Những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng phần lớn mang tính hiện đại, là cái đẹp tiềm ẩn không thể thấy hết trong một lần nhìn. Những tác phẩm của ông ở bất kỳ một thời điểm nào, một giai đoạn nào cũng ẩn chứa những vấn đề thôi thúc hậu thế tiếp cận và khám phá, càng ngày càng phơi lộ giá trị mới, vẻ đẹp mới toát lên từ tư tưởng và nghệ thuật thể hiện được chiết xuất từ vốn tri thức văn hóa, lịch sử giàu có và uyên thâm của một nhà văn, một nghệ sĩ tài hoa.
Nghệ thuật là sản phẩm của sự sáng tạo và nghệ sĩ là người thể hiện khát vọng sáng tạo ấy. Trong tư duy và cảm quan nghệ thuật của mình, nguyễn Huy Tưởng luôn hướng tới sự kiếm tìm nghệ thuật, sự thăng hoa trong sáng tạo, mong cho sản phẩm tinh thần của mình có những đóng góp thiết thực cho đời sống và người đọc. Từ một thanh niên yêu nước, nhiều hoài bão, lấy văn chương làm hành động cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng đã hướng đến tiêu điểm của những hoạt động văn học trong thời đại mới và có những đóng góp quan trọng cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam từ trước 1945 và đặc biệt từ sau Cách mạng tháng Tám.
Cơn bạo bệnh đã không cho phép Nguyễn Huy Tưởng đi hết hành trình sáng tạo nhưng tác phẩm của ông không bị rơi vào quên lãng. Bên cạnh những tác phẩm đã quen thuộc, ba tập nhật ký gần hai nghìn trang ra mắt bạn đọc như một bảo tàng thư giúp người đọc hình dung rõ hơn, phong phú hơn về cuộc đời hoạt động văn học và cách mạng đầy tâm huyết và nghị lực của ông cũng như những nét phác hoạ về xã hội, đất nước, con người mà ông đã ghi lại không chỉ như một người thư ký trung thực, khách quan mà còn ký thác những ý tưởng vượt trước thời đại. Những trang nhật ký cũng đã góp phần làm đầy đặn và sắc cạnh hơn chân dung tinh thần của “một trong những nhân cách đặc sắc của văn học hiện đại”(1) như cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc.
Trong nền văn học, nghệ thuật ở nước ta, có những nghệ sĩ chỉ chuyên chú vào một thể loại văn học, một bộ môn nghệ thuật thì cũng xuất hiện những nghệ sĩ có khả năng sáng tác nhiều hình thức thể loại văn học nghệ thuật khác nhau mà Nguyễn Huy Tưởng thuộc trong số đó. Chúng ta đã thấy Nguyễn Huy Tưởng làm thơ, soạn kịch, viết văn xuôi... Ngay trong văn xuôi, ngòi bút ông cũng tỏ ra linh hoạt và thích ứng với nhiều thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, tuỳ bút, ký sự, nhật ký, truyện viết cho thiếu nhi.
Như một nhất quán trong cảm hứng sáng tạo, những sáng tác văn xuôi đầu tiên Đêm hội Long Trì (1942), An Tư (1943) và sáng tác cuối cùng của Nguyễn Huy Tưởng, tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô đều viết về đề tài lịch sử, về Thăng Long – Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Tuân trong Lời bạt cuốn Sống mãi với thủ đô đã có cảm nhận tinh tế: “Đọc lại những tiểu thuyết lịch sử, kể cả Sống mãi với thủ đô, người đọc vẫn thây gây gây mùi khói vấn vương ngàn năm Thăng Long chốn cũ”(2). Ngay tên gọi của những đứa con tinh thần: Đêm hội Long Trì, An Tư, Sống mãi với thủ đô, Luỹ hoa đã rất gợi, bộc lộ cảm xúc thăng hoa của Nguyễn Huy Tưởng. Nguyễn Minh Châu đã từng bị lôi cuốn bởi các nhan đề sáng tác về Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng: “Những cái tên sách gợi lên hình ảnh một cái đài tưởng niệm bằng ngôn ngữ, một vòng nguyệt quế từ bàn tay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt lên trán những trai thanh gái lịch của Hà Nội rất giàu lòng yêu nước”(3). Ngay từ những thời điểm viết những tác phẩm kể trên, Nguyễn Huy Tưởng bộc lộ cái nhìn dân chủ, gắn những vấn đề của quá khứ với hiện tại, cho đến nay vẫn còn mang hơi nóng thời sự khi chạm đến những vấn đề mà người cầm bút đương đại không thể không quan tâm. Theo tôi, ngay từ trong Đêm hội Long Trì, An Tư, vấn đề nữ sắc mà ngày nay gọi là vấn đề về giới, phái tính đang là vấn đề nóng đã được Nguyễn Huy Tưởng thể hiện thành công từ những năm 40 của thế kỷ trước.
