Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 22)

Tiết 2 Chính quyền các Chấp quyền họ Hôjô phát triển.

  1. Hôjô lên nắm quyền. Cuộc loạn năm Jôkyuu

Khác với điều người ta có thể nghĩ, chức Shôgun của Mạc Phủ Kamakura đã kéo dài được đến 9 đời. Thông thường, được biết đến chỉ có 3 ông Genji: Yoritomo (Lại Triều), Yoriie (Nghĩa Gia) và Sanetomo (Thực Triều). Thế nhưng không vì vậy mà Mạc Phủ Kamakura không thể tiếp nối dù chỉ với hình thức vay mượn.

Ba đời đầu tiên đều cùng một tộc Genji (Minamoto) nên được gọi là Genke shôgun (Nguyên gia tướng quân), sau đó là những nhân vật xuất thân từ gia đình sekkan như gia đình Fujiwara hay hoàng tộc. Ta cũng biết cánh bắc (Hokke) quyền thế của họ Fujiwara đã phân nhánh thành 5 nhà: Konoe (Cận Vệ), Kujô (Cửu Điều), Takatsukasa (Ưng Ty), Nijô (Nhị Điều) và Ichijô (Nhất Điều), gọi chung là Gosekke (Ngũ nhiếp gia). Do đó mới có các Sekke shôgun (Nhiếp gia tướng quân) và Shinnô shôgun (Thân vương tướng quân) hay Miya shôgun (Cung tướng quân), là những người được mời từ Kyôto đến Kamakura giữ chức lãnh đạo mạc phủ nhưng chỉ là trên danh nghĩa.

Gọi là trên danh nghĩa vì các vị được đón về kể từ sau đời Sanetomo (thứ 3) đều là những anh trẻ con, không thể nào có khả năng thi hành chính vụ.Ví dụ Fujiwara no  Yoritsune (Đằng Nguyên Lại Kinh) khi nhậm chức Tướng quân đời thứ 4 hãy còn là một cậu bé mới lên hai. Hiển nhiên, trước tình cảnh đó sự lãnh đạo mạc phủ phải được đặt trong tay những kẻ có thực quyền. Những người này không ai khác hơn là các quan shikken (chấp quyền) họ Hôjô (Bắc Điều). Shikken vốn là danh xưng của trưởng quan tổ chức chấp hành chính trị của thời chính trị viện sảnh có tên là inshi (viện ty). Về sau chức shikken dùng để trỏ người nắm được quyền điều khiển (chức gọi là bettô = biệt đương) cả hai nha sở quan trọng của mạc phủ là mandokoro (trông coi hành chính) và samuraidokoro (quân sự). Hình thái chính trị của các shikken họ Hôjô được mệnh danh là shikken seiji hay chính trị của các quan chấp quyền. Câu hỏi đặt ra ở đây là trong trường hợp nào mà họ Hôjô, với tư cách là đại biểu của tầng lớp go-kenin đã thành công trong việc đoạt được chính quyền.

Cho đến lúc đó, Yoritomo là người có đủ uy tín kết hợp được các busidan miền Đông, triển khai một chính trị độc tài. Ông mất vào tháng 1 năm 1199 (Seiji nguyên niên) ở tuổi 53. Tương truyền năm trước đó nhân đi khánh thành một cây cầu mới trên sông Sagami, ông bị ngã ngựa và sự kiện đã đưa đến cái chết của ông.Tuy nhiên bộ Azuma kagami (Ngô thê kính), tức cuốn chính sử của miền Đông (Azuma) thì lại không ghi chép một chi tiết nào cho nên chân tướng của cái chết đó vẫn chưa hề sáng tỏ.

