Đền thờ vua Mai Hắc Đế và các vị thân mẫu, Hoàng hậu tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn
Thân mẫu Vua Mai quê ở làng Mai Phụ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Về tên tuổi và thân thế của bà hiện có nhiều truyền thuyết khác nhau. Căn cứ theo nghiên cứu thực tế và truyền thuyết ở thôn Ngọc Trừng, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, đồng thời, đối chiếu với các tài liệu chữ viết như thần tích, thần phả, ngữ lục, ký lục … cho biết: Bà là con một chủ làm muối ở làng Mai Phụ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Vào một ngày, khi biết mình mang thai, vì sợ điều tiếng và những tập tục khắt khe nên bà đành phải bỏ làng ra đi. Con thuyền đưa bà ngược dòng sông Cả, lênh đênh theo con nước và dạt vào bến đò của sông Cương Giang, hay còn gọi là sông Gang (một nhánh nhỏ của sông Cả). Bơ vơ nơi đất khách quê người, vất vả lắm bà mới tìm được chốn trú ngụ tạm thời tại một ngôi đền. Gần kỳ sinh nở, bà lại nhọc nhằn kiếm nơi an cư lâu dài tại mảnh đất trên động Cồn Chèn, thuộc núi Trừng. Thương thân gái dặm trường, Nhân dân nơi đây đã dang rộng vòng tay giúp đỡ, dựng cho bà một ngôi nhà tranh để sớm tối đi về. Một buổi sáng tinh mơ, mãn nguyệt khai hoa, bà hạ sinh một bé trai khôi ngô, tuấn tú và đặt tên con là Mai Thúc Loan. Từ đây, cuộc sống của hai mẹ con dù vất vả nhưng rộn ràng tiếng cười trẻ thơ.
Lúc bấy giờ, nước ta đang bị nhà Đường đô hộ. Chúng thi hành nhiều chính sách cai trị hà khắc khiến cuộc sống của mẹ con Mai Thúc Loan càng thêm khốn đốn. Nhờ sự đùm bọc, cưu mang của bà con trong vùng và sự chịu thương, chịu khó của mẹ, Mai Thúc Loan lớn dần lên trong sự yêu thương chở che của mẹ và dân làng.
Chính trái tim nhân ái, đức hy sinh, sự chịu thương, chịu khó từ người mẹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành và phát triển tư tưởng, nhân cách của Mai Hắc Đế. Đó chính là “động lực thúc đẩy ông sớm hướng vào mục tiêu yêu nước, căm thù giặc, mơ ước đuổi hết bọn ngoại bang thống trị, giành lấy cuộc sống ấm no cho Nhân dân”.
Trong một lần, bà vào cồn Mang Hổ (nay thuộc, xóm 4, xã Nam Thái) kiếm củi không may bị hổ vồ. Đau đớn trước cái chết thương tâm của mẹ, Mai Thúc Loan cùng dân làng vội đi tìm hổ dữ để trả thù và thu nhặt thi hài của mẹ đem an táng trên núi Dẻ (nay thuộc núi Dẻ, xóm 3, xã Nam Thái).
Sau này, để tưởng nhớ công ơn của đấng sinh thành Mai Hắc Đế, Nhân dân đã suy tôn Bà là Thánh Mẫu và lập một cái miếu nhỏ ngay trên mảnh đất xưa kia hai mẹ con từng sinh sống.
Đệ nhất Hoàng hậu Đinh Thị Ngọc Tô là con gái của ông Đinh Thế - người đã đem cậu bé Mai Thúc Loan về nuôi sau khi người mẹ qua đời. Tương truyền, trong quá trình nuôi dưỡng, ông nhận thấy chàng trai trẻ “có chí lớn, đầu hổ, mắt rồng, tay vượn, dũng cảm, đa tài, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của người ta” nên đã đem con gái là Ngọc Tô gả cho.
Sách “Việt điện u linh” chép về Hoàng hậu Ngọc Tô như sau: “Ngọc Tô hiền mà đa trí, giỏi việc cửa nhà, lại càng giỏi việc nông trang”. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn và trở nên khá giả. Khi biết chồng đang nuôi chí lớn, một lòng muốn giúp nước, cứu dân, Ngọc Tô đã động viên chồng, thay ông nuôi dạy con cái, chăm lo việc nông trang, tích trữ sẵn lương thảo để chồng rộng đường đi tìm người đồng chí hướng. Nhờ sự hậu thuẫn của vợ, Mai Thúc Loan đã tập hợp nhiều bậc hiền tài, dật sĩ, kiếm khách cùng có lòng căm thù giặc đô hộ, yêu nước thương dân, mong muốn diệt thù cứu nước, thực hiện cuộc khởi nghĩa Hoan Châu vang dội lịch sử. Kết tinh tình yêu của bà với Mai Hắc Đế là bốn người con (2 gái, 2 trai), trong đó, có 3 người con là Mai Thị Cầu (sau được phong là Ngọc Chân công chúa), Hoàng tử cả Mai Bảo Sơn, Hoàng tử thứ Mai Kỳ Sơn, đều là những thành viên tích cực, có nhiều đóng góp cho cuộc khởi nghĩa.
