Tiết 3: Sinh hoạt các võ sĩ thời Kamakura.
3.1 Sinh hoạt của giới bushi
Rời khung cảnh chính trường một chút, thử liếc mắt xem qua thực tế cuộc sống của giới bushi dưới thời Kamakura như thế nào.
Tiết 3: Sinh hoạt các võ sĩ thời Kamakura.
3.1 Sinh hoạt của giới bushi
Rời khung cảnh chính trường một chút, thử liếc mắt xem qua thực tế cuộc sống của giới bushi dưới thời Kamakura như thế nào.
Ngày nay, người ta còn có thể biết được sinh hoạt của giới bushi như thế nào khi xem bức tranh miêu tả ngôi nhà của một bushi (bushi no yakata) của vùng Chikuzen (nay nằm ở bắc tây tỉnh Fukuoka) thấy trong tập truyện minh họa (eden) nhan đề Ippen shônin eden (Nhất Biến thượng nhân hội truyện). Ippen là vị tăng khai tổ của một giáo phái Phật giáo tên là Jishuu (Thì tông). Những bức tranh như thế cho ta thấy những nét đặc trưng về nhà cửa, phòng ốc của họ.
Nhân đây cũng xin nhắc sơ về một khuynh hướng của Phật giáo, đặc biệt vì nó đã thành hình trong thời Kamakura nên còn có tên là “Phật giáo Kamakura”. Trước tiên, thử tìm hiểu về Ippen, vị tăng khai tổ của nó.
Ippen vốn người vùng Iyo (nay thuộc tỉnh Ehime trên đảo Shikoku), sinh trong một gia đình bushi có thế lực họ Kono. Năm 7 tuổi, ông đã vào chùa. Ông du hành khắp nơi rao giảng cho quần chúng tư tưởng Tịnh Độ Tông nhưng đặc biệt chú ý đến giáo lý cho rằng con người dù thiện hay ác, chỉ cần thực hiện odorinenbutsu (dũng niệm Phật) ) nghĩa là vừa nhảy nhót (dũng) để tỏ niềm vui thỏa vừa niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì sẽ thác sinh về cõi tịnh độ cực lạc. Lý thuyết tôn giáo đó gọi là Thì tông[1], ngôi chùa chính của nó là Shôjôkôji (Thanh Tĩnh Quang Tự) nằm ở thành phố Fujisawa tỉnh Kanagawa bây giờ. Nhà sư Ippen đi hết nơi này đến nơi khác truyền đạo nên còn có tên là Yugyô shônin (Du hành thượng nhân). Người theo ông gọi là jishuu (thì chúng =tín đồ Thì tông). Quyển truyện minh họa bằng tranh Ippen shônin eden vừa nói đến cũng là một phương tiện để môn phái này truyền đạo.
Ippen shônin lâm bệnh (tranh cuốn thời Nam bắc triều, khoảng 1381)
Kể từ thời Heian hậu kỳ cho đến thời Kamakura, những bushi dưới trướng các lãnh chúa khẩn hoang (kaihatsu ryôshu) đời đời gắn bó với đất đai họ khai khẩn được và tiếp tục khai phá các vùng chung quanh để lãnh địa được mở rộng ra. Nơi họ ở được gọi là yakata (quán). Yakata kiến trúc giản dị theo lối lấy phòng ngủ quay mặt về hướng nam làm trung tâm sinh hoạt nên có tên là shindenzukuri (tẩm điện tạo). Những ngôi yakata được xây dựng trên những vạt đất cao bên bờ sông, đất dốc thoai thoải hoặc đất bằng ven núi. Lý do là thời đại đó chưa có những công trình trị thủy hay tưới tiêu hoàn hảo. Lựa địa điểm như thế trước hết là khỏi lo lụt lội, sau nửa có thể lợi dụng các nguồn nước trong nông nghiệp. Nguời có thế lực bao giờ cũng nhắm đến việc chiếm hữu những cuộc đất như vậy.
Yakata cũng là địa điểm để các bushi thiết tập nơi luyện tập võ nghệ và phòng ngự. Nó giống như cái thành nhỏ, trong đó bushi luyện tập 3 kỹ thuật kỵ xạ căn bản (kisha mitsumono) là inuômono (đuổi theo chó mà bắn), kasagake (bắn vào đích nhắm làm bằng chiếc nón treo) và yabusame (bắn cung từ trên lưng ngựa đang sải nhanh) để tranh tài cũng như luyện tập môn gọi là makigari (dồn thú từ bốn bên để săn).
Ngoài ra, họ cũng học tập đạo đức của người bushi. Đó là những nguyên tắc có tên là buke no narai (lý tưởng mà con nhà võ phải theo), tsuwamono no dô (đạo đức quân nhân) hay kyuuba no dô (đạo đức của người theo nghiệp cung mã). Nói chung, đó là sự dũng cảm, quên mình, chỉ biết phụng sự cho chủ tướng, tinh thần trọng danh dự của gia đình mình hay tập thể của mình, biết hỗ thẹn thì làm điều quấy. Những nguyên tắc đó sẽ là nguồn gốc của bushidô (võ sĩ đạo) về sau. Bushidô còn được gọi là budô (vũ đạo) trong cái nghĩa rộng hơn.. .
