4 - Sự hình thành và tổ chức Mạc phủ Edo.
4.1 Trận đụng độ ở Sekigahara và trận đánh thành Ôsaka:
4 - Sự hình thành và tổ chức Mạc phủ Edo.
4.1 Trận đụng độ ở Sekigahara và trận đánh thành Ôsaka:
Năm 1590 (Tenshô 18), sau khi họ Hôjô bị diệt vong, vùng Kantô (Quan Đông, chung quanh Tôkyô) được đặt dưới quyền kiểm soát của Tokugawa Ieyasu, một lãnh chúa cỡ lớn với đất phong 250 vạn thạch thóc. Ông còn đứng hàng đầu trong năm đại lão cố vấn việc vận hành chính quyền buổi vãn niên của Hideyoshi. Thế nhưng sau khi Hideyoshi qua đời thì sự đối lập tiềm ẩn giữa Tokugawa Ieyasu và một trong năm bugyô đầy thế lực là Ishida Mitsunari (Thạch Điền Tam Thành, 1560-1600) đã bộc lộ ra trước mắt mọi người. Năm 1600, hai bên đã chọn cánh đồng Sekigahara làm chỗ thư hùng một mất một còn. Kẻ chiến thắng là Tokugawa, người đã khai sáng một triều đại mới.
Thế thì tại sao họ lại phải đi đến một cuộc chiến như vậy? Lý do là Ieyasu với tham vọng và thực lực sẳn có, đã không tuân theo qui định (okite) hay nói cách khác đi là không giữ lời giao ước với gia đình Toyotomi nên gặp phải sự chống đối của Mitsunari. Chính quyền Toyotomi trước kia vốn nằm trong bàn tay độc đoán của Hideyoshi, do đó bộ máy hành chánh cũng như hệ thống pháp luật bị xem như là chưa hề được tổ chức hoàn chỉnh. Họ chỉ có một qui định (okite) thành văn là cơ sở để làm việc chung. Văn bản này đã được soạn ra vào năm 1595 (Bunroku 4) như một bộ luật cơ bản trong nội bộ và 5 vị đại lão đã cùng ký tên chấp nhận là sẽ không ai có quyền đi ngược lại nó. Văn bản ấy thành lập vào thời điểm Hideyoshi có nhiều hiềm nghi, khi chức kanpaku (cũng là cháu ruột và con nuôi của Hideyoshi) là Toyotomi Hidetsugu (Phong Thần, Tú Thứ) bị cáo buộc mưu phản và đuổi lên núi Kôyasan để rồi nhận lệnh phải tự mổ bụng. Đấy cũng là lúc tình hình chiến cuộc bên Triều Tiên đang gây khốn đốn cho ông. Nói chung, nó đã ra đời vào thời điểm rất bất lợi và u ám của chính quyền Hideyoshi. Trong qui định ấy có một điều khoản then chốt là Hideyoshi “không cho phép các lãnh chúa gã con cho nhau” (để tránh việc đồng minh bằng hôn nhân vốn gây khó khăn cho người thừa kế còn trẻ dại là Hideyori). Thế nhưng, đến lúc Hideyoshi không còn nữa, Ieyasu là nggười đầu tiên phá ngay qui định đó, nhằm kết bè kết đảng cho mình.Những viên tướng chủ lực trên chiến trường Sekigahara và đứng trong đạo quân chiến thắng của miền Đông (Tôgun) như Date Masamune và Fukushima Masanori đều đã được Ieyasu thu phục và trở thành đồng minh của ông nhờ thủ đoạn này. Khi bị trách móc vì một loạt hành vi như vậy, Ieyasu chỉ điềm nhiên trả lời kiểu nói đỡ: “Ối, ta quên khuấy đi mất!”. Điều đó đã làm cho sự bất bình của Mitsunari càng sâu sắc và cuộc sống mái chỉ còn là vấn đề thời gian.
Năm 1600 (Keichô 5), Mitsunari khởi binh cùng với một trong năm tairô (đại lão) là Môri Terumoto (Mao Lợi Huy Nguyên) trong vai minh chủ. Như thế, cuộc đụng độ trên cánh đồng Sekigahara (phía tây nam Gifu) đã mở màn. Ieyasu, người chiến thắng trong cuộc giành lấy thiên hạ, đã trừng phạt các lãnh chúa thuộc đạo quân miền tây. Riêng Ishida Mitsunari và Konishi Yukinaga (viên tướng chỉ huy đánh Triều Tiên trở về) thì cho giải về xử tử ở Kyôto. Các lãnh chúa thuộc Seigun (Tây quân) gồm 99 người và lãnh địa 440 vạn thạch thóc bị “cải dịch” (kaieki), đổi công việc, nghĩa là bị tịch thu dất đai. Minh chủ của quân miền Tây là Môri Terumoto (già yếu và chỉ là lãnh đạo bù nhìn) bị giảm lộc từ 120 vạn thạch xuống 37, Uesugi Kagekatsu cũng vậy, từ 120 vạn thạch chỉ còn 30. Tiếng chuyên môn gọi là genpô (giảm phong).
Sống mái trên cánh đồng Sekigahara[1]
Chiến thắng ở Sekigahara mở màn cho gần 270 năm thống trị Nhật Bản của dòng họ Tokugawa quan trọng chẳng khác nào trận Cai Hạ giữa Hạng Vũ – Lưu Bang và trận Waterloo chấm dứt triều đại Napoleon I. Nơi đây, hai bên địch thủ đã động viên toàn bộ lực lượng để tranh hùng một mất một còn.
