Góc nhìn văn hóa

Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế vinh dự và tự hào là mảnh đất đã có những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những người thân trong gia đình Người từng sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động yêu nước. Những năm tháng đó cùng với mối quan hệ tình cảm thiêng liêng giữa Người với Thừa Thiên Huế và Thừa Thiên Huế với Người, đã để lại cho vùng đất này một di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng, mang giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần sâu sắc và có vị trí quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc.

1. Giá trị lịch sử

Trên phương diện văn hóa vật thể, mỗi di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đều ghi dấu ấn những năm tháng của Người ở Huế, đánh dấu sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và tư chất, từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến anh thanh niên Nguyễn Tất Thành. Đồng thời, qua đó cũng cho chúng ta thấy được bức tranh lịch sử đầy biến động của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Thừa Thiên Huế gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người trong hai giai đoạn: từ năm 1895 đến 1901 và 1906 đến 1909, mỗi giai đoạn đều mang những trị lịch sử riêng của nó.

Giai đoạn thứ nhất: Trong ngôi nhà đầu tiên, Nguyễn Sinh Cung chứng kiến nỗi vất vả, gian truân của gia đình. Tuổi thơ của Người đã trải qua những tháng ngày tần tảo của mẹ, nỗi khó khăn của cha trong con đường cử nghiệp. Và chính nơi đây, khi bước sang tuổi mười một Người đã phải trải qua hai nỗi đau thương, mất mát lớn: mất mẹ và mất em. Kỷ niệm những năm tháng trẻ thơ của Người ở chốn kinh đô, là nỗi đau mất đi những người thân yêu, là tiếng khóc xé lòng của người em thơ khi đói sữa; nỗi u uất tang thương của người dân xứ Huế bởi dư âm của sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885.

       

Bà Hà Thị Nga - UVBCH TW Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh dâng hoa, dâng hương, tham quan Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 112 đường Mai Thúc Loan, thành phố Huế

Ở ngôi nhà thứ hai là mái trường đầu tiên Người bắt đầu tiếp cận với nền Hán học từ người thầy cũng là người cha thân yêu của mình. Từ hình ảnh quen thuộc cây đa, biến nước, sân đình của một vùng quê có truyền thống lịch sử lâu đời và sống trong tình yêu thương, đùm bọc, chan chứa nghĩa tình của những người dân quê mộc mạc làng Dương Nỗ, đã sớm bồi đắp, nhen nhóm trong cậu bé Nguyễn Sinh Cung một tình yêu quê hương đất nước.

 

Du khách đến dâng hương, tham quan Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế.

Đồng thời, trong khoảng thời gian lần thứ nhất ở Huế đã cho Nguyễn Sinh Cung những hiểu biết đầu tiên về xã hội thuộc địa nửa phong kiến ở ngay trung tâm của nó. Những “ông Tây” nghênh ngang, hách dịch đang giữ quyền kiểm soát mọi công việc xứ thuộc địa…trái ngược hẳn với những ông quan Nam triều khúm núm rụt rè trong áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn. Lầu son gác tía thâm nghiêm tương phản với những số phận đau khổ, tủi nhục của số đông những lao động: phu khuôn vác, kéo xe tay, trẻ em lang thang trên đường phố… Những hình ảnh đó đã ăn sâu trong ký ức của Nguyễn Sinh Cung.

Giai đoạn thứ hai: Đây là khoảng thời gian quan trọng, chứng kiến bước trưởng thành trong con người Nguyễn Tất Thành, không còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung hồn nhiên, hiếu động mà đã là một thanh niên với nhiều suy tư, nhiều ý chí, hoài bão lớn trước vận mệnh của dân tộc. Đồng thời, cho chúng ta thấy được lịch sử của dân tộc những năm đầu thế kỷ XX.

Qua chính sách đào tạo của Pháp ở trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và trường Quốc học cho chúng ta thấy được bản chất nền giáo dục thực dân tại nước ta lúc bấy giờ. Không phải để “khai hóa” dân trí mà thực chất là “đồng hóa” văn hóa Pháp đối với người Việt Nam và đào tại đội ngũ tay sai đắc lực cho chúng. Thời gian Nguyễn Tất Thành học ở đây cũng là thời gian có nhiều biến động trong lịch sử dân tộc. Giai đoạn này diễn ra nhiều phong trào yêu nước mới với những hình thức đấu tranh khác nhau như: phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, đặc biệt là phong trào chống thuế của Nhân dân miền Trung.

