Mậu dịch tư nhân và việc đi lại của các nhà buôn và giới tăng lữ vẫn được thực hiện trong giai đoạn ấy. Hai nước không ngừng giao thương và qua nhà Tống, Nhật Bản đã hội nhập được vào đời sống kinh tế khu vực. Thế nhưng lúc đó giữa lục địa và đảo quốc đã xảy ra một biến cố lịch sử quan trọng và sách vở Nhật Bản gọi là Genkô (Nguyên khấu).
Từ đầu thế kỷ 13, tộc Mông Cổ đã trở nên hùng mạnh ở cao nguyên Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Gengis Khan (Thành Cát Tư hãn). Ông đã thống nhất được hai hệ phái dân tộc là Mông Cổ (Mongol) và Thổ (Turk), xây dựng nên đế quốc Mông Cổ, chinh phục suốt một vùng từ Trung Á cho đến phía nam nước Nga.
Ngày nay, người Nhật vẫn còn nhắc đến một truyền thuyết, theo đó thì Đại đế Gengis Khan của Mông Cổ không ai khác hơn là danh tướng Minamoto no Yoshitsune, người đã dẹp được nhà Heike, vì bất hòa với anh mà phải trốn lên miền Đông Bắc ẩn náu rồi trôi dạt sang đại lục. Sở dĩ nhiều người tin theo thuyết đó bởi vì ngày sinh tháng đẻ của hai người chỉ cách nhau khoảng 2,3 năm.Từ cuối đời Muromachi (thế kỷ 16), dân gian đã truyền tụng chuyện Yoshitsune trốn thoát vào đất của người dân tộc thiểu số Ezo. Thế rồi từ thời Meiji trở về sau, với ý đồ biện minh cho tham vọng tiến chiếm đại lục, thuyết này lại đưọc cổ súy hơn nữa. Tuy nhiên, đó chỉ là một truyền thuyết trong dân chúng chứ không có chứng cứ khoa học.

Đại hãn Kubilai tức Nguyên Thế Tổ
Cháu gọi Gengis Khan bằng ông nội là Đại hãn Kubilai (Hốt Tất Liệt) sau khi viễn chinh ở Âu châu, đã diệt nước Kim ở phía bắc Trung Quốc và xây dựng được một đế quốc rộng lớn giăng ngang suốt đại lục Âu Á (Eurasia).Thế rồi để cai trị Trung Quốc, Kubilai mới thiên đô về Đại Đô (Bắc Kinh bây giờ) đặt quốc hiệu theo kiểu Trung Quốc là Nguyên. Chẳng những thế, năm 1279, ông đã thành công tiêu diệt lực lượng chống đối cuối cùng là triều đình của di thần nhà Tống trên đường đào vong về miền nam. Hơn 40 năm trước khi xua quân qua Nhật, ông đã nhiều lần xâm lược bán đảo Triều Tiên. Phía triều đình Cao Ly, một bộ phận của quân đội gọi là Sanbesshô (Tam Biệt Sao), trong lần tấn công năm 1259, đã không ngừng kháng chiến chống quân Nguyên nhưng đến năm 1273, lực lượng của Kubilai hoàn toàn dẹp yên họ.
Kết quả là sau đó, nhà Nguyên nhiều lần gửi yêu sách đòi Nhật Bản phải triều cống nhưng Nhật Bản không chịu khuất phục. Quân Nguyên mới phối hợp quân với quân Cao Ly thành một đội quân liên hợp để vượt biển sang tấn công họ. Đó là biến cố Genkô hay Giặc Nguyên trong sử Nhật.Có thể nói là vào thời kỳ này, ở vùng Đông Bắc châu Á, chỉ còn có mỗi Nhật Bản là chưa bị đặt dưới móng vuốt của triều đình nhà Nguyên. Thế lực quân viễn chinh nhà Nguyên lúc đó được gọi là Mukuri-Kokuri nghĩa là liên quân Mông Cổ Cao Ly nhưng ai cũng biết rằng người Cao Ly chỉ đi theo vì bị bắt buộc chứ vận mệnh của họ nào có hơn gì người Nhật.
