Những góc nhìn Văn hoá

Ý nghĩa của chuyến đi dương trình hiệu lực với tư tưởng Cao Bá Quát

Một sự kiện trọng đại đối với Cao Bá Quát chính là việc ông bị đưa đi dương trình hiệu lực . Trong cái rủi có cái may. Nhờ có ra nước ngoài, tiếp xúc với nền văn minh phi truyền thống, kể cả văn hóa Đông Nam Á và văn hóa phương Tây lúc ấy đã có mặt ở phương Đông qua những nhân vật đại diện như nhà truyền giáo và thương nhân, tư tưởng Cao Bá Quát đã có những thay đổi quan trọng. Phân tích bản chất và ý nghĩa của sự thay đổi tư tưởng này sẽ là một nhiệm vụ của bài viết. Lại nữa, nếu coi cuộc tiếp xúc này của Cao Bá Quát là những bước hội nhập quốc tế đầu tiên của người Việt, ta cũng có thể đưa ra một số nhận xét hữu ích.

 

                                                      *****

Vấn đề cần quan tâm là Cao Bá Quát đi nước nào, nội dung của sứ đoàn và chức trách cụ thể của ông ?

Về chuyến đi này, trước đây giới nghiên cứu Việt Nam mới chỉ nói  chung là đi các nước Đông Nam Á với nội dung mua sắm hàng xa xỉ. Trong lời giới thiệu tập Thơ chữ Hán Cao Bá Quát  , Vũ Khiêu viết : “Phái đoàn của ông đi Inđônêxia và Campuchia mục đích chủ yếu là đem đường bán cho nước ngoài để mua sắm những hàng xa xỉ cho triều đình” . Về thời gian, lời giới thiệu này cho biết sứ đoàn về lại Đà Nẵng cuối mùa hè năm 1843.

Trong Cao Bá Quát, con người và tư tưởng, Nguyễn Tài Thư  viết : “ Đầu xuân 1843, ông bị ghép vào đoàn của Đào Trí Phú. Đoàn lên thuyền lớn Long Nhương đi các nước Malaixia. Xanhgapo, Indonexia làm các công việc mua hàng cho vua” .

Gần đây, các nghiên cứu của Claudine Salmon – Tạ Trọng Hiệp và của Vĩnh Sính đã đem lại một đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu vấn đề này. Theo thông tin từ Đại Nam thực lục, cũng như dựa vào nghiên cứu của Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa), thấy đời Thiệu Trị năm thứ 3, Ất Tỵ, Cao Bá Quát đi dương trình hiệu lực ở miền Hạ Châu, một từ chỉ chung cảng Singapore, và từ năm 1826 đến 1840 chỉ chung Malaka, Pinang và Singapore. Vĩnh Sính viết : “Vào thời điểm 1844, khi Cao Bá Quát được phái đi công vụ, danh xưng Hạ Châu trên nguyên tắc được dùng không những để chỉ Singapore mà còn để gọi cả Penang và Malacca- tức là các thuộc địa trên eo biển Malacca mà tiếng Anh gọi chung là Straits Settlements”. Trong bài khảo cứu công phu của mình, Vĩnh Sính cho rằng phái bộ của Cao Bá Quát đi dọc theo các thuộc địa của người Tây phương trên eo biển Malacca. Trong các nội dung hoạt động của sứ bộ  mà nhà Nguyễn phái đi trên hướng mới này theo Vĩnh Sính là mua chiếc tàu chiến chạy bằng hơi nước của người Anh được đặt tên là Điện Phi, (nếu đúng như vậy thì việc mua bán này đã diễn ra tại Singapore, lúc này đã là thuộc địa của Anh quốc- và ta có thể nghĩ về khả năng Cao Bá Quát đi Singapore); ngoài ra có thể mua hàng nỉ, thủy tinh và thăm dò tình hình trên vùng thuộc địa của phương Tây này. Tạ Trọng Hiệp trong bài trả lời phỏng vấn Thụy Khuê, cũng cho rằng mục đích các chuyến đi sứ sang Đông Nam Á thời Nguyễn là: 

1. Thông tin về mặt chính trị và quân sự về sự đe dọa của Tây phương; 
2. Tìm hiểu xem họ tổ chức thương nghiệp như thế nào, đồng thời mua bán với họ một số hàng hóa”
[4].