Sau khi Hideyoshi thất bại trong 2 chiến dịch xâm lăng Triều Tiên (1592, 1597) và chết vì kiết lỵ (1598), chính quyền của ông rạn nứt rồi tan như ngói vỡ. Giữa những kẻ được cử để phò tá Hideyori, con trai ông mới lên 6, đã có sự đối lập khó lòng hòa giải.Phái quan liêu có Ishida Mitsunari, Mashita Nagamori, phái võ tướng có Katô Kiyomasa, Fukushima Masanori...Trong bối cảnh ấy, người đang có địa vị cao nhất (naifu = nội phủ, như thủ tướng) là Tokugawa Ieyasu với binh lực hùng mạnh của miền Đông đã khôn khéo lợi dụng tình thế để thực hiện dã tâm. Rốt cuộc hai thế lực đối kháng đã phải giải quyết với nhau bằng vũ lực. Tây quân và Đông quân chọn cánh đồng Mino Sekigahara (cạnh cửa quan Fuwa ngày xưa, một điểm xung yếu ở tỉnh Gifu) làm nơi tranh hùng (1600). Tây quân do Môri Terumoto tiếng là minh chủ nhưng vì già yếu nên trên thực chất điều khiển bởi Ishida Mitsunari, người đứng đầu phái quan liêu. Trong lực lượng họ có những lãnh chúa thế lực như Ukita Hideie, Shimadzu Yoshihiro, cả danh tướng Konishi Yukinaga, nguyên là một chỉ huy trưởng trong lực lượng viễn chinh Triều Tiên năm 1592 và là tín đồ Ki-tô giáo. Quân số miền Tây hơn 8 vạn người. Đông quân phần lớn là con cháu nhà Tokugawa trong đó có Ii Naomasa cũng như phái võ tướng với Fukushima Masanori, Katô Kiyomasa (nguyên tướng tiên phong trong 2 chiến dịch Triều Tiên) bên cạnh các lãnh chúa miền Đông. Quân số của họ hơn 9 vạn người. Ngày 15 tháng 9 lúc 8 giờ, kịch chiến bắt đầu trong sương mù dày đặc đang bao trùm lên khu vực. Hai bên giằng co không ai chịu nhường ai cho đến khi lãnh chúa Kobayakawa Hideaki của Tây quân làm nội ứng, trở cờ, thì kể từ 2 giờ chiều, Đông quân mới làm chủ được chiến trường và hoàn toàn tiêu diệt lực lượng miền Tây.
Sau thắng lợi, không những các tướng chủ chốt phía Tây quân như Ishida và Konishi bị xử trãm ngay ở Kyôto mà những lãnh chúa về hùa với địch như Môri, Shimadzu, Uesugi... ngay cả các tướng đồng minh trong trận này như Fukushima cũng bị Ieyasu tìm cách loại bỏ bằng biện pháp hòa bình hơn (tịch thu lãnh địa, giảm phong, chuyển phong) với mục đích củng cố thể chế của mình.
Thế rồi đến năm 1603 (Keichô 8), để được danh chính ngôn thuận trong việc thống lĩnh các lãnh chúa, Ieyasu đã nhận chức Sei.i Daishôgun (Chinh di Đại tướng quân) từ Thiên hoàng Go-Yôzei (Hậu Dương Thành). Như thế, ông trở thành Shôgun và mở mạc phủ mới ở Edo.
Tokugawa Ieyasu, nhân cách một thủ lãnh[2]
Cha của Ieyasu chỉ là chủ nhân một ngôi thành nhỏ vùng Mikawa, lèn giữa hai thế lực hùng hậu là họ Imagawa và Oda. Thật vậy, Matsudaira Hirotada – tên ông ta - tuy thuộc một nhánh của họ Minamoto nhưng không phải là một lãnh chúa có tầm cỡ giữa quần hùng thời Sengoku. Từ bé, Ieyasu (tên lúc còn thơ ấu là Takechiyo) đã phải bị ép đi làm con tin ở những tiểu quốc bên cạnh để giữ sự hòa mục. Thời Sengoku, làm con tin là một thông lệ giữa các đồng minh tạm bợ và số phận lúc nào cũng như chỉ mành treo chuông. Đến năm 19 tuổi, ông mới thoát được cảnh khổ sở đó khi kẻ giữ mạng sống ông, lãnh chúa Imagawa Yoshimoto, bị chết trong trận Okehazama dưới bàn tay của Oda Nobunaga. Từ ấy ông lui về thành Hamamatsu, chiêu binh mãi mã, khuếch trương thế lực để đợi thời. Nhờ đội pháo thủ của Nobunaga giúp đỡ, ông đã thắng được địch thủ mạnh trong vùng là Takeda Shingen sau nhiều lần chiến bại. Kể từ đó, trước sau ông ẩn nhẫn theo hầu Nobunaga[3] và Hideyoshi[4], đạt đến ngôi vị trọng thần được Hideyoshi gửi gắm đứa con thơ. Ông biết lợi dụng địa thế miền Đông để làm bàn đạp, khi Hideyoshi chết đi, đã từng bước một loại dần các địch thủ. Sau chiến thắng kinh động có tính quyết định ở Sekigahara (1600), dù được trao danh hiệu Seii Daishôgun năm 1603 và khai phủ ở Edo, ông vẫn bền bĩ đợi thêm nhiều năm nữa đến lúc thời cơ chín muồi mới dứt điểm tập đoàn Hideyoshi sau chiến dịch mùa hạ 1615 công phá hang ổ cuối cùng của họ là thành Ôsaka.
Ông cực kỳ kiên nhẫn. Matsudaira Senzan, lãnh chúa phiên Hirado trong tác phẩm Kasshi Yawa (Giáp Tý Dạ Thoại) có chép lại những lời giáo huấn của ông như sau: “Người sống trên đời chẳng khác gì mang một gánh nặng đi đường xa cho nên ta không cần phải vội vã...Nếu lúc nào cũng coi sự thiếu thốn là thường tình thì sẽ không bao giờ bị thiếu thốn... Khi trong lòng dậy lên một điều ham muốn, hãy nhớ lại những lúc khốn cùng...Nhẫn nại là cơ sở cho kế sách lâu dài...Tự trách mình trước rồi hãy trách người sau”. Có lẽ tuổi trẻ sống trong cảnh bị bắt làm con tin đã giúp ông tìm thấy được nền tảng của thuật xử thế. Tuy nhiên ông cũng là người rất quyết liệt khi dạy con (Shôgun đời thứ 2 Hidetada) : “Những kẻ nào không tuân lệnh Shôgun thì dầu họ là chỗ bà con thân thuộc của nhà mình, cũng phải phái quân thảo phạt và tru diệt tức khắc!”. Ông còn tỏ ra vô cùng khôn khéo trong việc dùng binh. Khi Hideyoshi hội các lãnh chúa để tiến đánh Triều Tiên, ông cũng đem quân bản bộ tới tham gia nhưng chỉ dừng chân trên đất Nhật chứ không chịu vượt biển sang Hàn. Nhờ đó, khi quân Nhật bị đánh lui và tổn thất nặng nề, cánh quân của ông vẫn bảo toàn được lực lượng. Trong trận Sekigahara (1.600), ông đã thắng nhờ biết sử dụng tài ngoại giao đòn phản gián. Tương truyền Kita Mandokoro -vợ chính của Hideyoshi - đứng về phía ông vì bà không hoà thuận với Yodogimi, người vợ thứ và là mẹ thế tử Hideyori. Các võ tướng trụ cột trung thành với Hideyoshi như Fukushima Masanori và Katô Kiyomasa vẫn tưởng Ieyasu ra binh ở Sekigahara chỉ với mục đích bảo vệ cơ nghiệp cho con trai cố chủ chứ không vì lợi riêng nên đều đi theo. Một tướng địch – Kobayakawa Hideaki[5] – bị thuyết phục, cũng đã trở giáo vào phút chót để đứng về phía ông.