Chung quanh yakata, bushi thường đào hào rãnh hoặc xây tường. Trên nóc cổng ra vào họ chứa vũ khí như cung tên giáo mác - chỗ ấy gọi là yakura (thỉ thương) hay kho tên - để phòng kẻ địch bên ngoài tấn công vào. Hào cũng có chức năng phòng ngự nhưng còn trữ nước sông nước suối cung cấp cho vườn ruộng. Điều này tương ứng với những gì đã trình bày ở trên, có nghĩa là cuộc sống của giới bushi Kamakura vốn gắn bó với nông nghiệp. Thời đó binh và nông hãy còn đi đôi với nhau chứ chưa phân biệt ra như trường hợp bushi thời cận đại.
Trong bức tranh kể chuyện Ippen tới thăm ngôi nhà của vũ sĩ Chikuzen, ta thấy có một chi tiết ngộ nghĩnh là bên cạnh chuồng ngựa, có buộc một con khỉ.Hình như khỉ có tác dụng trừ tà. Do đó, ở đền Tôshôguu, lăng của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, chỗ gọi là Shinkyuusha (chuồng ngựa), có chạm trỗ đến 3 con khỉ (Con không nghe, con không nói và con không thấy).
Gia trang (yakata) của bushi, đơn vị sản xuất và chiến đấu
Bao chung quanh yakata của vũ sĩ là ruộng đất mà kokuga (quốc nha) hay lãnh chúa trang viên cấp cho để canh tác trực tiếp. Đất này không phải là đối tượng của tô thuế hay tạp dịch. Đất này được gọi bằng những cái tên khác nhau như tsukuda, kadota (môn điền), shôsaku (chính tác), yôsaku (dụng tác). Nông dân canh tác trên những mảnh đất đó là những genin (hạ nhân) hay shojuu (sở tùng) là người đi theo bushi. Như vậy, bushi khuyến khích nông dân khai khẩn đất hoang, còn mình sẽ đóng vai jitô hay người quản lý tại hiện trường có nhiệm vụ thu thập niên cống để nạp lên cho nha sở hoặc cho lãnh chúa trang viên. Phần họ, họ sẽ được chia một phần thóc gạo gọi là kachômai (gia trưng mễ) như thù lao.
Võ sĩ Kamakura có mối liên hệ huyết tộc rất mạnh. Họ tổ chức theo hình thức gia đình: gốc là sôke (tông gia hay honke, bản gia), nhánh là những bunke (phân gia). Đó là tổ chức mà người đương thời gọi là ichimon-ikke (nhất môn-nhất gia).Gia trưởng của tông gia gọi là sôryô (tổng lãnh), các con thứ (shoshi = thứ tử) phải nghe theo mệnh lệnh của sôryô một cách trung thực.
Khi có chiến tranh, sôryô trở thành người chỉ huy, đoàn kết con cháu ichimon chiến đấu. Thời bình thì cả ichimon họp nhau ở nhà tổ thờ thần của dòng họ (thị thần = ujigami) để tế lễ và lúc ấy, sôryô lại đóng vai trò lãnh đạo.
Về việc thừa kế trong gia đình bushi thì họ theo nguyên tắc bunkatsu sôzoku (phân cát tương tục) hay thừa kế riêng biệt. Điều đó có nghĩa là sôryô (anh cả trong họ) sẽ được hưởng của cải đất đai tổ tiên để lại, còn những cuộc đất xung quanh mới khai khẩn sau này sẽ đem chia cho các shôshi (con thứ). Như vậy nguyên tắc kết hợp của võ sĩ đoàn là chế độ tổng lãnh (sôryôsei) vậy.
Trong xã hội quân nhân ở Kamakura, địa vị của phụ nữ tương đối cao. Khi thừa hưởng gia tài, con cái được đồng phần với con trai. Tùy trường hhợp, phụ nữ trong gia đình go- kenin cũng có thể trở thành jitô (địa đầu). Ví dụ trường hợp bà Abutsuni (A Phật Ni), tác giả cuốn hồi ký lữ hành Izayoi nikki (Nhật ký trăng 16) chẳng hạn. Bà đóng vai jitô, và để giải quyết cuộc tranh chấp thừa kế ruộng đất giữa con ruột là Tamesuke và con chồng là Tameuji, đã lên Kamakura khiếu kiện. Cuốn hồi ký được viết ra trong dịp đó. Ngoài ra, về hình thức kết hôn thì lối yomeirikon là “con gái về nhà chồng” trở thành lối phổ biến nhất thời đó[2].
Như thế, giai cấp bushi đã thành hình và xây dựng nên được một chính quyền dựa trên giai cấp quân nhân của mình, đó là chính quyền mạc phủ. Cùng lúc, tín ngưỡng Phật giáo cũng đổi qua một hình thức mới, được sự ủng hộ của giới quân nhân và bình dân, mang tên Phật giáo Kamakura. Cho đến lúc đó, Phật giáo gắn liền với nhà nước và chính quyền của quí tộc. Tân Phật giáo nới rộng ra đến tầng lớp bình dân là một đặc sắc của giai đoạn lịch sử này.
Ta có thể phân biệt những chi lưu nằm trong tổng thể gọi là Phật giáo Kamakura bằng tên tuổi các bị khai tổ, các trứ tác quan trọng cũng như tên các ngôi chùa chính. Trước tiên phải nhắc đến 3 tông phái chủ trương rằng việc tụng niệm “Nam mô A Di Đà Phật” là chìa khóa giúp người ta vãng sinh về cực lạc: Tịnh độ tông, Tịnh độ chân tông và Thì tông.