Sau khi Yoritomo qua đời, hai người con trẻ tuổi của ông là Yoriie và Sanetomo thay nhau nắm quyền bính. Trong giai đoạn ấy những quí tộc cận thần của cha họ là Ôe no Hiromoto (Đại Giang Quảng Nguyên), Miyoshi no Yasunobu (Tam Thiện Khang Tín) đã cùng với các go kenin có thực lực như Hôjô Tokimasa (Bắc Điều Thì Chính), Kajiwara Kagetoki ( Vĩ Nguyên Cảnh Thì) bàn bạc với nhau để đi đến một thể chế lãnh đạo chính trị kiểu tập đoàn. Ngoài Yoritomo, người sáng nghiệp và thật sự đã leo lên tới đỉnh cao bằng sức mình, hai người con của ông không được như vậy. Yoriie (đời thứ 2) nhậm chức shôgun khi còn quá trẻ trong khi Sanetomo (đời thứ 3) không tha thiết đến chức vụ ấy cho lắm (có lẽ ông không cảm thấy thoải mái khi sống giữa một hang cọp). Sanetomo được biết tới như một nhà thơ waka kiệt xuất với những lời châu ngọc trong tác phẩm Kinkai wakashuu (Kim hòe hòa ca tập) chứ không phải vì tài chính trị của ông. Thơ ông mang nhiều tâm sự khổ đau.

Trong tình trạng các Shôgun yếu đuối như thế, cuộc tranh đoạt quyền hành để được lãnh đạo mạc phủ trở thành kịch liệt giữa các gia thần. Trong nhóm này, lực lượng hùng mạnh nhất là họ Hôjô, xuất thân là zaichô kanjin (tại sảnh quan nhân) xứ Izu. Họ là những viên chức hành chánh không đuợc triều đình gửi đến từ trung ương mà là con cháu hào tộc sở tại nhưng cũng nhớ đó họ bám rễ rất chắc mà bành trướng cũng rất nhanh. Cũng phải nói là gia đình họ đã ủng hộ Yoritomo tự thuở hàn vi và một người đàn bà trong gia tộc, con gái Hôjô Tokimasa là Masako (Chính tử) là vợ chính thất của người sáng nghiệp. Năm 1203 (Kennin 3), Tokimasa thành công trong việc tru diệt Hiki Yoshikazu[1], người được chỉ định làm kôkennin (hậu kiến nhân) tức phụ chính cho ấu chúa Yoriie (Nguyên Lại Gia, 1182-1204, tại chức 1202-03) mới có 10 tuổi. Tokimasa cho giam lỏng Yoriie ở chùa Shuuzenji, sang năm sau lại phế đi để lập người em là Sanetomo (Nguyên Thực Triều, 1192-1219, tại chức 1203-1219) và nắm thực quyền của mạc phủ. Đến năm 1205 (Genkyuu 2) ông ta dẹp công thần sáng nghiệp là Hatakeyama Shigetada, năm 1213, cho con trai là Yoshitoki (Nghĩa Thì) tiêu diệt Wada Yoshimori, người đã từng giữ chức bettô đứng đầu samuraidokoro (nha sở lo việc binh) thời mới mở. Kể từ ấy, họ Hôjô cha truyền con nối nắm lấy hai chức vụ quan trọng nhất nghĩa là trưởng quan của cả mandokoro lẫn samuraidokoro. Thế rồi họ cho thân tộc vào đầy trong guồng máy mạc phủ để tăng thêm vây cánh.

 

                

                    

Hôjô Yoshitoki, nhà chính trị ưu tú của họ Hôjô

Đời shikken thứ hai là Hôjô Yoshitoki. Trong giai đoạn này, sự đối lập giữa triều đình (chính quyền công khanh) và mạc phủ (chính quyền quân nhân) trở nên sâu sắc. Đóng vai trò trung tâm của triều đình Kyôto lúc ấy là Thái thượng bhoàng Go Toba (Hậu Điểu Vũ). Ông là người được biết đến đã hạ sắc chiếu cho Fujiwara no Teika và Ietaka biên soạn Shin Kokin wakashuu (Tân cổ kim hòa ca tập) nhưng cũng là một nhà thơ tài hoa.Trên thực tế, ông ở ngôi thái thượng hoàng và nắm thực quyền chính trị chứ không phải làm vì nên có danh hiệu là chiten no kimi (trị thiên chi quân), Về chính trị thời Go Toba, ta có thể tham khảo tập nhật ký và cũng là sử liệu quan trọng, Meigetsuki (Minh Nguyệt Ký) của thi hào Fujiwara no Teika (Đằng Nguyên Định Gia).

Thái thượng hoàng Go Toba là người đã thu góp các lãnh địa, trang viên rộng lớn nhưng rải rác thuộc về hoàng tộc và đặt chúng dưới sự kiểm soát của mình. Làm như thế là để được ổn định về mặt kinh tế. Còn về quân sự, ông cũng cho tăng cường bằng cách thành lập Saimen no bushi (Tây diện vũ sĩ) tức lực lượng cấm quân của viện sảnh với ý đồ chống cự mạc phủ , đồng thời vãn hồi quyền lực của triều đình.