Cặp nhân vật tượng trưng cho sắc đẹp ở thế đối cực như Tuyên phi Đặng Thị Huệ và quận chúa Quỳnh Hoa là một nỗ lực của ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng khi thể hiện hai mặt ánh sáng và bóng tối, thiên thần và ác quỷ tiềm ẩn đằng sau cái đẹp mong manh như Quỳnh Hoa, dầy dặn như Đặng Thị Huệ. Nếu không biết tự chống đỡ và hướng tới nhân bản, cả hai cấp độ của sắc đẹp hoặc sẽ tạm thời thất bại vì thụ động như cái chết của Quỳnh Hoa và đi đến bại vong vì chủ động và lộng quyền như Đặng Thị Huệ. Những vấn đề đặt ra trong Đêm hội Long Trì đã vượt ra phạm vi đề tài, không chỉ có ý nghĩa với đương thời mà với cả hiện tại. Đó là những vấn đề của nhân sinh, thế sự, của cái thiện và cái ác, khởi nguồn từ triều chính, từ “bão táp cung đình”.
Trong tiểu thuyết An Tư cũng xuất hiện vấn đề về nữ sắc. Nhưng nữ sắc ở đây không lộng hành, không độc quyền như Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm Hội Long Trì. Nữ sắc trong An Tư tượng trưng cho cái đẹp biết dấn thân, mang một ý nghĩa lớn lao có thể lay chuyển hàng binh thế trận: “An Tư đã bắt đầu quen với Thoát Hoan, và tự chủ được mình: nàng thấy đủ sức quyến rũ và có một lòng tin vững chắc về oai quyền của sắc đẹp nàng”(1). An Tư đã gạt lệ, chia tay người yêu và hoàng thân quốc thích nhà Trần, vì việc nước phải hiến dâng trinh tiết và tấm thân ngà ngọc để ngăn chặn dù chỉ là tình thế sức công phá của quân Nguyên thiện chiến. Nguyễn Huy Tưởng bằng tình cảm và lòng ngưỡng mộ của mình đã ghi nhận và tôn vinh sự hi sinh thầm lặng nhưng quyết liệt của An Tư, một nữ trung hào kiệt trong tiểu thuyết như một chiến công sánh ngang với Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng và trường hợp của nàng đáng được lưu danh như tên tuổi các bậc tiền nhân nhà Trần.
Cách thể hiện nhân vật kẻ thù trong tiểu thuyết An Tư cho thấy tầm nhìn khách quan, nhân bản của Nguyễn Huy Tưởng là vấn đề vẫn có ý nghĩa với những người viết đề tài lịch sử và chiến tranh hôm nay.
