Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần hai: Mạc phủ Muromachi và Edo)[11]

 5-Chế độ cai trị của Mạc phủ và sinh hoạt dân chúng.

5.1 Thiên hoàng và công khanh:

Với thế mạnh hầu như tuyệt đối của mình, mạc phủ muốn thống trị mọi tầng lớp trong xã hội. Cho dầu thiên hoàng hay công khanh cũng không thể đi ra ngoài khuôn phép họ muốn đặt ra. Thời Edo là lúc mà chế độ giai cấp (thân phận chế đô = mibun seido) được ấn định một cách nghiêm ngặt. Chính ra ngôi thiên hoàng phải đưọc đặt cao hơn tất cả mọi thành phần khác nhưng một khi giới samurai mới là tầng lớp nắm sức mạnh chính trị lẫn quân sự thì trên thực chất, họ mới là giai cấp có đặc quyền. Sau đây, chúng ta hãy thử xem Mạc phủ đã khuynh loát thiên hoàng lẫn công khanh như thế nào.

Năm 1611 (Keichô 16), kể từ khi Ieyasu lập Thiên hoàng Go Mizuo (Hậu Thủy Vỹ, 1596-1680) lên làm vua thì chính quyền vũ gia tha hồ thao túng, khi thì bắt thiên hoàng nhượng vị, khi thì cho tức vị mặc tình. Tư thế trên trước của họ đã được trình bày trong văn bản Kinchuu narabi Kuge shohatto ( Cấm trung tịnh công khanh chư pháp độ = Phép tắc áp dụng cho hoàng gia lẫn công khanh) soạn ra vào năm 1615 (Genna nguyên niên). Nói cách khác, đạo luật này đã cụ thể hóa và minh bạch hóa tương quan của phủ chúa đối với nhà vua.

Điều thứ nhất minh định: “Đối với Thiên hoàng, điều thiết yếu của ngài là trau dồi học vấn.” Nó chứng tỏ rằng mạc phủ muốn cả thiên hoàng lẫn hoàng tộc phải rời xa sân khấu chính trị. Người thảo ra bộ luật đối với hoàng gia và công khanh cũng là người đã soạn thảo bộ luật áp dụng cho vũ gia (Genna.rei, Lệnh năm Nguyên Hòa) tức là Konchi.in Suuden (nhà sư Kim Địa Viện Tông Truyền). Nội dung đạo luật cho thấy tuy ngoài mặt, mạc phủ tỏ ra cung kính đối với thiên hoàng và triều đình nhưng bên trong họ khá nghiêm khắc. Lãnh địa của thiên hoàng (có tên là Kinri goryô = Cấm lý ngự liệu) chỉ có được 3 vạn thạch thóc, cho dù đem nó so sánh với một lãnh chúa nho nhỏ thì cũng chả thấm vào đâu.

Liên lạc giữa mạc phủ và triều đình được thực hiện qua hai người gọi là Buke densô (Vũ gia truyền tấu) tuyển ra từ hàng công khanh. Họ có nhiệm vụ làm gạch nối giữa hai bên thông qua cánh cửa ngỏ của mạc phủ là Kyôto shoshidai (Kinh đô sở ty đại),.Viên chức này là người có nhiệm vụ thông báo những quyết định của mạc phủ cho triều đình.

Về những thí dụ chứng tỏ việc mạc phủ đoạt quyền triều đình thì ta có dẫn ra chuyện xảy ra vào năm 1620 (Genna 6), lúc công nương Kazuko (có nơi đọc là Masako, Hòa tử, sau có hiệu là Tôfukumon.in, Đông Phúc Môn Viện, 1607-78), con gái út của Shôgun đời thứ 2 Hidetaka nhập cung làm hoàng hậu cho Thiên hoàng Go Mizuo. Khi ấy, mạc phủ đã bắt triều đình phải có sự đồng ý của họ mỗi khi muốn cải nguyên, cải lịch ( thay đổi niên hiệu). Những nghi thức này là một số quyền tượng trưng còn sót lại của thiên hoàng. Ngoài ra, lại còn có sự cố “áo tía” (Shie, Murasaki no sôi) liên quan đến điều 16 của bộ luật Hatto. Số là tử y hay tấm cà sa màu tím là vật mà các thiên hoàng có quyền ân tứ cho các cao tăng để nhìn nhận phẩm chất đạo đức của người ấy. Truyền thống này đã có từ năm 1249 (Kenchô 1). Viện cớ gần đây thiên hoàng đã ban tử y một cách bừa bãi gây hỗn loạn trong nội bộ các chùa, kể từ năm 1627 (Kan.ei 4), mạc phủ cho biết không nhìn nhận việc triều đình cấp tử y nếu không thưa gửi họ trước. Đó là ý nghĩa của “sự cố áo tía” (shie no jiken). Tăng Takuan (Trạch Am) chùa Daitokuji (Đại Đức Tự) vì tham gia vào việc chống đối lệnh này mà bị mạc phủ xử phạt. Kết luận là trong mối tương quan giữa hai bên, hatto (pháp độ) của mạc phủ chiếm thượng phong và có thể phủ nhận cả sắc chỉ (sắc hứa = chokkyo) của thiên hoàng.