Quân Nguyên đã tiến đánh Nhật Bản dưới thời shikken đời thứ 8 là Hôjô Tokimune (Bắc Điều Thì Tông). Danh từ Genkô (Nguyên khấu) hay “quân xâm lược Nguyên” thực sự do chỉ xuất hiện vào thời Edo (đầu thế kỷ 17 trở đi) phản ánh tinh thần bài ngoại của các nhà tư tưởng quốc học lúc đó.Liên minh Nguyên-Cao ly với khoảng 3 vạn binh đã tấn công đảo Tsushima (Đối Mã) và Iki (Nhất Kỳ) ngoài khơi biển Nhật Bản vào năm 1274 (Bun.ei 11) và sau đó một bộ phận lớn đã đổ bộ lên vùng vịnh Hakata phía bắc đảo Kyuushuu. Thế nhưng mạc phủ có nguồn tin chính xác nên đã cảnh giác đề phòng. Họ đã động viên các go-kenin có lãnh địa ở vùng này sẳn sàng nghênh địch. Trước chiến thuật tập hợp đông đảo binh sĩ và sử dụng võ khí tối tân của quân Nguyên, quân Nhật phải khổ chiến vì cho đến bấy giờ họ chỉ quen lối đánh xưng tên và một chọi một (ikkiuchi).
Thế nhưng phía quân Nguyên cũng bị tổn thất nặng nề trước sự đề kháng của bushi Nhật Bản.Thêm vào đó gặp lúc những cơn mưa to gió lớn mà ngày nay người Nhật thường nhắc đến với cái tên kamikaze hay thần phong. Vì không chịu nổi mưa gió, quân Nguyên đã phái tháo lui. Cuộc tiến công lần thứ nhất của quân Nguyên được mệnh danh là Bun.ei no eki (chiến dịch năm Bun.ei).
Sau đó, để chuẩn bị cho cuộc tấn công lần thứ hai của quân Nguyên, mạc phủ đã hạ lệnh lực lượng go kenin Kyuushuu lập chiến tuyến phòng thủ ở các nơi hiểm yếu dọc bờ biển Hakata. Chế độ đó gọi là Ikoku keigo banyaku (Công cuộc tăng cường canh phòng giặc nước ngoài) thiết lập vào năm 1275 (Kenji nguyên niên). Công cuộc canh phòng này thực ra đã có trước chiến dịch năm Bun.ei nhưng đã chế độ hoá sau đó nghĩa là được tăng cường và xem như bắt buộc.
Mạc phủ lại cho xây đắp dọc bờ biển Hakata những thành lũy để canh phòng (hourui) làm bằng đá (sekirui = thạch lũy). Để hoàn thành hệ thống công sự này, mạc phủ động viên không những go kenin mà cả toàn bộ các chủ trang viên vùng Kyuushuu.
Quân Nguyên từ khi tiêu diệt nhà Nam Tống, vào năm 1281 (Kôan 4) lại phái 4 vạn binh thuộc Đông lộ quân đến từ bán đảo Triều Tiên và 10 vạn Giang nam quân đến từ Trung Quốc, chia làm hai mặt giáp công đảo Kyuushuu. Đó là Kôan no eki (chiến dịch năm Kôan). Lúc đó một trận bão lớn đã nổi lên cản trở cuộc đổ bộ của quân Nguyên. Bị thiệt hại nặng, một lần nữa họ đành rút lui.
Hai lần thất bại cùng một kiểu, quân Nguyên đã lộ ra chỗ yếu kém về mặt thủy chiến.Ngoài ra sự thất bại của họ còn do sức đề kháng từ trong nước của dân chúng Nam Tống và Cao Ly cũng như sự chiến đấu dũng mãnh của bushi Kyuushuu được tổ chức tốt bởi mạc phủ.
Ngày nay người ta còn giữ lại được tập tranh cuốn nhan đề Môko shuurai emaki (Mông Cổ tập lai hội quyển) cho thấy cảnh kỵ binh Nhật Bản đã chiến đấu như thế nào trước quân Nguyên. Tương truyền nhân vật xuất hiện trong tranh là một go-kenin đất Higo (nay thuộc tỉnh Kumamoto), trẻ mới 29 tuổi, Takezaki Suenaga (Trúc Kỳ Quý Trường). Hình như chính nhân vật này đã kể lại chiến công cho họa sư của mình theo đó mà vẽ. Đó là một trong số những bằng chứng ít ỏi về cuộc chiến đấu chống Nguyên Mông của dân tộc Nhật. Trong số vũ khí quân Nguyên dùng, có một loại được gọi là “tetsuhau”, có lẽ một loại hỏa khí hay súng (teppô =thiết pháo?) thô sơ !

