Người xứ Nghệ

Hồ Xuân Hương

 
Hồ Xuân Hương sinh vào cuối đời Hậu Lê (1592-1788), một thời kỳ đầy những biến động chính trị và xã hội. Gần 900 năm sau khi Ngô Quyền giành lại độc lập từ phương Bắc, khuôn mẫu triều đình và hệ thống quan lại Trung Quốc vẫn được áp dụng. Ðến cuối đời Lê, trật tự xã hội Nho giáo đã thoái hoá và băng hoại. Ở miền Bắc, phe cánh đầy uy quyền của chúa Trịnh đã khống chế vua Lê và triều đình ở Thăng Long. Họ Trịnh tiến hành chiến tranh với họ Nguyễn ở đàng Trong (Huế) được hỗ trợ bởi vũ khí của Bồ Ðào Nha và quân lực của Pháp do các nhà truyền giáo thực dân tuyển mộ. Sau nhiều thập niên tao loạn, cuối cùng ba anh em nhà Tây Sơn dẫn đầu dân chúng, dấy quân đánh bại chúa Trịnh, vua Lê và chúa Nguyễn, chiếm Hà Nội, Huế và Sài gòn, khởi đầu một triều đại ngắn ngủi (1788-1902) mà cuối cùng sẽ bị nhà Nguyễn lật đổ.