                Về chức trách và nhiệm vụ của Cao Bá Quát, hai nhà nghiên cứu nói trên lần đầu tiên đã đưa ra một nhận định quan trọng, tuy rất hiển nhiên mà trước đó chưa có ai nêu lên. Vĩnh Sính viết : “Trong chuyến đi “ dương trình hiệu lực ”, nhiệm vụ Cao Bá Quát trong phái đoàn là gì ? Câu hỏi này từ trước tới nay hình như chưa có ai đưa ra. Theo thiển ý của chúng tôi, phải chăng vì nổi tiếng xuất chúng về văn thơ chữ Hán, Cao Bá Quát đã được giao phó trách nhiệm tiếp xúc với người Hoa trên các thuộc địa của người Âu Châu, bút đàm với họ nhằm tìm hiểu và thu thập thông tin về động tĩnh của người Âu Châu trên những vùng mà phái bộ ghé qua ? Trong những bài thơ Cao Bá Quát sáng tác lúc xuất dương thỉnh thoảng có nhắc đến một vài thương nhân người Hoa mà tác giả đã gặp ; điều này ít nhiều khẳng định giả thiết nói trên. Ngoài ra, cần để ý là trong những bài thơ mà Cao Bá Quát sáng tác trong thời kỳ xuất dương, ông có nhắc đến chức vụ của ông là “ tham quân ” và đã phần nào biểu lộ ý thức trách nhiệm của ông về chức vụ này”.  Tạ Trọng Hiệp cũng phán đoán rất có lý : “Vấn đề đầu tiên của người được đi ra nước ngoài là vấn đề bất thông ngôn ngữ. Câu hỏi khi bắt đầu đọc Phan Huy Chú là: Ông ấy biết tiếng Hòa Lan hay biết tiếng Indonesia hồi đó ra sao? Theo chúng tôi biết thì ông ấy cũng như nhiều sứ giả, mà sau đó vua Nguyễn gửi đi như Lý Văn Phức và Cao Bá Quát v.v... làm việc ở những vùng đó một thời gian ngắn hay dài và có thu lượm được nhiều thông tin khá chính xác, là qua môi giới, môi trường của những người Hoa, cùng văn hóa chữ Hán với họ. Trong số người này, có người có trình độ văn hóa không thấp, đã tiếp đón họ trong thời gian họ đến công tác; lại còn thết tiệc hoặc dẫn họ đi thăm thắng cảnh và giải thích cho họ thêm về hoạt động của chính quyền ở những vùng đó. Thông tin của Phan Huy Chú có hai nguồn: Thứ nhất là mắt thấy, tai nghe; sự quan sát của một người như Phan Huy Chú, có trình độ văn hóa cao. Và thứ hai là người Hoa tại địa phương cung cấp. Ðấy là điều mà chúng tôi thấy rất rõ”. Nhận định trên là rất có căn cứ. Giai thoại về việc họ Cao nói mình chiếm 2 trong tổng số 4 bồ chữ của thiên hạ, hay phong cách của ông làm thơ ứng tác mà ông gọi là Tẩu bút- viết chạy bút – có thể cho phép ta nghĩ đến khả năng này. 

               Có thể nói, các phán đoán về mục đích và chức trách nhiệm vụ của các thành viên sứ đoàn của hai nhà nghiên cứu Vĩnh Sính, Tạ Trọng Hiệp có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy việc nghiên cứu tiếp tục về Cao Bá Quát mà chúng tôi muốn tiếp tục triển khai.

                                                *****

               Bối cảnh quốc tế của chuyến đi dương trình hiệu lực cũng cần được nhìn từ vị trí của Việt Nam khi ấy với hai phía. Phía Trung Quốc khi ấy vừa trải qua thất bại trong cuộc chiến Tranh Nha phiến, phía Đông Nam Á khi ấy đang lần lượt rơi vào tay các thế lực thực dân phương Tây như Hà Lan, Anh.

               Như chúng ta đều biết, chính phủ Mãn Thanh Trung Quốc vừa chịu thất bại trong cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840-1842). Ngày 29 tháng 8 năm 1842, Trung - Anh hai bên ký điều ước Nam Kinh- một điều ước bất bình đẳng và 8 tháng 10 năm 1843, điều ước Hổ Môn tái khẳng định Anh quốc hưởng chế độ tối huệ quốc và quyền tài phán lãnh sự, nhà Thanh buộc phải mở các cảng biển cho người Anh tự do buôn bán. Thất bại nặng nề, phải chấp nhận điều kiện bất bình đẳng trong đàm phán, triều đình nhà Thanh chắc hẳn đã “mất điểm” trong mắt của các nước lân bang, trong đó có Việt Nam, một trong những lý do khiến người Việt Nam hướng ra Đông Nam Á. Niềm tin về sự ưu việt của văn hóa Hoa Hạ trước văn hóa của bọn hồng mao Man Di không thể không bị lung lay ngay tại thiên triều và cả ở các nước lân bang trong đó có Việt Nam. Mặt khác, sự thất bại của nhà Thanh đã dẫn đến các cuộc khủng hoảng trong nước để cuối cùng, năm 1912 sụp đổ. Trong bài thơ Dạ quan Thanh nhân diễn kịch trường, Cao Bá Quát cho thấy ông đã biết và suy nghĩ về sự kiện Hổ Môn này như một hồi chuông báo động cho người trí thức châu Á:

Liệt cự thôi minh tối thượng đàn, 
Nhất thanh hám khởi dạ phong hàn. 
Kích tu tráng sĩ phương hoành giáp, 
Nộ mục tương quân dĩ cứ an. 
Xuất thế khởi vô chân diện mục, 
Phùng trường lãng tiếu cổ y quan. 
Hổ Môn cận sự quân tri phủ? 
Thán tức hà nhân ủng tị khan!

Sân khấu đèn chăng rực rỡ soi, 
Gió đêm hòa tiếng thét ghê người. 
Quân vừa đeo giáp sùa râu đứng, 
Tướng đã lên yên trợn mắt ngồi. 
Tai mặt đời đâu toàn bộ giả, 
Áo xiêm xưa cũng thực trò cười. 
Hổ Môn biết việc gần đây chửa? 
Ngán nỗi kia ai nghếch mũi coi!

