Góc nhìn văn hóa

Có hay không tên gọi “Nghĩa An” thời Tây Sơn?

Nghệ An là mảnh đất gắn bó mật thiết với nhà Tây Sơn nói chung và Hoàng đế Quang Trung nói riêng. Đây chính là mảnh đất có vị trí địa chính trị an ninh quan trọng trong tư duy chiến lược, chính vì vậy vua Quang Trung đã đã chọn vùng đất Yên Trường - Dũng Quyết tại Nghệ An để xây dựng kinh đô của triều đại mới với tên gọi Phượng Hoàng Trung Đô, còn tên trấn vẫn giữ nguyên là Nghệ An. Tuy nhiên, một số bộ địa chí lớn của triều Nguyễn cho rằng dưới thời Tây Sơn, tên gọi “Nghệ An” đã được đổi thành “Nghĩa An”.

Nghệ An là tên gọi thay thế cho tên gọi Hoan Châu vào năm 1036 nhân việc vua Lý Thái Tông xây dựng hành cung tại đây. Lý Thái Tông vốn là một nhà Nho điển hình của thời Lý, đồng thời là một người am tường và tinh thông nhiều điển tích trong các sách vở kinh điển, nên ông đã lấy 2 chữ “Nghệ An” với ý nghĩa thái bình thịnh trị trong sách Sử ký để đổi tên cho Hoan Châu với ước mong về một địa phương luôn được thái bình và giàu mạnh. Cụ thể, trong Liệt truyện thứ 52 (thuộc quyển 112) là “Bình Tân hầu chủ phụ liệt truyện” 平津侯主父列傳 có câu:

是時漢興六十餘載海內乂安府庫充實Thị thời Hán hưng lục thập dư tải, hải nội Nghệ An, phủ khố sung thực” (Bấy giờ, nhà Hán hưng thịnh đã hơn 60 năm, thiên hạ thái bình, kho lẫm đầy ắp).

Và trong Bản kỷ thứ 12 (thuộc quyển thứ 12) là 孝武本紀 “Hiếu Vũ bản kỷ” cũng có câu:

元年漢興已六十餘歲矣天下乂安 “Nguyên niên, Hán hưng dĩ lục thập dư tuế hĩ, thiên hạ Nghệ An” (Năm đầu, nhà Hán đã hưng thịnh hơn 60 năm, thiên hạ thái bình)

Tên gọi Nghệ An bắt đầu từ mùa hè tháng 4 năm Bính Tý niên hiệu Thông Thụy thứ 3 (1036) triều Lý, tới mùa hè tháng 4 năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái năm thứ 10 (1397), nhà Trần đổi tên “Nghệ An” thành “Lâm An”, và tên gọi này tồn tại trong một thời gian ngắn, cho tới triều Lê sơ thì trở lại với tên gọi cũ là “Nghệ An”.

Còn việc nhà Tây Sơn đổi tên “Nghệ An” thành “Nghĩa An”, sách Đại Nam nhất thống chí phần viết về tỉnh Nghệ An[1], có ghi rõ:

偽西改名中都又曰義安鎮[見邦交錄]本朝嘉龍元年復為乂安鎮

Phiên âm: Ngụy Tây cải danh Trung Đô, hựu viết Nghĩa An (kiến: Bang giao lục). Bản triều Gia Long nguyên niên phục vi Nghệ An trấn.

Dịch nghĩa: Ngụy Tây Sơn đổi tên là Trung Đô, lại (có tên) là Nghĩa An (xem Bang giao lục). Năm đầu niên hiệu Gia Long đổi lại là trấn Nghệ An.

Chắc lẽ chính từ nguồn thông tin từ bộ quốc chí này mà nhiều thông tin cho rằng dưới thời Tây Sơn, “Nghệ An” đã bị đổi tên thành “Nghĩa An”. Sự tồn tại của tên gọi “Nghĩa An” trong nhiều sách vở tài liệu thời hiện đại đã mặc nhiên khẳng định rằng đã có một sự thay đổi về tên gọi của Nghệ An dưới triều đại Tây Sơn mà cụ thể hơn là chính vua Quang Trung đã tạo nên sự thay đổi đó.

Tuy nhiên, nhiều bộ tư liệu thành văn đồng đại hiện còn đã cho phép xem xét lại vấn đề này theo một hướng khác, cụ thể:

Theo sử liệu triều Nguyễn:

Trong Đại Nam nhất thống chí ghi rõ 本朝嘉龍元年復為乂安鎮 (Năm đầu niên hiệu Gia Long đổi lại là trấn Nghệ An). Chúng tôi đã tìm trong bộ chính sử quan trọng nhất của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục, tuy nhiên không thấy ghi chép về việc thay đổi tên gọi “Nghĩa An” trở lại thành “Nghệ An”, mà chỉ thấy những sự kiện quan trọng đều gắn với “Nghệ An”, cụ thể như sau:

“Nhâm tuất, năm Gia Long thứ 1 [1802]:

Mùa thu, tháng 7, ban ấn đồng cho các trấn từ Nghệ An ra Bắc. Triệu Đặng Trần Thường đến hành tại. Sai đô thống chế Hậu dinh quân Thần sách là Hoàng Viết Toản lãnh chức Trấn thủ Nghệ An, Tham tri Hộ bộ là Hồ Thế Học lãnh chức Hiệp trấn”.

