu như một pháo đài thiên nhiên rất tiện lợi cho việc phòng thủ. Thành phố Kamakura về sau đã được xây cất chung quanh một trung tâm điểm, đó là đền Tsurugaoka Hachimanguu.        

                          

Đền Tsurugaoka Hachimanguu

Trong những kiridôshi của thủ phủ Kamakura, con đường tên Asahina là nổi tiếng hơn cả.Nó giúp Kamakura nối được với một cảng nước sâu là Mutsura no tsu vì bở biển Kamakura vốn nông không dùng cho thuyền bè được. Thế nhưng vì cảng nước sâu này lại ở quá xa cho nên về sau quan chấp quyền (phụ tá cho Shôgun) Hôjô Yasutoki (Bắc Điều Thái Thì) đã xây bến cảng mới tên gọi Wagae no tsu cạnh bờ biển Zaimokugi cũng ở phía nam và không xa trung tâm thành phố lắm.

Tháng 10 năm 1183 (Juei 2) thì trên thực tế Yoritomo đã được Pháp hoàng Go Shirakawa công nhận quyền quản hạt của ông trên toàn cõi miền Đông (Tôgoku) và bảo chứng quyền chi phối trên các lãnh địa cũng như cho phép đặt một quan hệ chủ tớ với các bushi thuộc hạ (go-kenin). Đến khi nhà Heike (họ Taira) bị diệt vong (Bunji hay Monchi nguyên niên, 1185), Yoritomo lại thành công trong việc được Pháp hoàng Go Shirakawa ban cho quyền bổ nhiệm thuộc hạ mình vào những chức shugo (thủ hộ) ở các tiểu quốc (vùng) và những chức jitô (địa đầu) cầm đầu công lãnh, trang viên. Điều này có ý nghĩa là trên thực chất, chính quyền quân nhân của Mạc phủ Kamakura đã được  thành hình.Dưới thời nhà nước luật lệnh trước đây, ở mỗi tiểu quốc chỉ đặt kokushi (quốc ty) làm nơi lo việc cai trị nhưng các trang viên thì chịu sự chi phối của lãnh chúa chủ nhân trang viên.Bây giờ, một khi Yoritomo đã đặt tay chân bộ hạ của mình về địa phương rồi thì quyền lực của mạc phủ sẽ song hành với quyền lực của triều đình.

Chức shugo (thủ hộ) xưa kia vốn không được gọi như thế. Dưới chế độ nhà nước luật lệnh của thời Heian, khi chính sự suy thoái phải đặt ra chức quan để tuần tra bắt gian để duy trì trị an, thì người làm phận sự ấy được mệnh danh là Sôtsuibushi (Tổng truy bổ sứ). Chỉ từ khi các gia thần của mạc phủ ra lãnh trách nhiệm ấy thì các tên shugo (nghĩa đen là người gìn giữ bảo vệ) mới trở thành thông dụng.

Tuy nhiên, cho dù việc sắp đặt chức shugo mang danh nghĩa thế nào đi nữa, người ta thấy Yoritomo đã tìm cách tổ chức một hệ thống an ninh chặt chẽ với những bộ hạ trung thành của mình và công việc trước mắt là truy lùng đứa em “nguy hiểm”, Yoshitsune. Lý do là cậu em (cùng cha khác mẹ) đã được Pháp hoàng Go Shirakawa bổ vào chức Kebiishi (Kiểm phi vi sứ) giống như là tổng quản công việc trị an cho triều đình, được cả đặc quyền thăng điện[2]. Yoritomo không bằng lòng chút nào nếu không nói là căm tức khi thấy Yoshitsune đã lẳng lặng nhận chức này mà không xin phép mình trước.

Chức shugo do đám “người nhà” (go-kenin) nhận lãnh có 3 nhiệm vụ canh phòng quan trọng, gọi là daibon sankajô (đại phạm tam cá điều) hay 3 loại tội phạm lớn:

  1. Canh phòng mọi sự xâm phạm cung vua ở Kyôto và phủ chúa ở Kamakura (Ôban saisoku);
  2. Lùng bắt những kẻ phản nghịch;
  3. Lùng bắt tội phạm sát nhân.

Đám người nhà này cũng giữ các chức jitô ở địa phương, phụ trách quản lý và an ninh cho các trang viên và công lãnh. Vai trò ấy có tên là shitaji kanri (hạ địa quản lý).Ngoài ra, họ còn phải trưng thu các thứ thuế má liên quan đến điền thổ và phu dịch.