 

Về phía Đông Nam Á, các nước trong vùng biển này cũng đang bị nhòm ngó hoặc đã trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây. Ngày 29 tháng giêng 1819, hai người Anh Stamford Raffles và William Farquhar bắt đầu ký kết với quốc vương Hussein và thủ lĩnh Temenggong về việc người Anh đến định cư buôn bán tại Singapore và đến tháng ba năm 1824, với hiệp ước Anh- Hà Lan, người Hà Lan rút lui khỏi hòn đảo này, Singapore hoàn toàn trở thành thuộc địa của Anh quốc. Để phá thế độc quyền buôn bán của Hà Lan, người Anh đã nhanh chóng xây dựng Singapore thành một cảng quan trọng, tự do buôn bán, lớn nhất Đông Nam Á khi ấy. Để dễ hình dung, ta lấy một số liệu về lượng hàng hóa chuyên chở đến cảng Singapore, năm 1824 chỉ có 3500 tấn, đến 1865, con số tăng lên 153 vạn tấn và đến 1930, đã là 3353 vạn tấn. Bệnh viện, trường học, hệ thống cung cấp nước được người Anh xây dựng. Dòng người di dân từ Trung Quốc và Ấn Độ đến Singapore như một miền đất hứa để tìm hạnh phúc và phồn vinh tăng lên nhanh chóng. Con số thống kê cho biết, năm 1860, dân số Singapore là 80.792 người, trong đó người Hoa chiếm tới 61,9 %, người Mã Lai 13,5 %, người Ấn 16, 05 %, người châu Âu và các dân tộc khác chiếm 8,5 %.  Cả về phương diện thương mại, chính trị và văn hóa (người Hoa có mặt đông đảo đến mức họ đã tổ chức diễn kịch truyền thống trên mảnh đất này) cho phép ta tin rằng Singapore là một điểm đến quan trọng nhất, không thể bỏ qua- tất nhiên không phải là duy nhất- của các sứ bộ Việt Nam thế kỷ XIX. Chính ở Singapore, người Hoa và văn hóa của họ có phần gần gũi với người Việt đã đóng vai trò trung gian, môi giới văn hóa, kinh tế thương mại với phương Tây và Việt Nam trên vùng các đảo quốc Đông Nam Á.   

               Cả hai phương diện trên đều cho thấy, thực ra nói nhà Nguyễn đóng cửa, bế quan tỏa cảng mặc dù phản ánh đúng sự thật lịch sử nhưng vẫn chỉ là cách nói tương đối. Bản thân việc nhà Nguyễn cử các phái đoàn đi sang Đông Nam Á để vừa giao thương, buôn bán, vừa nắm thông tin về mọi mặt trước sự hiện diện của Anh và các cường quốc phương Tây cho thấy thực ra, nhà Nguyễn có quan tâm đến vấn đề ứng xử với các thế lực mới này.

Tất nhiên, nếu khảo sát tư liệu lịch sử, cần nói là thời Minh Mạng, Thiệu Trị, sự quan tâm này chỉ dẫn đến những hành động mở cửa giao thương rất hạn chế với thương Tây. Bùi Mộng Hùng cố gắng xác định cụ thể hơn nội dung các chuyến tàu công vụ mà triều Nguyễn tổ chức này. Dựa vào Đại Nam thực lục, ông nhận thấy: “Từ năm Gia Long thứ 8 (1809), nhà Nguyễn cấm bán cho người nước ngoài lúa gạo, vàng, bạc, tiền, muối, trầm hương... Các chuyến tàu công vụ đời Minh Mạng, Thiệu Trị là một công cụ của nhà vua nhằm nắm độc quyền buôn bán hàng cấm nói trên và một số mặt hàng mua về cho triều đình”. Đại Nam thực lục cho biết, năm Minh Mạng thứ 9, 1828, nhà vua chuẩn y lời tâu của đình thần, ra lệnh cấm “từ nay trở đi” các thuyền buôn  nước ta đến Hạ Châu buôn bán, trái luật này bị trị tội.

               Vậy là sự mở cửa rất hạn chế chỉ nhằm phục vụ nhu cầu về hàng hóa xa xỉ của triều đình, một bộ phận rất nhỏ của xã hội chứ không nhằm khuyến khích các thành phần, các tầng lớp xã hội giao thương với ngoại quốc, nhất là với các nước phương Tây như Anh, Hà Lan đang có mặt tại các thuộc địa của họ. Việc nhận thấy sự việc độc quyền buôn lậu đó liệu có tác động gì đến tư tưởng Cao Bá Quát không, đây là câu hỏi cần phải tìm chứng cứ xác đáng mới trả lời được. Một lời dụ của Minh Mạng năm 1840 có liên quan đến thương mại với “người Tây dương” như sau: “ ... họ đến cũng không cự, họ đi cũng không theo, chỉ đối đãi coi như người di địch thôi. Gián hoặc có thuyền người Tây dương đến buôn bán, chỉ cho thả neo ở vụng Trà Sơn, đổi chác buôn bán xong xuôi, lại bắt chở thuyền đi, không hề cho lên bờ ở lâu, nhân dân sở tại, cũng không cho cùng họ trao đổi riêng. ”. Chủ trương này cho thấy, việc các chuyến thuyền do triều đình sai đi Hạ Châu vẫn nằm trong xu thế chung là hết sức dè dặt trong quan hệ với thế giới bên ngoài, và vẫn còn thống trị trong đầu óc triều đình nhà Nguyễn lúc ấy tư tưởng Hoa- Di rất lỗi thời. Nghĩa là nhà Nguyễn không nghiêng về khả năng đổi mới, hội nhập  nhanh để thích ứng với tình hình quốc tế đang rất sôi động và diễn biến nhanh chóng. Thực tế này sẽ xung đột với quan niệm đổi mới, khai sáng tự phát của Cao Bá Quát khi ông được mở rộng tầm mắt nhìn ra một thế giới phi truyền thống theo quan niệm Nho gia, và có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn ông đến cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyễn năm 1854. 