“Miễn thuế vụ hạ năm nay cho Bắc Thành, Nghệ An và Thanh Hoa ngoại trấn. Vua cho rằng võ công mới định, nhân dân chưa được lại hơi, nên đặc biệt xuống lệnh tha thuế vụ hạ”.

“Tháng 8, Vua sắp xây dựng Thái miếu, hạ lệnh cho đội Mộc đĩnh ở Gia Định và dân biệt nạp gỗ lim ở Nghệ An tìm trước gỗ ván để nộp”.

“Vua đến Văn Miếu (miếu ở phía tây nam thành Thăng Long, do nhà Lê dựng) làm lễ tế thu. Bèn đặt phủ huyện ở Bắc Hà ... Các trấn Sơn Nam thượng hạ, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Thanh Hoa nội ngoại, Nghệ An, mỗi phủ đặt một quản phủ, một tri phủ, kiêm lý một huyện, mỗi huyện đặt một tri huyện, lấy các chức cai cơ, tham quân và hương cống triều Lê cũ và những người dâng phong bì trình việc được trúng tuyển bổ vào”

“Dựng hành cung ở dọc đường (từ Thăng Long đến Nghệ An). Trấn Sơn Nam thượng nhân việc bắt dân góp tiền riêng, vua nghe tin, sai Binh bộ xét hỏi và thông dụ cho các trấn rằng: “Đặt hành cung chỉ để tạm nghỉ, đừng nên làm phí quá”.

“Miễn tô thuế cho dân xiêu dạt ở trấn Nghệ An và trấn Thanh Hoa ngoại. Những người có ruộng đất mà Tây Sơn chiếm làm ruộng quan trại và ruộng ngụ lộc, đợi dân ấy trở về thì trả lại hết”.

“Kén lính ở Nghệ An và Thanh Hoa, chiểu theo sổ đinh, 7 người lấy 1 bổ vào các dinh vệ quân Thần sách”.

“Mùa đông, tháng 10, Vua thấy từ Nghệ An ra Bắc ruộng đất bị bỏ hoang nhiều, sổ sách ghi chép lại không được thực, bèn sai quan sở tại, phàm các nơi có bãi nổi chưa thành thổ và ruộng hoang chưa khai khẩn hết thì khám xét rõ ràng, làm sổ đệ lên cho Hộ bộ bàn định thuế khóa”.

“Tháng 12, Vua bèn hạ lệnh cho các địa phương từ Nghệ An ra Bắc, phàm ruộng đất của dân xiêu tán, quan sở tại phải lập giới hạn rõ ràng, chia cấp cho quan quân cày cấy mà được tha thuế, làng lân cận không được cày cấy”

Bên cạnh đó, chúng tôi tra cứu một bộ sử nổi tiếng khác dưới thời Nguyễn là Quốc triều chính biên toát yếu cũng không thấy đề cập việc đổi tên gọi “Nghĩa An” trở lại thành “Nghệ An”.

 Hay như bộ sử Quốc sử di biên do Thám hoa Phan Thúc Trực biên soạn nhằm bổ sung những sự kiện mà quốc sử của triều Nguyễn còn bỏ sót hoặc đề cập chưa chính xác, cũng đã nhiều lần đề cập tới các sự kiện liên quan tới Nghệ An mà Đại Nam thực lục không ghi chép, như:

“Nhâm Tuất, Gia Long năm thứ nhất, tháng 5, mồng một, ngày Canh Ngọ, Thế Tổ đổi niên hiệu, tiến lấy trấn Nghệ An. Tán lý Đặng Trần Thường xin đổi niên hiệu, tiến quân đánh lấy Nghệ An, Thế Tổ nghe theo, lấy ngày tháng ấy đổi năm Cảnh Hưng thứ 63 làm Gia Long thứ nhất. Phó tướng Thần vũ quân Vũ Đức hầu đều đem quân và voi tiến đánh Nghệ An, phá tan được”[2].

Như vậy, qua các bộ sử lớn dưới triều Nguyễn, không thấy đề cập việc triều Tây Sơn đổi tên “Nghệ An” thành “Nghĩa An” cũng như việc đến năm đầu niên hiệu Gia Long lại đổi “Nghĩa An” thành “Nghệ An”.

 Theo Bang giao lục:

Trong phần ghi chép về việc đổi tên “Nghệ An” thành “Nghĩa An” tại sách Đại Nam nhất thống chí có chú rằng việc này được ghi chép tại Bang giao lục. Bang giao lục là bộ sách ghi lại các văn kiện, tư liệu, điển lệ về việc giao thiệp giữa các triều đại Việt Nam và Trung Quốc: dụ, chế, sắc phong, chiếu, biểu, tấu khải, thư, thơ... do Lê Thống biên soạn và viết tựa năm Gia Long thứ 18. Cuốn sách này ghi chép đầu tiên từ việc họ Việt Thường hiến chim trĩ trắng cho nhà Chu, kết thúc ở cuộc đi sứ của phái bộ Hoàng Kim Hoán, Nguyễn Trọng Vũ, Nguyễn Hựu Nhân niên hiệu Đạo Quang thứ 5 (1826). Sách này đã được bổ sung thêm các sự kiện ngoại giao sau năm soạn giả biên tập và đề tựa (1819).