Tượng Shinran
Trong ba tông phái ấy, về mặt sử liệu, tông phái đáng kể nhất có lẽ là Tịnh độ chân tông của tăng Shinran (Thân Loan). Lời giảng của ông đã được đệ tử là Yuien (Duy Viên) thâu thập lại trong trứ tác nhan đề Tannishô (Thán Dị Sao)[3]. Trong đó có những câu viết dưới hình thức bút chiến và nghịch lý như: “ Bây giờ là thời đại mà ngay cả người hiền lương cũng được vãng sinh cực lạc, cho nên việc kẻ ác thác sanh về cõi tịnh độ là điều đương nhiên”. Câu này muốn thuyết phục người ta rằng không phải những người tự mình ra sức tu công tích đức và chuyên chú vào việc niệm Phật (người thiện) mà là, những thường dân làm nghề săn bắn hay chài lưới (phạm tội sát sanh) hay những kẻ không thoát ra được ngoài vòng phiền não (kẻ ác) nếu có bản nguyện A Di Đà Phật thì sẽ có cơ duyên được cứu. Lời thuyết giáo này có tên là Akunin shôkisetsu (Ác nhân chính cơ thuyết).
Ngoài ra phải kể đến một tông phái tu hành khắc khổ và gắn bó với giai cấp vũ sĩ. Đó là Zenshuu tức Thiền tông. Thiền Nhật Bản có 2 dòng: Rinzaishuu (Lâm Tế tông) và Sôtôshuu (Tào Động tông). Hai tông phái đều chủ trương dùng phương pháp zazen (tọa thiền) tự rèn luyện để có thể đạt gần đến cảnh địa giác ngộ của Thích Ca. Tuy nhiên Rinzaishuu chủ trương phải có thầy chứng minh cho và sử dụng các kôan (công án) như bài tập trên buớc đường tìm về satori (giác ngộ). Ngược lại, Sôtôshuu thì cho rằng cứ ngồi xuống tọa thiền một cách bình thường thôi (gọi là shikan taza hay chỉ quản đả tọa) chẳng cần suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề tâm linh cũng đã đủ để tiến đến giác ngộ.
Dưới thời Kamakura, sự phát triển của Phật giáo cũng ảnh hưởng đến Thần đạo.Thần quan ở đền Ise (Ise Gekuu = Y Thế ngoại cung) tên là Watarai Ieyuki đã lập ra Ise shintô (Y Thế thần đạo). Lý luận của ông có tên là Shinpon Butsujaku setsu (Thần bản Phật tích thuyết). Còn gọi là thuyết Hanhonjisuijaku. Ý nói “Thần là chính, Phật chỉ là hình ảnh giả mà thần mượn tạm để hiện xuống trần gian”. Nó diễn dịch một cách trái ngược lại lý luận Honji suijaku setsu (Bản địa thùy tích thuyết) của thời Heian xem “thần Phật Bản là Phật hay bồ tát ở bản địa. Phật mượn hình ảnh thần để cứu độ chúng sinh”. Tuy nhiên cả hai đều có ý xem thần Phật đều là một (Thần Phật đồng thể). (Đến đời Meiji thì mới có thuyết “thần Phật phân ly” nhằm hạ bệ Phật giáo và nâng cao Thần đạo để phục vụ vương quyền). Tác phẩm chủ yếu của Watarai Ieyuki là Ruijuu Jingi Hongen ( Loại tụ thần kỳ bản nguyên, 1320, 15 quyển), sách về thần đạo, tập đại thành lý thuyết này.
Tăng Nichiren với tư tưởng Phật giáo nhập thế
Nói về lý luận mới thì phía Phật giáo cũng triển khai một số khác. Ví dụ tăng Jôkei (Trinh Khánh) tức Gedatsu shônin (Giải Thoát thượng nhân) của tông Hossô (Pháp Tướng) đứng trước cảnh hỗn loạn trong cuốc sống của giới tăng lữ đã cố gắng chấn chỉnh việc áp dụng giới luật. Tăng Kôben (Cao Biện) tức Myôe shônin (Minh Huệ thượng nhân) thì viết Saijarin (Tồi tà luân)[4] để phê phán Sentaku hongan nenbutsushuu (Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập) của tăng Hônen (Pháp Nhiên) hòng chấn hưng phái Kegon (Hoa Nghiêm) của mình. Còn phải nhắc đến tăng Ninshô (Nhẫn Tính) của Risshuu (Luật tông), người đã cho xây nhiều viện cứu tế bệnh nhân ở Nara, đặc biệt trại cùi Kitayama Juuhachi kendô. Học trò giỏi của cao tăng từ bên nhà Nguyên sang và đã khai sáng “Văn học năm chùa thiền” (Gozan bungaku) – Issan Ichinei (Nhất Sơn Nhất Ninh) – là Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện). Ông đã viết Genkô shakusho (Nguyên Hưởng Thích thư) để tóm tắt lịch sử Phật giáo. Đây là cuốn lịch sử Phật giáo (Thích thư) viết bằng chữ Hán đầu tiên ở Nhật Bản.
