Góc nhìn văn hóa

Bác Hồ với tình yêu tiếng Việt

      Bác Hồ - Tấm gương về giữ gìn sự trong sáng Tiếng Việt. Ảnh tư liệu                               

Tiếng Việt là ngôn ngữ của dân tộc, là linh hồn, khí phách của con người Việt Nam, là một sản phẩm văn hóa Việt Nam. Yêu nước đồng nghĩa với việc gìn giữ, phát huy, phát triển tiếng nói Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm việc nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và làm phong phú hơn ngôn ngữ tiếng Việt. Bác là người làm cho tiếng Việt trở nên giàu đẹp và cũng chính là "người yêu nước nhất trong những người yêu nước".

Mỗi câu chuyện, bài viết, lời nói của Bác đều có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nhắc nhở chúng ta biết trân quý, gìn giữ tiếng nói của cha ông. Bác không những là nhà quân sự thiên tài mà còn là nhà báo, nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Vì thế, đối với Bác, việc sử dụng ngôn ngữ rất mẫu mực. Gửi thư thăm hỏi, động viên Bộ Tư lệnh Phòng không, Bác viết: "Hà Nội chưa có pháo cao xạ, như nhà chưa có nóc". Lời lẽ giản dị mà rất rõ ràng, dễ hiểu. Bác giản dị trong cả cách nói và cách viết. Một số người sính ngoại có những lời văn cầu kỳ, khó hiểu, Bác liền nhắc nhở, phê bình. Trước đây, bộ đội ta thường gọi "phi cơ" ta, "phi cơ" địch. Bác nói: "Tiếng Việt ta rất phong phú, ta có đầy đủ tên gọi, chữ viết. Những chữ, những tiếng nước ngoài Việt hóa được thì cố gắng Việt hóa cho dễ hiểu, dễ nhớ. "Phi" là bay, "cơ" là máy, các chú gọi là "máy bay" có được không?". Từ đó, quân đội và Nhân dân ta chuyển sang gọi "máy bay". Rất nhiều từ chúng ta nên thay thế bằng ngôn từ thuần Việt. Như "không phận" thay bằng "vùng trời", "hải phận" thay bằng "vùng biển", "hỏa xa" thành "xe lửa". Tới xem triển lãm hàng gốm sứ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp, Bác hỏi: "Có phải nhập nguyên liệu của nước ngoài không?". Đồng chí Nguyễn Khang thưa: "Thưa Bác đại bộ phận là ở trong nước ạ". Bác cười bảo: Sao chú không nói là "phần lớn nguyên liệu" mà lại nói là "đại bộ phận". Bác căn dặn: "Tiếng nói, chữ viết của dân tộc ta rất giàu, rất đẹp, nếu thiếu thật mới đi mượn của nước ngoài, các chú cần chú ý". Bác cho rằng: "Vay mượn là cần thiết, tiếng ta còn thiếu nên nhiều lúc phải vay mượn tiếng nước khác nhưng vay mượn phải có chừng mực, không nên vay mượn mà bỏ cả tiếng ta, làm mai một tiếng ta". Có lần, đọc bài bình luận về một trận đánh thắng ở chiến trường miền Nam: "Đây là chiến thắng long trời, lở đất", Bác cầm bút khoanh tròn mấy chữ: "long trời, lở đất" rồi phê vào bên: "Thế thì Bác cháu ta ở đâu?". Câu hỏi hóm hỉnh mà mang một ý nghĩa sâu sắc. Trong nhiều lần nói chuyện với các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở và chú trọng: "Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?". Chính vì thế, những câu thơ dễ hiểu, những câu văn ngắn gọn của Bác đã đi thẳng, thấm sâu vào lòng người:

                                         "Sáng ra bờ suối tối vào hang,

                                          Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

                                          Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

                                          Cuộc đời cách mạng thật là sang".

                                             "Trẻ em như búp trên cành

                                     Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan".

                                       "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi".

                                       "Không có gì quý hơn độc lập tự do".