Thời kỳ đất nước Việt Nam bị chiến tranh tàn phá và xã hội bị xáo động dữ dội trên cũng chính là một điểm cao trong truyền thống thi ca lâu đời của người Việt. Như Dante đã nhận xét trong tác phẩm De vulgari eloquentia, “các chủ đề đích thực của thi ca là tình yêu, phẩm hạnh và chiến tranh”. Những vần thơ vĩ đại sáng tác trong thời kỳ này – chẳng hạn như tác phẩm Truyện Kiều lừng danh của Nguyễn Du – đều thể hiện mạnh mẽ niềm khát vọng của các nhà thơ về một cái gì vĩnh hằng, trong đó phảng phất ít nhiều ý thức về định mệnh nghiệt ngã của con người trước thời cuộc. Những cuộc tương tàn, nạn đói kém, và tình trạng tham nhũng đã không làm các nhà thơ như Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương phải chịu khuất phục, mà chỉ làm tiếng thơ của họ mang âm hưởng sâu sắc hơn.
Ðiều khiến người ta ngạc nhiên nhất về những tác phẩm của Hồ Xuân Hương là bà đã sáng tác, đã nổi tiếng tức thì và đã tiếp tục được yêu chuộng qua các thời đại. Bà là người phụ nữ làm thơ theo truyền thống nam giới của Nho giáo. Mặc dù người phụ nữ luôn luôn ít có địa vị cao trong xã hội Việt Nam – đôi khi họ là người lãnh đạo những đội quân chống xâm lăng, lắm lúc làm cố vấn cho vua chúa và luôn luôn giữ trách nhiệm coi quản tài sản – ít khi họ được vinh danh là các nhà thơ. Lý do có lẽ vì rất ít phụ nữ được dạy dỗ học hành như nam giới nhằm chuẩn bị cho các kỳ thi cử để cuối cùng được bổ dụng cho guồng máy quan liêu cai trị Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX.[1]
Một điều đáng ngạc nhiên khác là về đề tài của những gì bà đã viết. Vào cuối đời Lê, khi địa vị của người phụ nữ đã bị xuống cấp trầm trọng, bà không ngừng đặt nghi vấn về trật tự xã hội, đặc biệt về uy quyền của người đàn ông. Chế độ phong kiến máy móc vào đời Hậu Lê đặt cơ sở trên cuốn Kinh Lễ có lịch sử gần hai ngàn năm của Nho giáo quy định rằng người phụ nữ “khi chưa lấy chồng thì tuân theo cha, khi đã lấy chồng thì theo chồng, và khi chồng chết thì theo con trai”. Người đàn ông có 7 lý do để bỏ vợ trong các trường hợp sau đây: 1) không có con, 2) ngoại tình, 3) không tôn kính cha mẹ chồng, 4) ngồi lê mách lẻo, 5) lấy trộm tài sản của nhà chồng, 6) ghen tuông, 7) mang bệnh vô phương chữa trị. Tình trạng lại càng bi đát cho người phụ nữ bởi các quy định đòi hỏi của hồi môn và lễ cưới quá ư tốn kém, nhiêu khê khiến càng ít phụ nữ cùng tầng lớp xã hội với Hồ Xuân Hương có thể có những cuộc hôn nhân đàng hoàng và do đó không ít người đã phải đi làm vợ lẽ.[2] Ðối với chuẩn mực của các nước Âu Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII, việc Hồ Xuân Hương công kích uy quyền của nam giới qua thơ văn là chuyện khá bình thường, tuy nhiên trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam vào lúc đó, hành động của bà đã gây những cú sốc lớn và có thể nguy hiểm cho chính bản thân bà.
Cần nói thêm là bà đã sáng tác bằng chữ Nôm, cách viết thể hiện ngôn ngữ nói, thay vì chữ Hán là chữ viết của tầng lớp quan trường. Giống như Chaucer đã chọn viết bằng tiếng Anh và Dante đã chọn viết bằng chữ Ý, Hồ Xuân Hương đã chọn viết bằng chữ Nôm và sự chọn lựa này đã khiến thơ ca của bà đậm đà tính cách ẩn dụ, nói bóng trong ngôn ngữ tiếng Việt của người bình dân.[3] Bởi thế, nhà thơ hiện đại Xuân Diệu đã gọi Hồ Xuân Hương là “Bà chúa thơ Nôm”.
Tuy nhiên, cuối cùng, điều khiến ta ngạc nhiên nhất là một số lượng lớn thơ bà là những vần thơ Ðường luật (tựa như thơ sonnet) chứa hai nghĩa: mỗi bài đều có thêm một nội dung mang tính cách tính dục. Chẳng hạn, bà có thể tả cảnh ba mỏm đá, động đá vôi, cảnh dệt cửi, đánh đu, hay những vật liệu trông thường như cái quạt, quả cây, hoặc thậm chí chỉ một con ốc nhồi. Nhưng ẩn giấu bên trong hầu hết những vần thơ Ðường luật tuyệt vời của bà là những hình tượng tính dục được gợi lên bằng cách chơi chữ hay nói bóng. Chưa hề có nhà thơ nào khác dám làm điều này. Ðúng như Hữu Ngọc cùng những người khác đã nhận định, Khổng giáo đã ly khai sự khoả thân ra khỏi nghệ thuật Việt Nam.[4] Trong khuynh hướng gợi tình của bà, Hồ Xuân Hương đã dựa vào túi khôn trong văn chương bình dân thể hiện qua những câu ca dao hay tục ngữ. Khuynh hướng tính dục này thiết tưởng nên được hiểu chính xác là một thái độ phản kháng, chứ không phải đã phát xuất từ căn bệnh bức xúc tính dục như một số nhà phê bình đã buộc tội bà.
