Văn hoá học đường

Mô hình [giáo dục] lý tưởng: Dụ ngôn hang động

Bắt đầu cuộc hành trình, chúng ta dành ba kỳ để làm quen với Platon và mô hình triết thuyết giáo dục "duy tâm" của ông. Theo nghĩa thông thường, "duy tâm" là kẻ dành hết năng lượng cuộc đời cho việc theo đuổi lý tưởng mà mình xác tín là tốt lành và cần thiết. Theo nghĩa triết học, là những ai cho rằng chính thế giới tinh thần hay tâm linh là căn nguyên hơn thế giới của hiện tượng vật chất. Người kết hợp cả hai ý nghĩa ấy là Platon (427-347 tr CN), và triết học giáo dục của ông vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến nền giáo dục hiện đại hơn ta tưởng.

GIÁO DỤC: CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ

Cộng Hòa, danh tác tầm cỡ thế giới của Platon (bản tiếng Việt của Đỗ Khánh Hoan, NXB Thế giới, 2012) bàn về lẽ công bằng và hình thức nhà nước thiện hảo. Tác giả dành quyển thứ bảy để phát họa cương lĩnh giáo dục và trở thành một trong những văn bản xưa nhất và quan trong nhất trong lịch sử tư tưởng giáo dục Tây phương.

Socrates (thay lời Platon) mở đầu câu chuyện: "Bạn thử hình dung đoàn người ở trong một hang sâu dưới lòng đất có lối đi lên trên. Từ bé, họ đã bị trói chặt, ngồi một chỗ, đầu không thể quay ra sau. Sau lưng họ có ánh lửa. Giữa đống lửa và đám tù nhân là một bức tường thấp. Dọc theo bức tường là những người dương cao những đồ vật đủ loại..."

Khi Glaucon, người đối thoại với Socrates, kinh ngạc trước hình ảnh mô tả lạ lùng ấy, Socrates đáp lời: có gì lạ đâu, họ giống hệt chúng ta thôi! Như những tù nhân, ta không hề thấy được những sự vật chân thật mà chỉ có thể xem những hình bóng phản chiếu trước mặt là thực tại duy nhất. Socrates hỏi tiếp: nếu một người trong bọn họ được cởi trói và buộc phải đột ngột đứng phắt dậy, đi về hướng ánh lửa, mọi cử động khiến thân đau, mắt lóa. Bạn nghĩ người đó sẽ nói gì khi được cho hay rằng những gì thấy trước đây đều không thực, còn bây giờ đến gần sự thực hơn? Chắc hẳn người ấy sẽ đồng ý, nhưng ta đừng quên điểm ít được chú ý khi bình giảng đoạn này: người tù nhân tuy được "giải phóng", nhưng đã bị "buộc phải" đứng dậy, quay đầu, chịu "thân đau mắt lóa"! Ta mơ hồ hiểu ra rằng con người không dễ dàng từ bỏ sự an phận, và tiến trình giáo dục không thực sự diễn ra một cách hoàn toàn "tự nguyện": nếu buộc anh ta phải nhìn thẳng vào ngọn lửa, mắt anh ta sẽ bị đau, sẽ tránh né và tìm cách quay lại với hoàn cảnh cũ. Rồi nếu tiếp tục bị ép buộc kéo đi lên lối mòn dốc ngược lởm chởm cho tới khi thấy ánh sáng mặt trời (chứ không phải chỉ ánh lửa), người đó sẽ vùng vằn, chống đối quyết liệt!

Hậu quả cũng không mấy vui vẻ khi phải trở về lại hang động với những người "bạn tù vĩnh cửu": mắt người ấy liệu không bị lòa lần thứ hai vì đột ngột đi vào bóng tối? Tệ hơn nữa: trong thời gian chờ thích nghi trở lại, người ấy không tự biến mình thành trò cười? Bạn tù chế nhạo, bảo việc lên cao rồi trở về khiến mắt bị hỏng, nên việc lên cao như thế thật chẳng bỏ công! Và còn nguy hiểm hơn: nếu vì nhiệt tâm muốn cứu vớt bạn tù mà cởi trói, dẫn họ đi lên, thì, "nếu tóm được người nhiệt tâm ấy, liệu họ có giết chết tức thì?". Glaucon buồn bả trả lời: "Họ làm thế thật!". Chính Socrates bằng xương bằng thịt là nạn nhân chứ không ai khác!