 Bàn thêm về quan hệ giữa Thiên hoàng và Mạc phủ[1]

Thiên hoàng chế là một chế độ độc đáo của Nhật Bản. Bằng trăm ngàn cách, nó được kế tục kiểu “vạn thế nhất hệ” từ ngày xưa cho đến thời hiện đại, tính đến nay đã gần 2.000 năm. Nhiều vị Thiên hoàng muốn nắm thực quyền, mưu đồ trung hưng vương thất hay điều khiển gián tiếp (kiểu viện chính) nhưng đều thất bại, cùng lắm chỉ thành công một nữa hoặc ngắn hạn. Nói chung, có thể nói một cách thỏa đáng là từ xưa, thiên hoàng tượng trưng cho quốc gia chứ không nắm trách nhiệm cai trị.

Từ thời mạc phủ Kamakura, hoàng thất đã mất quyền chỉ định người kế vị ngôi thiên hoàng và quyền ngoại giao. Đến thời Muromachi, hoàng thất mất luôn quyền bổ nhiệm và bãi miễn quan lại, ngay cả quyền tế tự. Chỉ sau khi mạc phủ suy thoái, chức danh của triều đình mới được các lãnh chúa Sengoku trọng vọng.

Nói chung, tuy không để cho triều đình một chút quyền gì nhưng mạc phủ và các lãnh chúa đều dựa hơi triều đình để có danh nghĩa khi đứng trước quốc dân. Nobunaga, Hideyoshi đều như thế cả. Nobunaga thường xưng mình là “quan suke vùng Kazusa”, một chức danh không đáng kể do Thiên hoàng ban cho, dù bản thân ông lúc đó đang nắm vận mệnh cả nước Nhật. Hideyoshi thường mời Thiên hoàng đến ăn yến ở Shurakudai (Tụ Lạc Đệ), bắt bách quan thề sẽ trung thành với Thiên hoàng, và nhân đó, với cả chính mình.

Đến thời Mạc phủ Tokugawa, hai cha con Ieyasu và Hidetada tỏ ra nghiêm khắc với triều đình hơn. Lý do có thể là vì họ đã lập được chính quyền ổn định nên tự tin hơn Nobunaga và Hideyoshi. Bộ luật 17 điều họ ban ra để kiềm chế triều đình và công khanh (1615) là một hành động cụ thể. Họ khuyên “Thiên hoàng chỉ nên chăm lo học hành và làm thơ waka”. Ngay cả việc cấp phát chức tước và danh dự như ban shie (tử y = áo tiá) cho các cao tăng cũng phải hỏi ý mạc phủ trước chứ không được tự chuyên. Quyền tôn giáo của hoàng thất như thế hoàn toàn bị tước đoạt. Tuy nhiên, mạc phủ cũng chịu bỏ tiền vào những chi phí trong cung và tổ chức các nghi thức như việc xây dựng lại cung điện ở Kyôto vào năm 1854 trong lúc công quỹ nhà nước bị thâm thủng. Họ xem vương quyền như một sự thực thể mà sự tồn tại cần thiết cho chế độ của mình. Việc đánh đổ mạc phủ để khôi phục vương quyền thời Duy Tân cũng vậy. Khôi phục vương quyền chỉ là một chiêu bài mà các lực lượng cấp tiến đương thời đề ra nhằm thay đổi chính trị chứ Thiên hoàng Meiji là một tượng trưng không hơn không kém.

Việc xem Thiên hoàng hay chính phủ quân phiệt mới là người phải chịu trách nhiệm trong thế chiến thứ hai nằm trong cùng một lô-gích khi câu hỏi ai là người nắm thực quyền ở Nhật Bản được đặt ra.

5.2 Qui chế đền chùa:

Chính sách kiểm soát các chùa chiền và đền thần là hệ quả không tránh được của chính sách cấm đạo Ki-tô.Năm 1637 (Kan.ei 14), hai lãnh chúa họ Matsukura (Tùng Thương) ở Shimabara thuộc Nagasaki và họ Terasawa (Tự Trạch) ở Amakusa thuộc Kumamoto cực nam đảo Kyuushuu đã nổi loạn (gọi là Shimabara no ran) để chống chính sách đàn áp tôn giáo của phủ chúa. Nhân vì cuộc biến loạn này xảy ra trên đất xưa kia hai lãnh chúa đi đạo là Arima Harunobu (Hữu Mã Tình Tín) và Konishi Yukinaga (Tiểu Tây Hành Trường) cai quản, cho nên trong đám người nổi dậy làm ikki, những samurai của hai ông nay sống đời rônin (lãng nhân = võ sĩ vô chủ)[2] và giáo dân không phải là ít. Phải dẹp hơn 3 vạn người do Amakusa Shirô Tokisada (Thiên Thảo Tứ Lang Thì Trinh) lãnh đạo đang cố thủ trong ngôi thành hoang Hara no jô, mạc phủ không biết xử trí thế nào cho ổn. Rốt cuộc, họ đã lệnh cho các lãnh chúa vùng Kyuushuu điều động đến 12 vạn quân và lúc đó mới trấn áp nổi. Sau cuộc loạn Shimabara thì mạc phủ không còn ngần ngại khi phải dùng mọi phương tiện để đàn áp đạo Ki-tô.