Giữa khi ấy, ở Kamakura, có một chuyển biến quan trọng. Năm 1219 (Jôkyuu nguyên niên), người con mồ côi của Yoriie là Kugyô (Công Hiểu) đã ám sát thành công Shôgun đời thứ 3 là Sanetomo. Cho là nhà chúa đã sa sút và đây là thời cơ để đoạt lại quyền lực, Thái thượng hoàng Go Toba mới cự tuyệt lời yêu cầu của Kamakura xin ông gửi một hoàng tử của mình về làm Shôgun.Ngược lại, ông còn đòi mạc phủ phải bãi bỏ các chức jitô của hai trang viên Nagae và Kurahashi trong vùng Settsu (gần Kyôto). Điều này mạc phủ không thể nào chấp nhận. Vì thế mới bùng lên Jôkyuu no ran (Loạn năm Thừa Cửu 3, 1221), cuộc đối địch đầu tiên giữa công khanh và quân nhân.

 

                       

                            

Thái thượng hoàng Go Toba

Lúc mới bắt đầu, Go Toba qui tụ tất cà các thế lực đồng minh, từ các bushi miền Tây, tăng binh các đại tự viện cho đến một bộ phận bushi miền Đông bất mãn với sự chuyên chế của họ Hôjô, và cử binh thảo phạt. Thái thượng hoàng có phần chủ quan khi nghĩ rằng với một lực lượng như vậy, ông có thể đánh bại họ Hôjô một cách dễ dàng. Nào đâu, trái với dự tưởng của ông, đại bộ phận của bushi miền Đông đã đoàn kết chung quanh họ Hôjô để nghênh địch. Mạc phủ còn gửi các tướng Hôjô như Yasutoki (Thì Thái) con trai Shikken Yoshitoki (Nghĩa Thì) và Tokifusa (Thì Phòng) (em Yoshitoki) tấn công Kyôto. Kết cuộc là toán quân đồng minh ô hợp của Thái thượng hoàng không đầy một tháng đã thảm bại trước những đạo quân tinh nhuệ của mạc phủ.

Về việc giao thông giữa Kyôto và Kamakura thời ấy, chúng ta có thể được biết qua hai tập văn chương bút ký du hành (kikôbun) viết ra sau cuộc loạn năm Jôkyuu. Đó là Tôkan Kikô (Đông quan kỷ hành) và Kaidôki (Hải đạo ký).

Mạc phủ đã chỉnh lý cuộc loạn đó như sau. Trước hết, ba vị thái thượng hoàng và thiên hoàng bị xử phối lưu nghĩa là đi đày. Go Toba ra đảo Oki (ngoài khơi tỉnh Shimane bây giờ), Tsuchimikado ra cùng Tosa (tỉnh Kôchi trên đảo Shikoku bây giờ), Juntoku ra vùng Sado (tỉnh Niigata bây giờ).Về Thái thượng hoàng Juntoku, người ta biết ông là tác giả Kinbishô (Cấm bí sao), một tác phẩm nói về nghi thức, lễ nghi, tổ chức hội hè trong cung cũng như phẩm trật chức tước quan lại. Loại sách này có cái tên chung là yuushoku kojitsu (hữu chức cố thực), nó cũng là tên một môn học rất được phát triển dưới thời Heian trung kỳ. Khi chính quyền công khanh càng suy thoái và chính quyền quân nhân càng vững vàng thì môn học này, như một phản ứng ngược chiều, đã dấy lên mạnh mẽ. Đối với người đời sau như chúng ta, đó là những tư liệu hết sức quí giá để hiểu về xã hội Nhật Bản. 