Yoritomo đã ban bố lệnh Go seibai shikimoku (Ngự thành bại thức mục). Thành bại có nghĩa là “hoàn thành việc thiện và đánh bại điều ác” cho nên đây có nghĩa là những qui định (thức mục ) để cai trị (thành bại). Tuy không ghi chép rõ ràng về cách luận công khen thưởng khi jitô làm được việc nhưng trong đó có chỗ đưa ra thí dụ về việc “ cấp 1 dan (đoạn) đất kèm theo 5 shô (thăng) gạo nuôi quân” cho một jitô. Đồng thời, vì Yoritomo cũng đã thâu tóm quyền của các quan hành chánh địa phương (zaichô kannin) của các nha (kokuga) vào tay mình cho nên danh xưng shugo đó càng ngày càng được phổ cập.

Sau khi tổ chức mạc phủ xong xuôi, Yoritomo mượn cớ truy lùng Yoshitsune (ông này lâm vào đường cùng, phải tự sát), đã bình định địa phương Đông Bắc và tiêu diệt luôn chính quyền Ôshuu Fujiwara (Áo châu Đằng Nguyên) tức một chi nhánh họ Fujiwara hùng cứ miền Ôshuu, Đông Bắc Nhật Bản, với tội danh “chứa chấp kẻ phản nghịch”.Năm 1190 (Kenkyuu nguyên niên), Yoritomo được phong Ukonoe Taishô (Hữu cận vệ đại tướng), đến năm 1193 (Kenkyuu 3), sau cái chết của Pháp hoàng Go Shirakawa (vốn không ưa gì ông), ông lại được phong Seii Taishôgun (Chinh di đại tướng quân), một chức vụ tối quan trọng như lòng hằng mơ ước. Như vậy Mạc phủ Kamakura bây giờ đã trở thành cùng lúc hữu danh hữu thực.

Về danh hiệu Shôgun:

Chức Seii Taishôgun mà sau này người ta gọi gọn thành Shôgun trước tiên đã được phong cho danh tướng Sakanoue no Tamuramaro (Phản Thượng Điền Thôn Ma Lữ) vào năm 797 khi triều đình Heian phái ông đi viễn chinh đánh dẹp dân tộc thiểu số Ezo (Hà di) miền Đông Bắc đảo Honshuu.Thế rồi, với Minamoto no Yoritomo, nó trở thành một thứ chức Thống lĩnh quân đội (Generalissimo) mà triều đình Kyôto ban cho người cầm đầu phủ chúa trãi qua các đời từ Kamakura, Muromachi cho đến Edo. 

1. Liên hệ giữa triều đình và mạc phủ thời Kamakura

Trước tiên xin trình bày về chế độ gọi là go-kenin (= ngự gia nhân), một khái niệm cần thiết để hiểu về tổ chức của Mạc phủ Kamakura. Nói một cách tóm tắt thì nó tượng trưng cho mối liên hệ chủ tớ giữa “ngài Kamakura” (Kamakuradono) tức Shôgun và các “thuộc hạ của ngài”. Shôgun ban bố ân huệ (gọi là go-on = ngự ân) cho thuộc hạ, gia thần (go kenin) và họ đáp lại bằng cách nhận lãnh công việc ông giao phó để thi hành (hôkô = phụng công).

Ân huệ ấy là những gì ? Nói gọn ra thì, trong một xã hội nông nghiệp như thế, đó là những đặc quyền dưới hình thức đất đai. Muốn ban ơn cho họ một cách cụ thể nhất, Shôgun chỉ cần bổ nhiệm họ làm jitô (địa đầu) để cai quản một địa phương nào đó.

Cần nhớ một điều: xưa kia, chữ jitô (địa đầu) đã có rồi và dùng để chỉ một người được bổ nhiệm để đi ra một địa phương (địa, quốc) nào đó để đứng đầu (đầu) việc cai quản. Khốn nỗi, công việc của viên chức ấy thường không được qui định rõ trong tương quan với viên shugo (thủ hộ) cũng là quan cai trị đang tại chức. Dưới thời Yoritomo, mới đầu nó chỉ hạn chế trong vòng các shôgô jitô (trang hương địa đầu), tên gọi những công thần được phong trên đất tịch thu từ tập đoàn Heike vừa bị tiêu diệt hay từ những kẻ đã phản nghịch chống chính quyền ông. Danh từ đó được hiểu rộng ra theo cái nghĩa nguyên thủy từ thời điểm sau cuộc loạn năm Jôkyuu 3 (Thừa Cửu, 1221) khi Thái thượng hoàng Go Toba thất bại trong cuộc đảo chánh chống Mạc Phủ kéo theo sự suy vi của xã hội công khanh.