Ông thuộc mẫu người kiên trì như Lưu Bang, Nguyễn Ánh. Người Nhật thường ví von như sau: “Nếu đứng trước một con chim oanh không chịu hót thì Nobunaga sẽ dọa giết nó chết nếu nó không hót, Hideyoshi sẽ dụ dỗ mơn trớn để nó phải hót trong khi Ieyasu chỉ lẳng lặng ngồi chờ cho đến khi nó hót”.
Từ khi Ieyasu được chuyển đất phong làm lãnh chúa vùng Edo, ông đã cho xây thành Edo (Edojô) và tiếp tục từng bước một thiết kế các xóm cư dân thương mại chạy vòng quanh nó theo hình trôn ốc mà người Nhật gọi là theo hình chữ の (no trong hệ thống chữ hiragana) theo nguyên tắc lãnh địa của thân thích thì gần, lãnh địa của bộ hạ thời xa. Nay thì sau khi thành Shôgun rồi, ông bắt tất cả các lãnh chúa (daimyô) trên toàn quốc phải đóng góp công của vào công trình đó. Việc này ông xem như là việc kêu gọi xây chùa lấy công đức nên gọi nó là tetsudaibushin. Tetsudai nghĩa là tiếp tay, còn fushin (phổ thỉnh) là một danh từ Phật giáo chỉ việc quyên góp tài vật và sức lực để làm công đức. Ngoài ra ông bắt các lãnh chúa phải soạn kuniezu (quốc hội đồ) tức là địa đồ của tiểu quốc họ cai quản và gôchô (hương trương) hay sổ sách làng xã. Tuy dã có tiền lệ dưới thời chính quyền Toyotomi nhưng những địa đồ và sổ sách này giúp Ieyasu có đủ thông tin các địa phương. Nó chứng tỏ được rằng ông là chủ nhân ông của đất nước. Trong gôchô (hương trương) chức trách sở tại phải ghi rõ số thóc gạo vốn là cơ sở đánh thuế (kokudaka) của từng thôn một, rồi thu thập những con số đó lại mà lập thành sổ sách ở cấp bậc tiểu quốc. Cùng với kuniezu, gôchô là tư liệu tham khảo để nắm được sức sản xuất của từng tiểu quốc, giúp cho Ieyasu đánh giá được các chigyôkoku (tri hành quốc = nước để phong) cho bộ hạ. Trong suốt thời Edo, việc lập sổ sách như thế đã được tiến hành không những vào giữa niên hiệu Keichô (Khánh Trường, 1596-1615) mà sau đó còn xảy ra vào các thời điểm khác như các niên hiệu Shôhô (Chính Bảo 1645-1648), Genroku (Nguyên Lộc, 1688-1704), Tenpô (Thiên Bảo, 1831-1845 ) nữa.
Gia phổ 15 đời Shôgun họ Tokugawa:
1 Ieyasu (Gia Khang) à 2 Hidetada (Tú Trung), Yoshinao (Nghĩa Trực, chi Owari), Yoshinobu (Nghĩa Tuyên, chi Kii), Yoshifusa (Lại Phòng, chi Mito).
Hidetada à 3 Iemitsu (Gia Quang), Kazuko (Hòa Tử), Masayuki (Chính Chi, làm con nuôi họ Hoshina).
Idemitsu à 4 Ietsuna (Gia Cương), Tsunashige (Cương Trọng), 5 Tsunayoshi (Cương Cát, dưỡng tử của 4 Ietsuna).
Tsunashige àTsunatoyo à 6 Ienobu (Gia Tuyên) à 7 Ietsugu (Gia Kế)
Yoshinobu (chi Kii) à ........... à 8 Yoshimune (Cát Tông, con nuôi của 7 Ietsugu) à 9 Ieshige (Gia Trọng) à Shigeyoshi (Trọng Hảo, làm con nuôi nhà Shimizu), 10 Ieharu (Gia Trị) à 11Ienari (Gia Tề) à 12 Ieyoshi (Gia Khánh) à 13 Iesada (Gia Định) à 14 Iemochi (Gia Mậu).
Yoshimune à Munetake (Tông Vũ, làm con nuôi nhà Tayasu) à Sadanobu (Định Tín, làm con nuôi nhà Matsudaira).
Yoshimune à(lược bỏ 7 đời) à Yoshitomi (Khánh Phúc, tức 14 Iemochi sau khi thành con nuôi 13 Iesada)
Yoshimune à Munetada (Tông Doãn, làm con nuôi nhà Hitotsubashi) à Harusada (Trị Tế) à Ienari (Gia Tề, con nuôi của 10 Ieharu)
Iesada à Nariatsu (Tề Đôn) à (lược bỏ năm đời) àYoshinobu (Khánh Hỷ, con đẻ của Nariaki nhà Mito, con nuôi của nhà Hitotsubashi và được đưa về Edo kế nghiệp 14 Iemochi)
Yoshifusa (chi Mito) à Mitsukuni (Quang Quốc) à (lược bỏ 8 đời) àNariaki (Tề Chiêu) à 15 Yoshinobu (Khánh Hỷ).