Nhân Thái thượng hoàng Juntoku vì muốn tham gia việc thảo mạc (đánh mạc phủ) đã nhường ngôi cho người con là Thiên hoàng Chyuukyô (Trọng Cung) lúc ấy vừa lên 4. Thiên hoàng mới lên ngôi tháng 4 thì tháng 5, cuộc loạn Jôkyuu bùng nổ. Cho nên khi loạn vừa chấm dứt, người ta cũng phế ông[2] để lập một vị vua khác (con trai một người anh của Go Toba) là Thiên hoàng Go Horikawa (Hậu Quật Hà). Cha của thiên hoàng đương nhiệm là Hoàng thân Moriosada (Thủ Trinh) tuy trong quá khứ chưa từng làm vua ngày nào nhưng cũng đứng ra thi hành viện chính. Đó là một sự kiện khá đặc biệt.

Biến cố vừa xảy ra chỉ là cơ hội cho phép mạc phủ kể từ đây được can dự vào nội chính của triều đình. Từ chính trị lưỡng nguyên kôbu nigen (công vũ nhị nguyên), cuộc biến loạn năm Jôkyuu đã tạo ưu thế cho gia trước công gia. Thêm vào đó, việc bảo vệ trị an của Kyôto từ đây sẽ không do chức shugo kinh đô đảm nhận nữa. Mạc phủ Kamakura lập ra một tổ chức quan phòng từ binh bị, tố tụng đến cai trị như phủ thủ hiến tên gọi tandai (thám đề) đóng ở khu Rokuhara (Lục Ba La) trong thành phố cho nên gọi là Rokuhara tandai. Cơ cấu này không những giám thị động cử của triều đình, canh phòng bên trong bên ngoài kinh đô mà còn quản hạt cả các tiểu quốc miền Tây. Chức vụ đó trao cho hai người là Hôjô Yasutoki và Tokifusa. Rokubara tandai được chia làm 2 dinh ở phía bắc và phía nam. Yasutoki coi dinh bắc, Tokifusa coi dinh nam. 

Hơn 3.000 lãnh địa thuộc về các quí tộc và bushi đi theo phe thiên hoàng đã bị mạc phủ tịch thu. Các go-kenin có công đối với mạc phủ trong thắng lợi vừa rồi được bổ nhiệm đi làm jitô các vùng đất đó. Đối với những miếng đất cho đến nay không cho bổng lộc bao nhiêu thì mạc phủ sửa soạn một đạo luật mới có tên là Shinborippô (Tân bổ suất pháp) để bảo đảm việc cấp lương tiền cho những jitô ấy.Những jitô thuộc diện ấy có tên là shinpo jitô (địa đầu theo qui chế ăn lương bổ túc) để phân biệt với những jitô đã được bổ nhiệm từ trước (honpô jitô = bản bổ địa đầu). Theo tiêu chuẩn mới này, cứ 11 chô (đinh) đất vườn thì họ khỏi phải nộp cống huê lợi trên 1 chô gọi là menden (miễn (thuế) điền) . Lại ban cho họ quyền hạn trưng thu gạo thóc gọi là kachômai (gia trưng mễ): cứ 1 dan (đoạn) ruộng thì gắn với 5 thăng thóc.

Như thế, uy lực của mạc phủ trên các trang viên và công lãnh đã lan rộng ra suốt vùng Kinki và Saikoku (Tây quốc). Để nắm được tình hình, mạc phủ cho soạn thảo sổ sách ghi chép về điền thổ tên gọi là Ôtabumi (Đại điền văn). Mặt khác, từ đó triều đình tuy vẫn tiếp tục thi hành chính trị viện sảnh nhưng sau cuộc loạn năm Jôkyuu thì cái thế “công vũ nhị nguyên” đã mất thăng bằng, lợi thế nghiêng hẳn về cho mạc phủ (vũ).

  1. Sự phát triển của chính quyền shikken:

Chúng ta bước vào thời chính trị chuyên chế của các shikken, hậu quả tất yếu cuộc chỉnh lý sau cuộc loạn năm Jôkyuu vốn đã đem lợi thế về cho phủ chúa trong tương quan triều đình-mạc phủ.

Sau thời loạn lạc, Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ dưới thời chức shikken đời thứ 3, Hôjô Yasutoki.Bằng những cải cách sẽ nhắc đến sau đây, ông đã xây đắp nên một chính quyền vững chãi.

