Góc nhìn văn hóa

95 năm văn hóa Đảng

Văn hóa Đảng, văn hóa trong Đảng hoặc xây dựng Đảng về văn hóa hiện chưa có sự phân định rạch ròi, tạm hiểu như nhau. Văn hóa Đảng là bàn về cái đẹp, cái giá trị, hạt ngọc lung linh tỏa sáng trong Đảng được thể hiện ở đường lối, cương lĩnh, tổ chức, phương pháp, con người, v.v… Văn hóa Đảng phản ánh sự thích ứng, ứng xử, nhân cách, trách nhiệm, bổn phận, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, tự nhận biết mình và vượt lên chính mình, v.v… làm thành bản sắc của đường lối, tổ chức và con người. Theo đó, vấn đề đặt ra cho nghiên cứu, trao đổi là rất lớn. Bài viết chỉ phác thảo mấy điểm tâm đắc.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã bàn và quyết nghị về công tác xây dựng Đảng vừa cơ bản, lâu dài vừa tập trung trọng tâm, cấp bách và hợp lòng dân. Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hồ Chí Minh với văn hóa Đảng

Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh quan tâm đến văn hóa Đảng từ rất sớm mặc dù Người không dùng cụm từ “văn hóa Đảng”, “văn hóa trong Đảng” hay “xây dựng Đảng về văn hóa”. Lần duy nhất Người dùng khi viết “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” được coi là trực tiếp bàn về xây dựng Đảng về văn hóa. Bây giờ nói về văn hóa Đảng là cách hiểu của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam. Bàn về văn hóa Đảng là có lý, bởi vì căn cứ theo mấy trăm định nghĩa về văn hóa của nhân loại và qua cách viết, nói của Hồ Chí Minh thì rõ ràng trong di sản của Người có văn hóa Đảng, văn hóa trong Đảng và xây dựng Đảng về văn hóa.

Sớm nhất với ý nghĩa “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là khi Đảng ta ra đời, Hồ Chí Minh khắc ghi trên lá cờ của Đảng “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó chính là ánh sáng văn hóa Đảng soi rọi cho dân tộc ta đi suốt 95 năm qua. Cương lĩnh vắn tắt chứa đựng nội dung sáng rõ, là sợi chỉ đỏ xuyên qua pho lịch sử bằng vàng của Đảng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua chặng đường đầy hy sinh, gian nan, vất vả, đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác và đạt được thành tựu to lớn như ngày nay. Trong bước hiểm nghèo dân ta “một cổ hai tròng” dưới ách đè nén của Pháp và Nhật, để thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn, Hồ Chí Minh đã thay đổi chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc với hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đó là sự đổi mới, sáng tạo mang chất lượng văn hóa cao, vì nếu không vậy thì quyền độc lập của dân tộc đến vạn năm cũng không đòi lại được. Hồ Chí Minh sáng lập ra Mặt trận Việt Minh, huy động cao nhất lòng nồng nàn yêu nước, ý chí, khát vọng của con Lạc cháu Hồng. Đó là những nét đặc sắc thể hiện sự sáng tạo, trí tuệ bản lĩnh, đậm dấu ấn, cốt cách, diện mạo, sắc thái văn hóa Hồ Chí Minh. Những dấu ấn văn hóa nổi bật đó đã đem lại thành quả sự ra đời của một chế độ mới, chế độ Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử, dưới ánh sáng văn hóa của Đảng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Nhân dân giành được chính quyền trong cả nước. Đúng như sau này Hồ Chí Minh tổng kết “văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”.

Với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh nghĩ ngay đến tương lai, bàn những nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa chiến lược lâu dài, chủ yếu là nhiệm vụ văn hóa như chống giặc dốt, đem lại dân chủ cho Nhân dân, thực hiện cần kiệm liêm chính, đoàn kết lương giáo…Trong hoàn cảnh đất nước “ngàn cân treo sơi tóc” Hồ Chí Minh nói rõ mong muốn đưa Việt Nam theo kịp các nước trên hoàn cầu, bước tới đài vinh quang, sải bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu. Câu chuyện của 80 năm trước bây giờ Đảng ta đang bàn thảo, quyết tâm thực hiện tỏ rõ tầm nhìn văn hóa, khát vọng, niềm tin của Hồ Chí Minh.