Trong quá trình sống và viết của mình, từ những năm đầu đời cho tới sau này, Nguyễn Huy Tưởng luôn bộc lộ tâm huyết và tâm đắc với lịch sử nhà Trần. Đây là triều đại tập trung nhiều bậc hiền tài, vua sáng tôi trung đồng thời là triều đại huy hoàng và oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc. Ông đã thổ lộ nỗi niềm khát khao viết về triều đại này ngay từ khi mới bước vào nghề: “Tôi vẩn vơ nghĩ đến quyển anh hùng ca mà tôi định đem hết tâm trí tôi mà cống hiến quốc gia tôi. Quyển ấy là quyển Thái Bình diên yến. Trong đó, tôi kể chuyện bậc đại anh hùng nước ta là ông Hưng Đạo, là cái gương nghị lực, kiên nhẫn, ái quốc trung quân, là biểu hiện của cả tinh thần của dân tộc”... “Câu nói của Trần Hưng Đạo, lá cờ của Trần Quốc Toản, định chí của Ngũ Lão, khẳng khái của Khánh Dư, kể đại khái vài đoạn đã thấy rằng đời bấy giờ nhân vật thật là kỳ khôi xuất chúng, hình như là tướng lĩnh đầu thai ở một nguồn trong sạch để giúp giập cõi Việt bang, hình như linh khí non sông hun đúc lại được bao nhiêu đoá hoa thơm để phù trợ đất đai. Những nhân vật ly kỳ như là dòng nước trong chảy qua con sông đục, nghìn thu vẫn còn dương danh”(1). Bên cạnh thái độ chiêm bái, ngợi ca sử bình nguyên và ca ngợi tiền nhân, Nguyễn Huy Tưởng cũng thể hiện cái nhìn tỉnh táo, ôn hoà với kẻ đã hơn một lần nghênh chiến với nhà Trần: “Còn như bên địch cũng nhiều tướng ly kỳ. Thoát Hoan kiêu ngạo, dùng binh cực giỏi. Ô Mã Nhi tàn bạo giết người không tiếc tay, thực là kẻ tiêu biểu cho dòng Mông Cổ và những kẻ đi chinh phục người. Lại còn Toa Đô. Tôi không biết lai lịch và tâm tính vị này ra sao, nhưng tôi xem Đô là người dũng cảm, võ nghệ siêu quần, binh lính nghiêm trang, đi đến đâu không tàn phá, một người tướng tâm linh sáng suốt, ngay thẳng, hết lòng báo đỡ nước non”(2). Với cái nhìn dân chủ và độ lượng trên toàn cục như vậy, Nguyễn Huy Tưởng đã tỏ rõ thế mạnh của ngòi bút khi hướng vào thế giới bên trong đầy giông bão và phức tạp của các nhân vật đại diện cho nhà họ Trần: vua Thiệu Bảo, quốc công Trần Hưng Đạo, Chiêu Thành Vương Trần Thông, An Tư, và Thoát Hoan, đại diện cho quân xâm lược Nguyên Mông. Những nhân vật này, cho dù là những nhân vật lịch sử, họ cũng không được đắp nặn theo một khuôn khổ, kích thước có sẵn của nhà văn mà đã được tái tạo với chất người tự nhiên của nó. Một Hưng Đạo Vương vừa uy nghi, quyết liệt, tàn nhẫn lại vừa bao dung, giầu tình cảm và tài hoa, một vua Thiệu Bảo thương dân muốn cầu hoà để bách tính đỡ lầm than cơ cực, có những lúc không khỏi thẹn với ba quân vì ý nghĩ hèn nhát của mình, một Chiêu Thành Vương diệu nghệ gươm đao cũng là một chàng trai si tình, đau đớn khi người mình yêu phải hiến cống cho tướng giặc để cứu mười vạn sinh linh Đại Việt. Một An Tư nghiêng nước nghiêng thành, dòng dõi hoàng tộc, vừa chấp thuận, vừa oán trách triều đình đã đem mình dâng cho Thoát Hoan làm kế hưu chiến. Một Thoát Hoan, là kẻ thù của nước Việt, khi đã có An Tư, một thiên hương quốc sắc trong tay, hắn có thể vì đại sự giết An Tư bất cứ lúc nào. Nhưng Trấn Nam Vương còn là một đàn ông, một người vẫn “có lòng tôn thờ cái đẹp”. Ý định giết An Tư của Thoát Hoan không thể lớn hơn sự ái mộ cái đẹp. Trong con người Thoát Hoan đã diễn ra bao nhiêu lần sự lựa chọn giữa sắc đẹp và quốc gia, đại sự. Cuối cùng vẻ đẹp và tâm hồn thuần khiết, thanh cao của An Tư đã khiến lưỡi gươm của kẻ mạnh như Thoát Hoan không thể vung lên. Viên tướng trẻ này khác hẳn Đặng Lân trong Đêm Hội Long Trì, kẻ đã mất hết tính người, không những không biết nâng niu cái đẹp mà còn tàn phũ và huỷ hoại cái đẹp.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng, từ những sáng tác mang cảm hứng lịch sử thời tiền chiến đến tác phẩm Sống mãi với thủ đô (tập I), khai sinh từ cuộc chiến đấu nghi ngút khói lửa trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp vào mùa đông năm 1946. Dù viết quá khứ xa hay quá khứ gần, tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng đều vượt thoát ra khỏi những “huyền thoại cộng đồng” về quá khứ, mở rộng trường nhìn, hướng tới những vấn đề văn hóa, lịch sử, phong tục, tâm linh và nhân sinh của con người và dân tộc.