Nhưng làm sao Hồ Xuân Hương có thể viết nên những bài thơ thể hiện sự bất kính, đả kích khuynh hướng xã hội đương thời với những lời lẽ khinh thị mà bà vẫn không bị trừng phạt -- ngay chính vào thời điểm mà sự giết chóc và tàn phá đang thống trị mọi nơi mà những kẻ bất tuân phải bị trừng phạt bởi lưỡi kiếm của cường quyền? Lý do là những vần thơ của bà quá ư xuất chúng mà người Việt lại vốn rất yêu chuộng và kính trọng thơ ca, cho dù thơ ca trong văn chương bác học hay văn chương bình dân. Nói một cách đơn giản, bà tránh khỏi mọi sự trừng phạt vì những vần thơ của bà đã được sáng tác một cách rất khôn khéo. Ðôi lúc bà làm thơ để bày tỏ xúc cảm đối với thiên nhiên: “Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ”. Nhưng tài năng của bà là ở chỗ bà có thể sáng tác một bài thơ hàm chứa hai ý nghĩa khác nhau, ý này ẩn chứa trong ý kia. Thơ bà được yêu chuộng bởi giới bình dân vì họ có thể tìm thấy tính cách mộc mạc đượm màu sắc ca dao tục ngữ. Mặt khác, giới quan lại cũng yêu mến thơ bà bởi lẽ họ nể vì những thủ thuật tinh quái trong tài làm thơ của bà và chính vì thế họ đã gián tiếp bảo vệ bà.[5] Những điểm độc đáo trong thơ của bà là cách chơi chữ giễu cợt châm biếm, cách sử dụng ngôn ngữ nói, lòng hoài vọng và khao khát về tình yêu cùng nỗi căm phẫn về sự bất bình đẳng trong xã hội.
Cuộc đời và truyền thuyết  
Người ta không biết nhiều về cuộc đời của Hồ Xuân Hương. Những dữ liệu tương tự như các tài liệu về thời đại của Shakespeare ở phương Tây chỉ mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam. Tiểu sử của bà phần lớn được suy diễn qua thơ văn của bà. Do sự thiếu sót của những chứng cứ lịch sử và thơ bà có nhiều ẩn dụ, nên đã có người cho rằng nhân vật Hồ Xuân Hương chỉ tồn tại do hư cấu của một số văn nhân, tương tự như Earl of Oxford.[6] Tuy nhiên lối suy diễn này không có tính thuyết phục vì có quá nhiều bằng chứng về cuộc đời của bà qua thơ văn và bà có một lối dùng chữ rất độc đáo.
Các học giả đều đồng ý rằng bà xuất thân từ gia đình họ Hồ ở làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thuộc miền Bắc Trung phần.[7] Tuy nhiên người ta không rõ thân sinh của bà là Hồ Sĩ Danh (1706-1783) hay Hồ Phi Diễn (1703-1786). Mẹ bà nhũ danh là Hà, là vợ lẽ – tức vợ thứ hay hầu thiếp. Hồ Xuân Hương có lẽ đã ra đời vào khoảng giữa 1775 và 1780 ở Quỳnh Lưu hay ở Khán Xuân, và được mai táng ở vùng ngoại ô gần Tây Hồ, Hà Nội hiện nay.
Hồi còn trẻ chắc hẳn bà đã được huấn luyện về văn học cổ điển. Tên bà có lẽ có liên hệ với nơi bà đã lớn lên: Xuân Hương có nghĩa là “Hương Mùa Xuân”. Trong khoảng năm 1815 đến 1818 hình như bà đã viếng thăm thắng cảnh Vịnh Hạ Long nhiều lần. Theo Gs. Nguyễn Huệ Chi (Viện Văn Học ở Hà Nội), có một tài liệu chính thức nhắc đến người “hầu thiếp Hồ Xuân Hương” ; trong khi đó có một di thảo khác (“Xuân đường đàm thoại”, 1974) nói về cuộc đàm thoại vào năm 1819 giữa các văn nhân ở tỉnh Bắc Ninh trong đó có một vị khách cho biết ông đã đến tham dự trễ vì “ông vừa dự đám tang của bà Hồ Xuân Hương”. Tài liệu nhắc tới năm 1819 có đề cập trong Hoàng Xuân Hãn (trang 869) trên thực tế nằm trong hồ sơ về việc chồng bà bị hành quyết về tội ăn hối lộ. Chồng bà, Trần Phúc Hiển, là tri phủ huyện Yên Quảng bị án tử hình theo lệnh vua. Hồ sơ ghi rằng “tiểu thiếp của người này là một tài nữ tên là Xuân Hương có năng khiếu văn chương và chính trị”.
Bà có lẽ đã qua đời trước đầu thập niên 1820. Em vua Thiệu Trị trong lần viếng thăm Hà Nội vào năm 1842 có bài thơ sau đây:
Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn từ nguyên tác bằng Hán văn :
 