Bên cạnh đó, còn có bộ Đại Việt Quốc Thư là một hồ sơ gồm cả Quốc thư và công văn trong thời kỳ vua Quang Trung và Càn Long nhà Thanh (từ năm Càn Long thứ 54 (1789) tới năm 1790) thư từ qua lại lẫn nhau trong thời kỳ vua Quang Trung (giả) sang Trung Hoa để cảm tạ; và những thiếp thư của vua Quang Trung đi đường cùng các quan chức nhà Thanh, gửi qua đáp lại theo hành trình từ Quảng Tây đến Nhiệt Hà. Ngoài ra, còn có những công văn chuẩn bị trước khi sứ thần nhà Thanh sang làm lễ tuyên phong cho vua Quang Trung. Tuy nhiên, trong những bộ sách này chúng tôi vẫn không thấy đề cập đến việc “Nghệ An” đổi thành “Nghĩa An”.

Theo Hoàng Lê nhất thống chí:

Hoàng Lê nhất thống chí là một cuốn tiểu thuyết viết theo thể chương hồi, nội dung nói về sự thống nhất vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt họ Trịnh trả lại quyền bính cho Vua Lê, đến lúc Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước. Đây là tác phẩm viết theo thể chí - một lối văn ghi chép sự vật, sự việc, do một số tác giả kế tục nhau viết trong những thời điểm khác nhau trong khoảng thời gian dài từ cuối Triều Lê sang đầu Triều. Mặc dù đây chỉ là một tác phẩm văn học thiên về tự sự lịch sử, lại có một số tình tiết hư cấu, tuy nhiên các tác giả là người đương thời nên đã có những mô tả khá sinh động và ghi chép rất chân thực về những biến động trong xã hội phong kiến cuối thế kỷ 18, trong đó những mô tả về nhà Tây Sơn khá đậm nét. Tuy nhiên, Hoàng Lê nhất thống chí vẫn chưa từng ghi nhận dưới thời Tây Sơn có tên gọi “Nghĩa An” mà chỉ có “Nghệ An”. Như phần viết về Nguyễn Huệ định yên Bắc Hà và xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô:

“Vua Quang Trung cho rằng Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường sá từ Nam ra từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình cũng ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ, đá, gạch ngói, để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu Rồng ba tầng cùng điện Thái Hòa hai dãy hành lang, để phòng dùng đến trong những khi có lễ triều hạ (các quan vào chầu và chúc mừng nhà vua). Thành này được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng thành”[3]

Tuy nhiên, trong một số tư liệu khác, thì tên gọi “Nghĩa An” lại xuất hiện nhiều, đặc biệt lại do những văn thần của triều Tây Sơn ghi chép. Trong Bang Giao Hảo Thoại có chép một biểu văn do Ngô Thì Nhậm viết thay Quang Toản, đệ trình lên vua Thanh (Càn Long), có đoạn trình bày tình hình An Nam và cái tên NGHĨA AN được nhắc đến:

臣王子委臣進京展覲,曾囑臣候奉玉音,清問之暇,即以國情奏聞。臣國王在時,以義安僻居海陬,撫循列鎮有時鞭弗及之勢。且義安、富春一帶,皆根本之地,信附多年,可無顧慮。年來凡有蠢動,俱在宣光、興化、伏莽扇變,因距義安,難以撫馴所致。見在義安新邑,與昇隆行殿,各以勲舊武臣鎮之,主掌兵事,而以文臣之練達者參贊。又清華為昇龍咽喉,富春乃義安咽喉,且屬廣順貫之地,派委功臣留守,亦皆臣前王下山時戰將,凡所分建職司,皆臣前王閒暇時預先布置[4]

“Vương Tử [Quang Toản] của thần ủy cho thần vào Kinh hầu cận, đã từng dặn thần rằng: “Khi được Ngọc ân ban hỏi, thì lựa lời tâu lên tình hình trong nước.”

Hồi Quốc Vương thần [Quang Trung] hãy còn, vì đất NGHĨA AN ở lánh về nơi góc bể, lúc vỗ yên các trấn, không có cái thế để ứng cứu kịp thời. Vả lại, một dải từ NGHĨA AN đến Phú Xuân, đều là đất căn bản, quy phụ đã lâu năm, có thể không phải để tâm nghĩ đến.

Những năm gần đây, phàm có những việc do bọn ngu xuẩn gây nên, thường nấp trong rừng rậm của 2 trấn Tuyên Quang, Hưng Hoá tiến ra, vì cách xa NGHĨA AN, nên cũng khó vỗ về. Hiện nay ấp mới ở NGHĨA AN và hành điện ở Thăng Long, đều cử võ thần có công và cũng là người kỳ cựu trấn thủ, chủ giữ việc quân, và dùng những văn thần thông hiểu làm Tham tán.

Lại Thanh Hoa là yết hầu của Thăng Long, Phú Xuân là yết hầu của NGHĨA AN, và lại thuộc về đất quê hương Thuận Quảng, phải ủy công thần lưu giữ, cũng đều là những chiến tướng của Tiền Vương thần khi xưa, phàm chức ty chia đặt ra, đều do Tiền Vương thần bố trí sẵn trong khi nhàn hạ.