Tân Phật giáo Kamakura
Tông phái và chùa chính |
Khai tổ |
Trước tác quan trọng |
Giáo lý và đặc điểm của nó |
Tịnh độ tông / Tri ân viện |
Hônen (Pháp Nhiên, 1133-1212) |
Tuyển bạt bản nguyện niệm Phật tập, 1198) |
Chỉ cần chuyên chú niệm Phật là được cứu. Bị cựu Phật giáo hãm hại. |
Tịnh độ chân tông / Bản nguyện tự |
Shinran ( Thân Loan, 1173-1262) |
Giáo hành tín chứng, khoảng 1224) Thán Dị Sao (Duy Viên tức Yuien ghi chép) |
Dạy 2 điều căn bản: Nhất niệm phát khởi (chỉ cần niệm Phật một lần là đủ), Ác nhân chính cơ thuyết (kẻ làm việc ác lại có cơ duyên được cứu hơn cả) |
Thì tông / Thanh tĩnh quang tự |
Ippen (Nhất Biến , 1239-1289) |
Lúc sắp chết, Ippen đốt hết trước tác. |
Qua việc tụng niệm Phật,gần gủi lớp bình dân. Liên kết với đền thần, du hành thuyết pháp nên đông người theo. |
Nhật Liên Tông / Cửu viễn tự |
Nichiren (Nhật Liên, 1222-1282) |
Lập chính an quốc luận, 1260) |
Tuyển chọn kinh Pháp hoa để giảng đạo. Chủ trương tụng “Nam mô diệu pháp liên hoa kinh”. Bài báng kịch liệt các tông phái khác. |
Lâm Tế tông / Kiến Nhân tự |
Eisai (Vinh Tây, 1141-1215) |
Hưng thiền hộ quốc luận, 1198) |
Vừa tọa thiền, vừa ngẫm nghĩ về các công án thầy đưa ra và tìm cách giải quyết. Xem việc ngộ đạo là chính yếu. |
Tào Động tông / Vĩnh Bình tự |
Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-1253) |
Chính pháp nhãn tạng, 1231-1253) |
Chủ trương chỉ cần ngồi xuống tọa thiền cũng có thể ngộ đạo.Xa lánh quyền lực, đi về địa phương đặc biệt phát triển ở vùng Hokuriku. |
Thời đại của các khai tổ (tương ứng với các cuộc loạn lạc, binh biến)
Loạn lạc, chiến dịch |
Hogen |
Heiji. |
Jishô, Juei |
Jôkyuu |
.Hôji |
Bunei. |
Kôan |
Năm chiến loạn xảy ra |
1156 |
1159 |
1180-85 |
1221 |
1247 |
1274 |
1281 |
Hônen (Tịnh độ tông) |
1133. |
à |
à |
1212
|
|
|
|
Eisai (Lâm Tế tông) |
1141 |
à |
à |
1215 |
|
|
|
Shinran (Tịnh độ chân tông) |
|
1173 |
à
|
à |
à |
1262 |
|
Dôgen (Tào Động tông) |
|
|
1200- |
à |
1253 |
|
|
Nichiren (Nhật Liên tông) |
|
|
|
1222- |
à |
à |
1282 |
Ippen (Thì tông) |
|
|
|
|
1239 |
à |
1289 |
Như thế, ta thấy thời chiến loạn làm con người ta phải bám víu vào lòng tin tôn giáo để tìm một nguồn an ủi và giải thoát tâm linh. Đó cũng là một cơ hội tốt để các tông phái ra đời.
Văn học nghệ thuật thời Kamakura dĩ nhiên cũng mang dấu ấn của Phật giáo. Kể từ cuối đời Heian, Nhật Bản đã có một nền văn học gọi là setsuwa (thuyết thoại) hay truyện kể có tính cách răn đời và thuyết pháp. Vào cuối đời Kamakura, có tập tùy bút Tsurezuregusa (Đồ nhiên thảo) mà tác giả là một cư sĩ Phật giáo tên Urabe (Yoshida) Kenkô (Bốc Bộ Khiêm Hảo hay Kiêm Hiếu) cho biết đã viết tron lúc buồn buồn, không biết làm chi, để mặc ý tưởng trào ra đầu ngọn bút. Đây là một kiệt tác văn học mô tả một xã hội đầy biến động với giọng văn hết sức giản dị và tự do tự tại. Kenkô thuộc một gia đình làm chức quan giữ đền thần Yoshida Jinja ở Kyôto.
Người có công thu thập những truyện kể có tính răn đời khác là thiền tăng phái Rinzai (Lâm Tế) tên Mujuu (Vô Trú hay Vô Trụ). Ông đã viết Shasekishuu (Sa thạch tập), nôm na là “Góp nhặt đá cát”. Với lối văn bình dị, ông đã có thể giúp đại chúng bình dân ai ai cũng có thể hiểu về công đức của nhà Phật. Bên cạnh đó là Uji Shuui Monogatari (Vũ Trĩ thập di vật ngữ) hay Truyện nhặt nhanh ở vùng Uji, một pho sách gồm những truyện kỳ quái có liên quan đến Phật sự lẫn đời thường.Tuy tên tuổi tác giả không được biết rõ nhưng vì nhan đề có hai chữ “thập di” nghĩa là “nhặt sót”, người ta phỏng đoán nó bổ túc cho Konjaku Monogatari (Kim tích vật ngữ) hay “Truyện nay đã xưa” ra đời trước đó. Lại phải nói đến Kokon chômonjuu (Cổ kim trứ văn tập), tập “truyện hay nghe thấy xưa nay” của Tachibana no Narisue (Quất Thành Quý), tập đại thành 697 truyện về thần thánh, chánh đạo, trung thần nghĩa sĩ vv...Ngoài ra hãy còn có Jikkinshô (Thập huấn sao), tập truyện nặng màu sắc Nho giáo và có mục đích giáo dục lớp người trẻ.