Bức tranh cuốn Môko Shuurai emaki tả cảnh kỵ binh Nhật giao chiến với quân Nguyên
Nhân vì còn lo ngại quân Nguyên còn sang đánh lần thứ ba, mạc phủ vẫn luôn luôn giữ thái độ cảnh giác.Go kenin ở Kyuushuu vẫn tiếp tục tăng cường việc biên phòng.Biến cố lịch sử này còn giúp cho mạc phủ giữ lấy quyền động viên quân đội (go kenin, bushi đi theo các chủ trang viên và công lãnh) trên toàn quốc, xưa nay hãy còn tùy thuộc ở triều đình.
Mạc phủ cũng lợi dụng danh nghĩa canh phòng giặc Nguyên để có cơ hội bành trướng thế lực của mình ra miền Tây, một nơi trước đây không phải là căn cứ địa của họ. Đặc biệt các nhân vật thuộc họ Hôjô được phái xuống Hakata trên đảo Kyuushuu để tham gia vào việc cai trị và tài phán, chỉ huy go-kenin, nhằm tăng cường thế lực Chinsei bugyô (Trấn tây phụng hành) và Chinzei tandai (Trấn tây thám đài) vốn được xem như là phủ thủ hiến và nha cảnh sát trên đảo.
Giặc Nguyên Mông và bài học lịch sử
Trước khi tiến đánh Nhật Bản, từ năm 1231, quân Nguyên đã dày xéo đất nước Triều Tiên (được gọi là Cao Ly hay Korea sau khi Wang Geon tức Vương Kiến lập quốc từ năm 918) trong suốt 30 năm. Tuy người Triều Tiên kháng cự rất mãnh liệt nhưng quân Nguyên đã làm chủ bán đảo. Vua Nguyên Tông nước Cao Ly dù ngoại giao khéo léo, rốt cuộc chỉ còn giữ được chút hư vị. Lần lượt chính quyền quân sự họ Choe (Thôi), các võ tướng yêu nước như Bak Seo (Phác Tề), Kim Nhân Tuấn, cha con Lâm Diễn, tăng nhân hoàn tục Gim Yun-hu (Kim Duẫn Hầu), bộ đội chủ lực Sambyeolcho (Tam Biệt Sao), quân nghĩa dũng xuất thân từ tầng lớp nông dân nô tỳ ... đều bị quân Nguyên đánh bại. Người Triều Tiên đã lập mưu chuyển triều đình ra ngoài đảo Giang Hoa (Gangwado, phía tây Seoul bây giờ) lợi dụng địa hình hiểm trở mà lánh nạn, và sau đó, cố thủ ở Jindo (Trân Đảo) thuộc Toàn La Đạo ở vùng cực nam bán đảo chống giặc nhưng cuộc kháng chiến không kéo dài được bao lâu. Trung Liệt Vương lên kế vị Nguyên Tông cũng bị mất chức hoàng đế, chỉ còn giữ được tước vương. Tờ chiếu vua ban chỉ còn giá trị một tờ trình. Thuở nhỏ bị bắt làm con tin ở triều đình nhà Nguyên nên hoàng hậu của ông là một công chúa Mông Cổ. Tuy mang tiếng là vua dân Triều Tiên nhưng áo xống, đầu tóc của ông đã rập khuôn theo kiểu Mông Cổ. Người kế vị ông trong tương lai ắt sẽ có dòng máu Mông Cổ của mẹ mình.