Trong 1 công văn gửi cho Phúc Khang An đầu năm Nhâm Tý (1792), Nguyễn Huệ thông cáo việc đã dẹp yên nhóm Lê Duy Chi (em trai Chiêu Thống) cùng vây cánh (thổ tù Nông Phúc Tấn, Hoàng Văn Đồng) liên kết với tù trưởng Thủy Xá, Hóa Xá (Vạn Tượng) cùng các man Trịnh Cao, Quy Hợp ở Trấn Ninh và cả bạn vàng Xiêm La của Thế Tổ hẹn ngày khởi sự, đánh úp kinh đô Nghĩa An:

年正月,小番回至義安國城。現[]本國境幸底輯寧,實大皇帝威德所及,事未經奏。小番深惟疎鹵是懼,而此番克捷皆聖天子教誨成就之德,不敢蔽自私[5]

“Tháng Giêng năm nay [Nhâm Tý 1792], tiểu phiên tôi về đến quốc thành NGHĨA AN. Hiện nay trong nước may được yên ổn, thực do uy đức của Đại hoàng đế tràn đến, sự việc chưa kịp tâu bày. Tiểu phiên tôi thấy rõ bản thân quê kệch lỗ mãng mà lấy làm sợ hãi, lần này thắng trận đều nhờ cái đức dạy bảo thành tựu của Thánh thiên tử, [cho nên] chẳng dám dấu diếm [tin thắng trận] làm điều riêng.”

Khâm Định An Nam Kỷ Lược còn chép lại 1 bản tấu của Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh gửi về triều báo cáo việc Quang Trung từ NGHĨA AN ra Bắc nhận sắc ấn ban phong An Nam quốc vương cùng công tác chuẩn bị đón tiếp phái đoàn nhà Thanh ở Thăng Long của triều đình Tây Sơn:

候補道成林等恭御詩勅書,前赴安南,於八月二十八日,行抵鎮南,暫行等待。接成林等來禀,轉據黎城員目潘文璘等禀稱,國長仰大皇帝高厚鴻恩,得邀封爵,喜出望外,即於八月下旬,自義安起身,一路江水泛漲,恨不能一日趕回,總於九月初旬,必到黎城。

 "Hậu bổ đạo Thành Lâm cung kính mang ngự chế thi và sắc thư sang An Nam, ngày 28 tháng 8 đến Trấn Nam Quan tạm đợi ở đó. Nhận được tờ bẩm của Thành Lâm thì theo đó viên mục ở Lê thành [Thăng Long] là Phan Văn Lân bẩm xưng rằng Quốc trưởng [Quang Trung] được hồng ân cao dày của Đại Hoàng Đế nên được phong tước, thật mừng không biết chừng nào nên ngay hạ tuần tháng 8 từ NGHĨA AN khởi hành, nhưng đường đi bị nước sông tràn ngập e rằng không thể đến ngay được mà phải đến sơ tuần tháng 9 mới tới Lê thành.

Đặc biệt nhất, là những tư liệu từ phía Trung Hoa ghi nhận sự xuất hiện 2 chữ “Nghĩa An”, cụ thể:

Thanh Cao Tông thực lục có chép 1 Thượng dụ Càn Long gửi cho Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh và Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An:

孫永清奏:「接據成林禀稱,阮光平病已稍減,於十月初三日自義安起程前赴黎城,約月半前後可以趕到。成林等定於二十前諏吉成禮。」並稱:「有文楚等,願於明年跟隨阮光平一同進京叩祝。」等語[6]

“Tôn Vĩnh Thanh tâu: “Theo sự bẩm báo của Thành Lâm, bệnh của Nguyễn Quang Bình đã thuyên giảm, bắt đầu khởi hành từ NGHĨA AN vào ngày mồng 3 tháng 10 để đến thành nhà Lê và có thể tới nơi vào khoảng giữa tháng. Bọn Thành Lâm định chọn giờ tốt trước ngày 20 để hành lễ. Lại nói: Có bọn Ngô Văn Sở xin năm sau được tháp tùng Nguyễn Quang Bình cùng đến kinh đô chúc thọ.”

Càn Long triều thượng dụ đáng có chép 1 đạo dụ văn Càn Long gửi cho Tuần phủ Quảng Tây Trần Dụng Phu thuật việc sau chuyến công du sang Yên kinh dự đại lễ Bát tuần vạn thọ của Càn Long, khi về nước Quang Trung có khiển sứ thần sang cống tạ:

"據福康安奏:「安南國王阮光平回至義安,遴委陪臣,恭表凾、方物,於正月上浣自義安起程。當移行陳用敷員弁,俟該陪臣到時,即唘闗驗進,並派委員弁妥行護送進京。」等語。阮光平回至本國,即派陪臣來京,恭進謝恩表凾、貢物。其恭順感悅之忱,甚屬可嘉。..."[7]

"Theo như lời tấu của Phúc Khang An thì An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình về đến NGHĨA AN đã phái bồi thần (sứ thần) cung kính mang biểu văn phương vật, vào thượng tuần tháng Giêng từ NGHĨA AN lên đường. [Bọn bồi thần đang trên đường đi thì] Trần Dụng Phu đã sai bọn quan viên, biền binh đợi [sẵn khi] bồi thần đến nơi thì mở cửa quan cho vào, cũng sai quan viên binh lính hộ tống tiến kinh. Nguyễn Quang Bình về đến bản quốc đã lập tức sai bồi thần đến kinh đô cung kính dâng biểu tạ ơn và cống vật. Lòng thành cung thuận [của Nguyễn Quang Bình] thực đáng khen ngợi lắm thay...."