 

Đoàn cán bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương tham quan di tích trường THPT Chuyên Quốc học Huế

Đây được xem là giai đoạn đánh dấu những sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ với Nguyễn Tất Thành mà còn với cả lịch sử dân tộc. Tại nơi đây, Nguyễn Tất Thành tham gia những hoạt động yêu nước đầu tiên, đặc biệt là phong trào chống thuế của Nhân dân Thừa Thiên Huế, đã đánh dấu sự chuyển biến về chất trong quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Người, từ nhận thức yêu nước đến hành động yêu nước. Sự kiện này được xem là mốc quan trọng trong cuộc đời của Người, mở đầu cho hồ sơ chính trị cách mạng lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX diễn ra rất sôi động, với nhiều hình thức đấu tranh khác nhau, nhưng tiếc thay các phong trào đó đều nhanh chóng thất bại, đều bị dìm trong “biển máu”. Đó là sự bế tắc trong phong trào yêu nước và con đường giải phóng dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Đây cũng chính là những điều Nguyễn Tất Thành luôn suy tư, trăn trở và tạo thành động lực thôi thúc anh sớm có quyết định ra nước ngoài tìm chân lý về giải phóng dân tộc.

Trên phương diện phi vật thể, thông qua những bức thư, những món quà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng nhằm động viên, khen ngợi tinh thần chiến đấu của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Thừa Thiên Huế; những lần gặp gỡ giữa Bác Hồ với đồng bào, chiến sĩ, cán bộ nơi đây, khi họ ra miền Bắc thăm Người… Tất cả đều thể hiện mối quan hệ tình cảm thiêng liêng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Huế. Qua đó phần nào cho chúng ta thấy bức tranh lịch sử đầy sinh động của Nhân dân Thừa Thiên Huế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.  Cũng như cuộc đời, con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của Người luôn gắn liền với lịch sử dân tộc và trường tồn cùng non sông, đất nước.

 

Chân dung các già làng, trưởng bản miền núi Thừa Thiên Huế được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1955 - 1959

2. Giá trị văn hóa

Di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Thừa Thiên Huế rất phong phú và đa dạng, thể hiện trên hai phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể.

Trên phương diện vật thể, là hệ thống các di tích và địa điểm di tích in đậm dấu ấn của Người và gia đình. Các di tích chứa đựng trong nó những nét văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các di tích lưu niệm về Người “là hiện thân của những giá trị lịch sử, văn hóa và nhân văn, phản ánh đầy đủ cuộc sống và hơi thở của thời đại, gắn kết và hòa cùng với bối cảnh, con người ở chốn kinh đô”[1] . Di tích Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan và Nhà lưu niệm Dương Nỗ, là những ngôi nhà theo kiểu nhà rường truyền thống Huế, một kiểu kiến trúc đẹp và tiện dụng, một hình thức “văn hóa ở” khá phổ biến lúc bấy giờ. Di tích Đình làng Dương Nỗ, Am Bà, và miếu Âm Hồn là những công trình văn hóa, nghệ thuật có kiến trúc đình, miếu dân gian chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc. Đình làng, một trong những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam “cây đa, bến nước, sân đình” là cội nguồn của lịch sử, là truyền thống văn hóa nuôi dưỡng bao tâm hồn người Việt. Am Bà, minh chứng cho sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Chăm, đó là tín ngưỡng thờ mẫu - thờ mẹ sông nước…

Giá trị văn hóa không chỉ hiện diện trong các di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trên mảnh đất sông Hương núi Ngự mà còn thể hiện rõ trong tình cảm và sự quan tâm của Người đối với Thừa Thiên Huế và Thừa Thiên Huế đối với Người trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Những bức thư, những kỷ vật, những trang hồi ký... như càng thiêng liêng hơn khi chứa đầy cảm xúc, in dấu tình cảm của Người đối với người dân xứ Huế. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn dành thời gian quan tâm, động viên, thăm hỏi, dặn dò đến cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Thừa Thiên Huế qua hàng chục bức thư gửi cho Huế, hàng trăm cuộc gặp khi có đoàn cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam ra thăm (trong đó có những người con xứ Huế) và rất nhiều những món quà mà Người trao tặng… Tất cả trở thành những ký ức không bao giờ quên đối với những người may mắn, vinh dự được gặp Bác và những kỷ vật vô giá, mang giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc, luôn được Đảng bộ, Nhân dân Thừa Thiên Huế trân trọng giữ gìn.

Giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở sự tôn kính và lập bàn thờ Bác trong các gia đình ở Thừa Thiên Huế. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, mặc dù Huế lúc bấy giờ đang ở bên kia giới tuyến, kẻ thù ra sức ngăn cản, cấm đoán nhưng trong cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã dấy lên một phong trào bí mật để tang, làm lễ truy điệu và nhiều gia đình lập bàn thờ Người. Đó chính là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân xứ Huế nói riêng.

Trong hệ thống di sản văn hóa mà Người để lại cho Nhân dân xứ Huế, “Họ Hồ” là một món quà đặc biệt, vô giá. Đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế, tự nguyện lấy họ Hồ làm họ của mình đã trở thành một nét văn hóa độc đáo. Phong trào mang họ Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế đã minh chứng cho sức mạnh niềm tin to lớn, sự kính trọng và tình cảm thiêng liêng của đồng bào đối với Người. Đồng thời, tạo nên nét văn hóa mới đặc sắc trong di sản văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hơn nữa, đó chính là biểu hiện của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, một nét tiêu biểu của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đối với di sản văn hóa mà Người để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế còn có những giá trị riêng và đặc trưng. Bởi Huế là quê hương thứ hai, là gần 10 năm tuổi trẻ Người đã sống, nơi chứng kiến nỗi đau mất mẹ và mất em; nơi Người tham gia các hoạt động yêu nước; nơi chứng kiến bước trưởng thành, phát triển từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến anh thanh niên Nguyễn Tất Thành; nơi góp phần hình thành nên đạo đức, tư tưởng và nhân cách cao đẹp Hồ Chí Minh.

3. Giá trị tinh thần

Ngoài giá trị văn hóa và lịch sử thì hệ thống di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mang giá trị tinh thần. Việc xem xét giá trị tinh thần thành một vấn đề riêng so với giá trị văn hóa kể trên, chúng tôi muốn đề cao vai trò của giá trị này đối với việc giáo dục đạo đức, tư tưởng và lối sống. Hiện nay, hệ thống di tích của Người ở Huế được Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy giá trị trong việc tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời sự nghiệp, đạo đức, lối sống và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.

Bảo tàng Hồ Chí Minh và các di tích trên địa bàn Thừa Thiên Huế, ngoài vai trò lưu giữ và đề cao giá trị về mặt lịch sử và văn hóa gắn với cuộc đời Người, nơi đây còn là địa chỉ đỏ mang ý nghĩa tinh thần nhân văn cao cả, nơi tổ chức những buổi lễ long trọng như: lễ dâng hoa, dâng hương, báo công lên Người; lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội. Hàng năm, vào các ngày lễ lớn của dân tộc: 3/2, 30/4, 19/5, 2/9… và các sự kiện lớn của tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và các di tích đón rất nhiều đoàn đại biểu, đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng, dâng hương, dâng hoa. Với sức lan tỏa của một nhân cách tư tưởng lớn, của một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, như một lẽ đương nhiên, Bảo tàng và hệ thống di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trở thành những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây vừa tìm hiểu về thân thế của một con người đã hiến trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp độc lập của dân tộc, tự do và hạnh phúc của Nhân dân, vừa trở về với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, và trở về với những giá trị nhân văn cao đẹp.

 

Cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đến dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Di tích Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan và Nhà lưu niệm làng Dương Nỗ, hàng ngày đều có du khách đến tham quan và dâng những nén hương thơm tỏ lòng thành kính, tri ân tưởng nhớ tới Người. Các di tích đã trở thành chốn tâm linh và nơi thể hiện tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc của Nhân dân Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đến vị cha già của dân tộc.

Bằng tấm lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đang ra sức gìn giữ và phát huy giá trị di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người để lại. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần, đặc biệt lại nằm ở vùng đất giàu tuyền thống văn hóa và cách mạng như xứ Huế, việc phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ rất thuận lợi, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi cả nước đang tiếp tục “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Bảo tàng và các di tích của Người trở thành những địa chỉ đỏ, để mọi tầng lớp nhân dân hướng về. Qua đó, sẽ tạo ra những chuyển biến mới trong nhận thức, hành động trong cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân Thừa Thiên Huế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.

 



* Trưởng phòng Tuyên truyền Hướng dẫn Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

** Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Huế.

[1] Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch (2004), Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.307.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445625

Hôm nay

2125

Hôm qua

2237

Tuần này

21234

Tháng này

211884

Tháng qua

120141

Tất cả

114445625