Chúng ta để ý rằng tuy có Ô-oku (Đại Áo) tức là hậu cung đầy dẫy phi tần mỹ nữ nhưng việc có con nối dõi (yotsugi) của họ Tokugawa không được suôn sẻ vì tình hình sức khỏe của các Shôgun không đồng đều. Mạc phủ đã phải sử dụng đến chế độ dưỡng tử. Chính Shoogun đời thứ nhất Tokugawa Ieyasu cũng đã phòng xa hiểm họa hiếm muộn đó khi đặt ra 3 chi Kii, Mito và Owari, phong cho 3 cậu con yêu làm ba “cái kho dự trữ” để cung cấp những người kế vị.
Nhân đây xin nhắc lại là trước khi Tokugawa Ieyasu được chuyển phong về Edo, từ cuối thời Heian trải qua thời Kamakura, đất này là nơi cư ngụ của dòng họ hào tộc tên là Edo (Giang Hộ). Năm 1457 (Chôroku nguyên niên), người tên Ôta Dôkan (Thái Điền Đạo Quán), gia thần của dòng họ Ôgigayatsu Uesugi (một trong 2 nhánh của đại tộc Uesugi vùng Kantô) lần đầu tiên đã xây dựng thành Edo vốn được biết đến như một khu vực buôn bán sầm uất suốt thời trung cổ. Sau đó, dưới thời họ Hôjô cai trị thì thị trấn đó được biết với tên là Edo minato (minato có nghĩa là bến cảng) cũng có thời kỳ đóng vai trò quan trọng trên trục giao thông. Tuy nhiên phải nói ngay rằng chỉ từ khi Ieyasu đến lập thành quách cho mình ở đấy thì Edo mới bắt đầu phát triển thực sự. .
Trở lại chuyện tranh phong giành thiên hạ thì tuy Tokugawa đã thu được thắng lợi quyết định trong trận Sekigahara nhưng Toyotomi Hideyori (Phong Thần Tú Lại), con trai Hideyoshi, tuy còn ít tuổi nhưng trên danh nghĩa là kẻ thừa kế chính thức, vẫn không chịu phục tùng và cố thủ trong thành Ôsaka.
Chính vì vậy mà vào năm 1605 (Keichô 10) để chứng minh cho các lãnh chúa trên toàn quốc rằng họ Tokugawa mới là người đáng mặt cha truyền con nối chức Shôgun, Ieyasu đã nhượng vị cho con trai mình là Hidetada (Tú Trung) làm Shôgun đời thứ hai rồi ra ở Sunpu (Tuấn phủ) và điều khiển chính trị sau lưng. Sunpu là thủ phủ của vùng Suruga (Tuấn Hà) nay thuộc tỉnh Shizuoka. Việc dù đã nhương vị và hưu trí rồi mà vẫn nắm quyền chính trị thực sự bên trong được gọi là Ôgosho seji (Đại ngự sở chính trị).
Konchi.in Suuden, cố vấn chính trị của Ieyasu
Thế rồi trong hai năm 1614 (Keichô 19) và 1615 (Genna nguyên niên), sau hai chiến dịch tấn công thành Ôsaka vào mùa đông (Ôsaka fuyu no jin) và mủa hè (Ôsaka natsu no jin) kế tiếp, họ Toyotomi hoàn toàn bị diệt vong. Kể từ lúc đó, cả danh lẫn thực, dòng họ Tokugawa chính thức trở thành người chủ mới của nước Nhật. Cái cớ để gây ra hai trận đánh vừa kể đến từ một vài chữ Hán khắc trên quả chuông mà họ Toyotomi đã cúng cho chùa Hôkôji (Phương Quảng Tự) ở Kyôto.Một cận thần và cũng là cố vấn về tôn giáo, học vấn và chính trị của Ieyasu là nhà sư Suuden (Tông Truyền) ở Konchi.in (Kim Địa Viện) (còn gọi là Dĩ Tâm Tông Truyền đã gieo vào đầu Ieyasu ý tưởng đó. Ông bảo 8 chữ Hán “Quốc gia an khang, quân thần giai lạc” khắc trên chuông có dụng ý chẻ đôi tên Ieyasu (Gia Khang) làm hai để trù ẻo ông.Một quân sư khác, Hayashi Razan (Lâm La Sơn) lại ban thêm: Câu “Quân thần phong lạc tử tôn ân xương” trong bài minh muốn nói “Phong” (Phong Thần Tú Cát) với tư cách một vị quân chủ (quân) vui sướng (lạc) được thấy con cháu hưng thịnh (ân xương). Danh xưng Hữu bộc xạ Nguyên Triều Thần cũng ghi trên đó được họ giải thích là dùng để ám chỉ Tokugawa Ieyasu (vì ông tự xưng là dòng dõi đại tộc Minamoto (Nguyên). Tất cả những điều hai học giả “ngự dụng” này trình bày chỉ là lời biện luận với ác ý chung quanh câu chữ để hãm hại họ Toyotomi nhưng đã đánh trúng phóc tim đen Ieyasu.
Sau thời chiến loạn, Nhật Bản bước vào kỷ nguyên thái bình. Niên hiệu Genna được thêm hai chữ “yểm vũ” đằng sau để sinh ra một cách nói mới Genna enbu (Nguyên Hòa yểm vũ) vì yểm vũ nghĩa là phế bỏ, cất giấu võ khí, tái lập hòa bình. Hai chữ “yểm vũ” được biết lấy từ chữ trong Kinh Thư: yểm vũ tu văn.
4.2 Cơ cấu cai trị của Mạc phủ:
Năm 1615 (Genna nguyên niên), chiến dịch Ôsaka kết thúc, Mạc phủ Tokugawa ra lệnh mỗi lãnh chúa ở tiểu quốc chỉ có quyền xây một cái thành cho mình mà thôi. Đó là lkkoku ichijô.rei (Nhất quốc nhất thành lệnh).Sau đó, nhà chúa còn ban hành bộ luật dành cho giới samurai có tên là Buke shohatto (Vũ gia chư pháp độ). Cả hai đều có mục đích kiểm soát nghiêm ngặt các lãnh chúa địa phương. Ban đầu pháp lệnh dành cho giới samurai được đặt theo niên hiệu của Thiên hoàng nên có tên là Genna.rei (Nguyên Hòa lệnh) nhưng về sau, Ieyasu đã ủy thác cho tăng Suuden biên soạn và nó được ban bố trong thiên hạ dưới danh nghĩa của Shôgun đời thứ hai, Hidetada. Văn bản này khi biên tập đã dựa trên Kenmu shikimoku (Kiến Vũ thức mục) và các bunkokuhô (phân quốc pháp) tức luật lệ riêng của từng tiểu quốc. Từ đời Shôgun thứ 3 là Idemitsu (Gia Quang) trở về sau, mỗi lần Shôgun mới lên ngôi, nó vẫn thường được tu chính đôi chút và cho ban bố lại. Đó cũng vì các Shôgun khi vừa mới nhậm chức thường muốn bày tỏ quyền uy của mình đối với các lãnh chúa nên lúc nào cũng ban hành một Buke shohatto mới.