Lúc đó, nhà Nguyên năm lần gửi sứ giả sang Nhật dụ lãnh đạo nước ấy (Mạc phủ Kamakura) vào chầu, một mặt bắt người Triều Tiên đóng thuyền, nạp lương và trưng binh đề chuẩn bị tấn công. Khi sứ giả cuối cùng thất bại trong việc dụ hàng trở về, đầu năm 1274, Nguyên Thế Tổ đã bắt người Triều Tiên đóng 900 chiến thuyền lớn nhỏ dùng vào việc quân. Nhà Nguyên huy động 2 vạn binh gồm lính Mông Cổ, Nữ Chân và hàng binh nhà Tống (gọi là Man tử quân). Ngoài ra còn có thêm 1 vạn binh và phu trạo Triều Tiên. Tất cả được đặt dưới quyền chỉ huy của nguyên soái Mông Cổ Hân Đô với sự phụ tá của 2 hàng tướng Hồng Trà Khâu và Lưu Phục Hưởng. Tướng Kim Phương Khánh chỉ huy quân TriềuTiên tham chiến. Lần ra quân đầu tiên, tuy có phá được quân Nhật ở các đảo nhỏ nhưng thuyền của họ bị sóng to gió lớn, đành bỏ lại tàn binh và tháo thân về Hợp Phố. Thua keo đó, nhà Nguyên lại bày keo khác. Số là khi ấy, bên Trung Quốc, quân Nguyên đã vào được thành Lâm An (1275), Tống Cung Tông chịu hàng phục. Họ tiếp tục quét sạch tàn quân Tống của Văn Thiên Tường và Trương Thế Kiệt đang chạy về phía Nam, làm cho Đế Bính – ông vua cuối cùng của Nam Tống - phải gieo mình xuống biển ở Nhai Sơn (Quảng Đông). Xong việc đó, Thế Tổ rảnh tay mặt trận phương nam, bèn dồn sức đánh Nhật Bản lần thứ hai (1281). Khi thấy hai lần liên tục sứ giả thuyết hàng mình gửi qua đều bị người Nhật chém đầu, Thế Tổ quyết tâm gửi đi một lực lượng trận thật lớn. Đội quân lần này chia làm 2 đạo: đạo thứ nhất gọi là quân Đông Lộ do Hân Đô và Hồng Trà Khâu chỉ huy gồm 4 vạn binh Mông-Ly-Hán (Mông Cổ, Cao Ly và Trung Quốc miền bắc) xuất phát từ cảng Gappo (Hợp Phố) của Triều Tiên, đạo thứ hai (Man tử quân) do A Thích Can và hàng tướng Nam Tống là Phạm Văn Hổ điều binh phát xuất từ Giang Nam. Ngày hẹn gặp nhau ở đảo Iki để hành động chung, nhân vì tướng chỉ huy ốm, quân GiangNam không đến kịp. Quân Đông Lộ coi thường kế hoạch đã định, xuất quân chiến đấu một mình và gặp phải sức đề kháng dữ dội của quân dân Nhật Bản trên chiến lũy Hakata. Người Nhật lại thừa lúc tối trời dùng thuyền nhẹ và hỏa công để tập kích thuyền lớn của địch. Cuộc chiến đấu đã diễn ra liên tiếp một tuần lễ, hai bên chết hại rất nhiều. Đợi mãi quân Giang Nam vẫn không tới (thật ra quân tiền phương đã đi lạc sang đảo Tsushima). Gặp lúc trời viêm nhiệt sinh bệnh dịch, tàu bè lại bị hư hại, quân Đông Lộ biết không thắng nổi bèn rút về đảo Iki nhưng quân Nhật bám theo không tha. Đến khi quân Giang Nam tới nơi thì vừa vặn hứng trận bão lịch sử goị là Thần Phong (Kamikaze) ngày 30 tháng 6 Âm lịch năm đó. Nó đã quét sạch đoàn thuyền của quân Nguyên, làm chìm gần hết 4.000 chiếc. Thuyền bè vỡ nát (thuyền Giang Nam cũ kỹ, chất lượng kém hơn thuyền Đông Lộ mới đóng), binh sĩ chết nhiều vô kể. Con số bị bắt làm tù binh lên đến 2, 3 vạn. Chưa đổ bộ lên đất Nhật mà 14 vạn binh đã bị tiêu diệt, về tới quê nhà chỉ vỏn vẹn 3 vạn mấy nghìn.