Liên quan đến kiến trúc và mỹ thuật thì đã có tăng Chôgen (Trọng Nguyên) còn có tên là Shunjôbô (Tuấn Thừa Phường)[5]. Ông đã sang nhà Tống vào năm 1167 (Nin.an hay Ninnan 2), năm sau về nước một lượt với tăng Eisai (Vinh Tây). Về tới quê hương, ông dồn tâm sức vào việc xây dựng lại chùa Tôdaiji (Đông đại tự). Để có tiền xây chùa, ông chuyên chú quyên tiền khách thập phương cho nên đời mới tặng cho biệt danh “Hoà thượng quyên góp” (Kanjin shônin hay Khuyến tiến thượng nhân). Trong khi tái kiến Tôdaiji, ông đã mô phỏng kỹ thuật gọi là Daibutsuyô (Đại Phật dạng) tức kiểu (dạng) xây chùa của miền nam Trung Quốc. Kết quả là ông đã để lại được một tác phẩm đặc sắc: cửa Nandaimon (Nam đại môn) của chùa Tôdaiji.Dạng thức kiến trúc đương thời còn có dáng thiền tông, gọi là Zenshuuyô (Thiền tông dạng). Chùa Kannonji (Quan Âm tự) trong xứ Kawachi(nay là phía đông Ôsaka) có một dáng nửa nọ nửa kia (setchuuyô = chiết trung dạng) pha trộn kiến trúc thiền tông với kiến trúc Phật giáo. Cũng nên nhắc đến kiểu kiến trúc thuần Nhật gọi là Wayô (Hòa dạng) của Rengeôin hondô (Liên hoa vương viện bản đường), được biết nhiều hơn dưới cái tên Sanjuusangendô (Tam thập tam gian đường).
Tính cách mạng của Phật giáo Kamakura
Ngoài tính kết hợp Thần Phật, Phật giáo thời Kamakura còn được biết đến với tinh thần cách tân, đại chúng, nếu không nói là cách mạng. Không phải dễ mà phát biểu được như Hônen (Pháp Nhiên, 1133-1212) là tất cả mọi người, từ kẻ phàm phu, nữ giới, ngay cả kẻ gian ác, chỉ cần mở miệng niệm Phật là sẽ được cứu. Ông không đòi hỏi tín đồ tu hành khổ hạnh. Theo ông, chỉ cần họ mở miệng khấn Nam mô A Di Đà Phật là có thể tự mở cánh cửa cõi Tây phương tịnh độ. Do đó, người tin theo ông chẳng mấy chốc mà lan rộng. Tiếng tăm đó đã khiến cho ông bị giới tu sĩ bảo thủ hãm hại, phải đi đày ở Shikoku mất 4 năm. Tuy ông là người kính cẩn, giữ giới luật nghiêm ngặt nhưng một người học trò của ông, Shinran (Thân Loan, 1173-1262) thì không thế. Shinran không phủ nhận dục tình, công nhiên lấy (nhiều) vợ, có con, ăn thịt và một thời đã hoàn tục. Tuy vậy, ông tự giác cái ác của mình và biết sám hối. Chính vì thế đại chúng trần tục mãi đuổi theo danh lợi và dục vọng cảm thấy Shinran gần gủi với họ hơn ai hết. Ông có tài hùng biện và là một tâm hồn thi sĩ. “Ác nhân chính cơ thuyết” của ông là một lý luận độc đáo. Nó chủ trương kẻ ác lại có cơ duyên thành đạo hơn người thiện.
Một nhân vật đặc sắc khác của Phật giáo Kamakura là Ippen (Nhất Biến). Ông khuyên người ta nên đi du hành, vừa niệm Phật vừa nhảy múa. Ông bảo chớ sợ địa ngục và đừng mong chi đi về cực lạc, hãy coi người chẳng khác chi ta và bỏ qua lợi hại, được mất. Người Phật tử trong quan niệm của Ippen như thế là một chủ thể hoàn toàn tự do, không vướng mắc gì cả.
Phật giáo thời Kamakura còn đẻ ra nhiều nhân vật xuất sắc nữa: một Myôe (Minh Huệ) say mê tu hành đến nổi thành ra lớ ngớ vì quên hết thực tế cuộc sống, một Mongaku (Văn Giác) tuy là ân nhân và được Yoritomo kính trọng nhưng vì muốn cứu mạng Rokudai, hòn máu rơi của nhà Taira mà bị mạc phủ bắt đi đày, một Eizon (Duệ Tôn) dồn hết nhiệt tình hô hào chống giặc Nguyên, một Ninshô (Nhẫn Tính) cũng có công hoằng pháp và chống xâm lăng (cho dù hai Ninshô và Eizon thuộc phái Phật giáo bảo thủ của Nam đô lục tông).
Thời đại Kamakura cũng chứng kiến sự hưng thịnh của Thiền tông với Eisai (Vinh Tây, 1141-1215), người đã hai lần sang nhà Tống, ngoài đạo học còn đem trà Chiết Giang về trồng ở Uji, ngoại thành Kyôto, viết sách Khiết trà dưỡng sinh ký và sáng lập trà đạo. Ông có thể xem như khai tổ của cả hai tông Lâm Tế và Tào Động cho dù Thiền tông đã đến Nhật tự thời Saichô (767-822)[6] hay còn trước đó nữa. Eisai cũng muốn gắn bó Phật giáo với nhà nước khi chủ trương “hưng Thiền hộ quốc”. Trái với điều người ta nghĩ về các thiền sư là những kẻ phóng túng, Eisai cũng giống như Myôe, Eizon và Ninshô, là người gìn giữ giới luật chặt chẽ.