Cuộc đời Hoàng hậu Ngọc Tô gắn liền với Mai Hắc Đế từ thủa thiếu thời, đến khi trở thành người vợ tào khang, tảo tần chăm lo chu toàn việc nhà, nuôi dạy con cái để chồng yên tâm gây dựng cơ đồ. Bà không chỉ hoàn thành vai trò của bậc “mẫu nghi thiên hạ” với đầy đủ phẩm chất “công, dung, ngôn, hạnh” mà còn là người mẹ đáng kính, nuôi dưỡng, hun đúc nên những người con ưu tú, quả cảm, kiên cường.
Đệ nhị Hoàng hậu Phạm Thị Uyển là chị cả trong một gia đình ở trang Thọ Xương, quận Nam Xương (nay thuộc Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cha là ông Phạm Huyên, mẹ là Phùng Thị Thảo. Tương truyền, vì mến phục tài năng của Mai Thúc Loan, Phùng Hạp Khanh đã gả cháu gái của mình là Phạm Thị Uyển, lúc đó bà vừa 18 tuổi. Tuy nhiên, lại có thuyết nói rằng, bà trở thành vợ Mai Thúc Loan vài năm trước khi khởi nghĩa bùng nổ. Ngoài việc vận động các lực lượng xướng nghĩa, Mai Thúc Loan còn cho con trai, con gái làm dâu, làm rể những nhân vật có thế lực… Việc ông cầu hôn, xin hỏi cưới Phạm Thị Uyển vừa là mến tài, mến sắc của bà, đồng thời cũng là một cách để tăng cường mối liên kết với hào trưởng, thủ lĩnh các địa phương, vùng miền.
Về nhà chồng, Phạm Thị Uyển cùng vợ cả Đinh Thị Ngọc Tô chung vai gánh vác việc nhà, việc nước với chồng. Vốn là người nghĩa khí, văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, bà thường bàn luận giúp việc cơ mật cho chồng. Lúc nhà Đường mang quân quay trở lại nước ta với quyết tâm dẹp tan cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, Hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã đích thân chỉ huy một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch. Bấy giờ, sông Tô Lịch còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía Tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, Hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn, hôm đó là ngày rằm tháng 7 năm Nhâm Tuất (722). Thi thể Hoàng hậu trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục, phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) thì được Nhân dân lén vớt lên chôn cất ở Gò Cát (còn gọi là Hàm Rồng) là bãi đất cao nhô ra trên bờ sông Tô, rồi lập đền thờ, tôn gọi là Ả Đại Nương. Đó chính là đền Dục Anh ngày nay (nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, ở đoạn gần cầu Trung Hòa, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đến thế kỉ XV, khi nghĩa quân Lam Sơn tiến lên tổng công kích quân Minh, một lần, Lê Lợi nghỉ đêm ở đền Dục Anh, bà báo mộng, âm phù cho quân khởi nghĩa diệt giặc. Bởi vậy, sau này khi lên ngôi vua, Lê Lợi đã sắc phong cho bà là Khiêm Sung đại vương.
Có thể nói, Hoàng hậu Phạm Thị Uyển không chỉ tiếp bước, làm rạng danh cho con cháu “Bà Trưng, Bà Triệu”, mà còn là người phụ nữ kết tinh của những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Bà là vị Hoàng hậu duy nhất của Việt Nam thân chinh cầm quân ra trận trong lịch sử phong kiến Việt Nam, cũng là một dũng tướng quả cảm, anh dũng hi sinh ngay giữa trận tiền để bảo vệ độc lập tự do của đất nước.
Rõ ràng, quá trình hình thành, phát triển nhân cách cũng như con đường công danh, sự nghiệp của vua Mai chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những người phụ nữ bên cạnh ông, kể cả khi đã trở thành vị Hoàng đế vang danh thiên hạ. Người xưa có câu: “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, theo đó, các đấng nam nhi muốn làm nên nghiệp lớn thì yếu tố “tề gia” phải được đặt lên hàng đầu. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của những người phụ nữ trong gia đình, hay nói như ngôn ngữ hiện đại “đằng sau những thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Vua Mai cũng không phải ngoại lệ, cuộc khởi nghĩa Hoan Châu vang dội lịch sử mang đậm dấu ấn của hai bậc “mẫu nghi thiên hạ”. Dù mỗi người một tính cách, một sở trường nhưng họ luôn biết cách phát huy năng lực, tạo hậu phương vững chắc giúp vua Mai yên tâm gây dựng cơ đồ, khi cần, họ cũng sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, trở thành những đóa hoa bất tử, sống mãi trong lòng dân./.