                   Ðầu hồ rực rỡ hoa sen,
                   Sai người xuống hái để lên cúng dàng.
                   Chớ trèo qua mộ Xuân Hương,
                   Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng.
                   Son tàn, phấn rữa, mồ hoang,
                   Xuân Hương đã khuất, bên đàng cỏ xanh.
                   U hồn say tít làm thinh,
                   Gió xuân mấy độ thổi tình không hay.
 
Cho dù chúng ta không biết rõ những sự thật về cuộc đời của Hồ Xuân Hương, đã có một truyền thuyết giàu tính văn học khá nhất quán về bà. Người ta tin rằng vì phụ thân của bà qua đời sớm nên gia đình của bà đã gặp nhiều khó khăn, do đó bà không thể tiếp tục đi học và điều kiện hôn nhân của bà cũng bị hạn chế. Người ta cũng nói rằng có lần bà đã là chủ nhân của một trà thất ở Thăng Long. Nổi tiếng về tài ứng khẩu thơ Ðường luật, bà thường được các sĩ tử tìm đến thử tài. Tương truyền ngày nọ có một văn nhân cùng người em đến tìm bà. Khi nghe người hầu báo tin, bà hạ bút viết một đoạn thơ rồi yêu cầu vị khách điền tiếp phần cuối. Ðoạn thơ mở đầu hóc búa của bà đã khiến văn nhân kia kinh hồn tán đảm. Cảm thấy mất sĩ diện, người em đã tạt nước cho anh mình tỉnh dậy. Sau khi định thần, văn nhân đã viết tiếp phần cuối, rồi giao người hầu đưa vào cho bà. Xem xong bà phê “Cũng tạm được !”. Văn nhân này không ai khác hơn là vị phu quân của bà sau này: Ông phủ Vĩnh Tường. Căn cứ theo những tình cảm của bà biểu hiện trong bài “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” thì cuộc hôn nhân giữa hai người được xây dựng trên một tình yêu đích thực dù chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 27 tháng.
Sau đó bà kết hôn với một nhân vật được bà gọi là ông “Tổng Cóc” trong bài điếu văn “Khóc ông Tổng Cóc”. Giống như thân mẫu của bà, Hồ Xuân Hương đã mang thân phận của người vợ lẽ và bà luôn phẫn uất về số phận hẩm hiu của mình.    
Truyền thuyết cứ thế tiếp tục. Các nhà nghiên cứu như cố học giả Hoàng Xuân Hãn gợi ý rằng dựa trên các bằng chứng về tiểu sử, bà không thể là vợ của ông phủ Vĩnh Tường. Một số nhà nghiên cứu khác như Ðào Thái Tôn ..., cho rằng nhiều bài thơ từ trước đến nay được gán cho bà, trên thực tế đã do các người khác sáng tác nhưng vì họ không đủ can đảm để tự nhận. Cách suy diễn này đã xuất phát từ nhận thức: chính Hồ Xuân Hương là người đã gióng lên tiếng nói độc đáo về những đề tài cấm kỵ của Nho giáo.
Cho dù sự thực là thế nào chăng nữa, trong các bài thơ của bà, người đọc luôn luôn cảm nhận nỗi phẫn uất về tình duyên và hôn nhân của bà. Trong một bài thơ tự tình bà tự hỏi phải chăng vì bà quá thẳng thắn, mạnh dạn nên bà đã khó được chấp nhận trong hôn nhân ? Ðiều bà tìm kiếm mà không bao giờ tìm thấy đó là một cuộc hôn nhân bình đẳng, có liên quan tới khái niệm về chữ “duyên” độc đáo của người Việt. “Duyên” là một khái niệm lãng mạn mà người phương Tây gọi là “tình yêu đích thực” (true love). Duyên là duyên số do Trời định, cho dù hai người yêu nhau mà chưa được sống cùng nhau trong kiếp này thì hẹn kiếp lai sinh. Vì phận hẩm duyên ôi, bà đã phải tự giải quyết vấn đề tâm sinh lý của chính mình, cho dầu cũng không đi đến đâu – như ta đã thấy tâm trạng đó thể hiện qua bài “Lấy chồng chung”.
Hồ Xuân Hương cũng thể hiện mạnh mẽ lòng nhân từ vị tha theo triết lý Phật giáo. Giống như đa số người Việt Nam, chắc hẳn bà đã là tín đồ của Phật giáo Ðại thừa tin vào Phật A Di Ðà ở cõi Tây phương Cực lạc. Vì duyên phận không may mắn và luôn bất mãn với số phận làm người vợ lẽ, việc trở thành một ni cô có thể giúp cho bà một nơi nương tựa và tâm hồn an lạc. Tuy nhiên trên thực tế, theo bà, các nơi tu hành trong xã hội thời đó đã hủ hoá nên bà công kích kịch liệt vào giới tăng lữ suy đồi, tiêu cực. Khi viếng chùa Trấn Quốc, bà “đau lòng” nhớ lại những vị anh hùng của đất nước trong quá khứ và gọi những nhà sư là “lũ trọc đầu”. Ở chùa Quán Sứ bà đến để tịnh tâm nhưng chỉ thấy “cảnh vắng teo”. Thất vọng về cơ chế tôn giáo, bà vẫn kiên trì giữ giáo lý nhà Phật. Bà đi lang thang về những miền quê và đã tìm thấy nhiều hứng khởi để sáng tác những vần thơ đượm mùi Thiền.[8] Trong bài “Cảnh Thu”, bà viết “Ai thấy ai mà chẳng ngẩn ngơ”. Trong một bài khác, bà viết “Cực lạc là đây chín rõ mười” hay “Một vũng tang thương nước lộn trời”.
Ðài Khán Xuân
                              
