Diễn đàn

Văn Hóa Nghệ An Xin Một Lời Tri Ân

Vậy là tạp chí Văn Hóa Nghệ An(VHNA), bộ mới phát hành sau khi tái lập tỉnh Nghệ An đã ra được 250 số.Trên tay các quý vị là số 250, phát hành ngày 10.8.2013. Cũng vào tháng Tám này, VHNA đã chính thức ra đời với tư cách là một cơ quan báo chí chuyên nghiệp được tròn tám năm (2005 – 2013). Trong tám năm qua, VHNA đã phát hành được 188 số. Cộng với 62 số của 14 năm trước đó gộp lại thành con số 250. Con số 250 là quá nhỏ so với những gì mà đáng ra nó phải làm để xứng với quê hương xứ Nghệ địa linh nhân kiệt, để đáp ứng nhu cầu của người dân xứ Nghệ ham đọc, ham học và luôn khát khao sáng tạo. Nhưng dẫu sao, chứng ấy năm trời với con số 250 ấy cũng là một hành trình không dễ dàng nếu không nói là khó khăn.

VHNA là sự tiếp nối của Văn Hóa Nghệ Thuật Nghệ Tĩnh phát hành từ những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước, khi đang còn chung tỉnh Nghệ Tĩnh. Tháng 9 năm 1991, chia tỉnh, đầu năm 1992, VHNA ra số đầu. Từ chỗ ban biên tập kiêm nhiệm, xuất bản nhất thời, phát hành nội bộ, lõm bõm, lúc nào có bài thì in, chưa có thì thôi, từ đầu năm 2004, VHNA đã phát hành mỗi tháng một kì. Đến năm 2006 thì bắt đầu phát hành mỗi tháng 2 kì vào các ngày 10 và 25.

22 năm, 250 số, VHNA đã có nhiều cái mốc thật đáng nhớ trên hành trình của mình. Tháng 12.2002, có giấy phép xuất bản chính thức do Bộ VHTT cấp ; Tháng 1 năm 2004 bắt đầu xuất bản 1kì/tháng và phát hành qua hệ thống bưu chính ; Tháng 4 năm 2005, UBND tỉnh ra Quyết định thành lập cơ quan tạp chí VHNA ; Tháng 8 năm 2005, chính thức tách thành cơ quan riêng, chuyển trụ sở tòa soạn về 36A, Nguyễn Đức Cảnh, TP Vinh ; Tháng 10 năm 2008, bắt đầu sản xuất Tạp chí Truyền hình Văn hóa Nghệ An phát trên sóng Đài PTTT Nghệ An ; Tháng 2 năm 2010 chính thức khai trương website VHNA [http://vanhoanghean.vn ; http://vanhoanghean.com.vn].

Trên chặng dài 250 số ấy, VHNA đã từng bước nỗ lực vượt lên chính mình để mở rộng đối tượng phản ánh, nghiên cứu, từng bước vượt qua giới hạn của địa phương để tìm đến những thông tin mới từ bốn phương và đưa hình ảnh Nghệ An/xứ Nghệ đến với bạn bè trong và ngoài nước. VHNA đã và đang cố gắng để nâng dầnchất lượng thông tin, uy tín khoa học và bản lĩnh chính trị.

Khi chuẩn bị xuất bản số 250 này, những người làm VHNA chợt nghĩ ra rằng vậy là chúng ta đã có một con số trong tay, một mối thiện cảm của bạn đọc, và một chút xíu đóng góp vào đời sống văn hóa của cộng đồng.

Nhưng cũng như tất cả các tạp chí khác, cộng tác viên và bạn đọc mới là nhân vật chính của cuộc hành trình xây dựng tạp chí VHNA. Nếu không có các cộng tác viên, các nhà nghiên cứu, các nhà báo, các văn nghệ sỹ thì VHNA vẫn chưa thể bước  vào được xa lộ thông tin của cộng đồng rộng lớn và  không gian của học thuật. Và, nếu không có bạn đọc thì VHNA vẫn chỉ là những tờ giấy vô hồn, vô tác dụng.