                                                            *****

               Việc đi dương trình hiệu lực với Cao Bá Quát nếu xét về quan niệm chính thống là một hình phạt, nhưng xét về tư tưởng nhận thức lại là một cơ may. Thật vậy, một người tuy lớn tuổi hơn nhưng là vẫn người đồng thời với ông- Nguyễn Công Trứ (1778- 1859)- không hề có một bài thơ, bài văn nào đả động đến đề tài người phương Tây, trừ lời tấu xin đi đánh giặc Pháp khi biết tin chúng gây hấn ở Đà Nẵng. Thực tế tiếp xúc với văn hóa phương Tây, cho dù là trên mảnh đất thuộc địa của họ, xác nhận thành ngữ  “trăm hay không bằng một thấy”. Mặt khác, những gì Cao Bá Quát đã thể hiện trong thơ viết khi đi dương trình hiệu lực lại cho thấy tầm tư tưởng của riêng ông mà nhiều sứ thần không có được.

Các nhà nghiên cứu đều đã chú ý đến tầm nhìn sáng suốt của Cao Bá Quát, tâm trạng ưu thời mẫn thế của ông trước hiểm họa xâm lược của thực dân phương Tây thể hiện qua các bài thơ ông sáng tác trong khi đi dương trình hiệu lực. Vốn là người có tư tưởng phóng khoáng, khi đi sang Đông Nam Á, Cao Bá Quát, ông không hề có cái nhìn kỳ thị với văn hóa khác lạ. Bài thơ Dương phụ hành cho biết sự sửng sốt của ông khi được chứng kiến cảnh người phụ nữ nhưng đồng thời cũng là chứng cứ cho phép hiểu được tầm nhìn khoan dung hiếm hoi của nhà nho trước một nền văn hóa khác lạ. Không theo mô hình tư duy truyền thống của Nho gia, dễ dãi phán xét Hoa- Di đối với cái không giống mình, Cao Bá Quát quan sát một cách chăm chú và hứng thú những biểu hiện ứng xử nói lên tinh thần đề cao phụ nữ của Tây dương và chợt nhớ tình cảnh xa nhà và người vợ nơi quê nhà.

Tây Dương thiếu phụ y như tuyết, 
Độc bằng lang kiên toạ thanh nguyệt. 
Khước vọng Nam thuyền đăng hoả minh, 
Bả duệ nam nam hướng lang thuyết. 
Nhất uyển đề hồ thư lãn trì, 
Dạ hàn vô ná hải phong xuy. 
Phiên thân cánh thiến lang phù khởi, 
Khởi thức Nam nhân hữu biệt ly

(Thiếu phụ Tây Dương áo trắng phau, 
Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu, 
Ngó thuyền Nam thấy đèn le lói, 
Kéo áo rì rầm nói với nhau. 
Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay, 
Gió bể đêm sương thổi lạnh thay! 
Uốn éo đòi chồng nâng đỡ dậy, 
Biết đâu nỗi khách biệt ly này?)

Vĩnh Sính đã có một nhận xét so sánh thú vị: năm 1860, Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi)  sang Mỹ và ngạc nhiên trước phong tục tập quán hàng ngày, nhất là khía cạnh giao tế nam nữ. “Trong tự truyện của Fukuzawa Yukichi, các mẩu chuyện nho nhỏ về quan hệ nam nữ trong việc giao tế hàng ngày ở Hoa Kỳ được xếp trong phần mang tiêu đề là “Nữ trọng nam khinh” ( trọng nữ khinh nam)- một tiêu đề khá ấn tượng nhằm nói lên sự khác biệt với khuynh hướng  “Nam trọng nữ khinh” (trọng nam khinh nữ) trong xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ”. Vĩnh Sính cũng đã có lý nhận định “ trong mảng thơ văn đi sứ hay đi công cán ở nước ngoài của các sứ thần Việt Nam vào thế kỷ XIX, bài thơ của Cao Bá Quát về người phụ nữ Tây phương là một trường hợp rất hiếm hoi và có ý nghĩa bởi lẽ điều này nói lên cá tính phóng khoáng của Cao Bá Quát- không chịu bó mình trong khuôn phép Nho giáo. Chính những khuôn thước gò bó của Nho giáo đã ngăn chặn các sứ thần Việt Nam hay Trung Quốc khi đi sứ ở Tây phương quan sát hay ghi lại những điều gì có liên hệ đến nếp sống của người phụ nữ nói riêng hay sinh hoạt hàng ngày của dân chúng nói chung, mà phần lớn chỉ để ý đến các hình thức bên ngoài có tính cách lễ nghi” .  Phan Huy Lê có một nhận định quan trọng và thú vị về ấn tượng của các sứ thần Việt Nam đối với trang phục màu trắng của người Tây phương: “Dưới con mắt người Việt Nam, nét đặc sắc nhất của người Hà Lan là thích mặc y phục màu trắng, trong lúc màu trắng là màu tang phục trong phong tục của người Trung Hoa và người Việt Nam. Trong thơ văn của một số sứ giả Việt Nam như Cao Bá Quát (1808-1855), Hà Tông Quyền (1789-1839), gọi người Hà Lan là “tuyết y khách” tức khách áo trắng như tuyết.  