 Trong một tấu chương của Tôn Sĩ Nghị gửi về triều Thanh ngày Ất Sửu (mồng 7), tháng Một, năm Càn Long 53 (Mậu Thân) [4/12/1788]:

"廣東巡洋把總許昌義,帶兵四十名,在洋遭風,將船漂至安南義安地方,經該處夷官將官兵送至黎城,由嗣孫黎維祁之叔黎維礻出名,撥給口糧,將把總許昌義及兵丁四十名分作兩次送至軍營。..."

"Tuần dương Bả tổng Quảng Đông Hứa Xương Nghĩa đem theo 40 quân sĩ, trên biển gặp gió bão, thuyền trôi dạt đến đất NGHĨA AN An Nam, được bọn quan viên xứ ấy đem quan binh đưa đến Lê thành, [sau] được chú của ự tôn Lê Duy Kỳ là Lê Duy Cẩn thay mặt xuất danh cấp cho khẩu phần lương, đưa Bả tổng Hứa Xương Nghĩa và 40 binh đinh chia làm 2 nhóm đưa đến quân doanh...."

Ở đây, hai chữ “Nghĩa An” được trích xuất từ di sản văn chương của Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm - vốn là văn thần từng triều Tây Sơn chuyên việc soạn thảo công văn bang giao giữa 2 nước Thanh Việt, đồng thời là sứ thần triều Tây Sơn sang sứ và cầu phong. Chính vì vậy, di văn của họ luôn có đỗ xác tín cao. Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt rõ, bởi dù mang danh là biểu văn triều Tây Sơn đệ trình lên Càn Long, nhưng những câu chữ được nói tới lại là bản chép lại ở trong khoảng thời gian sau đó mà không phải là văn bản gốc do 2 danh nhân nói trên soạn thảo.

Còn tại phần thư tịch Trung Hoa, sách Thanh Cao Tông Thực Lục và Khâm Định An Nam Kỷ Lược - 2 cuốn sách được biên soạn bởi người Thanh và phát hành tại nước Thanh. Những bản tấu trong đó đều đã được các sử gia chép lại, mà cũng không phải là văn bản gốc. Còn bộ Cung trung đáng Càn Long triều tấu chiệpCàn Long triều thượng dụ đáng cũng chỉ là những văn bản chép lại, và văn bản này không trực tiếp tham gia vào những sự kiện mà bản thân nó đề cập tới. Như vậy, độ xác tín rất thấp. Những văn bản chép lại, dù là chính sử chép hay tư sử hay bất cứ một cá nhân hay tập thể nào đó, đã sao chép lại ắt có sự “tam sao thất bản”.

Theo chúng tôi, những công văn do phía Tây Sơn gửi sang nhà Thanh ghi 2 chữ 乂安 nhưng khi người Thanh biên chép lại, có thể  thấy tự dạng chữ lại nhầm tưởng chữ nên ghi là ; sau đó lại có thêm một số người tiếp tục biên chép lại, thấy chữ lại viết lại thành 義安 cho “chính thống”.

Đặc biệt, “Nghĩa An” không phải tới thời Tây Sơn mới xuất hiện, mà trước đó gần 400 năm, hai chữ “Nghĩa An” đã có mặt trên nhiều văn bản. Xin được nêu ra ví dụ cụ thể:

Trong bài “Tiến bình Nam hiến phu lộ bố” của đại tướng nhà Minh là Trương Phụ, có câu: …師進演州府荼龍縣探知首賊逋於義安府深江… sư tiến Diễn Châu phủ Trà Long huyện thám tri tặc bô ư NGHĨA AN phủ thâm giang.

Trong sách Việt Kiệu thư của Lý Văn Phượng, có câu: …知黎氏父子已遁逃至義安府張輔與左副將軍商議後決定兵從兩路陸路由張輔領之水路則由柳升等率舟師追之… tri Lê thị phụ tử dĩ độn đào chí NGHĨA AN phủ, Trương Phụ dữ Tả phó tướng quân thương nghị hậu quyết định binh tòng lưỡng lộ, lục lộ do Trương Phu lãnh chi, thủy lộ tắc do Liễu Thăng đẳng suất chu sư truy chi…

Vậy “Nghĩa An” ở 2 sách trên là Nghĩa An nào? Khả năng cao nó cũng tương tự như Nghĩa An thời Tây Sơn mà thôi. Bởi chúng cũng chỉ là những sách được viết lại vào thời gian sau mà không phải là bản gốc do chính Trương Phụ hay Lý Văn Phượng viết. (Bài văn lộ bố của Phụ được chép lại trong sách “Hoàng Minh kinh thế văn tuyển”).

Như vậy, rõ ràng những tư liệu cấp 2 cấp 3 trong sử liệu Trung Hoa nói trên không đủ để khẳng định rằng dưới thời Tây Sơn tồn tại tên gọi “Nghĩa An”. Lịch sử là những cái đã qua, nên không một ai có thể thấy tận mắt nghe tận tai những gì xảy ra ngày trước. Như vậy, nếu muốn biết lịch sử như thế nào, chúng ta chỉ có thể dựa vào những tư liệu và nhân chứng đủ độ tin cận thông qua bằng chứng gốc (original evidence) và tài liệu gốc (primary documents).