Nhân dịp phát hành số 250, VHNA xin bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến các cơ quan lãnh đạo và quản lý, cảm ơn các cộng tác viên trong và ngòai nước, cảm ơn tất cả các bạn đọc xa gần. Chúng tôi mong mỏi tiếp  tục nhận được sự quan tâm, thông cảm và chia sẻ, cộng tác, ủng hộ của tất cả mọi người.

Nhân dịp này chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến bày tỏ các nhận định và sự quan tâm của một số cộng tác viên, bạn đọc dành cho VHNA.

Giáo sư Phạm Xuân Yêm [Pháp]:

Văn hóa Nghệ An là một trong vài tạp chí quý hiếm ở trong nước mà tôi trân trọng và đánh giá cao vì chất lượng và tính nghiêm túc của các bài vở, sự phong phú của các đề tài, kể cà những đề tài ‘’nhạy cảm chính trị’,  nói gọn là mang tinh thần kén chọn người đọc. VHNA mang lại cho tôi khá nhiều kiến thức, đặc biệt về lịch sử, văn hóa và con người, xin kể vài ví dụ: Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim, Văn học và Lịch sử Nhật bản của Nguyễn Nam Trân, Đào Hữu Dũng, cũng như bài trả lời phỏng vấn GS Nguyễn Minh Thuyết mới đây.

Hơn hết Văn hoá Nghệ An có lẽ là tạp chí duy nhất ở trong nước có tinh thần trách nhiệm cao đối với tác giả các bài đăng tải trên đó. Cá nhân tôi, như một cộng tác viên thi thoảng với VHNA, nhận thấy là không có sự cắt xén hay thay đổi câu chữ nếu không có sự đồng thuận của tác giả. Điều này nói lên sự can trường và tự tin của Ban Biên Tập.

Gs Phong Lê [Cựu Viện trưởng viện Văn học]

Hồi tôi mới vào nghề, trên cả miền Bắc chỉ có ba tờ Tạp chí là Tạp chí Văn học của Viện Văn học, Tạp chí Văn nghệ của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và Tạp chí văn nghệ quân đội, cùng một vài tờ báo tuần hoặc nhật báo có trang riêng cho văn hóa văn nghệ. Còn bây giờ là nhiều chục tờ chuyên cho văn hóa - văn nghệ; và hàng trăm tờ có trang cho văn hóa, văn nghệ. Người viết thỏa sức chọn lựa, trên các tiêu chí: có thương hiệu, có nhiều bạn đọc, có nhuận bút cao… Cả Nam và Bắc, nơi đâu cũng có báo, có đưa đón, chào mời. Thế nhưng trong nghiệp viết, từ hàng chục năm nay, tôi vẫn chọn Văn hóa Nghệ An làm một địa chỉ tin cậy, để mỗi năm có mười, hoặc dăm bài gửi gắm.[…].

Tờ tạp chí khó có tên gọi nào khác ngoài tên gọi Văn hóa Nghệ An. Thế mà bài vở lại bàn rộng ra những vấn đề chung của cả vùng (xứ Nghệ) và cả nước. Và người viết không phải là người xứ Nghệ tại chỗ hoặc xứ Nghệ rời quê, xa xứ như tôi. Có mặt trên Văn hóa Nghệ An là những cái tên quen thuộc với công chúng cả nước, và đó là ưu thế, là sức thu hút rất đáng vị nể của một tờ báo địa phương. Và đó cũng là nét riêng làm nên thương hiệu cho Văn hóa Nghệ An trong phân biệt với nhiều nơi khác trong cả nước. Đây là đặc trưng, và cũng là thử thách cho Văn hóa Nghệ An - làm sao giữ cho được vị thế đó!

Ts Võ Hồng Hải[Giám đốc sở VHTTDL Hà Tĩnh] :

Văn hóa Nghệ An (VHNA) là một cơ quan báo chí có tổ chức bộ máy riêng - đây cũng là sự khác biệt so với các tạp chí văn hóa của hầu hết các Sở VH,TT&DL trong toàn quốc. Dù biên chế chưa nhiều, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn hạn chế nhưng có một số cá nhân rất am hiểu về văn hóa, tâm huyết với nghề nghiệp và làm báo khá chuyên nghiệp.