Cao Bá Quát cũng không giấu được cảm xúc khi chứng kiến tàu thủy chạy bằng máy hơi nước của người Hồng mao ( người Tây phương) và ông đã để lại cho đời bài thơ Hồng mao hỏa thuyền ca. Theo Đại Nam thực lục, tháng 4 năm Minh Mạng thứ 21 (1840), Đào Trí Phú và Trần Tú Dĩnh đi Giang Lưu ba mua về một chiếc tàu thủy chạy máy hơi nước, có thuê một đội nhân viên kỹ thuật nước ngoài về theo để dạy vận hành; và ngay tháng 6 năm đó vua sai đóng tàu hơi nước. Không rõ vụ đóng tàu này thành công đến đâu, điều chắc chắn là trí thức ở triều đình đã biết đến loại kỹ thuật tiên tiến này của châu Âu song ít người thể hiện cảm xúc, thái độ. Kết quả là cho mãi đến giữa thế kỷ XIX ta mới thấy một bài thơ tả thực như của nhà thơ họ Cao về loại tàu này. Đó là sự sòng phẳng trong tư duy của con người dám nghĩ một cách mới về cái mới, dám thừa nhận sự ưu việt của kỹ thuật Tây phương. Ông tả chân con tàu mình được gặp trên biển. Ở đây, chúng tôi lại xin trích dẫn lời bình xác đáng của Vĩnh Sính về bài thơ này trong tài liệu đã dẫn: 

“Trên boong tàu Phấn Bằng, nhìn “ con vật khổng lồ quái dị ” chạy bằng hơi nước đang rẽ sóng phăng phăng từ xa tiến lại, Cao Bá Quát đã sáng tác bài Hồng mao hoả thuyền ca (Bài thơ về chiếc tàu chạy bằng hơi nước của người Anh). Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà lời thơ của Cao Bá Quát trong bài này đượm vẻ khẩn trương, hùng tráng.

Cao yên quán thanh không     Khói ùn lên tuốt trời xanh,

Ổng tác bách xích đôi             Đùn lên cao ngút ba trăm thước liền,

Yêu kiều thuỳ thiên long          Rồng trời sa xuống nghiêng nghiêng,

Cương phong xuy bất khai.     Mặc cuồng phong thổi con thuyền chẳng sao !

Cao Bá Quát miêu tả khá chi tiết con tàu kinh dị này : cột tàu cao chót vót, con quay gió đứng im (nguy tường ngật lập, ngũ lạng tĩnh), ở giữa có ống khói phun khói lên cao ngất (tu đồng trung trĩ, phún tác yên thôi ngôi), bên dưới có hai bánh xe xoay chuyển liên hồi đạp sóng dồn (hạ hữu song luân triển chuyển đạp cấp lãng), guồng quay, sóng đánh tung toé ầm ầm như tiếng sấm rền (luân phiên lãng phá, ẩn kỳ sinh nộ lôi)”.

Tình cờ, nhà thơ đã đề cập đến hình thái tiền thân của ngoại giao pháo hạm của thực dân phương Tây. Năm 1840, người Anh tuyên chiến với nhà Thanh, buộc nhà Thanh mở cửa cho họ buôn bán, họ chỉ huy động 40 tàu chiến và 4000 lính từ Ấn Độ sang là đã đánh bại quân đội Mãn Thanh (năm 1842, dân số Trung Quốc khoảng 416 triệu người). Tàu thủy như là một biểu tượng về sức mạnh kỹ thuật của phương Tây buộc người phương Đông phải tỉnh ngộ, suy nghĩ. Có phải vì thực tế đó mà nhà Nguyễn hướng sang các vùng thuộc địa của Tây phương tại Đông Nam Á để tìm kiếm kỹ thuật ngõ hầu đối phó với hiểm họa xâm lăng ?

Những phát minh khoa học kỹ thuật của người châu Âu không đơn giản chỉ là kỹ thuật mà là kết quả của một nền triết học riêng, một quá trình vận động, phát triển xã hội riêng, tư tưởng chính trị riêng, quan niệm về nhân cách, về giáo dục riêng. Nhưng thời Nguyễn, các nhà nho rất hiếm người hiểu được điều đó. Người ta vẫn lấy cái nhìn thế giới truyền thống để đánh giá các phát kiến kỹ thuật của Tây phương, nghĩa là không hiểu được bản chất các phát kiến đó. Đại Nam thực lục chép, năm 1826, Minh Mạng bàn về hàn thử biểu của Tây phương như sau :Thước hàn thử vốn có độ thường, như khí trời tạnh sáng thì khí dâng lên, âm u thì khí sụt xuống, biết trước khí hậu cái ấy rất nghiệm. Nếu ấm áp mà khí xuống, âm u mà khí lên thì là khí bất chính, nhân dân dễ sinh bệnh tật. Lấy thước ấy để đo lường khí hậu thực là phép diệu. Biết xem kỹ thì suy tính không sai. . Lại vẫn là học thuyết cổ xưa về khí của phương Đông được đem đồng nhất với khoa học kỹ thuật hiện đại. Mặt khác, ở thế kỷ XIX, Minh Mạng vẫn lý tưởng hóa thời đại Lê Thánh Tông  cách đó bốn trăm năm và từng đặt câu hỏi cho triều thần so sánh thơ của mình và thơ Lê Thánh Tông thì đủ thấy những tác động về kỹ thuật của Tây phương đến tư tưởng của vua quan nhà Nguyễn mới dừng ở phần bề ngoài. Có phải vì thế mà có sự xung đột về tư tưởng giữa họ và Cao Bá Quát  để dẫn đến cuộc nổi dậy Mỹ Lương ? Chỉ biết rằng sau chuyến đi dương trình hiệu lực, Cao Bá Quát đã nghiêm khắc nhìn nhận lại cái học mà mình theo đuổi.  Trong bài thơ Đề sát viện Bùi công "Yên Đài anh ngữ" khúc hậu (Đề sau khúc "Yên Đài anh ngữ" của quan Đô sát họ Bùi), ông ghi lại nhận thức mới của bản thân khi đi ra bên ngoài: 