Đối với Hồ Chí Minh, mọi điều phải được nhìn nhận và giải quyết bằng hệ quy chiếu văn hóa. Trong điều kiện Đảng phải hoạt động bí mật, nhưng ánh sáng của Đảng vẫn phải rọi chiếu thấu suốt mọi mặt của đất nước. Giữa khói đạn và âm mưu tái chiếm nước ta một lần nữa của kẻ thù, Hồ Chí Minh - với tư cách Chủ tịch Đoàn thể (Đảng) và người đứng đầu Chính phủ - không quyết định “mài gươm soạn súng” mà tổ chức Hội nghị văn hóa ngay giữa thủ đô. Một suy nghĩ và hành động “vô tiền khoáng hậu” mà sức mạnh trường tồn của nó vượt thời gian, vẹn nguyên giá trị đến ngày nay. Đó là văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Văn hóa sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa làm cho ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Theo tinh thần Hồ Chí Minh, số phận dân ta là ở trong văn hóa, nên văn hóa phải soi đường, lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ.

Nỗi trăn trở, bận tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh là xây dựng văn hóa Đảng khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Người hiểu rõ cán bộ có quyền mà không giữ được đạo đức cách mạng là hỏng. Quyền lực có hai mặt tốt và xấu. Khi quyền lực bị tha hóa sẽ làm hỏng cán bộ và nguy cơ cho sự tồn vong của Đảng. Vì vậy, bước vào kháng chiến chưa được một năm, Người đã tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên sửa đổi lối làm việc. Người phê bình nhận thức, lối làm việc thiếu văn hóa, mang bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi, ba hoa. Nhiều cán bộ chỉ thấy Đảng, Chính phủ mà không thấy dân; chỉ thích quan chủ mà không muốn dân chủ; chỉ thích “đè dầu dân, cưỡi cổ dân” mà không muốn “cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”; chỉ thích ngồi trong phòng giấy viết chỉ thị nghị quyết rồi đem “cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo” mà không muốn xuống cơ sở, đến với dân; v.v…

Đáng phê phán nhất là một số cán bộ không còn tư cách và đạo đức cách mạng, tha hóa về văn hóa. Từ đó Hồ Chí Minh yêu cầu phải thấm sâu văn hóa Đảng như thật thà phê bình và sửa chữa; làm tròn bổn phận cán bộ, đảng viên của một Đảng chân chính. Bao trùm và xuyên suốt đó là tư cách của Đảng chân chính cách mạng mà hàng đầu là “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Hàm lượng văn hóa của Đảng và đảng viên là phải tự thấy mình là một phương án chưa hoàn chỉnh, nên phải “luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của Nhân dân đối với Đảng”[1].

Chẳng có văn hóa nào chỉ có ưu điểm và chính vì văn hóa nào cũng có hạn chế nên mới có chuyện tu dưỡng về văn hóa. Bằng cách tiếp cận đó, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Đảng phải có gan thừa nhận khuyết điểm, tìm nguyên nhân sinh ra khuyết điểm, bàn biện pháp sửa chữa khuyết điểm. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Đảng viên, cán bộ cũng vậy. Người có văn hóa là phải tự biết cái tốt cái xấu trong lòng, mà cái xấu phổ biến là chủ nghĩa cá nhân. Đó là một thứ vi trùng rất độc đẻ ra hàng trăm thứ bệnh. Cán bộ, đảng viên muốn cải tạo xã hội thì trước hết phải biết tự cải tạo mình. Mình bẩn mà muốn xã hội sạch là vô lý. Phải “tu thân chính tâm” thì mới có thể “trị quốc bình thiên hạ”, tức là làm những việc ích quốc lợi dân. Nói chữ là văn hóa phê bình bao gồm cả tự phê bình và phê bình trong Đảng. Đây là một mấu chốt trong văn hóa Đảng mà Hồ Chí Minh nêu một sự gương mẫu tuyệt vời. Trước hết là tự phê bình theo truyền thống “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nhưng không phải chỉ có tự phê bình mà còn phải phê bình theo lời ông cha “thuốc đắng dã tật, sự thật được việc”. Sự thật là phê bình, mà ý nghĩa ngày càng to tát, nhất là cấp trên để cấp dưới phê bình theo gương Hồ Chí Minh. Người nói: “Tôi làm điều xấu các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”[2].