Đặc biệt vùng Kyuushuu có nhiều giáo dân nên là nơi chịu nhiều cảnh khổ hơn cả.Trong đó có đòi hỏi họ phải “dẫm lên ảnh Chúa”, tiếng Nhật gọi là efumi (hội đạp). Mạc phủ còn bắt thường dân đăng ký như đàn việt ở các chùa để chứng tỏ mình không đi đạo. Đó là chế độ terauke (tự thỉnh) tức là việc mỗi người dân phải gắn bó với một ngôi chùa nào đó. Mạc phủ cũng thực thi chính sách shumon.aratame (tông môn cải) tức cưỡng chế giáo dân phải chuyển từ đạo Ki-tô sang đạo Phật. Như thế ta đủ thấy việc giám sát của mạc phủ đối với đạo Ki-tô rất chặt chẽ và không khoan nhượng.

Không những cấm đạo Ki-tô, mạc phủ còn cấm cả phái Fujufuse (Bất thụ bất thí , Không nhận không cho) của tông Nichiren (Nhật Liên). Sở dĩ có chuyện đó vì mạc phủ xem sự tồn tại của giáo phái Phật giáo này cũng có thể gây nguy hiểm cho họ như đạo Ki-tô vậy. “Bất thụ bất thí” nếu dịch theo nghĩa bóng thì nó muốn nói là “đối với kẻ  không tin vào kinh Pháp Hoa thì ta đừng có nhận ơn và cũng không cần phải thi ơn cho họ”. Trong khi các phái chấp nhận nhận ơn huệ (thụ phái) chủ trương rằng người đi tu có thể nhận ơn của nhà nước như một ngoại lệ vì Phật pháp tức là vương pháp, tin Phật thì phải vâng phục chính quyền. Nhưng nay người “bất thụ bất thí” lại xem quốc thổ không phải là vương thổ mà là đất của Phật thì đã đặt Phật pháp lên trên vương pháp. Nhìn theo quan điểm của mạc phủ thì tín đồ phái ấy đã quay lưng lại với chính quyền và việc bất phục tùng nhà nước đó không thể nào chấp nhận được.

Tuy vậy, mạc phủ không cấm hết tất cả các đạo.Thần đạo, tu nghiệm đạo (tăng sĩ vân du, trừ tà bắt quỉ) và âm dương đạo (bùa chú bói toán) được xem như hình thức tôn giáo phụ thuộc Phật giáo nên mạc phủ dung nhận. Có lẽ vì đối với các hình thức tôn giáo này, mạc phủ không cảm thấy nguy hiểm.

Thế rồi, mạc phủ đã lập ra chế độ honmatsu (bản mạt) tức chế độ chùa gốc chùa ngọn (bản tự mạt tự) nhìn nhận các bản sơn, bản tự (chùa gốc), cho phép chúng tổ chức thành hệ thống với các chi nhánh gọi là mạt tự (chùa ngọn). Năm 1655 (Kanbun 5), nhà chúa lại công bố Shoshuu Jiin Hatto (Chư tông tự viện pháp độ), một văn bản vượt lên các tông phái, nhằm kiểm soát chung toàn thể tăng lữ và đền chùa. Đối với các đền thần và thần chức cũng vậy, mạc phủ đặt họ dưới đạo luật Shosha Negi Kannushi Hattô (Chư xã nể nghi quan chủ pháp độ) Negi (Ne = nể, có nghĩa là miếu thờ) và kannushi chẳng qua là tên những chức vụ trong đền Thần đạo. Như thế ta thấy mạc phủ đã tìm cách quản lý mọi tôn giáo vì biết rõ vai trò xã hội quan trọng của chúng.  

5.3 Sự cai trị của Mạc phủ và cuộc sống dân chúng:

Chúng ta hãy thử bàn về quan hệ giữa mạc phủ và người dân thành thị cũng như nông thôn thời ấy. Đó là một mối quan hệ rất quan trọng mà người đọc sử không thể bỏ qua.

Thành thị cũng như thôn quê thời Edo đều là những tụ điểm sinh hoạt đáng lưu ý. Ở nông thôn thì nhà nông (hakushô) họp thành nhóm, sống chủ yếu trong thôn làng gồm có nhà và ruộng đất canh tác (ieyashiki) bao quanh. Ngoài vườn tược và đất cày cấy, môi trường sinh hoạt của họ trải rộng ra các cánh đồng không, núi non và bến bãi. Họ biết tổ chức tự trị để giúp nhau sinh sống. Trên phương diện sản xuất nông nghiệp, họ là đơn vị cơ sở trọng yếu đối với chính quyền của phiên (han) và mạc phủ.