Để khẳng định việc rằng dưới thời Tây Sơn không tồn tại tên gọi “Nghĩa An”, chúng tôi xin đưa ra nhiều tư liệu, tất cả đều là những bằng chứng gốc và tài liệu gốc, tất cả đều chưa từng trải qua sự sao chép hay viết lại, và quan trọng hơn là chúng đều trực tiếp tham gia vào sự kiện được nói tới dưới triều Tây Sơn.

Về việc xây dựng kinh đô tại Nghệ An như đã nói ở trên, ngay từ những năm trước khi chưa lên ngôi, Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ đã để ý đến Nghệ An với vai trò là kinh đô mới của triều đại. Sau khi mời La Sơn Phu tử ra cùng trị nước, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đã giao cho La Sơn Phu tử thị sát chọn mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi nhất tại Nghệ An để xây dựng kinh đô. Về việc này, Long Nhương Tướng quân đã gửi thư cho La Sơn Phu tử vào ngày mồng 1 tháng 6 năm Thái Đức thứ 11 (1788), nội dung như sau (chữ Nôm):

“Chiếu truyền La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp khâm tri. Ngày trước uỷ cho Phu tử về Nghệ An tướng địa làm đô cho kịp kỳ này hồi ngự. Sao về tới đó, chưa thấy đặng việc gì. Nên hãy giá hồi Phú Xuân kinh hưu tức sĩ tốt (cho binh sĩ nghỉ ngơi). Vậy chiếu ban hạ Phu tử tảo nghi dữ Trấn thủ Thận cộng sự, kinh chi doanh chi, tướng địa tác đô tại Phù Thạch (sớm cùng Trấn thủ Nguyễn Văn Thận tính toán mà làm việc đó, chọn đất dựng đô tại Phù Thạch). Hành cung sảo hậu cận sơn (hành cung thì cất ở phía sau gần với núi). Kỳ chính địa, phỏng tại dân cư ư gian, hay là đâu cát địa khả đô, duy Phu tử đạo nhãn giám định (Nơi đất ấy, tìm chỗ ở giữa nơi dân ở, hay là đâu là đất tốt có thể dựng đô, cứ theo con mắt nghề của phu tử mà giám định). Tảo tảo bốc thành (sớm sớm chọn được)! Uỷ cho Trấn thủ Thận tảo lập cung điện (sớm lập cung điện). Kỳ tam nguyệt nội hoàn thành (trong vòng 3 tháng phải hoàn thành), được tiện giá ngự. Duy Phu tử vật dĩ nhàn hốt thị (Vậy Phu tử đừng chậm trễ không chịu xem). Khâm tai! Đặc chiếu”.

Thái Đức thập nhất niên, lục nguyệt, sơ nhất nhật (Ngày mồng 1 tháng 6 năm Thái Thứ thứ 11).

Bức thư chữ Nôm vua Quang Trung gửi La Sơn Phu tử.

 

Hơn 2 tuần sau, vào ngày 19 tháng 6, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ lại gửi tiếp cho La Sơn phu tử một bức thư, nội dung như sau:

Nguyên văn:

詔羅山夫子阮涉欽知於本年六月十九日御見夫子文其間僃言地勢可否與生民情瘼及証以古人名言事跡相諷此藥石之論大稱予旨第以得國之初人心始附不於乂安以時控上游何以制中外諒夫子亦審知之矣玆樂聞夫子之言大工作之事姑從暫緩然御幸之所不可不預早為之姑煩夫子相事卜日苟完亦國家保治之計夫子其諒之欽哉特詔

泰德十一年六月十九日

Phiên âm:

Chiếu La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp khâm tri: ư bản niên lục nguyệt thập cửu nhật ngự kiến Phu tử khải văn. Kỳ gian, bị ngôn địa thế khả phủ, dữ sinh dân tình mạc. Cập chứng dĩ cổ nhân danh ngôn sự tích tương phúng. Thử dược thạch chi luận đại xưng dư chỉ. Đệ dĩ đắc quốc chi sơ, nhân tâm thủy phụ, bất ư Nghệ An dĩ thời khống thượng du, khả dĩ chế trung ngoại. Lượng phu tử diệc thẩm tri chi hĩ. Tư lạc văn Phu tử chi ngôn, đại công tác chi sự, thủy tòng tạm hoãn. Nhiên ngự hạnh chi sở bất khả bất dự tảo vi chi. Cô phiền Phu tử tương sự, bốc nhật. Cẩu hoàn diệc quốc gia bảo trị chi kế. Phu tử kỳ lượng chi. Khâm tai. Đặc chiếu.

Thái Đức thập nhất niên lục nguyệt sơ cửu nhật. (Ấn) Quảng Vận chi bảo.

Dịch nghĩa:

Chiếu cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp cùng biết: vào ngày 19 tháng 6 năm nay ta ngự xem tờ khải của Phu tử. Trong đó có nói đầy đủ địa thế tốt xấu cùng với tình trạng thống khổ của sinh dân. (Phu tử) lại lấy danh ngôn sự tích của người xưa để can gián. Luận lý ấy như thang thuốc tốt rất hợp với ý ta. (Nhưng) buổi ban đầu khi mới gây dựng được nước, lòng người mới theo, (nếu) không ở Nghệ An để thường xuyên chế ngự vùng thượng du thì lấy đâu mà khống chế trong ngoài? (Ta) Chắc rằng Phu tử cũng hiểu rõ điều này vậy. Nay rất vui khi được nghe lời của Phu tử, thì việc xây dựng lớn hãy theo đó mà tạm hoãn. Nhưng cái nơi mà ta ngự đến thì không thể không dự liệu sớm để thực hiện. Phiền Phu tử nắm việc và xem ngày. Nếu như hoành thành thì đó cũng là kế để bảo trị quốc gia vậy. Xin Phu tử hãy định liệu. Khâm tai. Đặc chiếu.