Việc đầu tiên của Yasutoki là vào năm 1225 (Karoku nguyên niên) đã đặt ra một chức vụ tên là Renshô (Liên thự) để phụ tá Shikken. Nguyên lai, “liên thự” có nghĩa là tục lệ “ký tên chung” trên những công văn soạn ra bởi shikken để tỏ ý tán thành đồng thời chia sẻ trách nhiệm.Người giữ chức Renshô là người thường được lựa chọn từ trong thân tộc Hôjô và phải là kẻ có uy tín. Renshô đầu tiên không ai khác hơn là Tokifusa, người vừa là chú vừa là chiến hữu từng sát cánh trong trận mạc với Yasutoki.

Sang năm sau, chính thất của Yoritomo, một người đàn bà mạnh tính và có tinh thần gia tộc là Hôjô Masako (Bắc Điều Chính Tử, 1157-1225) mất. Yasutoki bèn cho tổ chức một hội đồng cố vấn chính trị 11 người tên gọi là Hyôjôshuu (Bình định chúng, “những người bàn luận và quyết định”) gồm các go kenin có thế lực nhất như thành viên của gia đình ông và các nhà Ôe, Kiyohara, Miyoshi...Hyôjôshuu sẽ cùng Shikken và Renshô làm thành cơ quan cao cấp nhất của mạc phủ để lãnh đạo tập thể về chính trị lẫn tài phán. Nhờ ở chính sách liên kết này mà họ Hôjô đã củng cố được địa vị của mình.

Cơ cấu Mạc Phủ Kamakura (lược đồ 2):

Kamakura:                         |

                                   Shôgun  

                             (Lãnh đạo tinh thần)                               

 

 

Shikken

  (Lãnh đạo thực chất)

           |

 

Samuraidokoro

(Võ bị)

ß     Hyôjôkaigi     à

(Hội đồng tư vấn)

Mandokoro

(Hành chánh)

Hikitsuki kaigi

(Tố tụng nhà binh)

Monchuujo

(Tố tụng tổng quát)

 

 

Kyôto:

                                       |               

 

 

Rokuhara tandai (Kyôto)

(Phủ thủ hiến dưới quyền Kamakura)

          |

 

Shugo (Kinai / Saigoku)

 (Các nhà chức trách bảo vệ những tiểu quốc miền Tây và khu vực kinh đô)

       |

 Shugo (Tôgoku)

(Các nhà chức trách bảo vệ những tiểu quốc miền Đông)

          |

 

Jitô (Shôen/ Kôryô)

(Các chủ nhân lãnh địa)

Jitô (Shôen / Kôryô)

(Các chủ nhân lãnh địa)

 

 

Đến năm 1232 (Jôei nguyên niên), Yasutoki lại cho soạn ra bộ luật thành văn đầu tiên của mạc phủ mang tên Go seibai shikimoku (Ngự thành bại thức mục) còn gọi lả Jôei shikimoku gồm 51 điều khoản cho các go kenin xem. Việc soạn bộ luật này có tầm quan trọng rất lớn.

Hai điểm cần theo dõi. Trước tiên là trả lời cho được câu hỏi: Bộ luật này đã được viết ra theo tiêu chuẩn nào? Thực ra, tiêu chuẩn ấy tức là tiền lệ (tập quán) và đạo lý của xã hội quân nhân đã có từ thời Yoritomo. Theo những qui tắc đó, mạc phủ đã ấn định quyền hạn và nghĩa vụ của các jitô, và cũng dựa theo nó, họ đã có thể phân xử một cách công bình những xung đột quyền lợi giữa các go-kenin với nhau, giữa go-kenin với các lãnh chúa trang viên. Trong bộ luật đó những điều khoản đề cập đến lãnh địa trang viên được thấy nhiều nhất.

Điểm thứ hai là phạm vi ứng dụng của bộ luật đầu tiên trong xã hội quân nhân. Lý do tìm hiểu việc này bởi vì thời ấy, mỗi bộ luật như luật của triều đình (kugehô = công gia pháp) trong dòng luật pháp của chế độ luật lệnh hay bộ luật nhà do các lãnh chúa trang viên đặt ra (honjohô = bản sở pháp) đều có phạm vi áp dụng riêng. Do đó Go-seibai shikimoku (Ngự thành bại thức mục) của mạc phủ cũng chỉ được áp dụng ở những vùng đang chịu sự kiểm soát của mạc phủ. Tuy nhiên, một khi vùng ảnh hưởng của mạc phủ đã nới rộng ra rồi thì bộ luật quân đội (bukehô = vũ gia pháp) vốn đặt trọng tâm vào việc phân xử công bình này đã lan ra đến các vùng hãy còn do triều đình hay các lãnh chúa trang viên cai trị.