Thời trước, vì chính quyền Hideyoshi thực hiện chính sách “kiểm địa” và “binh nông phân ly” cho nên hệ thống sôson (tổng thôn) và gôson (hương thôn) vốn có từ đời trung cổ đả bị phân chia. Thêm vào đó, một số ruộng đất mới khai khẩn cũng đã tạo thêm một số thôn làng mới. Tính đến cuối thế kỷ 17, con số thôn (mura) đã lên tới hơn 6 vạn.

Trong nội bộ các thôn thì người có quyền chỉ đạo được gọi là nanushi (danh chủ). Họ còn có tên là shôya (trang ốc) hay kimoiri (can tiễn) nữa. Kimoiri có nghĩa là “nướng gan”, một chữ dùng mà gốc gác không biết từ đâu ra những được hiểu là kẻ giúp đỡ, tác thành một việc gì. Bên cạnh nhân vật đó, có một người phụ tá gọi là kumigashira (tổ đầu) hay trưởng nhóm và người đại diện cho nông dân (hyakushô) có tên là hyakushodai (bách tính đại, đại là đại diện ). Ba người này gọi là murakata san.yaku hay “ba nhà chức trách lo việc làng”. Nanushi và 3 người đó cùng nhau họp sức với tầng lớp nông dân cơ sở (honhyakushô = bản bách tính) quản trị mọi thủ tục hành chánh trong thôn, trông coi việc sử dụng chung những miếng đất đã “vào hợp tác” (gọi là iriai.chi = đất của cộng đồng) cũng như việc chia nhau nguồn nước tưới và các vùng đồng hoang, núi rừng. Họ còn tổ chức tự trị việc canh phòng và cứu hỏa. Những khoản chi phí cho việc đó gọi là muranyuuyô (thôn nhập dụng) và họ sẽ chia nhau phụ đảm. Việc vận hành trong thôn theo pháp luật nội bộ gọi lá sonpô (thôn pháp) (hay mura-okite = qui định của thôn). Mọi vi phạm sẽ bị trừng trị theo murahachibu (thôn bát phân). Từ này cũng không biết đích xác đã phát xuất từ đâu, chỉ biết nó là một hình thức tẩy chay hay cô lập (octracism) người có tội đối với cộng đồng thể. Có thuyết cho rằng “bát phân” (tám phần mười) nghĩa là trừ việc tang ma hay hỏa hoạn thì làng nước sẽ tuyệt giao với người có tội. Thế nhưng thuyết ấy cũng không có căn cứ chắc chắn. Từ những ví dụ này, ta nhìn thấy tính cách tự trị của đời sống nông thôn Nhật Bản thời Edo, nhưng ngược lại, mạc phủ, các phiên và những hatamoto cũng biết lợi dụng tinh thần tự trị đó để xúc tiến việc thu nạp các khoản tuế cống và tạp dịch bằng cách khoán cho người dân trong thôn phải tự lo liệu để hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước. Chế độ quản lý này gọi là murauke.sei (thôn thỉnh chế).

Mặt khác, cá lãnh chúa cũng tổ chức dân chúng theo số hộ thành goningumi (ngũ nhân tổ, tổ năm người). Như vậy, mỗi khi có kẻ nào không nạp tuế cống hay nạp chậm trễ thì cả bọn phải liên đới chịu trách nhiệm. Thế mới thấy sự kềm kẹp của lãnh chúa đối với dân thôn rất là chặt chẽ và nghiêm khắc.

Trong đám thôn dân, thật ra cũng có sự phân chia giai cấp.Trước tiên, những ai có nhà cửa ruộng đất, tên tuổi được đăng ký trong sổ bộ kiểm địa của nhà nước thì được gọi là honhakushô (bản bách tính) hay takamochi (cao trì) ý nói người nắm trong tay (trì) huê lợi. Họ là những thành viên chính thức trong thôn. Ngoài họ ra, hãy còn có hạng nông dân không sở hữu ruộng đất, phải đi làm công cho địa chủ. Đó là hạng người làm việc được trả theo công nhật. Họ được gọi là mizunomi (thủy thôn = húp nước) hay mudaka (vô cao = ý nói là những kẻ không làm ra của cải để theo đó mà tính thuế). Dưới họ còn có những hạng người như nago (danh tử), hikan (bị quan) hay fudai (phổ đại) bị coi như tôi tớ lệ thuộc các địa chủ. Tất cả bọn họ đều không được quyền dự phần vào việc tham gia công việc của thôn. Ngoài ra, dân thôn còn bị chia ra làm honke (bản gia) và bunke (phân gia) theo thứ bậc huyết thống. Ở các làng chài thì chia làm hai hạng người:  amimoto (võng nguyên) và amiko (võng tử) tức tay lưới chính và tay lưới phụ.. Trong thôn có cất chùa và đền thần. Nơi đây dân thôn có thể tụ họp để bàn chuyện làng nước và cũng để hành lễ tôn giáo, một điều vốn rất cần thiết cho đời sống tinh thần cua họ.