Hai trận viễn chinh đưa đến một kết quả tương tự vì sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu trên mặt biển và ô hợp trong tổ chức. Thế nhưng nhà Nguyên còn dự trù một cuộc phiêu lưu thứ ba. Lúc ấy trong nội bộ của họ, người Trung Quốc ở các địa phương Giang Nam đang nổi dậy. Điển hình là cuộc loạn nông dân ở Quảng Đông tháng 9 năm 1283 hay cuộc loạn của quân Phổ Đà ở Phúc Kiến vào tháng 10 cùng năm, với chiêu bài lập lại nhà Tống. Cũng phải nói nhà Nguyên đã mất tự tin nhiều sau những cuộc thất bại ở Việt Nam và Chiêm Thành. Do đó, đến năm !284, Thế Tổ bèn hạ lệnh bãi bỏ Chinh Đông hành tĩnh và chấm dứt ý định tiến quân qua Nhật Bản lần thứ ba. Một điều đặc biệt là ở ba nước Đông Á nạn nhân của quân Mông Cổ, người ta đều dựa vào sức Phật giáo để kháng chiến. Họ Thôi (Choessi), tập đoàn quân nhân lãnh đạo triều đình Cao Ly lúc đó đã cho khắc mộc bản Palman Daejanggyong (Bát Vạn Đại Tạng Kinh) trên đảo Giang Hoa, mất 16 năm, bù đắp việc quân Mông Cổ phá chùa, đốt kinh, hũy hoại văn hóa. Vua Trần Nhân Tông, người anh hùng nước ta, là người sùng Phật, sau đã đi tu, trở thành tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Còn chư tăng Nichiren (Nhật Liên), Eizon (Duệ Tôn) và Ninhô (Nhẫn Tính) thì vừa truyền đạo, vừa cổ xúy dân Nhật đứng lên chống xâm lăng.
Bài học lịch sử của những cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông chứng tỏ rằng đối với những kẻ xâm lược, chỉ có bạo lực mới trả lời được bạo lực. Vua quan nhà Nguyên tỏ ra mền nắn rắn buông. Hơn nữa, ta còn thấy rằng chính thế thế liên hoàn không hẹn mà gặp giữa các nước bị tấn công trong khu vực đã làm tham vọng đế quốc Nguyên Mông bị xẹp lại.
4.2. Chuyên chính của tộc trưởng
Một khi sức mạnh của Mạc phủ Kamakura đã lan rộng khắp nước thì, như một hệ luận, quyền bính của gia đình shikken Hôjô cũng theo đó mà bành trướng. Đích tử của dòng chính nhà Hôjô (chakuryuu = đích lưu) được giữ chức tộc trưởng (katoku =gia đốc) và có tên là tokusô (đắc tông). Người gọi là tokusô có quyền hạn vô cùng to lớn. Không những thế, gia thần trực tiếp của gia đình tokusô ấy - gọi là miuchibito (ngự nội nhân) – cũng dựa thế chủ mà lừng lẫy, thường đối địch cả với gia thần của Shôgun. Đến đời con trai của Tokimune là Hôjô Sadatoki (Bắc Điều Trinh Thì, shikken thứ 9, 1271-1311) thì xảy ra cuộc biến loạn năm Kôan thứ 8 (1285). Go kenin có thế lực là Adachi Yasumori (An Đạt Thái Thịnh) đã bị một miuchibito chức uchikanrei (nội quản lĩnh, đứng đầu các miuchibito, kiêm cả việc phò tá shikken lúc đó mới có 14 tuổi) tên Taira no Yoritsuna (Bình Lại Cương) sát hại. Sử gọi là “cuộc biến động tháng sương giáng” (shimotsuki no sôdô mà shimotsuki =sương nguyệt hay sương giáng nguyệt, ý nói tháng 11 âm lịch).
Sau đó, shikken (và cũng là tokusô) Sadatoki (nguyên là cháu gọi Adachi Yasumori bằng cậu) đã tru diệt tập đoàn Taira no Yoritsuna, đem uy tín về lại cho chức shikken. Kể từ ấy, hình thức chính quyền trong đó chức trưởng tộc (tokusô) nắm quyền tuyệt đối, bên dưới lại có các go-kenin đứng đầu là uchikanrei (nội quản lãnh) phò tá, đã được nối tiếp trong một thời gian dài. Hình thái này có tên tokusô sensei seiji hay “chính trị chuyên chế của tộc trưởng”. Lúc đó hơn phân nửa địa vị shugo (thủ hộ, nghĩa là người nắm binh quyền) trên toàn quốc đều do con cháu nhà Hôjô độc chiếm. Không những thế, các chức jitô (địa đầu) cai quản ruộng đất cũng toàn là kẻ xuất thân từ gia đình họ.
