Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay tại tỉnh Nghệ An có không dưới năm tạp chí đã được “bán cái” đang hoạt động. Việc “mua - bán cái” này diễn ra theo nhiều hình thức, có thể mua toàn bộ hoặc mua mua riêng từng số, ví dụ như số cuối tháng hoặc số đầu tháng. Các bên thực hiện việc “bán mua” này có thừa mưu mẹo để lách luật, tạo sự kín kẽ về mặt thủ tục pháp lý. Các hợp đồng chuyển giao thường được ký kết ngầm, hoặc thực hiện dưới dạng liên kết phát hành với những người đã từng là phóng viên, hoặc những người có công việc ít nhiều liên quan đến báo chí. Sau khi ký kết, bên “mua cái” được toàn quyền quyết định trong việc tổ chức nội dung tin bài, in ấn, phát hành…và sử dụng nhân sự. Lúc này, phía cơ quan chủ quản của các tạp chí bỏ qua trách nhiệm, không cần quan tâm, chỉ miễn sao hàng tháng người “mua cái” nộp đủ số tiền khoán đã thỏa thuận là xong.
Trên địa bàn Nghệ An hiện có một số tạp chí đang đứng chân và đang hoạt động. Trên danh nghĩa tòa soạn của các tạp chí này vẫn ở Hà Nội nhưng thực tế toàn bộ các “tòa soạn” này là ở Nghệ An.
Một giấy giới thiệu dùng chung cho 3 tờ tạp chí
nhưng không có tên cơ quan giới thiệu
Các tạp chí của các cơ quan, đoàn thể ở Hà Nội
"đứng chân" ở Nghệ An đã khá nhiều năm.
Tạp chí “Lao động và xã hội” của Bộ lao động thương binh xã hội được phát hành 03 số/1 tháng, riêng số cuối tháng được mang tên: “Đảng trong cuộc sống hôm nay” và theo điều tra riêng của chúng tôi thì ấn phẩm mang tên Đảng này đã được “bán cái” cho một nhân vật ở Nghệ An…Chúng tôi đang có số cuối tháng 11/2012, phát hành tháng 11năm 2012 của tạp chí này. Đáng nói là 72 trang của số tạp chí này không hề có bài viết nào mang tính lý luận, nghiệp vụ nào về công tác lao động thương binh xã hội, cũng không có những bài viết tuyên truyền đường lối chính sách, phổ biến các nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam như tên gọi, mà có tới 31bài PR (chiếm 45/72trang) quảng cáo - ca ngợi các trường mầm non, THCS trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với tiêu đề kiểu như: “Trường tiểu học Vĩnh Thành: Hướng đến ngày 20 -11”; “Trường mầm non Hoa Thành: Cô giáo như mẹ hiền”…v,v và một vài bài viết dưới dạng quảng cáo cho các xã như: “Xã Cẩm Lộc: Vượt khó đi lên”; “Nghĩa Lợi: Khắc phục khó khăn đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội”… một cách vô thưởng, vô phạt.
Xi - nhê tạp chí Lao động và Xã hội
(Chuyên đề Đảng trong cuộc sống hôm nay)
Xi - nhê của tạp chí này cũng có ghi thông tin về các chức danh của ban biên tập như: Phụ trách nội dung: NVT, phụ trách biên tập: BQT (tên do người biên tập viết tắt). Điều khó hiểu là tại sao những người đã về hưu ở Nghệ An lại có vị trí, chức danh trong ban biên tập của một tờ tạp chí của một cơ quan nhà nước cấp bộ (?!). Qua điều tra của chúng tôi thì ông N.V.T là Giám đốc Công ty cổ phẩn Xuất bản - Truyền thông Việt Nam, địa chỉ: số 60 Đào Tấn, Tp Vinh, Nghệ An. Vậy có phải đây là sự chuyển giao, “bán cái” giữa tạp chí Lao động xã hội với “Công ty CP Xuất bản- Truyền thông Việt Nam” hay không?
Tạp chí Dân tộc & Thời đại có văn phòng đại diện ở miền Trung và Tây Nguyên đóng ở thành phố Vinh do ông HL làm trưởng ban trị sự kiêm trưởng văn phòng cũng có tình trạng "ưu tiên" PR quảng cáo quá đáng cho khu vực Nghệ an và các tỉnh lân cận. Tạp chí này, số gộp các số 147 và 148 (tháng 7 và tháng 8 năm 2012), nội dung bên trong có rất ít các bài trao đổi về dân tộc học/nhân học mà có tới 13 bài viết PR quảng cáo “bốc thơm” các xã nghèo ở Nghệ An, Quảng Bình..,như: “Sắc màu Tri Lễ hôm nay”; “Thành công nối tiếp thành công” với một môtip viết hoàn toàn giống nhau như: “ Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch xã cho biết...”.v.v.
Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng một ấn phẩm mang tên Quê Hương Ngày Nay và từ nhiều năm nay đã đóng bản doanh tại Nghệ An. Tạp chí này cũng gần như không có các bài viết hướng dẫn kỹ thuật, hay tư vấn về phân bón, trồng trọt, mà chỉ có PR, quảng cáo. Thậm chí còn tự ý đăng bài của người khác khi không được sự cho phép của tác giả. Ví dụ: số 30+31/2012 có đăng bài “Chuyện ông Vươn ở Tiên Lãng” của tác giả Khánh Linh, chính tác giả đã khẳng định với chúng tôi: “Đây là hành vi vi phạm bản quyền tác giả, bởi tạp chí này không hề liên hệ với tôi”.
Tất cả các tạp chí này đều có ghi giá bán ở trang bìa nhưng hoàn toàn không có mặt trên thị trường báo chí, chỉ có các cơ quan, đơn vị bị đăng bài PR quảng cáo nhận được vài ba chục cuốn, còn lại khó mà tìm được lấy một cuốn.
Giấy chứng nhận giống hệt mẫu thẻ nhà báo của Bộ TTTT
Giấy giới thiệu của Công ty cổ phẩn Xuất bản - Truyền thông Việt Nam,
một công ty tư nhân nhưng sử dụng hình Quốc huy
Chúng tôi đã đưa những cuốn tạp chí này đến gặp bà Nguyễn Nữ Lan Oanh, Trưởng phòng quản lý báo chí của Sở TTTT tỉnh Nghệ An. Sau khi xem xét, bà Oanh nhận xét: “Tất cả các tạp chí này đều có dấu hiệu chệch hướng về tôn chỉ, mục đích. Về phần ghi thông tin trên xuất bản phẩm như thế này cũng sai, bởi chức năng của công ty chỉ được liên kết, tổ chức bản thảo, in và phát hành chứ không phải là người chịu trách nhiệm nội dung cũng như biên tập. Việc ghi danh không được ghi như vậy". “Về việc này, Sở Thông tin Truyền thông Nghệ An sẽ kiến nghị Cục báo chí, đề nghị kiểm tra và yêu cầu các tạp chí này hoạt động đúng tôn chỉ và mục đích", bà Oanh cho biết thêm như vậy.
Rõ ràng sau khi được/bị “bán cái”, các tạp chí này đã bỏ qua trách nhiệm chính trị của mình, bỏ qua cả tôn chỉ, mục đích của chính mình là nghiên cứu trao đổi, trở thành diễn đàn nghề nghiệp thuộc lĩnh vực của mình mà chỉ chạy theo lợi nhuận, tìm đủ mọi cách để làm được nhiều quảng cáo càng tốt.
PR, quảng cáo quá "liều"
Chính vì sự mua - bán "cái” như thế nên sự giám sát, quản lý của cơ quan chủ quản cơ bản không còn tồn tại nữa. Các cơ quan chức năng với nhiệm vụ quản lý cũng rất khó để xử lý. Từ đó, dẫn đến rất nhiều hành vi sai trái như làm giấy giới thiệu có hình thức rất giống vói Thẻ nhà báo (của Bộ TTTT cấp) rồi cấp cho nhân viên. Chưa hết, việc cấp giấy giới thiệu cho số nhân viên này cũng hết sức bừa bãi. Khi có trong tay những “bảo bối”, các “phóng viên” này lũ lượt kéo nhau đến các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận dọa dẫm, ép làm quảng cáo.
Tại sao các đối tượng được PR, quảng cáo trên các tạp chí này đều là cơ quan hành chính nhà nược cấp xã, hoặc các trường tiểu học vùng sâu, hay tệ hơn nữa là các trường mầm non xã nghèo, chứ không phải các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất? Rõ ràng, họ đang “bị” viết bài “bốc thơm” trên các ấn phẩm này, chứ những xã nghèo, những ngôi trường này tài chính còn thiếu trước, hụt sau thì làm gì có nhu cầu quảng cáo. Đây là biến tướng của việc vận động quảng cáo, thực chất là ép buộc. Có lần, người viết bài này đi về một xã vùng cao của huyện Tương Dương để xác minh thông tin phục vụ việc viết bài. Khi gặp mặt, câu đầu tiên của ông chủ tịch này là: “Xin các nhà báo đừng khen vì xã không có tiền đâu. Mà chúng tôi cũng không có nhu cầu được khen đâu nhé”. Thậm chí khi vi phạm giao thông, đám nhân viên quảng cáo này còn dọa luôn cả cảnh sát, khiến môi trường báo chí ở Nghệ An trở nên vô cùng phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của các nhà báo hoạt động chân chính.
Không thể chấp nhận mãi tình trạng báo chí của các tổ chức ở tận đẩu tận đâu nhưng lại tồn tại trên đất Nghệ An và vô lý nhất là ép dân Nghệ An phải chịu đựng các kiểu moi tiền rất khó chịu của các nhà báo “dởm”. Việc cần thiết là phải kiểm tra rà soát lại hoạt động của các báo chí này trên địa bàn toàn tỉnh, nếu không thực hiện đúng luật định thì phải xử lý. Các tạp chí này phải được đưa về đúng vị trí và đúng chủ của nó. Nghệ An không thể là nơi trú ngụ của các loại báo chí bị “bán cái” và các phóng viên của nó./.