SÁU KÍCH THƯỚC GIÁO DỤC TRONG DỤ NGÔN HANG ĐỘNG

Dụ ngôn hang động nổi tiếng trên đây của Platon có ít nhất sáu kích thước giáo dục;

1.      Dụ ngôn xuất phát từ sự đối lập giữa ánh sáng của chân lý và bóng tối hang động của thường kiến, tư kiến. Tiến trình giáo dục xoay quanh sự khác biệt ấy, và được diễn tả ngắn gọn bằng sự đối lập giữa biếttin.

2.      Giáo dục được hiểu là cuộc đấu tranh "gian nan, cực nhọc" cho chân lý. Thoạt đầu, con người phải bị buộc phải hướng đến chân lý, và, khi đã đến gần, phải học cách bảo vệ và chiến đấu cho nó.

3.      Giáo dục có nghĩa vụ thực hành, bởi không thể sống lâu dài trong cõi ý niệm thuần túy, tách rời thế giới con người.

4.      Cần nhận chân hai thế lực: sức mạnh của chân lý được biểu trưng bằng ánh sáng, và sức mạnh còn ghê gớm hơn của thói quen, định kiến và sự mù quáng.

5.      Tiến trình giáo dục liên quan trước hết đến từng cá nhân con người, trước khi trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến. Tiến trình giáo dục cũng là công cuộc cô đơn, thường không phải hoàn toàn tự nguyện, và gắn liền với nhiều nguy cơ lẫn hệ quả tiêu cực. Tiến trình giáo dục, nói như Helmuth Plessner khi tiếp thu dụ ngôn hang động, không chỉ là tiến trình mở rộng, dị biệt hóa và ngày càng đào sâu hơn, mà còn là tiến trình mất mát và bất an: "Ai muốn "về nhà" an toàn và ấm cúng, hãy hiến mình cho lòng tin. Ai muốn sống chung với tinh thần, thì một đi không trở lại!". Platon: "giáo dục không phải như những gì nhiều người chỉ biết ca tụng một chiều". Ta nhớ lời tương tư trong Thánh kinh: "Chân lý sẽ làm cho các ngươi được tự do", chứ không phải: "chân lý sẽ làm cho các ngươi được hạnh phúc!".

6.      Tiến trình giáo dục là không thể đảo ngược. Một khi đã tận mắt "thấy ánh sáng mặt trời", con người không thể tiếp tục an phận với cuộc sống tối tăm "trong hang động" trước đây. Khi đã một lần nếm quả ngọt từ "cây tri thức", con người đánh mất sự ngây thơ hồn nhiên vô tội và muốn... tiếp tục ăn nữa!

GIÁO DỤC LÀ NGHỆ THUẬT CHUYỂN HÓA

Con người có thể bị "thân đau, mắt lóa" theo hai cách và do hai nguyên nhân khác nhau: từ bóng tối ra ánh sáng và từ ánh sáng vào lại bóng tối. Giáo dục là biết tinh tế phân biệt và đồng cảm với hai trạng thái chỉ giống nhau ở bề ngoài ấy.

Giáo dục, theo Platon, không phải "đưa hiểu biết vào tâm trí như đem thị giác vào cho cặp mắt bị mù". Trái lại, năng lực học hỏi là tự nhiên trong tâm trí mọi người. Vấn đề là: giống như con mắt không thể xoay từ bóng tối sang ánh sáng nếu toàn bộ cơ thể không xoay, vì thế, tâm trí cũng phải xoay toàn bộ từ thế giới biến dịch cho tới khi có thể nhìn thẳng vào thực tại chói lọi hơn hết trong mọi thực tại, mà ta gọi là Chân và Thiện. Vậy, giáo dục là nghệ thuật thực hiện công việc nói trên, là nghệ thuật chuyển hóa. Giáo dục phải trù tính phương pháp làm thế nào để tâm trí có thể xoay chuyển dễ dàng và hữu hiệu, tránh xoay không đúng cách và nhìn không đúng chỗ.

Nếu ta nhìn dụ ngôn hang động với con mắt ít nhiều hoài nghi, ta tự hỏi: Ai xác định cái gì là "bóng tối", cái gì là "ánh sáng"? Từ đâu biết có con đường ra khỏi hang động? Hay vẫn chỉ là "lòng tin" đơn thuần? "Khai minh" phải chăng lại là một "bóng tối" khác? Và kỳ cùng, tại sao cứ "bóng tối" và "cuộc sống với bóng tối" là xấu?

Platon nghĩ gì về những câu hỏi ấy, từ bối cảnh lịch sử của thời đại ông?

 

Bài đã đăng Người Đô Thị, Bộ mới, số 4, 10.10.2013

Bản tác giả gửi cho VHNA

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434980

Hôm nay

2251

Hôm qua

2349

Tuần này

21630

Tháng này

212028

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434980