 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng Trần Hanh khi đó là phi công đã thay mặt anh em cán bộ, chiến sĩ toàn quân chủng lên chúc Tết Bác. Trong lời phát biểu của đồng chí Trần Hanh có câu: “Chúng cháu sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc”. Bác bắt tay ông Hanh rồi nhắc ngay: “Muốn học thì chỗ nào cũng học được, lúc nào cũng học được và gặp việc gì cũng nên học. Ta là người Việt Nam, ta có tiếng của ta chứ việc gì phải mượn tiếng nước ngoài. Vừa rồi chú nói “xả thân” là chú dùng chữ nhiều quá đấy. Sao không nói “quên mình” vì nước. Mình là người Việt Nam không nên dùng tiếng nước ngoài. Bác nhắc lại là các cháu phải chăm học, học nữa, vì càng học càng tiến bộ, mà tiến bộ thì đánh địch càng thắng lợi”. Đúng như đồng chí Trường Chinh đã viết: "Về văn phong, cách nói và cách viết của Hồ Chủ tịch có những nét rất độc đáo, nội dung khảng khái, thấm thía và đi vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim, khối óc của người ta, hình thức sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân". Bác rất ghét nói và viết dài dòng, lủng củng, khó hiểu và phản đối dùng chữ nước ngoài một cách không cần thiết. Bác hay nhắc nhở: "Các chú đừng có vẽ rắn thêm chân". Chúng ta chỉ dùng đúng, đủ, giản dị, không dùng thừa, làm phức tạp, rườm rà cho tiếng Việt. Ví dụ như: dùng chữ "tái hiện", không dùng chữ "tái hiện lại" vì thừa chữ "lại"; dùng từ "sinh thời", không dùng "lúc sinh thời" vì thừa chữ "lúc"; Thay câu "chiều cao khiêm tốn" thành câu "chiều cao hạn chế" sẽ đúng hơn vì "khiêm tốn" thường dùng cho đức tính của con người. Bác luôn là tấm gương về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bác chỉ viết một lối văn giản dị, thuần phác như tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt Nam. Không chỉ chú ý từng câu, từng chữ, Bác còn chú ý nói cái gì trước, cái gì sau "bởi vì có khi đó lại chính là điều quan trọng nhất". Như: Chúng ta không nói: "Kỷ niệm ngày sinh lần thứ 134 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh" mà là "Kỷ niệm lần thứ 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Bởi theo Bác: Con người sinh ra chỉ một lần thôi chứ không có nhiều lần. Thấy một đồng chí viết "địch nhất định thua, ta nhất định thắng", Bác nói: “Chú phải viết ngược lại: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Người giải thích: Ta phải thắng thì nó mới thua chú ạ". Dù bất cứ lúc nào, ở đâu, Bác Hồ luôn nhẹ nhàng nhắc nhở chúng ta cách dùng từ, đặt câu, nói và viết như thế nào để gìn giữ sự trong sáng và làm giàu đẹp cho tiếng Việt. Bác khuyên: "Nói và viết dễ hiểu, dễ nhớ, đừng làm phức tạp cái vốn đơn giản để đảm bảo cho tiếng Việt trong sáng". Nhưng đồng thời, Bác cũng căn dặn: "Chớ viết khô khan quá, phải tìm tòi sử dụng từ ngữ một cách phong phú hơn để bài viết sinh động, người đọc thấy hay, thấy lạ". Bác nói: "Cần nghiên cứu cách đặt từ, nghiên cứu nghĩ thêm những cách đặt từ mới". Đó cũng chính là yêu cầu, là trách nhiệm của chúng ta làm cho tiếng Việt ngày càng giàu và đẹp. Giáo sư I. Niculin (Nga) sang thăm Việt Nam. Ông kể: Hồi Liên Xô và Việt Nam chưa đặt quan hệ ngoại giao. Có lần Chính phủ Liên Xô nhận được một bức điện từ Việt Nam viết bằng tiếng Việt. Người đứng đầu Chính phủ Xô Viết là Stalin nhờ người dịch bức điện của tác giả Hồ Chí Minh. Chính giáo sư I.Niculin được gọi đến để làm công việc quan trọng này. Ông nhấn mạnh: Cái làm tôi nhớ mãi, làm tôi khâm phục nhất là dụng ý của Bác Hồ. Người thành thạo tiếng Nga, thế mà Người lại viết bằng tiếng Việt. Bằng cách đó, Người đã buộc mọi người trên thế giới phải biết rằng: "Có một tiếng Việt, có một dân tộc Việt Nam". Bác Hồ biết nhiều ngoại ngữ, tiếng Nga càng thông thạo nhưng Người đã dùng tiếng Việt trong quan hệ quốc tế, kể cả Liên Xô lúc bấy giờ. Chúng ta còn thấy thêm sự linh hoạt của Người trong quá trình hoạt động cách mạng, trong những tình huống cụ thể. Tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" viết bằng tiếng Pháp, tập thơ "Nhật ký trong tù" viết bằng tiến Hán. Nhưng khi Việt Nam là một nước độc lập, có quyền bình đẳng như các dân tộc khác thì ngôn ngữ dân tộc Việt Nam phải là tiếng Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bắt đầu từ những suy nghĩ, việc làm bình thường nhất, giản dị nhất. Có lần thăm Nhà máy Cơ khí Gia Lâm, Bác chỉ tay lên tấm biển lớn có dòng chữ "NHA MAY CO KHI GIA LAM" Bác hỏi đồng chí giám đốc: "Nhà máy có khỉ già lắm phải không"? Tất cả đứng lại, sững sờ, ngơ ngác. Đồng chí giám đốc hiểu ý, xin lỗi Bác và hứa sẽ sửa ngay. Bác gật đầu và vui vẻ đi thẳng vào nhà máy. Không những việc lớn mà đến cả những việc rất nhỏ, Bác vẫn chú ý giáo dục, uốn nắn cho chúng ta. Bác hỏi rất đúng vì chữ của chúng ta có dấu mà viết không rõ thì cũng có thể gây hiểu sai. Câu hỏi hóm hỉnh có chút hài hước nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Bác uốn nắn rất thực tế, nhẹ nhàng, dễ hiểu, rất độ lượng và tác dụng rất lớn. Chúng ta thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh một bản sắc văn hóa Việt Nam sâu đậm. Dù bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước nhưng Bác không ngoại lai tiếng nói và chữ viết dân tộc. Mặc dù thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, đó là cánh cửa để Bác bước vào ngôi nhà văn hóa thế giới nhưng Người vô cùng yêu mến tiếng Việt, luôn có ý thức trân trọng, giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình bởi theo Bác ngôn ngữ là một phần văn hóa, bản sắc của dân tộc. Bác vẫn không quên ngôn ngữ của dân tộc mình. Không những thế, Bác hiểu tường tận tiếng nói, ngôn ngữ, phong tục tập quán của mọi miền quê. Người còn luôn có ý thức giữ gìn và nhắc nhở mọi người gìn giữ giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Bác căn dặn: Phải nói đúng, làm đúng, viết chữ quốc ngữ phải đủ dấu, rõ ràng, không như kiểu đua đòi, giáo điều, muốn dùng chữ nước ngoài cho ra vẻ, cho kêu như trong quảng cáo. Tại Đại hội lần thứ ba Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người căn dặn: '“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quí báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quí trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ việc tiếp thu một số từ ngữ từ tiếng nước ngoài mà tiếng Việt không có để làm giàu cho vốn ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, Người phê phán hiện tượng lạm dụng tiếng nước ngoài, sính dùng từ nước ngoài để “khoe chữ” trong khi những từ đó đã có trong tiếng Việt. Bản thân Người khi nói và viết bao giờ cũng cố gắng sử dụng những từ ngữ tiếng Việt sẵn có thay vì dùng các từ ngữ có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc Việt hóa nhiều từ ngữ nước ngoài. Người thường xuyên vận dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, Truyện Kiều vào những bài nói, bài viết của mình, tạo nên sự gần gũi, giản dị mà cũng hàm chứa được những điều hết sức sâu xa. Và trong suốt cuộc đời mình, Người tỉ mỉ uốn nắn cách nói, cách viết của đồng chí, đồng bào nhằm giữ gìn sự trong sáng, chuẩn mực của tiếng Việt. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Hồ Chủ tịch là người Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết. Ngót ba mươi năm bôn ba khắp bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần túy phong độ, ngôn ngữ, tính cách, tính tình của một người Việt Nam. Ngôn ngữ của Người phong phú, ý vị như người dân quê Việt Nam. Người khéo dùng tục ngữ, hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị". Dù hiểu biết sâu sắc các nền văn hóa lớn của thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ sâu đậm cốt cách người Việt Nam trong tâm hồn, trong cuộc sống hằng ngày. Chính trên cơ sở bản sắc của dân tộc đầy sức sống ấy mà Người đã góp phần to lớn sáng tạo ra nền văn hóa Việt Nam hiện đại, khơi nguồn cho nền văn hóa mới Việt Nam, một nền văn hóa độc đáo và đầy tính nhân loại. Trong những năm tháng cuối đời, tuổi cao sức khỏe yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc lịch sử. Người cẩn thận, cân nhắc từng câu, từng chữ, sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới của đất nước.