Nông dân cấp cơ sở (hyakushô) phải đóng tuế cống nghĩa là thuế hàng năm tính từ giá trị ruộng vườn nhà cửa họ có. Thuế chính ấy gọi là honto mononari (bản đồ vật thành) tương đương với từ 40% đến 50% thu nhập lý thuyết sẽ được nộp bằng luá gạo hay tiền mặt. Lối đóng thuế như thế được gọi là “ngũ công ngũ dân” (nếu đóng 50%) hay “tứ công lục dân” (nếu đóng 40%) cho nhà nước (công).  

Ngoài tuế cống, những ai sống nhờ núi đồng sông biển hay những kẻ làm những nghề phụ ngoài nông nghiệp lạì phải đóng một thứ thuế nhỏ gọi là komononari (tiểu vật thành). Thuế này trả bằng lao động phu dịch (bu.yaku) cho các công sự thổ mộc đường sông trong phạm vi một tiểu quốc nên được gọi là koku.yaku (quốc dịch). Nếu người trả thuế sống trong thôn làng ven đường cái thì phải giúp sức người và sức ngựa cho các trạm giao thông công cộng. Đấy là tenmayaku (truyền mã dịch) hay sukegôyaku (trợ hương dịch). Tuy được gọi là thuế nhỏ hay thuế phụ nhưng đối với đám bần dân không nhà cửa ruộng đất thì quả một món phụ đảm nặng nề.  

Câu hỏi có thể đặt ra ở đây là tại sao mạc phủ lại đánh thuế nặng nề như thế đối với nông dân? Lý do chỉ vì mạc phủ coi nông dân như căn bản hệ thống kinh tế của họ. Làm như thế họ muốn sao cho công ăn việc làm của nông dân được ổn định, trong cái nghĩa là không để nông dân bị lôi cuốn vào trong vòng kinh tế hóa tệ. Để việc thu nạp tuế cống hay lao dịch được qui định rõ ràng, họ đã đề ra nhiều chính sách rất triệt để.

Trước tiên, Mạc phủ Edo đã công bố pháp lệnh Denbata eitai baibai no kinrei (Lệnh vĩnh viễn cấm buôn qua bán lại ruộng rẫy) vào năm 1643 (Kan.ei 20). Qua năm 1673 (Enpô nguyên niên), họ lại ban hành Bunchi seigen.rei (Phân địa chế hạn lệnh = Lệnh giới hạn việc cắt đất thành mảnh nhỏ) nhằm ngăn ngừa việc phân chia ruộng càng ngày càng nhỏ mỗi lần con cái lãnh đất thừa kế của cha mẹ theo cách thức bunkatsu sôzoku (phân cát tương tục à chia cho nhiều người thay vì cho mỗi gia trưởng). Lại thêm đạo luật Denbata katte tsukuri no kin (Lệnh cấm tự tiện trồng trọt) không cho phép người nông dân trồng những loại cây như thuốc lá, bông vải, rau quả theo ý thích. Tại sao lại cấm trồng các loại này? Lý do là mạc phủ nghĩ rằng nhà nông có thể biến chúng thành thương phẩm đem bán lấy tiền làm của cải và kết cuộc bị lôi cuốn vào trong vòng kinh tế hóa tệ.  

Cách nhìn của mạc phủ đối với nông dân đã được ghi chép lại rất rõ ràng trong Keian no furegaki (Khánh An ngự xúc thư), một tác phẩm ra đời vào năm Keian thứ 2 (1649) gòm có 32 điều. Furegaki (xúc thư) có nghĩa là “bố cáo cho mọi người biết”.

Qua bản bố cáo, ta được biết cuộc sống của dân lao động bị hạn thế từng ly từng tý, kể từ cái ăn, cái mặc, công việc trong nhà của một anh nông dân bình thường. Tuy nhiên, dù nó mang tên là Keian no furegaki nhưng không ai tìm ra nguyên văn viết vào thời (Keian) ấy.