Ta ngã bế hộ điêu trùng, xỉ khẩu giảo văn tự 
Hữu như xích hoạch lượng thiên địa 
Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn 
Thủy giác lục hợp hà mang mang! 
Hướng tích văn chương đẳng nhi hí! 
Thế gian thùy thị chân nam tử 
Uổng cá bình sinh độc thư sử 
(
Nhai văn nhả chữ buồn ta, 
Con giun còn biết đâu là cao sâu

Tân Gia từ vượt con tầu, 
Mới hay vũ trụ một bầu bao la. 
Giật mình khi ở xó nhà, 
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi. 
Không đi khắp bốn phương trời, 
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai). 
          Những ý tưởng như thế này chưa nhiều, chưa đa dạng ở Cao Bá Quát, song chúng khẳng định tính chất đúng đắn của một hướng suy nghĩ. Không thể có được thành tựu kỹ thuật nào hết nếu không nghiêm khắc nhìn lại học vấn, nói rộng ra là giáo dục, là tư tưởng hệ, là toàn bộ cung cách tổ chức xã hội. Cao Bá Quát  đã vượt quá ấn tượng bề ngoài về văn minh Tây phương để suy nghĩ về các vấn đề cội nguồn. Ông chưa thể hiểu được bản thân xã hội Tây phương, song ông đã nhìn lại bản thân xã hội Việt Nam, truy tìm nguyên nhân lạc hậu, yếu kém. Điều này sẽ được Nguyễn Trường Tộ trình bày khá hệ thống trong các bản điều trần của ông. Nhưng Nguyễn Trường Tộ lại là một trường hợp khác. Được học chữ Hán từ nhỏ, rất hiểu văn hóa phương Đông, nhưng lớn lên ông lại được học chữ Pháp, được đi ra nước ngoài, tiếp xúc có bề sâu với văn minh Tây phương không chỉ ở các biểu hiện văn minh vật chất mà cả văn minh tinh thần từ các giáo sĩ thừa sai Pháp, trước hết là giám mục Gauthier, có cơ hội đọc các sách tân thư chữ Hán do người Tây phương và người Trung Quốc viết. So với Nguyễn Trường Tộ, Cao Bá Quát không có được những điều kiện tiếp cận cái mới như vậy song từ thực tiễn đi học, đi thi, ông lại đã có thể nhìn thấy, hiểu từ bên trong bản chất lối học từ chương, khoa cử. Ông lại là người không thành công trên đường khoa cử, lại đã sớm nhận thấy con đường khoa cử bế tắc và đáng chán ghét như đường đi qua  bãi cát dài ( bài thơ Sa hành đoản ca). Hơn hai chục năm sau đó, khi sự thất bại của hệ tư tưởng Nho giáo đã thành một thực tế không thể chối bỏ, Nguyễn Khuyến  mới bắt đầu trào tiếu mẫu hình nhà nho như một nhân vật trí thức và đến đầu thế kỷ XX, trước nguy cơ diệt chủng, các nhà Nho duy tân mới quyết liệt phê phán cái học hủ bại bát cổ văn chương túy mộng trung. Nói thế để thấy tinh thần khai sáng tự phát của Cao Bá Quát là đáng quí.  Ông là nhà nho đi trước thời đại của mình, đã chỉ ra cái nguy hiểm của lối học khoa cử, nghĩa là chỉ ra một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước.

               Nhìn chung, các nhân tố khác nhau tác động đến tư tưởng Cao Bá Quát trong chuyến đi dương tình hiệu lực là: 1) mắt thấy tai nghe các thành tựu khoa học kỹ thuật và lối sống của phương Tây ở Đông Nam Á; 2) hiểu được thực chất các chuyến đi buôn bán chỉ là hạn chế, chủ yếu thỏa mãn nhu cầu của triều đình vua quan hơn là chiến lược phát triển đất nước có bài bản, hệ thống. Từ đây, những bất đồng về tư tưởng của Cao Bá Quát đối với nhà Nguyễn hình thành và ngày thêm căng thẳng, dẫn đến hành động khởi nghĩa năm 1854.   