Bản Di chúc là một mẫu mực về việc sử dụng ngôn từ. Bác đã cẩn trọng sửa từng lời, từng chữ, sắp xếp logic, chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giản dị mà lại thu được hiệu quả cao nhất. Bác thường nhắc nhở "Ta phải giữ đất nước của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta, phải giữ cái tiếng nói của chúng ta". Để giữ gìn tài sản quý báu của dân tộc không bị mai một, không những người làm công tác báo chí mà mọi người đều phải có ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị to lớn của tiếng Việt trong sự nghiệp cách mạng.

Đối với những người làm công tác tuyên truyền tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, nơi lưu giữ những di sản vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ việc sử dụng và gìn giữ sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt vô cùng quan trọng, cần thiết. Để du khách, con cháu về thăm, thẩm nhận những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, hiểu đúng, hiểu sâu sắc, thấm nhuần hơn tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ hướng dẫn khách tham quan ở Khu Di tích Kim Liên, ngoài giọng nói ngọt ngào, truyền cảm, thấm sâu vào lòng người, cần có sự diễn đạt câu chữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Bên cạnh đó, thuyết minh phải phù hợp với từng đối tượng khách, từng lứa tuổi, vùng miền. Sử dụng ngôn từ cho phù hợp, chuẩn xác, dễ nghe, dễ hiểu, phải "nói đúng, đủ, rõ, hay". Mỗi người cần trau dồi, làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ của mình cả khi nói và khi viết. Để sau mỗi chuyến về thăm quê Bác, nghe các hướng dẫn viên thuyết minh về quê hương, gia đình và tuổi thơ của Người, du khách đều xúc động, thanh thản, cảm thấy cuộc đời thêm nhiều ý nghĩa và sẽ quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức cao đẹp của Người.

Giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt - ngôn ngữ của dân tộc là một công việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng và lâu dài. Bởi đó là linh hồn, khí phách của con người Việt Nam. Đó cũng là cách chúng ta thể hiện tình yêu quê hương đất nước và bảo vệ dân tộc mình như tình yêu tiếng Việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

                                                           

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629