Từ trước Cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng đã sớm ưu tư về vận mệnh của đất nước và dân tộc, luôn thường trực trong nhà văn ý thức đi tìm một lẽ sống, một lý tưởng. Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Huy Tưởng bước vào chặng đường mới của lịch sử dân tộc. Từ sau 1945 cho đến ngày ngã bệnh, ngòi bút dũng cảm và trung thực của Nguyễn Huy Tưởng luôn hướng vào những vấn đề nóng hổi của đất nước và thời đại trong giai đoạn cách mạng có nhiều chuyển biến quan trọng. Giá trị sáng tác và cống hiến của Nguyễn Huy Tưởng được tỏ rõ trong ý thức trách nhiệm của nhà văn: phụng sự quần chúng, kháng chiến và Tổ quốc. Dần dần hình thành trong cảm hứng sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng những vấn đề thời sự, gắn với thời cuộc và nhan dân. Từ một cây bút chuyên khai thác đề tài lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng trở thành nhà văn thời sự trong “ý nghĩa chân chính của thuật ngữ này”. Nhà văn Như Phong đã công nhận Nguyễn Huy Tưởng là một “nhà văn viết kịp thời nhất”.
Tập Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng là kết quả của đợt tham gia Chiến dịch Biên giới 1950. Tiểu thuyết Truyện anh Lục là sản phẩm tinh thần của Nguyễn Huy Tưởng sau khi đã trực tiếp làm cán bộ cải cách ruộng đất trong giai đoạn kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hoà bình lập lại, Nguyễn Huy Tưởng đi thực tế ở nông trường Điện Biên và tiểu thuyết Bốn năm sau ra đời trong dịp đó. Thiên tuỳ bút Một ngày chủ nhật miêu tả Hà Nội trong những ngày đầu hoà bình, đã từng làm ông đau đớn vì cách hiểu hời hợt, nông cạn lúc đương thời. Nhưng dù viết về đề tài lịch sử hay thời sự, trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng có một sự “nhất quán biện chứng”, chi phối mọi tìm tòi nghệ thuật, cả phong cách sống và viết của nhà văn. Nguyễn Huy Tưởng đã hoà vào dòng thác của đời sống, viết về những cái đang xảy ra, những vấn đề thời sự với quan niệm: “Đừng viết cái gì sai với sự thật của con người, dù là dưới hình thức phục vụ” (nhật ký viết năm 1956).
Các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng như Ký sự Cao Lạng, Truyện anh Lục, Bốn năm sau, Một ngày chủ nhật ngay từ lúc xuất hiện đã được độc giả cổ vũ, ca ngợi bởi chất thời sự và tính dự báo của nó. Đông đảo bạn đọc nhất trí khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của Ký sự Cao Lạng. Tác phẩm được đánh giá là có giá trị nhất của văn học kháng chiến. Những năm sau này, theo ý kiến cá nhân của Nguyễn Minh Châu, trong số tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng để lại, ông thích Vũ Như Tô và Ký sự Cao Lạng hơn cả. Trong Giải thưởng Văn học năm 1951-1952, Ký sự Cao Lạng được trao Giải Ba.
Với tiểu thuyết Truyện anh Lục, Nguyên Hồng ghi nhận “dấu hiệu sự bắt đầu trưởng thành của một số tác phẩm về cuộc cách mạng nông thôn mà sự sống đã ngấm vào người văn nghệ sĩ và từ tâm hồn văn nghệ sĩ tràn ra thành những sự sống mới”(1). Ở đây Nguyễn Huy Tưởng đã lấy quyền lợi của nhân dân làm lẽ sống và là mục đích sáng tác của mình. Trong Truyện anh Lục, Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện nỗ lực sáng tạo của nhà văn khi đi sâu vào đề tài cải cách ruộng đất, là mảnh đất còn ít người khai vỡ, lật xới lúc bấy giờ. Trong Giải thưởng Văn học 1954-1955, Truyện anh Lục đã được trao tặng Giải Nhì.