                   Êm ái chiều xuân tới khán đài,
                   Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.
                   Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,
                   Một vũng tang thương nước lộn trời.
                   Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
                   Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
                   Nào nào cực lạc là đâu tá, 
                   Cực lạc là đây chín rõ mười.
 
Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh thuộc vào hệ Môn-Khmer. (Những dấu ở các nguyên âm chỉ các thanh. Nếu không có các dấu người Việt Nam sẽ khó đọc một cách chính xác). Các thanh trong một bài thơ tạo nhiều âm hưởng và có tính ẩn dụ, đồng thời có khả năng tiếp thu và chấp nhận các từ ngữ chữ Hán vốn mang cấu trúc tương tự. Ðối với độc giả Tây phương, điểm độc đáo nhất của ngôn ngữ và thơ ca Việt Nam chính là các thanh âm.
Tiếng Việt có 6 thanh tựa như âm nhạc để diễn tả độ cao thấp. Mỗi âm tiết có một thanh nhằm diễn tả ý nghĩa của âm tiết đó. (Mỗi từ tiếng Việt thường chỉ có một âm tiết). Ví dụ, /la/ có 6 nghĩa tuỳ theo các thanh khác nhau:
 
       la : quát tháo (thanh bình cao)
       : có nghĩa là (thanh bình thấp)
       lả : mệt mỏi (thanh hồi — xuống-lên)
       : vô vị (thanh khứ — cao-nghẹt, tắc)
       : lá cây (thanh thượng — cao-lên)
       lạ : kỳ lạ (thanh hạ — thấp-nghẹt)
 