Lại nữa, sau khi Ieyasu mất rồi, vào năm 1617 (Genna 3), Shôgun đời thứ 2 là Hidetada đã nhất tề cấp phát những văn thư chứng nhận quyền sở hữu đất đai cho các lãnh chúa, công khanh và tự xã. Như thế, địa vị của các nhân vật sở hữu lãnh địa trên toàn quốc được xác định rõ ràng. Văn thư này được mệnh danh là Ryôchi ategai.jô (Lãnh địa oản hành[6] trạng). Qua hành động cấp phát chứng minh thư nói trên, Shôgun đã thiết lập được một quan hệ chủ tớ, thầy trò với các lãnh chúa có đất phong ở địa phương.
Shôgun đời thứ 3 Iemitsu đã củng cố được chế độ
Mặt khác, vào đầu thời Edo, người ta cũng chứng kiến việc mạc phủ trừng phạt một số lãnh chúa. Ví dụ vào năm 1619 (Genna 5), nhà chúa đã cho đổi đất phong (kaieki =cải dịch, nói chung là hạ tầng công tác) của một công thần khai quốc là Fukushima Masanori (Phúc Đảo, Chính Tắc, 1561-1624), một người có công lớn trong trận thư hùng ở Sekigahara. Lý do là Fukushima đã làm trái Buke shohatto khi sửa sang thành quách của mình mà không xin phép trước. Shôgun đã cho mọi người thấy rằng, nếu không tuân theo pháp độ (hatto) thì cho dù có công lớn đến mức nào chăng nữa, cũng sẽ chẳng được dung tha.
Hidetada cũng đi theo con đường của cha mình. Ông nhượng vị cho con trai là Iemitsu và rút lui về Ôgosho (Đại ngự sở) để củng cố cơ sở cho mạc phủ từ vị thế bên trong. Shôgun đời thứ 3 là Idemitsu khi nhậm chức cũng ban bố Buke shohatto mới vào năm 1635 (Kan.ei 12). Trong đó, ông có một điều khoản mới là chế độ hoá tập tục Sankin kôtai (Tham cần giao đại) nôm na là “thay phiên lên chầu”. Mỗi lãnh chúa địa phương phải rời đất phong (kunimoto) để lên hầu việc ở Edo một năm và về lại đất phong sống một năm. Không những họ phải thay phiên đi đi về về như vậy và họ còn bị cưỡng chế để vợ con sinh sống ở Edo. Mục đích chế độ này là cụ thể hóa quan hệ chủ tớ giữa Shôgun và các lãnh chúa địa phương, bắt vợ con họ làm một thứ con tin, đồng thời buộc họ phải bỏ tiền ra để chi tiêu cho cuộc sống một chỗ đôi nơi tốn kém, tiêu hao. Như vậy chế độ này còn mục đích khác là ém sức mạnh kinh tế của các lãnh chúa nữa.
Người gọi là lãnh chúa (daimyô) như thế thường phải có đất phong kể từ 1 vạn thạch thóc trở lên. Trong mối quan hệ chủ tớ của họ đối với Shôgun, có người thân thì cũng có người sơ (shinso = thân sơ). Thân bắt đầu từ các shinpan (thân phiên) thân thích, fudai (phổ đại) vòng trong, tozama (ngoại dạng) vòng ngoài. Trong số các shinpan thì có sanke (tam gia) tức ba thế tử[7] - con yêu của Ieyasu - mở đầu cho ba chi Owari, Kii và Mito đóng ở 3 địa phương phên giậu gần Edo che chở cho Shôgun, ngoài họ ra là các con cháu khác thuộc dòng họ Tokugawa. Fudai gồm những gia thần tùy tủng Ieyasu từ thuở hàn vi, còn tozama là gia thần của họ Toyotomi nhưng đã ý thức thời cuộc mà hùa theo họ Tokugawa kể từ trận Sekigahara. Cách bố trí các lãnh chúa nói trên được thực hiện như sau: shinpan, fudai sẽ trấn giữ những nơi hiểm yếu, tozama nếu có thực lực thì phải e dè mà phong cho những vùng càng xa Edo càng tốt.
Phương pháp quản lý của chính quyền Tokugawa[8]
Thời Sengoku có 3 người trấn áp nổi quần hùng (3 tenkabito = 3 thiên hạ nhân) là Nobunaga, Hideyoshi và Ieyasu, thế nhưng hai ông trước chỉ tồn tại được một đời. Sau khi họ chết chính quyền về tay người khác. Chỉ có Ieyasu xây dựng được cơ nghiệp non 3 thế kỷ 16 đời Shôgun khi ông và con cháu thiết lập được một hệ thống quản lý chặt chẽ các thuộc hạ nói riêng và xã hội Nhật Bản nói chung.