Tại sao một sử liệu có tiếng tăm như thế mà chảng ai tìm lại được. Thực ra thì vào tiền bán thế kỷ thứ 19, sau cuộc cải cách có tên là cuộc cải cách năm Bunsei (Văn Chính, 1818-1831), vì chịu ảnh hưởng của nó mà vào năm 1830 (Tenpô nguyên niên) ở phiên (han) Mino Iwamura, người ta đã in ra một văn bản như thế và phát cho dân chúng. Sự thực thì chưa chắc nó đã tồn tại từ thời Keian (1649). Trong bản bố cáo ấy có thấy ghi những lời khuyến khích việc lao động cật lực như sau: “Đàn ông phải ra công cày cấy, đàn bà lo canh cửi. Tối về cơm nước hai vợ chồng còn phải cùng nhau tiếp tục làm việc”. Trong giai đoạn này, không riêng gì một phiên trấn như Iwamura mà tất cả các nơi đều được bố cáo như vậy. Nó cho ta thấy cái nhìn của mạc phủ đối với nông dân. Chính quyền không muốn dân chúng tham gia hyakushô ikki bạo động chống chính quyền nên khuyến dụ họ phải ra sức làm việc để khỏi rơi vào cảnh đói kém. Văn bản ấy có tác dụng khuyến cáo người nông dân và đôn đốc họ lao động.

    

Tranh hí họa cảnh hàng quán trên tuyến đường Tôkaidô

Riêng về cuộc sống nơi đô thị thì quả là so với thời trung cổ, con số các đô thị mới thành lập có thêm nhiều. Nơi đô thị thì cuộc sống tập trung ở khu vực trung tâm tên là shukubamachi (túc trường đinh) “xóm nhà trọ”, thành lập nhờ có sự phát triển của trục giao thông gọi là gokaidô (ngũ nhai đạo = năm trục đường lớn). Những đô thị tôn giáo thì có jinai-chô (tự nội đinh) xóm chùa tức “xóm trong khuôn viên nhà chùa” hay monzen-machi (môn tiền đinh) “xóm trước cửa đền thần”. Tuy nhiên, dù nói gì đi nữa, khu vực quan trọng nhất bao giờ cũng là jôka-machi “xóm dưới chân thành”. Xóm này là nơi các võ sĩ với tư cách là chủ đất tại chỗ (tại địa lãnh chủ) cho đến lúc đó sống chung với nông dân, đã phải chuyển nơi cư trú về đây theo chính sách “binh nông phân ly” được mạc phủ áp dụng triệt để. Đồng thời, các jôka-machi còn là nơi thương nhân và thợ thủ công (shukôgyôsha = thủ công nghiệp giả) cư trú. Ở đấy, họ tự do buôn bán sản xuất, ngoài ra còn được hưởng đặc quyền không phải đóng thuế thuê đất (jishi = địa tử) hằng năm, một hình thức tuế cống.

Trong xóm dưới chân thành thì thành quách của Shôgun và các lãnh chúa là trung tâm điểm, chung quanh bao bọc bởi các khu vực nhà cửa chia ra thành khu của các võ sĩ, khu đất thuộc các chùa chiền và đền thần, rồi đến các xóm dân hàng phố (chônin). Diện tích lớn nhất là thành quách và xóm của võ sĩ, gồm có các dinh thự có tính cách chính trị, quân sự và tư thất của các gia thần. Đất dành cho tự viện và thần xã qui tụ các đền chùa có thế lực, đóng vai trò trung tâm điều hành các hoạt động tín ngưỡng.

Mặt khác, những khu phố dành cho dân chúng được gọi là machikata (đinh phương). Nơi đây, thương nhân, thợ thủ công…sinh sống và làm ăn. Tuy diện tích của các khu vực này bị coi là chật hẹp nhưng chúng lại là những trung tâm thương mại có sức mạnh kinh tế kết hợp được các lãnh địa với toàn quốc. Khu dân phố như thế tạo thành một tiểu xã hội (cộng đồng thể) có tên là chô (đinh) và đã mọc ra nhan nhản khắp nơi. Chô cũng biết xây dựng tổ chức tự quản trị giống như cung cách của thôn xã và tổ chức này có nhiệm vụ giúp đỡ người dân hàng phố trong sinh hoạt, trong sản xuất cũng như trong việc buôn bán của họ.

Những người có nhà cửa và sinh sống trong chô có tên là chônin (đinh nhân). Đại diện cho các chônin là những nanushi (danh chủ), chô-doshiyori (đinh niên ký), gatsugyôji (nguyệt hành sự) Họ là những nhân viên dân chính được tuyển chọn để vận hành công việc của chô đúng theo luật lệ của chô (gọi là chô-okite) vv…Như vậy, chức năng của họ cũng chẳng khác gì chức năng hành chính ở cấp thôn xã. Về thuế má, nhân vì người chônin không có vườn tược đất đai, họ được miễn các thứ tuế cống nặng nề mà nhà nông phải gánh vác. Bù lại, họ bị phụ đảm công việc phu dịch liên quan đến hệ thống nước uống và nước thoát, phòng hỏa cũng như dọn dẹp sạch hào rãnh thành quách để duy trì các chức năng của thành phố.Lao dịch ấy có tên là chônin sokuyaku (đinh nhân túc dịch) nhưng họ có thể nộp bằng tiền để khỏi phải làm.