Nổi tiếng không kém Eisai là Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-1253), hiệu Hy Huyền, khai tổ tông Tào Động (Sôtô). Ông sinh trong gia đình quí tộc Minamoto (Koga), cha là Nội đại thần Michichika, mẹ là bà Fujiwara Ishi, một trong nhưng phụ nữ đẹp nhất thời ấy nhưng hồng nhan mệnh bạc, hai lần phải kết hôn vì sách lược. Có lẽ ông đặc biệt chán ngán lợi danh vì chịu ảnh hưởng của người mẹ, ít khi chịu vào kinh đô. Ông trước học Eisai, sau khi thầy chết học Myôzen (Minh Toàn) là một sư huynh. Shôbô genshô (Chính pháp nhãn tạng) của ông là một tác phẩm cao siêu, khó hiểu nhưng hết sức quyến rũ người đọc. Ông chủ trương không cần thầy, không cần công án, người đi tu cũng có thể -như các vị cổ Phật - đạt được trạng thái “thân tâm thoát lạc” - chỉ bằng cách ngồi xuống tọa thiền.
Một nhân vật độc đáo của Phật giáo Kamakura là Nichiren (Nhật Liên, 1222-1282). Ông sinh trong một gia đình đánh cá trung lưu nhưng tự xem mình là tiện dân. Đạo hiệu Nhật Liên kết hợp mặt trời, ánh sáng và nhiệt tình, với hoa sen, một loài hoa sống trong bùn mà vẫn giữ được sự thanh cao. Ông là con người cực đoan và tự cao nên bị thiên hạ ghét dù ảnh hưởng của ông còn truyền mãi lâu dài cho đến thời hiện đại. Ngoài Pháp Hoa Kinh là văn bản cơ sở của Phật giáo Nhật Bản từ đời Thái tử Shôtoku mà ông cho là độc nhất vô nhị, Nichiren phủ nhận, bài báng tất cả các kinh điển, tông phái khác một cách không khoan nhượng. Điều đó khiến cho Mạc phủ Kamakura phải đày ông ra đảo Sadô để tránh việc rối loạn trị an. Ông đặc biệt chống đường lối niệm Phật A Di Đà để được vãng sinh Tây phương cực lạc của Hônen và cho rằng chính cõi ta bà chúng ta đang sống, nơi Phật Thích Ca thành đạo, chứ không phải một nơi xa xôi nào khác, mới là cõi tịnh độ đúng nghĩa.Không cần Văn Thù hay Phổ Hiền bởi vì các địa dũng bồ tát, các bồ tát dân tộc dấy lên từ lòng đất, mới là kẻ có thể truyền bá lời giáo huấn của Thích Ca. Ông dạy chỉ cần niệm Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là đủ. Những tác phẩm quan trọng của ông là Lập chính an quốc luận, Khai mục sao, Quan tâm bảo tôn sao, đều chứng tỏ ý hướng và nhiệt tình dấn thân chính trị. Nhichiren có 6 đệ tử giỏi nhưng về sau tiếp nối đạo pháp của ông xứng đáng nhất có lẽ là Nisshin (Nhật Thân, 1407-1488), một học trò đàn cháu. Ông đã mô phỏng Nichiren viết Lập chính trị quốc luận, vì tinh thần phi thỏa hiệp, từng bị Shôgun Ashikaga Yoshinori (Nghĩa Giáo) nổi cáu, bắt đội chão nóng (nabekamuri) lên đầu nhưng không hề nãn chí.
Riêng về tông phái của Shinran, nhà sư độc đáo chẳng thua gì Nichiren, nó sẽ được duy trì và mở mang với một nhà truyền đạo tài ba, tăng Rennyô (Liên Như, 1415-1499). Rennyô nói chuyện hấp dẫn, có rất nhiều tín đồ đi theo. Ông còn là người chủ trương những ai một khi thành đạo (tự lợi) xong rồi đều có bổn phận lợi tha, hồi hướng những kẻ khác chưa giác ngộ. Ông dạy người ta nên niệm Phật để cảm tạ những gì mà mình nhận lãnh. Phải chăng vì chịu ảnh hưởng lời giáo huấn của Rennyô mà người Nhật ngày nay hay có tập quán mỗi lúc mỗi cám ơn trong cuộc sống hằng ngày.
Về nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, thời Kamakura là giai đoạn của các Nara busshi (Nại Lương phật sư) hay các nhà chạm khắc tượng Phật cho các chùa ở Nara như môn phái của Jôchô ((Định Triều). Nhân trùng tu của Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) mà họ đến định cư ở thành phố Nara và từ đó, mới mang danh hiệu (Nara busshi). Trường phái còn gọi là Keiha (Khánh phái) này đã có những tên tuổi lớn như cha con Unkei (Vận Khánh) Tankei (Đam Khánh), cũng như Kaikei (Khoái Khánh) . Pho tượng Kongo rikishi (Kim cương lực sĩ) ở Nam đại môn chùa Tôdaiji là công trình chung của Unkei và Kaikei. Ngoài ra, Unkei còn có tạc các pho tượng như Muchakuzô (Vô Trước tượng) và Seshinzô (Thế Thân tượng) cho chùa Kôfukuji nữa. Vô Trước và Thế Thân là tên hai vị tăng Ấn Độ sinh vào thế kỷ thứ 4 và là khai tổ của tông Pháp Tướng.