Mới ở ngôi vỏn vẹn có 3 năm, Ieyasu đã truyền chức Shôgun cho con trai là Hidetada vào năm 1605. Làm như thế, ông muốn tuyên cáo cho mọi người là chính quyền từ nay sẽ được thế tập trong vòng gia đình Tokugawa cho dù lúc đó thế tử Hideyori, con trai cố chủ Hideyoshi, vẫn sống sờ sờ trong thành Ôsaka. Đến khi tiêu diệt vợ góa con côi nhà Hideyoshi (1605), ông và con cháu đã lần lượt thực thi các lệnh như “Nhất quốc nhất thành”, “Vũ gia chư pháp độ” rồi chế độ hoá tập tục “Tham cần giao đại”, cấm các việc sửa sang thành quách hay đóng tàu thuyền lớn không có phép. Các ông còn đặt thêm qui luật ức chế Thiên hoàng và công khanh (Cấm trung tịnh công khanh chư pháp độ) cũng như tôn giáo (Tự viện pháp độ) và gia thần (Chư sĩ pháp độ). Đến đời Shôgun thứ 3 Idemitsu thì chế độ đã tinh vi xảo diệu. Không những các lãnh chúa được xếp theo chế độ thân sơ thành shinpan (thân phiên), fudai (phổ đại), tozama (ngoại dạng) ... mà các cấp còn được phân chia thành kunimochi (quốc trì), shiromochi (thành trì), mujô (vô thành) tùy theo có lãnh địa, có thành trì hay không. Tuy nhiên, đặc sắc nhất của chế độ phong kiến thời Tokugawa có lẽ là những biện pháp trừng trị như kaieki (tịch biên lãnh địa), tenpô (chuyển đất phong) và genpô (cắt bớt đất phong) tùy theo tội nặng nhẹ. Xin xem đồ biểu sau để có một hình ảnh cụ thể về chế độ đó:
|
|
Số lãnh chúa bị tịch biên lãnh địa (kaieki) và số thạch gạo bị mất. |
Số lãnh chúa bị giảm phong (genpô) và số thạch gạo bị cắt. |
Thời điểm |
Thời từ Ieyasu đến Iemitsu (1 đến 3) |
198 nhà (ước chừng 1.612 vạn thạch) |
20 nhà (ước chừng 252 vạn thạch) |
|
Đời Ietsuna (4) |
22 nhà (ước chừng 67 vạn thạch) |
4 nhà (ước chừng 18 vạn thạch) |
|
Đời Tsunayoshi (5) |
33 nhà (ước chừng 135 vạn thạch) |
13 nhà (ước chừng 30 vạn thạch) |
Nguyên nhân |
Luận tội sau trận Sekigahara và 2 trận Osaka |
93 nhà (ước chừng 507 vạn thạch) |
4 nhà (ước chừng 221 vạn thạch) |
|
Vi phạm lệnh nhận con nuôi lúc cuối đời |
46 nhà (ước lượng 457 vạn thạch) |
12 nhà (ước lượng 16 vạn thạch) |
|
Vi phạm các pháp độ của vũ gia |
59 nhà (ước chừng 648 vạn thạch) |
4 nhà (ước chừng 15 vạn thạch) |
4.3 Hệ thống Mạc phủ và chư phiên:
Mạc phủ Tokugawa kéo dài được gần 270 năm. Để được bền vững như vậy, nó phải có một tổ chức hữu hiệu và điều đó không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Thời Ieyasu mới nắm chức Shôgun thì tổ chức ấy hãy còn đơn sơ, giản dị như việc nhà làng nhưng đến đời Shôgun thứ 3 là Iemitsu thì từ từ có kỷ cương. Sử sách về sau vẫn nhắc lại tổ chức chính quyền thời Kan.ei (niên hiệu Khoan Vĩnh, 1624-1645) mà thời Kan.ei đó chính là thời Edo tiền kỳ, tương ứng với lúc Idemitsu đang cầm quyền (1623-1651).
Trước hết thử bàn về hệ thống tài chính. Thời điểm cuối thế kỷ 17, Mạc phủ có huê lợi khoảng 400 vạn thạch thóc thu từ tuế cống (nengu) của các lãnh địa mà nhà chúa trực tiếp quản hạt cũng như huê lợi đến từ các mỏ quặng (kôsan) như mỏ Sado Aikawa, Izu, Tajima Ikuno, Iwami Ômori vv...Thêm vào đó, nhờ quản lý trực tiếp các đô thị thương mại như Edo, Kyôto, Ôsaka, Nagasaki, Sakai, nhà chúa lại có thêm một nguồn tài chánh khác là thuế đánh trên hoạt động mậu dịch.
Nói về mặt quân sự thì nhà chúa có một lực lượng quân sự đứng bên trên các lãnh chúa. Shôgun trực tiếp điều khiển những nhóm gia thần gọi là hatamoto (kỳ bản) và go kenin (ngự gia nhân). Bởi vì họ trực thuộc shôgun nên đều có danh hiệu là jikikin (trực cần) hay nhóm tay chân trực tiếp. Thế nhưng họ cũng được đối xử theo 2 cách khác nhau. Nhóm hatamoto hay “dưới cờ” thì được diện kiến Shôgun nhưng go kenin “ người làm trong nhà” thì không được đặc quyền đó. Hai nhóm thân cận này đảm đương về võ bị hơặc hành chánh. Về võ bị, đó là những người thuộc bankata (ban phương). Bankata lại chia làm ôban (đại ban) cao cấp, hộ vệ cho Shôgun, hay shôinban (thư viện ban) chỉ lo việc an ninh trật tự các dinh thự. Về hành chánh, họ làm những chức vụ khác nhau như văn thư, tài chánh và tố tụng trong yakukata (dịch ban). Vào những lúc có tình huống đặc biệt, ngoài các ban, những lãnh chúa cũng có thể bị đòi hỏi phải gánh vác quân dịch (gun.yaku) như việc điều binh đi trấn áp cuộc nổi dậy ở Shimabara ở Kyuushuu vào năm 1792 chẳng hạn.