4.3. Xã hội thay đổi. Mạc phủ Kamakura suy thoái:
Thế nhưng Mạc phủ Kamakura rồi cũng bước vào thời kỳ suy thoái. Lý do là hoàn cảnh xã hội thay đổi làm cho mạc phủ yếu đi nhiều. Thời điểm đó bắt đầu vào lúc giặc Nguyên sang đánh Nhật Bản.
Chế độ trang viên công lãnh được hoàn thành vào thời Heian hậu kỳ trước đây đã tạo ra một số thể chế xã hội và thể chế này lại ảnh hưởng đến chính trị của mạc phủ cũng như nông nghiệp và thương nghiệp.
Về nông nghiệp thì vào thời Kamakura, kỹ thuật canh nông đã có nhiều phát triển. Nhân vùng Kinai (gần kinh đô) và miền Tây là nơi khí hậu tương đối ấm áp cho nên nông dân bắt đầu canh tác hai vụ (nimôsaku = nhị mao tác, còn gọi là nhị kỳ tác). Nimôsaku có nghĩa là luân phiên trồng luá gạo (paddy) và trồng một thứ gì khác ví dụ như đại mạch (barley) hay tiểu mạch (rye) cùng trong năm. Sau khi đã gặt lúa xong rồi thì họ để dành đất để trồng lúa mạch (vụ mùa này gọi là “vụ lót” hay urasaku mà ura có nghĩa là đằng sau hay bên trong). Có khi còn canh tác ba vụ (gọi là sanmôsaku) và lần này, người ta trồng soba (kiều mạch, buckwheat).Vào thời Muromachi, những vạt đất canh tác theo phương thức tiên tiến có thể đạt tới ba vụ mùa. Sự kiện này đã được ghi lại trong báo cáo của sứ thần Triều Tiên đến Nhật năm 1420 (Ôei 27).
Thời Kamakura cũng là giai đoạn mà việc sử dụng nông cụ bằng thép và sức kéo của bò ngựa trong nông nghiệp được phổ biến. Phong cảnh dắt bò đi cày thường thấy trong các bộ tranh cuốn (emaki) đương thời mà Matsuzaki Tenjin Engi Emaki ( tranh cuốn nói về việc xây cất đền thần Matsuzaki Tenjin) là một ví dụ tiêu biểu. Cũng vào thời kỳ này, người ta đã biết cải thiện việc dùng phân bón, nhất là việc dùng phân xanh bằng cách cắt cỏ trên rừng núi rồi đem trải đều trên ruộng (gọi là phương thức karishiki (kari =cắt, shiki = trải ra). Họ cũng biết đốt cây cỏ lấy tro làm phân bón ruộng. Loại phân bón này có cái tên chung là sômokukai ( thảo mộc hôi = tro cây cỏ).
Ngoài việc đồng áng, nông dân thời ấy còn làm thêm những nghề phụ như trông cây vừng dầu (egoma) để lấy nhiên liệu thắp đèn, họ còn biết dệt các thứ tơ và gai. Sinh hoạt nông dân Kamakura dần dần sung túc lên. Thời đó cũng xuất hiện nhiều thợ thủ công nghề rèn (kaji), đúc (imoji), nhuộm lam (kôya, konya).
Những người thợ này, hoặc sinh sống trong chòm xóm ở nông thôn, hoặc đi đến các vùng chung quanh để hành nghề.Thế rồi họ lần lần tiến ra các vùng đất có trang viên công lãnh hay những trục giao thông quan trọng, trước cửa (monzen =môn tiền) các chùa chiền, bán những đồ vật mình làm ra vào những phiên họp mặt có tính cách định kỳ.Những cuộc họp mặt thời ấy thường xảy ra 3 lần trong một tháng nên có tên gọi là sansaìchi (tam trai thị). Trong những phiên chợ ở các địa phương thì vừa có sản vật đặc biệt của địa phương ấy và lúa gạo, có đồ dệt và thủ công nghệ từ trung ương do những người đi buôn dạo (gyôshô =hành thương)[1] mang đến. Những người đi buôn dạo như thế xuất hiện đông đảo ở những nơi thị tứ như Kyôto, Nara, Kamakura va àuôn bán những đồ thủ công cao cấp. Ngoài những chợ định kỳ lại có những chợ họp thường xuyên với những ngôi tiệm nho nhỏ. Nơi đây người ta trưng bày sản phẩm trên quầy cho khách xem (mise). Các quầy (tana) ấy gọi là misedana, nguồn gốc của chữ mise là “cửa hiệu” ngày nay.