VHNA cũng là một trong những tờ tạp chí văn hóa địa phương đầu tiên ngoài bản in 2 số/tháng còn tham gia cộng đồng báo mạng. Với cá nhân tôi, vừa thích lưu trữ các bản in của VHNA, vừa thỉnh thoảng truy cập bản điện tử để tham khảo tư liệu.

Vượt qua giới hạn của một tạp chí cấp sở, VHNA đã thu hút được sự cộng tác và quan tâm của rất nhiều học giả trong và ngoài nước – có lẽ điều này không chỉ là mong ước của những cán bộ quản lí ngành ở địa phương như chúng tôi mà còn là khao khát của nhiều BBT tạp chí chuyên ngành.[…].

Gs, Ts Hồ Sỹ Quý [Giám đốc Viện Thông tin Khoa học xã hội]:

Tạp chí “Văn hóa Nghệ An” mấy năm gần đây được thừa nhận đã khởi sắc hơn, không phải là “hot” theo kiểu thời thượng, cũng không phải là “hàn lâm” theo kiểu ông đồ, mà là nghiêm túc và giản dị, bám chặt thực tế, cả thực tế kinh tế - xã hội lẫn thực tế đời sống tinh thần. Bạn đọc xa gần hỏi nhau tìm đọc, tìm cả bản in và bản Online. Nhiều bài viết được giới cầm bút mách cho nhau trong tâm thế trân trọng, suy ngẫm và chừng mực khi phát xét. Không ít cây bút là nhà giáo, nhà nghiên cứu… có uy tín, trước kia ít viết bài cho báo chí các tỉnh thành, nay cũng muốn đăng bài trên Văn hóa Nghệ An.

Cảm nhận này không phải chỉ có ở riêng tôi. Phạm vi, tầm ảnh hưởng, trách nhiệm xã hội và nhất là hàm lượng tri thức của Văn hóa Nghệ An, rõ ràng, đã vượt qua khuôn khổ của một tờ tạp chí địa phương, mặc dù tạp chí của địa phương nào, và Văn hóa Nghệ An trước đây cũng thế, luôn được phát hành trong cả nước và quốc tế nữa.

Làm báo, làm tạp chí thời nào cũng khó; thời nay còn khó hơn. Trong khung cảnh ấy, Văn hóa Nghệ An cũng còn không ít chỗ chưa làm thỏa mãn bạn đọc. Tuy nhiên, có được một tờ tạp chí có hàm lượng tri thức như Văn hóa Nghệ An, không né tránh trách nhiệm xã hội, không buông thả để chiều lòng các lớp độc giả nào đấy… chắc chắn đã là một đóng góp cho tiến bộ xã hội hôm nay.

Nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo[ Hoa Kỳ]:

Xuất bản một nguyệt san văn hóa cho cả nước là một việc quan trọng, cần công sức của nhiều người ; Riêng văn hóa Nghệ an, một tạp chí văn hóa địa phương xuất bản nửa tháng một kỳ, lại có báo mạng ra hàng ngày, thì lại càng khó khăn gấp bội. Tuy khó nhưng tạp chí đã đứng vững hàng chục năm, với đủ các chuyên mục về các lãnh vực phổ quát và đặc thù. Về phổ quát, tạp chí đề cập đến không gian rộng quốc nội, quốc tế, thời gian từ xưa đến nay, với các chuyên mục như văn hóa và đời sống, Những góc nhìn văn hóa, Cửa sổ văn hóa, Văn hóa học đường. Về đặc thù Nghệ Tĩnh phải kể đến các mục : Đất và người xứ Nghệ, Xứ Nghệ ngày nay…[…].

Hình như người Nghệ Tĩnh có khuynh hướng ưa làm việc khó. […]. Tôi nghĩ là các anh chị làm ở tạp chí Văn hóa Nghệ An đang là những người như vậy. Văn hóa Nghệ An, như tôi và rất nhiều bạn bè tôi biết, và đánh giá, là một trong những tờ nổi tiếng nhất cả nước hiện nay mà những người xa quê như chúng tôi rất quan tâm, rất cần đọc./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513229

Hôm nay

215

Hôm qua

2315

Tuần này

21166

Tháng này

220102

Tháng qua

121356

Tất cả

114513229