Tổ chức Mạc phủ Edo dưới trướng Shôgun
(chữ in nghiêng là người phải thuộc nhóm gia thần thân tín hatamoto)
Chức lãnh đạo |
Chức thừa hành |
Nội dung các chức vụ |
Tairô (Đại lão) |
|
Chức quan tối cao của mạc phủ. Một viên mà thôi. Đặt ra lúc cần thiết như khi phải đối phó với một tình huống đặc biệt. Suốt thời Edo 260 năm chỉ có 13 người, trong đó nổi tiếng là Sakai Tadakiyo, Ii naosuke. |
Rôjuu (Lão trung) Coi chung mọi việc. Có 4 hoặc 5 người. Thay nhau hàng tháng. |
1 Ôbangashira (Đại ban đầu) |
Lo việc cảnh bị khu vực thành Edo và các phu phố. Chia làm 12 nhóm (tổ). Là một bankata (nha sở coi việc võ bị). |
|
2 Ômetsuke (Đại mục phụ) |
Giám sát (dòm chừng) các lãnh chúa. Từ 4 đến 5 người. Người đầu tiên được bổ vào chức này là Yagyuu Munenori. |
|
3 Machibugyô (Đinh phụng hành) * |
Trông coi công việc hành chính, tư pháp cảnh sát của thành phố Edo (gọi là Machi). Chia làm 2 sở khu nam và bắc và theo chế độ thay phiên trực hàng tháng. |
|
4 Kanjô bugyô (Khám định phụng công) * |
Lo trưng thu thuế má các lãnh địa trực thuộc mạc phủ và vận hành tài chánh cho mạc phủ , đồng thời là việc tố tụng liên quan đến lãnh địa của mạc phủ. Từ 4 đến 5 người. Dưới tay có các chức gundai, daikan. Trong năm Kyôhô, chia ra làm 2 tổ chức: Kujikata (cai trị) và Kattegata (tài chánh). |
|
5 Jôdai (Thành đại) |
Coi việc xây cất các thành Sunpu (nơi Shôgun ở lúc ra ngoài Edo). Lúc đầu là các thành Nijô và Fushimi. Lo cảnh bị cho thành, và cả việc tố tụng của địa phương chung quanh. |
|
6 Ongoku bugyô (Viễn quốc phụng hành) |
Tên chung để gọi các bugyô được mạc phủ đặt ở những nơi quan trọng trong hệ thống lãnh địa hay thành phố trực quản của nhà chúa. Họ lo từ hành chánh, tư pháp đến cảnh sát. Các machi bugyô trông coi Kyôto, Ôsaka, Sunpu. Ngoài ra còn có các bugyô thông thường, có nhiệm vụ trông coi Nagasaki, Sado, Yamada, Nikkô, Nara, Sakai, Shimoda |
Sôbayônin (Trắc dụng nhân) |
|
Hầu cận bên cạnh Shôgun để truyền lệnh của ông xuống các Rôjuu (Lão trung). Chỉ có một viên. Yanagisawa Yoshiyasu, Manabe Akifusa, Tanuma Akitsugu là những người nổi tiếng trong chức vụ đó. |
Wakadoshiyori (Nhược nam ký) phụ tá các Rôjuu (từ 3 đến 5 người), luân phiên hàng tháng. |
1 Shôin bangashira (Thư viện ban đầu)
|
1 và 2 Một bộ phận của bankata, lo việc bảo vệ thành Edo, tuần phòng trong thành phố hay tháp tùng Shôgun mỗi khi đi đâu (Ban đầu có nghĩa là đứng đầu một ban)
3 Trông coi động tĩnh của các lãnh chúa, hashimoto. Khoảng 10 viên. Thay phiên trực hàng tháng. |
Jisha bugyô (Tự xã phụng hành) * |
|
Quản lý các đền chùa và lãnh địa của họ trên toàn quốc. Trông coi tất cả hệ thống tôn giáo. Có 4 viên. Thay phiên trực hàng tháng. |
Kyôto Shoshidai (Kinh đô sở ty đại) |
|
Thay mặt nhà chúa bảo vệ nhưng cũng để giám sát triều đình ở Kyôto. Lo việc tố tụng cho 8 lãnh địa thuộc về Thiên hoàng ở chung quanh Kyôto. Giám sát các lãnh chúa miền Tây. Một viên. |
Ôsaka jôdai (Đại Bản (Phản) thành đại) |
|
Lo việc bảo vệ thành Ôsaka và thống suất nhân sự trong thành và các khu phố dân cư. Cũng dự phần giám sát các lãnh chúa miền Tây. Một viên. |
Trên thực tế, hệ thống quan lại còn phức tạp hơn bảng tóm lược bên trên nhiều, không thể trình bày tất cả. Chỉ xin nói lên đôi nét chính.
Chức Rôjuu (Lão trung) ở vị thế thống suất toàn bộ chính quyền mạc phủ, dưới tay ông có các Wakadoshiyori (Nhược nam ký) phụ tá. “Lão” là người già và “nhược nam” là người trẻ có thể giúp việc được. Thế nhưng già trẻ chỉ có ý nói đến vai vế, kinh nghiệm và quyền hành hơn là tuổi tác. (Huống chi chữ Lang cũng có thể đọc là rô nhuu Lão). Chức Tairô (Đại lão) chẳng mấy khi được bố trí, trừ phi thật cần thiết. Cả thời Edo chỉ có 13 vị mà nổi tiếng hơn cả là ông Ii Naosuke (Tỉnh Y Trực Bật, 1815-60), chức Tairô cuối thời mạc phủ. Lúc ấy, người Tây phương đến đòi mở cửa và chính quyền Nhật Bản đang trong cơn bối rối, phải mời ông ra chấp chánh. Do đó, chức vụ hành chánh cao cấp nhất như thủ tướng chính thường do ông Rôjuu (Lão trung) nắm. Thế nhưng, chức Rôjuu không chỉ có một viên mà là nhiều người. Họ thường được tuyển chọn từ hàng các lãnh chúa fudai (phổ đại) vốn được xem như bà con gần với nhà chúa.
Ngoài ra, đáng để ý là chức Ômetsuke (Đại mục phụ), đặt ra để giám sát hành vi của các lãnh chúa. Là gia thần thân tín như loại hatamoto chăng nữa cũng bị chức Metsuke (Mục phụ) kiểm soát. Mạc phủ lại đặt các chức Bugyô (phụng hành) như Jisha bugyô, Machi bugyô, Kanjô bugyô tục gọi là Sanbugyô (Tam phụng hành) để quản lý các lãnh vực then chốt như hành chánh, tư pháp và tài chánh, trông coi chùa chiền, thành phố và lãnh địa. Machi bugyô giữ việc cai trị Edo, Kangyô bugyô chủ yếu quản hạt các lãnh địa trực thuộc mạc phủ. Có hai đặc trưng là chỉ có các gia thần thân tín hatamoto mới được bổ dụng vào các chức ấy và họ làm việc theo chế độ tsukiban kôtai (nguyệt ban giao đại) tức luân phiên trực hàng tháng. Nếu có tranh chấp dễ phân xử, các bugyô có thể tự quyết định, thế nhưng gặp việc khó khăn hơn thì phải họp Hyôjôsho (Bình định sở) gồm có Rôjuu và 3 ông Sanbugyô để trao đổi trước khi đi đến phán quyết. Trong ba chức bugyô làm thành Sanbugyô thì người được coi là cao nhất lại là kẻ lo về tôn giáo: Jisha bugyô. Trong khi hai ông bugyô kia (Machi và Kanjô bugyô) ở dưới quyền Rôjuu thì ông Jisha lại được đặt trực tiếp dưới quyền Shôgun.