Những go-kenin được bổ nhiệm làm jitô có nhiệm thu và nạp cho nhà nước cống vật hằng năm (tuế cống), quản lý đất phong và duy trì trị an. Họ sẽ được bảo đảm quyền cai trị từ đời này qua đời khác trên lãnh địa mà mình quản hạt. Việc được bảo đảm quyền thế tập trên một vùng đất như thế, sử gia gọi là honryô ando (bản lãnh an đổ) tức là “quyền an tâm sống trên đất mình cai quản”. 

Ân huệ thứ hai mà Shôgun có thể ban cho go kenin là đất phong mới mỗi khi người ấy có công. Tiếng chuyên môn gọi là shin.on kyuuyo (tân ân cấp dử) hay “ơn mới ban cho”.

Ngày nay người Nhật bình thường trong đời sống hằng ngày hay dùng chữ isshô kenmei (nhất sinh huyền mệnh) để nói lên cái ý sẽ “cố gắng hết mình”. Đó là cách bày tỏ ý tưởng xuất phát từ bối cảnh lịch sử của thời Kamakura. Đương thời, giới bushi chỉ lo lắng làm sao đem (treo) hết tính mệnh (huyền mệnh) để giữ được một sở đất (nhất sở) mà tổ tiên đã có công tạo ra. Nhất sở (issho) cũng đọc na ná (khác nhau âm ngắn âm dài) với nhất sinh (isshô). 

Còn người chịu ân trên thực tế phải đền đáp lãnh đạo bằng cách gì? Dĩ nhiên trong thời chiến phải đem sinh mạng báo đền trong trận mạc, ngày thường thì làm vệ sĩ bảo vệ cung cấm ở Kyôto và phủ chúa (ban.yaku = ban dịch hay nhiệm vụ canh gác). Canh gác hoàng cung ở Kyôto thì gọi là Kyôto daiban.yaku, canh gác phủ chúa ở Kamakura thì chỉ gọi là Kamakura ban.yaku (không có chữ “đại”).

Như thế, các lãnh chúa khai khẩn nhất là các lãnh chúa ở miền Đông (Tôgoku) đã thành lập ra các nhóm vũ sĩ (busidan), các nhóm vũ sĩ bây giờ lại trở thành thuộc hạ Shôgun (go-kenin), được phong đất đai để quản lãnh theo cách cha truyền con nối. Đớ là quá trình thành hình của chính quyền quân nhân ở Kamakura. Lòng trung thành làm phên giậu đánh đổi lấy sự bảo hộ quyền lợi.

Vì miền Đông trên thực chất là nơi mạc phủ chi phối nên tổ chức hành chánh và tố tụng đều nằm trong tay mạc phủ. Những vùng đất khác thì hãy còn đặt kokushi để cai trị, shugo để phòng thủ nhưng cũng rơi vào vòng ảnh hưởng của mạc phủ. Như thế, một thể chế phong kiến dựa trên quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất đai được ban phát là đặc tính của Mạc phủ Kamakura. Phải nói thêm là một chế độ phong kiến có tính quân sự vì nó được dựng mên bởi một tập đoàn quân nhân.

Cơ sở kinh tế của Mạc Phủ Kamakura là thuế thu từ đất đai canh tác, nguồn lợi thu nhập của nhà nước. Đất đai mạc phủ kiểm soát gọi là Kantô go seibai chi (Quan Đông ngự thành bại địa), và như đã nói, “thành bại” chỉ có nghĩa là quản lý, khu xử. Đất này được chia ra làm 3 hạng:

  1. Đất riêng dành cho Shôgun Yoritomo. Đó là một số tiểu quốc mang tên chung là Kantô chigyôkoku (Quan Đông tri hành quốc) hay Kantô gobunkoku (Quan Đông ngự phân quốc) . Lúc nhiều nhất có 9 tiểu quốc.
  2. Cựu lãnh địa, trang viên của Heike bị tịch biên (mokkanryô, một quan lãnh), có tên Kantô goryô (Quan Đông ngự lãnh).
  3. Đất có thể đem ra cấp phát cho go-kenin dưới mọi hình thức, goị là Kantô shinshi shoryô (Quan Đông tiến chỉ sở lãnh). Shinshi (tiến chỉ) trong Nhật ngữ có nghĩa là “tiến hay ngừng” nhưng chắc nên hiểu theo nghĩa bóng là điều hành, cấp phát hay lấy lại.