Chế độ hiệp nghị (chính ra là gôgisei = hợp nghị chế) thấy trong bộ luật của họ đã giúp cho chính quyền các shikken hưng thịnh. Cháu của Yasutoki là Hôjô Tokiyori (Bắc Điều Thì Lại), chức shikken đời thứ 5, vẫn tiếp tục sụ nghiệp của ông nội. Vào lúc ấy, mạc phủ đã trả Shôgun Fujiwara noYoritsugu về Kyôto và đón Hoàng tử Munetaka mới 11 về nhậm chức. Đây là shôgun đầu tiên có gốc gác hoàng tộc.

Vào thời Tokiyori (shìken đời thứ 5) đã xảy ra biến cố gọi là trận đụng độ năm Hôji (Hôji gassen) xảy ra vào năm Hôji nguyên niên, 1247). Sau khi giữa họ có sự đối lập khó hòa giải, Tokiyori đã tiêu diệt gia đình trọng thần Miura Yasumura (Tam Phố Thái Thôn,  ? - 1247) vốn thuộc một gia đình go-kenin có thế lực và được Yoritomo hết sức tín nhiệm.Từ đó điạ vị của họ Hôjô vững vàng, không còn ai có thể chống đối. Với mục đích nâng đở các go-kenin để đổi lấy sự hợp tác của họ, năm 1249 (Kenchô nguyên niên), Tokiyori đã cho lập ra một cơ quan mới gọi là Hikitsuke (Dẫn phụ) dưới sự kiểm soát của Hyôjôshuu.Hikitsuke trong tiếng Nhật có nghĩa là “phối kiểm, tham chiếu để thấy được rõ ràng” trong khi hyôjô có nghĩa là “bàn bạc và quyết định”. Hikitsuke được điều hành bởi các thành viên gọi là Hikitsukeshuu. Họ có nhiệm vụ chuyên môn là xử lý việc tố tụng về lãnh địa giữa các go-kenin, làm sao cho các cuộc tranh chấp được giải quyết thỏa đáng, nhanh chóng. Như thế, chính quyền shikken càng thêm vững mạnh dưới thời Tokiyori tại chức và kể từ đó họ Hôjô càng ngày càng có tính cách độc đoán.

Trong dòng họ Hôjô, có Hôjô Sanetoki (Bắc Điều Thực Thì) và con cháu ông là một gia đình có nhiều cống hiến cho học vấn. Họ đã cho mở một thư viện mang tên Kanazawa Bunko (Kim Trạch văn khố) nằm trong dinh thự ông ở vùng Mutsura no tsu Kanazawa, một bến cảng ngoại thành rất phồn thịnh. Nơi đây họ chứa những sách vở chữ Hán và chữ Nhật và khuyến khích việc học. Cũng nên nhắc nhở bạn đọc là vùng Kanazawa (có thể dọc là Kanezawa) này thuộc thành phố Yokohama bên cạnh Thái Bình Dương chứ không phải thành phố Kanazawa thuộc tỉnh Ishikawa nằm phía biển Nhật Bản.

Ta thấy như thế giới bushi bắt đầu để ý đến văn hóa và học thuật.Mạc phủ cũng khuyến khích công việc soạn một bộ chính sử. Bộ chính sử Azuma Kagami (Ngô thê kính) viết theo lối nhật ký đã ra đời. “Ngô thê” chỉ có nghĩa là Azuma (miền Đông) theo lối viết ẩn dấu của người Nhật chứ không phải là “vợ tôi” như ta có thể hiểu lầm. Đó là một tập tư liệu quí, không thể thiếu được, cho những ai muốn tìm hiểu về thời đại Kamakura.

 


[1] Hiki Yoshikazu là cha vợ của Yoriie. Ông mưu việc dẹp cánh nhà Hôjô khỏi chính quyền nhưng thất bại và bị sát hại.

[2] Sử gọi là hantei (bán đế) hay Kujô haitei (Phế đế Kujô), làm vua vỏn vẹn 77 hôm.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570031

Hôm nay

267

Hôm qua

2367

Tuần này

22414

Tháng này

228555

Tháng qua

129483

Tất cả

114570031