Tiếp cận văn hóa thì phải nhận thức con người Việt Nam là con người bổn phận. Mỗi chúng ta có bổn phận với rất nhiều mối quan hệ, tầng nấc khác nhau, nhưng cao nhất, quan trọng nhất, trên hết, trước hết phải là bổn phận với Tổ quốc và Nhân dân. Tổ quốc - Đất nước với người Việt Nam là máu thịt, là cái chúng ta tự xây đắp bằng mồ hôi, xương máu của mình. Nói về bổn phận của con người Việt Nam thì cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm, bổ phận cao nhất, vì họ có sứ mệnh “đi trước” để Nhân dân noi theo. Họ tốt thì Nhân dân được hưởng. Họ hỏng, suy thoái thì Nhân dân không được nhờ mà còn có hại đến lòng tin của Nhân dân với Đảng. Mà từ suy giảm đến mất lòng tin là mất một gia tài văn hóa lớn, mất tất cả. Muốn làm tròn văn hóa bổn phận thì phải trau dồi nhân cách, tức là trở về đúng nghĩa gốc của culture. Đây là điều Hồ Chí Minh trăn trở, bận tâm ngay từ phác thảo Đường cách mệnh bàn về tư cách của người cách mệnh đến Sửa đổi lối làm việc bàn về tư cách của Đảng chân chính cách mạng và tư cách, bổn phận, phận sự của đảng viên và cán bộ. Cán bộ, đảng viên không thường xuyên vun bồi nhân cách, để mất nhân cách trở thành những “ông quan liêu, “quan cách mạng”, những “cán bộ nhát gan, dễ bảo”, “đập đi, hò đứng không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”[3].

Hồ Chí Minh suy nghĩ về văn hóa Đảng cầm quyền đến tận cuối đời. Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Người để tâm nhiều vào xây dựng văn hóa Đảng cầm quyền. Tầm nhìn và cách nhìn của Hồ Chí Minh ở chữ “quyền”. Người nhận thức rõ, sâu sắc cán bộ các cơ quan, đoàn thể ít nhiều đều có quyền, “cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”[4]. Cán bộ có quyền mà không giữ được đạo đức cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh không quên khẳng định lại nhận thức đó trong bản Di chúc bằng việc lý giải mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức, một điểm mấu chốt để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Người dặn rằng Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân.

Văn hóa Đảng trong công cuộc đổi mới

Đổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới. Nhận thức như vậy để thấy rằng bước vào đổi mới và xuyên suốt 40 năm qua, Đảng ta rất quan tâm tới văn hóa Đảng, xây dựng văn hóa trong Đảng. Điểm mở đầu có tính đột phá đó là thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Chỉ có một Đảng chân chính cách mạng, là đạo đức, là văn minh theo chỉ dẫn của người sáng lập là Hồ Chí Minh thì mới có được một hàm lượng văn hóa Đảng cao như thế khi bắt đầu đổi mới. Cần phải khẳng định rằng nhờ thái độ văn hóa như vậy, chúng ta mới có được những thành tựu như ngày hôm nay. Lúc nào, ở đâu, hàm lượng đổi mới bị giảm sút, không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, tìm cách phát huy ưu điểm, khắc phục sai lầm, khuyết điểm là phải trả giá, dẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại. Mặt khác, nôn nóng, chủ quan, duy ý chí, giáo điều, không nhận thức và hành động theo quy luật khách quan cũng phải trả giá đắt.

Đổi mới đi vào chiếu sâu, Đảng ta ngày càng nhận rõ sức mạnh, vai trò, sứ mệnh của văn hóa Đảng, trong đó đáng chú ý là nhiệm kỳ nào Đảng cũng tự kiểm điểm rút ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng nói rõ trong Cương lĩnh 2011: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên”[5].