Một điểm cần lưu ý là tuy chế độ ban phát có thay đổi nhưng nó cũng chỉ là sự tiếp nối với đôi chút thêm bớt chính sách ruộng đất của nhà nước luật lệnh vì những khái niệm cơ sở như chigyôkoku (tri hành quốc), shôen (trang viên) vẫn còn đó. Nói cách khác, tuy xã hội thời Kamakura là một xã hội phong kiến nhưng vẫn nương tựa vào tổ chức kinh tế đã có sẳn. Thứ đến, Mạc Phủ Kamakura không thực sự cấp đất trực tiếp cho go kenin mà chỉ cấp nó gián tiếp qua sự phong chức (jitôshiki = địa đầu chức). Điều đó làm cho xã hội phong kiến thời Kamakura (thế kỷ 12 đến 14), nếu đem so sánh với xã hội phong kiến thời Edo (thế kỷ 17 đến 19) vẫn còn có chỗ chưa được hoàn chỉnh.

Nói là chưa hoàn chỉnh cũng là vì vào thời Kamakura, các lãnh chúa trang viên dính líu đến triều đình và quí tộc ở Kyôto cũng như càng đại tự xã (chùa chiền và đền thần đạo lớn) vẫn còn mạnh. Không những tính lưỡng nguyên (dualism) này chỉ nằm ở phạm vi kinh tế mà còn ở trong địa hạt chính trị nữa. Trong khi triều đình bổ nhiệm các quan thuộc kokushi và nắm bao quát hành chánh toàn quốc thì giới quí tộc và đại tự xã thu lợi nhuận từ đất đai trong vai trò quan kokushi hay lãnh chúa các trang viên.Do đó, không phải võ sĩ nào cũng là người của mạc phủ. Những võ sĩ không liên kết với chính quyền Kamakura có tên là hi go kenin (phi- ngự gia nhân).

Liên hệ như thế giữa triều đình và mạc phủ đã được triều đình qui định trong các pháp lệnh và tuyên chỉ (senshi). Nó có tên là shinsei (tân chế, chế độ mới).

Rốt cuộc, việc Mạc Phủ Kamakura thành hình không có nghĩa là triều đình biến mất đâu. Nó chỉ đưa đến sự hiện hữu của một chính quyền song song, một thể chế có tính lưỡng nguyên.Những jitô và shugo mà mạc phủ bổ nhiệm sẽ làm nhiệm vụ hành chánh, trị an và thu nạp huê lợi trên toàn quốc. Ai không hoàn thành trách nhiệm sẽ bị mạc phủ trừng trị. Một mặt, mạc phủ cũng ủng hộ quyền lực của triều đình và nâng đở các trang viên, công lãnh. Tuy nhiên, không kể miền Đông là căn cứ địa của họ, dù nơi nào trên toàn quốc, mạc phủ đều tỏ ra có ưu thế và thực quyền hơn triều đình. Dần dà, ở các trang viên địa phương, các “trang quan” mà lãnh chúa trang viên đặt ra ở đó đã bị các jitô cướp mất chỗ. Nhân vì mạc phủ muốn bành trướng và củng cố thế lực đến như vậy cho nên quan hệ giữa hai bên chẳng mấy chốc mà xấu đi.



[1] Trên nguyên tắc, Genji chỉ là cái tên chung để chỉ những người con của các thiên hoàng mà mẹ họ không phải là phi tần chính thức, ví dụ Genji Hikaru chỉ là con một cung nữ giữ chức kôi (cánh y) lo quần áo cho vua.

[2] Shôden (thăng điện), một đặc quyền dành cho các quan từ ngủ phẩm trở lên (hay lục phẩm nếu là bầy tôi bên cạnh Thiên hoàng trong cung cấm), được lên điện Seiryô (Thanh Lương) nơi vua ngự.Sau quyền lợi này được xét theo môn hộ người ấy xuất thân. Kẻ được lên điện nói chung là tenjôbito (điện thượng nhân), người không có quyền ấy thì gọi là jige (địa hạ).

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570032

Hôm nay

268

Hôm qua

2367

Tuần này

22415

Tháng này

228556

Tháng qua

129483

Tất cả

114570032