Về tổ chức địa phương, ta biết chức Kyôto shoshidai (Kinh đô sở ty đại) rất quan trọng vì đại diện nhà chúa đến đó để khống chế triều đình, kiểm soát kinh đô và các vùng phụ cận cũng như trông chừng các lãnh chúa miền Tây (Saigoku).Ngoài ra, những thành phố lớn như Kyôto, Ôsaka, Sunpu (ở Shizuoka) đều có các Jôdai (thành đại) và Machi bugyô, còn vùng nhỏ hay xa xôi hơn như Fushimi (cảng nam Kyôto), Nagasaki, Sado, Nikkô...thì có các vị bugyô khác (tức ongoku bugyô = viễn quốc phụng hành). Đất do mạc phủ trực tiếp quản hạt như Kantô, Hida (phiá bắc Gifu), Mino (nam Gifu) đều được đặt gundai (quận đại), còn như các vùng trực quản khác thì mạc phủ lại gửi daikan (đại quan) - một chức quan dưới quyền Kanjô bugyô - đến tận nơi để trông coi việc cai trị.
Mặt khác, các tiểu quốc của lãnh chúa địa phương và hệ thống quản lý nó được gọi là han (phiên). Lúc đầu thời Mạc phủ Tokugawa, khi quyền lực của “han” chưa được mạnh thì lãnh chúa (daimyô) phải cấp đất đai cho lực lượng võ sĩ có thế lực để họ trông coi mọi việc giúp mình. Có thể hiểu như hành động này là sự nhìn nhận quyền tự trị của người địa phương. Chế độ trực tiếp quản lý dân trong lãnh địa được gọi là jikata chigyôsei (địa phương tri hành chế). “Tri hành” hay chigyô, trong tiếng Nhật có nghĩa là chấp hành chức vụ, nói khác đi, cai trị (nhưng trong một văn mạch khác, cũng có nghĩa là ân thưởng).
Thế nhưng sau khi được phong, các lãnh chúa đã củng cố được quyền lực trên toàn lãnh thổ thuộc về mình. Khi quyền lực của lãnh chúa bủa rộng ra khắp nơi rồi, họ mới “bứng” các võ sĩ có thế lực trong “han” khỏi đất đai, tụ tập họ sống trong các xóm dưới chân thành (jôkamachi), đặt họ vào các chức karô (gia lão) và bugyô để phân chia trách nhiệm chỉ đạo việc hành chính cho “han”.
Cứ như thế cho đến giữa thế kỷ 17, ở hầu hết các “han”, hành chính kiểu người địa phương tự quản lý (jikata chigyôsei) dần dần biến mất. Thay vào đó là chế độ bổng lộc (hôroku seido) nghĩa là lấy gạo (kuramai = tàng mễ), tuế cống nhận được từ các kura.iri.chi (tàng nhập địa) hay khu vực mà các chức quan như kôri bugyô (quận phụng hành) và daikan (đại quan) cai trị, làm lương tiền nuôi người cai trị mới. Nói một cách giản dị hơn, đó là chế độ dùng thóc gạo để trả lương nhân viên và công chức hóa các võ sĩ có thế lực. Như thế, các lãnh chúa đã củng cố được quyền cai trị của mình trên lãnh quốc, thiết lập xong chế độ quan chức cho “han” và xác định thế lực của “han” .
Trên đây là thể chế hành chánh có hình thức phong kiến tên là thể chế mạc phiên (bakuhan taisei) mà nhà nước thời Tokugawa đặt ra để cai trị dân chúng.
[1] Nguồn: Kitashima Masamoto trong Tokugawa Ieyasu (Chuô shinsho) và Futagi Ken.ichi trong Sekigahara gassen (Chuô shinsho) trang 173-174)
[2] Nguồn: Kitahara Masamoto trong Tokugawa Ieyasu và Tsuji Tatsuya trong Edo kaifu (cả hai đều do Chuô Kôron xuất bản)
[3] Ieyasu đã từng cắn răng chấp nhận lệnh của Nobunaga bắt một người vợ của mình ( gốc gác thân tộc nhà Imagawa, kẻ thù của Nobunaga) và con trai riêng của bà phải chết. Tất cả chỉ vì ông nghĩ thời cơ chưa đến.
[4] Dù không hề thua kém Hideyoshi về mặt quân sự, ông chịu giảng hòa, nhún nhường đến độ đi từ lãnh địa đến Ôsaka chầu Hideyoshi và thường là đối tượng của những cuộc mưu sát tổ chức bởi những bề tôi thân tín của ông này.
[5] Kobayakawa Hideaki (Tiểu Tảo Xuyên, Tú Thu, 1582-1602), cháu gọi vợ cả của Hideyoshi tức bà Kita Mandokoro là cô ruột, và từng là con nuôi của ông. Tổng chỉ huy cuộc chinh phạt Triều Tiên năm Keichô.
[6] Oản hành = ategai có nghĩa là cấp phát, trao tay.
[7] Yoshinao (Nghĩa Trực), con trai thứ 9 của Ieyasu là tổ của chi Owari (vùng Nayoga bây giờ), 61 vạn 9500 thạch thóc. Yorinobu (Lại Tuyên), con trai thứ 10, tổ chi Kii (Wakayama), 55 vạn 5000 thạch. Yorifusa (Lại Phòng), con trai thứ 11, tổ chi Mito (Hitachi), 35 vạn thạch.
[8] Nguồn: Nihonshi Zuroku (trang 146) và Yamamoto Hirobumi trong Sankinkôtai (Kôdansha Gendaishô), Okano Yoshihiko trong Nihon shakai no rekishi (Iwanami Shinsho), Fukaya Katsumi trong Edo Jidai (Iwanami Junior Shinsho), Takao Kazuhiko trong Kindai no Nihon (Kôdansha Gendai shinsho).
271
2424
21610
215629
121356
114508756