Một điểm nhấn trong xây dựng văn hóa Đảng thời kỳ đổi mới là Đảng ta đề ra chủ trương đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là cách làm để trau dồi nhân cách, văn hóa bổn phận của cán bộ, đảng viên theo gương Hồ Chí Minh. Thái độ đổi mới cách mạng, khoa học của Đảng ngày càng cao. Sự phát triển của tri thức, trí tuệ nhân loại giúp Đảng ta, một Đảng trí tuệ, bản lĩnh ngày càng tỉnh táo nhận ra mình, tự biết mình phải làm gì để vượt lên chính mình, không tụt hậu, không bị thế giới vượt mặt. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021 đến nay, góc nhìn văn hóa của Đảng ngày càng mở rộng. Đảng nhìn ra những “điểm nghẽn”, “lỗ hổng”, “kẽ hở” và nêu quyết tâm đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đảng phát hiện ra sự cồng kềnh, chồng chéo, lấn sân, cản trở, ách tắc, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, lãng phí, kìm hãm sự phát triển, buông lỏng trong lãnh đạo, quản lý với tư duy “không quản được thì cấm” hoặc “không biết cũng quản”. Những suy nghĩ và cách làm hàng chục năm qua thâm căn cố đế trong một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương, của cán bộ, đảng viên làm lạc với nhịp bước của thời đại, lỡ cơ hội phát triển, v.v… Người đứng đầu Đảng ta chỉ rõ: “So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới và trái với quy luật phát triển”[6]. Đây là tư duy, nhận thức có hàm lượng, chất lượng khoa học cao bởi Đảng ta đã nhận ra những cái cũ, mô hình cũ bất hợp lý, không còn phù hợp; nhận ra những gì trái quy luật và đề ra phải quyết liệt đổi mới, đột phá, bứt phá, tăng tốc; phải nỗ lực phi thường, cố gắng vượt bậc, không được chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Phải coi tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng. Mà cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Nỗ lực đổi mới như đã nêu là tốt, nhưng hoàn toàn đủ. Hiện nay rất cần quyết liệt hơn nữa “xây” và “chống” nhiểu mặt, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” với “chống”, mà “xây” là nhiệm vụ chủ yếu, lâu dài. “Chống” dù mạnh mẽ, hiệu quả đến mấy cũng chỉ mới trở về với vạch xuất phát. Trong lúc đó đất nước rất cần giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Xây cái mới để giá trị của cái mới chiến thắng cái cũ mới đích thực thể hiện sự phát triển khách quan của văn hóa. Chống lười biếng mà không xây đức “cần”; chống lãng phí mà không xây đức “kiệm”; chống bất liêm mà không xây đức “liêm”, chống bất chính mà không xây đức “chính”; chống chủ nghĩa cá nhân mà không xây phẩm chất “chí công vô tư”; chống thói vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né trách nhiệm mà không xây văn hóa trách nhiệm, bổn phận, v.v… thì rõ ràng kết quả chỉ được một nửa, thậm chí không được một nửa, vì đích cuối cùng của chúng ta là xây dựng một xã hội văn minh, văn hóa cao “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Dân tộc vươn mình, đất nước vươn tầm để đi cùng thời đai, sánh vai với các cường quốc năm châu không phải là chuyện mới. Đó là đòi hỏi khách quan của lịch sử, của đất nước, khát vọng của Nhân dân mà từ sớm Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chúng ta. Ngay từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Người đã chỉ ra rằng: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng đắn, hôm sau đã không hợp thời nữa, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn vượt đi trước”[7].

Những gì đang chuyển động trong văn hóa Đảng hôm nay là chúng ta đang đích thực trở về với tư tưởng xây dựng Đảng về văn hóa trong di sản Hồ Chí Minh.

B.Đ.P

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Ất Tỵ - Tháng 01/2025)

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.290.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.260.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.320.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.127.

 

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.64.

[6] Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 05/11/2024.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.28.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114535052

Hôm nay

288

Hôm qua

2398

Tuần này

2914

Tháng này

2114318255

Tháng qua

120069

Tất cả

114535052