Ngày 19 tháng 6 năm Thái Đức thứ 11. (Ấn) Quảng Vận chi bảo.

Như vậy, ngay bản thân vua Quang Trung gửi thư cho La Sơn phu tử vẫn dùng tên gọi “Nghệ An” chứ không hề nhắc tới tên gọi “Nghĩa An”. Đặc biệt nhất, ở bức thư quan Trấn thủ Nghệ An thời Tây Sơn là Thận Trực hầu Nguyễn Văn Thận gửi cho La Sơn Phu tử nhằm đốc thúc thực hiện nhanh chóng mọi công việc liên quan tới việc xây dựng kinh đô. Cụ thể như sau:

Nguyên văn:

欽差鎮守官慎直侯

肅詞于

羅山夫子文几青炤係玆恭奉詔旨建立京付陳梁山將回國王其艚小不能載有好香貳株雨油盖壹柄都詞油盖壹

柄再寄與國王為信國王如好本

泰德十一年七月初四日. 乂安鎮府章

Phiên âm:

Khâm sai Trấn thủ quan Thận Trực hầu.

Túc từ vu: La Sơn Phu tử kỉ thanh chiếu hệ. Tư cung phụng chiếu chỉ kiến lập kinh đô. Gian dĩ, truyền hạ các huyện xã bát khởi tề lai công trúc. Túc thỉnh phiền di ngọc chỉ tựu tại hành cung chiếu định phương hướng cập kỳ doanh tạo. Vật sử dân đinh yêm lưu lãng phí. Tư từ.

Thái Đức thập nhất niên thất nguyệt sơ tứ nhật. (Ấn) Nghệ An trấn phủ chương.

Dịch nghĩa:

Quan Khâm sai Trấn thủ (là) Thận Trực hầu Kính thư đến La Sơn Phu tử cùng chiếu lãm. Nay [chúng tôi] cung kính vâng theo chiếu chỉ kiến lập kinh đô. Trong đó, đã truyền xuống các huyện, xã lo xong các khoản bới đào, xây đắp. Kính mời (Phu tử) cảm phiền dời gót ngọc đến tại hành cung, định rõ phương hướng cho đúng kỳ xây dựng, tránh khiến cho dân đinh lưu lại lâu ngày gây lãng phí. Nay kính thư.

Ngày mồng 4 tháng 7 năm Thái Đức thứ 11 (1788). (Ấn) Nghệ An trấn phủ chương.

Ấn triện “Nghệ An trấn phủ chương” của quan Trấn thủ Nghệ An thời Tây Sơn

 

Trong văn bản này, câu đầu tiên ghi rõ 欽差鎮守官慎直侯 “Quan Khâm sai Trấn thủ (là) Thận Trực hầu” và đặc biệt nhất là dấu ấn triện son đóng trên bức thư có dạng hình vuông, kích cỡ 6,8x6,8cm cùng 5 chữ Hán được viết theo thể Triện là 乂安鎮府章 “Nghệ An trấn phủ chương” (con dấu của phủ trấn Nghệ An) cho ta biết đây là văn bản do vị quan Trấn thủ tại trấn Nghệ An gửi đi. Thận Trực hầu Nguyễn Văn Thận Khi được Nguyễn Huệ phong chức Trấn thủ Nghệ An khi ông ra Bắc lần thứ nhất vào giữa năm 1786, và ông giữ chức vụ này trong suốt thời gian tồn tại của triều Tây Sơn, đáng tiếc sử sách không ghi lại nhiều thông tin về ông. Nhưng thông qua dấu triện son 乂安鎮府章 “Nghệ An trấn phủ chương” tại văn bản nói trên đã cho chúng ta thấy rằng dưới triều Tây Sơn không hề tồn tại tên gọiNghĩa An” mà chỉ có tên gọi “Nghệ An” mà thôi.

 Trong tất cả các tư liệu thành văn thì những văn bản đóng dấu triệu son có giá trị xác tín rất cao bởi nó đã được chính quyền phong kiến xác nhận nhằm đảm bảo tính chân thực và hiệu lực pháp lý của các văn bản được ban hành. Việc vua cấp ấn triện cho những quan lại tại các trấn là ủy quyền thay mặt thiên tử để cai trị lê dân trăm họ. Chính vì vậy ấn triện cũng chính là biểu hiện của quyền lực và uy tín.

Bên cạnh những văn bản mang niên hiệu Thái Đức nói trên, thì những văn bản mang niên hiệu Cảnh Thịnh vào đầu thế kỷ 19 cũng chưa từng ghi nhận tên gọi “Nghĩa An”. Tờ Phó niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 9 (1801) do Đô ngự sử Hoằng Nghị hầu sai phái Nhưng Tài hầu Nguyễn Văn Điểm về bản quán tại Nghệ An huy động quân lương cho triều đình Tây Sơn, nội dung như sau:

Nguyên văn:

都察署都御史弘毅侯

一付忠勤校尉軍使仍才侯並軍拾肆人等由…故此合付許伊員率回乂安鎮本貫運用糧餉限壹个月再能富春京…

景盛九年四月初

Phiên âm:

Thị nội đô sát thự Đô ngự sử Hoằng Nghị hầu,

Kê:

Nhất phó Trung cần Hiệu úy quân sứ Nhưng tài hầu … cố thử hợp phó, hứa y viên quân hồi Nghệ An trấn bản quán vận dụng lương hướng. Hạn nhất cá nguyệt tái năng Phú Xuân kinh…

Cảnh Thịnh cửu niên tứ nguyệt sơ tam nhật.