Trong văn nói hay văn xuôi, những thanh được sử dụng một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, trong thơ ca bình dân hay bác học những thanh được quy định ở một số vị trí đặc biệt trong câu thơ. Vần điệu thường có thanh bằng (như laở trên) ; những từ mang thanh trắc được quy định ở những vị trí nhất định.
Mỗi bài thơ đều có nhạc điệu và những nét linh động của âm thanh – những yếu tố không thể chuyển ngữ sang tiếng Anh. Vì các từ có thanh âm tương tự có thể có nghĩa rất khác nhau, nên trong bất cứ bài thơ nào người ta cũng có thể chơi chữ. Nghĩa thứ hai, có thể suy diễn bằng cách nói lái, thường là nghĩa tục. Ví dụ, trong bài “Kiếp tu hành”, chữ đeo có nghĩa là “mang” hay “vác”, nhưng nếu đổi thanh của đeo thành đéo thì có nghĩa là “giao hợp/giao cấu”. Cũng trong bài thơ đó, “lộn lèo” có nghĩa là “lộn vòng”, “bị xoay ngược” hay “bị rối rắm” nhưng nếu nói lái thành “lẹo lồn” thì có nghĩa là “giao hợp/giao cấu”. Trên thực tế từ này giàu hình tượng hơn tiếng Anh. Tương tự, trong một bài thơ khác từ “xuất thế” có nghĩa là “từ bỏ thế gian để đi tu” nhưng nếu đổi thanh thành “xuất thê” thì lại có nghĩa là “bỏ vợ”. Trong một số bài thơ việc chơi chữ chính là chủ ý của bà, do đó không thể nào chuyển ngữ sang tiếng Anh được. Bởi thế người dịch thuật thơ bà cần cảnh giác cao độ khả năng suy diễn lời thơ đi quá xa về một cực: những cảnh sắc trong thơ bà không bao giờ hồn nhiên một cách thuần tuý đồng thời ý tục cũng không thể diễn tả quá ư lộ liễu.
Khả năng sử dụng từ ngữ của Hồ Xuân Hương có thể tìm thấy phần nào trong truyền thống thơ Ðường luật – một thể thơ Trung Quốc đã được tầng lớp văn nhân ở Việt Nam và Trung Quốc sử dụng từ hơn ngàn năm. (Truyền thống vay mượn và uy thế của thể thơ này có thể so sánh với sự vay mượn và sử dụng trong tiếng Anh của loại thơ sonnet từ tiếng Ý). Có thể nói rằng thơ Ðường luật rất giống với vai trò và uy thế văn hoá của thể thơ sonnet trong tiếng Anh. Nhưng thơ Ðường luật thì cô đọng hơn:[9] mỗi bài thơ chỉ có 8 hàng và mỗi hàng chỉ có 7 âm tiết. Cuối câu thứ nhất, thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ tám thường phải hợp vần với nhau. Bốn câu trong bài thơ thường thể hiện tính biền ngẫu. Các vần mang “âm bằng” (bình) và những âm trắc được quy định ở những chỗ nhất định. Biến thể của thơ Ðường luật là thơ tuyệt cú (tứ tuyệt), về bản chất là một nửa bài thơ Ðường luật. Mặc dù các quy luật trên đây vốn đã phức tạp, Hồ Xuân Hương lại còn thêm nhiều vần điệu khác và lắm khi sáng tác những bài có thể đọc xuôi hay đọc ngược hoặc cũng có thể đọc từ trái sang phải.
Văn bản    
Hồ Xuân Hương sáng tác bằng chữ Nôm, một dạng tự tượng hình mà các nho sĩ Việt Nam đã sáng chế nhằm biểu thị tiếng nói “phương Nam” của họ. Từ thế kỷ X cho đến đầu thế kỷ XX, nhiều tác phẩm văn học, chính trị, triết học, tôn giáo đã được sáng tác bằng dạng chữ này. Trong khoảng thời gian 24 năm dưới triều Tây Sơn mà Hồ Xuân Hương đã sống, chữ Nôm là chữ viết chính thức của triều đình thay vì chữ Hán.[10] 
Mặc dù chữ Nôm là ngôn ngữ của quần chúng, muốn thông thạo chữ Nôm còn khó khăn gấp bội chữ Hán. Lý do là chữ Nôm thường được cấu tạo bằng cách mượn nghĩa của chữ Hán và đọc theo tiếng Việt, do đó số ký tự thường tăng gấp đôi khi diễn đạt. Ngày nay, trong số 76 triệu người Việt Nam có lẽ chỉ có khoảng chừng vài chục người đọc được dạng chữ có truyền thống hàng ngàn năm này, mặc dù chữ Nôm luôn luôn hiện hữu chung quanh họ: trên những câu đối hai bên cổng nhà, trên những tấm lịch ở các hàng ăn, hay trên bia mộ tổ tiên giữa những cánh đồng. Chữ Nôm đã mai một cùng với sự ra đi của các vương triều và tầng lớp nho sĩ, nhường chỗ cho chữ quốc ngữ do Alexandre de Rhodes sáng chế vào thế kỷ XVII dựa trên mẫu tự La tinh. So với chữ Nôm, chữ quốc ngữ rất dễ học và nhờ đó quảng đại quần chúng người Việt có thể biết đọc và biết viết.
Cho đến bây giờ vẫn chưa có một tổng tập thơ của Hồ Xuân Hương dựa trên những nghiên cứu xác đáng có tính cách học thuật. Thơ của bà chỉ được in lần đầu tiên nhiều thập niên sau khi bà đã qua đời: bản chữ Nôm khắc gỗ vào năm 1909 và sau đó là bản khắc gỗ của Quốc âm thi tuyển vào năm 1914 là ấn bản bằng chữ Nôm có phiên âm chữ quốc ngữ ở dưới. Các học giả có ý kiến khác nhau ngay về số lượng bài thơ do chính bà đã sáng tác. Có người cho rằng bà chỉ sáng tác bất quá 25 bài, có người lại cho rằng bà đã sáng tác đến 148 bài thơ. Những bài thơ chữ Nôm mà tôi đã sử dụng có nhiều cách viết bởi lẽ chữ Nôm chưa bao giờ được chuẩn hoá. Ðiều khó khăn hơn nữa là các bài thơ của bà thường được sao lại bằng tay khiến sự khác nhau giữa các ấn bản khó bề thẩm định. Tình trạng văn bản lại càng phức tạp hơn vì bà sáng tác theo phương ngữ miền Bắc nhưng sau đó tiếng Việt đã có nhiều chuyển biến về cách đọc cũng như về nghĩa. Khi dịch thuật, tôi đã dựa vào ấn bản đáng tin cậy nhất do cố học giả Maurice Durand đã biên tập trong cuốn L’Oeuvre de la poétesse vietnamienne Hồ Xuân Hương.[11] Ðây là một tác phẩm nghiên cứu quan trọng nhưng chưa được hoàn tất khi Durand qua đời.
Trong mười năm trời gọt giũa bản dịch, tôi thường phải bỏ dở nửa chừng nhưng cuối cùng tôi luôn luôn quay trở lại. Lòng kiên trì của tôi đã được nâng đỡ bởi sự ngưỡng mộ và kính nể đối với cuộc tranh đấu đơn độc, trí thông minh, sự tế nhị trong thơ ca, tinh thần bất khuất, óc châm biếm, lòng can đảm, tính cách trào phúng cũng như tấm lòng từ bi của bà. Tôi mong quí độc giả cũng sẽ cảm nhận những điều đó.
Hồ Xuân Hương là một thi sĩ có tầm cỡ thế giới. Nếu hai trăm năm trước bà đã làm xúc động những độc giả người Việt thì chắc chắn thơ bà sẽ làm xúc động mỗi một chúng ta hôm nay.
 