Những nhà buôn và thợ thủ công này vào khoảng giai đoạn sau của thời Heian trở đi đã họp lại dưới sự che chở của hoàng thất, quí tộc hay đại tự viện thành những tổ chức có tính hội đoàn gọi là za (tọa hay tòa). Nhờ có thế lực đứng sau lưng như thế bảo vệ, họ có thể giữ đặc quyền sản xuất hay buôn bán trong phạm vi một vùng nào đó.
Khi thương nghiệp đã được bành trướng đến mức đó rồi thì những người sống cách xa nhau đẻ thêm nhu cầu tìm cách trao đổi hàng hóa giữa họ.Vùng phụ cận như ven sông, ven biển và các trục giao thông đóng vai trò kết nối chuyển giao (nakatsugi) lớn trở nên khu vực sầm uất. Nghiệp vụ bán hộ cho hay chuyên chở hàng hóa (toimaru, toi) cũng phát đạt. Hóa tệ, phương tiện đối chác mới đã thay thế cho các hiện vật như lúa gạo chẳng hạn. Người ta chuộng tiền đồng đời Tống và đã nhập khẩu rất nhiều để chi dụng trong mục đích đó. Lý do người ta phải nhập tiền nước ngoài vào vì nhà nước luật lệnh đã chấm dứt việc đúc tiền mới ở quốc nội từ sau khi phát hành Càn Nguyên đại bảo, loại tiền cuối cùng trong Hoàng triều thập nhị tiền.
Để đẩy mạnh việc thông thương với cự ly xa, người ta dùng thêm một kỹ thuật mới để thay thế việc phải thanh toán bằng tiền mặt. Đó là kawase (còn đọc là kawashi) tức một hình thức hối đoái. Một nghề mới đã được sinh ra, đó là nghề cho vay lấy lãi. Nhiều người kinh tài theo lối đó, người ta gọi họ là những kashiage. Kinh tế hóa tệ lúc đó cũng không khác gì ngày nay, hóa tệ không những trở thành một phương tiện thanh toán cho người đi buôn mà ngay cả việc nộp tuế cống hay thu thuế cũng phải thông qua nó.
Khi sinh hoạt dân chúng đã tiến hóa đến thế rồi thì sự thay đổi tư duy của họ là việc không tránh khỏi.Người ta bắt đầu thấy nông dân biết kết hợp hành động nhằm chống đối sự áp chế và bách hại của chủ nhân các trang viên hay jitô của các lãnh địa.
Không thiếu gì những ví dụ như thế. Dân chúng hoặc kết hợp để đi đấu tranh, để khiếu kiện hoặc cùng kéo nhau bỏ trốn. Ngoài ra, những jitô trong vùng Kinai và chung quanh vốn đối đầu với các chủ trang viên lãnh địa, giới bushi đứng ngoài tầng lớn go-kenin nay trở nên hưng thịnh. Hai loại người này đã dùng võ lực để chống lại việc chủ trang viên đòi nạp thu tuế cống. Hai loại người đó được mệnh danh là akutô (ác đảng). Các nhóm akutô có khuynh hướng bành trướng ra khắp nơi, rốt cuộc cùng với những cuộc vận động trong đám nông dân , họ đã bắt các chủ trang viên và mạc phủ phải đối diện với một vấn đề nhức nhối.
Nền kinh tế dựa trên sản xuất nông phẩm và giao thương các phẩm vật nói chung càng phát triển thì càng thúc đẩy đời sống xã hội thay hình đổi dạng. Mạc phủ từ đó phải tìm ra lời giải đáp cho những bài toán khó khăn mà thời đại đặt ra cho họ.
Trước tiên, vấn đề của mạc phủ là làm sao có đủ đất đai để mà phong thưởng thêm cho các go-kenin đã hy sinh xương máu trong cuộc chiến đấu chống Nguyên Mông.Không ban thưởng đầy đủ, mạc phủ đã bị mất uy tín trước đám bầy tôi của mình.Họ đang gặp nguy cơ đánh mất lòng tin tưởng mà họ đã mất nhiều thời gian để xây đắp.