Dịch nghĩa

Thị nội đô sát thự Đô ngự sử Hoằng Nghị hầu,

Kê:

Phó cho Trung cần Hiệu úy quân sứ, (tước) Nhưng tài hầu … cho nên hợp phó này, cho viên này đốc thúc quân về bản quán tại trấn Nghệ An để vận động quân lương. Hạn trong một tháng phải trở lại kinh đô Phú Xuân để sai phái việc công...

Ngày mồng 3 tháng 4 năm Cảnh Thịnh thứ 9 (năm 1801)

 

Như vậy, trải qua các văn bản từ những bức thư của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ cho tới quan Trấn thủ Nghệ An trải qua các niên hiệu từ Thái Đức tới Cảnh Thịnh dưới triều đại Tây Sơn, đều cho thấy chỉ có tên gọi “Nghệ An” mà không xác nhận sự tồn tại của tên gọi “Nghĩa An”. Giả sử hai chữ “Nghĩa An” trong sử liệu Trung Hoa nói trên có thật, thì nó cũng chỉ là tên gọi của mảnh đất Nghệ An khi bang giao với nước Thanh, chứ không phải là từ để định danh địa phương Nghệ An vào thời điểm đó.

Vào niên hiệu Quang Thái năm thứ 10 (1397), nhà Trần đổi trấn Nghệ An thành trấn Lâm An còn trấn Diễn Châu thành trấn Vọng Giang. Như vậy sau khi đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An thì tới cuối triều Trần mới có một lần duy nhất thay đổi tên gọi “Nghệ An” sang một tên gọi khác là “Lâm An” và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Từ thời Lê sơ cho tới tận ngày nay, Nghệ An chưa ghi nhận sự thay đổi tên gọi nào khác. Chính vì vậy “Nghệ An” là địa phương có tên gọi lâu đời bậc nhất ở nước ta. Tên gọi này lâu đời hơn rất nhiều so với các địa phương khác, kể cả các tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng, như: Hải Dương - ra đời năm 1469, Ninh Bình - 1822, Nam Định - 1822, Bắc Ninh - 1822, Hà Nội - 1831, Hưng Yên - 1831, Hải Phòng - 1888, Hà Nam - 1890…

Nghệ An với vị thế là địa phương có bề dày văn hóa nên xưa nay luôn là đối tượng nghiên cứu và biên soạn của nhiều tác giả lớn trong nhiều công trình địa dư có giá trị. Trong mỗi thư tịch đều có kiến giải và quan điểm riêng về một thông tin hay sự kiện nào đó trong lịch sử, như việc khẳng định dưới thời Tây Sơn “Nghệ An” đã đổi tên thành “Nghĩa An” là một trong số đó. Đại Nam nhất thống chí tuy là bộ quốc chí lớn nhất và quan trọng nhất về địa dư nước ta dưới thời phong kiến, được đánh giá cao về phương pháp biên soạn nghiêm túc và nguồn sử liệu dồi dào, nhưng đây chỉ là tác phẩm được viết ra ở giai đoạn sau thời đại Tây Sơn. Vì vậy, trong trường hợp muốn nhận thức đúng đắn về các sự kiện diễn ra trong lịch sử mà cụ thể là xác định nhân vật sự kiện của triều đại Tây Sơn, chúng ta cần phải đưa ra được chứng cứ có độ xác tín cao - tức các tư liệu gốc (Primary source) đồng đại. Những văn bản có niên đại Tây Sơn nói trên đều là những hiện vật gốc bằng văn bản được ghi chép vào đúng thời điểm mà nó xuất hiện. Đây thực sự là vật chứng gốc (Original evidence) chưa hề trải qua việc sao chép hay viết lại do người đời sau thực hiện. Chính vì vậy có thể khẳng định rằng dưới thời Tây Sơn, không hề tồn tại tên gọi “Nghĩa An”.

 

 



[1] Đại Nam nhất thống chí, nguyên bản Hán văn.

[2] Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009, tr.34.

[3] Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1978, tr.169.

[4] Bang giao hảo thoại, Bồi Thần Phụng Thướng Biểu 陪臣奉上表 (Tư liệu: Facebooker Văn Hiến Chi Bang)

[5] Dụ Am Văn Tập, quyển 4, tờ 8b-9a, Nhâm Tý xuân tư trình Phúc Tổng đốc công văn壬子春咨呈福總督公文. (Tư liệu: Facebooker Văn Hiến Chi Bang)

[6] Khâm Định An Nam Kỷ Lược, quyển 22, tờ 20a-21a. (Tư liệu: Facebooker Văn Hiến Chi Bang)

[7] Cung trung đáng Càn Long triều tấu chiệp, tập 70, trang 156. (Tư liệu: Facebooker Văn Hiến Chi Bang)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444073

Hôm nay

215

Hôm qua

2309

Tuần này

21886

Tháng này

219247

Tháng qua

112676

Tất cả

114444073