* Giáo sư, Đại Học North Carolina State, Mỹ
 Nguyên tác bằng tiếng Anh,
 Ngô Trung Việt dịch sang tiếng Việt,
 Vĩnh Sính hiệu đính.
 
Chú thích
 
[1]    Du khách viếng thăm Hà Nội ngày nay vẫn còn thấy trong sân Văn Miếu trên lưng những con rùa đá những tấm bia lớn khắc tên những người đỗ tiến sĩ từ năm 1442 cho đến năm 1779. Khoa thi cử cuối cùng ở Việt Nam được mở vào năm 1919.
[2]    Theo Hoa Bằng, Hồ Xuân Hương : Nhà thơ cách mạng (Sàigòn : Nxb Bốn Phương, 1953), trang 100 và 103.
[3]    Các nhà nghiên cứu gần đây cũng đã tìm ra những bài thơ bà sáng tác bằng chữ Hán. Xem Ðào Thái Tôn, Thơ Hồ Xuân Hương (Hà Nội : Nxb Giáo Dục, 1996).
[4]    Hữu Ngọc và Françoise Corrèze, Hồ Xuân Hương ou le voile déchiré (Hà Nội : Fleuve Rouge, 1984), trang 31.
[5]    Chẳng hạn như Chiêu Hổ, người thích chòng ghẹo bà qua thơ ca. Một số học giả (không phải tất cả) cho rằng nhân vật Chiêu Hổ chính là Phạm Ðình Hổ, một quan chức thuộc hàng cao cấp trong triều đình.
[6]    Lập luận của một số học giả cho rằng nhà thơ và nhà viết kịch Edward de Vere (1550-1604) mới chính là tác giả của các vở kịch của Shakespeare. Phần lớn các nhà nghiên cứu Shakespeare đều bác bỏ lập luận này.
[7]    Xem thêm chi tiết trong bài Hoàng Xuân Hãn, “Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long” trong La Sơn Yên Hồ (Hà Nội : Nxb Giáo Dục, 1998), Tập III, trang 897 và 930.
[8]    Hữu Ngọc và Françoise Corrèze nhận xét : “Bà đã đi chu du giống như một người đàn ông trong một xã hội mà phụ nữ chỉ có cuộc sống khép kín”. Vào tháng 2, 1999, khi đi lại một số những quãng đường bà đã chu du, tôi không khỏi ngạc nhiên về khoảng cách và những đoạn đường gồ ghề khó đi mà bà đã đi qua bằng ngựa, bằng thuyền hay đi bộ.
[9]    Vì thơ Ðường luật ở Việt Nam mô phỏng theo thơ đời Ðường, muốn biết thêm về thơ Ðường luật đề nghị xem James J. L. Liu, The Art of Chinese Poetry (University of Chicago, 1962).
[10] Dựa trên một số chứng cứ, có người cho rằng bà là chị em họ cùng hàng với hoàng đế Nguyễn Huệ. Xem Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, trang 901.
[11] Paris : Adrien-Maisonneuve, 1968.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444270

Hôm nay

2212

Hôm qua

2309

Tuần này

22083

Tháng này

219444

Tháng qua

112676

Tất cả

114444270