Trong các chô còn có những người mướn đất để cất nhà gọi là jigari (địa tá), mướn nhà gọi là shakuya (tá gia), mướn cửa tiệm gọi là tanagari (điếm tá) hoặc người đi làm công có các nhà buôn gọi là hôkônin (phụng-công nhân)…Như vậy trong chô, người ta làm đủ mọi ngành nghề sinh sống. Những người mướn đất, mướn nhà hoặc tiệm quán thì ngoài tiền mướn đất, thuê tiệm trả cho chủ đất chủ tiệm, hầu như chẳng phải chi cho một kinh phí nào khác. Vì cớ đó, họ không được phép tham gia vào việc quản lý của chô.

Các đô thị không chỉ thành hình từ những xóm dân phố dưới chân thành (jôka-machi) mà còn từ các xỏm cảng (minato-machi), xóm trước cửa đền (monzen-machi), xóm nhà trọ (shukuba-machi), xóm hầm mỏ (kôzan-machi). Trong số ấy, những đô thị trực tiếp cai quản bởi mạc phủ là những trung tâm kinh tế quan trọng nhất. Ta có thể kể đến santo (tam đô) tức là ba đô thị chính yếu: Edo, Ôsaka và Kyôto. Vào giữa thế kỷ 17, chúng đã được xem như những thành phố phồn vinh tầm cỡ thế giới.

 Bữa cơm của người thời Edo[3]

Về ẩm thực, thời Edo, người Nhật bắt đầu ăn một ngày ba bữa, gạo được sử dụng là gạo trắng. Nói đúng ra thì giới samurai ăn 7 phần gạo 3 phần luá mạch, nông dân chỉ ăn lúa mạch với tạp cốc.Bữa cơm của người dân thành thị (chônin) thường có cơm trắng, sáng kèm theo canh bột đậu nành (misoshiru), trưa ăn món ninh (nimono), chiều ăn dưa chua (tsukemono). Tuy là đạm bạc nhưng đủ mùi vị. Họ lại có phong tục đến mùa nào thì lại ăn những thức ăn đầu mùa (hatsumono). Nhờ tương đậu nành (shôyuu) và giấm (su), người Edo nghĩ ra nhiều món mới chẳng hạn cơm nắm cá giấm (sushi). Món này trước là cơm ém trong hộp (hakozushi) đã bắt đầu ở miền Tây sau mới lên tới Edo, được trình bày bằng cách trộn chung (mazezushi), hoặc gói trong lá trúc con (sasamakizushi). Đến năm Tenmei (1781-1788) thì có loại hayazushi tức “sushi nắm ngay” nghĩa là sushi làm bằng cách ép hạt kê và gạo nếp còn đang nóng với cá giấm, mở đường cho cơm nắm sushi kiểu bây giờ. Họ cũng biết sử dụng đường đen để làm các loại bánh trái. Từ thời Edo trung kỳ (thế kỷ 18) trở đi, đường phố Edo đầy những tiệm sushi, soba, chè cũng như quán nhậu. Sinh hoạt ẩm thực của người dân trở nên phong phú.   

Các nhà công khanh và vũ gia thì lúc có việc gì vui (cát sự), thường nấu cỗ bàn (zen = thiện) đặt trên các khay sơn lớn, nhưng sau rồi cũng giản dị hoá, chỉ còn kaiseki ryôri (hội tịch hay hoài thạch) tức cơm khách mỗi người có một mâm riêng. Từ lúc tăng Ingen (Ẩn Nguyên) của tông Hoàng Bá từ nhà Minh Trung Quốc đến Nhật, ông có đem kiểu nấu ăn chay (shôjin ryôri) theo lối fucha (phổ trà) cho nhiều dầu và bột sắn. Lối này bên Trung Quốc nguyên có tên là shippoku (trác phục) chính ra là món mặn, lắm thịt cá và rau, làm thật nhiều để mọi người có thể chia nhau cùng ăn

 Dân số các thành phố lớn Nhật Bản khoảng năm 1720[4]

 

Thành phố

Dân số phỏng định

Edo (Tôkyô)

1.000.000

Ôsaka

382.000

Kyôto

341.000

Kanazawa

65.000

Nagoya

42.000

Nagasaki

42.000

 Cuối cùng, thử nhìn qua chế độ giai cấp dưới thời Edo. Ngoài tứ dân là sĩ nông công thương, hãy còn có kawata (bì đa, hà điền) và hi.nin (phi nhân) tức những người dân thuộc giai cấp bần cùng. Những người đó tuy làm nông nhưng còn phải phải kiêm nhiệm công việc thuộc da (như kawata), đan bện, chôn xác chết của bò ngựa hoặc xử hình tội phạm.Từ thời trung kỳ của Mạc phủ Edo, họ còn bị gọi là eta (uế đa, uế trong cái nghĩa ô uế), một cái tên khinh miệt đặt cho lớp người nằm dưới đáy xã hội.

Cũng vào thời Edo này, trong chế độ gia tộc, quyền của người gia trưởng (kachô) hay chủ hộ (koshu = hộ chủ) rất lớn. Ngược lại, phụ nữ bị khinh rẽ vô cùng.