Phổ hệ các nhà điêu khắc tượng Phật (thuộc Keiha)
Jôchô (Định Triều) (Tác phẩm: tượng A Di Đà Như Lai ở Byôdôin Hôôdô)
(lược bỏ ba đời, truyền xuống) à
Kôkei (Khang Khánh) (Tác phẩm: tượng chư Phật ở Nam viên đường chùa Kôfukuji)
(truyền xuống 3 đại đệ tử) à
Riêng Unkei đã truyền xuống 4 đệ tử tên tuổi à
Nhìn chung, lúc Phật giáo mới thành lập, kỹ thuật khắc tượng dừng lại ở việc khắc lên gỗ (bokuchô), khắc lên gỗ mộc (shiragi) và “khắc trên một thân cây” (ichibokuzukuri). Mật giáo có nhiều tượng đẹp thuộc loại này. Tiến thêm một chút là kỹ thuật “tượngchắp cây” gộp nhiều mảnh khác nhau (yosegizukuri). Lúc đầu, người ta hay rập khuôn nhau nhưng lần hồi có những nhà tạc tượng độc đáo với phong cách hiện thực như Unkei khi ông tạc tượng Shunjô (Tuấn Thừa) tức tăng Chôgen (Trọng Nguyên, 1121-1206). Sau đó, lại có loại tượng kim đồng (đồng dát vàng), tượng đất lõi gỗ, tượng sơn khô vv...Có tượng ngồi với ấn quyết Phật thiền định, có tượng đứng với ấn quyết Phật lai nghênh.Một nhận xét nho nhỏ là ở Nhật, ngoài tượng Phật còn thấy có nhiều tượng quỹ thần với bộ mặt hết sức hung hăng, giận dữ. Ngoài lý do ảnh hưởng của các tôn giáo khác và tư tưởng Thần Phật hỗn hợp lên trên Phật giáo, người ta ngờ rằng các nhà điêu khắc muốn đưa cả hình tượng của giới samurai vào tôn giáo, và đó là một đặc điểm có tính lịch sử. Riêng việc khắc gỗ còn có một ý nghĩa khác nữa. Người như Enkuu (Viên Không, 1632-1695) dù sống mãi về sau, rất chuộng tượng gỗ. Ông chủ trương tạc cho được nhiều tượng ( gỗ thì dễ tạc một cách tập thể như thế) và vì ông muốn mỗi tín đồ đều có một Đức Phật của riêng mình (ý nói mỗi người đều có khả năng thành Phật).
Về hội họa, tranh cuốn (hội quyển vật = emakimono) và tranh truyền thần (tiêu tượng = shôzô) rất được người ta yêu chuộng. Tranh truyền thần lúc ấy có tên là nie (tự hội). Có những họa sư chuyên vẽ loại tranh này như hai cha con Fujiwara Takanobu (Đằng Nguyên Long Tín) và Nobuzane (Tín Thực). Về tác phẩm của Takanobu thì có các bức chân dung của hai nhà chính trị Minamoto no Yoritomo và Taira no Shigemori mà gần đây có thuyết cho là không phải do ông sáng tác.Còn tác phẩm của Nobuzane thì có bức truyền thần Thái thượng hoàng Go Toba. Ông đã được gọi đến vẽ trước khi nhà vua bị đi đày sau khi thất bại trong cuộc binh biến năm Jôkyuu.
Tác phẩm điêu khắc của Unkei rất có thần
Cuối cùng, trong lãnh vực thư đạo thì đặc điểm của thời này là phong cách hỗn hợp giữa thư pháp Tống Nguyên và thư pháp thuần Nhật (Hòa dạng) gọi là Shôren.in-ryuu (Thanh liên viện lưu). Trường phái đó đã được Hoàng thân đã quy y Son.en (Tôn Viên nhập đạo thân vương) đề xướng đầu tiên. Về mặt công nghệ thì có các nghệ nhân như Myôjin (Minh Trân) có tài làm giáp trụ, những Awataguchi Yoshimitsu (Túc điền khẩu Cát quang) ở Kyôto, Okazaki Masamune (Cương kỳ Chính tông) ở Kamakura và Osafune Nagamitsu (Trường thuyền Trường quang) ở Bizen là các thợ giỏi nghề rèn đao kiếm. Tên tuổi trong ngành gốm sứ thì phải kể đến Katô Kagemasa (Gia đằng Cảnh chính) tức Katô Tôshirô (Đằng tứ lang) vùng Owari, người đi đầu trong việc sản xuất loại gốm gọi là Setoyaki ở thành phố Seto gần Nagoya bây giờ. Katô Kagemasa đã qua bên nhà Tống học hỏi rồi đem kỹ thuật mới về.
Ta đã biết dưới thời Kamakura, chính trị lưỡng nguyên đã được thi hành song song bởi triều đình và mạc phủ. Và ta cũng biết là sau cuộc biến loạn năm Jôkyuu, mạc phủ là kẻ thắng cuộc nên nắm được mọi vị trí ưu tiên. Dần dần, giới bushi theo họ đã tìm cách mở rộng địa hạt cai trị và trưng thu tuế cống. Không những họ đã gây ra thường xuyên những cuộc tranh chấp với các chủ trang trang viên và công lãnh mà còn có vấn đề đối với các bushi ở vùng ranh giới với lãnh địa của họ nữa.