                                                *****

               Như đã nói, chức trách phiên dịch qua bút đàm của Cao Bá Quát dẫn ta đến ý nghĩ về vai trò của kiều dân người Trung Quốc nhà Thanh ở Đông Nam Á và việc nhà nho Việt Nam có thể đã nhìn thế giới phương Tây qua con mắt của người Trung Hoa. Ngôn ngữ trong giao lưu văn hóa có tầm quan trọng hàng đầu. Thực ra thì nhà Nguyễn cũng có ý thức đào tạo những người làm phiên dịch các thứ tiếng phương Tây.  Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ cho biết Nguyễn Hữu Quang, học trò học ở quán Tứ dịch (trường đào tạo người phiên dịch) được “ theo thuyền nhà nước đi Giang-lưu-ba học tập chữ Tây, tiếng Tây,... giao cho phái viên mang đến xứ ấy xét liệu cho ổn thoả, để tiện cho người ấy ở trọ học tập, khiến được thành tài, đợi sau hai ba năm, khi gặp có thuyền nhà nước phái đến, tuỳ tiện đưa về . Ta có quyền giả định hồi ấy, nước ta có người biết tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng số lượng rất ít ỏi. Tuy nhiên, không thấy người có Việt thế kỷ XIX dịch hay biên soạn Tân thư (một hạn chế rõ ràng về khả năng thay đổi tư tưởng) như người Trung Quốc đã làm. Có thể kể đến cuốn Doanh hoàn chí lược bằng chữ Hán được Nguyễn Trường Tộ đọc và có dẫn trong điều trần do Từ Kế Dư biên soạn xong năm 1848, xuất bản năm 1849 , hoặc nhiều sách dịch của Nghiêm Phục từ tiếng Anh sang Hán văn ở những năm cuối thế kỷ XIX. Theo Vĩnh Sính, để biên soạn một cuốn sách giới thiệu về tình hình thế giới có giá trị như vậy, Từ Kế Dư đã tham khảo sách và ý kiến của nhiều người nước ngoài lúc đó có mặt ở Trung Quốc, thông qua người phiên dịch là người Tây phương.  Nhưng không có dấu hiệu gì để nói cuốn sách này đã được Cao Bá Quát biết đến. Thời đó, đường đi của một cuốn sách từ Trung Quốc sang Việt Nam mất nhiều thời gian hơn ngày nay. Do không có  khả năng tiếp xúc trực tiếp với phương Tây về ngôn ngữ , lại chưa được đọc những sách kiểu như Tân thư sau này nên nhận thức về tư tưởng theo hướng khai sáng của Cao Bá Quát có phần hạn chế, chủ yếu mang tính chất tự phát, chủ yếu được hình thành từ: 1) cách tư tưởng có phần phóng khoáng của ông ( điều này thể hiện rõ qua thơ văn); 2) do nhạy cảm khi tiếp xúc trực tiếp với thế giới phương Tây qua các thuộc địa của họ ở Đông Nam Á. Khi về nước, ông lại sống trong không gian văn hóa- tư tưởng truyền thống. Cuộc khởi nghĩa chống triều Nguyễn của ông năm Quý Sửu, Giáp Dần 1853-1854, chưa thể gọi là cuộc cách mạng xã hội mà vẫn được tiến hành trên tinh thần Bình Dương , Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn/ Mục Dã, Minh Điều hữu Võ Thang. Đó là cuộc thay đổi theo mô hình thịnh suy, trị loạn, hưng vong hàng ngàn đời của xã hội phương Đông.

               Những tư tưởng mới lạ của Cao Bá Quát so với nhà Nho Việt Nam ở giữa thế kỷ XIX thực ra mới là kết qủa của những quan sát tiếp xúc bên ngoài, chưa phải là sự thâm nhập vào chiều sâu của hệ thống giá trị, hệ thống tư tưởng xã hội phương Tây vốn là nền tảng quyết định đến những thành tựu khoa học kỹ thuật đem lại sự đe dọa nghiêm trọng đối với Việt Nam khi đó.  Đây mới là những bước đầu tiên của quá trình giao lưu, hội nhập của Việt Nam với thế giới mà ngày nay vẫn còn tiếp tục.  

                                                              

 


[1] Xem Vũ Khiêu, Lời giới thiệu tập Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, NXB Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 23. Bản in lần thứ tư dưới tên Thơ văn Cao Bá Quát, NXB Văn học, 1997, vẫn giữ nguyên nội dung giới thiệu  này (xem tr. 32)

[2] Nguyễn Tài Thư, Cao Bá Quát, con người và tư tưởng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, tr. 46.

[3]Vĩnh Sính, Thử tìm hiểu về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát, Diễn đàn, số 137, 12/10/ 2004; Chuyển dẫn theo sách Cao Bá Quát, về tác gia và tác phẩm. NXB Giáo dục, 2006, tr. 184. Cũng có thể xem http://perso.wanadoo.fr/diendan/nouveau/u137vsinh.html 

[4]Theo Tạ Trọng Hiệp và tập Hải trình chí lược của Phan Huy Chú. Web site vannghe.free.fr

[5] Tạ Trọng Hiệp và tập Hải trình chí lược của Phan Huy Chú. Web site vannghe.free.fr

[6]Theo mục từ “Tân Gia Pha lịch sử” , “Trung Quốc đại bách khoa toàn thư”, “Ngoại quốc lịch sử”. , 国大 , Trung Quốc đại bách khoa toàn thư xuất bản xã, Bắc Kinh- Thượng Hải, 1990, quyển II, tr 1003.

[7] Mục “Singapore History from the early biginnings to the colonial era” (Lịch sử Singapore từ thời sơ sử đến kỷ nguyên thuộc địa” trên  http://www-singapore.com/singaporehistory/index.html.

[8]Vĩnh Sính, Bài đã chuyển dẫn ở chú thích 3, tr. 192-193.