Ở tiểu thuyết Bốn năm sau, dưới ngòi bút chuyên nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng, bối cảnh Điện Biên Phủ sau chiến tranh không hề lấn át tâm trạng con người thời hậu chiến được thể hiện bằng ngôn ngữ và giọng văn tế nhị, giàu kịch tính và tính chất trữ tình.
Là người thành thực, có ý thức trách nhiệm với ngòi bút của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã đủ tự tin để nhận thức được những thành công và hạn chế trong các sáng tác phục vụ kịp thời của mình. Với ông văn học “không phải chỉ là phản ánh mà còn là tổng kết, là soi sáng”. Chính vì vậy trong tuỳ bút Một ngày chủ nhật, Nguyễn Huy Tưởng đã diễn tả trung thực cảm xúc và suy nghĩ của một người sống hết mình với thủ đô, với Hà Nội. Ngày ấy ông đã bị phê phán là mất lập trường, chỉ thấy mặt trái của cuộc đời. Song từ thời điểm Một ngày chủ nhật, Nguyễn Huy Tưởng đã đặt ra bao nhiêu vấn đề bức xúc không chỉ với hôm qua mà còn nóng hổi, cập nhật với hôm nay, mang ý nghĩa nhân sinh, phát hiện những thực tế mới, tiên đoán những cái sẽ thành thực tế. Trên tinh thần nhận thức lại, người đọc hôm nay không những đồng cảm với những khắc khoải, day dứt của Nguyễn Huy Tưởng trong Một ngày chủ nhật mà còn cảm phục những dòng tiên tri mang cảm quan dự báo của nhà văn từ năm mươi năm trước về cảnh quan, môi trường và không khí thời đại.
Trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, mảng truyện viết cho thiếu nhi với Tìm mẹ, Con cóc là cậu ông Giời, An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng,... thực sự góp phần hoàn chỉnh chân dung nhà văn, làm cho sự nghiệp văn học của ông thêm phong phú và đa dạng. Với các sáng tác viết cho lứa tuổi nhỏ, Nguyễn Huy Tưởng giành được trọn vẹn sự khẳng định, tôn vinh của độc giả nhỏ tuổi và đồng nghiệp về số lượng và chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Bằng những hình tượng văn học sinh động và giàu tính thuyết phục, truyện cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng đã giúp các độc giả nhỏ tuổi dễ tiếp thu kiến thức lịch sử hơn những trang thông sử khô khan.
Trong gần hai mươi năm sáng tạo, Nguyễn Huy Tưởng đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ về văn xuôi và kịch, trong số đó có không ít tác phẩm là những giá trị văn chương tạo hiệu ứng thẩm mỹ, được xã hội hóa. Có thể nói, Nguyễn Huy Tưởng là một trong số các nhà văn thuộc thế hệ lớp trước không bị đứt đoạn mối liên hệ với người đọc đương đại. Những sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng cho người lớn hay cho thiếu nhi đều là những tác phẩm có khả năng thường trú trong ngôi nhà chung của văn học nước nhà cũng như trong trái tim của độc giả và công chúng mọi thời.
B.T
(1) Nguyên Ngọc: Nguyễn Huy Tưởng và quan niệm kẻ sĩ. Trong sách Nguyễn Huy Tưởng, một sự nghiệp chưa kết thúc. Viện Văn học, H, 1992, tr.182.
(2) Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập 3. Nxb. Văn học, H, 1996, tr.324.
(3) Người Hà Nội, 19-5-1989.
(1) Nguyễn Huy Tưởng: Nhà Trần. Nxb. Kim Đồng, H, 2005, tr.135.
(1), (2) Nhật ký ngày 12 tháng 10 năm 1933 in trong Nguyễn Huy Tưởng: Nhà Trần (Nguyễn Huy Thắng biên soạn). Nxb. Kim Đồng, H, 2005, tr.16, 15.
(1) Đọc “Truyện anh Lục”. Văn nghệ, số 41, tháng 10-1956.