Sau cuộc loạn năm Jôkyuu, các bushi về phe với mạc phủ được ân thưởng bằng cách bổ làm jitô (địa đầu) ở vùng Kinai (gần kinh đô) và miền Tây (Saigoku). Xưa xuất thân ở miền Đông (Tôgoku), nay ảnh hưởng của họ đã lan ra khắp toàn quốc.Trong quá trình bành trướng, họ đã đụng độ với những người chủ trang là triều đình và quí tộc. Tranh chấp ngày càng leo thang.Thực lòng mà nói, hồi thời chính trị của các shikken, sở dĩ mạc phủ có nhiều nỗ lực để cho sự tài phán được công bình và hợp lý cũng bởi vì họ không muốn để bùng nổ ra những tranh chấp như vậy.
Quyền chi phối đất đai trên toàn lãnh thổ dần dần lọt vào tay các jitô. Các chủ trang viên và công lãnh bèn đi khiếu nại với mạc phủ hòng ngăn chận việc các jitô lược đoạt tuế cống mà không chịu nộp cho họ. Tuy nhiên, mạc phủ còn có sức đâu mà chế ngự những jitô đã bám rễ vững chắc ở địa phương nên trên thực tế hầu như không can thiệp được gì cho có hiệu quả. Rốt cuộc, các chủ trang viên và công lãnh đành để kệ cho các jitô muốn điều hành, quản lý ra sao thì ra miễn là chịu ký giao kèo sẽ trả cho họ mỗi năm một món tuế cống nhất định nào đó. Chế độ này được gọi là Jitôukesho (Địa đầu thỉnh sở). Việc ký kết khế ước như vậy có khi còn kèm thêm điều khoản là jitô cũng phải được hưởng mộ phần huê lợi tương đương gọi là Shitaji chuubun (Hạ địa trung phần) đến từ phần đất và số nông dân mỗi bên cai quản một cách độc lập.
Thí dụ cụ thể về sự chia chác này có thể xem trong bản phác thảo (ezu) nhan đề Hôkikoku Tôgôshô nói về những gì đã xảy ra sau cuộc tranh chấp trong trang viên Tôgô (Đông hương trang) ở vùng Hôki (nay là tỉnh Tottori). Đó là một văn kiện thành lập vào giữa thế kỷ 13 ghi lại cách thức chia phần Shitaji chuubun nói trên với sự đồng thuận giữa jitô sở tại và chủ trang Tôgô. Nó phân định rạch ròi bằng những đường nét chỗ nào là đất ruộng, chỗ nào là khu rừng, chỗ nào là đất dành cho việc chăn nuôi, hoặc thuộc về jitô, hoặc là của chủ trang.
Trong trường hợp đó, mạc phủ không biết làm cách gì hơn là dựa theo những điều hai bên đương sự đã đồng thuận mà phân xử. Đó là cách thức mệnh danh wayo (hoà dữ) hay jidan (thị đàm) có nghĩa là...chỉ thị cho hai bên phải hòa giải. Thế nhưng điều đó còn có nghĩa là mạc phủ phải chiều ý và cho phép các jitô nay là kẻ nắm thực quyền, dần dà xâm lấn vào quyền lợi của chủ trang viên.
[1] Đời Đường bên Trung Quốc có nhàsư Thiện Đạo rao giảng điều này cho “thì chúng”. Giáo lý của Ippen chịu ảnh hưởng của môn phái này chủ trương trong cuộc đời hãy thường nghĩ đến lúc lâm chung mà niệm Phật để được vãng sanh hạnh phúc. Thì có nghĩa là một khoảng thời gian ngắn, ý muốn nói không cần phải tụng niệm nhiều cũng không sao.
[2] Khác với chế độ kayoikon mà người đàn ông chỉ năm thì mười họa đến thăm vợ ở nhà vợ, yomeirikon cho phép phụ nữ về nhà chồng và nắm được quyền hành trong nhà chồng.
[3] Sách này là một ngữ lục 1 quyển, viết ra năm 1262 sau khi Shinran mất đã lâu (20 hay 30 năm sau).Tác giả Yuien nhắc lại những gì ông đã nghe chính Shinran dạy và than thở cho những điều người ta hiểu khác đi về giáo lý của thầy mình cho nên mới gọi là “thán dị”. Sau cùng, ông thuyết mọi người phải tỉnh ngộ để hiểu cho đúng giáo lý ấy.
[4] Tồi có nghĩa là đập tan. Tồi tà luân là đập tan lý thuyết tôn giáo lệch đường.Luân là bánh xe, ý nói lẽ đạo (pháp luân).
[5] Bô (phường) trước chỉ nơi tăng sĩ cư trú, sau trở thành tên gọi tăng lữ. Cho nên, ở Nhật, người ta gọi nhà sư là obôsan như một cái tên thân mật.
[6] Điều này Saichô đã xác nhận trong Nội chứng Phật pháp tương thừa huyết mạch luận của ông, cho biết Hành Biểu, thầy mình ở Trung Quốc, đã nhận pháp môn từ Đạo Tuyên, thuộc hệ phổ của Đạt Ma.
268
2367
22415
228556
129483
114570032