[9] Phan Huy Lê, NHận thức về Hà Lan qua hồi ký của Phan Huy Chú năm 1832-1833. Sách Sư tử và rồng, bốn thế kỷ quan hệ Hà Lan- Việt Nam, Nhiều tác giả, NXB Thế giới, 2008, tr.99

[10]Dẫn theo Bùi Mộng Hùng, Ta nhìn ta, ta nhìn người. diendan.org, cập nhật 24/5/2007.

[11]Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệquyển 123. NXB Thuận Hoá, Huế 1993, tập VIII, tr. 416. Chuyển dẫn theo Bùi Mộng Hùng, Ta nhìn ta, ta nhìn người. diendan.org, cập nhật 24/5/2007.

[12] Xem “Giấc mộng chưa thành - Vài ý kiến đóng góp vào việc tìm hiểu và đánh giá Nguyễn Trường Tộ”, sách Vĩnh Sính Việt Nam và Nhật Bản : Giao lưu văn Hóa  NXB Văn Nghệ T/P HCM,  2001.

[13]Trên báo Tiếng dân số 887 ngày 24/3/ 1936, Huỳnh Thúc Kháng viết bài “Cụ Tây Hồ với việc Tây học- chuyện dật sử trong khoảng Đông học”, kể lại câu chuyện của cụ Phan Châu Trinh sau chuyến đi Nhật Bản gặp Phan Bội Châu năm 1906 về như sau : “Tôi sang Nhật Bản, đi đâu nhờ có cụ Sào Nam bập bẹ đôi tiếng, gặp người Nhật biết chữ Hán, còn mượn cây bút nói được đôi chuyện, không thì tôi ngồi đối diện với họ như là người câm. Cụ lại nói “- Lúc cụ Sào Nam và mấy người thiếu niên sang Nhật nói chuyện cầu học, Khuyển Dưỡng Nghị hỏi : - Các ông có biết tiếng Pháp không ? – Thưa chưa. – Các ông ở chung với người Pháp đã nửa thế kỷ, nước Pháp là một nước văn minh có tiếng trên thế giới, sao lại không học chữ họ ? Đó là một khuyết điểm lớn. Người Nhật chúng tôi hễ người Anh đến, chúng tôi học tiếng Anh, người Nga, người Pháp, người Đức đến, chúng tôi học tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức. Chúng tôi lại cho bọn thiếu niên trong nước sang tận xứ họ mà học nữa. Vì mình có biết tiếng họ, chữ họ, đọc được sách vở của họ, mới biết tình hình, chính thể, cùng công việc của họ mà bắt chước theo điều hay của họ chứ” ( dẫn theo Tổng tập văn học Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 2000, tập 19, tr. 41). 

Thêm một chứng cứ về vai trò của chữ Hán (qua người Hoa trung gian) trong giao tiếp Việt Nam- phương Tây được nhắc đến trong bài về chiến hạm Constitution của Mỹ cập cảng Đà Nẵng năm 1845: “Một trong số người phục dịch gốc Trung Hoa trong thủy thủ đoàn đứng làm thông dịch viên” ( xem Stevens, Benjamin. "A Cruise on the Constitution." United Service Magazine, Vol. 5 (1905), http://www.polkcounty.org/timonier/speaks/book20.html, bản dịch của Ngô Bắc, www.gio-o.com.

Nguyên nhân của việc người Việt thời đó ít chịu học tiếng của Tây dương có thể là mặc cảm tự cao tự đại, thái độ khinh thị phân biệt Hoa- Di . Sự đô hộ của Trung Hoa trên An Nam chịu trách nhiệm về đặc tính này, vốn đặt căn bản trên sự lo sợ về thái độ khinh thường được biểu lộ một cách công khai đối với các kẻ chiếm ưu thế về vũ khí, và sự khinh thị đối với đám người Man Rợ Phương Tây vốn dĩ vẫn thấp kém hơn người Trung Hoa.Điều tự nhiên là tầng lớp Sĩ Phu, thấm nhuần văn hóa Trung Hoa, hẳn sẽ phải bổ túc sự khinh thị Tây phương vào mối bất mãn của họ trước sự hủy diệt của người Pháp giới quan lại mà họ là nhân tố chính.  Họ đã nhìn như các kẻ phản bội bất kỳ ai sằn lòng cộng tác với các kẻ chinh phục – điều khiến cho người Pháp không thể nào tìm được các viên chức bản xứ giỏi giang.  Sự thù nghịch này đã mở rộng đến ngôn ngữ Pháp và ngay cả đến chữ quốc ngữ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch].  Một quan lại An Nam muốn học tiếng Pháp đã không dám làm điều đó một cách quá công khai”.  Virginia Thompson, French Indochina, New York: The Macmillan Company, 1937, các trang 434-475. Ngô Bắc dịch , www.gio-o.com.

Chữ Hán tiếp tục là “cửa sổ” tiếp xúc với thế giới của nhà Nho Việt Nam đến mãi đầu thế kỷ XX, với các Tân thư được các học giả Trung Quốc dịch từ sách phương Tây. Nó vừa là lợi khí đổi mới của dân tộc, đồng thời, vì bị lọc qua hệ thống khái niệm Hán ngữ,  có thể hạn chế khả năng hiểu đúng tinh thần nguyên bản tư tưởng Tây phương.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445570

Hôm nay

270

Hôm qua

2237

Tuần này

21179

Tháng này

211829

Tháng qua

120141

Tất cả

114445570