Mặt khác, trong lúc ấy, các go-kenin vẫn tiếp tục cha truyền con nối và phân chia tài sản cho các thế hệ đến sau theo kiểu bunkatsu sôzoku (phân cát tương tục = cắt đất chia cho người thừa kế) nên đất phong của họ càng ngày càng bị xẻ ra từng mảnh nhỏ. Trước nền kinh tế chiụ sự chi phối của hóa tệ, cuộc sống của những kẻ thừa kế chỉ có thể nói là nghèo khổ, khốn cùng. Có thể nói đây là ảnh hưởng nghiêm trọng nhất mà cuộc xâm lăng của quân Nguyên đã để lại.
Với mục đích giải quyết vấn đề đó, mạc phủ đã dùng một phương tiện pháp lý hòng cứu vớt các go-kenin đang gặp cảnh khó khăn. Đó là công bố sắc lệnh mang tên Einin no tokuseirei (Vĩnh Nhân đức chính lệnh) vào năm 1297 (Einin 5). Nội dung của nó trước nhất là cấm cản việc đem đất phong cho các go-kenin làm vật buôn qua bán lại hay cầm cố. Còn như đất cát đã lỡ đem đi cầm bán trước đây thì người chủ mới bắt buộc phải trả lui lại cho họ mà không được đòi hỏi tiền bạc chi cả. Thứ đến, sắc lệnh cho biết sẽ cơ quan trông coi việc tố tụng sẽ không thụ lý bất cứ khiếu tố nào về tiền bạc có liên quan đến các go-kenin.
Mạc phủ mạnh tay che chở cho go-kenin như thế nhưng tiếc thay, trên thực tế, sắc lệnh này lại không có kết quả bao nhiêu. Nó chỉ làm cho go-kenin gặp thêm khó khăn vì “đức chính lệnh” này đã không cho phép họ đem đất đai thuộc về mình tự do bán đi hay cầm cố để có chút tiền sinh sống. Nó lại còn cấm những chuyện gọi là osso (việt tố, tái thẩm) mà mục đích là để bảo vệ go-kenin. Tuy vậy, nó đã làm cho những người cho vay cạch mặt không muốn dính líu đến chuyện tiền bạc với họ nữa. Go-kenin đã bất mãn nay càng bất mãn thêm.
Nội dung pháp lệnh Tokuseirei năm Einin 5 (1297)
Bối cảnh: 1 Kinh tế hoá tệ, 2 Phân chia đất thừa kế, 3 Giặc Nguyên Mông à Cuộc sống khốn cùng của tầng lớp bushi.
Nội dung: 1 Cấm việc xử lại (tái thẩm), 2 Cấm đem đất phong cầm cố hoạc mua qua bán lại, 3 Không thụ lý nhựng cáo tụng tiền bạc liên quan đến go-kenin, 4 Giữa go-kenin với nhau, trả đất đã mua bán chưa đầy 20 năm lại mà không lấy bồi thường, 5 Giữa go-kenin và hi-gokenin hay bongei (phàm hạ = thường dân), phải trả lui vô điều kiện cho go kenin tất cả đất cát cầm bán.
Kết quả: 1 Kinh tế hỗn loạn (đình chỉ việc áp dụng chỉ sau một năm ban bố trừ việc go kenin được lấy lại đất mà không phải trả tiền lui), 2 Mọi người (go-kenin , hi-gokenin lẫn bonge) đều bất mãn, muốn phản lại mạc phủ.
Trong khi các go-kenin cấp nhỡ và cấp thấp đi đến chỗ suy vi, có những thế lực bushi biết khôn khéo lợi dụng tình hình kinh tế thuận lợi đã trở nên vững mạnh. Đặc biệt là những viên shugo (thủ hộ, như tổng binh ở địa phương) mà biết thu nạp các go-kenin sa sút vào dưới trướng đã vươn lên dễ dàng hơn cả.
Đứng trước sự lung lay của chính quyền mình, các tokusô họ Hôjô thấy cần phải thi hành một chính sách độc đoán. Tuy nhìên, càng đẩy mạnh chuyên chính, hậu quả càng ngược lại. Họ chỉ mua lấy sự bất mãn của tầng lớp go-kenin, nguy cơ diệt vong chỉ còn là chuyện sẽ xảy ra một sớm một chiều.
[1] Hành thương (gyôshô hay kôshô) để phân biệt với tọa, tòa thương (zashô) là người có một cửa tiệm.