Như vậy là từ năm học 2013 – 2014, cả hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được học PCTN. Trong phạm vi hiểu biết của mình, chúng tôi cho rằng việc đưa chương trình PCTN vào trường THPT là một việc làm hình thức, duy ý chí gây lãng phí lớn.
Thứ nhất, tham nhũng về bản chất là một loại hình tội phạm, một hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến những người có chức có quyền. Việc giảng dạy cho HS THPT nội dung này là không phù hợp về mặt lí luận cũng như thực tiễn. HS THPT cần tiếp thu những tri thức khoa học phổ thông, cơ bản, những kĩ năng cần thiết để học tiếp hay vào đời. Nội dung PCTN chỉ cần thiết đối với những SV thuộc lĩnh vực pháp luật, nội chính, công an…, những người tham gia quản lí, điều hành và vận hành bộ máy công quyền. Đối với công dân, cần trang bị những kiến thức pháp luật phổ quát, chứ không phải là một nội dung tội phạm chuyên biệt.
Nội dung PCTN xa lạ với sự hiểu biết, sự quan tâm, đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi HS THPT, chương trình không rõ ràng, không gắn với kiểm tra, đánh giá, thi cử, nên khó mà có hiệu quả.
Thứ hai, chương trình dạy học hiện nay đã rất quá tải. HS phải học quá nhiều, đa số các em còn tập trung học thêm các môn để thi đại học nhằm tìm kiếm việc làm, chỗ đứng trong xã hội sau này. Sự phân hoá môn “chính”, môn “phụ” trong nhà trường phổ thông từ lâu đã hết sức sâu sắc và ngành giáo dục đang bất lực. Ngay cả các môn “chính” như Văn – Sử - Địa…các em cũng không học. Môn GDCD càng bị coi nhẹ. Nay lại nhồi thêm món “PCTN” vào môn GDCD, e rằng HS chẳng thể tiêu hoá nổi.
Ngay bản thân môn GDCD và đội ngũ GV môn này đã bị quá tải. Trong trào lưu “tích hợp” và dạy “kĩ năng sống”…tất tần tật đều được “tích hợp” vào môn GDCD: giáo dục môi trường, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, tư vấn sức khoẻ sinh sản, kĩ năng sống, các cuộc thi tìm hiểu…và bây giờ là “PCTN”. Mặc nhiên môn GDCD và GV môn này được xem như một vị thuốc “xuyên tâm liên”, người GV dù có năng động, giỏi giang đến mấy cũng khó mà cập nhật đủ thông tin các lĩnh vực để hoàn thành nhiệm vụ. Điều lạ là dù có được/bị giao bao nhiêu nhiệm vụ, các trường, các GV bộ môn đều nhận, đều làm (vì không nhận không xong) và đều hoàn thành, nhưng hiệu quả thì…hồi sau sẽ rõ. Nhìn vào các báo cáo thì các trường đều hoạt động rất đầy đủ, nhưng thực tế ra sao thì…chỉ người trong cuộc mới biết. Việc duy trì môn “dạy nghề” và “thi nghề” (thực chất là để lấy điểm ưu tiên) ở các trường phổ thông hiện nay cho thấy căn bệnh hình thức, giả dối đã đến mức bó tay.
Với một “mô hình” như thường lệ, sau khi có chủ trương, các Sở, các trường sẽ tổ chức tập huấn, phổ biến tài liệu, rồi dạy thí điểm, triển khai đại trà, sơ kết, tổng kết, khen thưởng…Một số tập thể, cá nhân còn tổ chức hội thi, biểu diễn văn nghệ, viết sáng kiến kinh nghiệm khá rầm rộ. Mọi việc tiến hành rất bài bản, GV không muốn làm cũng không xong, HS không muốn học cũng phải học, và có học được hay không…không quan trọng, miễn là có số liệu, có báo cáo đầy đủ lên cấp trên. Dĩ nhiên sẽ tốn kém, cả về tiền bạc, công sức, thời gian của rất nhiều người.
Thứ ba, dường như trong chủ trương dạy PCTN cho HS đã thể hiện xu hướng bất lực, “chuyền bóng trách nhiệm” cho thế hệ trẻ. Tham nhũng là lỗi của người lớn, sao lại dạy cho trẻ con cách phòng chống? Sao người lớn không chống đi mà lại dạy cho trẻ con; người lớn còn làm không xong nữa là? Những câu hỏi ấy chắc sẽ làm nhiều người lớn, thầy cô lúng túng.
Bài học quí giá nhất, cần thiết nhất, có giá trị hơn tất cả các bài giảng về PCTN mà mỗi thầy cô, người lớn và quan chức dạy cho thế hệ trẻ chính là tấm gương liêm chính, trung thực, nhân văn của chính mình. Một khi trong trường vẫn còn hiện tượng lạm thu, phân biệt đối xử, vẫn còn hiện tượng hiệu trưởng bớt xén tiền ăn của học sinh, ép buộc HS học thêm để thu tiền hay lạm dụng quyền lực để vụ lợi, nâng khống giá công trình như vụ “nhà vệ sinh dát vàng” ở Quảng Ngãi…thì những bài giảng về đạo đức, PCTN sẽ vô nghĩa và trở thành phản cảm.
Thiết nghĩ, trước khi dạy cho HSSV về PCTN, ngành giáo dục nên có giải pháp đấu tranh xoá bỏ hoàn toàn hiện tượng tham nhũng trong chính nội bộ của mình, trong mỗi cơ cở, mỗi cơ quan quản lí giáo dục.