 Tình cảnh người phụ nữ thời Edo[5]

Trong xã hội Edo, như ta đã biết, có phân chia rành rẽ bốn giai cấp sĩ nông công thương và phân biệt quí tiện, thượng hạ.Chỉ có con trai trưởng nắm quyền katoku (gia đốc) đời đời nối nghiệp tổ tiên. Sinh ra làm con trai thứ là đã chịu thiệt thòi. Riêng thân phận người phụ nữ thật không ra gì. Họ phải giữ luật “tam tòng”, chỉ là người “cho mượn bụng để đẻ” (hara wa karimono), nô lệ của gia trưởng.

 Nếu người chồng bất bình, anh ta chỉ cần hạ bút viết “ba hàng rưỡi” (mikudarihan) trên tờ giấy ly hôn là xong việc. Như thế còn may cho người đàn bà, bởi vì nếu không, họ còn phải thường xuyên chịu cảnh chồng rượu chè, đánh đập, lăng nhục. Thời Edo, có hai ngôi chùa là Tôkeiji (Đông Khánh Tự) ở Kamakura và Mantokuji (Mãn Đức Tự) ở địa phương Kôdzuke được quyền chứa chấp những người vợ bị hành hạ, giúp họ làm thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, thực hiện được việc này rất khó khăn và tốn kém. Khó khăn vì người chồng có khả năng thưa kiện nhà chùa đã quyến rũ hay toa rập với vợ mình, phần người đàn bà còn phải bỏ tiền tạ lễ công đức nhà chùa cũng như chạy tiền cơm nước cho chính mình, có khi số tiền đó lên đến 30 lạng. Thời gian kiện cáo cũng dài, một vài năm chưa chắc đã xong việc. Vô số phụ nữ đã rơi vào cảnh ngộ bi đát như thế.

Ngoài ra, phụ nữ thời Edo lại phải lao động nông nghiệp nặng nhọc không kém gì nam giới. Chính nhà nước trong sắc lệnh gọi là Keian no ofuregaki (Khánh An ngự xúc thư) từng ghi rõ nghĩa vụ liên đới giữa vợ chồng (nhằm bảo đảm nguồn thuế cho nhà nước) ấy trên giấy trắng mục đen. Đến khi kinh tế thương phẩm phát triển, các bà còn phải làm thêm việc thủ công, gánh vác, giao hàng, chưa kể trách nhiệm trông coi nhà cửa, cơm nước, đẻ con, nuôi con. Không những thế, trong các nhà trọ, có loại người làm gọi là hạng gái “đơm cơm rót nước” cho khách (meshimori-onna) nhưng trên thực tế là gái mại dâm trá hình. Tuy luật pháp cấm “buôn bán người” (jinshin baibai) nhưng với hình thức đi ở đợ, làm công, nhiều cô gái đã áp lực của chữ hiếu nhà Nho mà chịu nhục đến mất danh tiết. Cảnh nghèo cũng ảnh hưởng đến con cái. Để bớt miệng ăn trong nhà (kuchiberashi), cha mẹ có lúc phải việc gọi là mabiki (làm cho thưa thoáng), khi thì siết cổ con, khi thì nhét cám với trấu vào miệng, bít lỗ mũi bằng giấy thấm, lấy nệm gối đè chết ngạt hay chôn sống chúng. Không sao kể xiết những thủ đoạn tàn nhẫn, phi nhân trong xã hội lúc bấy giờ vì người nông dân quá kiệt quệ, không biết tìm đâu lối thoát.

Như trên, ta có thể kết luận rằng “nam tôn nữ ti” là một đặc trưng của xã hội Edo, thế nhưng nó sẽ là đối tượng ưu tiên của những cuộc cải cách vào thời cận đại.



[1] Nguồn: Imaya Akira trong Buke to Tennô (Iwanami Shinsho) và Tokugawa Shô gun to Tennô (Chuô Kô ron Shinsha) (trang 179-180)

[2] Ngày xưa, những người nông dân lưu lạc, không hộ tịch được gọi là “phù lãng nhân” hay “phù nhân” (ukarebito) để phân biệt với điền đố (tato) là kẻ có cơ sở ruộng đất nên ở một chỗ. Sau đó, nó trở thành “lãng nhân” (rônin) và với sự xuất hiện của xã hội quân nhân thì nó mới mang một ý nghĩa khác. Rônin còn có thể viết là lao nhân (người đi tù, bị giam).

[3] Nguồn: Nakazawa Nobuhiro trong Nihon no bunka (Natsume-sha, trang 214-215)

 [4] Nguồn: Andrew Gordon, A Modern History of Japan, dẫn Sekiyama Naotarô (1969)

[5] Nguồn: Takagi Tadashi trong Mikudarihan to Engiridera (Kôdansha gendai bunko) (trang 252-254).

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560744

Hôm nay

2128

Hôm qua

2289

Tuần này

22062

Tháng này

228287

Tháng qua

122920

Tất cả

114560744